WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Sự mặc khải của thi ca

I. Thi ca – giấc mơ về tuổi thơ nhân loại:

Kinh Thánh không chép được lời của Eva xui Adam ăn trái cấm. Chỉ biết rằng khi đôi môi ma túy của nàng ghé sát vào tai chàng, chợt cơn thèm ăn trái cấm bùng vỡ trong cuống họng chàng, bất chấp lời răn đe chết người của thần linh. Mắt Adam chỉ nhìn thấy trái cấm trong y phục lõa thể của tòa thiên nhiên tuyệt mỹ. Chàng đã hành động chiều theo ý người đẹp, để chia tay sự bất tử, đồng thời nhận lấy tình yêu và cái  chết. Có lẽ, lời thì thầm của Eva khuyên Adam ăn trái cấm hôm đó là bài thơ đẹp nhất  của nhân loại? Vì vậy người đời đã gọi thi ca bằng cái tên diễm lệ: Nàng Thơ.

Thi ca và tình yêu do đó đã được sinh ra đồng thời với niềm xúc cảm tuyệt vời của ngôn từ, thông qua tiếng nói linh thiêng  của Eva, đánh thức trái tim gỗ đá Adam, khiến nó phát lộ đam mê cùng tận. Nếu phẩm hạnh của triết học là hoài nghi, của tôn giáo là đức tin, thì phẩm hạnh của thi ca là rung cảm và mơ mộng. Thi ca và tình yêu đều được phát nguyên từ cội nguồn trái tim con người, thông qua hình tượng và ngôn ngữ. Chừng như sự xuất hiện tiếng nói trong vườn Eden còn quan trọng hơn sự hiện diện của Thượng Đế.
Bởi vì trong buổi bình minh của nhân lọai, tiếng nói cũng được đồng nghĩa với thần linh. Eva và Adam cùng dắt tay nhau, một bàn tay nàng vịn vào tình yêu, một bàn tay chàng vịn vào thi ca, trả lại Thượng Đế sự bất tử để đi về phía mồ hôi, nỗi thống khổ, khoái lạc và cái chết có tên là trần thế. Từ đó, thi ca là giấc mơ của con người luôn luôn khao khát tìm về thời ấu thơ của mình trong vườn địa đàng ký ức. Nơi đó, con người sống chung với thần linh trong gia đình vũ trụ. Nơi đó, như kinh Veda mô tả, con người không thể và không muốn phân biệt mình với một đám mây, con bò hay thần thánh. Tất cả là nhất nguyên đơn sơ mà kỳ lạ, lắng đọng mà riêng rẽ, hài hòa mà phân thân.

Kinh Cựu Ước nói rằng Thượng Đế đã sáng tạo ra con người theo hình ảnh của mình. Điều này phải nói ngược lại mới chính xác. Sự sáng tạo ra khái niệm Thượng Đế là sự sáng tạo vĩ đại nhất của con người để tháo bỏ cái lốt cuối cùng của dã thú, sau khi tiếng nói và tư duy xuất hiện. Chính ý thức đã ném con người vào vũ trụ cô đơn, khiến nó sợ hãi vô cùng trước hư vô và cõi chết.

Để có một cứu cánh, một nơi bấu víu cuối cùng vào thế giới trơn tuột này, con người đã rất thông minh khi sáng tạo ra người bạn vĩ đại toàn năng theo hình ảnh của mình, như cái phao trên biển cả để vượt thoát nỗi cô đơn và cái chết. Người bạn đó, cái phao cứu hộ đó có tên là thần linh. Thiêng liêng hóa hình ảnh của mình là bước tiến nhân bản nhất của khởi nguồn nhân loại. Có thể nói, thần linh đã được sinh ra trong cảm hứng thi ca, trong rung cảm cô đơn tột cùng của con người. Ngay cả khi con người đã thoát khỏi đa thần giáo, Thượng Đế của các tôn giáo hầu như đều là đứa con sinh đôi đồng thời với thi ca.

Apollon, vị thần thi ca uy quyền vào loại bậc nhất trong thần thoại Hi Lạp là hứng khởi của chiến thắng trừ cha mình là thần Zeus. Apollon có mặt trong hầu hết sự sáng tạo nơi đỉnh Olempo, tham dự vào mọi xúc cảm của vũ trụ và con người. Chừng như chính Apollon đã hóa thân vào Homère để sáng tạo ra thiên anh hùng ca Iliade và Odyssée? Thi ca hay là sự huyền ảo của tuổi thơ nhân loại, một lần nữa, đã được một người trần mắt thịt là Homère đưa trở lại vườn Eden Hi lạp.

Ở đó, nhờ thi ca, thần linh được sống kiếp con người với tất cả bản năng nguyên thủy, với vẻ đẹp của đam mê, khoái lạc và tội lỗi. Có thể ngày nay thần linh đã rời bỏ đỉnh Olempo huyền thoại, nhưng thi ca đã không rời bỏ con người. Thi ca đã hóa thân thành nàng Pelenop,luôn luôn biết cách đợi chờ niềm thi hứng của con người, như đã từng đợi chờ chàng Odyssée trở về từ cuộc lãng du thần thoại. Từ độ con người chia tay với Thượng Đế, đi theo tiếng gọi của tình yêu và nỗi chết trong cuộc trưởng thành thống khổ của nhân loại, nó luôn tìm cách trở lại tuổi thơ của mình, trở lại vườn địa đàng tìm lại trái cấm thuở ban đầu ngon ngọt. Cuộc hành hương mơ mộng ấy có tên là Thi Ca.

II.Thi ca hay là sự cứu rỗi của cái Đẹp.

Trong cuốn “Thi Pháp”, Aristote đã gọi khoa học, nghệ thuật, trong đó hàm chứa cả khái niệm nguyên thủy linh hồn và Thượng Đế bằng một cái tên rất khải thị là Thi Ca. Chừng như khái niệm Thi Ca của Aristote có nét gì đó hao hao với khái niệm Đạo của Lão Tử, mặc  dù chữ Đạo của Lão có phần căn nguyên và rốt ráo hơn. Triết học, nói cho cùng đã được giáng sinh trong máng cỏ ấm nồng của niềm hứng khởi thi ca. Vũ trụ được gói trong một chữ Dịch của Khổng Tử hay một chữ Đạo của Lão chỉ có thể đi vào tâm trí con người bằng niềm xao xuyến thi ca. Ngay cả thế giới ý niệm duy tâm của Platon cũng phải thông qua hình ảnh ngôn từ,trong nỗi xúc cảm dù thoáng gợn lăn tăn của thi ca. Có thể mượn lời của Socrate nói về mình để nói về thi ca: “Mẹ tôi đỡ đẻ cho những sản phụ,tôi đỡ đẻ cho những bộ óc .”

Thi ca – bà đỡ kỳ diệu của triết học, đã tìm ra phép cắt rốn cho niềm siêu hình tăm tối, khiến cái tưởng như già cỗi nhất, khô cằn nhất biết cất lên tiếng khóc non tơ chào đời trong ánh sáng của suy tưởng và xúc cảm. Vì vậy, chúng ta dễ giải thích vì sao nền văn minh Trung Hoa được khởi nguồn bằng bộ Kinh Thi vĩ đại. Hầu hết các nền văn minh đều được sinh thành từ nguồn sữa Thi Ca. Văn mimh Hi Lạp bắt đầu từ thần thoại của thần thi ca Apollon và nữ thần Athena, vị thần của văn học và điêu khắc. Văn minh Do Thái khởi phát từ các chương Thi Thiên trong Cựu Ước. Trường ca Veda là nền tảng cho nền văn minh bí ẩn Ấn Độ.

Đức Phật, Chúa Jésus hay tiên tri Mahomet… nói cho cùng đều là những nhà thơ lớn vào bậc nhất nhân loại. Khởi nguồn, thông qua sự mặc khải thi ca, tôn giáo đã tìm đến con người với đôi tay bè bạn, với tiếng nói của tình nhân, với niềm an ủi sẻ chia hơn là niềm cứu rỗi. Tôn giáo mượn con đường thi ca để con người tìm ra đối trọng trước hư vô, đặng hoá giải cái chết, mang đến cho cái chết xiêm y trần gian xúng xính và một bộ mặt đầy thiên giới, do đó cũng đầy nhân tính hơn. Tôn giáo đã dùng thi ca làm đôi cánh để đưa con người bay qua vực thẳm cô đơn, giúp con người có thêm người bạn đồng hành Thượng Đế. Người bạn siêu phàm kia cũng chính là sự hoá thân của con người thông qua xúc cảm thi ca đầy mộng mơ và lãng mạn.

Nếu triết học đi tìm sự khôn ngoan, tôn giáo đi tìm thần linh thì thi ca đi tìm cái Đẹp. Chiến tranh, cuồng tín, dịch bệnh, thiên tai…hàng mấy nghìn năm qua đã đe dọa cái Đẹp của con người bằng sự dung tục hóa, bằng lòng tham và thù hận, nhưng không tước đọat được niềm mộng mơ đầy thi vị của nhân loại.

Bởi vì thi ca chính là hài nhi trong máng cỏ loài người, là sự hồn nhiên nhất của tuổi thơ nhân loại còn sót lại. Nếu đứa trẻ con ấy không còn, thì đôi mắt ngây thơ của loài người cũng biến mất, đồng thời cái Đẹp cũng biến mất. Nếu triết học là sự già giặn, là ông lão của con người thì thi ca càng cần phải giữ lấy tính trẻ con của nhân loại. Người Trung Hoa đã nhìn ra điều đó nên gọi Tạo Hóa là hóa nhi. Vì mãi giữ được sự trẻ con như vậy, nên Tạo Hóa chính là nhà thơ vĩ đại nhất đã sáng tạo ra vũ trụ và con người trong niềm thi hứng vĩnh cửu, rồi truyền cho con  người xúc cảm thi ca khởi nguồn mọi sáng tạo ấy. Chính vì vậy, cái Đẹp đã được thi ca cứu chuộc trên cây thập tự của xúc cảm ngôn từ.

III. Thi Ca trong đời sống tâm linh người Việt.

Trong lịch sử thi ca thế giới, hiếm thấy tác phẩm nào đi sâu vào đời sống tâm linh con người như Truyện Kiều của Nguyễn Du đối với dân tộc Việt Nam. Hiện tượng bói Kiều của người bình dân đã chứng tỏ vai trò của thi ca trong đời sống xã hội thật to lớn, mặc dù Truyện Kiều mới xuất hiện trên hai trăm năm nay. Chừng như Thi Ca đã mượn Nguyễn Du để cài vào mỗi câu, mỗi trang Kiều toàn bộ bí ẩn của đời sống với sự mặc khải về một tôn giáo mới-tôn giáo của cái đẹp. Trong hố thẳm tuyệt vọng, thi ca đã để sẵn một bàn tay dìu dắt.

Trong trái cây đau khổ, thi ca là cái nhân cựa quậy một niềm vui rón rén nảy mầm. Bằng hai bàn tay may rủi, con người tìm cách bấu víu vào mỗi câu Kiều như bấu víu vào ánh lửa le lói trong chính tâm hồn mình, đặng nhờ thi ca mách bảo những điều mà thần linh không thể mách bảo. Thi ca tìm đến với con người không phải bằng nỗi sợ hãi thần thánh của tôn giáo mà bằng niềm tri âm tri kỷ rất tình nhân, an ủi mà không thương hại, trìu mến mà không ban phát, say đắm mà không cuồng dại. Cái đẹp nơi Truyện Kiều không chỉ cần được giải mã bằng tiếng kêu thương, bằng niềm khắc khoải, mà còn cần được giải mã bằng đức tin và niềm hi vọng.

Người ta chắp tay để: “Lạy ông Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều…” như là để lạy chính nỗi thống khổ của kiếp người, lạy sự chịu đựng, sự hi sinh, thậm chí yếu đuối thiệt thòi của cái thiện, lạy cái phần bị đày ải nhất của nhân sinh. Ở nơi đó là “thập loại chúng sinh”, cái gốc của cái đẹp nâu sồng mà mimh triết,giản dị mà bền vững. Do vậy, chúng ta hiểu vì sao thi ca có lúc đã biến thành kinh kệ trong đền chùa miếu mạo như trường hợp “văn tế thập loại chúng sinh” của Nguyễn Du và của một số nhà thơ khác.
Trước khi tam giáo được truyền vào Việt Nam,thi ca đã xuất hiện cùng với tuổi bình minh của dân tộc. Nền văn chương truyền miệng với ca dao tục ngữ đã làm nên dấu ấn tâm hồn Việt Nam, tạo nên bản sắc thẩm mỹ của đời sống tinh thần dân tộc. Trong chừng mực nào đó, thi ca với gương mặt ca dao tục ngữ là nơi ký gởi ký ức và kinh nghiệm nhân sinh của cộng đồng, đồng thời thi ca còn đóng vai trò như những câu kinh trong tôn giáo, giúp con người có cơ hội tìm lại hình ảnh mình trong đời sống tâm linh, thông qua nỗi xúc cảm và vẻ đẹp của thế giới trong tư duy , trong ngôn từ. Sự sáng tạo ra thể thơ lục bát trong ca dao phải chăng là sự sáng tạo kỳ vĩ nhất của thi ca dân tộc, là nhịp đưa nôi của tuổi thơ Lạc Việt, là tiếng ầu ơ của của mẹ Âu Cơ, của biển ru bờ.

Nhịp thơ sáu tám dường như cũng đưa đẩy, gập ghềnh, trầm bổng theo vận nước nổi trôi, theo dáng hình tia chớp của một đất nước mà lịch sử luôn giành cho những con đường khúc khuỷu, cam go. Cái hồn nước đã được thi ca gởi gắm trong lục bát ca dao, may mắn thay thế hệ chúng ta vẫn còn giữ được, mặc những hò hét hiện đại chủ nghĩa, mặc những dòng thơ lai căng tây hoá giả cầy. Cái hồn lục bát ca dao mới mẻ mãi mãi kia chính là của ăn đường, là vốn liếng của hành trình thi ca dân tộc. Nó được lời thêm, giàu thêm bởi Nguyễn Du, Nguyễn Bính, Huy Cận…Nó rung động ngay cả niềm tin tôn giáo của dân chúng trong điệu hát chầu văn nơi đình chùa lễ hội, khơi dậy niềm vui sống trong làn điệu chèo, quan họ, ví dặm hoặc hát đúm. Lục bát như sợi dây lạt buộc lời giao duyên, buộc liền anh vào liền chị, buộc bộ tộc Lạc Việt vào mảnh đất hình chữ S này trong niềm đa cảm của nền văn minh lúa nước.

Dân tộc chúng ta đã tiếp nhận Phật giáo, Nho giáo,Đạo giáo thông qua đôi mắt hồn nhiên, mơ mộng, thông qua một tâm hồn thi sĩ. Tôn giáo được truyền vào nước ta không chỉ có niềm tin siêu hình, mà còn cả nét tinh hoa của văn hoá Trung Hoa và Ấn Độ . Phật giáo được kết hợp với triết học đầy thi hứng của Lão Trang truyền qua nước ta sau khi đã được truyền trực tiếp từ Ấn Độ. Từ thiền phái của nhà sư Tây Trúc Ti-ni-đa-lưu-chi đến thiền phái của nhà sư Trung Hoa Vô Ngôn Thông đã tạo ra thiền tông Trúc Lâm Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng Sỹ chính là công cuộc Việt hoá thiền tông trong cảm xúc thi ca bí ẩn của đời sống tâm linh dân tộc. Thiền,hay chính là thi ca được cô tịch trong tột cùng im lặng ? Cuộc đi tìm Niết Bàn trong mỗi tâm hồn con người hoá ra lại thông qua niềm hứng khởi thi ca, thông qua xúc cảm về cái đẹp hằng sống trần gian hơn là đi tìm chỗ bấu víu trong hư không thăm thẳm. Hầu hết các nhà sư thời Lý đều là những nhà thơ thiền như Không Lộ thiền sư, Mãn Giác thiền sư…Phật giáo thông qua đôi mắt ngơ ngác huyền ảo Lão Trang tạo tiền đề cho Thiền xuất hiện, được truyền qua Việt Nam trong tinh thần thực tiễn thâm sâu Nho giáo, kết hợp với cái mộc mạc hồn nhiên, dân dã, giản dị và chân thành Giao Châu, tạo ra hàng loạt nhà thơ, những người hướng dẫn tinh thần dân tộc như: Pháp Thuận, Ngô Chân Lưu, Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn, Lã Đinh Hương, Lý Phật Mã…Thi ca đã biết cách cư trú nơi chùa chiền miếu mạo không phải trong vai trò tín đồ hay sư sãi, mà là biểu hiện của cái Đẹp, là nét xao xuyến trần gian ngay trong lòng siêu hình hư tưởng.

Thi ca – con đường sương khói dẫn đến đời sống tâm linh con người, là con thuyền chở Đạo, đồng thời cũng biết cách biến mình thành phương tiện tự vệ khi cộng đồng lâm nguy. Huyền thoại về bài thơ “Thần” của Lý Thường Kiệt trên phòng tuyến sông Như Nguyệt đã chứng tỏ vai trò, sức mạnh của thi ca trong cuộc đánh bại quân xâm lược qủa là to lớn. Suốt hành trình lịch sử, khi có giặc, thi ca đã thành vũ khí, thành tiếng kèn xung trận. Khi hòa bình, thi ca tham gia vào đời sống đạo hạnh, gìn giữ thuần phong mỹ tục khi Nguyễn Trãi soạn “Gia huấn ca”, Lê Thánh Tông tức cảnh sinh tình, mượn thi ca mà an dân trị quốc …Thi ca tham gia vào mọi hoạt động của đời sống xã hội, gia đình và cá thể. Cuộc sống dù cực nhọc chừng nào cũng phải giữ lấy chất thơ của nó, như giữ lấy cốt cách mộng mơ dân tộc.

Cũng như bao đất nước khác trên hành tinh, đất nước chúng ta bao giờ cũng vẫn là một đất nước thi sỹ. Thi ca đã xuất hiện đồng thời với tiếng Việt, đã song hành với mọi thăng trầm lịch sử, đã góp phần to lớn trong sự hình thành bản sắc văn hóa và nền tảng tinh thần dân tộc. Nhiều người lo sợ cho sự tồn tại của thi ca trước sự xâm lăng toàn diện của chủ nghĩa thực dụng thời kinh tế thị trường khắc nghiệt này. Không, thi ca vẫn là dòng nước ngầm nuôi dưỡng sự xanh tươi trong đôi mắt hồn nhiên ngơ ngác của dân tộc. Thiếu đôi mắt hồn nhiên kia, thi ca có thể sẽ ra đi cùng với sự ra đi của ngôn ngữ. Nhưng thảm hoạ ấy sẽ không bao giờ xảy ra, khi thi ca mãi mãi giữ lại cho chúng ta cái tuổi thơ huyền nhiệm của dân tộc và nhân loại. Ở đó, trong đời sống tâm linh con người, thi ca bao giờ cũng là niềm mặc khải của Chân Thiện Mỹ, hoài niệm và tiên cảm cho chúng ta về một thế giới mãi mãi tồn tại trong nỗi xúc động ban đầu…

© Trần Mạnh Hảo
————————————————
Nguồn: Văn học – Phê bình – Tranh luận, NXB Lao Động, Hà Nội, 10/2004

13 Phản hồi cho “Sự mặc khải của thi ca”

  1. Người San Jose says:

    (Sự mặc-khãi của thi-ca.
    Đôi môi ma-tuý của nàng.)
    Ông Trần-mạnh-Hảo vẽ một con cọp.
    Tôi nhìn vào lại thấy giống con chó.
    Lạ thật !

    Người San Jose

  2. linhmieulalinhmuc says:

    Gửi khổng cả trời
    Tôi thấy tội nghiệp cho ông quá, truyền thuyết Lạc Long Âu Cơ là loại hư cấu, mà chính nét hư cấu đó làm cho dân tộc Việt Nam có một sự đoàn kết gần gũi, chứ không phải là để tàu lấn sân lấn biển như ông diễn giải. Trong cách diễn giải của ông là nên quy kết về một mối thánh linh – kind of foolshit maniac – loại bị ám ảnh mà trở nên điên loạn ( vào nhà các giáo dân hình tượng ông jesudd treo khắp nơi mọi chốn, hình như chỉ trừ có cái toalet mà thôi) mà dân có học phương tây vẫn cười trừ và nói sau lưng mấy ông cha cố đó ông.

  3. peter says:

    Đây là một bài viết xuất phát từ địa ngục. Hoàn toàn tối tăm. Chỉ có những ai ở trong địa ngục mới ca ngợi nó.

  4. Khổng Đức Thiên Tâm says:

    Đức Chúa Jêsus phán với Ni-cô-đem thuộc dòng Pha-ri-si, là một người trong những kẻ cai trị dân Giu-đa.:
    ” Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sinh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời.
    Ni-cô-đem thưa rằng: người đã gìa thì sinh lại làm sao được? Có thể nào trở vào lòng mẹ sinh lần thứ hai sao?
    Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh-Linh mà sinh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời. Hễ chi sinh bởi xác-thịt là xác-thịt: hễ chi sinh bởi Thánh-Linh là thần. Chớ lấy làm lạ về điều ta nói với các ngươi: Các ngươi phải sinh lại “, Giăng 3:1-7.
    Sinh lại trong tiếng Anh là born again và các tín đồ Hội Thánh Tin Lành thường dùng hai tiếng ghép lại là tái sinh.
    Nếu nhờ cậy Thánh-Linh Chúa ban cho Thần của Ngài để phân biệt các linh qua bài viết của ông, thì ông Trần Mạnh Hảo:
    Chưa được tái sinh là chắc.
    Nếu chưa được tái sinh, chắc hẳn không thể VÀO được nước Đức Chúa Trời. Và đã không vào được thì không thể THẤY được nước Chúa.
    Đã không thấy được nước Đức Chúa Trời là nước thuộc Thánh-Linh Chân-Thần, ông Hảo lấy cách nào để minh chứng các loại thần linh ông tin qua bài viết của ông là có thật?

    Nơi phát triển và ổ chứa các linh tà như phù thủy, thầy pháp, kẻ hay dùng ếm-chú, người đi hỏi đồng-cốt, kẻ thuật-số, hay là kẻ đi cầu vong đều từ Hán-Tầu, Bắc-Kinh. Kế hoạch, chiến lược tàn ác xâm lăng của Đại Hán là mang đủ các loại linh giới thuộc nhiều loài tà thần gieo rắc vào hai phần mềm dân lành đất Việt là hồn và linh.
    Khi tâm linh bị tối tăm, rối loạn là ác mộng cùng sự sợ hãi, thì phần hồn không thể nào được sáng soi, để định hướng đi đúng cho cuộc đời cuả mình. Những tin vui không bao giờ thấy, nhưng chỉ thấy toàn những tin hung.
    Độc ác hơn nữa, Hán Tàu còn gieo vào Tộc Việt non trẻ một nền giáo dục thần hoang gỉa dối. Câu chuyện hư cấu mà đến giờ này, thời đại này vẫn nhiều người tin rằng: người Việt sinh ra từ 100 trứng do Âu cơ và Lạc Long Quân, là dòng dõi, con của rồng, cháu của tiên. 100 trứng nở ra 100 người con, 50 trai, 50 gái, và hai ông bà li dị nhau vì không hòa hợp. Lạc Long Quân dắt 50 người xuống biển, Âu cơ dắt 50 người con gái lên rừng.
    Cứ ngắm xem trống đồng là thấy hình ảnh sinh hoạt thân thương, năng động của tổ tiên người Việt chúng ta, một gia đình vợ chồng hòa hợp, chăm sóc bảo vệ con cái rất thận trọng và khác hoàn toàn những gì trong câu chuyện Biển và Rừng li dị nhau để đến nay Hán Tầu sơi hết Rừng và Biển.
    Đến bao giờ mới chấm dứt hết sự gieo rắc các tà-linh, ma quái và đầy hoang tưởng vào Việt-Tộc? Và khi nào Dân Tộc Ta mới thoát khỏi nghèo đói, bệnh tật, dịch lệ và chiến tranh?

    Chúng tôi là tín đồ của Chúa Jêsus, gồm có cả Tổng thống Bush và Phu nhân, là thành viên xác tín đức tin đã được Thánh-Linh Chúa sinh lại. Chúng tôi nhân danh Chúa, hiệp một lòng cầu nguyện cho Tộc Việt, nhiều linh, hồn được sinh lại, được Chúa cứu trước khi làm thơ, sáng tác nhạc và viết văn
    Tôi cũng tha thiết nguyện cầu Chúa cho ông Hảo không nên viết, khi chưa có dấu hiệu xác tín về tâm linh. Ông Hảo phải được Thánh-Linh Chúa sinh ông lại, và chính Ngài đóng dấu ấn của Ngài vào hai phần mềm của ông, đó là Linh và Hồn. Khi lẽ thật về Thần-Linh cư trú trong lòng ông, ông sẽ thấy nhu cầu cấp bách của Tộc-Việt là gì và cần gì?
    Ông không nên tư ái khi Chúa hướng dẫn tôi gửi tới ông sứ điệp Thần diệu-kỳ này của Ngài.
    Chúa Jêsus rất yêu thương ông và Báo-Tộc-Việt.

    • linhmieulalinhmuc says:

      Tôi thấy tội nghiệp cho ông quá, truyền thuyết Lạc Long Âu Cơ là loại hư cấu, mà chính nét hư cấu đó làm cho dân tộc Việt Nam có một sự đoàn kết gần gũi, chứ không phải là để tàu lấn sân lấn biển như ông diễn giải. Trong cách diễn giải của ông là nên quy kết về một mối thánh linh – kind of foolshit maniac – loại bị ám ảnh mà trở nên điên loạn ( vào nhà các giáo dân hình tượng ông jesudd treo khắp nơi mọi chốn, hình như chỉ trừ có cái toalet mà thôi) mà dân có học phương tây vẫn cười trừ và nói sau lưng mấy ông cha cố đó ông.

      • Khổng Đức Thiên Tâm says:

        Gửi ông linhmieu…
        1/ Dòng chữ ông viết là quốc ngữ do Linh-Mục được Chúa khải thị và biên soạn. Nếu ông đang xử dụng tiếng Việt của một người điên, chắc hẳn ông đã bị điên đến độ không cứu được nữa.
        2/ Tổng thống Bush và Tổng thống Regan cùng đức tin nơi Chúa Jêsus, người Mỹ phương tây cũng điên để bầu các ông làm Tổng thống sao?
        3/ Mời ông nhân danh Lạc Long và Âu Cơ để lấy lại Hoàng-Sa đi, hiện nay không thuộc về Hán Tầu hay sao?
        Các cha cố có thể sai, nhiều Cha cố nhân danh Chúa Thánh, Chúa Nhân Từ, nhưng nơi kín đáo họ làm điều ô-uế và gian ác, cũng như các Sư, Sãi vậy, đó chỉ là số ít. Không nên nhìn vào con người và tôn thờ vật thọ tạo.
        Tôi chỉ trình bầy trên diễn đàn và mong ước VN phân biệt đâu là Chân Thần và linh gỉa dối?
        Xin Ông đừng lạc đề và vô tình làm gián điệp phần mềm cho Hán Tầu cư trú Tâm Linh Người Việt Thiện Lành!

      • linhmieulalinhmuc says:

        thưa ngài mượn gió bẻ măng thiên chúa.
        dạ không có Mỹ thì ai trả biển trả đảo cho Việt Nam nhỉ. Tôi hỏi ông ai chiếm nhỉ? Philiippine? Đài loan đó. Nhất là Phillipine cùng thứ tôn giáo dịch giặc với ông, ông có ngon thì thuyết giải dùng tiếng anh tuyên truyền với người Phi, người Đài đi. Có thằng Đài, thằng Phi nào nghe ông không nhỉ? Mỹ chỉ nói là lên tiếng bảo vệ tự do hàng hải thôi, còn thực chất sau lưng Mỹ và Trung đều mưu mô muốn chia chiếc bánh biển Đông thôi ông ạ.
        (BBT cắt. Đề nghị bạn không bàn sâu về tôn giáo ở đây)

      • linhmieulalinhmuc says:

        Gửi tiếp ông khổng cả trời.
        chữ viết là một quá trình tiến hóa, ghi nhận công trạng cho một ông cha về Viết Việt Nam. Thế ông ghi nhận công lao mặc khải thế nào với chữ viết Latin, vì hồi đó đâu có công giáo đâu? ông cũng thích buôn chuyện thì tôi cũng buôn chuyện cho ông nghe. Nhưng thực sự tôi không cố chấp, tôi chỉ nói cái hay cái đúng, còn phần ông chỉ là CHỐNG CHẾ VÀ NGỤY BIỆN.
        ông bảo tôi điên là do tôi dùng từ foolshit maniac với những người như ông, thưa rằng cái đó là do tôi học từ chính người phương tây nói về các ông chứ tôi chẳng thèm bịa ra tốn công. ông thì bẻ chữ để nói lại tôi cũng điên giống các ông thì ông đúng là loại bình dân, bình luận từng chữ theo đuôi người khác. Riêng tôi, tôi chỉ đưa ra những dẫn chứng đúng đắn, nói có ngọn có ngành, không bẻ chữ kiểu ” có học” như ông đâu.

        Xin ông cứ chống mắt chờ xem một xã hội mê tín, không biết điều chỉnh cho thích nghi với đà tiến hóa thì sẽ đi về đâu? Dù đó có là Hoa kỳ đi chăng nữa ông ạ.

  5. Thanh Lam says:

    Rống rồng rổng rỗng rộng hư không,
    Tính tình tỉnh tĩnh tịnh thong dong.
    Tuyết trắng đọng trong lòng chén bạc,
    Tưạ hồ như có lại như không.

  6. Tien Pham says:

    “Chỉ biết rằng khi đôi môi ma túy của nàng ghé sát vào tai chàng, chợt cơn thèm ăn trái cấm bùng vỡ trong cuống họng chàng, bất chấp lời răn đe chết người của thần linh. Mắt Adam chỉ nhìn thấy trái cấm trong y phục lõa thể của tòa thiên nhiên tuyệt mỹ.”

    Hehe, tôi nghĩ ông TMH đang “hư cấu”! Theo như tôi biết, trong Cựu Ước, mắt của ông Adam và bà Eve kô có mở. Chỉ khi hai ông bà ăn trái cấm rồi, mắt mới mở. Cái mà ông Adam thấy đầu tiên là bà Eve! Chỉ có mắt bà Eve hay ông Adam mở trước hay mở sau mới tạo nhiều xì căn đan “bình loạn” sau này!

  7. PHC says:

    Thưa; Một người lính VNCH, trện đồi hành quân, nhìn khắp
    quê hương qua Giấc mơ Hòa bình. Vậy xin có Thơ rằng:

    TIẾNG GỌI

    Cho thấy mãi đồi nương trong gió hát
    Rủ nhau đi trốn khuất nẻo chân trời
    Và thông ngàn theo hút bóng mây xuôi
    Những-nốt-nhạc-chim hòa vang bốn hướng

    Cho tôi sống và không cần tưởng tượng
    Cảnh vô bờ không chướng ngại cách ngăn
    Đôi cánh buồm là mặt phẳng thủy ngân
    Trôi rất nhẹ, có gì trên khoang đó?

    Cho khi đến, rèm song còn bỏ ngỏ
    Đừng quên giờ mai thức giấc ra đi
    Đêm yên thanh, hoa úp mặt thầm thì
    Hơn một nửa trần gian còn say ngủ

    Cho tôi gặp trên đường ra viễn xứ
    Thuở nào chim chưa xa lánh loài người
    Khi yêu đương chưa mặc cả lãi lời
    Và triết lý chưa ghi lòng sách đá

    Muôn tiếng gọi êm đềm về gối lạ
    Đàn tâm tư ngân tiếng dội, reo buông

    Cho tôi đi ngược lại hướng sâm thương
    Tìm thấy mãi trời quê tôi rực sáng

    Và trăng mười ba, trăng mười ba tỏa rạng
    Ngời lên trong giếng mắt những người yêu
    Những vị tân khoa tôi mến thương nhiều
    Tình vẫn đẹp như giờ đây tưởng nhớ

    Cho tôi đi, từ cành gai bông hồng nở
    Và đời tôi mang ý nghĩa hiện sinh
    Nhìn qua đêm bao cảnh đẹp nguyên hình
    Chỉ sáng bởi tâm tình tôi ghi đó.

    Đài tim này hai-bốn giờ vẫn mở
    Nhận truyền đi làn thông điệp Tin Yêu.

    ( Ý-YÊN. Thơ-Và-Thi-Nhân. Báo Tự Do)

    TIẾNG GỌI

    Cho thấy mãi đồi nương trong gió hát
    Rủ nhau đi trốn khuất nẻo chân trời
    Và thông ngàn theo hút bóng mây xuôi
    Những-nốt-nhạc-chim hòa vang bốn hướng

    Cho tôi sống và không cần tưởng tượng
    Cảnh vô bờ không chướng ngại cách ngăn
    Đôi cánh buồm là mặt phẳng thủy ngân
    Trôi rất nhẹ, có gì trên khoang đó?

    Cho khi đến, rèm song còn bỏ ngỏ
    Đừng quên giờ mai thức giấc ra đi
    Đêm yên thanh, hoa úp mặt thầm thì
    Hơn một nửa trần gian còn say ngủ

    Cho tôi gặp trên đường ra viễn xứ
    Thuở nào chim chưa xa lánh loài người
    Khi yêu đương chưa mặc cả lãi lời
    Và triết lý chưa ghi lòng sách đá

    Muôn tiếng gọi êm đềm về gối lạ
    Đàn tâm tư ngân tiếng dội, reo buông

    Cho tôi đi ngược lại hướng sâm thương
    Tìm thấy mãi trời quê tôi rực sáng

    Và trăng mười ba, trăng mười ba tỏa rạng
    Ngời lên trong giếng mắt những người yêu
    Những vị tân khoa tôi mến thương nhiều
    Tình vẫn đẹp như giờ đây tưởng nhớ

    Cho tôi đi, từ cành gai bông hồng nở
    Và đời tôi mang ý nghĩa hiện sinh
    Nhìn qua đêm bao cảnh đẹp nguyên hình
    Chỉ sáng bởi tâm tình tôi ghi đó.

    Đài tim này hai-bốn giờ vẫn mở
    Nhận truyền đi làn thông điệp Tin Yêu.

    ( Ý-Yên. Thơ-Và-Thi-Nhân. Báo Tự Do)

  8. Miên Thảo says:

    Bài viết thật tuyệt vời. Giọng văn rất lạ, nửa như tuyên ngôn nửa như sấm truyền, kỳ bí một cách dễ hiểu mới ngoan. Viết như thế này, văn đàn Việt Nam cả trong lẫn ngoài nước khó ai có thể vượt qua ! ?

  9. Hương Bình says:

    Cám ơn nhà thơ Trần Mạnh Hảo và Đàn Chim Việt đã cho tôi đọc được một bài viết hay tuyệt vời về thi ca. SỰ MẶC KHẢI CỦA THI CA được viết với một bút pháp tổng hợp : vừa lý luận vừa tuỳ bút, vừa triết học vừa mỹ học, vừa lý luận văn học vừa thần luận…tuyệt diệu. Từ khi có chữ quốc ngữ, Hương Bình tôi chưa từng được đọc bài nào hay hơn bài này. Đây là một tuyên ngôn về sứ mệnh thi ca tuyệt nhất do một người Việt Nam viết. Các bạn hải ngoại, hãy tìm dùm tôi một áng văn ngoại quốc nào viết hay hơn bài của của TMH xem, liệu có tìm ra không ? TMH thật uyên bác và dịu dàng,với một giọng văn hiền triết, văn xuôi mà xúc cảm hơn cả thi ca. Hay quá, cám ơn !

Leave a Reply to peter