Tình Cuội
Giới thiệu cuốn Tình Cuội của Thế Dũng
Nhà Văn Văn Duy tâm sự:
“Đọc tiểu thuyết Tình Cuội, tôi thích. Có người bảo“sợ“. Có gì mà sợ. Người yếu bóng vía hay sợ ma. Các cụ bảo thế. Tôi thích nó vì lối kết cấu tản mạn mà tập trung. Hơn 400 trang sách được chia ra làm 46 khúc. Chả biết tác giả gọi là chương hay đoạn. Tôi cứ nôm na gọi thế. Có những khúc như chẳng ăn nhập gì với những khúc khác. Tỷ như mấy khúc trò chuyện với Tường Cát, học sinh năng khiếu văn ở trường Nguyễn Trãi. Hình như Thế Dũng chú ý đến tổng thể hơn là cục bộ. Tôi thích Tình Cuội ở lối văn khá hiện đại. Nói gì là nói tới số. Nói ngắn bằng kiểu tách ghép từ ngữ-kiểu lắp rắp công nghiệp, lối văn giàu triết lý, giầu chất chính luận, suy cảm chặt chẽ. Tôi thích Tình Cuội vì câu chuyện lấy bối cảnh xã hội thời bao cấp mông muội từng làm cho người ta thấp bé vì miếng cơm manh áo.
…
Một anh bạn bảo tôi. Thế Dũng đả ghê quá. Đả từng anh một. Ô hay? sao cứ đọc sách lại nghĩ là đả người nọ người kia? Nếu thế thì văn học thấp hèn lắm. Tôi nghĩ khác cơ. Thế Dũng không mô tả việc yêu đương mà qua tình yêu để phơi ra những con người “Cuội“, những bộ mặt “Cuội“, những ý đồ Cuội, những hành động “Cuội“. Ai cũng mắc căn bệnh Cuội. Có người chủ động cuội kẻ khác. Có người bị đẩy vào hàng ngũ Cuội rồi thành Cuội.
…
Trong mọi quan hệ thì tình yêu là xúc động là thiêng liêng và thuộc loại bền nhất mà vẫn thành tình“ Cuội“. Tại sao? Thế Dũng đã đặt ra vấn đề đó cho mọi người suy ngẫm.
…
Tình Cuội, như một luận án tầm cỡ Tiến sĩ về xã hội học vì đã chỉ ra, đã khám phá ra một căn bệnh xã hội. Đọc Tình Cuội, tôi dở khóc dở cười, chợt giật mình và ân hận mình cũng có chất Cuội rồi. Làm thế nào tránh được căn bệnh nan giải này để con người với con người sống với nhau đẹp hơn đây ?“
(Đọc tiểu thuyết Tình Cuội- Nguyệt san Người Hà Nội 09.2006)
Vũ Anh Tuấn (Tiến sĩ Triết học):
Mày ơi…Tao đây.
Tao không thể không viết cho mày sau hai đêm “ngốn” trọn 420 trang “Tình cuội”*. “Tình cuội” đã cho tao cảm xúc về hồi ức một thời. Những nhân vật như: Quốc Vị; Nguyên phách; Dũng Thỏ; Mai Hạnh Yên; Minh Nguyệt…đã đưa tao trở về quá khứ, nhen lên những kỷ niệm buồn, vui thủa học trò ở nơi tao đã sinh ra – nơi tao đang đi vào quên lãng. Mày biết đấy, sau hơn ba mươi nhăm năm có lẻ lưu lạc nơi đất người, giờ đây tao đã là con người của phía trước. Cuộc đời đã dạy tao cần nhìn về phía trước và biết bỏ lại đằng sau những ký ức – cất vào sâu thẳm như một “trầm tích” để sau này “trà dư tửu tậu”. Vẫn biết: Nếu kẻ nào bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn hắn bằng đại bác…Song với tao phía trước vẫn quan trọng hơn nhiều. Những năm tháng trận mạc, “ Nghề trinh sát” đã khiến tao trở lên kín đáo, biết phòng thủ, thích tiến công và tất cả là luôn hướng về phía trước…Tao cũng sinh ra từ một gia đình có xuất thân thành phần địa chủ, phong kiến, Bố đi học rồi thoát ly theo cách mạng…Điểm xuất phát ấy, đến khi có chút ít hiểu biết đã cho tao lối sống “cao đạo”, “gồng mình” tu trí, xem việc học làm trọng và nghĩ về thế sự nhiều khi hơn những ham muốn bản năng. Tiếc cho khi còn trẻ ham chơi, thiếu kinh nghiệm và “phương pháp tích lũy…” để bây giờ, tao như kẻ chạy đua cùng thời gian bằng những hối hả những bươn trải… mặc dù vẫn biết đó, rồi chỉ là những thứ phù du…Cái triết lý: “Người đàn ông có cái nợ cung tên…Công danh là cái nợ nần…” đã khiến tao hành xác, nơi gia đình, chuyện đàn ông, đàn bà nhiều khi chỉ còn là tồn tại….
Tao viết vậy, chẳng phải là lời cảm ơn mày đó sao (một thằng bạn thân) – Tác giả của “Tình cuội”. Những trang viết trong mày đã kéo tao về thực tại, về với những kỷ niệm xưa, với những góc phố rêu phong bên những cây bàng già tĩnh lặng đến êm đềm…để thấy trong người mình, cảm xúc thi vị hơn. Đôi khi, tao cũng thích có những phút giây mộng mị, một mình bên ấm trà, tận hưởng hương kỷ niệm thấy phảng phất một nỗi man mát buồn. Tao tìm thấy ở đó sự trùng lắng đến thánh thiện, để nhận thấy sự tử tế trong con người mình…Tao cũng buồn và buồn đến cháy lòng, bởi một sự tiếc nuối…Mày biết không.
Mày à! Chắc mày cũng nhận thấy, trong tao với mày có một điểm chung, đó là sự “Trung – Chung tình” đến khờ khạo. Tao chưa bao giờ cho mày là tình cuội mặc dù mày viết “Tình cuội” mà mày hiện diện như một lớp nhân vật thứ hai sau thằng bạn thân “đểu cáng” của mày sau này cũng trở thành tiến sỹ. Tao cũng là “Tiến sỹ”, nên tao hơi tự ái vì sự “thành đạt” của nó, mặc dù vẫn biết “đời là như vậy”. Tao tiếc và buồn nhiều cho mày vì trên bước đường vạn lý, mày bị “trượt dốc” sang đại lộ của một kẻ “du tình” mà ở đó – mày vừa là nạn nhân và cũng vừa là tòng phạm. Song tao cũng ý thức được cảm xúc của mày – một thi nhân, một thời có được ngưỡng mộ. Mày học giỏi, mày có “Thành cổ loa bi tráng một thờiVua”, có “Ở phía sâu cửa sổ” có “Sự tích Tiên Dung – Chử Đồng Tử”, có “Tưởng nhớ Olga Bergon”, có “Đêm viết trước chân dung văn hào Đôstoivski”…và có một thời làm lính quân xa nơi trận mạc. Mày mạnh mẽ trong sự yếu đuối, xôn xao trong tráng kiện… Những bài thơ đến say lòng người, những cách “nhả chữ” trên những trang văn xuôi trong tiểu thuyết của mày phải chăng được trưng cất bằng cảm xúc từ những đêm rượu tàn canh và những mối tình hoang dại đó. Mày cũng trí tuệ, sâu sắc đến tinh túy, song cái tinh túy trời phú đó mày được hưởng ít quá. Những giông gió nơi đường trần của nhiều chục năm qua nếm trải âu cũng là “sao chiếu mệnh” làm nên những cung bậc thăng trầm cho một kẻ đào hoa, lãng tử, đa tình, đa tài, đa nỗi truân chuyên ở mày. Không biết, tao nên tiếc hay trách cho mày không thuận vì không có một môi trường sáng tác tốt, để trí tuệ của mày lẽ ra được thăng hoa cho đời nhiều hơn là chỉ là những “vú nuôi” của tâm hồn. Tao biết mày vẫn khao khát sáng tác, song cuộc đời vốn nghiệt ngã là vậy…Mày đang thiếu đề tài, bởi trong mày – con ngựa luôn bị kìm cương không được phép bất kham như thủa nào. Tao chia sẻ cùng mày. Thú thực, tao thích đọc thơ hơn đọc tiểu thuyết của mày. Ngôn ngữ, giai điệu và cảm xúc trong thơ của mày sang trọng và ý vị hơn nhiều…hay có lẽ, bởi tao không thích cách chọn đề tài viết tiểu thuyết theo kiểu “ăn mày dĩ vãng” ấy.
Dũng ơi, Những thằng Nhác; Thằng Bờm, Thằng Cuội trong kho tàng văn học dân gian Việt nam – Nó đang là “bảo bối” hay là “Biển báo” trong đời sống đương đại…? Có lẽ là cả hai phải không? Với tao, quá khứ chỉ thực sự có giá trị khi nó chứa đựng trong nó một “tầm vóc” cho đương đại…Tao có cuốn “Người Trung Quốc xấu xí” không thua gì “AQ chính truyện” của Lỗ Tấn. Tao thấy, một dân tộc chỉ có thể lớn mạnh được một khi dân tộc đó phải có tinh thần “phản tư”, phải biết “thóa mạ” mình và một khi dân tộc đó đã “biết thóa mạ” cũng có nghĩa là đã trưởng thành. Trong những ngày này, tao thấy mình dần ít đi sự “hào sảng” mỗi khi ngồi “gậm nhấm quá khứ anh hùng ca” mà hay nghĩ về “trường hận ca” với những “khúc bi tráng” và rồi thường liên tưởng và tự chất vấn chính mình nhiều hơn. Có những tối chơi cờ tướng với đồng nghiệp, sau đó cả đêm miên man, mất ngủ vì đi phải một nước cờ sai…Không biết đó là dấu hiệu của “sự lẩm cẩm” hay mắc chứng bệnh của những thằng làm triết học như tao.
Tao đang là thằng điên khi ngồi “gây sự” với mày trong căn phòng cô tịch, nơi mà đã 21 năm qua tao đã hằng ngồi hàng đêm suy ngẫm về mình về thế sự…Mày biết không, cái dạn dĩ, từng trải và trầm lắng của tuổi đời 53 đã khiến tao trở lên điềm tĩnh, thâm sâu…Tao đã không muốn tâm sự, không muốn dãi bày cùng ai và càng không muốn ai hiểu nỗi lòng mình để lâu rồi không viết nữa. Tao không muốn chong đèn như một cậu học trò nhỏ cặm cụi viết nhật ký nữa. Tao khép lại những trang tự sự, để trắng những trang giấy và viết vào lòng mình mọi ngẫm suy, mọi “thế thái nhân tình”…Vậy mà đêm nay, “Tình cuội” của mày đã kéo tao về với mày – một thằng bạn mà có lúc tao đã ướt mi vì thương cảm và tiếc nuối, để rồi đến với mày bằng những dòng triết lý gồ ghề, khó nghe, thiếu tính chuyên nghiệp, nhưng tao luôn là thằng bạn “Xịn” chia sẻ bên mày. Mày ơi…Tao đây!
(Hà Nội, Đêm Hè 12.07.2006)
Bài giới thiệu do tác giả Thế Dũng gửi tới.