Bình “Nghĩ lại về Pauxtốpky” của Bằng Việt
NGHĨ LẠI VỀ PAUXTỐPKY
1.
Ðồi trung du phơ phất bóng thông già.
Trường sơ tán. Hồn trong chiều lặng gió
Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ
Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu…
” Lẵng quả thông ” trong suối nhạc nhiệm màu
Hay ” Chuyến xe đêm ” thầm thì mê đắm
Mùi cỏ dại trên cánh đồng xa thẳm
Một bầu trời vĩnh viễn ướp hương hoa.
- ” Có thể ngày mai ta cũng đi qua
Một cánh cửa nao lòng trong truyện ” Tuyết “?
Có tiếng chuông rung và con mèo ” Ackhip ”
Ánh nến mơ hồ như hạnh phúc từng mong…”
Xa xôi sao… Thời thơ ấu sau lưng!
2.
Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu,
cuộc đời không phải thế!
Giọt nước soi trên tay không cùng màu sóng bể
Bể mặn mòi , sôi sục biết bao nhiêu
Khi em đến bên anh, trước biển cả dâng triều.
Ta thu hết xa khơi vào trong lồng ngực trẻ
Dám thử mọi lo toan để vạch dấu chân trời.
Dấu xanh thẳm khi bình minh vụt đến
Dấu đen rầm khi đáy bóng đêm trôi…
Và hạnh phúc vỡ ra như một nốt đàn căng.
Nốt cao quá trong đời xao động quá!
Hạnh phúc cực hơn mọi điều đã tả
Lại ngọt ngào, kỳ lạ, lớn lao hơn.
Anh đã đi qua bão lốc từng cơn
Cây rung lá trong chiều thanh thản nhất
Anh qua cả màu không gian ngây ngất
Một tiếng thầm trong nắng mới lao xao…
Em đã đến rồi đi, như một giấc chiêm bao!
3.
Bây giờ, anh biết nói gì hơn?
Có thể, ngày mai thôi… Có thể…
” Hoa tóc tiên ơi! Sớm mai và tuổi trẻ”
Lật trang nhật ký nào cũng chỉ xát lòng thêm…
Pauxtôpxky là dĩ vãng trong em
Thành dĩ vãng hai ta. Bây giờ anh ngoảnh lại:
Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu,
anh hiểu rằng không phải…
Như tuổi thơ, vừa đó đã xa vời!
Ðưa em đi… Tất cả thế xong rồi
Ta đã lớn. Và Pauxtôpxky đã chết!
… Anh vẫn khóc khi nghĩ về truyện ” Tuyết ”
Dầu chẳng bao giờ mong đợi nữa đâu em!
Bằng Việt
“Nghĩ lại về Pauxtốpxky” thuộc trong những bài thơ tình hay nhất của đời thơ Bằng Việt (BV). Anh đã làm bài thơ này vào thưở còn rất trẻ, có lẽ khi đó chỉ mới bước qua ngưỡng cửa đời sinh viên, ngoài tuổi đôi mươi. Mà cũng chỉ có tâm hồn một thanh niên trí thức đa cảm, lại sống vào giai đoạn xã hội – Ðất nước và con người của những năm trong thập kỉ sáu mươi – bảy mươi ấy, BV mới có thể viết được bài thơ: Hồn thơ say sưa, tình thơ trong trẻo và bay đến như thế! Mặc dù, hình như thơ anh viết về một mối tình thơ dại đã qua đi.
Bài thơ được chia làm ba khúc. Tôi rất thích thú một câu thơ dài mà tác giả điệp lại đến hai lần:
Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu, cuộc đời không phải thế!
Nghĩa là cuộc đời đang còn ở trước mắt. Cuộc sống, những thử thách buồn vui, hạnh phúc và đau đớn, tất cả vẫn đang ở phía trước, chứ không phải là cái ta được, mất…đã qua rồi. Bài thơ cứ luôn luôn mở ra như thế, tất cả vẫn đang đón đợi – Ðừng vì thế mà buồn. Pauxtôpxky với bao thần tượng về tình yêu lãng mạn, mộng mơ, ngọt ngào trong những truyện ” Lẵng quả thông “, hay là ” Chuyến xe đêm “, truyện ” Tuyết “! Những tình yêu như truyền thuyết ấy đã nhập vào trong tình cảm, cuộc sống của nhà thơ và cả của em. Nhưng đó đã là dĩ vãng, dù nó vẫn còn ngân nga, vang vọng mãi trong tâm hồn anh.
Khúc (1) – Tác giả để hồn thơ bay dưới những bóng thông già mà nhớ về tuổi đã qua:
Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ
… Một bầu trời vĩnh viễn ướp hương hoa
Tình yêu như những nốt nhạc rung đầu đời của nhà thơ với một thiếu nữ nào đó. Nó vừa thực lại vùa mơ hồ như ảo ảnh, khi qua đi để lại thoang thoảng của mùi cỏ dại trên cánh đồng xa thẳm. Nó lóng lánh như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu. Chập chờn như ánh nến hạnh phúc soi vào đôi lứa. Ðó chính là ” suối nhạc nhiệm màu ” cứ thầm thì, thầm thì mê đắm mãi.
Nếu ta chưa đọc Pauxtôpxky – Thì ta chưa hiểu về chuyện con mèo “Ackhip”, tiếng chuông rung và những sự thần kỳ trong truyện “Tuyết”! Nhưng đâu có cần cứ phải đọc Pauxtôpxky mới hiểu được thơ cơ chứ? Chỉ cần nghe lời thơ và những âm hưởng của tình thơ, ta cũng có thể mơ hồ hiểu… trong sâu thẳm, cái mối tình thưở ban đầu mà nhà thơ gợi ra ấy đã đẹp, trong sáng, say mê, mơ mộng đến chừng nào. Thế cũng đủ cho ta phải yêu rồi: Có thể ngày mai ta cũng đi qua / Một cánh cửa nao lòng trong truyện “Tuyết”?/ Có tiếng chuông rung và con mèo “Ackhip” / … Xa xôi sao… Thời thơ ấu sau lưng!
Sang khúc (2): Em đã đến rồi đi, như một giấc chiêm bao/ – Câu thơ kết khúc ấy, phải chăng nó đã gói trọn bao niềm tâm tư, tình yêu và khát vọng, hạnh phúc cùng những đớn đau của nhà thơ? Nhưng cũng phải chăng như nhà thơ muốn nói: Tình yêu của anh và em đã không vượt được qua không gian, thời gian? Bởi vì:
Giọt nước soi trên tay không cùng màu sóng bể
Biển cả cuộc đời thì đầy bão tố phũ phàng, mà tình yêu ấy dẫu khát khao, trong suốt như giọt nước ban mai rơi xuống tuổi thanh xuân, lại còn quá yếu đuối, mỏng manh. Biển thì mặn mòi sôi sục bao nhiêu, mà khi em đến bên anh: Lúc ấy sóng không yên, gió không lặng, tựa như đang cả triều dâng. Nhưng chính tuổi trẻ – Phải, tuổi trẻ đã vượt lên trên cả sự tan vỡ và thử thách đó. Chỉ có tuổi trẻ mới: Thu hết xa khơi vào trong lồng ngực trẻ / Dám thử mọi lo toan để vạch dấu chân trời/ – Nhưng tôi thích đôi câu thơ mà tác giả đã ví:
Dấu xanh thẳm khi bình minh vụt đến
Dấu đen rầm khi đáy bóng đêm trôi...
Cuộc sống là như thế! Khi khát vọng ước mơ đến trong ta, nó như cả một bàu trời cao xanh vời vợi và ánh hồng chan chứa nơi nơi. Lòng ta mở rộng đón chờ với bao niềm vui khó tả. Nhưng cái gì mà chẳng có mặt trái của nó: Ước vọng càng cao thì dữ dằn bão tố, bất hạnh cũng rình rập, muốn vùi dập ta vào trong bóng đêm trôi choán ngợp cả bàu trời. Hai câu thơ đã vạch lên trên đường chân trời của cuộc đời rằng, đấy là thử thách mà tuổi trẻ cần phải vượt qua! Không có con đường hạnh phúc nào đi đến toàn bằng phẳng, thênh thang. Trong cả tình yêu lứa đôi của anh và em… Hạnh phúc chúng ta phải trả giá! Và sự tan vỡ ban đầu ấy, phải chăng cũng là lẽ tất nhiên? Nếu không, thì đó cũng chính là cái nghiệm ban đầu, để rồi ta sẽ đi đến – Tình yêu và cuộc sống vẫn đang đón đợi ta ở phía xa kia! Nhà thơ lại ru mình và ru em: Anh đã đi qua bão lốc từng cơn / Cây rung lá trong chiều thanh thản nhất / Anh qua cả màu không gian ngây ngất / Một tiếng thầm trong nắng mới lao xao/- Ðúng như vậy: Tình yêu như một vùng nắng mới, với cả màu không gian ngây ngất, trong những chiều của ngàn lá cây rung và những tiếng nói thầm của người yêu vẫn lao xao trong đó. Ðẹp – đẹp quá, nhà thơ ạ! Tôi đã nghe thấy tiếng nói thầm ấy, rung động và bay xa lắm. Nó vượt lên trên cả bão tố dữ dằn và sóng gió mịt mùng kia. Tiếng nói thầm đáng yêu, tưởng chừng có thể làm nứt vỡ trái tim ta!
Ðây là khúc thơ chính của bài: Giọng thơ say sưa, lời thơ đằm thắm. Thơ được dùng nhiều ngôn ngữ hình tượng, màu sắc sinh động. Trong thơ có nhạc, lắng càng sâu càng thấy hay. Ðôi khi anh sử dụng một cách nói rất thông thường, bên cạnh những câu thơ có ngôn ngữ thanh cao, để thơ khỏi rơi vào sự mượt mà, bóng bẩy. Thí dụ như:
Hạnh phúc cực hơn mọi điều đã tả
Lại ngọt ngào, kỳ lạ, lớn lao hơn.
Những câu thơ mộc mạc như thế, âu: cũng là những sự chấm phá cần thiết tạo nên một sự gồ ghề, thô ráp nhất định – Như những nét trạm đơn giản, mà tôn tạo hình ảnh của các câu thơ khác cao lên. Khúc cuối:
Ðưa em đi… Tất cả thế xong rồi
Ta đã lớn. Và Pauxtôpxky đã chết!
Nhà thơ đã kết thúc bài thơ một cách dữ dằn như thế đấy! Nhưng câu thơ không phải để nói về Pauxtôpxky nhà văn Nga quá cố đâu, mà là tình yêu trong sáng, lãng mạn, mộng mơ thưở đầu đời của anh và em đã không còn. Như tác giả viết: Lật trang nhật ký nào cũng chỉ xát lòng thêm /… Hay là: Em đã đến rồi đi, như một giấc chiêm bao!
Nhưng đọc thơ anh sau ngót nửa thế kỷ đã trôi qua, tôi vẫn thấy như đang gặp một BV cứ nguyên như mơ mộng, nhẹ nhàng và bay bổng của thưở đã xa xưa ấy. Tôi không nói về BV của tuyên huấn, làm chính trị – Mà là một BV của nhà thơ, trong thơ, mới thật đáng yêu sao! Phải – Hồi đó, thưở ấy…anh đã khóc, khi tiễn mối tình thơ dại với người con gái ban đầu của cuộc đời anh: Anh vẫn khóc khi nghĩ về truyện “Tuyết” /Dẫu chẳng bao giờ mong đợi nữa đâu em!
Về thi pháp nghệ thuật – Có thể nói “Nghĩ lại về Pauxtôpxky” là một bài thơ đã viết trong mối giao cảm, được hoà nhập bởi hai dòng thơ: Một của dòng thơ lãng mạn thuần tuý viết tràn theo cảm xúc, như thời “Thơ mới” Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ… vào những năm bốn mươi – Một nữa của dòng thơ tượng trưng cấu trúc đã xúc tích hơn, với những hình ảnh giàu tính triết lý… Mà nhờ đó Hàn Mặc Tử đã viết nên “Ðây thôn Vĩ Dạ” và “Mùa xuân chín”.
Ta hãy nghe xem tác giả cứ để cảm xúc mình chảy tràn ra, rơi lệ xuống cả trang thơ:
Pauxtôpxky là dĩ vãng trong em / Thành dĩ vãng hai ta. Bây giờ anh ngoảnh lại/ Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu, anh hiểu rằng không phải… / Như tuổi thơ, vừa đó đã xa vời!
Tôi nghĩ: Ðã đến lúc có thể gấp lại bài bình ở đây. Bởi – Thơ anh viết như thế cũng đã quá đủ rồi, còn cần gì nữa để tôi phải nói thêm.
© Phạm Ngọc Thái
(Bài do tác giả gửi đăng)