Người Việt ở Ba Lan và 10 sự kiện năm 2011
Cộng đồng người Việt ở Ba Lan khá bé nhỏ so với gần 4 triệu kiều bào sống rải rác khắp thế giới. Theo những đánh giá khác nhau, có khoảng 50- 80 ngàn người Việt sinh sống ở quốc gia này. Khó đưa ra một con số chính xác do rất nhiều người chưa có giấy tờ cư trú. Chừng ấy người nhưng thực sự là một xã hội thu nhỏ, với đủ các thành phần, hay, dở, với đủ thành công, thất bại… Kết thúc năm, xin điểm lại những sự kiện nổi bật nhất năm qua trong cộng đồng hoặc liên quan tới cộng đồng.
1- Luật ân xá (Abolicja) được thông qua
Vào ngày 26/8/2011, Tổng thống Ba Lan đã ký luật ân xá dành cho người nước ngoài sinh sống bất hợp pháp trên lãnh thổ Ba Lan. Những người này sẽ nhận được giấy phép cư trú trong thời hạn 2 năm, sau đó họ phải tìm việc làm để có thể tiếp tục sinh sống tại Ba Lan.
Điều kiện của lần ân xá này được cho là khá dễ dãi so với 2 lần ân xá trước đây, được thực hiện vào các năm 2003 và 2007. Người xin ân xá chỉ cần chứng minh đã vào sinh sống liên tục ở Ba Lan trước 20/12/2007. Song, trong những trường hợp đặc biệt, những người tới sau mốc thời gian này vẫn có thể được tiếp nhận hồ sơ. Luật cũng không đòi hỏi phải kê khai nơi làm việc hay thu nhập.
Trong số các công dân nước ngoài sinh sống bất hợp pháp tại Ba Lan, con số người Việt hưởng dự luật này có thể lên tới hàng ngàn người. Luật bắt đầu có hiệu lực kể từ 1/1/2012.
Góp phần vận động cho dự luật có nhiều nhân sĩ, văn nghệ sĩ, nhà báo Ba Lan, trong đó có một số người (gốc) Việt hoạt động dân chủ. Luật ân xá ra đời trong bối cảnh Ba Lan bị EU chỉ trích vì những chính sách khắt khe với người nhập cư. Bằng hành động này, Ba Lan sẽ cải thiện cái nhìn của cộng đồng châu Âu nhất là khi đang trên cương vị chủ tịch EU.
2- Cháy trung tâm thương mại
Trung tuần tháng 5, một trong các kho tổng ở trung tâm thương mại Wólka Kosowska bị cháy gây thiệt hại cực lớn về tài sản. Có trên 20 gia đình Việt Nam có kho tại khu Park Agat và thiệt hại của họ là nhiều triệu đô la. Không ai trong số đó có bảo hiểm về hàng hóa. Tuy vậy, phần của người Việt Nam ở đây chỉ chiếm chừng 20-30% tổng thiệt hại. Số còn lại thuộc về các sắc dân khác như Trung Quốc, Thổ, Ấn Độ, Ba Lan.
Đây là lần thứ 2 cháy lớn kể từ khi hình thành khu vực thương mại này. Lần xảy ra trước vào năm 2009, tại EACC. Điều giống nhau ở cả 2 lần là các chủ công ty đều đầu tư hết sức sơ sài cho công tác phòng hộ và cứu hỏa. Cả 2 lần đều không có đủ nước chữa cháy, thậm chí phải hút nước từ mương. Thiệt hại từ 2 vụ đều lớn và đều rơi vào những người thuê quầy.
3- Hàng loạt công ty của người Việt bị kiểm tra
Trước hết là hàng loạt các công ty kế toán bị lục soát, kiểm tra với một quy mô và hình thức chưa từng có xảy ra với cộng đồng người Việt. Những công ty này, theo lệnh ký sẵn từ phòng Công tố tối cao, đều bị kiểm tra tại văn phòng, đồng thời khám nhà riêng của các chủ công ty, thu giữ mọi thứ mà đội kiểm tra nghi ngờ, từ các ổ cứng máy tính, tới mọi ghi chép sổ sách, kể cả những tờ giấy nháp.
Các công ty kế toán này đa phần đều làm kế toán cho các doanh nghiệp Việt Nam. Mỗi công ty có thể quản lý sổ sách của hàng chục, thậm chí hàng trăm công ty Việt Nam.
Tiếp đến, cũng vẫn theo một danh sách duyệt trước, hàng loạt các công ty Việt Nam buôn bán trong khu vực Wólka Kosowska bị đoàn kiểm tra ập tới theo phương phức kể trên. Nhiều công ty bị giữ số tiền mặt lưu ở két “không rõ nguồn gốc”, thậm chí tới hàng trăm ngàn đô- la.
4- Xì- căng- đan “trốn thuế rửa tiền”.
Hôm 1/9, cùng lúc ở 4 quốc gia khác nhau, cục An ninh Quốc gia Ba Lan kết hợp với an ninh các nước bạn bắt một đường dây “trốn thuế, rửa tiền” xuyên lục địa. Chủ của đường dây này, theo cơ quan điều tra, là một người Việt Nam ngoài 40 tuổi, sống tại Ucraina nhưng thường xuyên qua lại Ba Lan và Séc để điều hành công việc.
An ninh đã theo dõi đường dây trong ít nhất 2 năm. Theo đó, nhóm tội phạm thực hiện kéo các công (container) hàng hóa nhập khẩu từ Á châu, chủ yếu là từ Trung Quốc, Việt Nam vào thị trường EU với mức thuế bị đánh hạ đi hàng chục lần. Sự việc đương nhiên có sự tiếp tay của các cơ quan hải quan và thuế vụ nước sở tại.
Tiếp đó, số “tiền bẩn” được họ tổ chức chuyển ra khỏi Ba Lan theo nhiều cách. Đơn giản nhất là xách tay đem ra khỏi biên giới. Kế tiếp là việc liên kết với các nhà bank. Alior Bank mới đây được báo chí Ba Lan nêu đích danh như một trong những chi nhánh dính dáng tới đường dây này.
Nhà nước Ba Lan thiệt hại hàng tỉ Zua- ty mỗi năm từ những hoạt động kể trên.
Cũng liên quan tới vụ việc này, vừa rồi, một đoàn an ninh cấp cao Việt Nam do trung tướng công an dẫn đầu đã sang họp với Cục An ninh Quốc gia Ba Lan để bàn về biện pháp phối hợp chống tội phạm gốc Á châu.
5- Bùng nợ gia tăng mạnh
Có ít nhất 3 vụ bùng nợ lớn xảy ra trong năm rồi trong cộng đồng người Việt để lại thiệt hại lớn cho những người đã gửi gắm hàng hóa, tiền bạc vào đó. Đáng kể nhất là các cụ xảy ra tại trung tâm GD.
Do tính chất làm ăn theo thời vụ, nên nhu cầu huy động vốn nóng thường xuyên xuất hiện trong một bộ phận cộng đồng, khi các công hàng nhập khẩu sắp tới thời hạn thanh toán hay cần “cốp” hàng cho kịp vụ bán buôn. Mặt khác, cũng tồn tại những nguồn vốn lớn nhàn rỗi trong cộng đồng, do nhiều người sau nhiều năm làm ăn, có ‘của của ăn của để’ cần cho vay để sinh lời. Từ đó xuất hiện một hoạt động tín dụng đen và trở thành đất dụng võ cho một số kẻ lừa đảo.
Việc bùng hàng, tiền này đã tạm lắng xuống trong năm 2010 do cộng đồng cảnh giác cao sau những kinh nghiệm đầy cay đắng của năm 2009. Nhưng, đúng như người ta thường nói, “không ai nắm tay được từ sáng tới tối”.
6- Tiểu thương Việt Nam nhiều lần biểu tình đòi giảm tiền thuê
Năm 2011 được tạp chí Time nổi tiếng bình chọn là “Năm của người biểu tình”. Ít nhất ở Ba Lan trong năm qua đã xảy ra 4-5 vụ biểu tình của tiểu thương chống lại việc tăng cao tiền thuê.
Giữa lúc buôn bán ngặt nghèo, việc tăng tiền thuê chỗ rõ ràng là một nghịch cảnh. Tiền thuê chỗ ở GD, dù chưa tăng đã vào loại cao nhất ngưởng và chẳng giống ai khi những tay chủ Tầu bằng nhiều kiểu gian lận tính tăng diện tích các quầy thuê.
Bên cạnh đó, trung tâm Maximus và Marywilska, nơi có động người Việt buôn bán cũng diễn ra các hoạt động tương tự.
Biểu tình là hoạt động mới mẻ với cộng đồng người Việt, mặc dù họ sinh sống ngay tại một đất nước dân chủ. Dù biểu tình vì mục đích đơn thuần về kinh tế thì đây cũng là hoạt động đáng khích lệ trong một xã hội dân sự.
Năm 2012 trung tâm thương mại AGS sẽ hết hạn hợp đồng, hiện đang có những ‘giằng co’ ngấm ngầm giữa những người thuê và giới chủ (cũng là người Việt Nam). Nếu những điều kiện mới không thỏa đáng, rất có thể sẽ có những đợt biểu tình của người Việt chống lại người Việt vào năm tới?
7- Cần sa biến đổi gen do người Việt làm chủ
Cần sa vẫn đứng đầu trong các hoạt động tội phạm liên quan tới người Việt. Du nhập vào Ba Lan chừng 3 năm trở lại đây, cần sa trở thành “hoạt động tấp nập” của giới tội phạm người Việt.
Năm 2011 ghi dấu bằng hơn chục vụ bắt giữ cần sa do những người Việt chăm sóc. Đặc biệt, mấy vụ gần đây, cảnh sát Ba Lan lưu ý tới những vườn cần sa biến đổi gen với công nghệ hết sức hiện đại do người Việt làm chủ. Chính các chuyên gia cũng phải ngỡ ngàng khi khám phá ra giống cần sa biến đổi gen rất mới này. Theo cơ quan điều tra, giống mới có thể cho năng suất cao gấp đôi với thời gian canh tác ngắn hơn nhiều, đồng thời hàm lượng chất gây nghiện tăng cao. Và theo đó, những đánh giá về giá trị của các vườn cần sa bị bắt giữ có thể tăng gấp hai lần so với những đánh giá thông thường trước đây của lực lượng điều tra.
Vụ gần đây nhất, ghi nhận ở tình Sląsk hôm 16/12 với 1800 gốc cần sa đang đà tăng trưởng và 14,5 kg thành phẩm khô. Tất cả đều thuộc loại biến đổi gen và trị giá của nó, theo báo cáo của cơ quan cảnh sát điều tra, vào khoảng trên 4 triệu Zua-ty, tương đương 1 triệu Euros.
8- Tôn Vân Anh nhận quốc tịch Ba Lan
Việc một người nào đó nhận quốc tịch chắc chắn sẽ không trở thành sự kiện trong cộng đồng, nhưng đây là trường hợp đặc biệt trong cộng đồng người Việt ở Ba Lan nói riêng và đông Âu nói chung, là điển hình cho các trường hợp bị chính quyền Việt Nam đàn áp, sách nhiễu và được chính quyền sở tại cứu giúp.
Tôn Vân Anh, một trong số những người tham gia vận động dân chủ cho Việt Nam bị Đại sứ quan Việt Nam ra quyết định (bằng văn bản, có dấu nhưng không ai ký) từ chối cấp hộ chiếu vì những hoạt động của cô bị coi là “chống nhà nước” và “đi ngược lại tình hữu nghị Việt- Ba”.
Trong một động thái chưa từng diễn ra (ít nhất với cộng đồng người Việt đông Âu), tổng thống Ba Lan đã đặc cách ký quốc tịch cho cô sau 2 tuần đệ đơn.
Sự việc được đưa tin rầm rộ trên các cơ quan truyền thông Ba Lan khiến- theo một nguồn tin nội bộ- Đại sứ quán đã phải họp lên họp xuống và nhiều người trong cộng đồng chỉ trích cách hành xử của cơ quan ngoại giao này.
Nhiều người đông Âu đã từng ở vào tình cảnh bị sức ép tương tự, nhưng đã phải có những thỏa thuận, trong chừng mực nào đó, để tồn tại.
9- Gánh nặng nợ nần từ chuyện nhà cửa
Làn sóng thi nhau mua nhà của người Việt diễn ra trong khoảng từ năm 2005 tới 2009. Với những người trả “tiền tươi” hay nợ nần chút ít bằng tiền Ba Lan thì không có gì đang nói. Nhưng một bộ phận người Việt vay bằng ngoại tệ, chủ yếu là đồng Frank Thụy Sĩ khi đồng tiền này xuống thấp nhất về tỉ giá hối đoái so với tiền Ba Lan. Nay diễn biến về tỉ giá đi theo chiều hướng ngược lại khiến số nợ của họ, sau vài năm trả vẫn ở mức cao ngất ngưởng, thậm chí lớn gần gấp đôi lúc vay!
Đây cũng là vấn nạn chung vì tham gia vào trò chơi hối đoái này có nhiều người Ba Lan. Nhưng buôn bán đang mỗi ngày một kém, nhiều người Việt than phiền về khoản nợ mỗi ngày một phình to của mình. Năm qua đã ghi nhận một số trường hợp người Việt Nam “bỏ của chạy lấy người” để lại nhà cho ngân hàng siết nợ.
10- Hội người Việt Nam tại BL “Đoàn kết và Hữu nghị” đổi tên và kết nạp hội viên tập thể.
Năm qua, trong cuộc họp “Đại hội đại biểu” của hội “Người Việt tại Ba Lan Đoàn kết và Hữu nghị”, hội này đã quyết định đổi tên thành hội “Người Việt Nam tại Ba Lan” (HNVNTBL). Việc này gây một số thắc mắc trong cộng đồng, như hết “đoàn kết hữu nghị” rồi hay sao mà phải đổi tên… Nhưng cũng có nguồn tin nói, hội bị gặp những rắc rối trong việc giải ngân khoản tài trợ của EU trong khuôn khổ dự án hội nhập, nên phải thay tên. Khoản tài trợ này cho nhiều dự án nhỏ khác nhau như ra báo giấy, báo điện tử, dạy tiếng Ba Lan miễn phí, ra từ điển online, bóng đá.v.v. với tổng trị giá khoảng 2 triệu Zua-ty.
Điều đáng nói, hội sẽ “kết nạp thành viên tập thể”. Tức, kết nạp các hội đồng hương qua sự thỏa thuận với lãnh đạo các hội đoàn này. Hiện ở Ba Lan có nhiều hội đồng hương đang sinh hoạt, do các thành viên cùng quê quán tại Việt Nam lập nên. Việc “kết nạp tập thể” cho phép HNVNTBL mở rộng và thâu tóm toàn bộ cộng đồng. Trong cộng đồng xuất hiện một số lo ngại về việc này, do sự thân cộng sản của nhiều thành viên lãnh đạo HNVNTBL sẽ làm mất đi tính phi chính trị của các hội đồng hương.
© Đàn Chim Việt
Các bác Đàn chim việt đưa tin Blan là đúng rồi các bác ra đời ở đây cũng phải thỉnh thoảng phục vụ cộng đồng tí chứ ai lại toàn đưa tin ở đẩu ở đâu
10 sự kiện quan trọng nhất nhưng cũng vui nhất và cũng buồn nhất. Vụ bóng đá anh Thảnh đánh nhau bể đầu với bác Hùng tất nhiên là vui nhưng không quan trọng nên không cần liệt kê hehe
Nói chung người Việt nhà mình có bước đi lên cũng có bước đi thụt. Một khi các bác cộng sản còn ở đây, người Việt còn gánh chịu khổ cực vì các bác. BL ghét cộng sản nên người Việt muốn ở BL phải triệt tiêu cộng sản càng sớm càng tốt. Mà các bác thế nào bảo đông thế, già thế, nhiều kinh nghiệm thế mà chưa bằng 1 con nhóc phản động, chưa thấy có bác nào được mời lên TiVi nói chuyện, toàn TiVi VêTêVê Bốn chán bỏ mẹ, lúc nào cũng 1 điệp khúc đảng ta cộng đồng ta. Không có VêTêVê các bác chẳng khi nào được lên màn ảnh nhỏ hehe
Tiền Châu Âu tài trợ thôi thì cho các bác tạm sống về hưu. Hồi nọ nhìn các bác làm “hội thảo” bằng tiền EU tài trợ mà phát ngượng cho các bác. Toàn các bác tự biên tự diễn rồi tự thanh toán với nhau. Nực cười.
Cám ơn các bác Chim việt đã tổng kết giúp bà con ở Ba lan còn những vụ khác thấy cũng ỏm củ tỏi ra phết sao các bác không đưa vào ví dụ như là vụ tranh cài bóng đá bóng điếc gì đó giữa ông Thảnh liên đoàn với ông Hùng chủ tịch chẳng hạn.
Nay thấy Tôn Vân Anh xuất hiện trở lại đẹp , khoẻ mạnh , ưu tư .
Theo dõi buớc đi cuả chị mới thấy cãm phục chị, nguời phụ nữ trí thức mà mọi nguời mong đợi .
Cám ơn chĩ những gì chị đã tự nguyện đóng góp bà con bên Balan nhận ra mình , nhận ra cuộc đời là cuộc đời cuả bản thân mình chớ không phải cuả Đãng nào hay cuả kẻ xưng thần thần xưng thánh nào khác. .