WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Một thoáng quê nhà [2]: Thành phố cất giữ những ngôi nhà

1- Thành phố cất giữ những ngôi nhà

Tôi hiểu sự ngơ ngác của ông Từ Thức khi trở lại trần gian mà không nhận được đường xưa lối cũ. Tôi cũng không nhận ra được chốn nào xưa cũ trong thành phố của mình sau 20 năm xa cách. Nhưng tôi gặp may hơn Từ Thức, vì tất cả người thân của tôi vẫn còn sống, đã đi đón tôi tận sân bay thật là đầm ấm, và đưa tôi trở về nhà. Đường phố dường như đã thay đổi, dù vẫn mang tên cũ. Nhà cửa dường như được cất vào tất cả mọi khoảng trống trước kia. Thành phố vẫn đây mà tôi không tìm được góc nào có dáng hình của thủa trước. Thời gian. Dấu ấn của thời gian đã phủ bóng xuống tất cả thành phố. Ngay cả những nơi không thay đổi như Hồ Tây, như Hồ Hoàn Kiếm, nhưng thực ra cũng đã không còn như xưa nữa. Không gian xung quanh đã không còn là “ngày xưa”.

Ngày mới sang học dự bị tiếng Nga, chúng tôi phải viết bài về thành phố quê hương mình. Tôi đã thức gần đến sáng để kể về Hà Nội, thành phố của tôi với những chiếc hồ lớn nhỏ thật là độc đáo. Một nhà văn của Nga gọi hồ là những con mắt của đất. Thế thì Hồ Tây sẽ là con mắt Mẹ trìu mếm cưu mang bao kiếp người sinh sống tần tảo ở đây. Hồ Gươm là con mắt xanh của người thiếu phụ thủy chung vẫn đăm đắm đợi chống đi chinh chiến suốt cả nghìn năm lịch sử. Hàng trăm hồ sen xanh mát nằm rải rác trong thành phố như những cặp mắt biếc những thiếu nữ Hà Thành đằm thắm và quyến rũ, “dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” làm cho ai đã đến thì thật khó bước chân đi. Cô giáo tiếng Nga của tôi đã đọc và cứ mơ ước được nhìn thấy thành phố thơ mộng như thế.

Những chiếc hồ của tôi giờ ở đâu? Hồ Tây vẫn đây, nhưng không còn mênh mông như thủa trước. Những chiếc hồ sen dường như hoàn toàn biến mất khỏi mặt đất rồi.
Ngọc Hà- một làng hoa nổi tiếng của Hà Nội xưa giờ không còn nữa
Nhà tôi bây giờ nằm ở ngõ Ngọc Hà. Ngày xưa tôi vẫn thường đi tắt qua đây để về thăm ông bà nội trên chợ Bưởi. Ngày ấy cái ngõ này thưa vắng như một làng quê ngoại thành. Những ngôi nhà ngói nho nhỏ nằm ẩn kín trong những khu vườn xum xuê đủ loại cây ăn trái đan xen với những vườn trồng hoa. Làng này người ta trồng hoa để bán hoa cúng, nên có đủ loại hoa sói, ngâu, hoa hồng, bạch lan, hoàng lan. Toàn những loại hoa thơm ngát, nên bước chân vào đây bao giờ cũng thấy rất dễ chịu. Hoa ở Âu châu rất đẹp nhưng không có hương thơm. Tôi cứ ao ước bao giờ trở về sẽ đi thăm một làng hoa buổi sáng sớm, khi những bông hoa hồng vừa hé nở còn mọng sương đêm, cả vườn hoa thấm đẫm một mùi hương nồng nàn, tinh khôi.

Sáng sớm tôi đứng từ ban công tầng 4 nhà mình nhìn ra xung quanh, thấy rất nhiều nhà, san sát nhau, chìa tay ra là với được sang nhà..bên kia ngõ, mỗi nhà một kiểu kiến trúc, mỗi nhà là một mầu sơn, mỗi nhà một chiều cao, một góc nhìn nhưng tuyệt nhiên không thấy còn vườn hồng nào nữa. Xung quanh nhà tôi có rất nhiều hoa, nhưng đều là hoa cảnh, mỗi cây được trồng cẩn thận vào một chậu sành.

Cây được tự uống nước từ lòng đất rất ít. Hình như cây cổ thụ còn ít hơn nữa. Ở những phố cổ còn giữ được những cây cổ thụ mấy trăm năm người ta cẩn thận treo những tấm biển ghi rõ số và tên của cây.

Olga Berggolts- nhà thơ nữ của Nga có bài thơ mùa thu kể rằng:

….“Những tấm biển treo dọc đại lộ
Nhắc những ai đi ngang qua
Dù đầy đủ lứa đôi
Nhắc cả những ai cô độc trên đời:
“Tránh đừng động vào cây mùa lá rụng”
Nhắc suốt đường cũng chỉ bấy nhiêu thôi…”

Mùa thu, những chiếc lá rơi hết, nên giữ được chiếc lá nào, dù chỉ thêm 1 ngày, một chốc lát thôi cũng là hạnh phúc lắm rồi, nên người ta phải nhắc nhau: “tránh đừng động vào cây mùa lá rụng”…

Ở Hà Nội có lẽ cũng vậy. Người ta nhắc nhau những kỳ quan còn sót lại trên những thân cây.
Hình như không chỉ có cây cổ thụ mới hiếm, mà cả cỏ cũng rất khó gặp. Nhiều như cỏ, rẻ như cỏ, trời sinh voi thì sinh cỏ. Cỏ vẫn bị xem thường là rất nhiều, vứt đi không hết, nhổ đi chẳng được thế mà giờ chúng trở nên thật hiếm hoi. Những đám cỏ gà giầu sức sống, giữa sân gạch nứt cũng ngoi lên từng bụi. Cỏ mần trầu bám vào những bờ rêu để sống. Rau san, rau dền dại chỉ cần một một khe đất nhỏ cũng đâm lá, ra hoa. Tưởng như cỏ thì không thể nào hết được. Thế mà giờ cũng rất khó tìm. Cỏ có lẽ không hiếm, chỉ có đất cho cỏ mọc là hiếm thôi.

Mùa hè vừa rồi tôi gửi hai đứa con 11 và 10 tuổi về chơi với ông bà. Khi chúng trở về nhà, tôi thấy túi đứa nào cũng căng đầy… giấy kẹo. Tôi cứ tưởng chúng lười, không vứt giấy đi. Nhưng giờ, tôi mới hiểu chúng bị mắng oan. Vì tôi đi tìm suốt một dãy phố nhưng…cũng đành cất rác vào túi mang về nhà.

Tôi về Việt Nam rất ít ngày, những đã kịp đi qua TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Phan Thiết, và Hải Phòng. Đi trên đường rất nhiều, nhưng tôi chỉ bắt gặp một người ăn mày duy nhất. Cụ đứng im lặng, giấu mình trong bóng tối của lùm cây ngay bên cạnh siêu thị Vincom. Chỉ nghe tên ai cũng đã hình dung được cái hào nhoáng và đắt tiền của cửa hàng. Cụ không van xin, không than thở. Đứng tựa người trên chiếc gậy đã mòn, cụ rụt rè chìa một bàn tay xương xẩu ra phía trước. Chỉ có những ai đi sát vào cụ, mới nhận ra cụ già đang chìa tay im lặng ở đó. Cự đứng xin như không phải để cho mình. Nhà thơ Nguyên Sa đã viết: “tất cả mọi thứ nguyên lành đều được xây trên những gì đổ vỡ”. Cụ đứng đó như góc tối để làm nổi bật lên những phần hào nhoáng của thành phố bên cạnh. Cụ đứng đó để bức tranh có thêm phần sâu lắng và suy tư.

Tôi gặp một cụ già khác, lưng còng đến tận đầu gối, nhưng cụ không xin ai bố thí cho mình. Cụ vẫn miệt mài làm việc. Bền bỉ và chịu đựng, vượt qua sự thờ ơ và khó chịu của mọi người, cụ lần từ bàn này sang bàn khác thuyết phục người ta mua vé số. Ở quê tôi, hình như con người làm việc không theo tuổi về hưu mà làm việc theo sức mình có thể.

2- Cảnh đẹp vì có người

Tôi đến Paris để ngắm những kiệt tác của bảo tàng Luvre. Tôi đến Rome để chiêm ngưỡng những kiệt tác của bảo tàng Vatican. Tôi đến Saint Petersburg để xem những kiệt tác của bảo tàng Hermitager. Nhưng không ở đâu có những kiệt tác quý giá đối với tôi hơn ở Việt Nam.

Bà của tôi đã rất xa cái tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Từ khi tôi bé lắm, bà đã là như vậy trong tâm trí của tôi. Nhẫn nhịn, yêu thương, và làm việc chẳng bao giờ nghỉ. Mỗi ngày từ sáng tinh sương đến nửa đêm lo gói mấy trăm chiếc bánh chưng giao hàng để giúp các con lập nghiệp. Khi tôi đi xa 20 năm trước bà cũng vẫn như vậy. Cất trong lòng tất cả những giọt nước mắt thương con, thương cháu, bà chẳng bao giờ nói gì chỉ làm việc luôn tay. Ngày 5-7 lần đi bộ thoăn thoắt từ nhà ra chợ xa gần cây số. Giờ đây trở về, bà đã gần 90 tuổi nhưng hình ảnh đầu tiên tôi gặp vẫn là thấy bà đang cầm chổi quét sân. Không phải quét sân nhà mình, không phải quét sân cho con mình, bà quét sân cho cả khu tập thể. Suốt cả cuộc đời tôi, bà vẫn luôn là như thế, chưa bao giờ già thêm tuổi nào. Chỉ có lưng bà mỗi ngày lại thấp xuống vì những nỗi thương con cháu cứ chồng chất mãi trên vai. Mẹ tôi kể ngày xưa bà đẹp có tiếng ở trong vùng. Tôi chẳng biết ngày xưa như thế nào, nhưng bây giờ tôi vẫn thấy bà rất đẹp. Cái đẹp của thứ gỗ tốt đã đủ tuổi lên vân sáng bóng với thời gian.

Hơn hai mươi năm trước khi tôi đi thi đại học, cha mẹ tôi lo lắng suốt đêm bàn tính phân công ai dậy sớm đi mua mì gói, ai đi mua thịt gà về nấu cho tôi ăn sáng vừa bổ vừa không bị ngộ độc những bát phở vô tội vạ ngoài phố. Suốt cả ngày căng thẳng hơn cả tôi trong phòng thi, đi ra đi vào chờ đợi. Bây giờ cả hai đã thành ông, bà của một đàn cháu. Nhưng tôi về cha mẹ tôi vẫn như xưa, lo lắng suốt đêm bàn tính làm sao đón tôi về được vui vẻ nhất. Ông cử bà bay từ Bắc vào Nam để tôi không phải đi một mình cô độc. Bà nhắc ông ở nhà dọn nhà, chuẩn bị mọi thứ. Cả hai hồi hộp chẳng khác gì tự mình đi thi.

Ở nhà tôi, cha là người hay nghĩ. Chuyện gì cũng nghĩ ngược, nghĩ xuôi, nghĩ xa, nghĩ gần, nên cha tôi luôn giống một ông già từ khi còn trai trẻ. Hai mươi năm trước mấy mẹ con tôi cười như nắc nẻ bất chợt thấy cha tôi đột nhiên thành…trẻ con nằm hát nghêu ngao. Lần này tôi lại được một trận cười thích thú, vì phát hiện ra ví của cha tôi tiền không có chỉ chứa chật phong bì. Nhưng hóa ra không phải cha tôi định chơi đồ hàng giống tôi ngày bé, mà bây giờ ở Việt Nam mình phong bì cũng tích cực tham gia vào vòng quay tiền tệ. Những chiếc phong bì giúp cho tiền bạc được lưu chuyển nhanh hơn, phân chia lại dòng chẩy của tiền cho hợp lý hơn, cân bằng hơn.

Anderxen- người kể chuyện cổ tích nổi tiếng thế giới viết về người mẹ, yêu con hết lòng, đi đến tận cùng thế giới để tìm đứa con của mình, nhưng khi biết cuộc đời của nó chỉ là một ngọn nếu yếu ớt, ngắn ngủi, cô độc, bà đã vượt qua cảm giác mất mát của mình để chấp chận cho nó được bước đến một thế giới khác hạnh phúc hơn. Lòng mẹ đấy chính là niềm hạnh phúc trọn vẹn được cho tất cả những gì con mình cần.

Cũng như tôi, chắc 20 năm qua cha, mẹ tôi cũng luôn mơ ước ngày hội ngộ. Nhưng vừa gặp mặt cha mẹ lại muốn tôi đi cho thật nhanh để tôi được bình yên.

Tất cả mọi người tôi gặp, dù là các em chưa bao giờ biết mặt tôi, cũng đều dành cho tôi biết bao nhiêu thương mến. Tôi đã đi rất nhiều nơi, biết được nhiều điều thú vị, nhưng chưa bao giờ gặp được nhiều yêu thương như thế ở đâu.

© Bùi Lan Hương

© Đàn Chim Việt


Phản hồi