WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Tại sao Đàn Chim Việt?

Từ trái sang: N.T.Sơn, T.N.Thành, Tiến, C.N.Quỳnh, LDĐức. Ành Đàn Chim Việt

Thôi đừng hát ru, thôi đừng phiêu lãng!”

Các nước Đông Âu cũng đã trải qua mô hình Cộng sản như ở Việt Nam, nhưng người ta đã vứt bỏ nó vào sọt rác của lịch sử. Tiếc thay, cuộc Cách Mạng Nhung đáng thèm muốn ấy hầu như đã không thức tỉnh được cộng đồng Người Việt đang ngày một đông lên tại đây. Hàng trăm ngàn người Việt vẫn tiếp tục sống trong muôn vàn nỗi e sợ, hoặc khá nhất là “ngậm miệng ăn tiền”. Cho đến tận những ngày cuối cùng của thế kỷ XX, Đông Âu rộng lớn vẫn tiếp tục là “sân sau” của một trong những chế độ độc tài lạc lõng nhất hiện nay trên thế giới.

Nói chi tới người dân trong nước.

Chúng ta không thể trách dân, không ai có thể bị coi là có lỗi khi họ phải ngày đêm, thậm chí, tha phương để mưu cầu một cuộc sống khá hơn, giống con người hơn. Điều đó rất tự nhiên.

Nhưng liệu chúng ta có nên chỉ kết tội đảng Cộng sản Việt Nam, mà cụ thể là những người cầm quyền hiện nay? Đúng là họ phải chịu trách nhiệm, nhưng theo tôi có lẽ không chỉ riêng họ. Nhà nước nào, quan lại nào mà chẳng ức hiếp, bóc lột và đàn áp dân lành, khi họ có thể?

Có được một nhân dân như dân Việt Nam hiện nay để cai trị mà các quan chức lại không tham ô, bóc lột, tự tung tự tác … thì mới là điều lạ. Chúng tôi tin rằng George Bush, Tony Blair hay Jack Chirac, nếu được làm “cán bộ” ở Việt Nam thì chắc cũng sẽ ngồi lên đầu lên cổ dân như các quan Việt Nam hiện nay mà thôi.

“Rau nào thì sâu ấy”. Sâu mọt, tham nhũng, bất công, ma túy, đĩ điếm … nở rộ như thế mà chỉ lo đi bắt sâu, dẫu đó là sâu Bùi Quốc Huy, Nguyễn Sĩ Chiến hay Năm Cam (hôm nay), Sáu Quýt (ngày mai), thì e rằng muôn đời cũng không bắt hết. Chữa bệnh phải chữa tận gốc. Cần phải xem xét lại bản thân cây rau, thậm chí cả mảnh đất mà trên đó chúng ta đang thâm canh nữa.

Làm sao chúng ta có thể tiếp tục “tự hào làm người Việt”, tiếp tục gật gù chén chú chén anh: “người Việt ta giỏi thật!” được khi mà chỉ cần ngoái cổ lại lại một chút, lướt nhìn qua hơn 3 thế kỷ cận đại với những phân liệt, nội chiến, ngoại chiến … và một đất nước hôm nay đang được xếp vào loại nghèo nhất thế giới với cuộc “khủng hoảng nhân cách” sâu rộng nhất từ xưa tới nay, như cách nói của Hà Sĩ Phu. Hãy so sánh với các nước trong khu vực thôi chứ đừng nói gì tới các nước văn minh xa xôi. “Thôi đừng hát ru, thôi đừng phiêu lãng” nữa!

Chúng tôi cho rằng nguyên nhân sâu xa nhất của “cái vòng kim cô” Việt Nam từ mấy thế kỷ nay, chính là Văn hóa Việt. Một cách nghịch lý, cái văn hóa đã từng giúp chúng ta thành người (Việt) lại đang trở thành “cái cũi” chật hẹp giam cứng chúng ta lại. Cái nôi bao giờ cũng êm ái nhưng sớm muộn gì cũng phải từ giã nó để thành người lớn. Thay đổi Văn hóa là sự nghiệp dài lâu “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” như lời cụ Phan Chu Trinh. Vâng, trước hết là “tri thức”. Nhưng đó phải là tri thức đa phương, đa chiều, tổng thể, vẹn toàn, trần trụi, thậm chí sống sượng.. chứ quyết không thể chỉ là thứ tri thức đã được xào nấu sẵn của một ai đó, đặc biệt là của kẻ cầm quyền, dẫu cho có sực nức mùi thơm. Sâm rất bổ, nhưng nếu chỉ ăn một mình sâm không thôi thì người ta sống được bao lâu? Bây giờ người ta hay có cái mốt đổ tội cho “dân trí” khi làm không được hay không muốn làm cái gì đó. “Cứ từ từ, dân trí còn thấp!”. Đó là một cách “đánh bùn sang ao” thôi chứ thực ra, vấn đề không chỉ là “dân chí” mà quan trọng hơn là “quan trí” và do “quan trí”.

Bao giờ cho tới… 1935?

Chỉ mới mấy trăm năm gần đây thôi, khi kẻ sỹ Việt Nam còn chìm đắm trong trong một vốc chữ Thánh Hiền thì kỹ thuật in ấn ra đời, báo chí xuất hiện đã giúp cho xã hội phương Tây nhanh chóng vượt trội hẳn phần còn lại của thế giới với “đôi hài vạn dặm” như chúng ta thấy.

Báo chí ở Việt Nam chỉ xuất hiện sau khi nước ta bị thực dân Pháp đô hộ. Tờ đầu tiên là “Gia Định Báo” (chữ quốc ngữ) xuất bản ở Sài Gòn năm 1865 do Chính phủ chủ trương. Ở Bắc kỳ thì mãi tới năm 1892 mới có tờ “Đại Nam Đồng văn Nhật Báo” (chữ nho) do Nha Kinh lược thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh (1882 – 1936) phải được coi là Ông Tổ của báo chí Việt Nam độc lập với tờ “Đăng Cổ Tùng Báo” ra năm 1909, sau đó là một loạt tờ báo khác như “Đông Dương Tạp Chí” ở Hà Nội năm 1915, rồi “Trung Bắc Tân Văn” năm 1919, v.v. Chính quyền thực dân Pháp đã tìm mọi cách để mua chuộc và đe dọa ông nhưng không thành công. Bắt đầu từ năm 1935, do áp lực của Phong trào Bình dân tại Pháp, Chính phủ bảo hộ tại Việt Nam mới buộc phải chính thức bãi bỏ kiểm duyệt báo chí, nhờ thế số báo chí xuất bản ngày càng nhiều và khá phong phú. Văn thơ Việt Nam cũng nhờ thế mà nở rộ hơn bao giờ hết. Đó chính là những áng “Thơ Văn Tiền chiến” mà cho đến nay vẫn còn làm nhiều người say mê.

Năm 1945, người Việt giành được độc lập. Những ông chủ mới, nhân danh Cách mạng và Tự do, nhanh chóng áp đặt trở lại việc kiểm duyệt báo chí, xuất bản, khắt khe hơn cả thời thực dân. Đám mây “Ngu Dân” lại trùm lên đất nước một lần nữa (trừ miền Nam tương đối được tự do cho đến năm 1975) đến tận hôm nay. Liệu có bao nhiêu người Việt biết đặt câu hỏi Bao giờ cho tới … năm 1935!?

Và … có một Đàn Chim Việt!

Nhiều người nhận xét ở Việt Nam “cái gì cũng có ra, nhưng chẳng có ra cái gì”. Có thể hơi ngoa, nhưng ít nhất có một thứ không có ra cái gì: Tự do ngôn luận.

Không có tự do ngôn luận, không có tự do báo chí thì không có dân chủ. Không có dân chủ thì không thể có phát triển bền vững. Ai sống trong xã hội văn minh đều biết rõ điều này. Khốn thay, “dân khôn” luôn luôn là một trở ngại đối với Nhà nước vì “khó trị”. Những kẻ cầm quyền biết rất rõ sự lợi hại của thứ vũ khí này. Bởi vậy, chừng nào còn có thể được thì họ còn quản lý chặt, chặt hơn cả ma túy, đĩ điếm và đạn bom. Ai cũng biết, đối với Hà Nội, ông Nguyễn Khoa Điềm (Trưởng Ban Văn hóa) còn quan trọng hơn cả ông Trần Văn Trà (Bộ trưởng Quốc phòng).

Bằng sự liều lĩnh, bằng tấm lòng, bằng sự kiên trì … những người chủ trương Đàn Chim Việt đã giành lại được quyền tự do tối hậu này ngay tại “sân sau” của Hà Nội, nghĩa là ngay sát nách Hà Nội, trong suốt một ngàn ngày qua và chắc là nhiều ngàn ngày tới nữa, kể cả khi Việt Nam, biết đâu đấy, sẽ có dân chủ. Trong bất cứ chế độ nào, người dân cũng cần phải có tiếng nói của mình. Chỉ có một nền báo chí độc lập và quyền Tự do Ngôn luận bất khả xâm phạm mới có thể khống chế được các Chính khách, những kẻ mà chính Mác đã nói là luôn luôn có khuynh hướng lạm dụng (và lợi dụng) quyền lực.

Có người hỏi chúng tôi: “Sao các anh dại thế, ăn cái giải gì? Rồi người ta sẽ không để cho các anh yên đâu!”. “Vâng, đúng thế, người ta đang không để cho chúng tôi yên, nhưng “một dân tộc gồm toàn những người khôn là một dân tộc khù khờ”.

Warszawa 11/2002

Phản hồi