Bầu Cử Tổng Thống Hoa Kỳ 6/11/2012
Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, cho đến cuối tháng Tư vẫn còn trong vòng sơ bộ (primary) tuy bên phía Công Hòa ông cựu nghị sĩ Santorum, người có nhiều khả năng thách thức ông cựu thống đốc Mitt Romney nhất đã bỏ cuộc hôm 10/4, nhưng các ông cựu chủ tịch quốc hội Newt Gingrich và dân biểu Ron Paul vẫn tiếp tục tranh. Vì vậy, ông Romney chỉ được chính thức nhận sự đề cử khi nào ông thắng được 1,144 đại biểu trong số 2,286 đại biểu của đảng Cộng Hòa, bằng không phải chờ đến đại hội của đảng ở thành phố Tampa, tiểu bang Florida trong 4 ngày 27, 28, 29, 30 của tháng Tám để quyết định. Cho đến ngày 22/4 ông Romney được 656 đại biểu, ông Santorum 272, ông Gingrich 140 và ông Paul 67. Điều này có nghĩa là ông Romney còn cần 458 đại biểu nữa mới thật sự thắng, bằng không phải tranh ở đại hội.
Đại hội đảng Cộng Hòa ở Tampa, Florida dự trù tốn phí 55 triệu đô la. Ba tiểu bang đi đầu tạo trớn hay momentum trong mùa bầu cử thì năm nay không ai thắng đựơc hơn một. Ông Santorum thắng ở Iowa, ông Romney thắng ở New Hampshire, và ông Gingrich thắng ở South Carolina.
Ngày Đại Thứ Ba hay Super Tuesday hôm 6 tháng Ba với 10 tiểu bang bỏ phiếu với tổng cộng là 391 đại biểu thì ông Romney thắng 6 tiểu bang, ông Santorum thắng 3 và ông Gingrich thắng 1.
Vì ông Santorum đã quyết định rút lui, cho nên hiện tại còn 3 người là ông Romney, ông Gingrich và ông Paul, nhưng đa số đều thấy rằng ông Romney đã thắng mặc dù chưa hội đủ 1,144 đại biểu.
Về phía đảng Dân Chủ, họ sẽ tổ chức đại hội ở địa điểm Time Warner Cable Arena vào ngày 3, 4, 5, 6 tháng Chín ở thành phố Charlotte còn được gọi là Queen City của tiểu bang North Carolina. Năm 2008 ông Obama thắng sát nút ông John McCain ở tiểu bang này với 50% so với 49%, cho nên họ muốn chọn tiểu bang này để tạo thế thắng cho DC ở đây và để tránh ảnh hưởng của nghiệp đoàn do bởi tiểu bang này nghiệp đoàn yếu nhất. Thống đốc hiện nay là ông Bev Perdue thuộc đảng Dân Chủ. Đại hội này dự trù sẽ mang lại 160 triệu đô lợi nhuận cho thành phố khi 35,000 đại biểu và du khách về tham dự. Ứng cử viên cần thắng 2,778 đại biểu trong tổng số 5,554 đại biểu của đảng DC để được chỉ định. Do ông Obama tái tranh và không ai trong nội bộ đảng DC thách thức cho nên đương nhiên ông là người được đảng chỉ định. Ông Phó Tổng Thống Joe Biden sẽ tiếp tục đứng chung liên danh với ông Obama.
Theo thăm dò dư luận cho đến ngày 22/4 thì có một tổ chức là CBS/NYTimes cho điểm huề với Obama 46% và Romney 46%, hai tổ chức Gallup và Fox News thì cho là ông Romney dẫn đầu từ 1 đến 2 điểm tức 46/45 hay 46/44, còn 9 tổ chức thăm dò dư luận khác mà trong đó có Rasmussen, CNN thì cho là Obama dẫn đầu từ 2 đến 9 điểm, tức 47/45 của Rasmussen đến 52/43 của CNN.
Ngày bầu cử tổng thống và các cấp dân cử khác của năm nay là ngày Thứ Ba 6 tháng 11.
Nếu chúng ta còn nhớ trong cuộc tranh cử năm 1992 giữa đương kim tổng thống lúc bấy giờ là ông George H. W. Bush hay ông Bush cha và ông Bill Clinton, thì vào tháng 3/1991 dân chúng ủng hộ ông Bush cha 90% do chiến thắng 100 ngày đánh Iraq, nhưng chỉ một năm sau, vào tháng Tám 1992 có đến 64% dân chúng quay lưng với ông. Chiến lựoc gia của ông Clinton lúc ấy là ông James Carville có nói câu nổi tiếng là “It’s the economy, stupid” hay “Tất cả là vấn đề kinh tế, đồ ngu”. Cho nên triển vọng thắng cử của ông Romney sẽ lệ thuộc rất nhiều vào vấn đề kinh tế. Trong 6 tháng tới nếu kinh tế tiếp tục cải thiện, thất nghiệp giảm thì cơ hội cho ông Romney thắng cử sẽ khó hơn, nhất là ông bị liệt vào thành phần 1% giàu có của xã hội Hoa Kỳ so với 99% còn lại và phong trào Occupy Wall Street, tức phong trào Chiếm Phố Wall chống tư bản bất công gây chênh lệch giàu nghèo quá lớn vẫn còn đang âm ĩ.
Vào khoảng năm 1947, một thượng nghị sĩ Cộng Hòa là ông Arthur Vandenberg đã tóm thâu chính sách đội ngoại của HK vào một câu nói ngắn “Politics stop at the water’s edge” hay tất cả những đấu đá chính trị sẽ dừng lại ở bìa mặt nước, tức quyền lợi nước Mỹ là trên hết dù cho đảng nào nắm quyền, nên khi ra ngoài lục địa HK thì là một chính sách đối ngoại chung. Ta còn nhớ ngày 8 tháng 2, 2012, đại sứ Singapore là ông K. Shanmugam, khi viếng Washington DC đã lên tiếng cảnh báo rằng các ứng cử viên tổng thống Cộng Hòa không nên đánh giá thấp sự phản ứng của Trung Quốc khi mạnh mẽ chống TQ vì sẽ gây ra một thực tế mới bất ổn trong khu vực mà không ai muốn. Điều này nói lên rằng liên hệ HK với TQ hay HK với Đông Nam Á và Việt Nam là một liên hệ phức tạp, các ứng viên CH đừng vì nhu cầu tranh cử, muốn lấy phiếu mà đưa đến những bất lợi cho HK và các quốc gia khác.
Nhiều người không nghĩ là sẽ có sự khác biệt lớn lao trong chính sách đối ngoại của HK nếu ông Romney thắng cử tổng thống, vì lẽ ông thuộc đảng Cộng Hòa và nền tảng hậu thuẩn cho đảng CH là giới làm ăn và tư bản, cho nên khuynh hướng chung của họ là ổn định để làm ăn, nhất là giới này đã bắt rễ sâu vào TQ nói riêng và Á Châu nói chung. Hơn nữa tình trạng kinh tế và ngân sách đang yếu kém của HK đang làm cho HK co cụm lại trong những nghĩa vụ quốc tế thì họ đâu muốn chảy máu thêm nữa để gây bất ổn trong hoàn cảnh thiếu trước hụt sau.
Tuy nhiên, dù là đảng nào thì chính sách chung của họ có tiềm ẩn một ý muốn thâm sâu là TQ phải được dân chủ hóa và VN cũng vậy, vì các quốc gia dân chủ chuộng ổn định và không đe dọa láng giềng. Trong khi đó thì HK coi sự giàu thịnh của mình trong Thế Kỷ 21 là Á Châu và muốn nơi này có các nền chính trị dân chủ ổn định để họ yên tâm buôn bán làm ăn. Chính sách của HK ở Châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á cũng như Việt Nam nói riêng vì vậy đã tạo ra cho nơi này một môi trường thuận lợi để các dân tộc bị trị đang sống trong các chế độ độc tài có một cơ hội để vùng lên.
Đối với HK, nếu một dân tộc nào dám đứng lên tự cứu mình thì HK sẽ giúp đỡ, nhưng nếu họ không làm và muốn HK làm giúp thay họ thì HK sẽ không làm. Do đó, dân tộc Việt Nam muốn thay đổi vận mệnh của mình thì phải đứng lên đòi lại quyền làm người của mình trước đã.
© Lê Minh Nguyên
© Đàn Chim Việt