5 bài học đắt giá từ trận Anh – Thụy Điển
Bài viết trên tờ Independent đã chỉ ra 3 điểm yếu và 2 điểm mạnh của tuyển Anh sau chiến thắng 3-2 trước Thụy Điển đêm qua.
Tuyển Anh có thể chơi mạo hiểm
Trong cả trận đấu với Pháp, Anh chỉ có 5 cú sút và 1 trong số đó thành bàn. Khi họ vươn lên dẫn trước ở phút thứ 23 trong trận đấu thứ 2, đó mới là cú sút thứ 5 và lần thứ 2 trúng đích. Tổng cộng các cầu thủ Anh có 16 cú sút – một con số đầy ấn tượng. Nhiều cầu thủ thay vì chỉ chăm chăm lo phòng ngự trên phần sân nhà trong trận gặp Pháp nay được tự do lao lên phía trước. Cụ thể là các hậu vệ cũng thường xuyên có mặt trong vòng cấm của đối phương. Scott Parker, người chỉ có 10 đường chuyền tấn công trong trận gặp Pháp, trận này chỉ mất 30 phút đầu để vượt qua con số đó. Sức tấn công của Anh sẽ tốt hơn nếu Ashley Young lấy lại phong độ cao nhất. Nhưng dù sao với ảnh hưởng của Theo Walcott trong việc ghi bàn, tuyển Anh có thể tạm an tâm.
John Terry thiếu tốc độ
Phút thứ 21, trong một pha tranh bóng với Ibrahimovic ở gần chấm phạt góc, nơi có nhiều camera nhất, Terry bị bắt trọn hình ảnh vất vả chiến đấu với tốc độ đang sút giảm một cách rõ rệt. Với một đấu thủ chưa bao giờ được đánh giá cao về tốc độ, Terry trông như trong một đoạn phim đang quay chậm khi tiền đạo người Thụy Điển tăng tốc. Ở tuổi 31, hậu vệ đội tuyển Anh còn kém Linford Christie 1 tuổi khi anh này giành huy chương vàng cự ly 100 m ở Olympic 1992, nhưng dù không đề cập đến tuổi tác thì khoảnh khắc đuối sức của Terry trông cũng thật thảm hại.
Các tiền đạo Anh đã có một trận đấu tuyệt vời
Welbeck 21 tuổi, Carroll 23, nếu may mắn và có thái độ luyện tập tốt, cả hai sẽ có cả thập kỷ trước mắt để chơi với phong độ cao nhất. Nhưng có lẽ họ sẽ không dễ gì có lại những bàn thắng ghi đêm qua. Cú vô-lê bằng gót chân của Welbeck từ đường căng ngang của Walcott là một khoảnh khắc tinh quái hiếm thấy ở các tiền đạo Anh. Ngược lại, bàn thắng của Carroll thuần chất Anh hơn bất cứ bàn thắng nào khác. Đường chuyền của Gerrard gợi nhớ đến Beckham – đây đã lần thứ 2 anh chuyền như đặt để đồng đội ghi bàn – còn cú đánh đầu của Carroll khiến Alan Shearer cũng phải ganh tị.
Anh vẫn cần tới sự giúp sức của đối thủ
Với Pháp, Anh chỉ thực hiện thành công 83% số đường chuyền, trong khi đối thủ tận dụng thành công điều đó để kiểm soát hoàn toàn thế trận. Anh chỉ có 35,1% thời lượng kiểm soát bóng.
Việc đội quân của Roy Hodgson chơi hiệu quả hơn trong trận thứ hai là nhờ Thụy Điển chuyền bóng còn tệ hơn họ trận trước. Thụy Điển chỉ đạt độ chính xác trong 81% số đường chuyền. Đánh giá của Gerrard trước trận đấu – “với tất cả sự tôn trọng, tôi cho rằng Thụy Điển là một đội bóng mạnh và được tổ chức tốt ở cả 3 tuyến, nhưng dù sao họ cũng không phải tuyển Pháp” – xem ra hoàn toàn có lý.
Cẩn thận gậy ông đập lưng ông
Anh quá tập trung vào khai thác điểm yếu chống bóng bổng của đối thủ, nhưng dường như chính họ lại sao nhãng việc đó. Đúng là 3 trên 5 bàn thua của Thụy Điển gần đây là do đánh đầu, nhưng chắc không có tình huống nào hàng thủ của họ chơi tệ như Anh trong tình huống phút 59. Olof Mellberg dễ dàng đánh đầu giữa đám đông hậu vệ Anh sau cú đá phạt từ cự ly 40 m. Nếu như không quá mải mê tập kích điểm yếu của đối thủ, có lẽ Anh đã không bị dính đòn “gậy ông đập lưng ông” như thế.
Nguồn: VnExpress