WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Miền hư ảo [23]

Tiếp theo các chương:  IIIIIIIVVVIVIIVIIIIXXXIXIIXIIIXIVXVXVIXVIIXVIIIXIXXXXXI và XXII

Chương 23: Ngã blog – Âm binh bất động thủ

Trong bóng tối bên hiên nhà có tiếng người cất lên.

– Xin lỗi, con chỉ ghé xin miếng nước.

Lão Thể la hoảng:

– Coi chừng. Năm, cho nó nhát cuốc.

Ngã thận trọng huơ cuốc tới gần. Đó là một thằng trẻ tuổi ốm xanh xao. Nó ngồi dựa lưng bên vách nhà ra chiều mệt mỏi lắm, thấy ngã tới, nó lảo đảo bò dậy cúi đầu chào.

Ngã bực mình quay qua la thằng cha Thể:

– Thằng Sỏi chứ ai. Suýt nữa thì giết oan.

Thằng Sỏi là chỗ sơ giao với ngã, nó nằm trong đám sinh viên chết đói trên đồi, hầu như đêm nào cũng thấy nó với chúng bạn xách cuốc đi đào bới. Cái gì tụi nó cũng ăn, rắn rết, chuột bọ, côn trùng… Thằng Sỏi lễ phép lắm, nhiều hôm nó ghé đây chào hỏi tử tế, xin uống miếng nước rồi đi.

Cái thau nhựa sứt mẻ của nó nằm dưới đất đầy ắp sùng, con nào con nấy mập ú trắng nhởn. Ngã giật mình, sùng đâu nhiều dữ vậy. Thằng Sỏi đêm nay trúng được mối sùng nên đào tới giờ này mới về. Ngã chỉ tay ra sau nhà, nói:

– Nước trong lu đó, cứ mà lấy uống. Còn thích uống nước trà thì vô bếp nấu.

Nó bước đi mấy bước, bỗng rồi té lăn quay ra. Ngã lật đật nhét cái tráp vô góc chuồng gà bên hè rồi chạy tới nắm tay thằng Sỏi. Tay chân nó lạnh ngắt, mạch đập thoi thóp như người sắp chết. Không ngờ nó vẫn tỉnh táo, cất giọng thều thào:

– Con chỉ đói bụng thôi, không sao hết.

Ngã động lòng kêu trời, dìu nó vô nhà, đặt nằm trên giường rồi lấy trứng gà đút cho nó. Đồ ăn thức uống trong nhà vì thằng con rùa họ Đường Sơn mà đã thiu thúi từ hai hôm trước, chẳng còn thứ gì ăn được. Chừng ăn hết ba cái trứng, uống ly nước lạnh thằng nhỏ tỉnh táo dần, mở miệng cám ơn ngã rối rít. Ngã bực mình nạt luôn:

– Cậu tới được đây, sao không kiếm đỡ cái gì ăn mà nằm chết giấc ngoài bờ. Có gạo trong khạp, có mì gói trong tủ. Ngã xưa nay có khoá cửa bao giờ đâu.

Không ngờ nó nghiêm nghị trả lời:

– Con thà chết đói chứ không trộm cắp.

Ngã nhìn thân hình tiều tuỵ, hai bàn tay lở loét của nó mà cảm thương ứa nước mắt.

– Trộm cắp gì chớ. Chỗ quen biết ăn đỡ miếng cơm rồi thưa gửi vài lời là xong. Loại thật thà như cậu làm sao sống được trên đời này.

Lão Thể la lên:

– Nói gở. Độc mồm độc miệng quá.

Ngã biểu lão Thể đổ hết thau sùng ngoái hè vô chuồng gà, rồi bắt nước nấu mì cho thằng Sỏi ăn. Lòng ngã khi đó rối bời chuyện vừa xảy ra ngoài đầm đỉa, ám ảnh kinh hoàng, lại lo lắng bất an, cũng còn chưa biết tính sao. Thằng Sỏi không hay biết gì ngồi kế bên kể chuyện trường chuyện lớp ra chiều vui vẻ lắm, lại còn suýt xoa khen mì thơm:

– Năm năm nay con chỉ được ăn mì gói có hai lần.

Vừa lúc đó, có tiếng quạ kêu thảng thốt ngoài trường bắn. Lão Thể la lên, sao giờ này có xử bắn, nói xong liền phóng chạy ra hướng đó. Ngã lo lắng nói:

– Xứ này toàn quạ đen chỉ mang điềm dữ.

Không ngờ thằng Sỏi cười:

– Đó là tiếng quạ trắng chứ đâu phải quạ đen. Đêm nay mồng bảy tháng bảy, quạ trắng về bắt cầu qua sông Ngân Hà, tới sáng ra bay về hướng Cam Lộ.

Ngã nghe nó nói đúng tâm linh mình thì chấn động cõi lòng.

– Cậu nói sao chớ? Cam Lộ ở đâu?

Thằng Sỏi húp soèn soẹt miếng nước mì rồi nói:

– Cam Lộ chảy qua Đông Hà, Quảng Trị. Ngày rằm tháng bảy, nhằm dịp Tết Vong Nhân Xá Tội, quạ trắng bay về từng đàn trong bụi trắng, đậu dọc cầu Đuồi đưa hồn người sang sông.

Ngã lật đật tính, hôm nay đã mùng bảy, tới rằm còn tám ngày nữa. Những chuyện kinh khủng vừa xảy làm ngã sợ hết muốn lưu luyến cõi trần. Nếu thu xếp đi liền bây giờ thì kịp ra Cam Lộ đặng chờ qua sông. Âu cũng là duyên số mà gặp được thằng Sỏi. Bởi nghĩ như vậy mà chạy tuốt vô góc chuồng gà lôi cái túi da thuộc ra khỏi tráp kim loại. Cái vỏ tráp, ngã liệng luôn xuống giếng. Cái túi da thuộc ngã đưa cho thằng Sỏi. Ngã không biết trong túi có gì, nhưng ngã biểu nó cột kỹ vô trong mình, đừng cho ai biết. Thằng Sỏi vừa tướt dây ni lông cột túi da thuộc vô cái bụng lép kẹp, vừa hỏi:

– Cái gì mà lộp xộp như giấy, lục cục nặng nề như đá?

Ngã la nhỏ:

– Tiền bạc châu báu kim cương trong đó.

Thằng Sỏi nghe vậy thì trợn mắt im re. Ngã chui xuống gầm giường, moi đất lấy số gia sản lâu nay dành dụm cho vô túi áo lá, ép kỹ trong người. Chỗ mì gói còn trong tủ ngã cho hết vô bao rồi đưa cho thằng Sỏi, biểu nó:

– Đi.

Thằng Sỏi giật mình hỏi:

– Đi đâu?

– Bỏ hết lại đây mà đi.

Nói rồi đeo cái ba lô dùng khi đi buôn gà lên lưng, quơ lấy cây cuốc bên cột nhà, nắm tay thằng Sỏi kéo đi. Thằng Sỏi lằng nhằng chỉ tay ra sau hiên nhà:

– Để con lấy cây cuốc của con với cái thau.

– Những thứ đó từ đây không cần tới nữa đâu.

Ra tới ngoài sân, không ngờ con trống cụt cũng vừa về tới, nó te te chạy theo. Ngã thương quá ôm nó lên rồi kéo thằng Sỏi đi về đồi Nông Lâm, vừa đi vừa ngó quanh coi động tĩnh vừa giảng giải:

– Ở đây tai vách mạch rừng, nguy hiểm vô cùng. Cậu mang cái túi da khi nãy đi khỏi đây ngay trong đêm nay, ngã không biết có cái gì trong đó, cậu cố mà tìm hiểu. Số vàng bạc nữ trang chắc đủ cho cậu sống giàu sang cả đời, cố làm thêm việc nhơn nghĩa giúp người. Còn số giấy tờ tài liệu, phải giữ thiệt kỹ, sau này tìm một người tên Đường Sơn Tấn Phát để trao lại.

Khi tới con đường trồng tràm dẫn vô trường Nông Lâm, ngã móc số tiền giấy trong túi ra, chia cho nó một nửa làm lộ phí, rồi cẩn thận dặn thêm lần nữa:

– Đi ngay ra bến xe đêm nay, đừng về lại cư xá nữa. Nhớ giữ cho kỹ cái túi đó, không kể cho ai nghe, khi nào thấy thiệt an toàn thì mới mở ra. Chuyện này nguy hiểm ghê lắm, trốn đi càng xa càng tốt. Ngã về Cam Lộ qua sông là hết nợ nần ân oán.

Vừa lúc đó, con Cụt la lên thất thanh. Lão Thể mò theo sau từ bao giờ cũng la lên:

– Thích khách.

Ngã giật mình múa cuốc xông vô bụi thì bắt gặp một con nhỏ đứng núp trong đó.

Lão Thể nạt:

– Con gái mà đêm hôm tăm tối đứng trong bụi là lẽ gì.

Không ngờ thằng Sỏi xông tới, nó níu áo ngã nói nhỏ:

– Cô này là bạn cùng lớp.

Ngã liếc nhìn con nhỏ, thấy mặt mày nó hiền lành lại đầy vẻ hoảng sợ nên không để ý nữa. Ngã dặn thằng Sỏi lần cuối:

– Nhớ lời ngã dặn, nghe chưa.

Chừng thấy nó gật đầu chắc chắn thì ngã lật đật quay về, ôm con gà đi thẳng một mạch tới nhà ông Tám ve chai. Giữa đêm, ông Tám nghe tiếng ngã kêu cửa thì hết hồn, lên tiếng hỏi:

– Cô Năm hả? Trời đất, có chuyện gì không?

Ngã nói nhỏ:

– Có chuyện. Ông Tám mở cửa dùm.

Ông Tám đi cà nhắc ra, lọ mọ một hồi mới mở được cửa. Ngã vô tới nhà là nói liền:

– Năm phải đi liền, chắc không về lại đây nữa. Con gà trống này với ba lượng vàng gửi tặng ông Tám. Bên nhà còn bầy gà với hai con trâu, ông qua dắt về, bán hết mà dưỡng già.

Ông Tám nắm tay ngã hấp tấp hỏi:

– Có chuyện gì vậy chớ? Để tui qua coi chừng nhà cửa dùm cho. Bao giờ cô về cũng đặng.

Ngã lắc đầu:

– Xin ông đừng nói lại với ai chuyện này. Nếu người nào hỏi thì nói Năm lên chùa quy y, để hết tài sản này lại cho ông. Chuyện này nguy hiểm chứ không chơi đâu.

Nói rồi ngã dứt áo đi liền, sợ ở lại lâu rồi thêm buồn, dù gì ông Tám cũng là người thân thiết bấy lâu nay. Ngã xuống đồi, theo hướng ngã tư Xuân Hiệp mà đi. Lúc ngang qua trại đỉa, thấy xe hơi để đèn pha đậu lố nhố trong sân. Bên trong nhà thuỷ tạ đèn đóm sáng rực. Bên trạm canh bóng người lố nhố, lại nghe cả tiếng la nhốn nháo. Ngã đoán là người ta đang kéo cái xác dưới hồ lên.

Từ ngã tư Xuân Hiệp ngã đón tuyến xe lam sớm về chợ Thủ Đức. Từ chợ Thủ Đức, đi xe ôm về ga Bình Triệu. Đồng hồ trong ga lúc ngã tới chỉ năm giờ sáng. Trời phía đông cũng đã bắt đầu hửng hồng. Khoảng hai giờ nữa thì có chuyến xe lửa Nam-Bắc từ ga Hoà Hưng ra. Tuyến đường này ngã đi buôn gà hoài nên quen lắm. Thường thì ngã xuống ga Quảng Ngãi. Gà Quảng Ngãi vừa ngon vừa rẻ. Lần này ngã đi tuốt ra Quảng Trị rồi không về nữa. Nghĩ tới đó mà lòng xôn xao, thấy cảnh vật cũng buồn bã đìu hiu.

Ngã đi dọc theo bên đường ray lên, tới ngang đống hàng vải của chị sồn sồn thì dừng lại. Chị này là khách buôn quen tuyến đường Sài Gòn – Quảng Nam, thường hay mặc áo màu măng cụt. Cái màu tím thiệt thanh nhã thiệt dễ coi. Có lần không nhịn được, ngã buột miệng khen. “Mèng ơi, chưa thấy ai có cái màu áo dễ coi như chị.” Từ hôm đó ngã với chị buôn vải quen nhau, lại thấy chị chỉ mặt toàn áo màu măng cụt. Chị cũng nhận ra ngã nên gật đầu chào vui vẻ lắm. Tự nhiên rồi cũng cái màu tím đó lại làm ngã thấm buồn, cứ tưởng như là màu biệt ly.

Xe lửa tới trễ ba mươi phút, khi đó trời đã sáng tỏ. Ngã ăn vừa hết hai gói xôi bắp thì nghe hụ còi, chừng tàu dừng bánh thì đã thấy trên mấy toa đông kín người. Ngã leo lên được tới nơi, quay qua quay lại một chút thì được chỗ trong góc kẹt. Lão Thể cũng mò lên nằm ngủ chèo queo kế bên. Xe đổ hàng lên lâu lắc, tới lúc xịch xịch chuyển bánh thì trời bên ngoài đã lên nắng. Ngã trả tiền vé xong, chờ xe ngang ga Sóng Thần, nhổm lên cửa sổ nhìn lại lần cuối nơi mình nương náu mấy mươi năm mà lòng ngậm ngùi thương nhớ. Rõ ràng là muốn qua sông từ lâu, dứt hết nợ nần, nhưng không ngờ mình còn quyến luyến cõi hồng trần này quá xá.

Qua khỏi Trảng Bom một chút, ngã ngủ thiếp đi, cho tới khi tỉnh dậy trời bên ngoài có vẻ đã xế, quay sang hỏi bà già ngồi bên cửa sổ:

– Tới đâu rồi hả dì?

Bà này nói giọng Nha Trang:

– Mới qua Vĩnh Hảo, e tới Cà Ná, hai ga nữa tới Tháp Chàm.

Tới Tháp Chàm, xe lửa dừng khoảng hai mươi phút. Ngã gửi chỗ cho bà già rồi xuống ga tìm chỗ vệ sinh. Khi lên lại toa, chỗ ngã ngồi đã có mấy bao hành củ, cá khô chiếm chỗ. Tên buôn hành, buôn cá mặt mày bậm trợn gườm gườm nhìn ngã không nói tiếng nào. Lão Thể đứng sau chửi đổng:

– Cái thứ này không biết phải trái là gì.

Bà già người Nha Trang ngồi bên cửa sổ sợ sệt xua tay, rồi nói:

– Cô Hai ngồi xích vô đây, tui sắp xuống rồi.

Ngã tới ngồi dưới chân bả, lòng cảm kích ghê gớm, nên bắt chuyện với con người tử tế một câu:

– Dì xuống Nha Trang hả?

– Ờ, xuống Nha Trang, rồi đi tiếp về Phong Thạch, sợ tối quá là phải ngủ lại Nha Trang rồi sáng sớm mai mới đón xe đi. Thời buổi nhiễu nhương, đường xá lúc này…

Lúc đó xe vừa chuyển bánh, bà già nhìn ra cửa sổ lo lắng nói:

– Không biết lại có chuyện gì nữa đây. Công an kéo vô đầy ga.

Lão Thể cũng la lên:

– Không xong rồi.

Ngã giật mình nhổm dậy, ngó ra cửa sổ. Trên sân ga, một đám công an áo vàng đang hối hả xô đẩy đám hành khách, len len bươn tới. Mấy cái dùi cui chỉ về phía xe lửa. May sao đoàn xe cứ xình xịch lướt qua rồi xình xịch tăng tốc. Ngã ớn lạnh ngồi bẹp xuống sàn, chưa kịp định thần nên không biết tính sao. Lão Thể thì thầm:

– Thằng cha buôn hành mắt bén như dao mổ heo. Năm coi chừng.

Ngã liếc qua bắt gặp ánh mắt diều hâu của thằng buôn hành. Ngã kinh hãi nhắm mắt lại, cố giả tảng ngáp hai cái ra chiều buồn ngủ, trong lòng bấn loạn khôn tả. Lão Thể lại nói:

– Phía sau cũng có người nhưng không rõ mấy đứa.

Còn khoảng một trăm cây số nữa là tới ga Nha Trang. Ngã nghĩ, xe lửa vô ga là bị chặn lại khám xét, khi đó chắc là hết đường thoát. Phải tìm đường thoát ngay bây giờ mới may ra. Ngã ôm bụng nhăn nhó, không biết bên kia có mấy đứa. Bà già ngồi trên ghế hỏi:

– Đau bụng hả?

Ngã hoảng quá gật đầu. Bà già đưa cho ngã mượn hũ dầu cù là rồi càm ràm.

– Ăn dọc đường dễ trúng lắm. Tui thà nhịn đói còn hơn.

Ngã vừa sức dầu vừa nhăn nhó suy tính:

– Chắc không êm rồi – Ngã rên rỉ đưa cái ba lô cho bà già – Dì giữ dùm cái giỏ, vô nhà cầu một chút.

Thằng bán hành quay sang nhìn cái ba lô lom lom. Ngã ôm bụng len qua đám hành khách đi về phía cuối toa. Trong nhà cầu hôi hám ghê rợn, ngã vừa cài chốt cửa đã nghe có tiếng người gõ hối hả bên ngoài.

Ngã thất kinh đưa tay mở cánh cửa sổ, không ngờ bên ngoài cửa có hàn song sắt kỹ lưỡng, lấy tay lắc thử mà không suy siển gì. Trời đã tối hẳn, nhà cửa đèn đóm hai bên đường vùn vụt lùi về phía sau. Vận tốc xe chạy kiểu này mà nhảy xuống là té chết tươi, nghĩ vậy nên thôi lắc mấy cái song sắt. Vừa lúc đó tiếng đập cửa lại vang lên gấp rút.

Ngã đánh liều mở cửa ra, hoá ra là một thằng nhỏ độ hơn mười tuổi đang bụm quần nhảy choi choi. Nó không nói gì mà xô ngã ra rồi lách cái ào vô nhà cầu.

Ngã cũng lật đật bỏ đi. Ngay lập tức nghe phía sau có tiếng người cự nự, tiếng người va quẹt, tiếng hàng hoá va đập. Lão Thể hét:

– Có đứa đuổi theo.

Ngã bươn chạy về phía trước, nhảy đại qua ba bốn cái đầu gối, huýt ngang hông hai ba người khách. Ra tới đoạn nối giữa hai toa, ngã lật đật bám thành toa nhảy lên nóc. Bên trên nóc toa đám người trốn vé ngồi lố nhố. Gió táp ào ào. Ngã lách qua đám người ngồi, lom khom chạy ngưọc chiều gió về phía cuối xe, có tiếng ai la lên sợ hãi:

– Bộ muốn chết hay sao…

– Ai lên đây chạy kiểu đó…

Vừa lúc đó tàu lắc mạnh, mấy người đang ngồi bám chặt vô nhau. Ngã suýt nữa bị hất văng khỏi xe, lật đật nằm sát xuống nóc. Không biết đoạn đường này có chuyện gì mà xe lửa lắc liên tục, chỗ nối toa sắt thép dộng vô nhau nghe ầm ầm kinh khiếp. Ngã nằm yên chờ xe hết lắc thì bò tiếp về phía sau. Ngang qua mấy đoạn nối là phải lom khom đứng lên, nhảy qua, may xe chạy ngược chiều nên nhảy cũng vừa sức. Vừa bò vừa nhảy qua được bốn toa thì gần tới cuối đoàn xe, ngã bám khung sắt leo xuống giữa khoảng nối, vừa lúc đó xe qua cầu. Gió sông lạnh ướt tạt ào ạt qua thành cầu sắt. Nước sông đen ngòm trong bóng đêm. Tiếng thắng xe rít lên trên đường ray nghe thiệt ghê rợn.

Ngã rón rén bước vô trong toa xe. Đây là một trong mấy toa nhân viên xe lửa dành cho khách buôn quen. Hàng hoá chất cao lên tới nóc, hai bên đầy ắp, chỉ chừa một hành lang hẹp ở giữa cho khách đi băng qua. Ngã thấy có mấy khoảng trống trên nóc thì bám mấy bao hàng bò lên. Ô nào cũng có người nằm ép bên trong, hình như toàn là đàn bà, chắc là đám chủ hàng. Trong bóng ngọn đèn trứng vịt treo đong đưa, ngã nhận ra màu áo măng cụt của chị buôn vải ở cách đó ba ô. Ngã liền tuột xuống leo qua bên đó. Chị buôn vải đang nằm ép sát trong khoảng giữa mấy bao tải và nóc toa. Ngã trồi đầu lên chút nữa nhìn vô trong, thấy còn chỗ trống, vừa lúc đó, chị mở mắt ra nhìn suýt nữa thì la hoảng lên. Người đàn bà nằm mé bên kia cũng giật mình thức giấc, cựa quậy thò đầu ra. Ngã không biết nói sao, chỉ nhìn chị cầu cứu. Chị buôn vải nhận ra ngã liền hỏi nhỏ:

– Trốn vé hả. Vô đây.

Chị vừa nói xong liền xích vô trong, còn đưa cho ngã mượn hũ dầu cù là.

– Trốn trên nóc xe hay sao mà lạnh ngắt vầy.

Ngã cảm động ứa nước mắt, bóp cổ tay chị một cái để cảm ơn chứ không biết trả lời ra sao. Hai người đàn bà ở ô bên kia trở mình mấy cái rồi cũng nằm im. Chị buôn vải cũng không nói gì thêm, chắc là đã ngủ tiếp. Mé trên này nóng và ngợp ghê gớm. Ngã đoán, xe tới khoảng Phước Nhơn, từ đây tới Nha Trang còn độ chừng bốn năm ga nữa. Thường thường, trước khi tới Nha Trang xe lửa trong Nam ra hay dừng lại đâu đó tránh xe tốc hành từ Bắc vô. Nếu nghe xe kéo còi chậm lại thì ngã nhảy xuống liền, bên ngoài đồng không mông quạnh muốn bắt được ngã cũng không dễ. Nghĩ vậy nên yên tâm nằm lắng tiếng xe chạy, lắng nghe tiếng động từ hai đầu toa. Chưa tàn điếu thuốc bỗng loáng thoáng tiếng người đi tới, nhưng chỉ nghe tiếng va quẹt hàng hoá ngay cửa toa chứ xe chạy ồn quá không đoán được mấy người. Ngã đổ mồ hôi lưng, biết tụi nó tìm được tới nơi rồi, e là tận mạng. Chỗ này tử địa, chỉ trốn vô thôi chứ không chống cự gì được.

Một cái bóng đen hiện ra ở cửa toa, đầu đội nón lá, tay ôm thúng. Ngã chưa biết tính sao thì đã nghe hỏi:

– Ai ăn bắp luộc không?

Té ra là người bán bắp dạo. Chừng không nghe ai nói gì, người đàn ông đi ngang qua chỗ ngã nằm rồi đi tiếp ra toa sau. Chưa cạn hai hơi thở đã lại nghe có tiếng chạy ầm ầm trên nóc toa. Vì nằm sát trên này nên tiếng chân dậm trên nóc như dậm vô mặt mình. Một chút sau, có tiếng động ở hai đầu. Hai bóng đen to lớn án ngữ hai phía. Ngã ngiêng đầu nhìn xuống, bóng đèn treo trên cao hắt ánh sáng xuống khuôn mặt người đứng ở đầu toa. Ngã sợ hãi nhận ra, đó là tên buôn hành.

Ngã nằm chết cứng không biết tính sao. Hai người đàn ông bám mấy bao hàng leo lên, sòng sọc ngó vô từng ô. Ngã nhìn cái cách tụi nó nhẹ nhàng đu lên mà ớn lạnh, rõ ràng là bọn người có võ công. Có tiếng đàn bà cự nự rồi lại im, chắc mấy bà chủ hàng tưởng là nhân viên xe lửa kiểm tra. Ngã nằm lùi dần vô trong, chờ thằng nào ló lên là ra đòn liền, tiên hạ thủ vi cường, ra sao thì ra. Thằng buôn hành vừa sục sạo ô kế bên. Ngã cố lắng nghe tiếng nó nhẹ nhàng nhảy xuống, nhưng khoảng này xe chạy ồn quá không nghe được gì, chỉ đoán nó đang tiến sang chỗ ngã. Mồ hôi túa ra trên lòng bàn tay lạnh ngắt, ngã định thần vận hết mười thành công lực, quyết đánh ra một chiêu sinh tử.

Vừa lúc đó lại có tiếng rao:

– Ai ăn bắp nóng không?

Thoáng hơi gió nhẹ nhàng lướt qua chỗ ngã nằm rồi tan biến. Sau đó là khoảng không im lặng, chỉ có tiếng bánh xe lăn đều xình xịch. Một sự im lặng kỳ dị. Rồi có tiếng hai cái bao tải rớt xuống ngay dưới chỗ ngã nằm. Ngã chờ cạn hai hơi thở thì thò một bàn tay ra thử. Cũng lại không nghe thêm tiếng động gì bên dưới. Tim ngã thắt lại, biết có chuyện bất thường. Ngã chậm rãi ló đầu nhìn xuống.

Hai cái bóng đàn ông to lớn ngồi lù lù bên dưới, nhưng không hề nhúc nhích cử động. Ngã không rõ bọn này diễn kế gì, lần tìm trong túi đồng tiền cắc, nhằm ngay đầu thằng bán hành phóng xuống. Đồng tiền điểm trúng huyệt Bách hội, rồi rớt xuống nền, một tiếng keng nhỏ chìm trong tiếng xe, vẫn không thấy gã phản ứng gì. Ngã lại phóng thêm đồng tiền vô huyệt Thái dương của thằng đối diện cũng vẫn thấy thằng này ngồi im. Lão Thể sợ hãi nói:

– Hai thằng này chết queo rồi.

Ngã nghe vậy thì tá hoả, lưỡng lự một hồi đành lần mò leo xuống. Chừng tới gần thằng bán hành, ngã thấy nó đang cười. Nụ cười của nó làm ngã sởn gai óc.

Thằng bên kia cũng đang nhếch mép cười. Hai đứa ngồi co ro trên hành lang hẹp giữa mấy bao hàng, nhìn nhau cười cổ quái. Đó không phải là nụ cười khoái trá vui sướng. Đó là nụ cười của kẻ bị đau đớn tột độ bỗng dưng rồi được cái chết giải thoát khỏi sự đau đớn. Hai tên này cho tới lúc chết cũng không hay biết mình bị ám toán, đau đớn rồi chết đi trong nụ cười kinh dị. Ngã rùng mình ớn lạnh kêu thầm. “Tam tiếu tiêu dao tán”. Kẻ nào đã dùng Tam tiếu tiêu dao tán của phái Tiêu Dao để hạ độc thủ.

Cánh tay phải của thằng bán hành để xuội lơ, nhưng mấy ngón tay vẫn còn trong cơn đau đớn co quắp lại thiệt là kinh khủng. Trên cổ tay nó một đốm màu hồng cánh sen, như màu son đàn bà, lớn khoảng bằng cái nút áo. Ngã lật đật dở cổ tay phải của thằng đối diện ra coi. Cổ tay nó cũng có một đốm màu hồng nhạt y như vậy.

Lão Thể đứng phía sau nhảy nhổm lên như đụng trúng rắn hổ mang:

– Có độc. Có độc.

Cảm giác kinh hoàng ùa tới, ngã lật đật vận nội công phong toả huyệt đạo ngăn ngừa ám độc. Chừng không thấy trong cơ thể có gì khác lạ, ngã mới lấy làm kỳ dị. Tam tiếu tiêu dao tán không hình, không sắc, không để lại dấu vết. Người trúng Tiêu dao tán cười qua ba bận rồi đứt ruột mà chết. Không, nhất định không phải là Tam tiếu tiêu dao tán. Chất độc này cấp kỳ và khủng khiếp hơn nhiều. Khi đó, ngã mới sợ sệt nghĩ tới một người.

Mã Tiền.

Chỉ có Mã Tiền mới có lối hạ độc thần tốc và dã man như vậy.

Vừa lúc đó xe lửa kéo còi vô ga, tiếng bánh sắt chậm dần. Ngã đoán, xe dừng lại để tránh chuyến tốc hành ngoài Bắc vô. Không chần chờ, ngã chạy ra đầu toa, leo lên nóc ngồi đợi. Đoạn này đồng không mông quạnh, không thấy nhà cửa gì. Xe lửa chậm dần, ánh đèn nhà ga leo lét phía xa. Dưới ánh trăng thượng tuần, từ toa giữa có bóng người phi thân xuống đất. Xe lướt tới vừa ngang chỗ người nhảy xuống, lão Thể thò đầu ra nhìn, sợ hãi nói:

– Thằng cha bán bắp. Thây kệ nó, Năm, mình nhảy qua hướng bên kia đi.

Nhưng ngã muốn hỏi cho ra lẽ, bất luận điều gì, bất luận là ai, người này đã cứu mạng ngã.

Ngã tuột khỏi nóc, lúc này xe đã chạy chậm rì rì, ngã mới nương theo hướng xe, thi triển khinh công nhảy xuống. Đất dưới chân khô cứng, lùm bụi xương rồng um tùm. Vừa định thần, ngã quay ngược lại, vượt cánh đồng khô chạy đi vùn vụt. Ngã thi triển Lưu tinh công đuổi tìm gã bán bắp, chạy một đoạn thiệt xa vẫn không thấy bóng dáng gã kia đâu. Chỗ này đồng không mông quạnh, trốn không khó tìm không dễ. Ngã đoán, gã này chắc chưa đi xa lắm nên đánh vòng lại. Vừa ngang chỗ cây keo đứng chơ vơ giữa đồng, ngã leo lên chạc cây nhìn quanh. Trăng sáng trải dài trên cánh đồng khô thê lương tịch mịch, lác đác mấy cội xương rồng đứng dang tay dang chân dưới ánh trăng như ma quỷ. Ngã nhìn thiệt lâu không thấy có thứ gì chuyển động. Ngao ngán quá, ngã lần mò leo xuống.

Không biết phía nào đi ra đường lộ, ngã định, cứ lội ngược hướng ga cho chắc ăn đã, khi nào tìm ra đường lộ thì đón xe đò đi tiếp. Vừa lúc đó, có tiếng người nói nhỏ sau lưng:

– Nữ hiệp bỏ công tìm kiếm bỉ nhân, không biết có điều chi chỉ giáo?

Ngã thất kinh quay lại. Gã bán bắp đứng lù lù dưới gốc cây keo từ bao giờ, cái nón lá che bóng kín khuôn mặt. Ngã bàng hoàng hỏi:

– Các hạ là ai?

Không ngờ gã kia trả lời không do dự:

– Bỉ nhân là người mang ác danh Mã Tiền.

Ngã gằn giọng nói:

– Mã Tiền. Ngươi với hai tên kia không thù oán, sau nỡ ra tay tàn độc như vậy?

Lão ma đầu cười rổn rảng:

– Khá khen cho cô nương. Suýt mất mạng về tay Ưng Khuyển mà vẫn nói ra lời nhân đức. Thử hỏi cô nương, giết con rắn độc sắp cắn chết người, lòng cô nương có cắn rứt gì không?

Ngã ngần ngừ không biết nói sao thì Mã Tiền đã lại cất giọng cười khinh mạn:

– Bỉ nhân vốn mang nhiều tiếng oán trên giang hồ, chẳng có chuyện tàn ác nào mà kiêng dè. Hai thằng kia là bọn sai nha chuyên làm việc thất đức có giết đi cũng chẳng tội vạ gì. Nhưng vì chuyện này có liên can tới cô nương nên bỉ nhân vị tình, chỉ trừng phạt tụi nó chứ không hạ thủ. Cô nương đừng lo, chỉ vài giờ sau huyệt đạo tự khai thông, hai thằng gian ác đó sẽ bò dậy. Có khi tụi nó sẽ lại lùng kiếm cô nương mà diệt khẩu.

Ngã cảm khích chấp tay thưa:

– Đa tạ ơn cứu mạng của đại hiệp.

Mã Tiền dịu giọng nói:

– Cô nương là phận nữ nhi, lẽ ra phải có một cuộc sống êm ả, gia đạo an bình. Chốn giang hồ này nhiều bất trắc, mong cô nương bảo trọng.

Cuộc đời cô đơn lang bạt của ngã hiếm khi được ai quan tâm mà dành cho những lời ân tình như vậy. Ngã vừa nghe qua đã xúc động, liền nói:

– Bổn nương về Cam Lộ để qua sông. Tự giải thoát đời mình khỏi kiếp nghiệp.

Mã Tiền lắc đầu thở dài:

– Sợ số kiếp cô nương vẫn chưa hết nợ nần. Cô nương hành xử vội vã không chịu suy nghĩ cặn kẽ, làm vạ lây tới kẻ khác. Qua cầu Đoạn chưa chắc là yên.

Ngã giật mình hỏi:

– Đại hiệp nói vậy là sao?

– Tài sản nhà Đường Sơn là phần ân oán của quá khứ mang đầy tà khí. Đường Sơn tiểu tử tuy là kẻ nối dõi tông đường nhưng cũng chỉ tìm tới lấy đi những di vật của thân mẫu, những thứ khác đành phải để lại. Không ngờ cô nương tới sau lại vội vàng lấy đi tất cả, gây hoạ khôn lường.

– Hoá ra, kẻ đi trước bổn nương một bước là thằng nhỏ họ Đường Sơn. Trong túi da đó có những thứ gì, thật tình ta cũng không biết, chỉ lấy đi để nó đừng lọt vô tay kẻ gian ác.

– Trong túi da thuộc đó chẳng có gì đáng giá hết.

Ngã giật mình hỏi lại:

– Chẳng có gì đáng giá? Vậy mà vì nó bao nhiêu năm nay xảy ra những chuyện sinh sát ghê rợn?

Mã Tiền thở dài:

– Đường Sơn tiểu đệ tuy tiếng tăm lừng lẫy trên thương trường, nhưng là kẻ si tình nhu nhược, việc làm ăn buôn bán lần hồi đi vô con đường mê muội, phất lên mà không giữ được. Mấy năm cuối chiến tranh, Đường Sơn không chú tâm lo việc kinh doanh mà chỉ lo lén lút vận chuyển hàng hoá và vũ khí cho Mặt Trận, phần lớn doanh thu của Nam Thương tiêu cục khi đó đều bí mật chuyển vào tài khoản của N2683.

Ngã giật mình cắt ngang lời Mã Tiền:

– Mã đại hiệp nói sao? Đường Sơn là người của N2683?

– Phải. Tiểu đệ của ta là người của ban Tài Chính đặc biệt. Sau năm 75, Nam Thương tiêu cục chỉ còn lại lớp vỏ bọc hào nhoáng bề ngoài, phần đã móc ruột chuyển khoản cho Trung ương cục miền Nam, phần bị chính phủ mới trưng thu, phần do Đường Sơn tự nguyện hiến tặng. Trong cái túi da thuộc kia là mớ di vật của muội tẩu, vài thứ giấy tờ khế ước, một ít vàng bạc tư trang và tài liệu nghiên cứu phong thuỷ. Cô nương trong phút chốc vội vàng, không chịu suy nghĩ mà mang hết những thứ âm tà đó đi. Mạng mình suýt mất, mạng kẻ khác e cũng không còn.

Ngã run sợ nghĩ tới thằng Sỏi, liên tưởng tới những cái chết thảm khốc kỳ dị quanh nhà thuỷ tạ. Khi đó, tay chân ngã run rẩy cơ hồ muốn té:

– Chẳng lẽ ai đụng tới của cải âm binh, đều bị âm binh giết hại?

Mã Tiền thở dài:

– Âm binh không thể giết người cõi dương. Đường Sơn tiểu đệ trong phút uất hận thiếu suy nghĩ mà tự vẫn, cái chết không giải quyết được chuyện gì mà còn bị đổ bao tiếng oán. Âm binh không giết người, nhưng âm khí gian tà làm lòng người tham lam hung tợn, huỷ hoại nhân tính, biến thành giống ác nhân mà tự giết hại lẫn nhau.

Ngã bàng hoàng nhớ tới lời khai của thằng Rồi, chuyện giết quan tổng đốc rõ ràng là có bàn tay con người tổ chức sắp đặt từ trước. Ngã và những người khác chỉ là những kẻ tình cờ có mặt trong đêm xảy ra vụ án.

– Kẻ vừa bỏ mạng trên đầm lầy quyền cao chức trọng ngất trời, ở Nam Phần này không ai đủ sức đụng tới. Nhất định phải có một thế lực khác từ đàng ngoài yểm trợ. Nhưng họ giết quan tổng đốc làm gì? Của cải nhà Đường Sơn đâu đáng giá như vậy?

Cái nón lá hơi chao đi dưới ánh trăng. Mã Tiền cúi đầu hạ giọng nói:

– Cô nương nên cẩn thận, bọn khách giang hồ như chúng ta đã không đủ sức đối đầu với họ, lại như cá nằm trên thớt.

Ngã nhìn dáng vẻ lão mà buồn ngao ngán, một đại ma đầu hành tung tàn độc, vào sinh ra tử, tung hoàng ngang dọc trên giang hồ mà tới thời nay cũng phải khiếp nhược như vậy sao. Bọn hung thủ này coi mạng người như cỏ rác, chuyện này Trời Đất không dung, người cõi trên hành hiệp chốn hồng trần như ngã cần phải hỏi cho ra kẻ giấu mặt. Ngã nghĩ vậy thì hỏi thẳng không kiêng dè:

– Anh Cả là ai? Hắn ta có lợi gì trong vụ mưu sát quan tổng đốc? Tại sao hắn ta lại ủng hộ cho quan phó tổng thanh trừng quan tổng?

Mã Tiền lùi lại, quay đầu nhìn trước sau rồi tới gần ngã nói nhỏ.

– Những chuyện sặc mùi chính trị này có liên quan gì tới cô nương? Cô nương nên quên nó đi, mau tìm chốn ẩn thân.

Ngã thấy lão ta khăng khăng né tránh, dẫu lòng rất khó chịu, cũng đành hỏi qua chuyện khác:

– Cảm ơn đại hiệp có lòng lo lắng. Chỉ xin hỏi thêm một câu. Đại hiệp cứu mạng bổn nương chẳng qua vì lý do gì?

Mã Tiền suy nghĩ giây lát rồi trịnh trọng nói:

– Chỉ mong cô nương giữ riêng những điều bí mật này cho tiểu tử nhà họ Đường Sơn.

Ngã biết Mã Tiền buộc mình vào tình thế không sao từ chối được, nên đành thẳng thắng trả lời:

– Tiện nương mang ơn cứu mạng của đại hiệp, không thể không trả. Nếu Đường Sơn tiểu tử có gặp khó khăn, nhất định ta sẽ ra tay trợ giúp. Dù không chắc làm được chuyện gì khả dĩ, nhưng đại hiệp cứ xem đây là lời hứa.

Mã Tiền nghe nói vậy thì khom lưng thi lễ:

– Xin đa tạ cô nương. Tại hạ quả là không nhìn lầm người.

Vừa lúc đó phía nhà ga có tiếng còi hụ lồng lộng. Thoáng chốc đã thấy ánh đèn xe sáng loáng phía nhà ga. Mã Tiền nói gấp:

– Xin tạm chia tay ở đây, hẹn có ngày tái ngộ.

Ngã chưa kịp thi lễ đã thấy lão vùn vụt phóng đi về phía đường ray. Đoàn xe lửa tốc hành từ Bắc vô ào ào phóng tới, tiếng bánh xe lăn nhanh đập lên đường sắt nghe rợn người. Khi đoàn tàu chạy qua, chiếc bóng Mã Tiền bên đường ray đã biến mất. Ngã uý kỵ nghĩ, lão này võ công xuất quỷ nhập thần, mình thật không phải là đối thủ.

Ngã men theo đường ray đi về phía Nam, tới nửa đêm thì ra được đường lộ. Lần mò đổi xe đò mấy bận, chiều tối hôm sau về lại được đồi Thủ Đức. Suốt một ngày trời, lời Mã Tiền cứ ám ảnh dằn vặt không ngơi. Xe đò vừa dừng ở ngã ba xa lộ là ngã phóng chạy về nhà ông Tám. Từ bên ngoài nhìn vô, căn chòi ông Tám lạnh tanh tăm tối bất thường. Cánh cửa hé mở mà không thấy đèn đóm gì. Ngã lấy cục đá liệng lên mái nhà, chỉ tiếng mái lá xào xạc trong gió đáp lời. Ngã thận trọng đi một vòng quanh sân rồi xáp dần lại căn chòi. Càng tới nơi mùi tử khí càng xông lên rùng rợn. Lão Thể chực quay đầu bỏ chạy, nhưng ngã quyết tâm tiến vô. Tới ngang bực cửa, ngã nén sợ kêu nhỏ:

– Ông Tám, ông có nhà không?

Không thấy ai trả lời, ngã bước vô trong. Ánh trăng mờ soi qua ngạch cửa, cái bóng người nằm lù lù trên nền nhà. Ngã run lẩy bẩy kêu:

– Ông Tám?

Lão Thể bật la:

– Ông Tám chết rồi.

Ngã cũng đoán đó là xác ông Tám, chừng đánh diêm quẹt lên đốt ngọn đèn dầu thì mới thấy rõ. Khuôn mặt ông Tám bầm đen sưng vù, hai mắt vằn máu lồi ra đau đớn kinh hãi, trên thân thể để trần nhiều lằn ngang dọc rách sâu, đọng máu khô. Phần bụng dưới có một vết bầm to bằng gót giày. Đôi chân sưng tấy tím đen từng đoạn. Ngã không biết ông Tám chết vì vết thương nào, nhưng rõ ràng ông Tám đã bị hành hạ tra tấn dã man. Quá đau lòng, ngã quỵ xuống bên xác ông Tám khóc tức tưởi. Cặp mắt đau đớn của ông Sáu vuốt hoài mà không nhắm được.

Đêm đó, ngã cõng ông Tám ra chôn ở nghĩa trang trường bắn. Dẫu biết chỗ này toàn là tội phạm, nhưng ông Tám nằm đây thì yên ổn không bị ai tìm tới quấy nhiễu. Ngã quỳ bên nấm mồ mới đắp, xin oan hồn ông Tám tha tội cho ngã.

Gần sáng, ngã về lại nhà ông Tám xem xét thì thấy căn chòi đã bị lục xoát tanh banh. Con gà trống và số vàng ngã gửi lại đã biến mất. Ngã về ngang lại nhà mình, bên này còn hỗn loạn hơn, giường chiếu bàn ghế không một thứ gì còn nguyên vẹn. Hai con trâu bị dẫn đi mất, chuồng gà bị phá tan hoang. Mấy con gà quen chỗ cũ vẫn tìm về nằm bên bờ tường đổ, tụi nó vừa thấy bóng ngã thì cục cục đòi ăn. Ngã quặn lòng nhìn lần cuối căn nhà hoang tàn rồi gạt nước mắt mà ra đi.

Ngã đi qua bên đồi Nông Lâm tìm dấu vết thằng Sỏi, hy vọng nó nghe lời ngã mà trốn đi ngay đêm hôm trước. Vì không biết nó ở phòng nào nên ngã vô quán cà phê ngay đầu mấy cư xá nghe ngóng tin tức. Vừa ngồi chưa kịp nóng chỗ đã nghe tụi sinh viên bàn kế bên nói chuyện, sáng hôm qua có tai nạn ngoài dốc Tan Thương. Ngã điếng hồn kéo ghế qua bên tụi nó, hỏi:

– Ai bị xe đụng ngoài đó?

Một thằng nói:

– Anh sinh viên năm cuối, vừa làm xong luận án, chuẩn bị báo cáo tốt nghiệp.

Ngã không biết thằng Sỏi học năm thứ mấy, nhưng linh tính đã báo chuyện chẳng lành. Ngã đau đớn hỏi thêm:

– Cậu nào biết tên nạn nhơn không?

Một thằng giọng Quảng Trị trả lời:

– Anh đó đồng hương với con, quê ở Đông Hà, tên Sỏi.

Ngã không kìm được, oà lên khóc. Tại sao thằng Sỏi không đi liền đêm đó mà chờ tới sáng hôm sau?

———————————————-

Comments (1 total)

“Tại sao thằng Sỏi không đi liền đêm đó mà chờ tới sáng hôm sau?”

Câu trả lời đơn giản và bi thương.

Thằng Sỏi vì bao mì gói của cô Năm mà không đi liền ra bến xe. Nó thương hai thằng bạn nghèo, đang đói rã ruột trong cư xá nên mang mì gói về cho bạn ăn.

Lúc đó, sinh viên năm cuối về trường thi tốt nghiệp bị tách ra ở chung với tụi sinh viên hệ đào tạo ngắn hạn. Tôi với Thung và Sỏi ở chung trong phòng 6C, thằng Giang ở bên phòng 8C, thằng Rồi với anh Bốn ở dưới trại Thực Nghiệm.

Đêm hôm đó, thằng Sỏi ôm mì về nấu cho tôi với thằng Thung ăn. Ăn thoả thuê rồi trải chiếu nằm phưỡn bụng trên sân thượng ngắm trăng. Thằng Sỏi còn cười cười hỏi, nếu có nhiều tiền thì bọn mi làm chi. Rất hiếm khi mô thấy thằng Sỏi cười nên tôi mới vặn lại.

– Tiền ở mô ra mà mi nói nhiều?

Thằng Sỏi vẫn cười.

– Ờ, tau sắp có việc làm.

Tôi lại nghĩ thằng Sỏi tìm được chỗ làm đâu đó nên mơ mộng, rứa thôi. Thằng Thung cũng lật đật nói.

– Mày có chỗ làm ngon thì nhớ kéo tụi tao vô.

Thằng Sỏi lại cười.

– Ờ, tau kéo hết hai đứa mi vô, giàu sang cùng chia, phú quý cùng hưởng. Mỗi ngày ăn mì gói ba lần, chan thêm nước giò heo.

Mắt thằng Thung sáng rỡ.

– Tao khoái hầm luôn con gà mái tơ, xé thịt gặm xương.

Vậy là ba đứa khoái quá, nằm tán dóc tới sáng, toàn những mơ ước ăn uống. Tới chừng bạn bè lục đục sửa soạn đi thi, thằng Sỏi cũng chỉ cười cười. Ra phòng thi không thấy nó đâu, tới tiết thứ hai là nghe tin ngoài dốc có xe đụng.

Không ngờ chuyện này có bàn tay ác quỷ của cha con thằng Rồi.

Lưới Trời lồng lộng. Thưa mà khó thoát.

© Lưu Thủy Hương

© Đàn Chim Việt

Phản hồi