Ngày đầu xét xử anh em ông Vươn
Hôm nay 2/4 bắt đầu Toàn án Nhân dân thành phố Hải Phòng bắt đầu phiên xử anh em ông Đoàn Văn Vươn theo tội danh Giết người” và “ Chống người thi hành công vụ”. Vụ án xảy ra ngày 5/1 năm ngoái khi công an, quân đội cùng chính quyền địa phương tới cưỡng chế khu đầm nuôi hải sản do gia đình ông Vươn khai hoang lấn biển tạo dựng suốt 20 năm.
Phiên tòa được hơn 50 cơ quan thông tấn báo đài trong nước và quốc tế đăng ký theo dõi. Nhiều người dân từ các tình thành cũng đổ về để ủng hộ tinh thần cho các bị cáo.
Dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra từ ngày 2/4 đến 5/4 dưới sự chủ trì của thẩm phán Phạm Đức Tuyên – Phó Chánh án TAND TP Hải Phòng.
Bên ngoài phiên tòa
Vụ cưỡng chế đầm tôm ngay từ đầu đã thu hút sự chú ý lớn của báo chí trong ngoài nước cũng như dư luận nhân dân. Đây là vụ án điển hình về cưỡng chế đất đai vốn là đề tài căng thẳng và gây khiếu kiện triền miên trong nhiều năm qua ở Việt Nam. Chính vì vậy, nông dân, nhất là đội ngũ dân oan đã công khai ủng hộ gia đình ông Vươn. Nhiều chuyến thăm viếng tập thể để chia sẻ, ủng hộ tinh thần 2 người vợ của ông Vươn và ông Quý đã diễn ra ngay sau vụ cưỡng chế.
Do đó, vụ xét xử cũng được nhân dân Hải Phòng và cả nước quan tâm. Nhiều người không quản ngại đường xa, chi phí tầu xe, ăn ở đã tới bên ngoài phiên tòa nhằm ủng hộ tinh thần cho gia đình bị cáo.
Ngay từ sáng sớm, nhiều tuyến đường tới phiên xử đã bị phong tỏa, cảnh sát chặn xe chở bà con tới tòa. Mặc dù, như nhiều phiên xử khác, đây là phiên tòa được thông báo là “công khai”. Nhiều tuyến xe buýt chạy qua nơi tòa án đột ngột ngừng hoạt động. Cảnh sát dầy đặc bao vây xung quang khu vực.
Trong số những người có mặt bên ngoài, có nhiều nhà tranh đấu cho nhân quyền, blogger hoạt động xã hội tên tuổi. Phạm Thanh Nghiên, người tù nhân lương tâm mới mãn hạn tù hồi năm ngoái bị canh giữ tại gia từ nhiều ngày trước phiên xử. Một số anh em hoạt động ở Hà Nội được khuyên bảo không có mặt ở phiên tòa. Tuy vậy, bất chấp khó khăn, nhiều người đã tới bên ngoài phiên xử.
Một số người bị công an bắt giữ bên ngoài tòa án. Phạm Hồng Sơn bị công an lôi đi. Tuy nhiên những người có mặt đã ‘giải cứu’ cho ông. Các nhân chứng nói, một số blogger như Bùi Hằng, Nguyễn Chí Đức, Trương Ba Không, Trương Văn Dũng và vài người thân trong gia đình ông Vươn đã bị an ninh bắt lên xe đưa về UBND quận Hải An.
Ghi nhận ở khu vực cho biết, các phóng viên ngoại quốc tác nghiệp bên ngoài cũng bị xua đuổi, ngăn cấm chụp hình.
Nhưng, một số hãng thông tấn nước ngoài vẫn cập nhật tin tức rất nhanh. BBC tiếng Anh và WashingtonPost đã chạy bản tin ngày sáng nay.
Bên trong tòa án
Vào bên trong tòa chỉ có các phóng viên báo chí chính thống trong nước. Gia đình ông Vươn có sự tham dự của mẹ và chị gái. Trong khi, 6 thành viên khác trong gia đình đều ở vị trí bị cáo. 4 bị cáo gồm Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Vệ cùng bị truy tố về tội danh giết người theo điểm d khoản 1, Điều 93 Bộ Luật hình sự. Hai bà vợ Nguyễn Thị Thương, Phạm Thị Báu cùng bị truy tố về tội danh chống người thi hành công vụ theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 257 Bộ Luật hình sự.
Tờ Người Đưa Tin nói, tinh thần của các bị cáo rất vững vàng, bình tĩnh.
Phiên xử bắt dầu lúc 8 giờ. Tòa thông báo triệu tập 8 nhân chứng nhưng chỉ 4 người có mặt. Bình gas do bị cáo kích nổ được mang ra làm vật chứng trước tòa.
9h10, HĐXX đọc căn cước các bị cáo. Trong phiên xét xử sáng nay, toàn bộ 12 luật sư bảo vệ cho các bị cáo và bị hại đều có mặt tại phiên tòa.
Đoàn Văn Vươn từ chối luật sư chỉ định, theo đó bị cáo Đoàn Văn Vươn cho rằng mình có thể tự bào chữa. Tuy nhiên, sáng nay Luật sư Nguyễn Việt Hùng đã có mặt để bào chữa cho bị báo.
Bị cáo Đoàn Văn Vươn cùng các luật sư cho rằng việc cho nổ bình gas, dùng súng bắn vào lực lượng cưỡng chế là với mục đích để “cảnh báo” chứ không có mục đích giết người.
Song HĐXX đã cho thấy các vật chứng là bình gas bị nổ méo mó, biến dạng cùng súng, đạn, công cụ gây án…
Toàn văn bản cao trạng số 10/CT-P1A đã được đọc tại tòa và kết thức vào lúc 10 giờ 15′.
Sau đó tới phần thẩm vấn. Là người đầu tiên trả lời thẩm vấn, ông Vươn khai cuối tháng 11/2011, sau khi nhận thông báo của chính quyền về việc cưỡng chế thu hồi hơn 19 ha đất trong đầm nuôi tôm đã nhiều lần họp gia đình về kế hoạch ngăn cản. Tuy nhiên, do không nhận được sự ủng hộ nên, không thực hiện.
Sau khi gửi các đơn kiến nghị tới các cấp có thẩm quyền, đâm đơn ra tòa nhưng thua kiện, ông Vươn nói với các anh em: “Nếu không giải quyết được vụ án hành chính thì sẽ chuyển sang vụ án hình sự để cơ quan điều tra vào cuộc quyết liệt”.
Tin trên VnExpress nói, theo cáo buộc của VKS, bị cáo Đoàn Văn Vệ biết ông Vươn, Quý và Đoàn Văn Sịnh chuẩn bị mìn, súng để chống lại lực lượng cưỡng chế nên xin được giúp. Ông Vươn, Quý và Sịnh dồn tiền đưa 10,5 triệu đồng cho Vệ để đi mua súng. Vệ cầm một số vỏ đạn làm mẫu, đưa tiền nhờ bạn mua súng hoa cải nhưng người này không giao “hàng” được đúng hẹn. Vệ mang tiền trả lại và ông Vươn sau đó cùng với Đoàn Văn Thoại (đang bỏ trốn) mua được một khẩu súng bán hoa cải, thuốc súng và các vật liệu chế tạo đạn hoa cải.
“Trong các cuộc họp gia đình, người thân của bị cáo có đồng tình với kế hoạch chống đối không?”, chủ toạ Phạm Đức Tuyên chất vấn. Bị cáo Vươn đáp: “Ban đầu, họ không nhưng sau đó đều đồng ý”. Một ngày trước thời điểm bị cưỡng chế, ông Vươn, Quý đã chuyển vợ con cùng đồ đạc đi chỗ khác vì không muốn “vướng víu”.
Bị cáo Vươn khai đã giao việc thực hiện kế hoạch chống đối cho bị cáo Quý, dặn ông này và người thân cố thủ trong nhà, đợi lực lượng cưỡng chế đến gần khoảng 18m mới bắn. “Tôi bảo họ bình tĩnh đợi, nếu không xảy ra cưỡng chế thì không nổ súng”, bị cáo Vươn khai.
Cơ quan công tố xác định, thấy đoàn công tác tiến vào, người nhà của ông Vươn đã kích mìn để gây nổ bình gas nhưng không thành công. …
Khai tại tòa, ông Vươn cho biết có nghe bị cáo Quý thông báo “mọi việc đã xong”. “Khi xảy ra sự việc, bị cáo ở đâu?”, chủ toạ hỏi. Trả lời không chần chừ, bị cáo 50 tuổi nói: “Bị cáo đứng trên bờ đê và nghe thấy tiếng nổ lớn, người bị thương được đưa đi cấp cứu”.
Khi HĐXX hỏi nhận thức về việc sử dụng súng, gây nổ mìn tự tạo, bị cáo Vươn cho biết hiểu rõ việc nổ súng vào lực lượng chức năng có thể gây thương tích và nguy hiểm đến tính mạng, song “tiếc bao công sức đổ vào đầm nuôi ao tôm cá nhiều năm nay nên muốn bảo vệ tài sản”.
Trong khi đó, nhiều bình luận trên mạng cho rằng, bản án bỏ túi đã có sẵn cho ông Vươn và những người liên quan.
Trong một diễn biến khác, trước phiên xử vài ngày, hàng ngàn giáo dân Thái Hà trong đó có nhiều trí thức, nhân sĩ tên tuổi đã tham gia buổi cầu nguyện cho gia đình ông Vươn. Cả gia đình ông theo công giáo.
Biên tập và tổng hợp theo Facebook, Người Đưa Tin, Dân Trí, VnExpress.