WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Tôi không chống Cộng

toikhongchongcong-nhquocỞ cả hai lần bị cấm nhập cảnh vào Việt Nam (11/2005 và 4/2009), tôi đều không nhận được lời giải thích thỏa đáng nào từ chính quyền Việt Nam. Nhưng tôi nghe được phong thanh đâu đó: người ta cho là tôi “chống Cộng”. Mà không phải từ phía chính quyền, một số bạn đọc ở hải ngoại, ngay cả những người có vẻ có cảm tình với tôi cũng thường nói: Tôi “chống Cộng”. Riêng tôi, xin nói một cách thành thực: Tôi không hề chống Cộng.

Viết thế, tôi biết nhiều bạn đọc sẽ ngạc nhiên. Tuy nhiên, trước khi đánh giá (hay chụp mũ), xin đọc tiếp phần giải thích phía dưới.

Tôi nói tôi không chống Cộng vì hai lý do chính:

Thứ nhất, tôi không thích chữ “chống”. “Chống”, trong tiếng Việt, khác với các từ hoặc từ tố được xem là tương đương trong tiếng Anh như “fight”, “against”, “counter-” hay “anti-”, thường gợi lên hai ấn tượng chính: một, gắn liền với tổ chức, và hai, có tính chất bạo động. Tôi không thích cả hai. Với bạo động, tôi tuyệt đối không thích. Với tổ chức, tôi trân trọng và nghĩ nó cần thiết, hơn nữa, một nhu cầu tất yếu trong đời sống xã hội, nhưng tôi lại không thích nằm trong bất cứ một tổ chức nào; thậm chí, tôi cũng chưa từng đi biểu tình hay ký tên vào bất cứ một kiến nghị chung nào (1), dù, trên nguyên tắc, có thể tôi đồng tình và ủng hộ những việc làm ấy. Tôi không làm những việc ấy chỉ vì một lý do đơn giản: Tôi không thích ở trong “đội ngũ”, dù lâu dài hay tạm thời, chính thức hay không chính thức. Vậy thôi. Khác với Chế Lan Viên, tác giả của câu thơ “Khi đứng riêng tây, ta thấy mình xấu hổ”, tôi chỉ thích đứng một mình. Khi phê phán bất cứ điều gì, tôi chỉ đứng từ góc độ một người trí thức; mà trí thức, tự bản chất, nói theo Edward W. Said, là kẻ lưu vong, nghĩa là, nói cách khác, một mình. Viết, tôi chỉ nhân danh chính mình và những gì mình tin là đúng. “Lực lượng” của tôi chỉ có sách vở và kinh nghiệm, kiến thức và lý trí, lương tâm và lương thức. Còn phương tiện, trước, với cây bút; sau, với bàn phím: Ở cả hai nơi, tôi chỉ có chữ. Hết.

Thứ hai, quan trọng hơn, ở thời điểm bây giờ, theo tôi, nói chống Cộng là nói chống cái không có, hay đúng hơn, cái không còn hiện hữu nữa.

Lý do thứ hai này cần được giải thích nhiều hơn:

Cái gọi là “chống Cộng” bao gồm hai nội dung chính: một, chống lại chủ thuyết Cộng sản (chủ yếu là chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa Lenin); và hai, chống lại chế độ Cộng sản. Với cả hai nội dung ấy, trước năm 1975, nói chống Cộng: Được; trước năm 1990, nói chống Cộng: Được. Nhưng sau năm 1991, nói chống Cộng là nói một điều thừa thãi, thậm chí, vô duyên. Và có hại.

Trong việc chống Cộng, trước năm 1991, hai khía cạnh chống chủ thuyết (hoặc ý thức hệ) và chống chế độ (hoặc một guồng máy) là một. Chế độ, vốn cụ thể, gắn liền với hệ thống chính trị, tức là hệ thống quyền lực, là mục tiêu chống đối trước mắt. Nhưng sức mạnh của chế độ Cộng sản không phải chỉ ở đảng viên, cán bộ, quân đội, công an, súng đạn và các nhà tù. Sức mạnh của chế độ Cộng sản còn ở các lý tưởng tự do, bình đẳng cũng như cái thiên đường Cộng sản chủ nghĩa vốn có sức mê hoặc to lớn đối với mọi người, đặc biệt với giới trí thức vốn khao khát những điều cao cả, có tầm nhân loại. Hơn nữa, nó còn nằm ở các ảo tưởng về tính khoa học của chủ nghĩa Cộng sản hay ở cái gọi là tính tất yếu trong quy luật phát triển của lịch sử. Bởi vậy, người ta không thể chống lại chế độ Cộng sản chỉ bằng các phương tiện vật chất. Người ta phải chống lại chế độ Cộng sản ngay cả trong phạm trù tư tưởng, trong lãnh vực nhận thức, nghĩa là bằng các phương tiện tuyên truyền và giáo dục, nhắm thẳng vào những tên tuổi như Marx, Engels, Lenin và Stalin, những người đã chết; hơn nữa, bằng một bảng giá trị khác, cao hơn, hiện hữu ngay trong đời sống xã hội để mọi người có thể nhìn thấy hoặc cảm nhận được, nghĩa là bằng một nỗ lực không ngừng tự do hoá, dân chủ hoá và nhân quyền hoá, như những điều chủ nghĩa tư bản, ở các quốc gia phát triển nhất, từng làm trong suốt thế kỷ 20.

Tuy nhiên, kể từ năm 1991, với sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, Cộng sản, với tư cách một chế độ, hoàn toàn sụp đổ; và cùng với nó, chủ nghĩa Cộng sản, với tư cách một ý thức hệ chính trị, cũng bị phá sản theo. Trật tự này, thật ra, theo một số học giả, cũng có thể đảo ngược hẳn lại: Vì sự phá sản của ý thức hệ Cộng sản, chế độ Cộng sản, với tư cách một bộ máy chính quyền, đã sụp đổ. Nhưng dù mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả có thể thay đổi, thực chất của vấn đề vẫn là một: phá sản và sụp đổ.

Về phương diện lý thuyết, hầu như ai cũng thấy chủ nghĩa Cộng sản sai. Những người thiên tả, ít nhiều lưu luyến với chủ nghĩa Cộng sản, cố vớt vát khi cho cái sai ấy không xuất phát từ Karl Marx mà từ Lenin, đặc biệt từ Stalin và Mao Trạch Đông; nghĩa là, nó không sai hẳn, nhưng một, nó không được cập nhật để theo kịp những thay đổi và tiến bộ của chủ nghĩa tư bản; và hai, nó chỉ sai trong cách ứng dụng và vận dụng lý thuyết Marx vào thực tế. Tuy nhiên, nói theo Richard Pipes, trong cuốn Communism, a History (2), chủ nghĩa Cộng sản, ngay trong tư tưởng của Karl Marx, không phải là một ý tưởng hay nhưng bị thực hiện sai mà, tự bản chất, nó là một ý tưởng dở; hay nói theo Kolakowski, do Pipes trích dẫn, chủ nghĩa Marx – nền tảng lý thuyết của chủ nghĩa Cộng sản – là một huyễn tưởng lớn nhất của thế kỷ 20 (3).
Trong vô số những cái sai của chủ nghĩa Marx-Lenin, cái sai này là đáng kể nhất: Họ cho chế độ tư hữu là cội rễ của bất bình đẳng và tin là họ có thể xóa bỏ chế độ tư hữu ấy để xây dựng một xã hội thực sự bình đẳng, không ai bóc lột ai và cũng không ai thống trị ai. Trên thực tế, khi công hữu hóa mọi tài sản và mọi phương tiện sản xuất, thứ nhất, họ triệt tiêu hầu như mọi động cơ lao động và sản xuất của người dân; thứ hai, họ tạo nên một giai cấp đặc quyền và đặc lợi để nắm toàn bộ việc lãnh đạo và quản lý các tài sản và công cụ sản xuất đã được công hữu hóa ấy. Những người ấy, một mặt, kém khả năng quản lý nên dẫn đến hết thất bại này sang thất bại khác; mặt khác, quan trọng hơn, trở thành một thành phần thống trị vừa ngu dốt vừa độc đoán, vừa tham nhũng vừa tàn bạo. Tất cả các yếu tố ấy không những dẫn đến những sự thất bại nặng nề về phương diện kinh tế mà còn phá hủy toàn bộ nền tảng lý tưởng của chủ nghĩa Cộng sản vốn nhắm đến tự do, bình đẳng và hạnh phúc.
Một cái sai khác của chủ nghĩa Marx-Lenin là họ đơn giản hóa lịch sử nhân loại vào lịch sử đấu tranh giai cấp. Sự phát triển của lịch sử, thật ra, còn tùy thuộc, thậm chí, tùy thuộc chủ yếu vào sự hợp tác của con người trong việc khám phá các quy luật của tự nhiên, từ đó, đẩy mạnh các khám phá về kỹ thuật để nâng cao mức sống và chất lượng cuộc sống của mọi người. Chủ nghĩa tư bản, trong thế kỷ 20, đã chứng minh điều đó: Giới chủ nhân biết san sẻ trách nhiệm và quyền lợi với giới công nhân, nhờ đó, so với thế kỷ 19, công nhân càng ngày càng được hưởng lương cao và càng ngày càng được hưởng chế độ lao động hợp lý hơn. Hơn nữa, chính quyền cũng can thiệp để bảo vệ quyền lợi của công nhân và, qua chính sách thuế khóa, bảo đảm sự công bằng trong xã hội. Nhiều quốc gia mang tiếng là tư bản nhưng về các chính sách lao động và an sinh xã hội lại không khác gì với cái lý tưởng xã hội chủ nghĩa mà Marx mơ ước. Chưa hết. Yếu tố then chốt trong sản xuất không phải chỉ là công cụ sản xuất mà còn có cả tri thức. Mà tri thức thì không ai độc quyền được.

Một người tị nạn, như người Việt Nam sau năm 1975, chẳng hạn, khi sang nước ngoài, với hai bàn tay trắng, không thể sở hữu các công cụ sản xuất để làm chủ nhân bất cứ thứ gì được. Nhưng bù lại, chỉ cần chịu khó học hành, sau một thời gian nhất định, người đó có thể sở hữu một vốn tri thức khá cao đủ để bước vào thế giới trung lưu, thậm chí trung lưu cao, dễ dàng. Chính trong lãnh vực tri thức, vốn gắn liền với giáo dục, xã hội tư bản đã tạo nên sự bình đẳng thực sự và tối đa: Nếu mọi người không được và không thể bình đẳng khi ra đời (vốn gắn liền với gia đình, thành phần xã hội, chủng tộc và những đặc điểm về trí tuệ riêng – những điều không ai có thể lựa chọn được), họ lại được bình đẳng trong cơ hội để phát triển và tiến bộ. Ai cũng được quyền đi học; bất cứ ai có trí và có nghị lực cũng đều đi học được, và từ đó, có thể thay đổi cuộc đời mình được. Với những đặc điểm ấy, chủ nghĩa tư bản không những thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội một cách hiệu quả mà còn tạo nên sự bình đẳng và dân chủ, tuy không hẳn đã hoàn hảo, nhưng cũng hơn hẳn chế độ xã hội chủ nghĩa đủ để mọi người, kể cả những người đang sống dưới chế độ Cộng sản, cũng nhận thấy không phải kẻ thù mà chính mình mới là những kẻ đang đứng trước vực thẳm. Sự so sánh ấy cũng làm cho người ta nhận thấy những hứa hẹn về một thiên đường Cộng sản chủ nghĩa “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, chỉ là một ảo tưởng, hơn nữa, một không tưởng. Cái không tưởng ấy lại bị trả giá bằng máu. Không phải máu của một hai người. Mà là của cả một tập thể, có khi cực kỳ đông đảo. Cả hàng triệu hay chục triệu người.

Về phương diện thực tiễn, với tư cách một chế độ, chủ nghĩa Cộng sản có năm đặc điểm chính trên bình diện tổ chức. Một, đảng Cộng sản nắm độc quyền lãnh đạo; hai, đảng ấy được tổ chức một cách chặt chẽ với một thứ kỷ luật thép từ trên xuống dưới; ba, kinh tế hoàn toàn tập trung, mọi quyết định, kể cả về giá cả thị trường, đều do cấp trên quyết định; bốn, mọi phương tiện sản xuất đều nằm trong tay nhà nước; và năm, mỗi quốc gia đều liên kết và, với những mức độ khác nhau, lệ thuộc vào cái gọi là phong trào Cộng sản quốc tế nói chung. Với cách tổ chức như thế, chế độ Cộng sản vấp phải vô số sai lầm. Và những sai lầm ấy rất dễ thấy.

Thứ nhất, các chế độ Cộng sản không những không công bằng hơn các chế độ tư bản, mà thậm chí, còn tệ hại hơn cả các chế độ phong kiến ngày xưa. Xưa, chỉ có vua, nay có cả nguyên một đảng đứng trên pháp luật. Xưa, chỉ có vua là được hưởng mọi đặc quyền và đặc lợi; nay, có cả hàng triệu người nhân danh đảng thi nhau vơ vét lợi và thao túng quyền.

Thứ hai, ngoài chuyện bất bình đẳng, chế độ Cộng sản, qua hơn 70 năm tồn tại, đã chứng tỏ sự tàn bạo vô tiền khoáng hậu. Những nhà lãnh đạo Cộng sản như Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Pol Pot, Fidel Castro… không phải giống vua mà là giống các bạo chúa. Vua, còn đỡ. Trong đám vua còn có các minh quân. Trong hàng ngũ lãnh đạo Cộng sản, được xây dựng quyền lực trên nguyên tắc “chuyên chính”, ngay cả những người có tiềm năng là minh quân cũng trở thành bạo chúa. Hậu quả là chế độ Cộng sản trở thành một chế độ đứng đầu trong danh sách giết người trong suốt cả thế kỷ 20. Họ giết người còn nhiều hơn cả chế độ phát xít và Nazi. Bàn tay của Stalin và Mao Trạch Đông còn nhuộm nhiều máu hơn cả bàn tay của Hitler. Trong cuốn The Black Book of Communism: Crimes, Terror, Repression do Stéphane Courtois và nhiều người khác biên tập (4), các tác giả ước tính tổng số nạn nhân bị giết chết dưới các chế độ Cộng sản trên thế giới kể từ năm 1917 đến năm 1991 là khoảng 100 triệu người, bao gồm khoảng 20 triệu ở Nga, 65 triệu ở Trung Quốc, hai triệu ở Campuchia, hai triệu ở Bắc Triều Tiên, một triệu ở Đông Âu, v.v..

Thứ ba, chế độ Cộng sản hoàn toàn thất bại về phương diện lãnh đạo và quản lý kinh tế đất nước. Không có nước Cộng sản nào giàu có và dân chúng được no ấm. Từ cuối thập niên 1960 đến đầu thập niên 1970, kinh tế của các nước Cộng sản bị lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Đến thập niên 1980, chỉ số phát triển của nó hầu như chỉ là một con số không to tướng. Ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa thời ấy, rất nhiều cửa tiệm trống rỗng không có hàng hóa để bán (5). Dân chúng ngất ngư vì đói khát. Nhưng dễ thấy nhất là khi chúng ta nhìn vào các quốc gia bị chia đôi, trong đó, một nửa theo chế độ Cộng sản và một nửa theo chế độ tư bản. Như Đông Đức và Tây Đức. Hay như Nam Triều Tiên và Bắc Triều Tiên. Cái nửa theo chế độ Cộng sản bao giờ cũng có chỉ số phát triển thấp hơn hẳn cái nửa theo chế độ tư bản. Thấp một cách toàn diện. Riêng ở Triều Tiên, thu nhập tính trên đầu người ở miền Nam (32.400 đô la/người/năm) gấp 18 lần ở miền Bắc (1.800 đô la). Cùng một dân tộc. Cùng một lịch sử. Chỉ khác ở chế độ. Mà hai nơi khác nhau đến vậy.

Cuối cùng, nói theo Stéphane Courtois (6), Cộng sản phạm vô số tội ác không phải đối với con người với tư cách cá nhân mà còn đối với cả văn minh nhân loại và văn hóa quốc gia. Ở đâu, các chế độ Cộng sản cũng phá tan tành rất nhiều di tích và di sản lịch sử cũng như các nhà thờ, chùa chiền và các nơi thờ tự. Họ trấn áp các tôn giáo, xóa bỏ nhiều truyền thống tốt đẹp với lý do, theo họ, đó là những tàn tích của chế độ phong kiến.

Với những thất bại hiển nhiên về cả phương diện lý thuyết lẫn thực hành như vậy, chủ nghĩa Cộng sản đã hoàn toàn bị sụp đổ vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, thoạt đầu, vào năm 1989, với việc đảng Cộng sản Hungary chấp nhận một hệ thống chính trị đa đảng vào tháng 2; việc Công đoàn Đoàn kết thắng phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội Ba Lan vào tháng 6, sau đó, lên nắm chính quyền vào tháng 9; việc Bức tường Berlin bị sụp đổ vào tháng 11 (sau đó nước Đức được thống nhất vào tháng 10/ 1990); kết thúc bằng việc Mikhail Gorbachev tuyên bố từ bỏ chế độ độc đảng vào ngày 7/2/1990; và sau đó, sự tan rã của Liên bang Xô Viết vào tháng 12/1991 (trước, trong và sau sự tan ra ấy, có 16 quốc gia – vốn bị sáp nhập vào Liên bang Xô Viết – tuyên bố độc lập, bao gồm: Lithuania, Estonia, Latvia, Georgia, Ukraine, Belarus, Moldova, Azerbaijan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Tajikistan, Armenia, Turkmenistan, và Kazakhstan).

Nếu sự ra đời của chủ nghĩa Cộng sản là biến cố lớn nhất trong nửa đầu thế kỷ 20, sự tan rã của nó ở Nga và Đông Âu là một biến cố trọng đại nhất trong sau thế kỷ 20. Cả hai đều là cách mạng. Cuộc cách mạng đầu nổ ra và, sau đó, tồn tại bằng máu và nước mắt; cuộc cách mạng sau, ngược lại, diễn ra với ba đặc điểm chính: nhanh chóng, nhẹ nhàng và bất bạo động. Có vẻ như giới lãnh đạo Cộng sản (trừ ở Romania) tự ý từ bỏ quyền lực và chế độ Cộng sản tự tan rã. Không có sự kháng cự nào đáng kể cả.

Trước thập niên 1990, trên thế giới có tổng Cộng 23 quốc gia theo chế độ Cộng sản. Trong thời điểm giao thừa giữa hai thập niên 1980 và 1990, có 18 quốc gia từ bỏ Cộng sản: Afghanistan, Albania, Angola, Benin, Bulgaria, Campuchia, Congo, Czechoslovakia, Đông Đức, Ethiopia, Hungary, Mông Cổ, Mozambique, Ba Lan, Romania, Nga, Nam Yemen và Yugoslavia. Người ta gọi những nước này (trừ Đông Đức vốn không còn là một “nước” riêng sau khi thống nhất) là “hậu Cộng sản” (postcommunism), một thuật ngữ do Zbigniew Brzezinski đưa ra vào năm 1989 (7). Do một số quốc gia, sau năm 1991, bị chia cắt (chủ yếu là do vấn đề chủng tộc), hiện nay có 28 quốc gia được xem là hậu Cộng sản (8).

“Hậu Cộng sản” nghĩa là không còn Cộng sản nữa.

Có thể nói, trên bình diện thế giới, cái gọi là “Cộng sản” đã thuộc về quá khứ. Khi “Cộng sản” thuộc về quá khứ, chuyện chống Cộng cũng không còn lý do hiện hữu nữa.

Thật ra, trên thế giới cũng còn ít nhất năm quốc gia, trên danh nghĩa, chưa từ bỏ chủ nghĩa Cộng sản: Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Bắc Triều Tiên và Cuba. Tuy nhiên, trong năm quốc gia ấy, chỉ có Bắc Triều Tiên là thực sự Cộng sản, Cộng sản theo kiểu Stalin trong thập niên 1930 và 1940. Ở tất cả bốn nước còn lại, kể cả Việt Nam, chủ nghĩa Cộng sản đang dần dần biến chất và biến thể. Nó không giống chủ nghĩa Cộng sản của Stalin và Mao Trạch Đông. Nó cũng không giống chủ nghĩa Cộng sản của Lenin. Và nó cũng không giống chút nào với cái chủ nghĩa Cộng sản mà Mark và Engels quan niệm.

Thứ nhất, về phương diện kinh tế, tất cả, với những mức độ khác nhau, đều chấp nhận kinh tế thị trường vốn là đặc trưng của chủ nghĩa tư bản. Dĩ nhiên, cái gọi là “kinh tế thị trường” ở đây vẫn còn bị giới hạn bởi cái đuôi phía sau “theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nhưng cái đuôi ấy chỉ là một cố gắng níu kéo nắm giữ quyền lợi cho một số người thuộc tầng lớp thống trị qua các đại công ty và tập đoàn quốc doanh. Trên thực tế, hầu hết các hoạt động và sự điều hướng kinh tế vẫn theo quy luật thị trường, nghĩa là tư bản hóa.

Thứ hai, về phương diện chính trị, tất cả vẫn cố thủ, trên danh nghĩa, trong cái gọi là chủ nghĩa Cộng sản. Nhưng ở đây cũng lại có vấn đề. Cái gọi là chính trị Cộng sản chủ nghĩa vốn bao gồm hai khía cạnh: một, về tổ chức, sự độc quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản; và hai, về phương diện ý thức hệ, lý thuyết của Marx và Lenin. Ở tất cả bốn quốc gia kể trên, Cộng sản chỉ nằm ở bình diện tổ chức, còn ở bình diện ý thức hệ, hầu như không ai còn tin, thậm chí, không mấy người muốn nhắc đến ý thức hệ Cộng sản nữa. Ngay ở Việt Nam, giới lãnh đạo cũng thừa hiểu chủ nghĩa Marx-Lenin không còn sức thuyết phục và sự quyến rũ nữa. Họ phải thêm vào mấy chữ “tư tưởng Hồ Chí Minh”. Tuy nhiên, cho đến nay, họ cũng không biết cái gọi là “tư tưởng Hồ Chí Minh” ấy thực sự là gì. Lý do là Hồ Chí Minh vốn là người thực hành, không viết về lý thuyết, và thật ra thì cũng chẳng có lý thuyết gì ngoài một mớ giáo điều đơn giản và cũ kỹ ông học được ở Nga và Trung Quốc. Những kẻ đang nắm quyền tại Việt Nam sử dụng cái gọi là “tư tưởng Hồ Chí Minh” như một huyền thoại chứ không như một chủ thuyết.

Theo chủ nghĩa Marx-Lenin, một hình thái chính trị đúng nghĩa phải tương ứng với, thứ nhất, một hình thái kinh tế nhất định; và thứ hai, một ý thức hệ nhất định. Nền chính trị Việt Nam hiện nay, trên danh nghĩa, vẫn là Cộng sản, nhưng kinh tế lại là tư bản hoặc ít nhất, nửa-tư bản hoặc đang trong quá trình tư bản hóa; còn ý thức hệ thì hoàn toàn trống rỗng: Nó phi-Marx và cũng phi-Lenin. Chẳng giống ai và cũng chẳng là cái gì cả. Đó là một thứ tôn giáo vừa không có thần linh vừa không có điển phạm (canon). Tên nó, ở Việt Nam, nhiều người gọi thẳng: mafia.

Bởi vậy, trong trường hợp của Việt Nam hiện nay, nếu chúng ta nói đến chuyện chống Cộng có lẽ ngay cả những người đang mang danh hiệu đảng viên Cộng sản trong nước – hầu hết đều rất giàu có và sống rất trưởng giả – sẽ cười khì, hỏi: “Cộng nào vậy nhỉ?” Lôi tư tưởng Marx, Engels và Lenin ra phê phán, phần lớn họ – những người chẳng bao giờ thực sự đọc Marx, Engels và Lenin – hẳn sẽ trố mắt lên hỏi: “Mấy người đó là ai vậy? Có phải mấy ông râu ria xồm xoàm gì đó không?” Nói đến đấu tranh giai cấp, đến tầng lớp công nhân và nông dân, đến chuyên chính vô sản, đến công bằng xã hội và đến lý tưởng làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, những vấn đề nòng cốt của ý thức hệ Cộng sản, họ – những người đang sống như giới thượng lưu và thường được gọi là “tư bản đỏ” – hẳn sẽ bịt tai lại, như nghe những chuyện cổ tích vừa xa vời vừa nhảm nhí.

Trong trường hợp ấy, chống Cộng là chống ai và chống cái gì?

Đối với riêng tôi, khi phê phán chính quyền trong nước, tôi không nghĩ là tôi chống Cộng. TÔI CHỈ CHỐNG LẠI ĐỘC TÀI.

Chế độ Việt Nam hiện nay đáng bị phê phán không phải vì nó là Cộng sản. Mà vì nó là độc tài. Cộng sản chỉ là nhãn hiệu. Độc tài mới là thực chất. Ngay cả khi chúng ta chống lại điều 4 trong Hiến pháp Việt Nam, chúng ta cũng chỉ chống lại một sự độc tài. Chính quyền Việt Nam hiện nay đang rục rịch muốn đổi tên nước. Có khi họ đổi cả tên đảng. Nhưng dù đổi đảng Cộng sản thành đảng Dân chủ hay đảng Cộng hoà, cái việc nhân danh Hiến pháp để giành quyền lãnh đạo độc tôn như vậy cũng vẫn là độc tài. Tên gọi có thể thay đổi, thực chất vẫn là một. Vẫn độc tài.

Mọi sự độc tài đều đáng phê phán. Nhưng khi độc tài đi liền với bất tài thì càng đáng bị phê phán hơn. Và nhu cầu phê phán ấy cũng càng khẩn cấp hơn. Sự độc tài chà đạp lên dân chủ và nhân quyền, nhưng trong một số trường hợp nào đó, dưới một sự độc tài sáng suốt, người ta cũng có thể sẵn sàng chấp nhận hy sinh dân chủ và nhân quyền trong một thời gian nào đó để xây dựng và phát triển đất nước (như trường hợp của Singapore). Độc tài mà bất tài thì bao giờ cũng gắn liền với sự ngu dốt và tham nhũng bởi họ sẽ không có, không thể có, bất cứ lý tưởng nào khác ngoài tiền và cũng không có một thứ trí tuệ nào khác nào thứ “trí tuệ” dùng để làm giàu cho bản thân và gia đình. Sự ngu dốt trong chính sách và tham nhũng trong bộ máy chỉ tồn tại được nhờ hai yếu tố: dối trá trong tuyên truyền và tàn bạo trong quản trị. Tập hợp của tất cả các yếu tố ấy, người ta chỉ làm được mỗi một việc duy nhất là tàn phá đất nước và hành hạ dân chúng. Tính chất độc tài, bất tài, tham nhũng, dối trá và tàn bạo ấy càng trở thành nguy hiểm hơn nữa khi đất nước đối diện với nguy cơ xâm lấn chủ quyền và lãnh thổ của Trung Quốc.

Đối diện với các nguy cơ trên, chữ “chống Cộng”, theo tôi, rất dễ làm lệch vấn đề. Nó dễ gợi lên ấn tượng là, khi chống lại chế độ Việt Nam hiện nay, chúng ta nhân danh hai điều vốn bị xem là đối lập với Cộng sản, nhất là Cộng sản Việt Nam: Một, chủ nghĩa tư bản và hai, Việt Nam Cộng Hoà lúc trước. Nhưng chúng ta chống Cộng không phải vì chủ nghĩa tư bản và cũng không phải vì để trả thù hay để phục hồi miền Nam. Việc chống lại chế độ độc tài tại Việt Nam cần xuất phát từ những lý tưởng hiện đại, cao cả và phổ quát hơn: quyền tự do, dân chủ và quyền làm người. Hơn nữa, nó còn xuất phát từ cả sự độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và tiền đồ của đất nước nữa. Trong chiến tranh có tính dân tộc chủ nghĩa, người ta có thể huy động lịch sử, hay nói như Tố Hữu, trước năm 1975, “Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận”; trong cuộc chiến chống độc tài, nguồn sức mạnh không phải chỉ nằm ở quá khứ mà còn, nếu không muốn nói chủ yếu còn, nằm ở tương lai.

Chúng ta chống lại chế độ Việt Nam hiện nay không phải vì việc họ chọn lựa hệ thống xã hội chủ nghĩa, việc họ gây ra cuộc chiến đẫm máu ở Việt Nam, việc họ cưỡng chiếm miền Nam, việc họ trả thù những người miền Nam: Tất cả đều đã thuộc quá khứ.

Người ta cần lưu giữ quá khứ, cần thường xuyên đào xới lại quá khứ và cần viết lại quá khứ, một cách chính thức, bằng lịch sử; hoặc một cách không chính thức, bằng ký ức, từ ký ức cá nhân đến ký ức tập thể. Nhưng không ai thay đổi được quá khứ. Càng không cần phải chống lại quá khứ. Những điều ấy khác nhau.

Chúng ta chống lại chế độ độc tài tại Việt Nam vì nó ĐANG chà đạp lên quần chúng, ĐANG làm cho đất nước bị phá sản trên mọi phương diện, từ kinh tế đến giáo dục, từ ý thức đạo đức đến cả lòng tự hào dân tộc, từ các giá trị truyền thống đến tinh thần hiện đại với những giá trị về dân chủ và nhân quyền vốn đang, cùng với xu hướng toàn cầu hoá, càng ngày càng trở thành phổ quát, ĐANG kiềm hãm sự phát triển của đất nước khiến Việt Nam, một dân tộc vốn rất nhiều năng lực, bị thua kém không những các nước được xem là những con rồng của châu Á mà còn có nguy cơ thua cả một quốc gia vốn bị rất nhiều tai tiếng, như Miến Điện.
Và chúng ta cũng chống lại chế độ ấy vì, với sự nhu nhược của nó, Việt Nam có nguy cơ bị biến thành một tỉnh lẻ của Trung Quốc.

Cuối cùng, có một điểm cần được nói thêm: Ở Tây phương, ngay trong thời Chiến tranh lạnh, nghĩa là lúc chế độ Cộng sản vẫn còn rất mạnh, nhiều chiến lược gia và trí thức, đặc biệt ở châu Âu, đã chuyển khẩu hiệu “chống Cộng” (anti-communism) thành “chống toàn trị” (anti-totalitarianism). Dưới khẩu hiệu chống toàn trị, người ta không những chống lại chế độ Cộng sản mà còn chống lại cả chế độ phát xít, đồng thời người ta cũng khẳng định được lập trường của họ một cách rõ ràng: Việc chống đối ấy, thứ nhất, không nhắm vào một lý thuyết mà nhắm vào một chế độ với những guồng máy và chính sách cụ thể; và thứ hai, không nhằm bảo vệ hay bênh vực cho chủ nghĩa tư bản mà là để bảo vệ dân chủ và nhân quyền, những lý tưởng vừa có tính phổ quát vừa dễ được mọi người đồng thuận.

Cả tính phổ quát và sự đồng thuận ấy tạo nên sức mạnh cho cuộc tranh đấu, cuối cùng, dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa như một hệ thống độc tài đáng kinh tởm (9).

© Nguyễn Hưng Quốc

Nguồn: VOA

——————————————
Chú thích:

  1. Trên một số bản kiến nghị lưu hành trên internet, tôi thấy có tên “Nguyễn Hưng Quốc” ở Úc. Đó không phải là tôi. Có thể chỉ là trùng tên hoặc là một sự giả mạo. Bản thân tôi thì chưa từng ký vào bất cứ một kiến nghị nào cả.
  2. Richard Pipes (2003), Communism, a History, New York: Random House, tr. 147.
  3. Như trên.
  4. Do Jonathan Murphy và Mark Kramer dịch sang tiếng Anh, Harvard University Press, 1999.
  5. Xem Stathis N. Kalyvas (1999), “The decay and breakdown of communist one-party systems”, Annu, 1999, tr. 329.
  6. Stéphane Courtois và nhiều người khác (biên tập) (1999), The Black Book of Communism: Crimes, Terror, Repression, Cambridge: Havcard University Press, tr. 7.
  7. Leslie Holmes (1997), Post-Communism, an Introduction, Cambridge: Polity Press, tr. 13.
  8. Ghia Nodia (2000), “Chasing the meaning of ‘post-communsm’: a transitional phenomenon or something to stay?”, Contemporary European History, 9 (2000), tr. 278.
  9. Xem bài “From anti-communism to anti-totalitarianism: the radical potential of democray” của Dick Howard trên Government and Opposition số 37, 2002, tr. 551-572.

 

97 Phản hồi cho “Tôi không chống Cộng”

  1. nvtncs says:

    Cố ý dùng tựa đề “Tôi không chống cộng” để gợi sự chú ý của đọc giả và để “shock” đọc giả là một mánh khoé giả tạo và rẻ mạt.

  2. Trần Tưởng says:

    Một bài viết đầy tư liệu ”hành lang ”  . Lập luận kiểu ”lá cải ”.
    Ngôn ngữ  ”xách mé ”  . Làm mất cảm tình của người đọc

    Mặc dù tôi không đồng ý với bài chủ ,của ông NHQ . Nhưng bài
    nầy đầy tính cách ”mạ ly. ”,kiểu viết của những tay bồi bút trong nước.

  3. Đức Minh says:

    Dùng lời lẽ rất uyên bác để lý luận đủ trò là nghề của mấy cha trí thức cao sang. Thảo nào mao sếnh sáng mỉa mai hoặc mạt xát : Trí thức không bằng cái cục kít. Tưởng không ngoa lắm vậy !

  4. thăng long says:

    Trong lịch sử phát triển của loài người ,bất kỳ một giai đoạn nào đều có những mặt tích cực và tiêu cưc.Cộng sản là môt thảm họa của nhân loại, điều đó 7 ty người đều biết . Nó như một con khủng long bạo chúa ăn thịt hết đồng loại rồi nó sẽ tu ăn thịt chính nó ! Chống lại cs cũng giống như chống lại chính lòng tham, ích kỷ… măt xấu xa của chính con ngươi mình . Luôn tìm mọi lý do để biện minh cho những sai lầm của mình. Nhất là bây giờ lại có tiền nên đã chuyển hóa thành một con quỷ có hình dạng một con người .Nhưng nó sẽ tư chết vì chính cái dạ dày của nó.Ngày đó gần lắm rồi…!

  5. nvtncs says:

    Chính phủ ở VN không còn là CS?
    Tác giả chơi chữ, khoe chữ, vạch lá tìm xâu, chẻ tóc cho thiên hạ lác mắt.
    Vài thực tế còn kia:
    Đảng và dân vẫn học tập “đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Mà tư tưởng HCM là tư tưởng gì?
    Tại Việt Nam, hiện nay quyền sở hữu đất đai thuộc về Nhà nước, mọi công dân, tổ chức, công ty v.v chỉ có quyền sử dụng đất đai.
    Độc tài không cần phải là CS, nhưng CS bao gồm độc tài vì độc tài là bản chất của CS. Trong Venn diagram, CS là hình tròn to, độc tài là hình tròn nhỏ, hoàn toàn ở trong hình tròn to.
    Tên của đảng hiện cai trị VN là ĐCSVN.
    Còn mèo trắng, mèo đen, tư bản đỏ, doanh nghiệp nhà nước, kinh tế thị trường định hướng, dân ai ai cũng biết, không cần phải việt dài dòng.
    Nền tảng tư tưởng và kinh tế xã hội chủ nghiã VN, vẫn là CS, vẫn còn đó.
    Người trí thức thật sự, không bàn, định nghiã, và phân tích về chủ đề “trí thức”. Nói đến trí thức là tự xưng mình là trí thức, một điều mà người trí thức thật rất kỵ.

  6. VIỆT ANH says:

    Với 1 lý lịch như thế này, thì ông này là loại VC năm vùng cao cấp. Đáng lẽ phải kịp phát hiện khi ảnh ” đưa người cửa trước, rước người cửa sau ” , mang bò con về gặm cỏ Vẹm chứ ! Thiệt xấu hỗ khi các ông ” trí thức” làm những việc mờ ám. Sao các ông không nhìn về VN , để thấy 2 bé Phương Uyên, Nguyên Kha tuổi chỉ đáng cháu các ông, mà họ khẳng khái trước guồng máy CS ghê rợn như vậy ! So với 2 em bé này, thì các ông Hoàng Duy Hùng, Phương Hùng, NHQ .. lại trở thành cái con chi chi hết sức là hèn mọn, thấy thương các ông quá !

    • Bùi lễ says:

      Với nội dung bài viết tôi chắc chắn 100% ông Nguyễn Hưng Quốc không fa?i là việt cộng /việt cộng nằm vùng/hay việt cộng theo đà/hay là cảm tình với việt cộng.

      .

      • Bút Thép VN says:

        Tôi không nghĩ ông Nguyễn Hưng Quốc là việt cộng /việt cộng nằm vùng/hay việt cộng theo đà/ hoặc là cảm tình với việt cộng, mà là vung vãi chữ nghĩa, đầu chuột mình voi. Tựa đề bài viết “Tôi không chống Cộng” (phản cảm), nhưng nội dung thì nện cộng bằng búa tạ!

        Cái tựa đề “Tôi không chống cộng” đã làm cho nhiều người phát ghét rồi thì cái nội dung dù có biện minh thế nào cũng khó giải toả tâm lý!

  7. Trung Kiên says:

    Thưa ông Nguyễn Hưng Quốc

    Tôi đồng ý với dẫn giải của Ông về sự tệ hại và tàn ác (hiện thực) của CNCS. Thế nhưng tôi không đồng ý với Ông về cái tựa đề “Tôi không chống Cộng”!

    Thiển nghĩ, cộng sản là nguồn gốc sinh ra độc tài chuyên chính và độc ác, tàn bạo. Hơn nữa cộng sản vẫn còn đang hiện hữu và cai trị ở VN, vì vậy bài viết này của Ông bị giảm giá trị và không thực tế khi viết rằng:

    Hậu Cộng sản” nghĩa là không còn Cộng sản nữa…./…Có thể nói, trên bình diện thế giới, cái gọi là “Cộng sản” đã thuộc về quá khứ. Khi “Cộng sản” thuộc về quá khứ, chuyện chống Cộng cũng không còn lý do hiện hữu nữa“.

    Thiết tưởng rằng, chừng nào “virus CS” còn, thì còn phải chống triệt để, phải cố gắng diệt trừ, cho dù nó sẽ dị dạng, biến thành một virus độc hại khác!

  8. SƯƠNG NGÀN says:

    TỘI THAY NGUYỄN HƯNG QUỐC

    Một lần này ắt phải chừa
    Tội thay Hưng Quốc đong đưa giữa đời
    Bây giờ hoa lá tơi bời
    Giống như cái bị bao người đấm chơi
    Đấm chơi nhưng đấm rã rời
    Dễ gì trở lại cái thời xưa kia
    Ngậm ngùi ta thấy cũng thương
    Viết đây vài chữ để tường thế gian !

    NẮNG NGÀN
    (17/5/13)

  9. ABC says:

    Ai chứ Trương minh Hoà viết thì cần phải coi lại!

  10. Trần Tưởng says:

    Đôi điều với ông NHQ,

    1- Tôi là một người VN , hai chữ ”Chống cộng ” với tôi có nghĩa
    là chống Việt cộng. Khi mà còn có cái đảng cộng sản VN ,còn có
    cái chính quyền Việt cộng ngự trị trên quê hương VN, thì tôi chống .
    Tôi không đếm xỉa gì tới mấy cái nước cộng sản khác trên thế giới,
    mặc dù tôi không thích họ . Ngoại trừ Trung cộng ,vì họ đánh chiếm
    VN. Nếu Tàu không phải là nước cộng sản ,tôi vẫn chống đối như
    thường.  
    Những lý luận của ông trong bài viết ,chắc chỉ dành cho những
    người có lý tưởng cao đẹp là chống cả chủ nghĩa cộng sản quốc tế.
    Chúng tôi không có mong ước lớn lao đến như thế.

    2- Hai chữ ”cộng sản ” đối với tôi có nghĩa là : độc tài ,cướp 
    bóc,lường đảo,dối trá ,giết người ,bán nước …..
    “Chống cộng ” đối với tôi có nghĩa là chống những cái xấu
    xa ,cái ”mọi rợ” đó.  ”Chống cộng ” là một công cuộc tranh đấu
    lâu dài ,cho đến bây giờ mới thấy một chút le lói ánh sáng cuối
    đường hầm,tự nhiên ông bảo nó không còn hợp ”thời trang ” nữa .
    Có lẽ ông là con người của chữ nghĩa ,chữ này không hợp thời,
    thì thay đổi bằng chữ khác. Chớ còn riêng tôi ,thì không bao giờ trong đầu óc lại có cái câu hỏi vớ vẩn là :  ”Chống ai và chống cái
    gì ?  ”.   ”Chống cộng ” và ”chống độc tài ,mọi rợ ,….” chỉ là một
    thứ; Tại sao tôi phải đổi chiêu bài ,cho hợp ”thời trang ” nhỉ ???

Leave a Reply to ABC