WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Danh dự và trách nhiệm

 

Với sự phát triển của các phương tiện truyền thông trên internet, cơ hội bày tỏ quan điểm cá nhân trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Bất chấp những biện pháp hạn chế của Nhà cầm quyền, các bàn luận về chính trị xã hội trên không gian mạng ngày một đa dạng, sôi nổi. Không bàn về chất lượng, các bài viết trên Facebook, blog cá nhân và blog truyền thông tập thể ngày một nhiều và sự tham gia của các bạn sinh viên thanh niên ngày một năng động hơn.

Chưa bao giờ trong lịch sử của chúng ta, việc thể hiện quan điểm của người dân lại dễ dàng như vậy. Sức mạnh  của truyền thông xã hội đang khiến nhà cầm quyền sợ hãi nhưng hầu như vô vọng về một phương thức “giải quyết” triệt để. Đó là thế mạnh của chúng ta. Nhà cầm quyền biết điều đó, nên  ”tương kế tựu kế” họ cũng tung ra một đội ngũ đông đảo những tên an ninh chuyên làm nhiệm vụ “phản truyền thông” trên các trang mạng xã hội, các blog tập thể cũng như blog cá nhân lề dân.

Giống như đội ngũ an ninh bên ngoài cuộc sống thực, lực lượng an ninh trên không gian ảo cũng đông đảo và len lỏi khắp nơi, trên các trang thông tin quốc tế, các trang mạng xã hội, các blog cá nhân và tập thể…Và đương nhiên những người này có trình độ tri thức và truyền thông cao hơn nhiều so với các đồng nghiệp chuyên thực hiện các nhiệm vụ cơ bắp của họ.
du-luan-vien-1904132
Với kinh nghiệm và nguồn lực của một Nhà nước, những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam hiểu rất rõ tầm quan trọng của đội ngũ “dư luận viên” này và họ cũng hoàn toàn có khả năng nuôi dưỡng đội quân trung thành đó để thực hiện nhiều nhiệm vụ đa dạng từ việc bôi nhọ tấn công cá nhân; phản biện các bài viết của những nhà đấu tranh; hoặc định hướng dư luận theo hướng có lợi cho Nhà cầm quyền khi không thể đưa ra được những phản biện trắng trợn một cách hiệu quả; đến việc đưa lên một cây bút mới gia nhập vào lực lượng tranh luận lề dân để đến một lúc nào đó có đủ uy tín, những người này sẽ có ích cho chính quyền…Tóm lại là họ có đủ khả năng để vừa chiếm lĩnh truyền thông nhà nước, lẫn từng bước chiếm vai trò quan trọng trong truyền thông xã hội.

Cẩn thận không bao giờ là thừa khi chúng ta phải đối phó với cả một tập đoàn với kinh nghiệm lừa đảo đầy mình như thế. Cho nên chúng ta cần nỗ lực đánh bại kế sách của họ bằng cách “thực hoá” không gian ảo, không cho nó quá “ảo” để trở thành địa bàn dễ hoạt động, xâm chiếm và gây ảnh hưởng của “dư luận viên” trên mạng. Internet là một phương tiện tạo ra không gian hoạt động ảo nhưng không gì có thể ngăn chúng ta dùng một phương tiện ảo để bảo vệ những giá trị thật và đề cao sự minh bạch trên không gian ảo đó.

Với lương tâm, danh dự và trách nhiệm của người cầm bút, việc công khai danh tính là điều cực kỳ quan trọng. Nếu các thông tin về nhân thân người viết bị che dấu thì danh dự và trách nhiệm đối với những gì họ viết cũng ảo như không gian mạng vậy. Bởi, nếu “bạch hoá” nhân thân khi viết bài,  điều này sẽ tạo ra một rào cản vô hình giúp chúng ta cẩn thận và có trách nhiệm hơn với mọi phát ngôn; vì dù hoạt động ảo nhưng chúng ta phải chịu trách nhiệm thực trước công luận và có lẽ là trước cả Nhà cầm quyền độc tài.

Đối với những bài viết tường thuật sự kiện, bản thân những hình ảnh, âm thanh,  nhân chứng đã đủ giá trị thực để được tin cậy. Còn đối với những bài nghị luận hoặc tản văn bày tỏ quan điểm của người viết, nếu tác giả ẩn danh thì khó có thể thuyết phục được độc giả, dù biện luận có sắc sảo đến mấy. Bởi, những vấn nạn chính trị và xã hội của đất nước là những vấn đề thâm niên, đang bị bế tắc bởi hệ thống chính trị độc tài; việc trình bày quan điểm cá nhân đối với các vấn đề đó chỉ giúp làm sống lại những đề tài đã cũ. Đối với những trường hợp như thế, danh tính và trách nhiệm của tác giả có giá trị hơn nhiều so với  điều tác giả viết. Sự xác quyết bằng danh dự của tác giả đối với những gì mình viết là một bằng chứng sống động hơn tất cả mọi biện luận, cho thấy rằng ở xứ sở này đang thực sự tồn tại những vấn nạn như thế.  Thật vậy, việc lấy mình làm chứng nhân cho hiện trạng xã hội quan trọng và hiệu quả hơn việc nói suông.

Hơn nữa, việc viết bài ẩn danh không những không giải toả được nỗi sợ hãi của người dân mà còn làm trầm trọng thêm sự sợ hãi và mối nghi ngờ về tính xác thực của những vấn đề được trình bày. Một con người có thể xác định danh tính , sống tại một địa chỉ cụ thể, khi lên tiếng sẽ là một minh chứng hùng hồn cho tinh thần trách nhiệm và danh dự, điều đó góp phần giảm bớt nỗi sợ hãi và sự nghi ngờ đã trở nên thâm căn cố đế trong đất nước này.

Không thể dùng  an toàn cá nhân để biện minh cho sự ẩn danh. Khi lên tiếng công khai tất nhiên không sớm thì muộn bạn sẽ bị trấn áp. Nhưng từ trong sự áp bức đó, bạn vẫn lên tiếng bảo vệ Công lý và sự thật thì việc lên tiếng càng ý nghĩa vô cùng đối sự lớn mạnh của truyền thông độc lập cũng như có tác động lớn đến khối dân chúng còn im lặng kia. Còn nếu bạn chỉ lên tiếng ẩn danh thì mãi mãi bạn chỉ là một cái nick ảo trên không gian mạng. Bạn chứng minh được gì ngoài nỗi sợ hãi không vượt qua được của chính bản thân mình và dụng tâm mờ ám nào đó?

Không có tự do nào đến được với những con người nhát sợ và không có khả năng chịu trách nhiệm đối với những phát ngôn của mình. Những người đang đấu tranh cho tự do cần phải để cho đại bộ phận dân chúng còn sợ hãi biết rõ về danh tính của mình để cổ vũ họ với cả lương tâm, trách nhiệm và danh dự. Điều này không chỉ  cần được áp dụng với người cầm bút mà còn cả với những người điều hành các trang thông tin tập thể khác. Hành động trong bóng tối luôn có xu hướng trở nên thiếu trong sáng và thiếu trách nhiệm. Nếu tất cả những người viết và các admin của các trang blog tập thể bước ra khỏi bóng tối để trực diện thách thức nhà cầm quyền thì có thể chúng ta tạm thời bị họ trấn áp nhưng nhờ đó phong trào dân chủ sẽ bước sang một giai đoạn trưởng thành mới; và cũng nhờ đó vô hiệu hoá một phần mưu chước cài dư luận viên thâm nhập vào truyền thông xã hội,  lợi dụng tình trạng ảo để thực hiện những thủ đoạn có lợi cho Nhà cầm quyền.

Như tôi luôn nói, không ai muốn phải trả giá, hy sinh. Nhưng cuộc đấu tranh cho tự do này đòi hỏi ở những người đấu tranh bản lĩnh và trách nhiệm. Đây là một cuộc đấu tranh cam go với chế độ độc tài để mở sinh lộ cho đất nước, hy sinh là điều không tránh khỏi. Và khi chúng ta càng nỗ lực vượt thắng mình, hy vọng vượt thắng chế độ càng gần, càng lớn. Đó là những điều tôi muốn chia sẻ với mọi người mà cũng là nói với chính mình.

Sài Gòn tháng 7 năm 2013

© Huỳnh Thục Vy

© Đàn Chim Việt

51 Phản hồi cho “Danh dự và trách nhiệm”

  1. Huỳnh ngọc Tuấn says:

    Tôi ủng hộ quan điểm của của tác giả và chân thành cám ơn Lão Ngoan Đồng đã góp ý.
    Theo Khổng Tử : “danh có chính” thì “ngôn mới thuận.”
    Nhà Phật cũng dạy rằng “tự độ- độ tha” .
    Làm sao chúng ta có thể thực hiện được hạnh” Vô úy thí” nếu bản thân mình đang sống trong sợ hải.
    Cám ơn BBT Danchimviet

    • Lại Mạnh Cường says:

      Date: Mon, 22 Jul 2013 22:17:01 -0700
      Subject: Re: Danh dự và trách nhiệm
      From: mirordor
      To: lmcuong

      Học thuyết Chính danh, một phát kiến của Khổng Tử.

      Hầu hết các nhà Nho, các nhà nghiên cứu về Nho giáo và Khổng tử đều thừa nhận rằng học thuyết Chính danh là một phát kiến mới của Khổng tử.

      Có thật thế không nhỉ?

      Mọi người nói về Chính Danh như thể đó là một triết thuyết mà Khổng Tử đặt ra nhưng nếu ta chịu khó bỏ công đọc về những gì người đời ghi chép thì ta thấy rằng hình như ngài không dựng nên một học thuyết và đặt tên “chính danh”.
      Trường hợp tương tự đồng thời là cái đạo “Phật”. Đức Phật không đặt ra một tôn giáo mà sau này người đời gọi là Phật giáo. Ngài chỉ đi tu để tìm lối giải thoát khỏi sinh,lão, bệnh tử và truyền lại cho người đời qua các môn đệ của ngài những gì ngài nghĩ là nên làm – đại khái là phải diệt thất tình lục dục – để hết khổ não. Các môn đồ của Đức Phật ghi chép lại lời ngài và dựng nên Phật giáo; các môn sinh của Khổng Tử ghi chép và bàn rộng ra về những gì ngài nói về cách làm người và rồi ai đó đặt nên thuyết Chính Danh.
      Có một điều ít người nghĩ đến khi nói về Tứ thư của Tàu là thời Khổng Tử – thời Chiến Quốc – chưa có lối viết bạch thoại và chưa có chữ Hán (cho đến thời nhà Tần 221-206 TCN); thời đó cũng chưa có giấy viết (di tích cổ nhất về giấy tìm được ở Tàu trong thế kỷ thứ 2 TCN) Dĩ nhiên Khổng Tử cũng phải dùng một lối bạch thoại nào đó để đàm luận với người nhưng cho đến ba thế kỷ sau khi ông mất, người ta chỉ có thể dùng thẻ tre hay lụa để viết. Và do đó cổ văn ra đời. Cổ văn ngắn gọn bằng nửa bạch thoại nhưng khó hiểu cho người đời sau, chưa nói đến chuyện tam sao thất bổn.

      Khổng Tử dùng hai chữ chính và danh nhiều lần khi bàn chuyện với đời, nhưng ngài chưa hề dùng hai chữ “chính danh”, làm căn bản cho một triết thuyết. Mời các bạn đọc cuộc đối thoại giữa hai thầy trò Khổng Tử – Tử Lộ,ghi lại theo lối cổ văn tân thời thay vì từ trên xuống dưới, phải qua trái và không dấu chấm câu:

      Inline image 3

      Tử Lộ viết: Vệ quân đãi Tử nhi vi chính, Tử tương hề tiên?
      Tử viết: Tất dã chính danh hồ!
      Tử Lộ viết: Hữu thị tai, Tử chi vu dã, Hề kỳ chính?
      Tử viết: Dã tai Do dã! Quân tử ư kỳ sở bất tri, cái khuyết như dã. Danh bất chính tắc ngôn bất thuận. Ngôn bất thuận tắc sự bất thành. Sự bất thành tắc lễ nhạc bất hưng. Lễ nhạc bất hưng tắc hình phạt bất trúng. Hình phạt bất trúng tắc dân vô sở thố thủ túc. Cố quân tử danh chi tất khả ngôn dã. Ngôn chi tất khả hành dã, quân tử ư kỳ ngôn vô sở cẩu nhi dĩ hỹ.

      Tử Lộ hỏi: Nếu vua nước Vệ mời thầy về giúp cai trị nước, thầy làm gì trước?
      Khổng tử đáp: Tất phải lấy chính danh làm trước vậy!
      Tử Lộ hỏi: Thật vậy sao? Thầy nói viễn vông quá! Chánh nghĩa là sao?
      Khổng tử đáp: Anh Do quê mùa này! Người quân tử có điều gì mình không biết thì không nói. Danh không chánh tất lời nói không thuận. Lời nói mà không thuận tất việc chẳng thành. Việc chẳng thành thì tất lễ nhạc không hưng thịnh. Lễ nhạc không hưng thịnh thì tất hình phạt chẳng đúng phép, hình phạt mà không đúng khuôn phép thì tất dân không biết đặt tay chân vào đâu. Cho nên đã mang danh quân tử thì ăn nói được, mà nói ra được tất làm được. Người quân tử nói ra không cẩu thả được!

      Chính 正 – hay chánh – có nghĩa là ngay thẳng, phải, ở giữa, hay đúng. Đúng theo tiêu chuẩn nào, của ai?
      Danh 名 nghĩa là tên; nó cũng còn có nghĩa là tiếng tăm, địa vị, danh vọng, danh dự. Khổng Tử nói rằng người mang danh quân tử thì không nói gì khi không biết, và chỉ nói thẳng, thận trọng, không lươn lẹo khi biết. Nếu bản thân không xứng đáng làm người quân tử thì ăn nói không thông.

      Danh không chỉ có nghĩa đơn thuần là tên. mà phải được theo nghĩa của chữ danh trong thành ngữ “nhân danh” như trong câu “nhân danh cha, con, và thánh thần, amen” Danh đây là tên của cái tư thế, chức vị hay công việc ta đảm nhận. Nhưng danh cũng có thể hiếu là cái đối tượng của công việc mà kẻ sĩ làm như trong câu “nhân danh dân tộc Việt, tôi thề hy sinh bảo vệ đất nước chống ngoại xâm”.

      Danh có chánh thì ngôn mới thuận. Chánh là một khái niệm trừu tượng và chủ quan. Chánh với người nói không hẳn trùng với ý người nghe muốn. Khi một chủ nghĩa thần quyền nhân danh thượng đế, Jesus, hay Mohamed để “trị”dân thì ta có Inquisition, hay Sharia. Inquisition có thể là chánh với giáo chức Ki Tô ở Spain ngày xưa nhưng không chánh với người dị giáo; sharia được tín đồ Hội giáo tuân thuận nhưng khó mà được người vô thần như mình đồng ý. Chính phủ Hà Nội nhân danh đảng cọng sản VN để hành sự cho nên không thuận lòng dân vì chủ nghĩa CS phi nhân bản. Và khó mà nói rằng đường lối chính trị của Hà Nội là chánh hay lập luận của Hà Nội là “thuận”.

      Obama nhân danh tổng thống nước Mỹ thề bảo vệ quyền lợi mọi công dân Mỹ. Ông không nhân danh công dân thế giới nên không ngại ngùng gì khi dùng drones chống khủng bô ngoài lãnh thổ Mỹ, và không ngại dùng kế hoạch Prism của NSA để xâm phạm quyền tự do riêng tư của người không có quốc tịch Mỹ. Danh của Obama chánh với công dân Mỹ nhưng không hẳn đã chánh cho người Maasai ở Kenya, và Obama có vẻ có gốc Maasai.

      Khổng Tử là một người chánh trực, và những gì ông nói, qua lời ghi chéo của môn đệ bằng lối cổ văn Tàu nghe có vẻ chánh và thuận với tai mắt chúng ta. Ngôn từ của Đức Khổng có được những người cầm quyền sinh sát đương thời xem là thuận chăng là chuyện khác. Ngài dắt một đám học trò lang thang trong mười mấy năm trong thời chiến quốc mong tìm chúa hiền phò trợ để trổ tài kinh bang tế thế. Cho dù cái danh quân tử của ngài thì chánh thật, lời nói của ngài có vẻ không thuận tai các vua chúa nên ngài mãi đi làng thang!

      Đi lang thang một phần vì nhiều người Khổng Tử đến phò tá không phải là người đáng gọi là quân tử nên họ không thể thuận với cái lẽ chính danh. Một trường hợp Khổng Tử nói đến chữ chính mà người đời sau hay nhắc đến là lúc Quý Khang Tứ hỏi ý kiến ngài về chính trị, ngài trả lời:

      Inline image 2

      Chính giả, chính dã. Tử suất dĩ chính, thục cảm bất chính?

      Chữ chính đầu là 政 chính – việc nước, ba chữ chính sau là 正 chánh – ngay thẳng. Và dĩ nhiên nếu người vấn kế Khổng Tử nắm quyền bằng lối bất chánh thì họ không thể trị dân một cách chính đáng!

      Cái quan điểm chánh thời Đức Khổng dựa trên căn bản trật tự xã hội thời đó với vua chúa ngồi trên và dân hèn ở dưới. Những gì chánh cho thời đại quân chủ chuyên chế đó không còn chánh cho thời nay, không còn thuận lòng dân với những ý niệm dân chủ và bình đẳng. Đòi hỏi các chính trị gia thời nay theo thuyết chính danh là đòi hỏi chuyện không tưởng vì chính trị gia phải biết và phải dùng thủ đoạn, Đã thủ đoạn thì không còn chánh, Đã không chánh thì sẽ ăn nói không thuận như G. Bush Jr., hay như những lảnh tụ Hà Nội đương thời.

      ====

      Anh … thân mến,

      Trước tiên xin cám ơn rất nhiều khi anh bàn luận rộng thêm về Nho giáo trong đó chủ yếu là thuyết Chính Danh !

      Có một số điểm xin bổ túc, cho rõ nghĩa hơn nhé.

      1/
      Có những điều bảo là PHÁT KIẾN, nhưng thực ra chỉ là sự KẾ THỪA.
      Thật sự là thế thật, nếu ta truy nguyên thật kỹ, tất cả chỉ là sự tích lũy kinh nghiệm của người đi trước ta thôi. Đó là sự tiến hóa của xã hội loài người.
      Cho nên chỉ là sự phóng đại khi gọi đó là một sự ĐỘT PHÁ (breakthrough; doorbraak).

      Thử nhìn cho kỹ ta thấy ngay là, Kitô giáo đã mượn thuyết độc thần của Do Thái giáo; Hồi giáo đã mượn Jesus và giáo chủ khai sáng Mohamed đã gọi Jesus là vị tiên tri (prophète) thứ nhất và chính ông ta là tiên tri thứ hai và sau chót !? Tin Lành rõ ràng là một nhánh của Kitô giáo.

      Đạo Phật mượn đỡ thuyết Luân Hồi (reincarnation) của Ấn Độ giáo aka Bà La Môn và tô điểm thêm bằng thuyết Nhân Quả với cái Nghiệp của con người tạo dựng ra !

      Một bài báo đã viết rõ như sau về Khổng Tử:

      [trích]
      Khổng Tử sinh thời của ngài thường nói với học trò rằng “(Ngô) thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ”, nghĩa là: Ta chỉ thuật lại mà không trước tác, tin vào đạo lý đời xưa.
      Các nhà nghiên cứu về Nho Gia và Khổng Tử ngày nay đều cho rằng, trong các tác phẩm như Kinh Thi, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu, Luận Ngữ… thì chỉ có quyển Luận Ngữ được xem là đáng tin cậy nhất vì những lời phát biểu của Khổng Tử trong sinh thời mà phần lớn là đàm thoại với học trò của ngài.
      [hết trích]

      2/
      Chính 正 – hay chánh – có nghĩa là ngay thẳng, phải, ở giữa, hay đúng. Đúng theo tiêu chuẩn nào, của ai? [Mirordor]

      Tôi nghĩ theo những tiêu chuẩn (criteria) của Khổng Tử đặt ra như tôi đã đưa ra trong meo trước (sẽ nhắc lại ở dưới đây).
      Thật ra tôi xưa nay rất nghi ngờ về cái gọi là chính (danh) ấy, kiểu như chính nghĩa, chính thống (orthodox) bla bla bla
      Bởi thực tế cho thấy, đúng như Mao bảo thẳng: “SỨC MẠNH TRÊN ĐẦU SÚNG”; còn các cụ ta nôm na: “MIỆNG NHÀ QUAN CÓ GANG CÓ THÉP” ! Ai đó đã nói rõ ra, kẻ mạnh hay kẻ thắng là người làm ra luật, là cán cân công lý, nói khác đi là chân lý, là tất cả. Ngạn ngữ ta tóm gọn: MẠNH VÌ GẠO, BẠO VÌ TIỀN ! Chính vì thế Mỹ làm cha thiên hạ, qua sự lập ra các hạm đội hải quân hùng hậu nhất, để làm lực lượng quân sự uy hiếp thế giới, dưới ô dù là bảo vệ và duy trị trật tự thế giới; hay dùng các mỹ từ “(vũ khí) nguyên tử phụng sự hòa bình” bla bla bla
      Chưa hết lại đưa ra các điều như chiến lược Lá Chắn để chống lại hỏa tiễn bom đạn từ phía Trục Ác (Devil’s Axe), mà thực ra đều do bọn nó đẻ ra cả.
      Bọn Tàu cộng hiện nay cũng thế. Để tranh dành ảnh hưởng với Nga, Mỹ … cũng đẻ ra lắm trò thối hoăng. Điển hình như cái lưỡi bò ở Biển Đông !
      Viixi là con cháu trong nhà, cũng bắt chước lắm trò khỉ đó, tự cho mình là nhà vô địch, kẻ thù nào cũng đánh thắng bla bla bla, khiến linh mục Nguyễn Văn Khải đã mỉa mai thật sâu sắc rằng: Nhà vô địch nay đã để Địch vô nhà !

      Sau hết, tôi cổ võ dân chủ đa nguyên, cho nên tôi DỊ ỨNG với những cái gì được gắn nhãn hiệu “chính” ấy anh ạ.

      Danh 名 nghĩa là tên; nó cũng còn có nghĩa là tiếng tăm, địa vị, danh vọng, danh dự. (…)
      Danh không chỉ có nghĩa đơn thuần là tên. mà phải được theo nghĩa của chữ danh trong thành ngữ “nhân danh” như trong câu “nhân danh cha, con, và thánh thần, amen” Danh đây là tên của cái tư thế, chức vị hay công việc ta đảm nhận. Nhưng danh cũng có thể hiếu là cái đối tượng của công việc mà kẻ sĩ làm như trong câu “nhân danh dân tộc Việt, tôi thề hy sinh bảo vệ đất nước chống ngoại xâm”. [Mirordor]

      “Meo” trước tôi đã trình bày sơ lược các điều thu thập trong internet như sau:

      [trích]
      Danh và phận của mỗi người trước hết hết do xã hội quy định, Khổng Tử đã quy tất cả các quan hệ xã hội thành năm mối quan hệ cơ bản (Ngũ luân) như sau:
      + Vua – Tôi: bề tôi phải lấy chữ trung làm đầu
      + Cha – Con: bề con phải lấy chữ hiếu làm đầu
      + Chồng – Vợ: vợ phải lấy tiết hạnh làm đầu
      + Anh – Em: phải lấy chữ hữu làm đầu
      + Bạn – Bè: phải lấy chữ tín làm đầu

      Năm mối quan hệ này có tiêu chuẩn riêng:
      + Vua thì phải nhất
      + Tôi thì phải trung
      + Cha phải hiền từ
      + Con phải hiếu thảo
      + Phu xướng phụ tuỳ…

      Trong năm quan hệ đó Khổng Tử nhấn mạnh ba quan hệ đầu là cơ bản nhất (Tam cương) cụ thể là:
      + Vua – Tôi: vua là trụ cột
      + Cha – Con: cha là trụ cột
      + Chồng – Vợ: chồng là trụ cột
      Như vậy, năm mối quan hệ đã nói rõ danh, phận, của từng người, vế sau phải phục tùng vế trước, nếu mỗi người thực hiện đúng danh, phận đó sao cho vua ở hết phận vua, tôi ở hết phận tôi, cha ở hết phận cha, con ở hết phận con,… thì có chính danh.

      (…)
      Nhà nghiên cứu Nguyễn Tôn Nhan trong quyển Nho Giáo Trung Quốc, khi viết về Khổng tử và những tư tưởng của ngài, ông không xét học thuyết chính danh theo một mục riêng mà chỉ xem chính danh là phụ vào lễ và mục đích của chính danh là giữ lễ. Lễ của kẻ trên đối với người dưới và ngược lại. “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử.”
      Chính danh là tiền đề để lễ nhạc hưng vượng lên; lễ nhạc hưng vượng chính là cái bản để trị nước. Chỉ vì lễ nhạc không hưng vượng, hình phạt mới không trúng, hình phạt không trúng thì dân không biết phải làm gì?
      [hết trích]

      3/
      Cái quan điểm chánh thời Đức Khổng dựa trên căn bản trật tự xã hội thời đó với vua chúa ngồi trên và dân hèn ở dưới. Những gì chánh cho thời đại quân chủ chuyên chế đó không còn chánh cho thời nay, không còn thuận lòng dân với những ý niệm dân chủ và bình đẳng. Đòi hỏi các chính trị gia thời nay theo thuyết chính danh là đòi hỏi chuyện không tưởng vì chính trị gia phải biết và phải dùng thủ đoạn, Đã thủ đoạn thì không còn chánh, Đã không chánh thì sẽ ăn nói không thuận như G. Bush Jr., hay như những lảnh tụ Hà Nội đương thời. [Mirordor]

      Hoàn toàn đồng ý, nên trong meo trước tôi đã dẫn chứng luôn nhận xét dưới đây

      [trích]
      Thực chất, học thuyết chính danh không những chỉ có giá trị ở thời ông. Học giả Nguyễn Hiến Lê khi viết lời mào cho cuốn Khổng Tử đã phát biểu rằng “Triết thuyết nào cũng chỉ để cứu cái tệ của một thời thôi. Muốn đánh giá một triết thuyết thì phải đặt nó vào thời của nó, xem nó có giải quyết được những vấn đề của thời đó không, có là một tiến bộ so với các thời trước, một nguồn cảm hứng cho các đời sau không. Và nếu sau mười thế hệ, người ta thấy nó vẫn còn làm cho đức trí con người được nâng cao thì phải coi nó là một cống hiến lớn cho nhân loại rồi.”
      [hềt trích]

      4/
      Nếu xem phim Lã Sanh Môn (Rashomon) ta thấy ngay VẠN VẬT TƯƠNG ĐỐI ! Đến ngay trong khoa học thực nghiệm mà Einstein cũng đưa ra thuyết tương đối.
      Thí dụ đơn giản và rõ nhất là sự khúc xạ ánh sáng, như một cái que thẳng băng, mà chọc vào nước ta thấy ngay nó gẫy khúc ở ngay phần chìm trong nước.
      Hay đôi khi ta ngồi trên một con tàu, nó đứng yên nhưng ta lại thấy nó chạy về phía trước với con tàu kế bên, khi còn tàu (kế bên) này chuyển động theo hướng ngược lại với hướng ta ngồi đối mặt.
      Trời nắng gắt ta thấy hình như có một vũng nước ở xa xa trên mặt đường nhựa đen.

      Trên thế gian này có lắm ảo giác (mirage) từ vật lý đến tâm lý. Có lẽ trong lúc tuyệt vọng hay trong tình huống tâm lý bất thường nào đó, người ta cần có ảo giác để hy vọng vươn lên chăng ?
      Cầu tài cầu phúc cũng là xin một ảo giác từ một nguồn gốc siêu hình, siêu nhiên.
      Lên đồng cũng thế. Cúng kiến, tụng niệm kiểu cầu phúc cầu lộc cầu an cũng sêm sêm

      Lên đồng tập thể, như CS Ta, là một kiểu thủ dâm chính trị qua hình tượng Bác Hồ và cái gọi là Tư tưởng Hồ Chí Minh … để nặn ra hình tượng con người mới xã nghĩa, để xây dựng và bảo vệ đất nước …
      Một số đám chống Cộng hải ngoại cũng rứa, qua cái gọi là công tác bảo vệ hình tượng cờ vàng (với các ủy ban Bảo vệ Cờ vàng), cứ làm như đó là chiếc chià khoá vàng (golden key), nhằm giải trừ quốc nạn độc tài độc đảng, để rồi coi trọng hình thức, xem nhẹ nội dung. Thay vì cố gắng xiên dương DÂN CHỦ ĐA NGUYÊN, tìm hiểu cho rõ thế nào là DCĐN, lại rủ nhau đi bảo vệ cái hình thức. Riết rồi chả khác gì thời Diệm Nhu, dùng độc tài gia đình trị chống độc tài độc đảng, thì nay lại chủ yếu dùng cờ vàng chống cờ đỏ !

      Chuyện này dễ hiểu, bởi người ta có khuynh hướng chọn cái nào dễ dàng, thậm chí đã có sẵn, để bưng bê làm của riêng cho tiện việc mình, mà quên rằng lợi trước mắt, nhưng có thể có những tác hại về lâu về dài !
      Người ta thường đánh lừa chính mình mà không hay, bằng sự làm quan tắt ấy.

      Các cô gái thay vì chịu khó trau dồi đức hạnh và học hành, lại đi tìm cách trau dồi sắc đẹp và tìm cách rù quến các anh học giỏi ngu ngơ đường tình ái, hay các anh quan to súng ngắn …
      CS lợi dụng sự ngu dốt của giai cấp vô sản để cướp chính quyền, dĩ nhiên sau này đã “lãnh thẹo” về sự sử dụng các con người vô học, kém tài kém đức ấy. Tất cả đều sống giả dối, tìm cách lừa bịp nhau. Cuối cùng là tuột hậu, xã hội tha hóa cũng cực.

      5/
      Trở lại Đa Nguyên ta thấy ngay là, KHÔNG CÓ CÁI GÌ GỌI LÀ CHÍNH THỨC HẾT ! Bởi tất cả đều TƯƠNG ĐỐI.

      Từ đó trong một tập thể lớn, như một quốc gia, không có một sắc tộc chính thức, tôn giáo chính thức, tư tưởng chính thống bla bla bla

      Việt Nam bao gồm sắc tộc (CS giờ gọi là dân tộc) Kinh và khoảng hơn 50 sắc tốc thiểu số (Cs gọi là dân tộc ít người). Tất cả đều phải được xem bình đẳng với nhau trên mọi bình diện. Muốn thế cần có sự TẢN QUYỀN thật sâu rộng đến các địa phương, nếu ko sắc tộc Kinh sẽ chiếm thế thượng phong như xưa nay vẫn thế.

      Tôn giáo cũng vậy, không thể lấy số đông bào rằng người Việt đa phần theo đạo Phật, nên lấy Phật giáo làm quốc giáo ! Hay quan niệm sai trái rằng, giáo hội Catho có kỷ cương nhất nhờ tổ chức khoa học, nên dù Kitô hữu chưa tới 10 % dân số, đã có một sức mạnh “vô địch” so với các tôn giáo bạn, hiện nay có ảnh hưởng lớn nhất trong xã hội CS, để rồi coi đó là hình mẫu tiêu biểu, nên noi theo ….

      Vai trò đảng phái chính trị quan trọng trong sinh hoạt chính trị, những cũng không thể xem thường vai trò của các xã hội công dân (civil societies) ở lãnh vực xã hội, nhân quyền, môi sinh … Các sáng hội (thinktank) cũng rất cần thiết trong mọi nơi mọi lúc.

      Cái quan niệm sai lầm cần gạt bỏ thẳng tay khi nói, chỉ có các đảng phái chính trị mới đủ tư cách take care chính trị, đồng nghĩa với việc nước. Trong khi quốc gia đại sự là chuyện chung, ko là một đặc quyền (privilege) của ai, hay ai đó lại độc quyền như kiểu CS chủ trương.

      Tóm lại, cần cùng nhau học tập tinh thần đa nguyên, để tự cách mạng bản thân thành con người đa nguyên trong thời đại hiện nay.
      Cái hình tượng người quân tử kiểu Khổng giáo không còn phù hợp với xã hội hiện nay; còn con người mới xã hội chủ nghĩa xin miễn bàn dù chỉ trên lý thuyết, bởi đó là một sự không tưởng.

      Trong mọi không và thời gian thì yếu tố CON NGƯỜI là yếu tố quyết định, cho dù đang và sẽ sống ở thời văn minh cơ giới, rồi ra có thể sẽ tự động hóa, hoàn câu hóa mọi sự. Bởi con người ngoài đời sống vật chất còn đời sống tâm linh, mà tâm linh con người quả thực rất phong phú, chưa thể đào sâu tới nơi tới chốn. Chưa kể nhu cầu vật chất con người rất cao, bởi lòng ham muốn của người ta là không đáy.

  2. Tập Làm Văn says:

    Tên em: Huỳnh Thục Vy
    Ái nữ Huỳnh Ngọc Tuấn
    Hổ phụ sinh hổ tử
    Cha hiền lành con cũng hùng anh

    Em người con gái Việt
    Sinh trong cảnh nhiễu nhương
    Không cúi đầu khuất phục
    Quyết nối chí Trưng Vương

  3. NgườiViệtYêuNước says:

    Thục Vy là một trong những người can đảm dấn thân.
    Mến phục.

    Đã đến lúc các Bloggers nên đoàn kết và mạnh dạn lên tiếng, tự bảo vệ mình!

    Blogger Việt Nam ra tuyên bố chung

    Một cây làm chẳng nên non
    Nhiều cây chụm lại nên hòn núi cao
    Đũa lẻ bẻ gẫy như chơi
    Bó đũa cột lại, tay thời chịu thua

  4. Trực Ngôn says:

    Chào cô Huỳnh Thục Vy

    Đối đầu với một chế độ độc tài gian ác thì chúng ta phải hết sức cẩn trọng và nên ”tương kế tựu kế”. Chỉ nên “chính danh” khi cần thiết, hoặc khi không còn có thể ẩn danh được nữa!

    “Chính danh” giữa thanh thiên bạch nhật là “quân tử”, thế nhưng, với kẻ tiểu nhân thì khác gì chúng ta đã tự chỉ điểm, nộp mình cho giặc?

    Với những người viết bài mà ta biết mặt biết tên, biết lập trường và quá khứ của họ thì góp ý nhiệt tình và liên lạc khi cần. Còn đối với tay viết “lạ” hay nghi ngờ là “cò mồi” thì chỉ nên góp ý, nhưng đừng vội tin, đừng vội liên lạc hay để lộ tung tích!

    Điều quan trọng là, cho dù “chính danh” hay “ẩn danh” thì cũng cần phải giữ “Danh dự và trách nhiệm” trong phần phát biểu hay góp ý của mình!

    Đôi lời trao đổi. Chúc sức khoẻ và bảo trọng!

  5. TovanLai says:

    “Đây là một cuộc đấu tranh cam go với chế độ độc tài để mở sinh lộ cho đất nước, hy sinh là điều không tránh khỏi”. Cám ơn em đã chấp nhận hy sinh. Lời em viết đã làm tôi chẩy nước mắt.

  6. Lão Ngoan Đồng says:

    Thưa tác giả và bà con,

    Đọc bài viết trên và tìm hiểu thêm trong internet tôi gom lại một đôi điều muốn tâm tình cùng qúi vị (nên biết tôi chỉ sưu tập và lược giản để tóm gọn, chứ không hề trước tác điều chi hết) ở đây:

    1/
    Thuyết CHÍNH DANH của Khổng Tử.
    Chánh: Ngay thẳng, đúng đắn . Danh: tên.
    Chính danh là cái tên gọi phải đúng theo cái nghĩa của nó.
    Khổng tử thấy tình trạng xã hội thời ngài hỗn loạn đến nỗi “tôi giết vua, con giết cha”rất ư là tệ hại, nhưng ngài không thích triệt tiêu tệ lậu trên bằng bạo lực, cho nên ngài mới đề ra học thuyết chính danh nhằm để cải tạo xã hội, giáo hóa xã hội dần dần. Ai cũng rõ Khổng Tử vốn chủ trương trung dung, không cực đoan thái quá.
    Chính vì bản tính ôn hòa ấy, ngài chọn sự giáo huấn hơn là bạo lực, bởi đã chắc gì bạo lực có thể giải quyết triệt để cái tệ nói trên! Không chừng bất quá chỉ thay thế cuộc thí quân này bằng cuộc thí quân khác, hoặc vụ giết cha này bằng vụ giết cha khác. Bạo lực bất quá chỉ giải quyết việc trước mắt, tức thời, chỉ trị được ngọn chứ làm sao trị được gốc của tình hình trên, chỉ có cuộc cách mạng tư tưởng mới trị được gốc của cái tệ tôi giết vua, con giết cha nói trên.
    Cũng theo Hồ Thích “Khổng tử chủ trương chính danh chính từ, một mặt muốn cổ võ hành động con người một mặt muốn cấm dân làm bậy.”

    2/
    Học thuyết chính danh của Khổng tử không chỉ chỉ được áp dụng trong chính trị, cai trị mà còn được ông áp dụng trong cách gọi tên sự vật, đồ vật. Sách Nho giáo có câu chuyện về cái bình đựng rượu được gọi là cái “cô”. Thời trước Khổng tử, cái bình đựng rượu có cạnh góc người ta gọi là cái “cô”. Đến đời Khổng tử, người ta làm cái bình đựng rượu bỏ cạnh góc đi mà vẫn gọi là cái “cô”, Khổng tử không hài lòng về tên gọi này vì theo ông, nếu cái bình đựng rượu muốn được gọi là cái “cô” thì phải phục hồi hình dạng cũ của nó. Còn nếu không thì gán cho nó một cái tên mới mà không gọi là cái cô nữa. [Khổng Tử, Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn Hóa 1995].

    Qua hai dẫn chứng trên chúng ta thấy Khổng tử rất coi trọng tôn ti, trật tự, trên dưới, mà tư tưởng này đã có trước thời Khổng tử rồi. Nó bị biến dạng dưới thời ông, do đó, ông xiển dương học thuyết chính danh để sửa trị lại trật tự xã hội, sự cai trị. Đặt sự vật với đúng tên gọi của nó (trường hợp cái “cô”).

    3/
    Hầu hết các nhà nghiên cứu về Nho giáo và Khổng tử đều trích dẫn một số câu vấn-đáp của thầy trò Khổng tử trong Luận Ngữ, thiên Tử lộ vì cho rằng đó là câu chìa khóa của học thuyết chính danh. Xin chép ra đây để tham khảo.

    Tử Lộ hỏi: Nếu vua nước Vệ mời thầy về giúp cai trị nước, thầy làm gì trước?
    Khổng tử đáp: Tất phải lấy chính danh làm trước vậy!
    Tử Lộ hỏi: Có việc ấy sao? Thầy chỉ nói khoác! Thế nào gọi là chính danh?
    Khổng tử đáp: Này anh nhà quê kia ơi! Người quân tử có điều gì mình không biết thì bỏ qua mà không nói. Nay danh bất chính tất lời nói không thuận. Lời nói mà không thuận tất việc chẳng thành. Việc chẳng thành thì tất lễ nhạc không hưng thịnh. Lễ nhạc không hưng thịnh thì tất hình phạt chẳng đúng phép, hình phạt mà không đúng khuôn phép thì tất dân không biết đặt tay chân vào đâu để nhờ cậy. Cho nên người quân tử quan niệm được danh ắt nói ra được, mà nói ra được tất làm được. Người quân tử nói ra điều gì nên dè dặt không cẩu thả được!

    4/
    Khổng Tử cho rằng, mỗi vật, mỗi người sinh ra đều có một địa vị, công dụng nhất định. Ứng với mỗi địa vị, công dụng đó là “danh” nhất định. Vật nào, người nào trong thực tại điều có danh hợp với nó, nếu không danh sẽ không hợp với thực, là loạn danh. Chính danh là danh và thực phải phù hợp với nhau. Ông cho rằng, sở dĩ xã hội loạn lạc là do danh không phù hợp với thực, từ đó dẫn đến làm cho kỷ cương phép tắc đảo lộn. Muốn ổn định trật tự xã hội, Khổng Tử chủ trương phải giáo hoá đạo đức và thực hiện chủ nghĩa “Chính danh, định phận”.

    Danh và phận của mỗi người trước hết hết do xã hội quy định, Khổng Tử đã quy tất cả các quan hệ xã hội thành năm mối quan hệ cơ bản (Ngũ luân) như sau:
    + Vua – Tôi: bề tôi phải lấy chữ trung làm đầu
    + Cha – Con: bề con phải lấy chữ hiếu làm đầu
    + Chồng – Vợ: vợ phải lấy tiết hạnh làm đầu
    + Anh – Em: phải lấy chữ hữu làm đầu
    + Bạn – Bè: phải lấy chữ tín làm đầu

    Năm mối quan hệ này có tiêu chuẩn riêng:
    + Vua thì phải nhất
    + Tôi thì phải trung
    + Cha phải hiền từ
    + Con phải hiếu thảo
    + Phu xướng phụ tuỳ…

    Trong năm quan hệ đó Khổng Tử nhấn mạnh ba quan hệ đầu là cơ bản nhất (Tam cương) cụ thể là:
    + Vua – Tôi: vua là trụ cột
    + Cha – Con: cha là trụ cột
    + Chồng – Vợ: chồng là trụ cột
    Như vậy, năm mối quan hệ đã nói rõ danh, phận, của từng người, vế sau phải phục tùng vế trước, nếu mỗi người thực hiện đúng danh, phận đó sao cho vua ở hết phận vua, tôi ở hết phận tôi, cha ở hết phận cha, con ở hết phận con,… thì có chính danh.

    5/ Học thuyết chính danh thực hành trong thời Khổng Tử.

    Nhà nghiên cứu Nguyễn Tôn Nhan trong quyển Nho Giáo Trung Quốc, khi viết về Khổng tử và những tư tưởng của ngài, ông không xét học thuyết chính danh theo một mục riêng mà chỉ xem chính danh là phụ vào lễ và mục đích của chính danh là giữ lễ. Lễ của kẻ trên đối với người dưới và ngược lại. “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử.”
    Chính danh là tiền đề để lễ nhạc hưng vượng lên; lễ nhạc hưng vượng chính là cái bản để trị nước. Chỉ vì lễ nhạc không hưng vượng, hình phạt mới không trúng, hình phạt không trúng thì dân không biết phải làm gì?

    Tề Cảnh công hỏi Khổng tử về chính trị, Khổng tử nói: “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử.” Nghĩa là vua phải ra vua, bề tôi phải ra bề tôi, cha phải ra cha, con phải ra con. Tức là người nào ở vị trí nào thì phải ứng xử ở vị trí đó, không được lẫn lộn, không được tùy tiện, phải tuân theo phép tắc, quy củ của xã hội đã quy định. Nếu làm không được như vậy thì xã hội sẽ đảo lộn như trường hợp của nước Vệ. Xuất Công Triếp và Khoái Quý nước Vệ, hai cha con mà tranh nhau ngôi vua. Cả hai cha con đều thiếu tư cách như vậy cho nên, nếu trị dân thì dân không phục vì danh bất chính thì nói làm sao mà dân nghe lọt tai được, mà dân không phục thì nước sẽ loạn. Nước Vệ muốn được yên, theo Khổng tử, thì việc đầu tiên là phải lập một công tử khác làm vua, danh chính, ngôn thuận đường hoàn.

    Khổng tử, mười mấy năm bôn ba, đi hết nước này đến nước kia, chỉ cầu sao cho có ông vua nào dùng mình, vì ông tin rằng nếu có ông vua nào dùng mình thì chỉ vài năm thôi, ông sẽ làm cho nước đó cường thịnh. Nhưng thực tế thầy trò ông, đi hết nước này đến nước nọ, tìm cách này hay cách nọ để truyền đi bản ý của ngài đến các ông vua, cố tìm cách để cho họ dùng mình nhưng rốt cục ngài đã thất bại. Có lần ông và học trò còn bị vây khốn suýt chết ở nước Trần và Thái vì họ cho rằng, ông có tài như vậy, nếu đến giúp nước nào thì nước đó mạnh lên thì họ sẽ nguy mất. Thật là chua xót cho thầy trò ông!

    “Chính giả, chính dã” là một châm ngôn bất hủ của Khổng tử. Nghĩa là muốn được chính danh thì lời nói và hành động phải đúng đắn. Muốn làm bậc chính danh quân tử thì lời nói và hành động phải đúng đắn. Nói suông e không được đâu! Lời nói và việc làm có đúng đắn thì người mới theo về.
    Chừng nào mà vua còn làm tròn thiên mệnh, nhân dân dưới quyền cai trị của vua được hưởng hòa bình và hạnh phúc thì đó là vua hiền, con người vua là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Muốn như vậy ông vua, chẳng hạn, còn phải siêng năng lên nữa để làm tròn trách nhiệm của một ông vua. Trái lại, nếu đó là một ông vua ác độc, mà sự cai trị hà khắc làm cho nhân dân điêu đứng khổ sở, thì tức là ông vua ác đó đã đánh mất chính danh và có thể sẽ bị mất luôn ngôi vua và mệnh trời và nhân dân có quyền chính đáng nổi dậy, lật đổ ông vua ác độc đó và cử người khác lên thay thế. Thay bậc đổi ngôi cũng là do mệnh trời. Nếu cuộc khởi nghĩa thành công, một ông vua khác lên thay, thì đó cũng hợp chính danh và hợp với mệnh trời. Nếu không phải thì cuộc khởi nghĩa đó thất bại.
    Trường hợp của hai ông vua Kiệt, Trụ là điển hình vì không làm tròn trách nhiệm của ông vua, để dân bị tai vạ, đối khổ cho nên mất danh phận làm vua và mệnh trời rồi còn bị giết. Mạnh tử sau này bảo “Hại nhân, hại nghĩa là quân tàn tặc; giết quân tàn tặc là giết một đứa thất phu, một tên dân quèn. Nghe nói giết một tên thất phu tên là Trụ, chứ chưa nghe nói giết vua.”

    Mạnh tử đề cao thuyết chính danh một cách cực đoan, nhưng âu cũng là phù hợp với tình hình Trung Hoa thời ông. Thật vậy, làm vua mà mất đức thì gây tác hại rất lớn cho dân chúng, không thể lường hết được. Dân có oán ông vua thất đức đó cũng phải lẽ thôi. Mạnh tử có nói thêm một chút cực đoan thì ông cũng là thay dân mà phát biểu vậy.

    6/ Các tư tưởng có liên quan đến thuyết chính danh.

    Các từ hiểu ngầm là chính danh:

    Khổng tử cho rằng, việc chính trị hay hay dở là do ở người cầm quyền. Người cầm quyền nào biết theo đường ngay chính để sửa đạo nhân thì việc gì cũng thành ra ngay chính hết thảy. Ngài bảo Quý Khang tử rằng “Chính giả chính dã, tử suất dĩ chính, thục cảm bất chính.” Nghĩa là: làm chính trị là làm cho mọi việc ngay thẳng, ông lấy ngay thẳng mà khiến người, thì ai dám không ngay thẳng? Cho nên, hễ người trên ngay thẳng thì người dưới bắt chước mà làm theo. Vua mà ngay chính thì không sai khiến người ta cũng làm theo điều phải, còn vua mà không ngay chính thì có sai khiến người ta cũng không ai theo cả (kỳ thân chính, bất lệnh nhi hành, kỳ thân bất chính, tuy lệnh bất tòng. Luận Ngữ, thiên Tử Lộ)
    Theo chúng tôi nghĩ, người cầm quyền thời nào cũng phải nêu cao cái đức của mình. Theo Khổng tử, người cầm quyền trước hết phải sửa mình cho đoan chính cái đã. Đó là ý tứ trong câu bốn chữ của Khổng tử “chính giả, chính dã”. Người cầm quyền theo Khổng tử phải là người quân tử, vì người quân tử ắt phải rèn đức tức là tu thân, rồi sau đó mới có quyền bắt người trong nhà khuôn theo phép tắc mà ông ta đưa ra tức là tề gia. Có tề gia giỏi thì mới có thể trị quốc tốt, ngày nay có thể gọi là lãnh đạo quốc gia, quản lý xã hội. Có trị quốc tốt thì thiên hạ mới theo về mình thì coi như đã bình được thiên hạ rồi. Theo ý kiến cá nhân chúng tôi, thuật “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” được hiểu là như vậy.

    7/ Học thuyết Chính danh, một phát kiến của Khổng Tử.

    Hầu hết các nhà Nho, các nhà nghiên cứu về Nho giáo và Khổng tử đều thừa nhận rằng học thuyết Chính danh là một phát kiến mới của Khổng tử. Do chính ngài quan sát thấy được tình trạng lộn xộn, mất tôn ti trật tự, trên cho ra trên, dưới cho ra dưới; vua cho ra vua, tôi cho ra tôi,… nên ngài mới đề ra học thuyết chính danh.

    Thực chất, học thuyết chính danh không những chỉ có giá trị ở thời ông. Học giả Nguyễn Hiến Lê khi viết lời mào cho cuốn Khổng Tử đã phát biểu rằng “Triết thuyết nào cũng chỉ để cứu cái tệ của một thời thôi. Muốn đánh giá một triết thuyết thì phải đặt nó vào thời của nó, xem nó có giải quyết được những vấn đề của thời đó không, có là một tiến bộ so với các thời trước, một nguồn cảm hứng cho các đời sau không. Và nếu sau mười thế hệ, người ta thấy nó vẫn còn làm cho đức trí con người được nâng cao thì phải coi nó là một cống hiến lớn cho nhân loại rồi.”

    8/ Bình luận riêng của Lão Ngoan Đồng:

    CON NGƯỜI là yếu tố quyết định, để xây dựng nên quốc gia, xã hội, cộng đồng. Cho nên chi:

    - Khổng Tử tô tượng con NGƯỜI QUÂN TỬ (ăn không cầu no, mặc vừa đủ ấm, tối gác chân nằm ngáy pho pho). Thực tế cho thấy chẳng những vua chúa mà dân thường cũng “ngán” Khổng Khâu hết thảy, nên ông dù tích cực xông pha vào đời lúc còn trẻ, nhưng đời hất hủi ông như ta đã rõ.

    - Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, tu theo đạo Lão lại khuyên bảo rất vô vi: thu ăn măng trúc, đông ăn giá/ xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao/ rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp/ nhìn xem thế sự tự chiêm bao;

    - CS cố xiển dương hình ảnh CON NGƯỜI MỚI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA (mình vì mọi người, mọi người vì mình). Con người này ra sao ai cũng biết, không cần còm thêm nữa.

    Tuyệt đại đa số các học giả đã tin rằng NHÂN CHI SƠ TÍNH BẢN THIỆN, nhưng tôi nghĩ NHÂN CHI SƠ TÍNH BẢN ÁC, dẫn xuất từ lòng tham không đáy. Cho nên giáo hóa kiểu Khổng Tử mới là điều ắt có, để đủ lại phải dùng tới luật pháp để răn đe và nghiêm trị nữa. Thuốc đắng dã tật và phòng bệnh hơn chữa bệnh.

    Ấy thế mà mà vẫn loạn, bởi con người luôn luôn có khuynh hướng ngồi sổm lên pháp luật, nhất là những kẻ cầm quyền, để tạo ra cảnh máu đổ đầu rơi. Trong gần hai thập niên qua mới đẻ ra Toà Án Hình sự Quốc tế có trụ sở ở Hòa Lan (Den Haag/ The Hague/ La Haye) để xử tội những tên cầm đầu phạm tội diệt chủng (génocide) !

    Trong phạm vi nhỏ hẹp của DCV, hay các diễn đàn ảo ư ? Theo tôi khó mà diệt trừ nạn giặc cỏ hoành hành như chốn không người được, cho dù Ban Biên Tập có nghiêm nhặt cách chi đi nữa. Còn trông cậy vào lòng tự trọng của diễn đàn viên, thực chả khác nào cầu đảo mưa trong sa mạc.

    Thực ra nghĩ cho sâu, trong xã hội cộng đồng đếu có đủ khuôn mặt, một chuỗi liên tục từ cực chính diện (dấu cộng) đến cực phản diện (dấu trừ). Chả khác nào quan niệm hay thái độ chính trị của một đám đông từ cực hữu (xanh lè) sang cực tả (đỏ bầm). Đó là đa nguyên và tạo ra cảnh tượng nhiều mầu sắc y như trong thiên nhiên. Nhất là có phản diện như màu đen sẽ làm nổi bật màu trắng chính diện.

    Tóm lại, đừng hãi sợ cứ mạnh dạn mà tiến bước, cỏ dại không thể cuốn chặt chân mình, một khi mình thừa nghị lực tiến lên, cộng với công lực thâm hậu tích lũy trong va chạm thực tế mỗi ngày.

    Kết, một là rút lên “non cao” tu tập, không lý đến đời bình thường và đợi lúc thuận tiện xuất thế; hai là lăn xả vào đời thường, để đương đầu thử thách cũng gian nan. Tôi chọn giải pháp sau.

  7. Hoàng says:

    Chỉ có kẻ hèn nhát,kẻ tiểu nhân thì luôn dấu tên,dấu tên trên cộng đồng truyền-thông là lối nếm đá dấu tay,là loài chuột chủi,cũng giống như bọn việt gian cs trước 1975,luôn lấy bí danh,luôn đánh lén,luôn khủng bố,luôn
    phá hoại ̣đến đời sống của người dân.Thì hôm nay,sau khi chúng cướp trọn cả VN thì bản tính của chúng cũng là hèn nhát là bọn tàu hiếp đáp,giết chóc người dân đánh cá ngoài biển khơi mà bọn csvn không bao giờ có
    được DŨNG KHÍ nói lên sự thật rằng ngư dân ngoài khơi bị bọn tàu cộng đánh phá.Cũng ba D vì tính tiểu nhân mà bỏ tù Điếu-cày…mà tính tiểu nhân thằng cs nào cũng có trong máu.Vì không có tính tiểu nhân thì không thể nào theo việt gian cs được.
    Đúng vậy,dù bài viếtt có được hằng triệu người vổ tay tán thưởng nhưng chỉ là bí danh thì bài viết cũng mất giá trị thực của nó và nó cũng sẻ đi vào quên lảng không tác động được người nghe và đọc nó.Mong rằng chúng ta nên dùng tên thật trên diển đàn dù đó là lời bình phẩm ngắn ngủi…thì người viết mới có giá trị thực tế là một cây viết đấu tranh cho dân-tộc và đất nước.

    • Bút Thép VN says:

      Bạn chỉ nói đúng một phần!

      Đừng lầm lẫn “ẩn danh” (dấu tên) với hành động! “dấu tên trên cộng đồng truyền-thông” không phải là điều xấu!

      Mà ý tưởng hay hành động xấu mới là “lối ném đá dấu tay, là loài chuột chủi,cũng giống như bọn việt gian cs trước 1975,luôn lấy bí danh,luôn đánh lén,luôn khủng bố,luôn phá hoại ̣đến đời sống của người dân“.

  8. NGƯỜI XUỐNG ĐƯỜNG says:

    Tôi thán phục suy nghĩ sâu sắc của tác giả.
    Đã đến lúc chúng ta phải trực diện và công khai đấu tranh với chế độ độc tài để xóa bỏ sự sợ hải của người dân, vì một cuộc cách mạng dân chủ sẽ không bao giờ xãy ra trong một đất nước và một dân tộc sợ hải.
    Những nhà dân chủ, các bậc thức giả và những người đấu tranh chúng ta hãy cùng nhau bước ra ánh sáng để nhân dân nhìn thấy và nhận diện từng nhân vật để họ có thể gởi gắm niềm tin trong tương lai.
    Đã đến lúc chấm dứt cuộc đấu tranh trong bóng tối và với thân phận vô danh.
    Bọn dư luận viên và bọn CAM cũng hết chổ để ẩn nấp.
    Cám ơn cô HTV.

  9. THƯỢNG NGÀN says:

    KHÔN SỐNG BỐNG CHẾT !

    Đất nước là của chung
    Do tiền nhân để lại
    Con cháu không giữ gìn
    Có mất thì ráng chịu !

    Mọi người đều bình đẳng
    Mọi người phải tự do
    Nếu thiểu số khống chế
    Cũng chẳng ra trò gì !

    Mỗi người quyền công dân
    Phải gióng lên tiếng nói
    Mọi điều mình ưu tư
    Không phải sợ ai cả !

    Dân mà chỉ ù lì
    Đó là vì hèn nhát
    Có mắt không có óc
    Có miệng không có lời !

    Diễn đàn là của chung
    Tất cả người trong nước
    Kể cả ở ngoài nước
    Viết bài phải rõ tên !

    Còn có gì trách nhiệm
    Nếu toàn chỉ nick name
    Khác nào bọn giặc cỏ
    Lén lút không xưng danh !

    Nếu trong một đất nước
    Chẳng ai trách nhiệm gì
    Giống như vườn hoang vậy
    Hỏi còn thể thống chi !

    Diễn đàn là xã hội
    Chỉ thu nhỏ muôn phần
    Cứ xem thì khắc biết
    Vàng thau lẫn cả phân !

    Sự đời đơn giản thế
    Mỗi người tự lỗi mình
    Tạo lỗi chung cả nước
    Tổ quốc tất rung rinh !

    Thù trong và giặc ngoài
    Cài với nhau là thế
    Hỏi bao người tâm huyết
    Hỏi bao kẻ bất lương !

    Mỗi người vẫn tự biết
    Mình là người thế nào
    Có yêu dân yêu nước
    Hay chỉ thứ tào lao !

    Đó chính là chất lượng
    Của bản thân mỗi người
    Cũng của toàn xã hội
    Thử hỏi ai trách ai !

    Mỗi người chỉ lo riêng
    Cốt bản thân mình thủ
    Đời trở nên toang hoác
    Kiểu sống chết mặc bay !

    Đấy bao nhiêu cớ sự
    Đời thử hỏi dại khôn
    Người thử hỏi khôn dại
    Hay chỉ khôn lõi thôi !

    Một người ưu tư đấy
    Trăm người phá như không
    Giống bầy gà quang quác
    Ôi đất nước non sông !

    Ta nói vài lời vậy
    Dẫu muốn nghe cùng không
    Cuộc đời chung thiên hạ
    Chuyện gì phải bao đồng !

    Cốt yếu là dân chủ
    Cốt yếu là tự do
    Phải thật sự đúng đắn
    Nếu không chẳng ra trò !

    Khác gì con thằn lằn
    Chỉ cắn đuôi để sống
    Cắn rồi đuôi mọc lại
    Cũng chỉ con thằn lằn !

    Việt Nam giống Lạc Hồng
    Sao muốn thành giun dế
    Tự mình cắn đuôi mãi
    Hỏi khác chi thằn lằn !

    ĐẠI NGÀN
    (19/7/13)

  10. Phung Truong says:

    Cám ơn Huỳnh Thục Vy, Miền Nam (trước 75) chúng tôi gọi là “dám chơi dám chịu”
    Đây là một ca’ch để lộ mặt đám dlv, bạn nào còn cách gì hay hơn không ?

Leave a Reply to Lão Ngoan Đồng