Kịch bản nào cho thủ tướng Ba Lan, Donald Tusk?
Nếu được hỏi về các đảng phái chính trị tại Mỹ, chắc nhiều người sẽ có ngay câu trả lời là Dân Chủ và Cộng Hòa. Nhưng không nhiều người biết tới các đảng chính trị tại Ba Lan. Cũng dễ hiểu thôi, Ba Lan là nước quá nhỏ (so với Mỹ) và các đảng phái chính trị tại Ba Lan đều non trẻ. Mặt khác, Ba Lan có rất nhiều đảng phái chính trị (có con số nói là 300) và liên tục có sự thay đổi, đảng này lui vào hậu trường, đảng kia xuất hiện. Ngay cả người Ba Lan cũng gặp lúng túng khi được hỏi về số lượng các đảng phái chính trị ở nước mình. Bên cạnh những đảng phái được lập ra với những mục tiêu chính trị nghiêm túc, cũng có không ít đảng chỉ mang tính tụ tập vui vẻ và nhiều đảng chỉ tồn tại trên giấy, dưới một cái tên, chứ không có hoạt động hay cương lĩnh cụ thể nào.
Hiện có gần 10 đảng giữ vai trò nhất định trên chính trường Ba Lan. Họ có chân trong Thượng viện, Hạ viện và Quốc hội châu Âu.
Sơ lược về một số đảng phái lớn
- Platforma Obywatelska (PO) - Cương Lĩnh Dân Sự: Đăng ký hoạt động năm 2002, nắm quyền từ 2007 cho tới nay. Chủ tịch đảng Donald Tusk đồng thời là thủ tướng chính phủ. Theo số liệu mới cập nhật, PO có khoảng 42 ngàn đảng viên. PO chiếm 206/460 ghế tại Hạ viện (Quốc hội) và 62/ 100 ghế tại Thượng viện.
- Prawo i Sprawiedliwość (PiS) – Pháp Luật và Công Lý: Thành lập năm 2001. Chủ tịch Đảng là Jarosław Kaczyński, anh em song sanh với cố Tổng thống Lech Kaczyński . PiS có 22.000 đảng viên, giữ 136/ 460 ghế của Quốc hội và 30/100 tại Thượng viện.
- Sojusz Lewicy Demokratycznej (SLD) – Liên Minh Dân Chủ cánh tả: Thành lập năm 1999. Lãnh đạo bởi cựu thủ tướng Leszek Miller. Đảng có 36 ngàn đảng viên, giữ 25/ 460 ghế Quốc hội và không có đại diện tại Thượng viện.
- Ruch Palikota: Đảng của Palikot tách ra từ PO năm 2010 giành được 36/460 ghế của Quốc hội. Đảng có chừng 6000 đảng viên.
- Polskiego Stronnictwa Ludowego (PSL) – Đảng Nông Dân: Đây là một trong số vài đảng ‘già’ nhất chính trường Ba Lan, đảng được thành lập từ năm 1990. Chủ tịch đảng Janusz Piechociński đồng thời là phó thủ tướng. PSL có số lượng đảng viên lớn nhất, lên tới 124.000. Hiện PSL giữ 29 ghế của Hạ viện và 2 ghế của Thượng viện.
Cuộc khủng hoảng của đảng cầm quyền
Sau thắng lợi của PO trong cuộc bầu cử Quốc hội cách đây gần 2 năm, người Ba Lan thường nói đùa, chỉ có Tổng Giám Mục là không phải người của PO. “Cương Lĩnh Dân Sự” nắm gần trọn chính quyền từ Tổng thống, Thủ tướng, tới chủ tịch Quốc Hội, chủ tịch Thượng Viện. Sở dĩ có chữ “gần” vì thắng lợi của PO chưa quá bán, nên đảng này phải liên minh với PSL để giành đa số trong Quốc hội. Dàn bộ trưởng của chính phủ liên minh được báo chí đánh giá là “đẹp nhất châu Âu” với nhiều thành viên trẻ, ở độ tuổi 30.
Nhưng hiện tại PO đang rơi vào cuộc khủng hoảng có thể nói là trầm trọng nhất từ trước tới nay với chính đảng này, khi mà uy tín của đảng xuống thấp nhất. Giả sử có một cuộc bầu cử xảy ra vào thời điểm này thì PO cầm chắc thất bại.
Lý do có nhiều. Song chủ yếu xuất phát từ kinh tế và một số bê bối. Mặc dù có thể nói, Ba Lan là nước ổn nhất của EU trong mấy năm qua. Trong lúc EU như gà mắc tóc với khủng hoảng nợ công từ nhiều nước, thì Ba Lan vẫn liên tục tăng trưởng kinh tế dương. Nhưng từ đầu năm nay, kinh tế Ba Lan tệ đi trông thấy, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, nhất là ở các vùng nông thôn, có nơi lên tới 20%. Chính sự khủng hoảng kinh tế tại châu Âu đã khiến nhiều người Ba Lan đi lao động nước ngoài phải trở về và bổ sung thêm vào đội quân thất nghiệp.
Thêm vào đó là nhiều bê bối, như sự phá sản của tổ chức tài chính Amber Gold mà con trai thủ tướng làm việc ở đó, hay đường cao tốc chậm tiến độ, giá thành cao.v.v. Không cứ ở trung ương, tại nhiều địa phương, lãnh đạo của PO cũng bị mất tín nhiệm. Tại Vac-sa-va, một cuộc trưng cầu dân ý lớn chưa từng có nhằm phế truất chủ tịch thành phố (người của đảng PO) đang diễn ra rầm rộ. Những người chủ trương dự định thu thập 100 ngàn chữ ký, nhưng cho tới nay, họ đã thu thập được hơn 200 ngàn, bằng 1/10 dân số của thủ đô và con số có thể chưa dừng lại ở đó.
So với Việt Nam, có lẽ những bê bối của Ba Lan không thấm gì, nhưng người dân ở đây không bằng lòng, vì những điều mà chính quyền đạt được không phải là những thứ họ đã cam kết khi thắng cử. Người dân chờ đợi nhiều hơn ở sự phát triển của đất nước, nhất là khi trong những năm qua, Ba Lan luôn là đối tượng nhận được nhiều viện trợ phát triển nhất của EU.
Giọt nước tràn ly chính là lỗ hổng của ngân sách mà chính quyền vừa công bố. Con số 16 tỉ zl. Trong khi đó, 2 năm trước đây, nhà nước đã tăng thuế VAT đề bù đắp vào thiếu hụt ngân sách. Sự lúng túng của thủ tướng trong việc giải trình về lỗ hổng ngân sách cũng như đề ra giải pháp khắc phục bội chi khiến cho dư luận càng thêm bức xúc.
Tất nhiên, đây là cơ hội để các đảng phái đối lập nhất là PiS ‘đổ thêm dầu vào lửa’ nhằm giảm uy tín của đảng cầm quyền. Dưới tiêu đề “PiS hạ đo ván PO“, nhiều tờ báo đã công bố thăm dò dư luận mới nhất, trong đó đảng đối lập nhận được sự ủng hộ nhiều hơn đảng cầm quyền tới 6%. Các thăm dò này, theo kinh nghiệm từ nhiều năm, ít khi sai sót so với kết quả bầu cử thực tế, nếu nó diễn ra vào thời điểm đó.
3 kịch bản cho thủ tướng
Thắng cử của Tusk lần thứ 2 trên cương vị thủ tướng được coi là thắng lợi lịch sử của chính trường Ba Lan kể từ khi chế độ cộng sản sụp đổ ở đất nước này. Chiếc ghế thủ tướng ở Ba Lan giống như bị ‘yểm bùa’ khiến chưa ai ngồi nổi ở đó tới nhiệm kỳ thứ 2.
Nhưng tình thế hiện tại cho thấy, chưa chắc Tusk có đi hết được “thắng lợi lịch sử” của mình (1).
Các nhà phân tích chính trị cho rằng có 3 kịch bản đang chờ đợi ông và nó cũng liên quan mật thiết tới sự tăng – giảm uy tín, thậm chí tan vỡ của PO.
Cuối tháng 8 này, PO sẽ có cuộc bầu cử nội bộ giữa 42 ngàn đảng viên. Nếu người thắng cử không phải là Tusk, ông sẽ nghiễm nhiên trở thành cựu thủ tướng. Lãnh đạo mới của đảng PO sẽ ngồi thay chiếc ghế thủ tướng của ông. Một kịch bản tương tự như nước Úc sẽ diễn ra với Ba Lan. Tuy vậy, cũng có đánh giá cho rằng, đối thủ của Tusk, cựu bộ trưởng Tư pháp Jarosław Gowin khó lòng đánh bại được đương kim thủ tướng. Nhưng còn hơn một tháng nữa mới tới kỳ bầu cử nội bộ, không ai có thể biết chắc, điều gì sẽ xảy ra và điều gì không xảy ra. Uy tín của Tusk dường như đang vơi đi từng ngày.
Nếu Tusk tiếp tục thắng cử và giữ chức vụ thủ tướng thì nguy cơ sút giảm uy tín hay tan vỡ của PO sẽ tới gần hơn. Một số nghị sĩ, trong đó có ngài da đen duy nhất của Quốc hội Ba Lan tuyên bố sẽ rời bỏ PO. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, khi mới năm 2010, một nhóm nghị sĩ, dẫn đầu là Palikot đã rời PO thành lập đảng mới và ngay lập tức gặt hái được thành công.
Một kịch bản nữa là Tusk tuyên bố từ chức. Điều này hiện khó xảy ra, nhưng ngày càng xuất hiện nhiều hơn những lời kêu gọi ngài thủ tướng từ chức.
Ở trang mạng này một thanh niên tự nhận là “người yêu nước tới tận xương tủy” viết lời kêu gọi và ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng. Anh chàng cho biết, người anh trai của mình làm việc tại Anh 2 tháng bằng anh làm cả năm tại Ba Lan và dù rất yêu nước, anh cũng đang tính chuyện rời bỏ Ba Lan. Trong lúc đó, trang mạng khác, một nhóm cử tri đã từng ủng hộ Tusk nói, ông nên “hành xử như một người đàn ông”, “chúng tôi cần một thủ tướng không chỉ biết đá bóng”. (2)
Cho tới nay, không có dấu hiệu nào cho thấy Tusk sẽ từ chức nhưng có lẽ đây là lối thoát danh dự cho ông và cho PO.
© Đàn Chim Việt
———————————————–
Chú thích:
(1) Nhiệm kỳ của thủ tướng Donald Tusk – nếu không có gì thay đổi – sẽ kết thúc 11/ 2015.
(2) Ông là người ham thích bóng đá và vẫn thường xuyên đá bóng khi đã là thủ tướng.
Nhìn anh Tusk đẹp trai của em đánh đu vào cái cần gẫy dở mà thấy thương quá à. So với anh X ở nước S thì anh còn tốt chán dưng mà anh cũng nên thôi đi chứ nhìn cái bản mặt nhăn nhó của anh trước lỗ thủng ngân sách mà ngán lắm. em cứ nói thật thế mong anh Tusk đừng giận em nhé.
Xin lỗi, theo tôi dịch ” Platforma Obywatelska” ( “Civic Platform”, or ” Citizens Platform” in english) thành ” Cương lĩnh Dân sự” có lẽ không được sát lắm? Một “platforma” của những nhà thành lập ra Đảng này là với ý tạo ra một “nền tảng, mặt bằng ” cho nhiều người hoạt động chính trị khác nhau ở Ba Lan khi đó đều có thể tham gia, mà khi đó những chính trị gia gộc có gốc gác từ thời hoạt động chống chế độ Cộng sản đã không còn uy tín cao mà tiếp tục dương cao ngọn cờ lãnh đạo ở Ba Lan. Còn “obywatelska” thì là “công dân”, như vậy họ ( những nhà chính trị gia thành lập PO khi đó) muốn thu họp được càng nhiều người tham gia hoạt động trên ” mặt bằng” chính trị này thì càng tốt. Tôi chưa sao thấy được một từ dịch nào cho phù hợp, tuy vậy ” Cương lĩnh Dân sự” thấy không được hợp lắm, xin mời các bạn “quân sư” dùm. Đảng ” Sojusz Lewicy Demokratycznej” thì là “Lien Minh Cánh Tả Dân chủ” thì chính xác hơn, vì ” Liên minh Dân chủ Cánh Tả” thì phải là ” Demokratyczny Sojusz Lewicy”. Ngày xưa “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” đã được dịch là ” Demokratyczna Republika Wietnamu” là chính xác hơn cả “bản chính”, vì rằng “nền” Cộng hòa là ý chỉ một ” chính thể” chính trị, chứ không phải một ” Việt Nam” dân chủ, cộng hòa.