WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Cậu Ấm Nguyễn văn Thành M.O.I thực dân và M.O.I CS Hà Nội

 Tiếp theo phần trước

Cảnh 1 vùng quê nước Pháp. Ảnh mang tính minh họa

Cảnh 1 vùng quê nước Pháp. Ảnh mang tính minh họa

Ra khỏi Văn phòng tuyển mộ, với thẻ chứng nhận chánh thức Giám thị-Thông ngôn, Cậu Ấm Nguyễn văn Thành thật sự bắt đầu thấy mở ra trước mắt một đời sống mới, tốt xấu, hay dở, chưa biết. Nhưng mặc kệ, miễn thoát ra khỏi cái khung cảnh hiện tại là đủ. Có một điều làm cho Cậu thấy sung sướng là Cô Tình, người từ bấy lâu nay Cậu thầm yêu mà không dám nói ra, khi biết tin Cậu tình nguyện đăng đi Tây, đã gắt lên là « Cậu điên mới làm như vậy » . Theo Cậu Thành, điều đó có nghĩa là Cô Tình cũng đã « để ý » đến Cậu. Chớ không phải vô tình. Mà đúng. Sau này, cô ở vậy đợi ngày Cậu Thành về nước.

Cùng đi chung với Thành có Sanh là người anh họ. Sanh cũng tình nguyện và hứa với cha mẹ của Thành là đi theo để chăm sóc và bảo vệ Thành. Hai người đã thành công khắc phục sự phản đối của hai gia đình theo quyết định của họ. Sanh và Thành không vì vậy mà lấy làm hài lòng. Họ cảm thấy thấm thía một nỗi buồn trước sự thất vọng của những người từng yêu thương họ và họ cũng yêu thương.

Thành không làm sao quên được lời trách cứ ngắn gọn của chú Kéo «Thành là kẻ đào nhiệm» . Vì Thành từ bỏ vai trò trưởng nam trong gia đình?

Những ngày mới

Từ nay, tức sau khi chánh thức đuợc tuyện mộ, mọi người phải vào trại ở chờ ngày xuống tàu. Trại là những dãy nhà dài cất trên một cuộc đất rộng, chung quanh rào kín mít bằng dây kẽm gai. Sanh hoạt ở trại theo nề nếp tổ chức tập thể như nhà binh. Những tân tuyển ở trại được chia thành Đội (Compagnie). Mỗi Đội đặt dưới quyền chỉ huy của một người pháp hay Việt Nam quốc tịch Pháp. Chức vụ của họ là «Commandant» (Không phải là Thiếu tá, mà là người chỉ huy – Đội trưởng). Mỗi đội gồm có 10 Toán (Groupe). Mỗi Toán có 25 công nhân không chuyên môn (ONS = Ouvrier Non Spécialisé) do một Giám thị-Thông ngôn trách nhiệm .

Chánh quyền Pháp-Việt xếp những người «được tuyển mộ» theo địa phương để dể nhận diện. Người ở Bắc mang danh số ZT (Z là chỉ chung những công nhân không chuyên môn, T = Tonkin, Bắc kỳ), ZA chỉ Trung kỳ ( A=Annam) và ZCo chỉ Nam kỳ (Co=Cochinchine ). Mỗi kỳ còn ghi thêm nơi tuyển mộ, tức Tỉnh. Như ZAN là Annam, N=Nghệ an. Sau cùng là con số thứ tự của mỗi công nhân: ZAN5 (An-nam, Nghệ an, Công nhân số 5).

Những người được «trúng tuyển» ( nói theo vc), có người dưới tuổi động viên đi lính, có người quá tuổi động viên nhưng không ai khiếu nại được.

Hai Giám thị Sanh và Thành, tuy nhỏ tuổi hơn nhiều người trong Toán của họ, đều được cả Toán kính nể. Có khi được kính nể chỉ vì người có ăn học, biết tiếng tây, làm Sếp của họ, theo tập quán xã hội có từ lâu đời. Nhưng riêng trong trường hợp này, đối với Sanh và Thành, hai người thật sự được cả Toán tín nhiệm và cảm tình .

Qua ngày thứ ba sau khi nhập trại, viên Đội trưởng họp các Giám thị lại để ban chỉ thị: «Các Giám thị phải hướng dẫn toán viên của mình chào cờ mỗi sáng thứ hai và đi thành hàng ngay ngắn theo tiếng đếm một, hai, một, …. ». Nói xong, viên Đội trưởng đúng ngay ngắn, nhịp chân cái cắc và chào, quay lại thẳng người rồi mới đi.

Nhận chỉ thị xong, Thành không khỏi buồn cười . Những người bị bắt đưa tới đây đều sanh sống ở nhà quê, giữa đồng ruộng, họ quen đi bờ ruộng hay lội dưới ruộng nước, thì làm sao họ có thể đi theo cơ bản thao diễn như lính được. Nên Giám thị Sanh và Thành bảo Toán của họ hãy đi theo họ, giữ hàng lối đàng hoàng một chút và đừng nói chuyện. Có vài Toán khác thấy có lý nên cũng bắt chước theo, mặc kệ chỉ thị của viên quân nhân Tây kia vì quá hăng say.

Mọi người nói không ra lời

Các Giám thị dẫn Toán của mình tới kho nhận lãnh đồng phục, quần áo ấm, giày, vớ. Nhân viên thủ kho người Việt, sính nói tiếng Pháp hơn tiếng Việt tuy nói chuyện với những người nhà quê không biết cả quốc ngữ. Vì tiếng Pháp vốn biểu hiện quyền lực. Thủ kho hỏi công nhân mang giày số mấy, số quần áo, số nón, …Chẳng những họ không hiểu gì hết, mà có hiểu, họ cũng không biết họ phải mang giày số mấy, đội nón số mấy, …Suốt đời họ đi chơn đất, đầu đội nón lá, …

Giám thị Thành vô cùng chán nản. Anh liền can thiệp để giải quyết cho mau. Anh nói với mấy viên thủ kho là những người này không hiểu tiếng tây, tiếng u gì hết. Hãy phát cho tôi quần áo số, …giày những số …, nón, mũ những số … Các toán viên tiến tới nhận lãnh và mang về trại.

Mọi người mang giày chỉ trong ít lâu đều bị phồng chân, không thể đi được. Giám thị đành xin đặc cách cho họ đi chân không cho tới ngày lên tàu đi Marseille.

Ngày rời trại để lên xe chở tới bến tàu Đà Nẵng, người thân của Thành tới từ gĩa. Mọi người không ai cầm được nước mắt. Ai cũng nói rất ít. Có lẻ vì bị nghẹn lời. Thành nhìn mẹ, thấy sự âu yếm của người mẹ trong ánh mắt.

Mặc dầu rất đau lòng, Thành cố giữ vững tinh thần trong lúc này. Vì không phải chỉ có một mình Thành, mà còn những người đồng bào cũng bị bốc rời khỏi gia đình, xứ sở đang nạp mạng cho guồng máy thực dân. Họ còn đáng thương hơn vì không biết chữ, không biết gì hơn đời sống cơ cực của họ hằng ngày ở đồng ruộng.

Ngày 13 tháng 12 năm 1939 mọi người lên đường. Bữa ăn trưa hôm ấy đều còn lại rất nhiều vì không ai nuốt vô. Tất cả nghẹn vì khóc không ra tiếng. Nhiều người có cặp mắt nhìn ngơ ngác.

Vượt trùng dương

Trên tàu Yalou đi Marseille, mọi người đều ở dưới hầm. Ngủ trên sạp gỗ. Không được phép lên trên boong. Mọi người phải chia nhau làm tạp dịch giữ vệ sinh chung. Nhưng vì thiếu phương tiện nên không thể giải quyết được mùi hôi thúi và dơ bẩn. Trong ít lâu, có nhiều người bị bịnh do thiếu vệ sinh tối thiểu. Một phái đoàn đại diện gồm mươi Giám thị xin gặp Thuyền trưởng đưa yêu sách về chế độ ăn uống, thuốc men, vệ sinh. Mấy ngày sau đó, bữa ăn có khá hơn nhưng vấn đề vệ sinh và thuốc men cho bịnh nhân vẫn chưa được cải thiện. Rồi bị «Cò mồi » Việt gian đứng ra lập Ban Đại diện khác, nịnh chủ Tây, phản bác những yêu sách của Ban Đại diện chơn chánh. Chẳng lẽ hiện tượng chia rẽ trong sinh hoạt cộng đồng người việt ta đã có từ khá lâu rồi sao?

Trong hầm tàu, bỗng xuất hiện một thanh niên vừa đi giữa đồng đội vừa ca hát, với gương mặt trông như ngây ngô. Không ai quan tâm tới anh ta cho lắm. Chỉ ít lâu sau, anh chàng vừa hát, có khi hò huế, lân la tới gần Giám thị và nói nhỏ nhằm sách động tổ chức biểu tình chống đối, ở trên tàu và cả khi lên bờ. Anh bị phát hiện và bị bắt nhốt ngay vào phòng tối. Tới Djibouti, tàu dừng lại. Mọi người được phép lên boong hứng gió 15 phút. Riêng với anh này, phòng giam của anh được mở cửa sổ (hublot). Anh bèn thò hết đầu ra ngoài để vừa thở, vừa nhìn xa. Tàu kéo neo, sợi dây neo đánh anh đứt đầu. Thẩm quyền trên tàu thông báo cái chết vì tai nạn. Chuyện cũng bị quên lãng trong vài ngày sau đó .

Chúng tôi là MOI

Chánh quyền Vichy không muốn nuôi những công nhân việt nam nữa mà không có lợi gì hết nên chỉ thị cho M.O.I (Main d’Oeuvre Indigène) thuộc Bộ Lao động tìm cách bán công nhân này cho các xí nghiệp còn hoạt động ở Miền nam như xưởng kỹ nghệ, mỏ than, ruộng muối, nhà máy hóa chất, nông trại chăn nuôi, chủ trồng nho làm rượu, …Công nhân làm việc cật lực, người lãnh lương là M.O.I . Và M.O.I chỉ trợ cấp hằng tháng cho họ mươi quan (francs) không đủ hút thuốc lá (1 đồng bạc đông dương – 1 piastre bằng 27 quan pháp lúc bấy giờ). Nên mọi người ai cũng tự nhiên thừa nhân mình mới thiệt là MỌI. Ngày nay, cũng có M.O.I ở Việt nam, cũng bán công nhân ra ngoại quốc, gọi là xuất khẩu lao động, cũng ký hợp đồng với chủ thuê, lấy tiền và chỉ để lại cho công nhân không đủ sống, … M.O.I ở Việt Nam, cũng giống như thực dân pháp, cũng là Bộ Thương binh Xã hội và đảng cộng sản, nhưng khác hơn là M.O.I ở Việt Nam vừa bán sức lao động vừa bán nhân phẩm của hằng trăm ngàn công nhân lấy tiền bỏ túi riêng. Và công nhân lại là nhân dân của chế độ.

Toán của Thành, của Sanh và 3 Toán khác gồm 120 người, với 5 Giám thị, được đưa về làng Prendeignes thu lượm hột dẻ (trái Chataigne, thường gọi là trái Marron – Nên nhớ hột Marron ăn được là hột Chataigne. Thời khó khăn do chiến tranh, thiếu bột mì, dân chúng vùng quê lấy hột chataigne xay ra bột làm bánh mì nên ngày nay, có người còn giữ cách gọi «hột bánh mì»). Xe lửa đưa mọi người tới nhà Ga Figeac. Về làng Prendeignes, thuộc Tỉnh Lot, còn 8km nữa, mọi người phải đi bộ vì không có phương tiện chuyên chở công cộng.

Đi trên đường làng, mọi người đều cảm thấy thoải mái, hít thở không khí trong lành, nhìn thấy đồng ruộng, nương rẫy, tay sờ những thân cây bên đường. Nhớ lại những ngày giam mình trong hầm tàu, trong trại tạm cư, ai cũng không khỏi rùng mình. Bỗng mọi người đều lấy làm ngạc nhiên là đường xá trống trơn, không bóng người đi. Nhà nhà đều đóng cửa kín mít. Không nghe cả tiếng chó sủa. Có cảm tưởng như một vùng hoang sơ không người ở.

Địa điểm hẹn nhau là trường học để chờ người chủ làm tới nhận lãnh. Chỉ vài phút sau, Ông xã trưởng tới với ông Đội trưởng kêu các Giám thị vào Văn phòng xã để gặp những người muốn mướn công nhân. Năm nông dân đồng ý mướn công nhân lượm trái chataigne từ nay cho tới cuối tháng muời một. Họ ký hợp đồng với Đại diện M.O.I, dẫn công nhân về nhà với họ. Chỗ ở là những gian nhà trống, nơi để mùa màng. Trên gác là nơi để rơm. Công nhân cảm thấy dể chịu khi ngửi lại mùi rơm rạ khô. Họ lấy gác rơm làm chỗ ngủ. Rơm thay nệm rất tốt. Còn bếp, nồi niêu, … ? Hỏi chủ nhà mới biết ông Đội trưởng bảo những thứ này, những người Việt Nam không cần vì họ sẽ tổ chức đời sống của họ theo tập quán riêng của họ.

Sau khi hiểu, ông chủ nhà đem tới đầy đủ dụng cụ nhà bếp. Đời sống của công nhân ở đây liền được tổ chức theo ý kiến chung của mọi người.

Sáng ra, mỗi người lãnh một cái bao lớn, đi ra vườn lượm hột chataigne cho tới chiều, đầy bao, vác về .

Dân làng sợ bị chinois (Ba Tàu) ăn thịt

Thành tìm hiểu tại sao dân làng trốn trong nhà khi những người của Thành vừa tới. Họ sợ người xa lạ Á châu là những người còn dã man, có thể ăn thịt họ. Để giải tỏa sự sợ hãi vô lý này, Ông xã trưởng hội ý với Cha Sở và Thầy giáo – Tam đầu chế biểu hiện văn hóa chánh trị của nền Cộng hòa Pháp, nay bị bải bỏ – tổ chức một trận bóng chuyền giữa công nhân Việt Nam và thanh niên trong làng. Sau buổi giao hảo này, dân làng chẳng những không còn sợ hãi, trái lại còn cảm mến những người gốc nông dân chất phát bị bắt buộc rời khỏi gia đình, ruộng vườn, qua đây làm công cơ cực mà không lương. Từ đây, dân làng chia nhau, mời những công nhân, ngoài giờ làm việc, tới nhà họ chơi, uống cà-phê, ăn bánh, cả quà biếu với những thổ sản như thịt nguội, bánh mì, trái cây, rau cải, …

Trong lúc công nhân lượm hột chataigne cho đầy bao, các Giám thị len lỏi lên chân đồi, theo lời hẹn hôm trước, tìm các thôn nữ đang ngồi chăn đàn cừu của mình gặm cỏ trên cánh đồng. Các thôn nữ thích nghe kể chuyện về Việt Nam xa xôi, đôi mắt mơ màng như muốn tìm về nơi đó cho biết rõ hơn. Các chàng Giám thị ngã mình xuống cỏ, nằm dài, đầu gác lên đùi thôn nữ, kể chuyện dài Việt Nam cho tới chiều …

Cậu Ấm Thành nằm gác đầu lên đùi cô thôn nữ chăn cừu, nhớ lại «Những bức thư Hè» của Alphonse Daudet, lúc ở nhà còn đi học, Thành đọc thấy thú vị vô cùng. Thành từng mơ ước được sống trong đó. Giờ đây, Thành thấy cái hiện tại của Thành mới thật sự thú vị …

© Nguyễn thị Cỏ May

© Đàn Chim Việt

 

1 Phản hồi cho “Cậu Ấm Nguyễn văn Thành M.O.I thực dân và M.O.I CS Hà Nội”

  1. lethan says:

    Sử Việt ghi lại những chuyện buồn xảy ra cho dân Việt thời Pháp đô hộ . Sử Việt ghi lại những chuyện kinh hoàng xảy ra cho dân Việt thời Việt cộng cầm quyền .

Leave a Reply to lethan