WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Di sản tư tưởng chính trị Hy Lạp-La Mã: Cuộc đối thoại với quá khứ qua tư tưởng chính trị của Aristote

platon-aristoteMột giáo sư trường Đại học Panthéon-Assas, Paris II,trong quyển Hợp Tuyển về Tư Tưởng Pháp Lý (Anthologie de la Pensée Juridique), mà ông là tác giả, có viết rằng ba nhà hiền triết lỗi lạc của Hy Lạp, Socrate, Platon và Aristote, đã đặt nền móng trí thức và đạo đức cho Phương Tây. Người ta cũng đọc thấy trong quyển Toàn Cảnh về Triết Học (Panorama de la Philosophie) rằng ba nhà hiền triết này là ba khuôn mặt đánh dấu Thời Đại Hoàng Kim của triết học Hy Lạp. Socrate, tuy là nhân vật hàng đầu nhưng ông không trước tác, chỉ là người giảng dạy mà thôi.

Ông không để lại cho hậu thế tác phẩm viết, vì ông không nhằm trực tiếp truyền thụ những kiến thức nhất định. Ông chỉ mở ra những cuộc đối thoại trong đó, tùy trường hợp, ông nêu lên những hiểu biết sai lầm, có loại bỏ được thì mới tránh được nạn suy nghĩ sai. Bài học cơ bản của ông là “Hãy tự giác” (Connais-toi toi-même). Mặt khác, học trò của ông rất đông, chính Platon và Arístote cũng đã tìm đến ông để được thụ huấn. Cho nên để nghiên cứu về riêng Socrate, cần có thêm thời giờ. Về phần Platon, trên mục này đã có một bài nghiên cứu sâu. Dưới đây là phần nói về Aristote.

Nhà tư tưởng Arístote

Là một nhà chuyên môn, một nhà khảo cứu về tư tưởng. Mà để chỉ chú trọng trình bày những nét đặc thù của Aristote trong mọi hoạt động của ông trên địa hạt tư tư tưởng, những nét đặc thù đã dẫn ông tới một thứ tư tưởng đặc thù, biến ông thành người đối cực của Thầy mình, Platon.

Sinh năm 384 trước CN tại Stagire, một thành phố thuộc vùng đất Macédoine, Aristote từ thời niên thiếu đã được biết, trong tương lai, sẽ là một người đặc biệt. Về nhiều mặt. Như về nguồn gốc. Ông xuất thân trong một gia đình qúi tộc. Thân phụ ông là bác sĩ Nicomaque, thầy thuốc riêng của vua nước Macédoine. Thân mẫu ông là một nữ-hộ-sinh. Vì vậy, ông đã theo học ngành y khoa và đã trở thành một bác sĩ. Nhưng đồng thời ông lại còn là một triết gia, một trong ba triết gia biểu tượng cho một nước Hy Lạp cổ đại, bắt đầu chuyển hóa sang tân đại.

Vì là người Macédoine nên Aristote không được kể là công dân của Thành Quốc Athène. Ông chỉ là một ngoại kiều. Năm 17 tuổi, ông rời Macédoine đến trú ngụ tại Thành Quốc này để nhập học trường Académie của Platon. Ông được thâu nhận và được Platon cử làm trợ giáo về môn tu từ học (rhétorique). Những biệt danh “Người đọc sách” (độc thư nhân), “Trí thông minh” là do Platon đặt cho ông.

Quả thật Platon đã sớm khám phá ra nơi người học trò trẻ tuổi của mình, Aristote, một triết gia hàng đầu có khả thế mang lại danh tiếng cho Hy Lạp, trải qua các thời đại. Vì như lịcih sử đã chứng tỏ, ảnh hưởng của Aristote sâu rộng không riêng gì đối với tư tưởng phương Tây, mà còn cả đối với tư tưởng la-mã, tư tưởng trung-cổ, nhất là trên địa hạt pháp lý và chính trị học. Khởi đi từ một cái nhìn khoáng đạt về con người, về loài người, Aristote đã cổ võ cho tinh thần đại đồng, phổ quát (universalisme) trong cuộc sống cá thể cũng như tập thể. Nhờ vậy, ông đã xây dựng được một hệ thống tư tưởng “chủ toàn” (holisme, holism) với nhiều chiều kích, bao gồm được cả nhân sinh quan lẫn vũ trụ quan trong một cấu trúc tinh thần thống hợp linh động, gần như tự nhiên. Do đó, tư tưởng của ông mang nhiều nét đặc thù, so với các xu hướng đương thời như các phái Khắc Kỷ, Hùng Biện, Xi-ních – Cynique – tạm dịch là Duy Nhiên, sống không câu nệ để được gần tự nhiên, v.v…

Cũng nên nhấn mạnh rằng, thấm nhuần tinh thần duy lý của y học, Aristote chủ trương muốn quan sát một xã hội thì phải dựa vào thực trạng của xã hội ấy chứ không thể vào một ý niệm đã có sẵn từ trước về xã hội. Tức là theo Aristote thì chỉ có thể tin vào sự thật khách quan, có thể lý giải được. Suy rộng ra, sự thực trong xã hội là công lý. Nhưng với năng khiếu biện chứng (biết tranh luận) sẵn có trong ông, Aristote lại đòi hỏi rằng công lý còn phải thực hiện thành công bình (équité) chứ không phải chỉ là sự phân phối có tính cách thuần toán học. Chính vì cần thỏa mãn cho thật đầy đủ các nhu cầu về mọi mặt nên ông chọn chỗ đứng trung dung trong mọi hoạt động trong cuộc sống. Theo ông, cần phải có xác tín nhưng đồng thời cũng không nên loại bỏ tinh thần tương đối (có điều này nhưng cũng có điều nọ, có ta, có người, có luật thành văn thì cũng vẫn có thể có luật không thành văn để thăng hoa các luật pháp mà bổ sung cho luật học v.v…).

Về mặt chính trị, ông không bị bó hẹp trong những tranh chấp giữa các Thành Quốc, ở Athène, ông chỉ là một ngoại kiều. Nên ông đã không có được vai trò tích cực trong sinh hoạt chính trị của Thành quốc này. Đã vậy, cuộc đời ông đã trùng khít với sự suy thoái của các Thành Quốc biệt lập ở Hy Lạp. Athène chỉ còn là bóng mờ thời vàng son của một Thành Quốc hàng đầu của Hy Lạp. Một không gian chính trị mở rộng đang thành hình. Dân chủ sớm muộn cũng sẽ phải nhường vũ đài lịch sử cho quả đầu chế hay đế chế.

Sau cái chết của Platon, Aristote quay về Macédoine và được mời làm gia sư cho con của vua Macédoine là Alexandre, sau trở thành Alexandre Đại Đế, nổi danh khắp thế giới vì cuộc trường chinh của ông. Dù vậy, Aristote vẫn không có dịp thuận tiện để làm chính trị nên ông đã chỉ suy nghĩ về chính tri.

Khác với Socrate, không có tác phẩm viết và hơn Platon, Aristote đã viết rất nhiều và về đủ loại. Luận lý, thi ca, vật lý học, sinh học, khí tượng học, tu từ học, tâm lý học, chính trị học, triết học… Rất tiếc là công trình sáng tác đồ sộ ấy của ông đã bị thất tán rất nhiều. Trong phần còn lại, có ba tác phẩm mà người ta coi như là những phản ảnh trung thành của tư tưởng của Aristote. Đó làLes Politiques (Bàn Về Chính Trị), Éthique à Nicomaque (Đạo Lý Trao Tặng Cho Nicomaque) và một phần của cuốn Constitution d’Athènes, trong đó Aristote đã nghiên cứu 158 bản Hiến pháp của 158 Thành Quốc ở Hy Lạp… Một cái nhìn lướt qua mấy tác phẩm này sẽ tóm lược tư tưởng của Aristote như sau. Người ta coi Aristote như là người đi tiên phong sáng lập ra môn Chính Trị Học. Để làm công viêc đó, Aristote đã xây nền đắp móng cho Chính Trị Học và phân loại các chế độ chính trị.

Một Khoa Học về Chính Trị
Nền móng của Chính Trị Học

Aristote đã được đào tạo trong môi trường khoa học của sinh học, của y học nên ông triệt để tôn trọng kết quả của sự quan sát. Trước những sự thật khách quan, ông sẵn sàng cúi đầu tuân theo kỷ luật phải giữ thái độ trung lập trước những kết quả của sự quan sát ấy. Chẳng những vậy, ông còn chủ trương nới rộng kỷ luật tôn trọng kết quả sang những loại kiến thức khác ở ngoài môi trường sinh vật học, như ở trong môi trường xã hội, chính trị. Nhất là bởi ông là ngoại kiều ở Athène, không được phép trực tiếp tham dự vào sinh hoạt chính trị của Thành Quốc này, nên ông lại càng có xu hướng coi việc quan sát sinh hoạt ấy bằng con mắt lạnh lùng của một nhà dân tộc học. Ngoài ra, ông còn so sánh các hiện tượng chính trị với nhau như so sánh các loài trong sinh vật học.

Để nghiên cứu các hiến pháp, ông phân chia các hiến pháp này trên có sở những tương đồng, dị biệt giữa các loại chế độ, các nền hành pháp, các loại pháp luật, các thể thức tuyển chọn người cầm quyền v.v… Khi phân loại như vậy, ông không dừng lại ở những sự miêu tả thuần túy mà còn tìm cách vượt lên trên những miêu tả này để đi tới tổng hợp. Và ông chỉ rút ra kết luận sau khi đã phân tich kỹ lưỡng các sự kiện. Ông tuyệt đối gạt bỏ mọi thái độ tiên thiên, những thành kiến, thiên kiến, ngay cả những khi ông quan sát những đối tượng mà ông không ưa thích.

Được một điều là ông vốn không đam mê về chính tri. Nhờ vậy mà ông đã cung cấp cho hậu thế một kiến trúc khoa học về chính trị học. Phương pháp phân tích trên đây là thành tố thứ nhất của nền móng chính trị học theo Aristote.

Thành tố thứ hai là tinh thần hiện thực của Aristote. Người ta nói rằng đó là thứ đặc điểm đã làm cho người học trò Aristote khác biệt với thầy học Platon. Hay nói cách khác, đó là sự khác biệt giữa phương pháp phân tích dựa vào kinh nghiệm và phương pháp đứng trên cơ sở ý niệm. Thầy ông đã bước vào địa hạt chính trị với những khái niệm tiên thiên có sẵn từ trước. Như vậy, cuộc khảo sát dường như đã được sắp đặt trước. Vì đã được cân đo và đánh giá theo những tiêu chuẩn bất biến. Ngược lại, trò sẽ chỉ tìm kiếm chân lý trong những đối tượng có thể quan sát được. Với trò, sẽ không có những Chân, Thiện tự thân. Quan sát và kinh nghiệm là những dấu mốc chắc chắn nhất để đưa dẫn tới chân lý trong chính trị và đạo lý.

Thầy và trò đều đi tìm những tuyệt đối trong mọi lãnh vực. Nhưng thầy đi theo ngả của những yếu tố siêu hình, không cần kinh qua kinh nghiệm. Trò, về phần mình, đã chọn một lộ trinh ngược lại với thầy, dừng bước trước biên cương của siêu hình và chịu sự dẫn đạo của quan sát và kinh nghệm.

Cả hai cuộc hành trình tuy trái ngược nhau nhưng đã hợp lực để lưu lại cho hậu thế những bài học về sự nghiệp xây dựng văn minh tiến bộ cho loài người. Và đó là một đóng góp vô giá của Aristote cho di sản tinh thần Hy Lạp.
May 3 2014

© Trần Thanh Hiệp, LS

Theo Việt Thức

1 Phản hồi cho “Di sản tư tưởng chính trị Hy Lạp-La Mã: Cuộc đối thoại với quá khứ qua tư tưởng chính trị của Aristote”

  1. ĐẠI NGÀN says:

    TỪ SỰ THÔNG MINH SẮC SẢO CỦA ARISTOTE ĐẾN SỰ KHỜ KHẠO, NÔNG CẠN CỦA K. MARX

    Aristote là nhà triết học lớn khi xưa của triết học cổ Hy lạp. Ông sống khoảng 384 trước CN, tức cách chúng ta ngày nay đến 25 thế kỷ. Đầu óc của ông là đầu óc khoa học, bác học, và tinh thần của ông là tinh thần hệ thống đầy đủ nhưng hoàn toàn thực tiển.
    Nhà triết học nhân bản lớn nhất đầu tiên của Hy lạp và cũng của phương Tây là Socrate. Câu nói khai sinh ra triết học duy lý và nhân bản của ông chính là câu “Hãy tự biết lấy người” (connais-toi, toi-même). Tức đề cao lý trí và giá trị nội tại của con người.
    Học trò trực tiếp của Socrate là Platon, và học trò trực tiếp của Platon là Aristote. Nói như vậy để thấy rằng tinh thần triết học của Aristote không ra ngoài ý nghĩa của Platon và của Socrate. Nguyên lý sâu sắc mà Socrate mang lại cho họ chính là nguyên tắc đối thoại, cũng gọi là nguyên tắc biện chứng của nhận thức, tức là sự cọ xát, sự biện luận lẫn nhau trong nhận thức con người là con đường thiết yếu để tìm ra chân lý khách quan, đúng đắn. Đó cũng chính là quan niệm về tự do hay tự do tư tưởng như là ý nghĩa hay giá trị của đời sống xã hội của loài người.
    Nhưng nếu Platon quan niệm Chân lý nguyên gốc là cái gì thuộc Cõi Trời mà ông cho là Ý niệm vĩnh cửu mà chân lý trong cuộc đời chỉ là sự phản ảnh hạn chế, tức lý thuyết cái hang đá của ông, thì Aristote trái lại, không nô lệ thầy mình, mà ông cho rằng chân lý thực tiển nhất chính là chân lý trong thực tại trong cuộc sống cụ thể, nơi tự nhiên và nơi xã hội.
    Cho đến cuối thế kỷ 18, nhà triết học duy tâm Đức là Hegel lại lấy lại ý niệm biện chứng thời cổ như đã nói, nhưng lại cho đó là nguyên tắc hiện thực của thế giới khách quan, và xem nó thành như quy luật phát triển của tồn tại, trên nền tảng nguyên thủy là cái Ý niệm siêu hình mà Platon đã nói.
    Marx được coi như là đồ đệ của Hegel, tức là người chấp nhận và đi theo toàn bộ nội dung và ý nghĩa của hệ thống Hegel, chỉ có điều khác Marx đặt nền tảng của nó trên ý niệm vật chất, và cho kinh tế giai cấp là động lực biện chứng của phát triển lịch sử xã hội loài người. Đó chính là lý thuyết đấu tranh giai cấp kinh dị của Marx mà ai cũng biết.
    Marx cho rằng mình “lật ngược” Hegel lại, nhưng đó là sự lật ngược vô nguyên tắc. Bởi Marx thay vào tiền đề duy tâm của Hegel bằng tiền đề thuần túy duy vật của Marx, thì tính chất phi lý của nó là hoàn toàn không thể tránh khỏi. Marx cũng phủ nhận mọi ý nghĩa nhân văn hàm chứa trong con người mà Socrate và cả Aristote đều nhấn mạnh, để thay vào đó thuần túy là nhu cầu kinh tế như là giá trị và ý nghĩa duy nhất, quả thật là một sự giản lược hóa tầm thường, phiến diện, và nghèo nàn của Marx.
    Nhưng Marx lại dựa vào quan điểm biện chứng của Hegel để cho rằng “giai cấp vô sản” là hạt nhân duy nhất của biện chứng lịch sử. Tức Marx đã bỏ ra bên ngoài mọi ý nghĩa tâm lý học khách quan, tự nhiên, thực tế của con người, cũng như khả năng trí tuệ của cả loài người trong sự phát triển của nền văn hóa, văn minh, khoa học kỹ thuật. Marx gom tất cả điều đó vào cái mà Marx cho là thượng tầng kiến trúc trên nền tảng duy nhất là hạ tầng cơ sở tức sự đấu tranh giai cấp kinh tế xã hội giữa loài người. Tất cả những điều đó chỉ là sự ức đoán một chiều, mang tính áp đặt và độc đoán của Marx, tức nó hoàn toàn vô nguyên tắc trên chính nền tảng duy vật tuyệt đối của nó.
    Cuối cùng Marx cho chính mình mới là người nắm được chân lý “khoa học”, nên Marx bảo rằng ai không suy nghĩ như thế tức là bọn tư sản, bọn phản động. Do đó Marx chủ trương phải dùng độc tài để trấn áp, dùng bạo lực để chấn chỉnh, đó chính là nguyên tắc chuyên chính vô sản mà Marx đã chủ trương.
    Tóm lại, từ tiền đề độc đoán, vô lý, đến kết luận độc đoán, vô lý, đó là toàn bộ hệ thống triết học hay tư tưởng võ đoán, huyền hoặc và phiêu lưu của Marx. Nó hoàn toàn trái với ý thức biện chứng dựa trên lý trí giao thoa, khai mở, đối thoại của người xưa mà Socrate, Platon, Aristote đều đã chủ trương.
    Kết quả chính sự khờ khạo trong lý luận, sự nông cạn, nghèo nàn trong nhận thức của Marx đã tự nó đào lổ chôn chính lý thuyết của Marx và chôn luôn cả một trăm triệu người một cách oan uổng, khốc liệt trên toàn thế giới vì quan niệm đấu tranh giai cấp một cách ức đoán và khùng điên của Marx. Tính chất ảo tưởng, tính chất phi khoa học, mà lại tự mệnh danh là khoa học, là cách mạng, cuối cùng tự nó cũng bốc hơi luôn theo khái niệm thiên đường hạ giới của xã hội phi giai cấp tuyệt đối, xã hội vô sản tuyệt đối như một giấc mơ hoàn toàn hư ảo, phi thực tế và cũng hết sức phi lý giữa cuộc đời hoàn toàn thực tiển này của chính Karl Marx.

    THƯỢNG NGÀN
    (09/6/14)

Leave a Reply to ĐẠI NGÀN