8 ngày trước bầu cử TT: Đảng Cộng Hòa sẽ đi về đâu?
“Bất kể ông tỷ phú Donald Trump đắc cử hay không đắc cử tổng thống, đảng Cộng Hòa vẫn phải tự xét lại mình”, ông Alan Blumenthal, một trong những đảng viên nồng cốt của Cộng Hòa được nhiều người biết đến ở thủ đô Washington D.C., nói. Ông ví von tình hình đảng Cộng Hòa hiện giờ “tựa như căn nhà sau cơn bão lớn, mọi người đều hiểu phải xây nhà mới, phải mua bàn ghế, giường chiếu mới” nhưng “hình như chẳng ai biết căn nhà mới đó sẽ được xây theo kiểu nào, không biết đồ đạc mua về được trưng bày ra sao”.
Từ khi ông Donald Trump ra tranh cử sơ bộ và được sự ủng hộ mạnh mẽ của hơn 13 triệu người để trở thành ứng cử viên đại diện cho đảng, tình hình nội bộ đảng Cộng Hòa bỗng dưng trở thành khó xử. Thành phần lãnh đạo cũng như giới bề thế của đảng muốn xa lánh ông Trump, tạo thành bức tường ngăn cách vô hình, đồng thời ông Trump cũng chẳng ngần ngại dùng những lời lẽ nặng nề để chỉ trích những người chống lại ông, hay ít nhất tìm cách cản đường, không muốn ông vào Tòa Bạch Ốc.
Những lời chỉ trích nặng nề đó được ông Trump đưa ra hầu như hàng tuần, gần nhất là trong email mới gửi ra hôm Chủ Nhật vừa rồi, chứa đựng nội dung “tập thể cử tri thầm lặng đã lên tiếng”, “không chấp nhận những lời hứa suông và những hành động gian xảo của những chính trị gia đang đại diện cho họ ở Washington D.C.”. “Tập thể cử tri thầm lặng” được hiểu là những người ủng hộ ông và lập trường tranh cử của ông ngày một đông, “những chính trị gia chỉ hứa suông”, “có hành động gian xảo ở Washington D.C.” được hiểu là những người được cử tri tín nhiệm để trao quyền quyết định hành pháp lẫn lập pháp, trong đó có cả những chính gia cùng đảng Cộng Hòa với ông.
“Từ thập niên 1980 đến giờ, đảng Cộng Hòa được xem là đảng của tập thể bảo thủ, xem đường hướng của Tổng Thống Ronald Reagan là mẫu mực, nhưng những gì xảy ra trong cuộc bầu cử này cho thấy có xáo trộn lớn trong đảng”, theo nhận xét của nhà phân tích chính trị Charles May, người đến giờ vẫn chưa quyết định sẽ bỏ phiếu chọn ai làm tổng thống.
“Tôi thấy có rất nhiều điều đảng Cộng Hòa phải tính lại, trước mắt là phải tạo đoàn kết” vì “nếu ông Trump thất cử, những người ủng hộ ông Trump sẽ lớn tiếng nói là nhìn thấy ghế tổng thống ngay trước mặt, nhưng vì lỗi của lãnh đạo không ủng hộ nên ông Trump mới thất cử”. Hỏi trong trường hợp ông Trump đắc cử thì sao, ông O’Malley trả lời “trong trường hợp đó, những người ủng hộ ông Trump sẽ bảo rằng không có sự ủng hộ của các anh chúng tôi vẫn chiến thắng”. Không vội vã dự đoán sẽ có một lực lượng “kiêu binh” trong đảng Cộng Hòa, nhưng ông O’Malley bày tỏ âu lo, “bất kể kết quả bầu cử ra sao, tôi sợ những người theo cánh ông Trump sẽ nhìn thành phần lãnh đạo đảng và các chính trị gia Cộng Hòa bằng cặp mắt thiếu thiện cảm”.
Tin hành lang Quốc Hội Liên Bang cho thấy dù vẫn không mặn mà lắm với ông Trump, nhưng lãnh đạo Cộng Hòa Thượng và Hạ Viên đều hiểu “phải chấn chính lại sao cho đúng hơn”, theo một người làm việc với ông Chủ Tịch Khối Đa Số Mitch McConnell. “Tôi biết ông Sếp và dàn cố vấn chính trị đều ủng hộ ý kiến phải có thành phần lãnh đạo mới, phải có thông điệp mới và có cả cương lĩnh mới để thu hút người dân”. Những điều này “ai cũng hiểu cần phải thực hiện càng sớm càng tốt”, có lẽ “sẽ diễn ra ngay sau ngày bầu cử”.
Càng sớm càng tốt là thời gian được đưa ra, nhưng làm gì, chọn ai v.v… là điểu chẳng dễ. Trong những tuần lễ dẫn đến ngày bầu cử, Thượng Nghị Sĩ John McCain và Cựu Thống Đốc Mitt Romney bắn tiếng cho biết sẵn sàng “đảm nhận một vai trò nào đó” để xây dựng lại đảng. Mặc dù xem đó là một nỗ lực tốt, nhưng một số vị dân cử cho rằng sự có mặt của 2 nhân vật thuộc hàng “lão làng”chưa hẳn đã hay, nhất là hai ông McCain và Mitt Romney đều thất bại khi đại diện cho đảng tranh cử tổng thống hồi 2008 và 2012. Với một số không nhỏ cử tri Cộng Hòa, cả hai ông McCain và Romney phải chịu trách nhiệm “vì đánh một người như Obama mà đánh cũng không xong”.
“Tôi nghĩ mọi người đang chờ những khuôn mặt mới”, Dân Biểu Kevin Cramer, một trong số rất ít dân cử Cộng Hòa lên tiếng ủng hộ ông Trump, nói. “Tôi quý trọng ông McCain và ông Mitt Romney, cả 2 ông đều đóng góp rất nhiều cho đảng, nhưng e rằng 2 ông không phải là những người đang được chờ đợi”. Dân Biểu Cramer cũng nhắc nhở “bất kể người được chọn để hướng dẫn đảng là ai, lãnh đạo mới của đảng phải là người tiêu biểu cho tiếng nói của 13 triệu đảng viên đã ủng hộ ông Trump, giúp ông Trump đánh bại 16 đối thủ cùng đảng ở vòng sơ bộ”. Cũng vẫn theo lời Dân Biểu Cramer, “cần phải nhớ 16 người thua ông Trump đều là những chính trị gia tên tuổi của đảng, đều là những người đã sinh hoạt, tạo thanh thế, trong khi ông Trump là người ở ngoài chính trường, không có thành tích nào với đảng cả”.
Chưa biết khuôn mặt “mới” đó là ai, nhưng tin tức cho thấy đang có sóng gió ở Hạ Viện sau khi một số dân cử Cộng Hòa ngấm ngầm chi trích ông Chủ Tịch Paul Ryan về việc “thường lên tiếng chỉ trích, phê bình ông Trump” hơn là bênh vực cho người đại diện đảng tranh chức tổng thống. Theo dự đoán của một số quan sát viên, nếu ông Ryan tiếp tục được ủng hộ trong chức Chủ Tịch Hạ Viện, “số phiếu ủng hộ ông sẽ giảm bớt đi” vì tập thể dân biểu Cộng Hòa ủng hộ Trump sẽ dùng là phiếu của họ “để bày tỏ quan điểm” với người sẽ lãnh đạo họ tại Hạ Viện. Theo nhận xét của quan sát viên Neil Hammond, “nếu điều này xảy ra, ông Ryan sẽ rất khó làm việc vì bị trói tay của những đồng viện cùng đảng”, tương tự như trường hợp người tiền nhiệm của ông ta là ông Cựu Chủ Tịch John Boehner phải từ chức vì không được hậu thuẫn bởi khối dân biểu Tea Party.
Ngoài ghế chủ tịch Hạ Viện, một vai trò quan trọng khác cũng đang được nói tới: chức chủ tịch điều hành đảng sẽ được bầu lại vào đầu năm tới. Chức vụ này hiện đang do ông Reince Preibus đảm trách, nghe đâu đã có một số người âm thầm vận động, “trong đó có những người ủng hộ Trump và những người chống Trump”, quan sát viên Neil Hammond nói tiếp. Ông Hammond tin “nếu tỷ phú Trump đắc cử, chắc chắn ông ta sẽ đưa người ủng hộ mình vào ghế chủ tịch điều hành đảng, thay đổi không chỉ bộ mặt, đường lối hoạt động của đảng, mà còn rời bỏ hẳn thành phần chính trị gia mà trong suốt thời gian tranh cử ông ta (Trump) thường rêu rao là những kẻ chỉ biết hứa cuội và nói láo”.
Nhưng “chính sách mới của đảng Cộng Hòa là gì” thì chưa nghe ai bàn tới.
Khoảng giờ này bốn năm trước đây (2012) sau khi ông Mitt Romney thất cử, đảng Cộng Hòa thành lập một ủy ban đặc trách nghiên cứu xem những gì cần phải làm để lấy lại Tòa Bạch Ốc vào năm 2016. Sau gần 3 tháng làm việc, ủy ban đưa đề nghị phải mang đảng đến với dân, phải thu hút phiếu của ba tập thể cử tri gồm tập thể trẻ, nữ giới và tập thể thiểu số. Có lần ông Tim Miller, cựu cố vấn ban tham mưu tranh cử của Thống Đốc Jeb Bush, ca ngợi đó là đề nghị rất hợp lý, vì “đảng sẽ chết nếu không được sự ủng hộ của người trẻ và những cộng đồng thiểu số”, than thở “từ khi ra tranh cử đến giờ, ông Trump không làm những điều này, đã thế còn tạo mầm mống chia rẽ”.
Trở ngại đó cũng được ông Dan Judy, từng làm việc với Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Marco Rubio ví von “chẳng khác gì một trận cháy rừng”, thắc mắc “không biết đám cháy đó sẽ tắt, tạo thành phân bón giúp cây cỏ mọc tươi tốt hơn, hay sẽ cháy rụi cả khu rừng, không một gốc cây, ngọn cỏ nào sống sót”.
© Nguyễn Văn Khanh
© Đàn Chim Việt