Người phụ nữ giữ chức cao nhất trong chính quyền Trump
Từ ngày chạy sang Mỹ cách nay hơn 40 năm, người tỵ nạn cộng sản Việt Nam chưa bao giờ thấy một cuộc bầu cử tổng thống bát nháo như lần này.
Mặc dù chấp nhận thua cuộc, phe thua vẫn tiếp tục ném đá phe thắng.
Vào những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, Obama đuổi 35 công chức Nga về nước vì Nga đã hack vào hệ thống bầu cử của Mỹ, tạo một vấn đề cho Trump phải giải quyết trong những ngày đầu nhậm chức. Putin nói tao không chấp, không trả đũa, mai mốt tao sẽ nói chuyện phải quấy với Trump.
Vào những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, Obama đồng tình với Liên Hiệp Quốc lên án Do Thái phát triển các khu định cư trên đất Palestine, một chuyện chưa từng thấy của Mỹ trong mấy chục năm qua. Sau khi trách móc Obama thảm thiết, Netanyahu của Do Thái nói thôi được, mai mốt tao sẽ nói chuyện với Trump.
Lợi dụng nội bộ Mỹ lục đục, mất đoàn kết, Nga giúp Syria “giải phóng” Aleppo, một “đại thắng mùa Xuân” của Assad. Mỹ đứng trơ mắt nhìn.
Mặc dù chưa lên ngôi, Trump đã gọi điện thoại thăm Thái Anh Văn, chọc giận chính sách Một Nước Trung Hoa đã có từ thời Nixon. Chẳng những thế, phe Cộng Hòa còn cho phép hoàng hậu họ Thái quá cảnh Houston (lúc đi) và San Francisco (lúc về) trong chuyến đi thăm các nước Trung Mỹ hiếm hoi vẫn giữ quan hệ với Đài Loan.
Mặc dù Trump chưa nhậm chức, phe Cộng Hòa đã làm thủ tục thu hồi bộ luật chăm sóc sức khỏe thường được gọi là Obamacare, một trong những di sản quan trọng mà Obama tự hào.
Trong lúc ra điều trần trước các nhà làm luật để được phê chuẩn, người được Trump chỉ định giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao tuyên bố đáng lý ra Trung Quốc phải bị cấm tiếp cận các hòn đảo ở Biển Đông, khiến Bắc Kinh nổi nóng. Muốn cấm ngộ ra vào các đảo ấy, nị phải bước qua xác ngộ. Rồi đây, nếu chiến tranh Mỹ Trung nổ ra vì Biển Đông, đảng của cụ Cả Trọng biết đứng về phía nào?
(Trước mắt, vì bận thăm đồng chí Tập, cụ Cả dặn thuộc hạ ở nhà tiếp anh bạn Kerry để làm bài thu hoạch kiếm vài ý kiến tư vấn, và để làm quà vào dịp này, chúng mày hãy thả một thằng phản động sang Pháp.)
Bên thắng cuộc ở Mỹ tiếp tục bị bên thua cuộc ném đá. Nào là thân Nga, làm con rối của Putin, có những hành vi lăng nhăng về sex bị đàn em Putin quay lén… thậm chí còn dọa tổ chức những cuộc biểu tình chống đối lớn vào dịp lễ nhậm chức tổng thống, một chuyện chưa từng thấy ở Mỹ.
Chưa ai có thể nói chắc nước Mỹ sẽ đi về đâu sau ngày Trump nhậm chức, nhưng trong khi chờ đợi cái ngày Trung Quốc có thể bước lên vị trí số Một thế giới, ai cũng hiểu hiện nay, một khi Mỹ xổ mũi thì thế giới cũng nhức đầu.
Đằng sau thắng lợi gây sốc của Trump, giúp ông này nắm giữ chức vụ cao nhất trên thế gian hiện nay, không thể thiếu vai trò của một phụ nữ. Câu chuyện sau đây nói sơ qua về người phụ nữ ấy.
Bà Kellyanne Conway là ai?
Trong suốt thời gian vận động tranh cử, các đối thủ của Trump không ngớt chỉ trích ông là người bốc đồng, ăn nói thô tục, ghét giới truyền thông, phân biệt chủng tộc… và nhất là coi thường phụ nữ.
Người Mỹ có cụm từ “the glass ceiling” (tấm trần kính) dùng để xác nhận một sự thật trong xã hội Mỹ là mặc dù mọi công dân đều bình đẳng theo Hiến pháp, có thể phát triển tài năng không bị giới hạn; nhưng trong thực tế, nguyên tắc đó chưa được thể hiện chăm phần chăm, thành phần thiểu số hoặc phụ nữ vẫn gặp những “rào cản vô hình,” một cái trần nhà trong suốt, thấy vậy nhưng không phải vậy. Ví dụ nhiều lúc, phụ nữ vẫn nhận lương bổng thấp hơn so cánh đàn ông da trắng làm cùng công việc.
Khi được hỏi bà nghĩ gì khi trở thành người phụ nữ đầu tiên đã phá vỡ tấm trần kính để trở thành người phụ nữ giữ chức cao nhất tại Nhà Trắng, bà Conway trả lời: “Tôi mong mọi người hiểu rằng, chính ông Trump là người đã cất nhắc một phụ nữ lên vị trí cao nhất trong hành trình vận động tranh cử của ông, giống như ông đã từng làm trong suốt mấy mươi năm lãnh đạo doanh nghiệp mang tên ông. Chính ông là người trao trách nhiệm cho phụ nữ.”
Trước khi nhận chức cố vấn cho tổng thống, bà là phụ nữ đầu tiên giữ chức trưởng ban vận động tranh cử cho một ứng cử viên tổng thống và ứng cử viên đó đã chiến thắng.
Bà tháp tùng Trump đi khắp nước Mỹ để vận động trong mấy tháng cuối cùng trước ngày bầu cử để đóng góp ý kiến, thăm dò dư luận, và lên TV trả lời phỏng vấn thay mặt cho ông.
Bả chỉ nhận mình là người có phước. “Tôi không phân biệt giới tính và tôi cũng không được tuyển dụng vì giới tính, nhưng khi được chỉ định chức vụ cố vấn tổng thống, tôi cũng khá tự hào để đem khoe với các con. Nhiều phụ nữ cũng hoạt động cật lực nhưng không được cất nhắc. Tôi cảm thấy như được trời thương khi được cất nhắc.”
Trước khi tham gia ban vận động của Trump, bà Conway là CEO của The Polling Company Inc./Woman Trend, một công ty thăm dò dư luận có nhiều khách hàng lớn, trong đó có Liên đoàn Bóng chày Quốc gia, tổ chức bảo vệ pháp lý The Federalist Society có khuynh hướng bảo thủ, công ty đa ngành của bà Martha Stewart, tập đoàn tài chính American Express, và đài truyền hình ABC News.
Tuổi thơ của bà Conway không được suôn sẻ như nhiều người. Sinh năm 1967 trong một xóm nghèo bên ngoài thành phố Camden, tiểu bang New Jersey; ông bố gốc Ireland của bà có mấy chiếc xe tải cho thuê, bà mẹ gốc Ý là nhân viên ngân hàng.
Năm bà Conway lên ba, cha mẹ bà ly dị. Từ đó bà được nuôi dưỡng bởi bốn phụ nữ sống chung với nhau: bà ngoại, mẹ và hai dì. Cả bốn người chỉ làm những nghề đủ ăn.
Bà tin rằng tầm nhìn bảo thủ về thế giới của bà bắt nguồn từ sự kiện bà sống trong một căn nhà mà “gia đình, đức tin tôn giáo, và tinh thần tự lập được coi trọng. Chúng tôi không được khuyến khích hoặc không được phép than van hoặc nói về những gì chúng tôi không có.”
Trong 8 mùa hè liên tiếp thời còn đi học, cô nữ sinh Conway đi hái trái blueberry cho một nông trại gần nhà, nhờ vậy, bây giờ bà nhìn nhận công việc đó đã giúp bà hiểu được thế nào là tinh thần lao động. “Bạn hái càng nhanh chừng nào thì bạn lãnh nhiều tiền chừng nấy. Những gì mà tôi học được về cuộc sống và chuyện làm ăn đã được định hình từ nông trại ấy.”
Học xong trung học tại một trường Công giáo của New Jersey, cô thiếu nữ Conway xuống thủ đô DC lấy bằng cử nhân chính trị của trường Trinity, và cuối cùng là tiến sĩ luật khoa, hạng danh dự, của trường đại học George Washington cũng ở vùng thủ đô.
Trước khi tốt nghiệp đại học, bà chuẩn bị tinh thần để trở thành một luật gia, nhưng số phận đưa đẩy, vào mùa hè năm cuối trước khi lãnh bằng, bà tình nguyện làm cho Dick Wirthlin, người phụ trách thăm dò dư luận cho Tổng thống Reagan.
Qua kinh nghiệm này, bảy năm sau, bà mở công ty thăm dò dư luận, chuyên về nghiên cứu thị trường. Đây cũng là một việc làm táo bạo, vì nghề thăm dò lâu nay vẫn là lãnh địa của phái nam, đặc biệt là đảng Cộng Hòa.
Trước khi mở công ty thăm dò dư luận, bà làm việc trong các văn phòng thẩm phán, phụ tá cho các nhà làm luật, trong đó có cựu Phó Tổng thống Dan Quayle, cựu Chủ tịch Quốc hội Newt Gingrich.
Bà đã tỏa sáng khi bước vào thế giới của đàn ông Cộng Hòa. Trong mấy chục năm trời, bà đã trở thành tiếng nói kiên trì của phe Cộng Hòa bảo thủ: chống phá thai, bảo vệ quyền mang súng của công dân có ghi trong Tu chính án số 2, ủng hộ Do Thái, hôn nhân là sự kết hợp giữa hai người khác phái.
Trong thập niên 90, bà hay xuất hiện trên TV với vai trò đối lập với những chính sách của chính phủ Clinton. Tổng cộng bà đã góp lời bình luận trên hơn 1.500 chương trình TV và đài phát thanh.
Cuộc sống gia đình
Ngoài lập trường bảo thủ theo kiểu Cộng Hoa, bà Conway còn là một người vợ tận tụy, một bà mẹ hiền của bốn con, trong đó có hai con sinh đôi, bé lớn nhất năm nay 12 tuổi.
Tên khai sinh của bà là Kellyanne Fitzpatrick, đổi thành Kellyanne Conway theo họ chồng sau khi kết hôn.
Chồng bà, George Conway, cũng là một luật gia mà thời còn trẻ đã đóng góp tích cực nhưng không ồn ào vào chuyện luận tội cựu Tổng thống Clinton trong vụ tai tiếng với cô sinh viên tập sự tại Nhà Trắng.
Bà cũng thú nhận cuộc hôn nhân của mình cũng do ông trời xếp đặt.
George thấy ảnh bà trên một tờ báo cộng đồng ở Washington. Anh nhờ một người bạn của cả hai giới thiệu. Hai người làm đám cưới năm 2004, lúc đó bà đã 37 tuổi.
Bà kể lại những niềm vui khi có bầu ở tuổi không còn trẻ nữa. “Tôi có bầu hai cháu sinh đôi lúc 37 tuổi, hai cháu gái kế tiếp vào tuổi 41 và 43. Thiên hạ thường nói qua tuổi 40 rất khó sinh con. Chính tôi cũng ngạc nhiên.”
Mặc dù công việc bận rộn, bà Conway vẫn đặt ưu tiên cho gia đình, và cũng như nhiều bà mẹ đi làm, bà xem thời gian sống với các con vô cùng quý giá.
Có lần trong lúc phỏng vấn với đài CNN, bà tranh thủ lúc giải lao để gọi về cho con dặn dò chỉ bảo cái này cái nọ.
Cả gia đình 6 người là fan của đội bóng chày thành phố Philadelphia.
Vì đã ổn định cuộc sống trong tiểu bang New Jersey nên khi được chỉ định làm cố vấn cho tân tổng thống, bà cũng hơi ngại khi phải dọn nhà về Washington.
Hội ngộ Trump-Conway
Lần đầu tiên bà Conway gặp ông Trump là năm 2006, khi bà là một trong những người thuê các căn hộ trong tòa nhà cao tầng Trump WorldTower, quận Manhattan, thành phố New York. Với tư cách là người thuê, bà tham gia ban đại diện người thuê trong tòa nhà.
Bà nhớ lại rất ngạc nhiên khi thấy ông chủ nhà dù rất bận rộn thỉnh thoảng vẫn đến họp với ban đại diện để lắng nghe tiếng nói của họ. Khi đó, bà vẫn chưa hình dung được cái ngày bà cùng người chủ nhà hợp tác với nhau để làm “nước Mỹ vĩ đại trở lại.”
Sau đó, khi thấy bà thỉnh thoảng vẫn lên TV bàn chuyện thế sự, ông Trump thỉnh thoảng vẫn gọi bà để hỏi ý kiến về nhiều đề tài thời sự.
Tháng 3 năm 2015, Trump yêu cầu bà vạch ra một chiến lược để tranh cử tổng thống và đề nghị giao cho bà một vị trí trong ban vận động. Bà đã từ chối. Lúc bấy giờ bà ủng hộ Thượng nghị sĩ Ted Cruz, đối thủ của Trump cũng muốn được đảng Cộng Hòa đề cử. Làm việc trong ban vận động của ông Cruz, bà đã nhiều lần chỉ trích ông Trump, cho đến khi ông Cruz tuyên bố rút lui.
Hơn một năm sau, vào ngày 17 tháng 8 năm 2016, bà nhận lời làm trưởng ban vận động của Trump sau khi Paul Manafort, người đang giữ chức này từ chức vì những lý do gây khá ồn ào trong giới truyền thông. Một trong những lý do Manafort rút lui là đã có thời gian vận động hành lang cho Viktor Yanukovych, nhà lãnh đạo của Ukraine thân Nga.
Chấp nhận vai trò này, chẳng những cuộc đời của bà, của ông Trump, cả nước Mỹ, và lịch sử thế giới hoàn toàn sang trang, sang trang theo hướng tốt hay xấu thì còn phải chờ thời gian trả lời.
Trước đó, Trump định giao chức Phát ngôn viên Nhà Trắng cho bà, nhưng ông nghĩ lại chức này không phát huy hết tài năng của bà, vì bà có thể giúp ông trong nhiều lĩnh vực ở mức toàn cầu, thay vì chỉ đối đáp với đám truyền thông.
Trongthông cáo báo chí loan báo chỉ định chức vụ cho bà, tổng thống tân cử nói: “Kellyanne Conway là một cố vấn và nhà chiến lược đáng tin cậy, đã đóng một vai trò quan trọng cho thắng lợi của tôi. Bà là người bênh vực không mỏi mệt và cương quyết chương trình hành động của tôi. Bà có những kỹ năng đáng nể về cách truyền đạt hiệu quả thông điệp của chúng tôi. Tôi thấy hài lòng khi bà tham gia toán cao cấp của Nhà Trắng”.
ĐCV tổng hợp
Bài tổng hợp này rất hay.
Nhưng có 1 vài hạt sạn, xin trích @
Người Mỹ có cụm từ “the glass ceiling” (tấm trần kính) dùng để xác nhận một sự thật trong xã hội Mỹ là mặc dù mọi công dân đều bình đẳng theo Hiến pháp, có thể phát triển tài năng không bị giới hạn; nhưng trong thực tế, nguyên tắc đó chưa được thể hiện chăm phần chăm, thành phần thiểu số hoặc phụ nữ vẫn gặp những “rào cản vô hình,” một cái trần nhà trong suốt, thấy vậy nhưng không phải vậy. Ví dụ nhiều lúc, phụ nữ vẫn nhận lương bổng thấp hơn so cánh đàn ông da trắng làm cùng công việc.
-Thành ngữ “the glass ceiling” mà dịch là “tấm trần kính” là chưa ổn, vì ý nghĩa của câu thành ngữ này chỉ ra “sự ngăn cách vô hình” trong xã hội Hoa Kỳ mà hầu như khó nhận ra.
-Trăm phần trăm (100%) chứ không phải “chăm phần chăm”.
Nhưng dù sao bài tổng hợp rất đáng đọc.
Cám ơn tác giả (ĐCV)
Trump thắng cử, đề cập nhiều về tân nội các tương lai của Trump mà không nói tới bà Conway là một thiếu sót. Bà sát cánh bên Trump trong những tháng sau cùng để Trump tạo lên lịch sử, và chắc chắn sẽ có ảnh hưởng rất lớn trong chính sách của Trump trong những ngày sắp tới. Đáng phục người phụ nữ này, không thua các ông mày râu. Bài viết tổng hợp cũng thật hay.
nv