Theo đóm ăn tàn [2]
Tiếp theo phần I
Bài này tiếp tục theo bài trước sau khi Vedan đồng ý bồi thường 100% các hộ nông dân bị thiệt hại bên bờ sông Thị Vải.
Ý nghĩa câu thành ngữ “Theo đóm ăn tàn” tôi muốn nêu lên đây có tính bao quát hơn, chỉ định bản chất cố hữu của tập đoàn lãnh đạo CSVN từ hơn 50 năm qua. Vì thực chất là một tập thể tự khởi ngoi lên từ một hoàn cảnh lịch sử tối tăm mù mịt (1945) và nhờ cậy thế lực ngoại bang mà tập đoàn CS VN đã chiếm địa vị lãnh đạo đất nước từ năm 1945 đến nay. Từ khởi đầu họ dựa dẫm thế lực chính trị của khối Cộng Sản quốc tế, nhận viện trợ vũ khí, vật chất từ TQ và Liên Xô để đánh đuổi thực dân Pháp, sau đó tiếp tục sống bám vào chi viện TQ và khối CS Liên Xô để tiến hành công cuộc “giải phóng đất nước” khỏi bàn tay xâm lược đế quốc Mỹ, đánh tan “ngụy quyền VNCH trong Nam”. Khi đối đầu với CamBôt (Pol Pot 1978) trong thế gọng kềm của TQ họ lại bay sang Mac Tư Khoa tìm hỗ trợ quân sự. Trong suốt mấy chục năm bị Hoa Kỳ cấm vận, họ đành quay trở lại vuốt đuôi TQ. Trong thời kỳ mở mang kinh tế từ 1990 đến nay họ chịu áp lực chính trị, kinh tế của TQ để gầy dựng cơ sở vật chất (giao thông, cơ xưởng, hạ tầng cơ sở, khai khoáng).
Tuy nhiên, mấy năm gần đây dưới áp lực của quần chúng về vấn đề HS-TS, chủ yếu TQ tăng cường sức ép quá sức ngang tàng trên vấn đề chủ quyền mà tập đoàn lãnh đạo này lại đành quay đầu năn nỉ Hoa Kỳ trở lại vùng Biển Đông. Và kết quả mỹ mãn như mọi người đang theo dõi trên báo chí truyền thông.
Nói chung đây là hình ảnh một đảng phái lãnh đạo suốt đời chỉ biết vọng ngoại, trở cờ theo gió, đối nội thì tiến hành trù dập, giam cầm, bắt bớ những người yêu nước, đấu tranh tự do, dân chủ. Để bảo vệ chiếc ghế quyền lực độc đảng mà họ sẵn sàng hy sinh hàng trăm ngàn, hàng triệu người dân vô tội trong những chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất, Đấu Tố (1956), đánh Tư Sản Mại Bản (1978) và Học Tập Cải Tạo (1975).
Trở lại vụ án Vedan, tình hình có vẻ tiến triển theo chiều hướng thuận lợi cho Nhà Nước, Vedan chính thức lên tiếng xin lỗi các nhà nông bị thiệt hai trên bờ sông Thị Vải và sẵn sàng chi trả bồi thường. Đó là phản ứng tích cực của một tập đoàn tư bản nước ngoài. Những ai theo dõi sự kiện, có bao giờ thắc mắc rằng: “Nhà Nước và Vedan làm việc chung với nhau đã tìm được phương án không chế và giải quyết ô nhiễm tận gốc chưa?”, vì đó là chuyện trước mắt và tương lai của một cơ sở sản xuất, góp phần khai triển kinh tế xã hội lâu dài. Bồi thường thiệt hại là chuyện quá khứ, làm sao xác định được mức độ thiệt hại chính xác để quy định thành tiền, đó mới là trách nhiệm của các nhà khoa học, kỹ thuật và tài chính, đâu phải của hơn 140 (một trăm bốn mươi) ông bà luật sư? Khi có chứng cớ rành rành thì một vị luật sư giỏi cũng đủ để bào chữa cho hàng ngàn hộ dân trước quan toà, cần chi đến hơn 140 luật gia? Nhà Nước ở đâu? Đóng vai trò gì trong vụ án này? Bộ Tài Nguyên tuyên bố hỗ trợ 2-3 tỷ đồng giúp nông dân chi trả án phí dựng hồ sơ kiện tụng tập thể, thoạt nghe tưởng chừng chính quyền rất ư tốt bụng, luôn luôn đứng về phía người dân. Thực chất thì không phải vậy, chỉ là môt cú “tuyên truyền ngoạn mục” gọi là “lấy lại cảm tình nhân dân” mà thôi. Thử hỏi 10 năm trước đây, các nhà khoa học kỹ thuật, các kỹ sư, Tiến Sĩ của Bộ Tài Nguyên Môi Trường ở đâu khi tiếp nhận hồ sơ đầu tư của công ty Vedan? Chắc chắn Vedan đã phải đệ trình bản vẽ, thiết kế nhà máy, sơ đồ vận hành để xin giấy phép xây dựng, thế thì ngay từ lúc đó quý vị đã phải nhận thức rõ ngay vấn đề môi trường để biết Vedan xử lý chất thải ra sao? Đổ đi đâu? Hồ chứa nước thải lớn cỡ nào ? Thiết kế ra sao để tránh gây ô nhiễm vào sông ngòi, mạch nước ngầm? Nếu quý vị vì lương tâm nghề nghiệp, vì dân và do dân, thì bài toán ô nhiễm đã được bàn cãi và giải quyết ngay từ 10 năm trước, đợi chi đến khi gây thảm hoạ lên xã hội thì mới hô hoán và làm rùm beng.
Rút kinh nghiệm Vedan, thử hỏi quý vị cán bộ kỹ thuật của Nhà Nước đã tìm ra được phương án giải quyết cho tất cả những cơ sở sản xuất đã và đang gây ô nhiễm trầm trọng khắp nơi chưa? Vedan đâu chỉ là một công ty độc nhất gây ô nhiễm ở VN? Quý vị đã tìm ra phương thức giải quyết tình trạng ngập lụt ô nhiễm trong các thành phố lớn chưa? Quý vị đã có trong tay bản vẽ thiết kế “Hồ chứa bùn đỏ” cực độc của hai công trình Bauxite Nhân Cơ, Tân Rai trên Tây Nguyên chưa? Ai là người trong Bộ Tài Nguyên Môi Trường được phân trách nhiệm theo dõi, kiểm soát công việc xây dựng hồ nước thải này? Phải chăng quý vị cứ “điềm nhiên toạ thị” ngồi chờ nhà thầu TQ xây cất xong hai công trình, đi vào sản xuất, khi ô nhiễm tăng lên trầm trọng, ảnh hưởng toàn bộ khu vực đồng bằng Đồng Nai, khi hàng trăm ngàn hộ dân ta thán, thì bổn cũ soạn lại, quý vị tiếp tục bản kịch “thưa kiện” để chia chác nhau “món tiền bồi thường kếch xù” chăng?
Và nếu vì lý do gì đó TQ nhượng bộ đi đêm với Hoa Kỳ để chính phủ Obama tìm cách rút lui khỏi biển Đông, trả lại “cái ao làng” cho TQ và Vedan trở mặt không bồi thường nữa, thì quý vị cán lớn Nhà Nước tính sao đây? Kinh nghiệm đắng cay này đã diễn ra hồi 1974 (HS-TS) dưới thời VNCH, có lẽ quý vị chưa quên? Nên nhớ kỹ bà Ngoại Trưởng Clinton tuyên bố rõ ràng ở Hà Nội rằng Hoa Kỳ trở lại vùng tranh chấp biển đông chính vì quyền lợi kinh tế của họ, nào phải vì muốn “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cho VN”!
Hỡi những ai còn mơ mộng giấc mơ “Quy Mã và Mã Quy” nên bừng tỉnh sớm đi.
Canada, 10-08-2010
© Lê Quốc Trinh
© Đàn Chim Việt