WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Sự thông minh và sự “chậm lớn” của người Việt

Sau những giờ phút xúc động đến “nghẹn con tim”, khi chứng kiến GS Ngô Bảo Châu được vinh danh trên trường quốc tế với Giải thưởng Fields danh giá, và được trong nước vinh danh thành “hiện tượng Ngô Bảo Châu”, cũng như trước đây là “hiện tượng” Đặng Thái Sơn- nghệ sĩ biểu diễn piano, giải nhất cuộc thi quốc tế về Frédéric Chopin ở Warszawa (Ba Lan), thì tâm lý người Việt trong chúng ta bỗng chùng xuống, im lặng khi nghĩ về đất nước mình. Nghĩ về những tài năng Việt xa xứ. Đã đành, sự vinh danh vẻ vang GS Ngô Bảo Châu, một người Việt tài năng, thì dân tộc Việt sẽ là dân tộc được thế giới nhắc nhớ đầu tiên.

Đừng để sự "chậm lớn" của người Việt cũng thành một "hiện tượng", nhưng là "hiện tượng" buồn! Ảnh minh họa

Nhưng sẽ có một câu hỏi khác, một sự nhắc nhớ khác, khiến chúng ta hổ thẹn. Tại sao người Việt ra thế giới, đi làm thuê cho xứ người, lại thường thành danh, thành đạt? Và tại sao, người Việt chúng ta thông minh thế, mang tiếng tài nguyên rừng vàng biển bạc thế, phải cho nước ngoài khai phá…mà đất nước vẫn luẩn quẩn với cái nghèo, chậm phát triển, nay lại còn tụt hậu so với khu vực?

Một chuyên gia người Việt của tổ chức Ngân hàng Thế giới từng đặt câu hỏi: “Ta cứ hay vin vào chiến tranh. Thế nhưng chiến tranh đã lùi xa sau 35 năm, tại sao đến giờ, thu nhập bình quân/ người Việt/ năm mới đạt 1.000 USD. Trong khi đó, các quốc gia như Đức, Nhật, Ba Lan, Tiệp Khắc bị tàn phá thảm hại sau chiến tranh thế giới thứ 2 nhưng sau 35 năm họ đã thành cường quốc kinh tế, thu nhập bình quân đạt trên 10.000 USD/ người/ năm”.

Chiến tranh liệu có thể mãi là “bình phong” để cho ta che đậy sự kém cỏi? Điều gì là vật cản khiến tố chất thông minh của người Việt không “phát” lên được, không biến thành tài nguyên chất xám làm giàu cho nước Việt, thành vòng nguyệt quế kiêu hãnh trên vầng trán nước Việt, khi mà rất nhiều quốc gia tương tự như ta, đều đang ngẩng đầu tiến về phía trước?

“Người nọ ngoi lên, người kia kéo xuống”- ngụ ngôn hay cuộc đời?

Khi đặt câu hỏi này, người viết bài tự nhiên nhớ đến câu chuyện ngụ ngôn hiện đại: Có chiếc tàu đắm ngoài khơi xa, tàu cứu hộ được điều đến để cứu hành khách đang ngoi ngóp dưới biển. Người các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore…lần lượt được cứu thoát, bởi người nọ làm bệ đỡ cho người kia ngoi lên. Nhưng hành khách là người Việt Nam, cứ người nọ ngoi lên, thì lập tức bị đồng loại- người kia kéo xuống. Vì thế mà cuối cùng hành khách là người Việt Nam chết hết.

Câu chuyện triết lý bi thảm về tính cách một dân tộc thật chua xót. Nhưng chắc chắn, nó “ngụ ngôn” trên cơ sở có thật. Hay nó bước ra cuộc đời, từ “ngụ ngôn” để trở thành tính cách người Việt?

Không biết có phải vì quá thấm thía về câu chuyện ngụ ngôn, quá hiểu tính cách người Việt không, mà khi được đặt câu hỏi đề cập việc có chính sách quy hoạch bồi dưỡng cho những chuyên gia giỏi tuổi còn trẻ, một vị sếp cỡ Bộ trưởng lắc đầu quầy quậy: “Không được đâu chị ơi. Cứ “dàn hàng ngang cùng tiến” thì không sao. Chứ đụng vào chuyện quy hoạch, bồi dưỡng người nọ người kia là chết ngay!”

Chẳng biết ông có chịu để “chết” không, nhưng rõ ràng, cơ quan ông “chết” vì những người giỏi cũng chẳng thể bật được lên do chính sách cào bằng,  “dàn hàng ngang mà tiến”. Hòa cả làng! Và cho nó…lành!

Chắc chắn câu chuyện và tâm lý của vị Bộ trưởng trên không phải là cá biệt. Mà đó cũng mới là chuyện xây dựng đội ngũ chuyên gia, không phải quy hoạch đội ngũ quản lý.

Còn chuyện mới đây: Tại Hội nghị về chiến lược quản lý nhân sự do báo VNN và VN500 tổ chức, người ta nêu ra một vấn đề đáng chú ý. Nhiều công ty có tầm cỡ đang hoạt động trong nước ta cho biết, họ thường có vấn đề với nhân sự trung và cao cấp mà họ rất cần. Tại sao lại như vậy? Theo ông Trần Sĩ Chương, Chủ tịch HĐQT Công ty ABBO, trong tất cả các cái “thiếu” có lẽ cái thiếu “tinh thần đồng đội” là quan trọng hơn cả.

“Nhiều nhà quan sát lịch sử Việt Nam cho rằng đây là một nghịch lý đáng ngạc nhiên. Dân tộc Việt Nam khi cần đã chứng minh được một khả năng đoàn kết cao độ trong các cuộc kháng chiến giành độc lập cực kỳ khó khăn, gian khổ.

Vậy mà từ người Pháp trước đây, rồi người Mỹ và nhiều người ngoại quốc khác sau này khi có cơ hội làm việc, tiếp xúc với người Việt lại có nhận xét, “một cá nhân người Việt thì có thể hơn một người khác nhưng ba người Việt ngồi lại thì… lại có vấn đề!”.

Cũng theo ông Trần Sĩ Chương, các nhà xã hội học dựa vào thuyết “Con người là sản phẩm của môi trường sống”, hiện tượng này là do sự bất ổn định của hoàn cảnh lịch sử xã hội. Khi sống trong một xã hội có truyền thống bất ổn định thì con người với bản chất sinh tồn bẩm sinh sẽ có khuynh hướng muốn hành động tự phát, thiếu lòng tin vào tập thể, vào tương lai.

Từ đó, người ta không muốn đầu tư vào những cam kết, đầu tư và gắn bó xã hội có tính lâu dài thậm chí có khi còn “đạp lên nhau để sống”.

Tuy nhiên, ông Trần Sĩ Chương chưa nêu được cái gốc của tố chất này. Nền văn minh của nước Việt là văn minh lúa nước. Dân tộc Việt có tới 80% dân số làm nghề nông. Một nét đặc thù của tư duy nông nghiệp là tư duy tư hữu; là “con gà tức nhau tiếng gáy”, “sân gạch nhà ông không thể cao hơn sân gạch nhà tôi”…

Chính tố chất “tư hữu đậm đặc” này tuy lặn sâu trong tiềm thức con người Việt, khó “điểm mặt chỉ tên”, nhưng nó lại luôn kề vai sát cánh với mỗi người Việt cho dù họ đã là trí thức, từ cơ quan nghiên cứu đến công sở…và nó là “người tình” trăm năm thủ thỉ, gắn bó với ta khi ta cộng tác, làm việc với đồng nghiệp, bằng hữu. Bỗng nhớ tới một câu “ngụ ngôn” khác sâu cay không kém: “Trong cái sự mất đoàn kết, thì trí thức là hay mất đoàn kết nhất, rồi mới đến…đàn bà”(!).

“Gieo tư duy gặt số phận”?

Tính cách người Việt ấy, lại được đặt trong một cơ chế và tư duy quản lý ra sao?

Khi bàn về sự lận đận, yếu kém và sự tụt hậu của xã hội chúng ta trong những năm tháng thách thức nghiệt ngã này, có nhà thơ đã nói: Hình như con người có số phận, thì dân tộc cũng có số phận?

Bỗng nhớ tới câu chiêm nghiệm về luật nhân- quả của đạo Phật, răn dạy con người ở kiếp nhân sinh: “Gieo tính cách, gặt số phận”. Nhưng luật Đời cũng luôn cảnh báo cho bất cứ dân tộc nào- gieo tư duy gặt số phận?

Tư duy của dân tộc Việt chúng ta đã từng đổi mới để thích ứng với đòi hỏi của thời hiện đại, từ bao cấp chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường. Nhưng công bằng mà nói, tư duy đó thực chất vẫn không thoát khỏi dấu ấn tiểu nông, gia trưởng. Trong tố chất “tính cộng đồng” còn tồn tại cả tố chất “bầy đàn”, hình thành nên trên hình thái lao động sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công, không vượt khỏi tầm chắn của lũy tre làng.

Chính tư duy “bầy đàn” và trọng hư danh của con người tiểu nông, khi có quyền lực, dễ trở nên e ngại, phòng ngừa với những người có tư duy độc lập khác với số đông. Thời nào, và dân tộc nào cũng vậy, luôn có những con người thông minh, trí tuệ, luôn có những con người biết nhìn ra sớm hơn cộng đồng mình, dám nhận thức bằng sự kiểm chứng thực tiễn. Nhưng tư duy tiểu nông khi cực đoan, dễ nghi ngờ, hoặc đánh đồng sự “khác biệt” của người tài là sự đối trọng, thậm chí đối nghịch.

Cơ chế quản lý xã hội, một khi được xây nên từ tư duy tiểu nông ấy, tạo nên một hệ thống chân rết cũng sẽ khó chấp nhận những cá tính sáng tạo, mà chỉ thích sự ‘cào bằng” và sự nghe lời. Khi ấy thì sự thông minh, năng lực sáng tạo, và niềm tin lý tưởng chân lý là thực tiễn, rất có thể trở thành bi kịch cho chính người tài, nếu không, chí ít anh ta cũng trở nên hoặc đơn độc, hoặc bị vô hiệu hóa trong cộng đồng.

Tư duy và cơ chế quản lý “cào bằng” ấy tạo ra sự bất công với những người tài, chỉ gặt hái được sự a dua cơ hội của sự háo danh, sự vô cảm của số đông và làm thui chột tài năng sáng tạo thực chất. Đó chính là nguyên nhân sâu xa, tạo ra “hố sâu” ngăn cách giữa hai bờ tụt hậu và phát triển. Một dân tộc có nhiều người thông minh như dân tộc Việt, vẫn có thể là dân tộc “chậm lớn” vì thế.

Liệu dân tộc Việt chúng ta có vượt lên được chính mình không?

Nhìn ra thế giới, ông Trần Sĩ Chương cho rằng, mặc dù cá nhân người dân Nhật không được tiếng học giỏi, lanh lợi như người Ấn, người Hoa hay so với người Việt chúng ta…nhưng theo ông Chương, điều kiện “công bằng trong xã hội” là một yếu tố quyết định để mọi cá nhân có lòng tin sự đóng góp của mình được ghi nhận một cách sòng phẳng, được đền bù xứng đáng về mặt vật chất lẫn tinh thần.

“Từ đó, con người mới tin vào ý nghĩa của sự đoàn kết, đem lại cái tổng giá trị lớn hơn từng giá trị của cá nhân đứng riêng lẻ cộng lại và cá nhân họ “được” nhiều hơn là nếu chỉ nghĩ đến mình. Con người bất cứ ở đâu, nếu sống trong một điều kiện xã hội còn nhiều bất công thì sẽ khó sống trung thực. Từ đó sự tự trọng, tương kính cũng sẽ không có.

Trong xã hội Mỹ, cá nhân chủ nghĩa, tinh thần cầu lợi có lẽ cao hơn bất cứ xã hội nào khác. Nhưng họ may mắn có được một cơ chế xã hội mà đa số người ta tin là công bằng. Câu phản biện đầu môi, hữu hiệu nhất của một người Mỹ (ngay cả những đứa trẻ con) đối với người khác khi tranh luận một vấn đề là vịn vào cái lý lẽ “That’s not fair!” (Thế là không công bằng đâu nhé!)”(VNR500,12/8/2010)

Như vậy, tư duy và cơ chế quản lý xã hội hay  hoặc dở, hoàn thiện hay khiếm khuyết, tất yếu dẫn đến hoặc kết quả hoặc hệ lụy khác nhau căn cứ vào việc sử dụng người, đặc biệt là những người tài. Mà đối với những người tài, nhất là các nhà khoa học, trí thức lớn, không chỉ đồng lương, quan trọng hơn là được tự do học thuật, tự do sáng tạo. Việc sử dụng những người tài, đòi hỏi những nhà quản lý có tầm, có tâm, biết tôn trọng lao động sáng tạo và…”không sợ họ”.

Cơ chế quản lý xã hội nặng tính cào bằng, thậm chí các thang bậc giá trị trắng đen lẫn lộn, sớm muộn cũng gây ra những bất công, làm ly tán lòng người. Nhiều người tài, cũng từ sự bất công đó mà ra đi. Sự suy yếu, tụt hậu của dân tộc là không tránh khỏi

Cơ chế quản lý xã hội công bằng, là động lực kích thích mọi người làm việc, khiến người tài tin tưởng, dốc lòng cống hiến. Không gọi, dù xa xứ, sớm muộn họ cũng sẽ quay về. Sự phát triển của dân tộc là tất yếu.

Không ai có thể quyết định số phận dân tộc Việt bằng chính người Việt. Cây cầu tre- tư duy và cơ chế quản lý xã hội tiểu nông bắc giữa hố sâu của 2 bờ “tụt hậu” hay “phát triển” cần được thay đổi, được đổi mới bằng cây cầu hiện đại- tư duy và quản lý xã hội gắn kết dân chủ, công bằng, văn minh và minh bạch.

Khi đó mới có thể kỳ vọng, sự thông minh song hành với sự lớn nhanh của người Việt, cũng tức là song hành với sự phát triển mạnh của dân tộc.

Xin đừng để sự “chậm lớn” của người Việt cũng thành một “hiện tượng”, nhưng là “hiện tượng” buồn!

Nguồn: Kim Dung, tuanvietnam

2 Phản hồi cho “Sự thông minh và sự “chậm lớn” của người Việt”

  1. Cu Tien says:

    Một lãnh tụ (không tiện nêu tên, vì ai cũng đoán ra) từng nói: Trí thức là cục cứt. Vậy với cỡ đại trí thức như GS NBC thì hẳn ông là một bãi, nếu không muốn nói một đống. Thế đấy. Thế giới mới biết một mặt của người Việt là GS NBC hay nghệ sĩ ĐTS mà chưa biết quan niệm kia về trí thức. Mong BBT đưa lên cho thế giới biết cùng vui chung.

  2. Hoanh Son says:

    Người Việt mình chắc ngàn năm vẫn thế không bao giờ có thể tự lập hay tự chủ về tư tưởng cũng như hành động.Thời phong kiến cái gì của Tàu cũng là nhất ,sang thời kỳ đấu tranh giành độc lập cũng phải dựa vào tư tưởng,CNCS.Ngoài ra còn có tính nịnh trên đạp dưới,trong nội bộ cũng tìm cách hất cẳng nhau,chia bè phái…do vậy mà ngoại nhân có cơ hội lợi dụng xương máu cuả dân tộc để thực mưu đồ của họ.Nhân tài để nước ngoài sử dụng là chuyện tất nhiên.

Phản hồi