Ai có thể sống vì một tác phẩm trong Tự do?
Tùy bút
1. Không chỉ một mình tôi lên toa số 22
Ngày 05 tháng 05 năm 2011, tôi lên toa số 22 tầu cao tốc ICE 1207, khởi hành từ Berlin Hauptbahnhof lúc 8 giờ 39 phút đến Ingolstadt Hauptbahnhof lúc 14 giờ 02 phút. Hóa ra có đến bốn năm nhà văn Đức sống ở Berlin và cây bút nữ Thổ nhĩ kỳ Pinar Selek cùng với Elif Camyar phiên dịch của cô cũng cùng ngồi toa số 22. Nhưng chỉ có ba chúng tôi cùng tới Altstadthotel ở Gymnasium.Str.9.
Đại hội thường niên của Trung tâm Văn Bút CHLB Đức đã khai mạc tại Altes Rathaus Ingolstadt vào hồi 18 giờ bởi lời chào mừng của Tiến sĩ Alfred Lehmann, Chủ tịch thành phố và diễn văn của Nhà văn Johano Strasser, Chủ tịch Trung tâm Văn Bút CHLB Đức. Khách mời đến từ Trung Quốc, từ CHLB Đức, từ Iran, Cu Ba, CHLB Nga, Thụy Sĩ, Simbabwe, Tschet schenie, Thổ nhĩ kỳ và Bạch Nga cùng với đại biểu là hội viên nước chủ nhà làm cho không khí buổi tiệc đứng cũng náo nhiệt rộn ràng một không khí hội hè, đa văn hóa. Cũng tưng bừng bia rượu vàng đỏ trắng, cũng nước cay, nước ngọt và bạn bè cũ mới tay bắt mặt mừng trao nhau danh thiếp, hỏi han mặn nhạt xốn xang.
2. Chúng ta hãy bẻ gẫy
Đúng 20 giờ, mọi người có mặt trong khán phòng lớn tại JohnnesStr.11, bắt đầu chương trình với tựa đề: Chúng ta hãy bẻ gẫy - nguyên là nhan đề một bài thơ của Hamid Skif, thi sĩ lưu vong người Algerien vừa mới qua đời ngày 18.03.2011 vì chứng ung thư bất trị.
Liu Xiaobo đã nói:“Khi một trí thức phải câm lặng, đó là sự ô nhục. Với tôi, sự câm lặng như thế giống như một bản án tử hình” . Tên tuổi và sự can đảm của Liu Xiaobo, Giải Nobel vì hòa bình đã được Tienchi Martin-Liao, Chủ tịch Trung tâm Văn Bút Trung Quốc độc lập (người kế nhiệm Liu Xiaobo) nhắc lại trong lời chúc mừng. Qua sự trò chuyện với chị, nhà văn Dirk Sager, Phó Chủ tịch Trung tâm đã cho rằng, mọi hy vọng chỉ là rất mơ hồ, Trung Quốc không hề là một đất nước tự do mà ngược lại là một nhà nước độc tài độc đoán. Việc hơn 100 văn nghệ sĩ trí thức Trung Quốc bị chính quyền bắt bớ giam cầm đã mang lại nỗi lo lắng to lớn về mạng sống của họ.
Các nhà văn Trung tâm Văn Bút Bạch Nga đến từ Minsk, đối thoại với Nhà văn Dirk Sager (tác giả từ Berlin đến Sài Gòn hành trình tới một nửa khác của thế giới) thông qua nữ dịch giả Katja Tewes, sự trao đổi của họ đầy ắp thông tin về những khó khăn của Tự do ngôn luận ở Bạch Nga (Weißrußland) bởi những hành động cấm đoán, đàn áp, tra tấn những người đối lập của chính quyền.
Nữ nhà văn Iran Mansoureh Shojaee, thuyết trình bằng lời và hình ảnh về “Tình trạng đất nước Iran hôm nay” – cử tọa ngạc nhiên và thán phục trước sự can đảm, và quyết liệt của những người phụ nữ Iran ở Teheran trong từng chặng đấu tranh vì quyền tự do ngôn luận , tự do báo chí trong hơn ba thập kỷ vừa qua.
Christa Schuenke, Phó chủ tịch Hội Văn Bút CHLB Đức đối thoại với Pinar Selek và Nevin Berktas. Đây là hai trường hợp đặc biệt. Nevin Berktas, nữ nhà báo, nhà văn và là người làm xuất bản tại Istanbul đã lãnh án 21 năm tù giam vì đấu tranh cho tự do ngôn luận, tự do báo chí, vừa mới ra khỏi nhà giam của Thố Nhĩ Kỳ vào ngày 15.04.2011 đã có mặt tại Đại hội nhờ sự can thiệp của Tòa án Nhân quyền Châu Âu. Cuốn sách được viết ngay trong nhà tù từ năm 2000 của Nevin Berktas đã khẳng định lòng quả cảm của nữ văn sĩ và làm cho phong trào đấu tranh cho Tự do ngôn luận tại Thổ Nhĩ kỳ nối thêm những vòng tay lớn với Tổ chức các Phóng viên không biên giới, với Trung tâm văn Bút Thụy Điển, với Trung tâm Văn Bút CHLB Đức. Pinar Selek, nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động xã hội sinh ngày 08 tháng 10 năm 1971 tại Istanbul, tốt nghiệp khoa Xã hội học Đại học Tổng hợp Mimar Sinan, vừa giỏi Pháp văn vừa thạo Anh ngữ, cũng chỉ vì đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận, bình đẳng xã hội mà đã chịu án tù giam hơn 12 năm của chính quyền Thổ Nhĩ kỳ. Nhờ sự đấu tranh nhân danh quyền con người của bạn bè quốc tế, chị đã tới Berlin từ mùa hè năm 2009 và được nhận học bổng của Chương trình Văn chương Di cư của Trung tâm Văn Bút CHLB Đức để tiếp tục sống và viết. Đầu năm 2010, nhà xuất bản Orlanda ở Berlin đã in cuốn sách “ zum Mann Gehätschelt-zum Mann gedrillt” của Pinar Selek. Chị nói với tôi là tới tháng 10 năm nay ấn bản tiếng Đức mới được phát hành tại Berlin. Tinh thần quả cảm của Nevin Berktas và Pinar Selek làm nhiều người ứa nước mắt. Nụ cười đẫm lệ trên gương mặt thông minh, quả cảm của cả hai nữ sĩ với những lời bộc bạch chưa phai mùi tù ngục khiến cho cả khán phòng đứng dậy vỗ tay. Ý tưởng thực hiện một cuộc phỏng vấn với Pilar Selek của tôi bị tiêu tan vì ngay sáng hôm sau (06.05.2011) chị đã phải lên tầu tới Dormund và tới Hanover nơi chị đã có chương trình đọc tác phẩm của mình theo một kế hoạch đã được chuẩn bị từ đầu năm.
Những người tổ chức Đại hội đã cố tình dành cả Diễn đàn của buổi tối khai mạc cho các nhà văn đã và đang bị khủng bố tại Trung Quốc, Bạch Nga, I ran và thổ Nhĩ Kỳ. Từ năm 1999 đến 2010, Chương trình Văn chương Di cư của Văn Bút CHLB Đức đã tài trợ nơi ăn chốn ở cho 24 nhà văn từ các nước: Sri Lanka(1), Weißrussland (3), Sierra Leone(1), Kuba(2), Bangladesch(1), Tunesien(1), Algerien(3), Iran (4), Kolumbien(1), China(2), Türkei(3), Simbabwe(2), Serbien(1). Nữ dịch giả kiêm nhà văn Christa Schuenke, Phó chủ tịch Trung tâm, đã không quên tỏ lời cảm tạ Bộ trưởng Bernd Neumann và Bộ Văn hóa và Truyền thông của chính phủ CHLB đã mang lại những hỗ trợ thiết thực cho 24 nhà văn bị đàn áp và bị đe dọa có cơ hội sống sót tại Đức với tư cách những người cầm bút. Rõ ràng Tự do ngôn luận là một quyền của Con người đang được Con người nỗ lực đấu tranh thực hiện. Chúng ta hãy bẻ gẫy những bạo lực đang chà đạp lên phẩm giá Con người.
3. Những người đã chết và những người đang viết
Ngày 06.05.2011, trước khi bắt đầu chương trình Đại hội nghe những đoản khúc tiễn biệt những đồng nghiệp vừa mới qua đời và dành cho những người chết một phút mặc niệm. Thấy tôi muốn được đọc lại bằng mắt lời ai điếu dành cho Eva Strittmatter (1930-2011), nhà văn Brigitte Struzyk hẹn sẽ gửi cho tôi qua Email.
Các báo cáo công tác của Chủ tịch Johano Straßer, của Tổng thư ký Herbert Wiesner, của hai phó chủ tịch Christa Schuenke, Dirk Sager, của nhà văn Jürgen Heckel Trưởng ban Hội Hữu ái Văn bút đều được hoan nghênh nhiệt liệt bởi những nội dung xác thực. Mặc dù có nhiều kiến nghị phải trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo, nhưng kết quả bầu cử cho thấy đội hình lãnh đạo mới của Trung Tâm Văn Bút CHLB Đức chỉ có một Thủ quỹ mới và một vài tên tuổi mới trong nhóm Cố vấn của trung tâm.
o
Sau gần hai giờ đồng hồ đối thoại với hai nhà văn của Trung tâm Văn bút Bạch Nga, uất khí từ hơi thở của các văn sĩ luôn luôn bị thế sự o ép bức hại hầu như tan loãng trong nắng chiều của thành phố ven sông Donau.
Chương trình buổi tối ngày 06 tháng 05 của Đại hội thuần túy không khí của tiểu thuyết. Nhà phê bình, nhà văn, Jochen Jung làm MC dẫn dắt cuộc đối thoại tay ba với nhà văn Richard Obermayr, tác giả tiểu thuyết Cửa sổ đến từ Wien và nữ sĩ Ulrike Draesner tác giả tiểu thuyết Ưu ái ( năm 2010) đến từ Berlin. Sự hồi đáp ngẫu hứng với những cái vò tai vỗ trán rất hồn nhiên chân thành của Richard Obermayr có vẻ trẻ trung và vụng về hơn sự đối đáp khúc chiết, rành mạch với các biến tấu được tiết chế một cách hóm hỉnh của Ulrike Draesner. Là người vừa tốt nghiệp Đại học Văn – Triết ở Münschen vừa tốt nghiệp Anh ngữ ở Oxfort, không chỉ viết xong cuốn tiểu thuyết thứ tư, người đẹp tuổi Nhâm Dần (1962) còn làm thơ, làm xuất bản và từ năm 2008 đã in một tiểu luận dầy cộp mang tựa đề: Đọc những người đàn bà đẹp. Lần Đại hội trước gặp Ulrike Draesner với tiểu thuyết Trò Chơi (năm 2005) ở Postdam thì tóc tơ nàng vẫn vàng ươm. Lần này gặp lại thấy tóc nàng vẫn ngắn mà đã trắng xóa như tóc tiên, chỉ có nụ cười hình như vẫn mặn duyên một cách ương ngạnh.
Petra Morscbach, nữ tiến sĩ văn chương kiêm đạo diễn sân khấu tuổi Bính Thân (1956), tác giả của năm cuốn tiểu thuyết và một tập tiểu luận “Về sự thật của người kể chuyện”, có cái đầu húi cua lần lượt giới thiệu hai nhà văn đầy cá tính. Tác giả Norbert Gstrein đến từ thành phố Wien với tiểu thuyết Toàn bộ sự thật và nhà văn Albban Nikolai Herbst đến từ Berlin với tiểu thuyết Biển, một cuốn sách đã từng bị cấm sau khi xuất bản lần đầu vào năm 2002. Đôi lúc những câu hỏi của Petra Morsbach tưởng như đã đẩy cả hai nhà văn vào những khoảnh khắc khó nói nhưng rốt cuộc các câu trả lời đều mạch lạc bất ngờ và hóm hỉnh khiến người nghe hồi hộp và thú vị. Sự dẫn dắt đầy kinh nghiệm và từng trải chữ nghĩa của Petra Morscbach đã làm cuộc trò chuyện mang đậm mầu sắc học thuật.
4. Không chỉ gặp lại người tình của Bertolt Brecht
Trong lời chào mừng Đại hội, tiến sĩ Alfred Lehmann, Chủ tịch thành phố Ingolstadt đã nhấn mạnh. Thành phố chúng tôi có một ý nghĩa hoàn toàn đặc biệt, Marieluise Fleißer, một nữ tác gia quan trọng của thế kỷ XX. Bà không chỉ để lại ngôi nhà Fleißerhaus trong đời sống văn hóa của người Ingolstadt mà tại đây cứ hai năm một lần lại có một Giải thưởng văn chương mang tên Marieluise Fleißer.
Tôi biết Marielouise Fleißer (1901-1974), một thời là người tình, là cộng tác viên của Bertolt Brecht là nữ tác gia sân khấu nổi tiếng đã sinh ra, lớn lên, và sống tại Ingolstadt cho đến lúc qua đời. Năm 1922, Marieluise Fleißer gặp gỡ Bertolt Brecht và bắt đầu gắn bó với ông trong những hoạt động sân khấu làm rung động dư luận xã hội. Năm 1929, bà bị bố đẻ cấm cửa vì đã gắn bó với Bertolt Brecht như một người tình mà không chịu lấy chồng tại phố quê. Năm 1932, không thể theo kịp những bước phiêu lưu của Bertolt Brecht, Marieluise Fleißer đành lấy chồng chủ tiệm cho yên bề gia thất. Một năm sau, tại Ingolstadt bà biết rằng người tình B. Brecht đã bỏ nước lưu vong. Tháng 8 năm 1935, bà thản nhiên nghe tin Bertolt Brecht bị tước quốc tịch Đức. Và cũng vào năm 1935, bà bị chế độ Đức quốc xã treo bút; nhưng từ đó, bà vẫn nhẫn nại sống tại thành phố quê hương. Mỗi khi bà rời khỏi Ingolstadt một vài tháng hoặc một vài năm cũng chỉ để tới Berlin hoặc đâu đó để cộng tác với Berltolt Brecht thực hiện những giấc mơ sân khấu đã ràng buộc họ như là một định mệnh.
***
Nhân dịp nhà văn Johano Straßer, Đảng viên Đảng Dân Chủ Xã Hội Đức (SPD) suốt 44 năm qua, tái đắc cử chức Chủ tịch văn bút CHLB Đức, Báo Người Donau của thành phố Ingolstadt (ra ngày 07.05.2011) giật tít: Dân chủ là thắp sáng và lan tỏa cho bài phỏng vấn ông về Tự Do và Nhân quyền.
Phóng viên hỏi: Tại sao Đại hội năm nay lại khai mạc ở Ingolstadt có liên quan gì giữa mục đích của Trung Tâm Văn Bút Đức và thành phố? Ông nói, đại ý, từ Thế kỷ 18, ánh sáng và trí tuệ của văn chương và triết học đã phát triển rạng rỡ ở đây. Công việc của P.E.N. là bảo vệ quyền con người, những gì mà nó gánh vác cũng trưởng thành với lịch sử trí tuệ. Tôi đã từng làm việc trong Ban Giám khảo Giải Marielouise Fleißer cho nên đã có một mối quan hệ rất tốt với đời sống văn chương văn hóa ở đây. Hơn nữa Ingolstadt lại là một thành phố đẹp.
Phóng viên hỏi: Ông đã trang trọng đưa các tác giả, các nhà văn, các nghệ sĩ Thổ Nhĩ Kỳ, I ran, Bạch Nga và Trung Quốc lên chương trình khai mạc của Đại hội, văn chương mà cũng cần phải chính trị vậy sao?
Ông bảo: thực là giả dối khi một văn phẩm hoàn toàn nhẵn nhụi vì nó phải áp dụng đường lối chính trị của một đảng phái. Tôi tin rằng trừ khi vì mục đích mà Nghệ thuật không được phép phục tùng. Nghệ thuật không phải phục dịch, không cần tự phát sáng và hoàn toàn có thể tự do. Nhưng một tác giả, một nghệ sĩ phi chính trị luôn biết rằng, anh ta chỉ có thể tự do trong tác phẩm của mình khi mà những điều kiện quanh nó cũng là những điều kiện tự do.
Mẹ Johano Straßer là người Hà Lan. Bố ông ra đời ở Mỹ, vừa có máu Áo vừa có máu Pháp. Johano Straßer chào đời tại Hà Lan sau đó theo cha mẹ sống ở Đức từ năm 1945. Khi ông lấy vợ, có con, làm xong Luận án Tiến sĩ Triết học và gia nhập Đảng SPD của Willy Brandt ở Mainz vào năm 1967 thì cha mẹ ông lại đã rời khỏi nước Đức. Hiện nay cha mẹ và hai người anh trai của ông vẫn sống tại Mỹ còn ông vẫn tự coi mình là một người Đức. Ông là một công dân quốc tế đã gắn bó cả sử mệnh, văn mệnh của mình với mọi tan hợp và đổi thay của nước Đức. Chính vì thế mà nhiều năm nay với những người cầm bút đang sống ở Đức, tiếng nói của ông rất có sức thuyết phục.
***
Buổi trưa thứ bảy, Đại hội có một cuộc đối thoại dài 90 phút của ba nhà văn, nhà nghiên cứu: Werner Fritsch, Kerstin Specht, Sabine Kebir về Marieluise Fleißer với tựa đề Ở nhà người lạ. MC cho cuộc trò chuyện thú vị này chính là Nữ Tiến sĩ Hiltrud Häntzschel, tác giả cuốn biên khảo: Những người đàn bà của Bertolt Brecht (2003). Nữ tiến sĩ rất vui khi tôi chia sẻ là đã đọc công trình nghiên cứu của bà và tôi đã gửi tặng một dịch giả nổi tiếng ở Hà Nội bản Photocopy cuốn Những người đàn bà của B.Brecht với hy vọng một ngày gần đây ông sẽ dịch ra tiếng Việt. Bà rất ngạc nhiên khi được biết, người Việt rất khâm phục B. Brecht nhưng đa số còn biết rất ít về những người đàn bà trong cuộc đời nhà soạn kịch kiêm nhà thơ mà họ hằng ngưỡng mộ.
***
Không chỉ tình cờ gặp lại một trong những người tình của Bertolt Brecht, khi tôi hỏi: “chị có qua tâm tới Blaga Dimitrova và cô con gái nuôi người Việt Nam của bà không?“ thì Jumjana Zacharieva thảng thốt nói: tôi chính là người dịch tập thơ Những vết sẹo của Blaga Dimitrova từ tiếng Bungaria sang tiếng Đức từ năm 1994. Rumjana Zacharieva, sinh ra ở Sofia năm 1950, sống ở Bonn từ 1970. Đã có hai tiểu thuyết xuất bản ở Horlemann Verlag. Khi biết là trong ba lô lính trận của tôi vào những năm bảy mươi của thế kỷ trước có cả thơ và tiểu thuyết du ký Vây giữa tình yêu của Blaga Dimitrova thì J. Zacharieva rất vui vẻ trò chuyện. Chị kể cho tôi nghe về sự dấn thân của Blaga Dimitrova cùng Liên minh các lực lượng dân chủ ở Bungari vào những năm 90 và sự say mê sáng tác của thi sĩ. Thấy tôi có vẻ quan tâm tới số phận không vui vẻ của cô con nuôi người Việt, Jumjana Zacharieva tâm sự. Tôi hay đến chơi với Blaga, thỉnh thoảng gặp Th. H., cô bé rất cô đơn. Cô không thừa nhận tôi khi tôi đùa xưng mình là dì với cô và cô bảo, dì của cháu ở tận Việt Nam cơ. Blaga Dimitrova thì rất ít có thời gian quan tâm chăm sóc tới con nuôi. Ngoài việc sáng tác, lúc cuối đời bà còn tham gia các hoạt động chính trị xã hội. Đến khi bà được đề cử phó tổng thống Bungari thì bà lại từ chối bước vào chính trường vì bất chợt tự biết mình vốn chỉ là thi sĩ. Người đàn ông sống chung với bà là một nhà phê bình, kém bà tới mười mấy tuổi. Giai thoại về quan hệ phi luân giữa ông bố người Bun và cô con gái nuôi người Việt có lẽ không phải chỉ là sự đồn đại. Sau này, cô con gái nuôi người Việt rất buồn, sau khi trưởng thành cô kiên quyết rời khỏi Sofia, sống mai danh ẩn tích và không muốn tiếp xúc với những người quen cũ nữa. Cho nên tôi cũng không có dịp gặp lại Th. H.
Trong khoảng thời gian từ năm 1966 đến 1972, Blaga Dimitrova đã năm lần tới thăm Việt Nam. Anh đã gặp bà ấy? J.Zacharieva hỏi tôi. Chưa bao giờ. Tôi chỉ đọc bà qua bản dịch Việt ngữ và chỉ nhìn thấy chân dung rất đẹp của Blaga trên bìa một của cuốn Vây Giữa tình Yêu. Tôi yêu Blaga vì bà ấy yêu Việt Nam. Lúc đó tôi là một anh lính mới 18 tuổi. Những trang viết và hình ảnh người đàn bà một mình đi đường trong thơ Blaga đã khích lệ bản lĩnh đàn ông trong tôi, đặc biệt là trong lúc tôi đang sống trong bom đạn.
Không chỉ có J.Zacharieva là bạn mới, lần này tôi gặp Sergej Solowkin, vốn là cử nhân Luật tốt nghiệp Đại học tổng hợp Karaganda làm việc trong Ban thanh tra hình sự ở Kasachstan với tư cách một cán bộ giám định pháp luật. Từ năm 1979 đến năm 1986 là phóng viên tự do, rồi trở thành phóng viên của báo “Nowaja Gazeta” như là một cây bút cỡ chuyên gia với nhiều bài phóng sự sắc bén về tình trạng tham nhũng. Từ năm 2002, sau hai lần bị Mafia ám sát hụt vì những bài báo phanh phui nhiều tội phạm hình sự, Sergej Solowkin và vợ là Emma, một phóng viên nhiếp ảnh đã phải rời bỏ nước Nga đến nương thân tại thành phố München trong sự giúp đỡ của Trung tâm văn Bút CHLB Đức. Người ta cho rằng có thể nhà nước Nga đã không thể hoặc không muốn bảo vệ họ. Vợ chồng Sergej Solowkin đành chấp nhận sống tỵ nạn ở Đức để tiếp tục viết. Vợ chồng anh rất vui khi thấy tôi nói được dăm bẩy câu tiếng Nga, nhắc đến dăm ba tên tuổi văn hào Nga nổi tiếng như M. Dostoievski, Ivan Bunin, Pautopvski..v..v… Bỗng dưng chúng tôi như những người đã quen nhau từ mười lăm hai mươi năm trước. Với anh việc in sách ở Đức là rất khó khăn. Sau khi xem qua bản tiếng Đức tập thơ “Cơn bão đêm qua không phải cuối cùng” của tôi do Horlemann Verlag xuất bản hồi tháng 02 năm 2011, anh chúc mừng và khoe với tôi cuốn sách mà những người bạn anh sắp cho xuất bản bằng tiếng Nga tại quê hương.
***
Đêm văn chương của Hội viên Văn bút trong lần Đại hội này diễn ra tại Ristorante Castello ở Adolf-Kolping-Str.1, một nhà hàng Italia nổi tiếng tại Ingolstadt. Không ai biết là ai sẽ đọc trước hay sau. Tên người sẽ đọc tác phẩm của mình được ban tổ chức viết vào các mẩu giấy và bí mật gấp lại bỏ vào một cái đĩa. Nhà văn Jürgen Heckel dẫn dắt chương trình ẩm thực và giới thiệu các tác giả là hội viên lên trình bầy tác phẩm một cách tình cờ mỗi khi ông bốc ra một mẩu giấy đã ghi sẵn các tên tuổi. Người đầu tiên lên đọc là nhà văn Walter Kaufmann, nguyên là Tổng thư ký trung tâm văn bút Đông Đức (thời chưa thống nhất hai Trung tâm Đông-Tây), rồi đến Petra Morsbach, đến Brigitte Struzyk, đến Hiltrud Häntzchel, đến Monica Rincks… Tôi không nhớ hết nổi tên từng người vì sự đọc diễn ra từng đợt đan xen với từng hồi ăn uống lai rai rộn ràng. Tôi chỉ nhớ mình là người thứ mười một tình cờ có tên trong mẩu giấy mà Jürgen Heckel tình cờ mở ra. Tôi đọc hai bài “Chẳng còn cách nào khác” và bài “Ôi hoa lê trắng muốt” vì nghĩ là nó hợp với không khí đêm tháng Năm ở Ingolstadt. Không hiểu các bạn cảm nhận được thơ mình qua bản dịch của Karin Enzanza tới đâu, chỉ thấy mọi người im phăng phắc, có cả mấy tia chớp xanh lét của một tay nhiếp ảnh. Sau khi ngừng lời, không cần phải xin tôi cũng nhận được những tràng pháo tay nồng nhiệt. Solowkin bảo tôi, được lắm. Thơ của kẻ sống hết mình với cả trái tim.
Jumjana Zacharieva, ngồi cạnh tôi là tác giả thứ mười hai. Hai bài thơ tình của chị được vỗ tay nhiệt liệt vì có những câu thơ táo bạo, hết lòng. Chị là người đọc cuối cùng. Khi dạ hội văn chương kết thúc chị vội vã tạm biệt tôi vì sớm mai phải ra tầu sớm. Chị bảo, khi về tới Bonn sẽ gửi ngay cho tôi tập thơ Narben của Blaga Dimitrova. Tôi cảm ơn và chúc chị bình an.
5. Không chỉ là những khắc khỏai của Johano Straßer
Ngày 08.05.2011, tôi không kịp trò chuyện gì với nhà văn Dirk Sager (như đã hẹn) trước khi cuộc hội thảo về thơ ca bắt đầu vào lúc 11 giờ. Không ngờ, người chụp ảnh tôi đọc thơ đêm qua lại chính là nữ Tiến sĩ Tâm lý học Claudia Guderian, nhà văn kiêm nghệ sĩ nhiếp ảnh đang ở Hamburg. Trước khi bắt đầu chương trình thảo luận thơ ca, chị ngồi ngay bên cạnh tôi và khoe, đêm qua tôi đã chụp được anh và cho tôi xem ngay mấy kiểu ảnh phóng sự rất sống động. Tôi trân trọng đề tặng chị tập thơ có hai bài thơ vừa đọc đêm qua như một lời cảm ơn.
Nữ nhà thơ Monica Rinck tuổi Kỷ Dậu (1969), tốt nghiệp văn chương, Đức ngữ, Tôn giáo và Anh ngữ ở các Đại học tổng hợp tại Bochum, Berlin và Yale lần lượt giới thiệu và dẫn dắt cuộc thảo luận về tác phẩm của bốn nhà thơ với bốn phong cách khác hẳn nhau. Mở đầu là nữ hai thi sĩ Anne Duden và Marion Poschmann với những thi tứ u mặc trữ tình. Sau đó tới Steffen Popp và Ulf Stolterfoht với phong cách khỏe khoắn giầu sự hài ước giễu nhại.
Phải nói rằng khả năng ngôn ngữ và óc phân tích nhạy bén trong khi làm việc với từng giọng điệu cụ thể đã làm cho Monica Rincks chủ động và tinh tế trong từng đối thoại đầy ngẫu hứng mà vẫn sắc lẻm khi ứng xử với ngôn từ. Rõ ràng con người thi sĩ và con người triết luận trong Monica Rincks đã làm cho liên khúc thảo luận có tựa đề Lyrikmatinee luôn luôn có sự sống động học thuật. Đây là nội dung cuối cùng của chương trình.
Có thể nói sự mở đầu có vẻ rất chính trị và sự kết thúc bằng một nội dung thi ca của Chương trình Đại hội đã bộc lộ tài tổ chức của Chủ tịch Johano Straßer. Thảo nào, ông luôn luôn cho rằng:“Sự dấn thân chính trị là sự hoàn thiện và làm đầy cuộc đời mình”.
Trên bìa bốn cuốn Hồi ký tự truyện Khi chúng ta còn những thần thánh tháng Năm xuất bản năm 2007, người ta đã nhận định: “Chủ tịch Văn Bút CHLB Đức đã viết về lịch sử 40 năm của Cộng hòa liên bang, về cuộc đời của ông và về những giá trị mà ông luôn luôn bảo vệ: Phẩm hạnh của cá nhân chống lại chủ nghĩa thị trường cực đoan, còn lý trí thì chống lại mọi hình thức của sự cuồng tín”. Tôi đặc biệt thú vị với chương 22 có tựa đề: Thời gian thay đổi. Ông nói về cảm giác của ông trong buổi chiều ngày 09 tháng 11 năm 1989, về sự sụp đổ của bức tường Berlin, về những giọt lệ, những cơn giận dữ, những tâm trạng đắc thắng hả hê, những nỗi thất vọng của các chính khách tả, hữu và những giá trị Châu Âu cùng với những cơ hội khả biến của nó sau thời điểm nước Đức thống nhất. Lối kể chuyện mạch lạc theo từng vấn đề và việc lấy từng biến cố nhớ đời của mình và của thời cuộc làm trục hồi tưởng và tự thuật đã chứng tỏ sự uyên áo của con người văn-triết trong ông.
Johano Straßer nhận bằng Tiến sĩ Triết học từ lúc 28 tuổi (1967). Năm 1977, ông trở thành giáo sư giảng dạy Khoa học Chính trị ở Đại học Tự do Berlin. Từ năm 1983, ông sống như một nhà văn tự do. Từ bấy đến nay ông đã xuất bản ngót hai mươi cuốn sách dầy dặn. Gồm: 1 tập thơ mang tựa đề “Trong mưa nói về mưa-1983, 10 cuốn sách triết luận chính trị (cuốn đầu tiên mang tên „ Biên giới của Nhà nước Xã hội? (năm1979), cuốn gần đây nhất mang tựa đề Cái Đầu hay là Con số (2005), 4 cuốn tiểu thuyết (cuốn đầu tiên Tiếng kèn săn nai (1987) và cuốn gần đây: Một chuyện tình tỉnh lẻ (2008), 2 tập truyện ngắn: Tìm Nhà (1989) và Người kéo Thụ cầm (1992), một tập hồi ký: Khi chúng ta còn những thần thánh tháng Năm (2007). Năm 1982, ông nhận Giải thưởng cho sách Chính trị và năm 2002 ông đoạt Giải Văn chương Gerty –Spies.
Johano Straßer là Tổng thư ký của Trung tâm Văn bút Tây Đức từ năm 1995. Ông là người đã mang nhiều tâm trí để thúc đẩy sự hợp nhất hai Trung tâm Văn Bút Đông Đức và Tây Đức thành một Trung tâm văn bút CHLB Đức vào năm 1998.
Tôi cho rằng từ năm 1992, ông đã nổi tiếng với cuốn Cuộc đời không ảo tưởng? và có lẽ cuốn tiểu luận-phê bình Sống hay là sống sót (2001) đã làm ông trở thành một con người có uy tín đối với những người cầm bút đang sống tại CHLB Đức.
Ông sinh ngày 01.05.1939, từ năm 2002, năm khởi đầu một chu kỳ sống mới, ông được bầu làm Chủ tịch Trung tâm Văn Bút CHLB Đức thay người Chủ tịch tiền nhiệm của ông là Said, một nhà văn Đức gốc Iran. Có lẽ do sự kết hợp và thăng hoa giữa năng khiếu thi ca và tài tổ chức của một tiểu thuyết gia, giữa trí tuệ một nhà triết luận và bản lĩnh của một chính khách từng trải nhiểu chức vụ trong bộ máy của Đảng SPD ở cả Tây Đức lẫn Tây Berlin trong suốt hơn 40 năm hoạt động không ngừng đã làm cho sự tín nhiệm ông trở nên ổn định. Ngay từ những năm bảy mươi, tám mươi của thế kỷ trước, ông đã lăn lộn với văn chương và chính trị ở Tây Berlin và ở Đức cùng với những người bạn vong niên như: Willy Brandt, Carola Stern, Günter Grass, Heinrich Böll, Erich Fried, Günter Wallraff, Karl-Heinz Hansen. Đã nhiều lần gặp gỡ với các đồng nghiệp Đông Đức từ thời trí thức tả-hữu phải giao lưu với nhau bằng những hòm thư câm, cho nên ông có kinh nghiệm và năng lực kết nối những kênh rạch khác nhau của tâm trí Đông Tây. Cho nên dù đã 72 tuổi thì việc ông tái đắc cử chức Chủ tịch Trung tâm Văn Bút Đức lần này vẫn như là một chuyện đương nhiên. Trong hồi ký của mình, Johano Straßer kể rằng khi ông còn là một cậu bé sống cùng với tám người khác trong một căn hộ hai phòng, mẹ ông hay nhắc.”Con yêu, hãy mở miệng đúng lúc còn hơn sau đó lại cằn nhằn!”. Có lẽ vì nhớ tới lời mẹ dặn năm xưa, Chương 23 trong cuốn hồi ký tự truyện của ông lại có tựa đề “Vì sự tự do của ngôn từ”. Phải chăng cũng vì sự tự do của ngôn từ mà người mẹ luôn muốn con mình biết mở miệng.
“Vì sự tự do của ngôn từ” cũng chính là chủ đề vang lên ở Đại hội Văn Bút CHLB Đức tại Darmstadt từ năm 2002. Mục đích ấy luôn vang lên như một khắc khỏai truyền kiếp của những người cầm bút. Đại hội Văn bút CHLB Đức của Johano Straßer lần này mang chủ đề Vì một tác phẩm trong tự do diễn ra tại Ingolstadt, nơi Marieluise Fleißer, nữ văn sĩ nổi tiếng đã từng bị chế độ Đức quốc xã treo bút những vẫn gan góc sống vì một tác phẩm trong tự do ngay trên thành phố quê hương. Hậu duệ của những nhà văn đã từng phải di cư và lưu vong như Hein rich Heine, như Thomas Mann, như Bertolt Brecht, như Maria Erich Remaque, như Anna Seghes, như I Van Bunin, như Nazim Hikmet, như Ioxip Broski v.v… có lẽ đã quá biết tiền bối của họ đã phải tốn kém bao nhiêu máu và nước mắt để sống vì một tác phẩm trong tự do. Mới đây, ở Việt Nam chỉ vì viết “Đối mặt” mà nhà văn Vi Đức Hồi bị truy bức và chịu án 5 năm tù. Mới đây ở Việt Nam, chỉ vì tự do Ngôn luận mà Luật sư kiêm nhà báo Cù Huy Hà Vũ rơi vào vòng lao lý với án tù 7 năm. Có lẽ Johano Straßer chưa kịp biết rằng, vì đã dũng cảm sáng lập báo Mở Miệng và Nhà xuất bản Giấy Vụn để tự phát hành lấy tác phẩm của mình và bạn hữu suốt mười năm qua, mà nhà thơ Bùi Chát đã được lĩnh Giải thưởng từ tay Chủ tịch Ủy ban Tự do xuất bản của IPA tại Buennos Aires. Và mới đây, ngày 02 tháng 05 năm 2011, Hiệp Hội các nhà xuất bản Quốc tế IPA đã ra thông báo tuyên bố phản đối Việt Nam đã bắt giữ nhà thơ Bùi Chát và tịch thu Bằng Tưởng Thưởng vì những đóng góp cho quyền tự do ngôn luận của ông vào ngày 30.04.2011 vừa qua, khi ông vừa từ Buenos Aires Arheintina trở về nước. Có lẽ Johano Straßer, cũng chưa hay tin: do áp lực của Quốc tế Công an Việt nam đã phải thả Bùi Chát nhưng vẫn bắt ông trình diện để quản chế. Tôi không thể liệt kê hết những nạn nhân người Việt chỉ vì tự do ngôn luận mà bị đàn áp hoặc đã phải vào tù.
Vì một tác phẩm trong tự do, tôi thề…
Vì một tác phẩm trong tự do, tôi đã…
Vì một tác phẩm trong tự do, tôi sẽ…
Vì một tác phẩm trong tự do, tôi quyết…
Sau mỗi trạng ngữ trên sẽ là một mệnh đề chi phối một số phận nhà văn. Có lẽ trạng ngữ mục đích này đã là nỗi khắc khỏai cả đời của những người cầm bút trên khắp thế gian chứ chẳng phải của riêng nhà văn Johano Straßer.
6. Ai có thể sống vì một tác phẩm trong tự do?
Chắc Johano Straßer sẽ không phủ nhận được một sự thật là các hội viên Văn bút CHLB Đức của ông không hề chăm chỉ tham dự Đại hội. Dù mỗi nhiệm kỳ chỉ là một năm nhưng Đại hội luôn luôn là Đại hội toàn thể. Mọi Hội viên đều được mời họp, đều có quyền đăng ký tham dự nếu có đủ thời gian và tiền bạc để tự túc ăn, ở. Đã đành cầm bút viết văn là một công việc rất phiêu lưu. Viết văn không dễ ra tiền nhưng lại rất dễ ra bã. Viết văn rất dễ được gái mê, được giai thích nhưng cũng rất dễ bị vợ bỏ, bị chồng chê. Viết văn rất dễ nổi tiếng mà cũng rất dễ tai tiếng. Viết văn rất dễ trúng mánh nhưng cũng rất dễ trúng thương. Viết văn không dễ vào cầu những lại rất dễ vào tù. Ai vì một tác phẩm trong tự do mà viết vô bờ bến lại càng dễ gặp hiểm nguy.
Nói gì thì nói, khi mà chỉ có 120 Hội viên trong số hơn 650 hội viên chính thức có mặt tại Đại hội ở Ingolstadt năm nay thì rõ ràng Hội viên của Johano Straßer đã lười họp một cách thoải mái… để viết? Tuy nhiên, giữa một thế giới còn không ít bạo lực đe dọa và đàn áp một cách tinh vi và tàn bạo đời sống của từng người cầm bút ở nhiều quốc gia thì sự kết nối trí tuệ văn nhân của Johano Straßer và các cộng sự rút cuộc đã dấy lên trong tôi một tự vấn: Ai có thể sống vì một tác phẩm trong tự do?
Như một khắc khỏai truyền kiếp, mỗi người cầm bút vẫn phải lặng lẽ tìm ra cho chính mình một phương cách để không phải sống vì một tác phẩm trong sự nô bộc.
Ai có thể sống vì một tác phẩm trong tự do?
Đây vẫn là một câu hỏi còn làm tức ngực cả những người cầm bút không có mặt tại Đại hội vừa qua ở Ingolstadt.
Tháng 05 năm 2011-Berlin
© Thế Dũng
© Đàn Chim Việt
Trong toàn bộ lịch sử nhân loại, con người duy nhất đã nhân danh sự tự do giả ảo để thủ tiêu tự do đích thực của loài người, và trở thành con người nổi tiếng, được biết đến nhiều nhất, đó không ai khác hơn là chính Các Mác.
ĐẠI HẢI