“Quy chế thực hiện Dân chủ cơ sở” có… dân chủ?
I.
1. Dân chủ của xã hội Việt Nam ta phấn đấu phải chăng đã đi những bước lùi! ?. Mùa Thu – tháng Tám 1945 – cả dân tộc Việt Nam nổi dậy giành độc lập tự do cho tổ quốc, quyền dân chủ của nhân dân. ” Dân chủ” đã thể hiện tên nước – Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sau ngày đất nước “vĩnh viễn độc lập tự do”, dân chủ biến mất, chỉ có “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Đến thời “tự đổi mới” để tồn tại, “dân chủ” xã hội được đặt ra là một trong những mục tiêu phấn đấu – ”dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” ! Chưa có “dân chủ”, chưa có “công bằng”, chưa có “văn minh” nên phải phấn đấu… cũng là điều dễ hiểu!. Nhân dân từ thực tế cuộc sống của mình dưới chế độ “dân chủ nhân dân” đã dần có ý thức về dân chủ, nhân quyền trong xã hội mình đang sống!
“Cách mạng là sáng tạo”(!?). “Đảng ta” làm cách mạng từ trước đến nay lúc nào cũng sáng tạo(!). Dân chủ “vừa là động lực, vừa là mục tiêu” đã được đảng ta vận dụng rất ư là “sáng tạo” và còn “cụ thể” nữa. Vì là nhà nước “của dân, do dân, vì dân” nên “quyền dân chủ” của nhân dân được đảng đặc biệt quan tâm xây dựng, phát huy, thực hiện tận cơ sở(!). Trước yêu cầu đòi hỏi về dân chủ của xã hội, Đảng CS đã có Chỉ thị về chủ truơng và Chính phủ đã ban hành các Nghị định về “Quy chế thực hiện dân chủ cơ sở”, cụ thể hóa phương châm ”dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Mỗi cơ sở cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, phường xã, trường học… đều xây dựng “Quy chế thực hiện dân chủ cơ sở”. Thực hiên dân chủ cơ sở xã, phường, thị trấn có Pháp lệnh dân chủ cơ sở xã (thay nghị định 79); cơ quan hành chánh, sự nghiệp có nghị định 71; Doanh nghiệp nhà nước có nghị định 07; doanh nghiệp cổ phần, có vốn đầu tư nước ngoài với nghị định 87… Rồi mỗi cơ sở vận dụng, xây dựng quy chế thực hiện phù hợp với đặc điểm “cơ sở” của mình. Hình như, có “quy chế thực hiện dân chủ cơ sở” thì nhân dân, cán bộ công chức, công nhân lao động mới có dân chủ, mới thực hiện được dân chủ, mục tiêu “dân chủ” mà đảng, nhà nước đang ra sức phấn đấu…!
2. Quy chế thực hiện dân chủ cơ sở đã cụ thể hóa phuơng châm thực hiện dân chủ. Quyền “dân biết” thành những hình thức như “ thông báo”, “công khai”; “dân bàn” thành “ tham gia ý kiến”. Có những nội dung nhân dân “tham gia” và “quyết định”, có những nội dung Chủ tịch, Thủ trưởng, Giám đốc quyết định sau khi nhân dân có ý kiến “tham gia”. “Quyền giám sát, kiểm tra” được thực hiện qua một cơ cấu tổ chức với tên gọi là “ban thanh tra nhân dân”. Thành viên ban thanh tra nhân dân tất nhiên được cấp ủy, chính quyền, “đoàn thể đại diện nhân dân” ở cơ sở chọn lựa trước để nhân dân, người lao động “dân chủ” chọn lựa và bầu. “Thanh tra nhân dân”, tên gọi nửa nhà nước, nửa nhân dân, nhưng “thanh tra nhân dân” chứ có phải “nhân dân thanh tra” đâu! Tên gọi “thanh tra” cho oai vậy chứ nhiệm vụ chủ yếu chỉ là “kiểm tra, giám sát”, nhưng rồi chẳng “kiểm tra” được ai nên hiện nay sửa lại, nhiệm vụ chủ yếu là “giám sát”, “xác minh” do Công đoàn, Mặt trận chỉ đạo hoạt động. Người không biết nghĩ rằng nó có quyền to nhưng thực tế lập ra cũng để cho có, hoạt động chỉ là hình thức, không có tác dụng gì. Bởi vậy, đâu có vụ tham nhũng, tiêu cực nào do Ban thanh tra nhân dân phát hiện…!!
Dân chủ của xã hội ta đang phấn đấu thực hiện bằng “quy chế thực hiện dân chủ cơ sở”, tất cả phải theo cơ chế ”Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Trong doanh nghiệp “tăng cường sự lãnh đạo của tổ chức Đảng ở doanh nghiệp nhà nước đối với toàn thể người lao động, đối với Hội đồng quản trị (ở những doanh nghiệp nhà nước có Hội đồng quản trị), Giám đốc, tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước…” (Điều 4.NĐ 07). Dân chủ phải có Đảng lãnh đạo, không có đảng lãnh đạo nhân dân sẽ không biết làm chủ (!?)… Trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở nhân dân, người lao động mỗi năm chỉ một lần được thực hiện quyền dân chủ trực tiếp, toàn diện của mình qua hình thức có tên gọi “Hội nghị Cán bộ công chức” (trong cơ quan hành chánh, sự nghiệp) hoặc “Đại hội công nhân viên chức”, “Hội nghị người lao động” (trong các doanh nghiệp), Hội nghị nhân dân Thôn, Khu phố (ở Xã, Phường, Thị trấn), ngoài ra, tất cả đều thông qua quyền dân chủ đại diện của các tổ chức Mặt trận, công đoàn… mà các tổ chức ấy đều trong hệ thống chính trị – xã hội do đảng lãnh đạo, là tổ chức của đảng, nhà nước. Chính quyền và Mặt trận; giám đốc, thủ trưởng và công đoàn “phối hợp” với nhau tổ chức cho nhân dân, cán bộ công chức, người lao động (xin gọi chung là nhân dân) “thực hiện dân chủ”! Nhân dân có quyền gì? Dân chủ ấy bản chất cũng chỉ là của…”chủ dân” ! Trong từng cơ sở, Chủ tịch, Thủ trưởng, Giám đốc… là người đứng đầu, nắm mọi quyền quản lý. Ở địa phương lại có thêm cả lực luợng công an, quân đội, dân phòng, mạng lưới an ninh nhân dân và các tổ chức “tự quản” của nhân dân(!). Nhân dân tốt nhất là chấp hành, làm theo những gì mà nhà nước, chính quyền địa phuơng, thủ trưởng, giám đốc cơ quan, doanh nghiệp quy định. Chỉ khi nào bức xúc quá, không thể chịu đựng nổi lúc ấy mới có kiến nghị, khiếu nại, thậm chí “khiếu kiện vượt cấp, đông người”, hoặc đi đến tận trung ương ăn dầm, nằm dề để đuợc gặp đầy tớ của dân… đòi công lý; hoặc bằng những cuộc đình công của công nhân hay sự ăn chơi sa đọa, nhủng nhiễu… của không ít cán bộ công chức trong bộ máy nhà nước hành (dân là) chính…!
Quyền dân chủ nhân dân thực hiện “tập trung” trong tay đảng, các cấp ủy đảng, thủ trưởng, giám đốc. Nhân dân chỉ có thể “dân chủ’” bàn để “thực hiện”. “Ý đảng” là “lòng dân” mà! Đảng muốn là dân phải muốn! “Im lặng là vàng”! Nhân dân được mời đến để “thực hiện quyền dân chủ“ trực tiếp, toàn diện của mình, ngoài một số cán bộ hưu trí là những đảng viên nói như nghị quyết; bảo vệ đảng là bảo vệ quyền lợi của mình; nhân dân, nguời lao động chủ yếu, chỉ làm Bụt ngồi nghe. Dân chủ của đảng ta lãnh đạo là dân chủ 100%, đã như vậy rồi nhưng lúc nào cũng cảnh giác, đấu tranh, chống hết những âm mưu này đến những âm mưu nọ…
II.
1. Người công dân là công dân xã hội. Quyền dân chủ của công dân là quyền dân chủ trên phạm vi toàn xã hội, vì sao đảng, nhà nước VN lại sáng tạo ”thực hiện dân chủ cơ sở”? Cuộc sống nguời công dân, nhân dân, lao động phải chăng chỉ ở cơ sở? Mỗi “cơ sở” là một vương quốc? Làm chủ ”ở cơ sở” là đã đầy đủ, toàn diện chứ không cần làm chủ toàn xã hội(?).
Mỗi cơ sở trong hệ thống quyền lực chính trị hành chánh nhà nước là cấp trực tiếp với nhân dân. Hệ thống quyền lực chính trị nhà nước mọi cấp đều có thẩm quyền và đều có liên quan trực tiếp, gián tiếp đến cuộc sống của mọi công dân trong xã hội. “Khoanh” quyền dân chủ của nhân dân chỉ thực hiện tại cơ sở phải chăng là để tạo nên sự chia cắt, hạn chế quyền dân chủ của nhân dân; ngăn chặn sự liên kết, ý thức công dân đối với toàn xã hội làm chủ đất nước thành những đơn vị nhỏ như những “pháo đài” để dễ cát cứ, quản lý và trấn áp (theo bản chất của nhà nước chuyên chính vô sản)?! Là “van an toàn” của hệ thống bên trên để quản chặt bên dưới; nhân dân ở “cơ sở “ như trong một cái đáy tháp, “lồng son” với nhãn hiệu dân chủ cơ sở (!); Những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân không được vượt cấp, vượt quyền, phải theo trình tự từ dưới lên, cơ sở là chốt khóa. Những điều ấy đã thể hiện “xuyên suốt” về mặt luật pháp, như Điều 11. Hiến Pháp quy định “Công dân thực hiện quyền làm chủ của mình ở cơ sở bằng cách tham gia công việc của Nhà nước và xã hội…”(?!) hoặc, điều 176. k1. b Bộ luật lao động VN quy định – quyền đình công của người lao động không đuợc phép “vượt ra ngoài phạm vi doanh nghiệp.” ; Pháp lệnh dân chủ cơ sở xã của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội thay nghị định 79/2003/ND-CP và các nghị định khác của chính phủ ban hành về “quy chế thực hiện dân chủ cơ sở.”…
2. Sự quy định phạm vi cơ sở để nhân dân thực hiện quyền dân chủ của mình ở cơ sở cùng với cơ chế Đảng độc quyền lãnh đạo đã biến tình cảm, tư duy, nhận thức của con người thành chai sạn, xơ cứng, vô cảm, đánh mất ý thức công dân đối với xã hội, đất nước; rất nguy hại về mặt nhân tính của con người trong cuộc sống xã hội. Bằng quyền lực và những đặc quyền về lợi ích của tập đoàn lãnh đạo, cai trị cùng với cả hệ thống tuyền truyền của hệ thống chính trị – xã hội đã gây lòng tin trong nhân dân như một đức tin tôn giáo, tuyệt đối tin tưởng, phục tùng sự lãnh đạo của đảng(!); đồng hóa Đảng là Tổ quốc.(!). (Trước đây, nhân dân nông thôn miền Bắc, câu nói cửa miệng luôn “ơn đảng, ơn chính phủ”; ngày nay câu nói đó đang mất dần. Phải chăng nhân dân đã có một tình cảm, nhận thức khác về đảng!?)! Trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc hệ thống chính trị – xã hội nhà nước, quan hệ – thủ trưởng, cấp trên và cán bộ, nhân viên, cấp dưới; nhân viên, cán bộ, cấp dưới chỉ biết phục tùng thủ trưởng, cấp trên. Cấp trên (cùng với cấp ủy đảng) là nguời nắm quyền tuyệt đối như thiên tử trong một vương quốc, người ban phát, cho nhân viên, cán bộ cấp dưới mọi quyền và lợi trong quan hệ trung thành, phục tùng (vì trong cơ chế đảng nắm công tác cán bộ; cán bộ do đảng bố trí, cử, phân công, cất nhắc, đề bạt…!). Cán bộ cấp dưới làm việc như là cho thủ trưởng, vì thủ trưởng mà cũng là vì đảng, thực hiện nhiệm vụ, nghị quyết của Đảng. Trong quan hệ gần như là “hữu cơ”, tuyệt đối trung thành, phục tùng ấy, quyền thủ trưởng, cấp ủy Đảng là quyết định. Từ quan hệ ấy, cán bộ công chức, lao động, ý thức hay không ý thức đã không còn biết mình phục vụ ai, làm cho ai, vì ai ngoài vì đảng và thủ trưởng, cấp trên – người có quan hệ đến chức tước, bổng lộc của mình. Các vấn đề đất nước, xã hội có đảng lo. Đảng chưa có chủ trương, nghị quyết thì không được tự quyền nói trước, làm trước…(!). Những “đại biểu nhân dân” nhưng dân không có quyền gì đối với đại biểu đại diện của mình ngoài quyền “bầu cử”! Cán bộ “sợ” đảng chứ đâu “sợ” dân. Cán bộ ăn lương từ thuế của nhân dân nhưng không vì dân, chỉ vì đảng! Tất cả thoát ly khỏi quyền lực của nhân dân. Mỗi cán bộ công chức, nguời lao động gắn bó “quyền dân chủ” của mình trong phạm vi cơ sở, không có quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, không có diễn đàn. Thông tin đến với cán bộ công chức, nhân dân, nguời lao động chỉ là thông tin một chiều mà 700 tờ báo cùng cả một hệ thống tuyên truyền của đảng, nhà nước, đoàn thể tiến hành đồng thời. Người công dân, nhân dân, lao động dù có “biết”, có ý thức về mệnh nước như qua các sự kiện Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; về sự bất công, tha hóa, thối nát, bất minh, tham nhũng, hối lộ; mua quan bán tước; tàn phá tài nguyên, môi trường; thiếu minh bạch trong sử dụng ngân sách nhà nước – tiền thuế của nhân dân, … nhưng có bao nhiêu người dám tỏ thái độ?! … Nhưng may thay, cuộc sống, xã hội đất nước thời đại bây giờ không phải như xưa. Bản chất của nền kinh tế thị trường là dân chủ và nhất là trong thời đại “thế giới phẳng”, những thông tin một chiều, tạo nhiểu, không đúng sự thật, không được công khai đã được thế giới “ảo” bổ sung bằng những thông tin “thật”, lan tỏa cùng với những hệ thống “truyền thông” trong nhân dân đã giúp cho nhân dân, người lao động ngày càng có nhận thức đầy đủ, đúng đắn hơn về quyền dân chủ của mình đối với xã hội và bản chất của những nhà cai trị xã hội…
Trong xã hội dân chủ, tất cả mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật chứ không phải công dân xếp hàng mà đảng viên là công dân loại một.. Mọi thiết chế tổ chức bộ máy, quyền lực nhà nước từ trung ương đến cơ sở đều liên quan đến mọi hoạt động cuộc sống, quyền, lợi ích của nhân dân và ngược lại, mỗi công dân đều có trách nhiệm đối với toàn bộ hệ thống chứ không phải chỉ riêng tại cơ sở. Quy chế thực hiện dân chủ cơ sở ”do Đảng, nhà nước VN” sáng tạo có…” dân chủ” hay chỉ là một thủ đoạn chính trị huyển hoặc nhân dân, nhân danh dân chủ triệt tiêu quyền dân chủ của nhân dân đối với toàn xã hội, đất nước để giữ quyền độc tôn lãnh đạo!?
© 2008 www.danchimviet.com