WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Bản mặt Janus: Hai hướng nhìn từ một tâm thức

LTS: Ðã hơn năm tháng sau khi  Văn đăng bài Cái Âm Ðiệu Tủi Thân, Bi Ðát, những phản bác mạnh mẽ và lan tràn cho đến hôm nay vẫn còn tiếp tục.  Riêng tại Bắc California, một số đông đã mở những phiên đấu tố, phát động phong trào tẩy chay và bài trừ tác giả và chủ nhiệm bổn báo.  Bài sau đây – NHL viết cho đầu năm mới 2004 – có thể được đọc như là một luận đề trong bối cảnh tranh luận đó.

Every stick has two ends – one points to heaven; the other, hell. (Gurdjieff)

Từ thần đế La Mã hai mặt:   Khi đế quốc Roman còn đang trong thời kỳ hưng thịnh trong ảnh hưởng của văn minh đa thần Pagan từ Hy Lạp, hằng năm khi tháng đầu tiên của một năm mới đến thì những chiến sĩ của La Mã làm lễ chiêm bái thần đế Janus hai mặt: đồng lúc nhìn lại quá khứ để học từ những kinh nghiệm đã qua nhằm thẳng tiến về tương lai. Ðây là một thời khắc của hai diện mạo tương lai và quá khứ đồng thể hiện trong tâm tưởng của người chiến đấu giữa thế cuộc – January.

January là hiện thân của Thời: sự chuyển tiếp từ một cái đã đi qua để nắm lấy một cái chưa đi đến trong bánh xe của cái đang Là. Ðây là tháng mà sự giao mùa đang nâng cao mức độ rung động của vũ trụ và tất cả những năng lực sinh hữu. Ðồng lúc cái chết và cái sống cùng hiện diện chung trong một tâm thức – quá khứ (cái chết) và vị lai (cái sống) chia nhau một cái đầu.  Cái đầu này đứng ở cánh cửa của Tương lai.  Nó mang một trạng thái nhị nguyên: cánh cửa đang đón chờ mà con người bước qua có rời bỏ được quá khứ như là một kinh nghiệm đã trở thành tinh hoa của ý thức làm hành trang cho Tương lai – hay là bị ám ảnh và lôi kéo bởi quá khứ mà cuối cùng chỉ mang cái đã chết đi qua cánh cửa vào một không gian rỗng không.  Mỗi cá nhân là một chiến sĩ cho một vương quốc tinh thần – và khi bước vào năm mới, hắn phải bước qua biểu tượng ý chí và tâm thức của Janus nhằm hiện thực hóa Tương lai vào trong bước chân đang đi đến của Thời gian.  Nó là nấc thang của ý chí tiến hóa vươn ra khỏi chính mình nhằm thoát khỏi cái ta đầy quá khứ nhọc nhằn.  Nó là một trận chiến trường kỳ và liên tục trên hai mặt sinh hữu trên cơ sự con người – cái ù lý đầy cảm tính của thân xác đối với khả thể thăng hóa và vượt giới hạn thiên nhiên bằng ý chí và tinh thần, của hướng ngoại đối với đời sống nội tâm, của cảm tính đối với tri thức, của cái có thể là đối với cái đang bị đôi vào quá khứ đã là.

Trong tất cả, January là trận tuyến trên bình diện thời tính – mà không gian là khuôn mặt ngoại thân để cho ý thức nhìn lại được chính mình trong sự chuyển động của cái Ðang Là.  Trong sự chuyển mình trên hiện tượng ngoại thân, cảm thụ từ kinh nghiệm quá khứ trở nên một rung động giao cảm và là thức ăn cho sinh nghiệm tâm thức.  Ðời sống là một cỗ tiệc lớn đầy thức ăn sơn hào hải vị và trà rượu thơm ngon – nếu con người biết tiêu dùng và chuyển hóa kinh nghiệm cuộc đời.  Sinh hiện là một tiến trình của spiritual alchemy.  Cái chết và cái sống, khổ đau và hoan lạc đều mang cùng một bản chất hiện tượng và cùng một ý nghĩa – cái này là điều kiện cho cái kia trong chuỗi định mệnh của thân xác hữu hạn – mà ngã thể là một lò thí nghiệm tâm thức.  Trong đó, tâm lý là năng lực tinh thần bị suy thoái vào cõi cá tánh và thân xác. Ý nghĩa của January, do đó, là về cơ thể và ý chí con người như là một năng lực chọn lựa: giữa thân xác và tinh thần, giữa tạm thời và vĩnh cửu, giữa hữu hạn và vô hạn, giữa quá khứ và tương lai.

Ðến La Mã của người Việt:  Ngày nay, đế quốc La Mã của thời đại là đất Hoa Kỳ – xứ của January.  Xứ Mỹ là một Thời quán với đời sống thân xác cá thể được thỏa mãn và điều kiện hóa trong guồng máy khổng lồ của một cõi nhân gian mà trong đó “thời gian xay nghiền từng hạt gạo” con người. Ðây cũng là cõi mà ý thức về cá nhân, về chính mình, về ngã mạn, về cảm tính, về khoái lạc càng được khách quan hóa và gia tăng cường độ đến mức tối đa. Ðể làm gì? Ðể cho con người ở đây thấy được giới hạn của khuôn mặt thân thể và vật chất – để nhìn lại chính mình.  Người Mỹ là hệ quả tất yếu của mẫu người La Mã sau khi đã kinh qua những thời quán làm người Âu Châu.  Người Mỹ thấy cái vị lai trong cái bây giờ và không nhìn thấy quá khứ.  Người Mỹ là người của ngày mai trong mẫu ý thức của người Âu Châu khi mà cái thô kệch, cái bình dân, cái ngạo mạn và ngông cuồng đầy nam tính của quần chúng nầy là hiện thân của một tự do thể xác – nơi cơ thân con người là kết tụ của tất cả những gì có thể, từ tiêu cực đến tích cực.  Người Mỹ chỉ thấy mình di động không ngừng nghĩ – họ chỉ là một nửa nhìn về phía trước của thần Janus – là năng động của một chiếc máy bay, nếu không vươn mình đến trước một cách nhanh chóng cần thiết thì sẽ bị trọng lực kéo rơi xuống mặt đất thiêu huỷ.  Bản chất của xã hội Mỹ là của tương lai, từ kinh tế trả góp suốt cả đời người lao động, cho đến tôn giáo vốn chỉ muốn nói đến thiên đường như là một liều thuốc an thần đối với cái chưa là.

Trong bối cảnh và điều kiện đó, mỗi cá nhân người Việt di cư sang Mỹ mang một năng thức quá khứ của Việt Nam, đang được nung nấu trong nồi sống hiện tại của Hoa Kỳ và đối diện với một mối đe dọa thường trực: nếu không khéo, họ rút cuộc phải chết với một thân phận giới hạn và cùng kiệt của một con người Việt Nam. Khi ở mỗi người Việt là một bãi chiến giữa quá khứ và tương lai, giữa tuyệt vọng và hy vọng, giữa điều kiện và khả thể, giữa thiết yếu và tự do, họ là viễn khách đang đi qua cánh cửa không gian Janus – vốn đòi hỏi họ có cùng lúc hai khuôn mặt nhìn ra hai phía từ một đơn vị ý thức.  Tuy nhiên, cái khổ của họ là sự kết hợp từ nhiều thứ, nhiều phương diện, trong khi mỗi chính họ thì thiếu sót một bản sắc ngã thể, ngoại trừ cái tâm chất bất định, có quá nhiều tính thiếu niên, bông đùa, và trẻ con nhưng không còn được cái hồn nhiên trong sáng.  Người Việt đứng lại ở cánh cửa thời gian và trở nên bất định – quá khứ thì nặng nề, tương lai thì không biết, hiện tại thì bị chìm đắm vào cái đa cảm và sầu thương đầy tiếng khóc tủi thân, bi đát.  Hiện thân người Việt truyền thống và lịch sử cho đến giờ này – trên mặt tiêu cực – là của một đám ma, một cơ hội để cho tiếng khóc ai oán, não nề được phô diễn một cách đày đọa.  Bi đát của cái chết trở thành bản chất kịch nghệ cho số phận.  Mỗi cuộc đời của họ, từ vô thức của văn hóa cộng đồng,  như là một bài điếu văn chuẩn bị cho một đám táng đầy tiếng khóc trong hư vọng.  Tiếng khóc này mang một âm hưởng đối nghịch và hổ tương từ hai khuôn mặt của một tâm thức: khổ đau trộn lẫn với khoái lạc, vừa quen thuộc vừa kỳ lạ của một tập thể nhân loại chỉ muốn thưởng thức bản chất số phận nạn nhân như là cứu cánh của ngã thể.

Với một hành trang đầy quá khứ, người Việt ở Hoa Kỳ như bị bỏ vào một nồi soup tạp nhạp mà hương vị không phải là của mình.  Nhưng cái mầu nhiệm là vầy: họ có khả năng giải hóa chính mình, biến quá khứ thành ra hương vị mới, và phần đông trở thành người Mỹ – một loại người Mỹ gốc Việt ngoạn mục.  Họ nắm lấy cái nửa tương lai của Janus của dân Mỹ để bù trừ cho cái nửa quá khứ của Việt Nam. Họ đạt được cái quân bình cần thiết.  Họ từ giả được tiếng khóc của đám ma quá khứ – và thoát khỏi được số phận làm người Việt Nam.

Tuy nhiên, như là một quy luật tự nhiên, có một khuôn mặt khác của tập thể người Việt ở Mỹ vẫn bám lấy cái quá khứ triệt để, không chịu nhìn về phía trước, nhân danh tương lai để làm vinh quang cho quá khứ – lấy cơ hội của sự sống làm đám tang nhằm than khóc cho số phận ai oán, tủi thân của mình. Ðó là cái khuôn mặt Janus quá khứ trong âm nhạc, văn chương, chính trị cộng đồng của họ.  Tôi muốn nói về cái diện mạo và bản chất  bi đát đó – về nửa khuôn mặt Janus quá khứ này – dù cố gắng gì đi nữa vẫn chỉ là một nhân dạng chỉ biết nhìn lui.  Cái khổ là ở chổ số người trên chỉ nghĩ rằng mình đang nhìn tới. Ðối với số người Việt này, tương lai chỉ là của quá khứ – và quá khứ trở nên vị thần đế siêu việt an ủi cho cái tâm lý sợ hãi và yếu đuối của chính mình.

Cái sợ hải và yếu đuối này thể hiện rõ nhất trong âm nhạc: uỷ mị thay vì thanh tao; bi đát, thảm thương thay vì vươn thoát.  Bản chất thảm kịch nằm ở chổ rằng, trong cái âm điệu tiêu cực và bi vọng đó – từ hệ luỵ âm hưởng nhạc vong quốc của dân tộc Chàm – nó không có được cân bằng bởi một nội dung tích cực và hướng thượng. Trên một sự so sánh cường điệu nào đó, và dĩ nhiên là ở một bình diện và mức độ khác, âm nhạc Việt ở hải ngoại cũng như trường hợp của một giòng nhỏ của âm nhạc nước Ðức hào tráng khi rơi vào tay của Wagner, theo lời của Alfred Orage, thì dù có cố gắng phô diễn lớn lao nhưng khi cái âm điệu đã bị nhiễm trùng Thiên Chúa Giáo thì nó chỉ làm gia tăng cái yểu mỵ, nặng nhục cảm, chuyên chở cái đẹp bằng bi thảm và mang đầy tính chất trẻ con.  Khi yếu đuối và bi thảm ngập tràn thì bạo hành và điên loạn sẽ đến.

George Herbert đã có lần nói, “Chỉ ra khuyết điểm cho người tốt thì hắn sẽ đổi nó thành đức hạnh; làm như thế cho kẻ xấu thì hắn sẽ gấp đôi nó lên.” (Show a good man his fault and he will turn it into a virtue; a bad man, and he will double it).  Hãy nhìn kỹ vào bản mặt Janus một chiều đầy quá khứ của văn hóa Việt hải ngoại trong cuộc tranh luận này.  Cái hùng hổ, cái gào hét hung hăng, đầy bi đát và bad taste của những người nhân danh thế đứng nạn nhân lịch sử trong phản ứng của họ đối với những gì mà tôi nêu lên về cái đặc chất tiêu cực này  – cái âm điệu tủi thân bi đát trong âm nhạc Việt hải ngoại – chỉ góp thêm phần minh xác những gì mà tôi muốn chỉ trích.

Hy vọng rằng cái nửa bản mặt Janus của đám người Việt từ quá khứ ngu tối này đừng biến cái yếu đuối và bi thảm trẻ con nơi họ trở thành một hoạt cảnh địa ngục của bạo hành và điên loạn. (12/2003)

© Nguyễn Hữu Liêm

Phản hồi