Mỹ du ký [2]
2. Ấn tượng mạnh nhất trên đất Mỹ: Tình cảm bè bạn.
Nhiều lần, qua những thời điểm khác nhau cho đến khi sắp trở về, các bạn tôi hỏi ấn tượng mạnh nhất của tôi khi sang Mỹ là gì, tôi vẫn trả lời có hai ấn tượng mạnh mà thứ nhất là tình cảm bè bạn.
Lần đầu đến sân bay San Fransisco, chúng tôi được nhiều người ra đón. Ngoài một số bạn trong nhóm mời chúng tôi sang Mỹ còn có gia đình của một người bạn cũ từ thuở nhỏ. Anh đưa cả gia đình 7 người gồm vợ, con, dâu, cháu cùng đi. Chúng tôi ôm nhau vui mừng và chuyện trò rôm rả cả nửa giờ ở sảnh chờ trước khi rời sân bay.
Hôm đầu tiên chúng tôi được đưa về nhà của Nguyễn Hữu Liêm là người đã gởi giấy mời chúng tôi sang Mỹ. Trước đây tôi chưa hề quen anh. Anh dành cho chúng tôi một phòng lớn nhất, đẹp nhất trong nhà mà anh gọi là “honeymoon suite” để chúng tôi hưởng “tuần trăng mật thứ hai” trên đất Mỹ và nói chúng tôi muốn ở đó bao lâu cũng được. Tuy nhiên hôm sau tôi đề nghị chuyển về nhà anh bạn cũ vì chúng tôi đã từng gặp, thân thiết với cả gia đình anh nên sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Đây sẽ là “hậu cứ vững chắc” để chúng tôi trở về nghỉ ngơi sau những chuyến đi đây đó.
Về những người gọi là bạn trên đất Mỹ, thực sự chúng tôi chỉ có vài người bạn cũ hay đã từng gặp đôi lần ở Việt Nam, nhưng sau mấy tháng, chúng tôi đã gặp và trở thành bạn có thể đến vài chục người, hay hơn nữa. Tất cả đều khởi đầu từ Internet. Đó là những người quen biết qua trao đổi email, qua đọc bài của nhau hay tranh luận với nhau trên mạng. Một vài người đã đọc sách và bài viết của tôi từ mươi năm trước coi chúng tôi như bạn “cố tri”. Không gian ảo đã tạo điều kiện cho chúng tôi trò chuyện, hiểu nhau, có thiện cảm với nhau mà không cần gặp gỡ. Chưa kể một số học trò và đồng nghiệp cũ xa cách từ rất lâu bởi cuộc chiến tang thương. Bây giờ chúng tôi đã sang Mỹ, mọi người đều mong muốn gặp mặt.
Chúng tôi cảm nhận chân tình nồng nhiệt của bạn bè từ những việc rất nhỏ mà họ đã chăm sóc cho chúng tôi đến việc chia sẻ tư tưởng, quan điểm về những vấn đề chung của đất nước.
Ngay ngày thứ hai đến Mỹ, các bạn đã lo chúng tôi hai cell phone để chúng tôi có thể tiện liên lạc với mọi người. Nhiều người tự động mua tặng hay cho chúng tôi mượn những thứ mà họ nghĩ chúng tôi sẽ cần, từ bàn chải, kem đánh răng (dù chúng tôi đã có, nhưng không “hại điện” bằng), đủ loại thuốc bổ (có lẽ vì thấy chúng tôi gầy quá), máy laptop, vali nhỏ xách tay (thật tiện lợi khi đi đây đó), máy ghi âm bỏ túi, đủ thứ sách báo, bản đồ, cả quần áo giày dép… Hầu như chúng tôi không thiếu thứ gì để có thể sống thoải mái trong thời gian ở đây.
Các bạn đã mua vé máy bay mời chúng tôi đến chỗ họ chơi, đưa đón ở sân bay, lo ăn ở chu đáo. Có người không ngại lái xe vài trăm mile để đón chúng tôi về nhà. Nhiều người nhà cửa rộng rãi dư phòng cho khách nhưng cũng có người nhà ít phòng, có con nhỏ, họ cũng sắp xếp nhường phòng cho chúng tôi. Trước khi tiễn khách, có người đã chuẩn bị thức ăn mang theo ăn đường vì lo chúng tôi không quen ăn đồ Mỹ trên máy bay hay xe lửa. Một lần, lúc chúng tôi sắp lên đường, có cô học trò cũ sáng sớm còn chạy ra chợ mua bánh mì và café nóng đem đến (vì cô nghe vợ tôi khen bánh mì Lee ngon và chúng tôi ở nhà bạn gần nhà của cô). Tôi nói đùa sao tử tế quá vậy. Cô trả lời bằng cách hát vui nhại một bài hát thời thượng “Hãy tốt với tôi bây giờ…”
Hôm chúng tôi đến Seattle, mấy bạn ở Canada đã rủ nhau “vượt biên giới” lái xe đi về mất gần 10 tiếng đồng hồ chỉ để gặp mặt trò chuyện với chúng tôi trong chốc lát. Ở đâu, các bạn cũng dành rất nhiều thời gian đưa chúng tôi đi xem các thắng cảnh trong vùng, có khi thời gian lái xe mất cả ngày trời, không chút nề hà. Các bạn quá hăng hái làm chúng tôi mệt phờ người như mấy hôm đi Las Vegas ở Nevada, Universal Studios ở Hollywood hay Trung tâm Không gian Lyndon B. Johnson Space Center của N.A.S.A. ở Houston, Texas, phải “chạy sô” liên tục để có thể xem được nhiều thứ, chụp được nhiều hình.
Chúng tôi đã được các bạn đưa đi thăm viếng nhiều nơi ở 12 tiểu bang và thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Từ tây sang đông, chúng tôi cảm nhận cảnh sắc nước Mỹ qua hai mùa xuân – hạ và qua 3 múi giờ khác nhau. Đầu tiên là California, tiểu bang Vàng, dù chỉ là một vùng đất bán sa mạc, đồi núi trơ trụi, nhưng người Mỹ đã làm nên một vùng đất hứa, về sau lừng danh thế giới với kinh đô điện ảnh Hollywood, thung lũng điện tử Silicon, nơi tập trung đông đảo nhất người Việt tị nạn mà người ta có thể sống quanh năm không cần nói tiếng Mỹ. Chúng tôi cũng đã đi qua Nevada, một vùng sa mạc khô cằn nóng cháy nhưng với Las Vegas đã trở thành nơi vui chơi giải trí, cờ bạc mãi dâm công khai, hoạt động suốt ngày đêm, nổi tiếng nhất thế giới với những công trình kiến trúc vô cùng đặc sắc làm cho người ta thấy thế nào là sức mạnh của nước Mỹ. Cực Tây bắc là tiểu bang Washington giáp Canada gần như quanh năm mưa phùn thổn thức nên cây cối xanh tươi, với thành phố cảng Seattle nổi tiếng được mệnh danh là thành phố Ngọc Bích, càng nổi tiếng hơn với bộ phim tình cảm lãng mạn “Đêm trắng ở Seattle” với hai tài tử lừng danh Tom Hanks và Meg Ryan mà khán giả Việt Nam cũng đã từng xem.
Phần giữa nước Mỹ, ở cực nam, chúng tôi đã thăm viếng bang Texas, không còn bóng dáng những chú chăn bò phi ngựa bắn súng năm xưa nhưng vẫn còn nhiều người thích đội mũ cao bồi, dừng chân ở Dallas rồi đến Houston, thành phố lớn thứ ba nước Mỹ với Trung tâm nghiên cứu không gian N.A.S.A., cái tên mà mới nghe mọi người đã kính nể vì những công trình khoa học không gian mang tầm vóc thế kỷ. Cao hơn về phía bắc, chúng tôi đi vào đại bình nguyên Colorado, một mặt bằng mênh mông ở độ cao hơn 3000 feet với công viên đá đỏ Red Rock Park nơi người ta xây dựng một nhà hát ngoài trời độc đáo trên sườn núi và công viên quốc gia Rocky Mountain Park có xa lộ ở độ cao trên dưới 10.000 feet. Cao hơn nữa về phía cực bắc là tiểu bang Minnesota nổi tiếng lạnh giá nhưng mùa này vẫn còn ấm áp, nơi có vẻ “nhà quê” nhưng lại tự hào có Mall of America lớn nhất nước Mỹ mà phụ nữ mơ ước ít nhất trong đời được một lần đến mua sắm. Lại còn hệ thống skyway độc đáo nối liền các khu phố ở Minneapolis bằng đường trên không có kính che để có thể đi lại trong thời tiết băng giá.
Vài hàng thăm anh chị “Tiêu Dao”,
Đọc bài du ký của anh lại nhớ tới hai lần gặp anh tại San Francisco và San Jose.
1-Anh viết, “Đây là lần đầu tiên tôi ra nước ngoài và lại đến cường quốc số 1 thế giới,” như thế này là KHÔNG ĐÚNG RỒI. “Mỹ chỉ là con cọp giấy”, tôi nhớ mãi “lời dậy của Bác và Đảng.”
2-Đọc vài hàng giải thích việc nhà nước VN cho anh chị đi tôi yên tâm hơn với thắc mắc đã được đích thân tôi nêu lên với anh với một nghi ngại “Tại sao anh được nhà nước VN cho đi Mỹ”. Như anh viết, không ít người khi gặp anh và những người thuộc diện bất đồng chính kiến như anh tại hải ngoại cũng đều có thái độ nghi ngại như tôi mặc dù cá nhân tôi thì có thiện cảm với anh. Trong lịch sử, từ thời Quốc Cộng 1945 tới giờ, người Cộng sản có nhiều “chiêu” lạ quá và vẫn luôn luôn có những chiêu lạ cho nên những người đã bỏ chạy, liều chết bỏ chạy, như đại đa số người Việt tại Mỹ đều có thái độ nghi ngờ như tôi. Mong những người bất đồng chính kiến trong nước mỗi khi gặp một câu hỏi như thế từ người Việt hải ngoại không nên lấy thế làm buồn mà hiểu rằng nguồn gốc của sự nghi ngại đó là Cộng sản.
3-Anh viết, “Chúng tôi đã được các bạn đưa đi thăm viếng nhiều nơi ở 12 tiểu bang và thủ đô Hoa Thịnh Đốn.” Anh thật may mắn và nên tự hào là đã đi nhiều tiểu bang và thăm viếng nhiều nơi HƠN ĐẠI ĐA SỐ NGƯỜI MỸ BẢN XỨ. Rất nhiều người Mỹ bản xứ, trình độ và chức vụ cao vẫn chưa có dịp đi tới nhiều tiểu bang và thăm viếng nhiều nơi như anh chị. Bản thân tôi là người thích đi và đã đi du lịch nhiều nơi ở Mỹ và thế giới, đã sống và làm việc tại cả hai vùng Tây (tiểu bang California) và Đông nước Mỹ (thủ đô Washington D.C.) mà vẫn mới chỉ đi được có 9 tiểu bang thôi.
4-Anh cũng may mắn hơn tôi là được thăm Toà Bạch Ốc và nhà máy xử lý nước thải tại San Jose, thành phố của tôi.
-Về việc thăm Toà Bạch Ốc thì như thế này. Tôi làm việc gần đó 3 năm. Cũng muốn thăm Toà Bạch Ốc nhưng ngại phải tới xếp hàng từ 5 giờ sang tại văn phòng phát vé (giờ văn phòng mở cửa). Số vé được cấp rất giới hạn mỗi ngày, cho nên muốn chắc ăn phải tới xếp hàng rất sớm. Nhưng rồi xảy ra vụ khủng bố 9-11, việc thăm viếng Toà Bạch Ốc tạm đình chỉ. Sau đó tôi không còn ở thủ đô nữa mà về lại California, cách đó 3 múi giờ, tức 7 tiếng đồng hồ máy bay. Một lần sau có dịp thăm lại Washington D.C. tôi tới Toà Bạch Ốc hỏi việc vào thăm thì họ nói CẦN MỘT VỊ DÂN CỬ GIỚI HIỆU VÀ PHẢI CHỜ TRONG DANH SÁCH TỚI HAI NĂM! Thế là tôi không còn hy vọng thăm Toà Bạch Ốc nữa. Bây giờ với thông tin của anh, chắc thủ tục có thay đổi, tôi lại hy vọng tới đó trong tương lai.
-Việc thăm viếng nhà máy xử lý nước thải của thành phố San Jose của tôi, tôi cũng có ý muốn tới đó thăm nhưng vào internet thấy không thăm được nên bỏ qua. Giờ với thông tin của anh tôi sẽ tìm cách tới thăm nhà máy đó trong nay mai.
5-Anh viết, “Có những điều quá bình thường đến độ tầm thường đối với người sống ở Mỹ như một vista point hay một rest area (chỗ đi tiêu tiểu) trên đường nhưng đối với tôi lại rất nhiều ý nghĩa.”
Hai cái “nhỏ nhặt” ở xứ Mỹ anh vừa nêu không phải chỉ lạ đối với anh chị đâu. Tại mấy nước Tây Âu tiên tiến thì tôi không biết có hai cái “nhỏ” đó không vì ở vùng đó tôi chỉ di chuyển bằng tầu điện. Nhưng toàn khắp Đông Âu, Đông Nam Á, Nam Mỹ, ngay cả Canada cũng không có 2 cái “nhỏ” đó.
Tại Đông Âu thì cũng như VN, cựu XNCH mà, cần đi tiểu thì xe dừng dọc đường và bước vào lề cỏ giải quyết vấn đề. Tội nghiệp mấy cô đầm balô, mặc đầm, đứng nhìn đám cỏ cao mà lớ ngớ không biết làm sao để ngồi. Nhưng cuối cùng cũng phải “khắc phục” thôi.
Tại Malaysia là nước duy nhất tôi thấy có rest area và cũng chỉ thấy có một chỗ duy nhất trên xuốt cuộc hành trình bằng xe hơi từ Thái lan, xuyên Malaysia tới Singapore. Nhưng cái chỗ rest area tại Malaysia cũng gây ấn tượng với tôi là trong nhà tiểu ngồi có một bể nước thấp và có một gáo dừa để rửa bằng tay. Hà hà! Hình ảnh giống hệt Việt Nam thời nào thì tôi không còn nhớ đích xác năm tháng.
4-Cái Vista point (chỗ đậu xe ngắm cảnh thiên nhiên) là một đặc thù tại Mỹ và đó cũng là một nét độc đáo của Văn Hoá và con người Mỹ.
Hồi mới sang Mỹ tôi cũng rất bị ấn tượng về hai cái “nhỏ” này và tôi đã thu vào video cái một cái rest area với mình đứng trong màn hình nói vài lời giới thiệu. Không biết anh có làm như tôi không? Bây giờ, không có thì giờ xem lại cái video đó, nhưng mỗi lần nhớ lại tâm trạng đầu tiên nơi xứ Mỹ lại cười thầm mình.
5-Trong dàn bài của anh có mục “Ấn tượng mạnh nhất trên đất Mỹ: Hệ thống xa lộ và giao thông đường bộ”. Chưa biết anh sẽ viết về hệ thống xa lộ của Hoa Kỳ ra sao, nhưng tôi xin “nói hớt” luôn rằng hệ thống xa lộ của Mỹ là SỐ MỘT TRÊN THẾ GIỚI. Dân Âu châu sang đây cũng bị ấn tượng về hệ thống xa lộ Hoa Kỳ. Xa lộ Hoa Kỳ ngoài sự to lớn, còn một ƯU ĐIỂM KHÔNG Ở ĐÂU CÓ LÀ ĐI TRÊN XA LỘ KHÔNG THỂ NÀO BỊ LẠC LỐI VÌ HÊ THỐNG CHỈ ĐƯỜNG RẤT CHÍNH XÁC VÀ TIÊN LỢI (luôn luôn báo trước ít nhất 3 ngã rẽ). Cũng như cái rest area, khi mới tới Mỹ tôi cũng quay video những kiến trúc độc đáo của xa lộ Hoa kỳ. Giờ nghĩ lại cũng cười thầm về mình.
Còn về cái TO VÀ ĐỘC ĐÁO của các kiến trúc xa lộ tại Hoa Kỳ, mỗi lần hai vợ chồng tôi lái xe “dong duổi đường xa” chúng tôi thường hỏi nhau, “NẾU VIỆT NAM CÓ NHỮNG XA LỘ NHƯ THẾ NÀY KHÔNG BIẾT ĐI XE HƠI TRÊN ĐÓ MÌNH CÓ SỢ KHÔNG. XE ĐANG BON BON CHẠY MÀ CẦU XA LỘ BỊ XẬP THÌ BỎ MẸ! CÁC KIẾN TRÚC BÊ TÔNG CỐT SẮT Ở VIỆT NAM BỊ XẬP LÀ CHUYỆN THƯỜNG NGÀY Ở HUYỆN VÌ Ở VIỆT NAM NGƯỜI TA LÀM XI MĂNG CỐT TRE! (theo nhiều báo chí trong nước)
6-Du lịch là một chi tiêu đắt tiền nhất trong đời sống, du lịch nước ngoài lại đắt tiền hơn, du lịch Mỹ là ĐẮT TIỀN NHẤT, ngay cả dân Âu châu cũng KHÓ DU LỊCH MỸ, vì ngoài sự đắt đỏ còn vì Mỹ QUÁ RỘNG, CÓ QUÁ NHIỀU CÁI VÀ NHIỀU NƠI ĐỂ XEM, lại THIẾU PHƯƠNG TIÊN GIAO THÔNG CÔNG CỘNG (không như các nước tiên tiến Âu châu có mạng lưới giao thông công cộng hoàn hảo đi khắp hang cùng ngõ hẻm-Ở Mỹ người ta quen dùng phương tiện xe hơi cá nhân) cho nên anh chị được du lịch “miễn phí” 6 tháng tại Mỹ là một may mắn không phải người hải ngoại nào cũng có được. Cũng không phải người Mỹ bản xứ nào có được. Nhiều người Mỹ bản xứ cả đời cũng chỉ biết vùng mình sinh ra và lớn lên.
Chúc anh viết xong bút ký Mỹ Du lại có dịp làm tiếp một chuyến Mỹ du, Âu du…khác. Càng đi nhiều càng thấy thương cho quê hương, phải không anh?
Thân quí,
Nguyễn Tường Tâm