WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Kỷ niệm Ngày thành lập Hội nhà báo VN 21-4, nhớ về các bạn đồng nghiệp trẻ

(đồng gửi hơn 10 ngàn nhà báo trong nước)

Mỗi năm, làng báo trong nước kỷ niệm Ngày thành lập hội Nhà báo Việt Nam vào ngày 21-4.

Năm nay là ngày kỷ niệm chẵn 60 năm (21-4-1950–21-4-2010), sẽ trao Giải thưởng báo chí năm 2009, sẽ có thi giọng hát các nhà báo (!) và mở Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Những dịp này, tôi thường nghĩ về các bạn đồng nghiệp cũ của tôi còn ở trong nước, nhất là các bạn nhà báo trẻ.

Trước năm 1990, vào dịp 21-4 một số nhà báo rất trẻ, mới vào nghề, thường đến nhà tôi để hàn huyên tâm sự; đó là bạn vong niên thân thiết, đến nay xa cách vẫn đậm tình. Hồi ấy tôi ở trong Ban giảng huấn các khóa đào tạo nhà báo trẻ, lên lớp cho 4 khóa các năm 1974, 1978, 1982 và 1987, nên nhiều bạn trẻ hồi ấy gọi vui tôi bằng “thầy”. Bây giờ số các “em” ấy, có người đã 55, 60 tuổi, làm báo ở Hà Nội, Sài Gòn, các tỉnh, có người phụ trách các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Pháp Luật, Hà Nội mới, các đài phát thanh, truyền hình…

Ban phụ trách lớp thường mời tôi giảng 2 buổi mở đầu khóa học, vỡ lòng về nghề báo, thường là về lịch sử báo chí, về làng báo quốc tế và làng báo Việt trên đại thể, vai trò, vị trí của báo chí trong xã hội.

Có lần tôi bỏ qua giáo trình viết sẵn, mở khóa học bằng 2 buổi, chỉ nói về “một bài bá”. Bài nói được ghi âm, các “em” mở ghi ra, chuyền nhau, thích thú.

Đại thể là:

- Không có gì mang nét riêng tư hơn một bài báo. Không như hàng công nghiệp sản xuất hàng loạt, cái bút, đôi dép. Nó phản ánh kiến thức, tình cảm, triết lý sống, trách nhiệm xã hội…của nhà báo. Nó cũng mang dấu ấn nghệ thuật viết, văn phong, cá tính, tìm tòi sáng tạo của anh ta.

Phương tiện đối thoại? Ảnh On the net

- Bài báo là phương tiện đối thoại, trò chuyện, tâm sự, tình tự, tỷ tê với bạn đọc. Bạn đọc là muôn vẻ, già trẻ lớn bé, nhà chính trị, ngoại giao, cụ về hưu, bà chủ quán, anh sinh viên, chị gánh rau, em đánh giày…ở thành thị, dưới nông thôn, ngoài bờ biển, trên núi cao …

-Bài báo tốt, có giá trị là tải được thông tin mới, chuẩn xác, mở rộng kiến thức một cách dễ hiểu, hướng dẫn tư duy và tình cảm hướng theo điều tốt, cái thiện, gợi ý, kích thích hành động có lợi cho xã hội.

-Dưới mỗi bài báo là tên tác giả. Đó là trách nhiệm pháp lý, là vinh dự tinh thần, là niềm tự hào chính đáng, khẳng định mình là tác giả, là chủ nhân sáng tạo duy nhất của sản phẩm độc đáo này. Cho nên nhiều bạn hồi hộp viết, hồi hộp gửi đi, hồi hộp trông chờ bài báo đầu tiên xuất hiện trên trang báo, hồi hộp đọc đi đọc lại, khoe người thân, hồi hộp ôm vào lòng đứa con tinh thần đầu lòng của mình, lưu giữ kỷ niệm…Rồi đẻ bao nhiêu con sau đó, hồi hộp vẫn y nguyên, đàn con có đông, mỗi đứa kháu khỉnh một vẻ riêng.

-Bài báo mang tính tự do sâu đậm, nhà báo thường tự mình chọn đề tài, dàn bài, nội dung, ý chính, cách thể hiện, văn phong, từ ngữ… Dần dần mỗi nhà báo sẽ có một hay vài nét sở trường, đi vào lĩnh vực chuyên sâu: chính trị, kinh tế, tài chính, thương mại, ngoại giao, quan hệ quốc tế, văn hóa, văn học, thể thao, giải trí, khoa học, phụ nữ, thanh niên, trẻ em… hoặc là kiêm nhiệm nhiều mặt. Về thể loại có nhà báo chuyên về chính luận, bình luận, phiếm luận, hài hước hóm hỉnh, hay chuyên về ghi nhanh, phỏng vấn, phóng sự, điều tra hình sự…

- Cũng không ai có quyền bình đẳng như một nhà báo tự do. Không cần phải là Chủ nhiệm, Tổng biên tập báo để có uy tín giữa làng báo, trong xã hội. Cứ là một nhà báo thường, được công luận, đông đảo bạn đọc ưa chuộng, tin cậy, tìm đọc nhiều, tờ báo đó bán chạy, số phát hành cao là nhà báo ấy có uy tín xã hội. Cũng không phải bằng cấp gì, cử nhân, tiến sỹ, thạc sỹ báo chí, không cần, chỉ cần những bài báo hay, tốt, chân thực, bênh vực người tốt, việc tốt, đứng về phía lẽ phải của người thấp cổ bé họng, đưa ra kiến giải hay, giải pháp đúng là nhà báo ấy được quý trọng. Công luận là ông thầy cho điểm.

- Trong một xã hội tự do dân chủ bình đẳng, viết báo là nghề được quý trọng vị nể bậc nhất. Vì công luận xã hội quyết định chất lượng chân chính của xã hội ấy, mà công luận lại do truyền thông tạo nên, mà truyền thông do đội ngũ nhà báo – báo viết, báo nói, báo mạng, báo ảnh, các bloggers, cư dân internautes – góp sức xây dựng.

Trong một cuộc họp báo lớn trong xã hội dân chủ, một nhà báo có quyền chất vấn tổng thống, thủ tướng, đối thoại bình đẳng không chút mặc cảm, e ngại, đề cập bất cứ vấn đề gì, không hạn chế, trừ vấn đề luật cấm (tuyên truyền chiến tranh, phân biệt chủng tộc, bạo lực, vu cáo). Thẻ nhà báo là giấy thông hành có giá trị ở mọi nơi. Không có nghề nào tự do, bình đẳng, có vị trí cao đến vậy; báo chí được coi là đệ tứ quyền, cạnh các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, còn có trọng trách kiểm tra kiểm sát ba quyền kia.

- Kinh nghiệm cho thấy nghề báo là cực khó. Số trường, khóa, lớp đạo tạo nhà báo không ít, nhưng đậu được, bám chặt được nghề, thành nhà báo được xã hội nể trọng không nhiều. Ít lắm, hiếm lắm. Theo tôi biết, ở Pháp, Anh, Đức, Úc, Mỹ đều giống nhau, mỗi nước chỉ có 5, 7 nhà báo được quý trọng tin yêu do có thực tâm, thực tài, hầu hết không từ học viện hay đại học báo chí đào tạo, mà từ nghề khác ngẫu nhiên vào nghề báo, từ nhà văn, giáo viên, luật sư, cả kỹ sư, bác sỹ y khoa chuyển qua…Họ có năng khiếu.

- Tóm lại viết báo, thành nhà báo tốt, được xã hội thật sự quý mến tin cậy là chuyện rất khó, hiếm, do đó rất đáng dấn thân, phấn đấu, thử sức để thành đạt, và khi đạt được sẽ cực vui, cực sướng, sẽ hạnh phúc tự hào, không thể bỏ nghề được.

- Đạo đức làm báo của toàn thế giới là trung thực, ngay thật, vì công bằng xã hội, không bị vật chất, hư danh mua chuộc, cám dỗ, nghệ thuật viết dễ hiểu, có phong cách riêng thú vị, hấp dẫn, dám xông xáo vào nơi khó, việc khó, dám chịu trách nhiệm, bài viết hiệu quả cao tải thông tin mới, khêu gợi ý tưởng cao quý, hướng dẫn hành động đẹp có ích cho cộng đồng.

Tôi biết một số bạn vong niên nhà báo trong nước đang gặp khó khăn chồng chất. Mấy năm qua, không ít bạn quý của tôi gặp nạn. Nghề luật sư và nghề làm báo đang là 2 nghề gian nan nhất; chính quyền độc đảng dị ứng với luật pháp và công luận. Họ cứ muốn cưỡi cổ luật sư và nhà báo. Họ ghét, lườm nguýt, dọa 2 giới ấy vì họ biết sợ.

Tôi biết rất rõ các bạn ở báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Lao Ðộng, Tổ Quốc, Du Lịch, Pháp Luật, Văn Nghệ, Tia Sáng, VN Net…tuy mỗi báo đều bị đặt dưới quyền chỉ đạo của một tổ chức của đảng CS – đều có người bị bắt, bị truy tố, bị tù, bị mất việc, bị rút thẻ nhà báo, bị bao vây, đe dọa, bị trả thù, bị thất nghiệp và sạt nghiệp. Hai năm qua là 2 năm đen của làng báo ta.

Tôi biết lắm, họ đều có vai vế trong tòa sọan, là tổng biên tập, phó tổng biên tập, thư ký tòa soạn, nhà báo chủ lực, cây bút nòng cốt, có tài năng, phẩm chất. Họ hiểu câu sinh nghề, tử nghiệp. Họ được đào tạo bài bản, họ càng yêu nghề, quyết không khuất phục.

Họ đang vô cùng “ngứa ngáy” rất muốn lao lên Hà Giang làm phóng sự, điều tra vụ án gọi là “mua bán dâm”, muốn lao xuống Hậu Giang điều tra về vụ án bà Ba Sương ở nông trường Sông Hậu, muốn tìm tòi trên báo Nhật, Úc, Mỹ để phanh phui các vụ án PCI, Securency, Nexus Technologies, cũng như hàng trăm vụ tham nhũng đang bị treo lơ lửng và hàng ngàn vụ cướp đất của bà con nông dân dưới cái quyền “thu hồi” oái oăm, phi lý, tự phịa ra của nhà cầm quyền CS, không nước nào có.

Trong khi các nước văn minh, chính quyền thực sự chăm lo bảo đảm tuyệt đối quyền truyền thông tư nhân tự do, thì ở riêng nước ta và vài nước độc đảng khác, kẻ đương quyền lại giao cho cơ quan Công an và Tuyên giáo việc ngăn chặn, cản phá, quấy nhiễu các mạng và cư dân internet.

Tôi hiểu các bạn nhà báo vong niên của tôi rất thấm thía nhận rõ qua lịch sử báo chí nước ta rằng thời phong kiến và thực dân cho báo chí tư nhân phát triển tự do hơn hẳn hiện tại. Nhưng xin chớ ai buồn nản, qua bức thư ngắn vừa nhận từ trong nước, các bạn «trẻ» của tôi rất thích thú trước sự xuất hiện hàng loạt báo chui: Tự do Ngôn luận, Tự do Dân chủ, Tổ Quốc, mạng Bauxite VN.info, Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, và hàng loạt Blog mang tên vui, rất ngộ: Người Buôn Gió, Mẹ Nấm, Bút Lông, Bố Cu Hưng, Da Beo, Anh Ba Sài Gòn, Thằng Bờm, và đặc biệt là Anh Ba Sàm, mang thêm cái tên Thông tấn Xã Vỉa Hè mà rất cập nhật, chững chạc, có tay nghề không “vỉa hè” chút nào.

Một số bạn trong nước tâm sự với tôi rằng những báo chui, báo mạng, báo điện tử tư nhân ấy ăn đứt 3 tờ báo Nhân Dân, Quân Ðội Nhân Dân và Công An Nhân Dân đông người, tốn của, về tín nhiệm đối với xã hội, nhất là đối với trí thức, sinh viên, thanh niên, cả với không ít đảng viên CS ở cơ sở. Đặc biệt là vào năm nay.

Dịp này, lá thư trong nước gửi sang có một nét vui. Ngày 21-4 năm nay, Hội nhà báo VN có sáng kiến mở cuộc «thi gịọng hát hay» cho các nhà báo nam và nữ. Cũng là phải thôi, không được tự do cầm bút để viết theo ý riêng, phải viết theo ý trên, phải đồng ca cho vừa lòng lãnh đạo, thì thà hát nghêu ngao vậy! Mới có chuyện trái khoáy này.

Một cô nhà báo trong nước hỏi vui: Sao họ không mở cuộc thi “hót” ho các nhà báo nước ta nhỉ ? Chúng tôi đều như bầy sáo ngơ ngác bị nhốt vào lồng, để đảng dạy hót đúng theo như đảng muốn. Có ai muốn ký tên mình dưới bài báo đã mất linh hồn.

Nhân dịp này xin gửi các đồng nghiệp quen biết ở trong nước tình bạn bền chặt, thương yêu, thông cảm của một nhà báo tự do ở xa để thêm gần với tự do của đồng bào ở Quê nhà.

Blog Bùi Tin- VOA

3 Phản hồi cho “Kỷ niệm Ngày thành lập Hội nhà báo VN 21-4, nhớ về các bạn đồng nghiệp trẻ”

  1. Sa Giang says:

    Ông Bùi Tín đúng là Lảo Làng. Nhận định của ông đọc nghe vừa sướng mà cũng vừa cảm động. Sa Giang tôi không làm báo, mà cũng chưa từng viết được một bản tin hay một lời nào hay đăng báo cả, nhưng thường dạo chơi các Blog, nên rất thích các tay viết Báo Mạng ( Blogger ) tiếu ngạo như ( Người Buôn Gió, Mẹ Nấm, Anh Ba SaiGon, Điếu Cày ….) còn nhiều lắm, đa số họ viết từ trong nươc. Họ viết bằng sự xót xa của con tim ViệtNam bị đè nén,bị tước đoạt quyền nói lên tiếng nói ” Yêu Quê Hương Việt Nam ” của mình !
    Bài thơ ” Tôi Yêu Tổ Quốc Tôi Mà Tôi Bị Bắt ” của nhà văn Trần Mạnh Hảo đã làm biết bao nhiêu triệu Con Tim Việt Nam cả trong lẩn ngoài nước phải thổn thức ! Chỉ một yếu tố Quê Hương Việt Nam thôi đã kết hợp được trong ngoài đồng bào cùng chũng tộc cùng giòng máu lại với nhau thổn thức. Điều đó chứng tỏ Mẫu Số Việt Nam là sự đoàn kết dân tộc không phân biệt người Nam kẻ Bắc, trong ngoài đất nước. Và cũng từ sự Cảm Thông và Chia Sẻ nỗi đau đó, người ta mới thấy ” Ai là kẻ Phản Dân Hại Nước , Ai là kẻ làm cho Đất Nước khổ đau, Nhân Dân nghèo đói ” . Nhờ Báo chí mới tạo được sử cảm thông để Dân Việt cùng đoàn kết Đấu Tranh đòi lại Quyền Làm Người mà bao nhiêu năm qua bị tước đoạt
    Cám ơn ông BÙi Tín với một bài viết tuyệt vời để nhắc nhở và khích lệ cho các Cây Viết vì Tự Do cho Dân Tộc.
    Thân chào
    SaGiang

  2. Nguyen Van Chung says:

    truoc sau, toi van kinh ne ong Bui Tin , nhung bai viet cua ong that tuyet voi, kinh chuc ong manh khoe viet nhieu hon nua.

    • John Pham says:

      Nhung bai viet cua ong Bui Tin dong gop rat tot , huu hieu trong cong cuoc dau tranh cho tu do dan chu va nhan quyen.
      Toi rat thich doc nhung bai viet cung cua ong, va toi rat nguong mo nhung lao thanh cach mang dam dung len cung cac chien si dan chu truc dien dau tranh voi bon CSVN mang lai am no hanh phuc cho dan toc va ven toan lanh tho cua to quoc.

Leave a Reply to Nguyen Van Chung