Tiếp cận Tây Phương: Nhật Bản, Trung Hoa và Việt Nam
Sau gần hai thế kỷ thực hiện cuộc cách mạng kỹ nghệ lần thứ nhất, từ khoảng 1760 đến giữa thế kỷ 19, với sự ra đời của máy chạy bằng hơi nước, các nước Âu-Mỹ đã nhanh chóng trở nên hùng mạnh và thịnh vượng vượt bực. Cuối thế kỷ 19, điện năng được chế tạo và sử dụng trong công nghiệp, đưa các nước Âu châu vào giai đoạn công nghiệp hóa lần thứ hai. Với lực lượng hải quân trang bị vũ khí mạnh cùng với các đội thương thuyền lớn vượt đại dương mang hàng hóa đến khắp nơi trên thế giới, giữa thế kỷ 19, các nước Tây phương đã tràn đến Á châu chiếm đóng nhiều nước làm thuộc địa. Trong bài này chúng tôi sẽ điểm qua chính sách đối phó với Tây phương của 2 nước Nhật Bản và Trung Hoa, và đối chiếu với chính sách của Việt Nam.
Nhật Bản
Lịch sử cho thấy Nhật bản, như là một quốc gia, hình thành chậm hơn nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Bắc Á. Ngay cả việc trồng lúa, theo sử liệu, cũng chỉ được du nhập vào Nhật bản khoảng năm 100 trước Công Nguyên. Việc chế tạo và sử dụng sắt cũng được du nhập từ Triều Tiên. Quốc gia Nhật Bản có kinh đô và Thiên hoàng, nhưng sự tranh chấp giữa các thủ lãnh địa phương và các đại gia đình quý tộc kéo dài suốt chiều dài lịch sử Nhật Bản. Cho đến giữa thế kỷ 16, Nhật Bản mới bắt đầu tạm ổn định, dù tranh chấp quyền lực vẫn còn diễn ra giữa một vài đại gia quyền quý. Đây cũng là thời kỳ mở đầu cho nước Nhật tiếp cận với Tây phương.
Người Bồ Đào Nha đến Nhật năm 1543 và mở ra thời kỳ mậu dịch kéo dài gần một thế kỷ. Người Tây Ban Nha đến Nhật năm 1587, tiếp đó là người Hòa Lan, năm 1609. Thiên chúa giáo đến Nhật năm 1549 và sau một thời gian ngắn đã có tới khoảng 100.000 đến 200.000 người Nhật trở thành tín đồ Thiên chúa giáo. Những nhà lãnh đạo Nhật Bản từ đó đã bắt đầu tìm hiểu phương Tây, chú ý đến các cơ hội mới để phát triển kinh tế, cũng như sự thách thức chính trị đối với quyền lực của họ. Năm 1587, lãnh chúa Hideyoshi cho rằng sự có mặt của đạo Ki-tô làm chia rẽ nội bộ Nhật Bản, làm chiêu bài cho Châu Âu xâm chiếm Nhật. Luật cấm đạo Thiên Chúa đã được ban hành, nhưng chưa được thi hành triệt để. Trong thời gian cầm quyền của Mạc Phủ Tokugawa (Đức Xuyên Mạc Phủ), cũng gọi là Mạc Phủ Edo, kéo dài từ 1603 cho đến năm 1868, Nhật Bản áp dụng chính sách Sakoku (tỏa quốc) đóng cửa biên giới Nhật, không cho Tây phương vào, trừ Hòa Lan, Trung Hoa và Triều Tiên.
Cùng với chính sách tỏa quốc này, năm 1620, luật cấm đạo Ki tô được triệt để áp dụng. Tất cả những nhà giảng đạo ngoại quốc đều bị trục xuất khỏi nước Nhật. Toàn bộ các cộng đồng giáo dân bị tiêu diệt, tất cả nhà thờ bị phá hủy. Những người theo đạo Ki tô đều phải lẩn trốn, nhiều người phải sống trong những nhà hầm dưới đất để có thể tiếp tục sinh hoạt đạo. Việc buôn bán của người Âu Châu thì vẫn được phép tiếp tục. Chính sách cấm đạo gắt gao, triệt để này kéo dài cho đến thập niên 1870 mới chấm dứt, và hoạt động Ki tô giáo mới chính thức được phép tiến hành trở lại. Có lẽ ảnh hưởng sâu đậm của Phật giáo cùng tinh thần võ sĩ đạo đã hậu thuẫn cho chính sách chống Ki tô giáo quyết liệt, triệt để và lâu dài này của Nhật Bản. Và có lẽ đó cũng là lý do khiến Ki tô giáo không phát triển mạnh được ở Nhật, như ở một số nước Á châu khác.
Năm 1853 và 1854, Thuyền trưởng hải quân Mỹ Matthew C.Perry đã buộc được Nhật Bản phải mở cửa cho Mỹ vào buôn bán. Nhiều quốc gia khác cũng gây áp lực, buộc Nhật Bản phải ký kết các hiệp ước buôn bán bất bình đẳng. Việc này gây bất mãn trong dân chúng, và nhất là trong giới đại danh gia. Phái yêu nước phát động chiến dịch sonnō jōi (nghĩa là Tôn Hoàng, Nhương Di), tôn trọng Thiên hoàng để đuổi người ngoại quốc ra khỏi xứ sở. Cuối cùng Thiên hoàng Minh trị thắng thế Mạc Phủ, lên ngôi năm 1867, và thực hiện chính sách mở cửa với Tây phương và canh tân nước Nhật.
Nói về nước Nhật hiện đại không thể không nhắc đến Fukuzawa Yukichi (1835-1901), một người được coi như Voltaire của nước Nhật. Fukuzawa xuất thân trong một gia đình võ sĩ đạo, thuộc đẳng cấp thấp. Ông học tiếng Hòa Lan, tiếng Anh, sớm có tư tưởng tự do, phóng khoáng. Ông có nhiều dịp tháp tùng các phái đoàn chính quyền Nhật đi Mỹ và Âu châu. Ông thấy được vai trò quan trọng của giáo dục nên đã viết sách và mở trường, và đã lập ra trường đại học đầu tiên của nước Nhật (Keio-Gijuku University). Trong các trước tác của ông, đáng kể là cuốn tự điển Anh-Nhật, tự điển đầu tiên tại Nhật, bộ sách địa lý thế giới và bộ sách ký sự kể về đời sống Âu-Mỹ, kể lại những gì ông biết về Tây phương, qua các chuyến đi công tác của ông. Ông đưa ra quan điểm “độc lập quốc gia qua độc lập cá nhân”, theo đó ông muốn mỗi người dân Nhật phải tăng cường sức mạnh và hiểu biết của bản thân, để cùng nhau xây dựng một nước Nhật hùng cường, đủ sức cạnh tranh với tất cả các nước. Ông cho rằng các nước Tây phương hùng cường được là nhờ tập trung vào giáo dục, phát huy sự độc lập cá nhân, sự cạnh tranh và trao đổi tư tưởng.
Như thế, nước Nhật lúc đầu cũng kháng cự lại sự xâm nhập của Tây phương, bằng chính sách bế môn tỏa cảng, trong một thời gian lâu dài, từ giữa thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 19. Áp lực quân sự cùng các hiệp ước buôn bán bất bình đẳng đã làm cả triều đình và giới thức giả, võ sĩ đạo, cùng thức tỉnh, nhanh chóng nhận ra sự yếu kém của nước Nhật nên chấp nhận mở cửa canh tân nước Nhật. Với sự đồng thuận quốc gia cao độ như thế, chỉ trong vòng vài thập niên, Nhật Bản đã trở nên hùng cường, đủ sức đánh bại quân đội nhà Thanh năm 1894-1895, và phá tan cả lục quân và hải quân Nga năm 1904-1905.
Trung Quốc
Nhìn sang Trung Quốc, tình hình khác hẳn. Trước khi sức mạnh quân sự và thương mại Tây phương tràn đến Trung Hoa, quốc gia này là một đế chế hùng mạnh nhất ở Á Châu. Theo nhiều sử liệu thì ngay từ thế kỷ 15, Đô đốc Trịnh Hòa đã có lúc chỉ huy môt hạm đội gồm 300 thuyền buồm và 30.000 người đi qua eo biển Malacca, ghé Bengal, Ấn Độ và vài nơi ở Đông Phi. Dưới đời vua Ung Chính, vào giữa thế kỷ 18, nước Trung Hoa có lúc đã bành trướng lãnh thổ, rộng đến 13 triệu cây số vuông, so với ngày nay là 9.6 triệu. Nhưng kể từ đầu thế kỷ 19 trở đi, Trung Hoa suy yếu dần với nội loạn và ngoại xâm. Bên ngoài thì đế chế Trung hoa bị các cường quốc Âu châu áp bức. Bên trong thì kinh tế trì trệ, nhân dân cùng khổ, nổi loạn khắp nơi. Miền Nam Trung hoa bị nhóm Thái Bình Thiên Quốc của người Hán quấy phá, chiếm đóng nhiều vùng, dương ngọn cờ “phản Thanh phục Minh”. Quan lại thì tham nhũng, lạm quyền bóc lột nhân dân. Triều đình thì mâu thuẫn, bất hòa. Năm 1861 nhân lúc vua mất, Từ Hy Thái Hậu thực hiện đảo chính cung đình, bắt giam 8 vị quan trong ban nhiếp chính, chiếm đoạt hoàn toàn quyền lực chính trị. Từ đó cho đến khi bà mất năm 1908, bà nắm trọn quyền lực chính trị, quyết định những vấn đề trọng đại nhất của Trung Hoa.
Từ Hi Thái Hậu nắm quyền bính đúng vào lúc Âu-Mỹ tràn đến uy hiếp Trung Quốc. Bà để lại một di sản chính trị gây nhiều tranh cãi. Trước đây, dư luận quốc tế thường đưa ra những nhận định tiêu cực về bà và cho rằng bà đã gây ra sự sụp đổ của nhà Thanh và Trung Hoa. Nhưng nhiều nghiên cứu gần đây đã đánh giá lại công việc trị quốc của bà, trong đó có những nhận định khách quan cho rằng sự sụp đổ của nhà Thanh nói riêng, và của chế độ phong kiến nói chung tại Trung Hoa, là hệ quả tất nhiên của thời đại hơn là trách nhiệm của cá nhân Từ Hi Thái Hậu.
Sử gia Sterling Seagrave, trong cuốn sách xuất bản năm 1992, cho rằng Từ Hi Thái Hậu là một nhà lãnh đạo bị mắc kẹt giữa khuynh hướng bài ngoại, vốn có của triều đình, với khuynh hướng chính trị thực tế, hợp thời đại hơn. Bà muốn dùng ảnh hưởng và quyền lực của mình để duy trì được triều đại nhà Thanh không bị sụp đổ vì sự tranh chấp giữa hai khuynh hướng chính trị này.
Những diễn biến lịch sử Trung Hoa trong thời kỳ hậu bán thế kỷ 19 cho thấy quan điểm này có cơ sở. Ngay sau khi đế chế hùng mạnh Trung Hoa bị thất bại trong các trận chiến tranh với các nước Âu châu, nhiều người trong giới sĩ phu và quan lại Trung Hoa, cả người Mãn và người Hán, đều cho rằng phải nhanh chóng thay đổi. Họ chủ trương cuộc “vận động tự cường”. Đại diện cho nhóm này là Tăng Quốc Phiên và Lý Hồng Chương. Họ tìm đến một số ít sinh viên đã du học ngoại quốc, trong đó có Ung Wing đã học ở Yale năm 1854. Ung Wing đề nghị triều đình gửi 120 sinh viên du học, phần lớn qua Mỹ. Từ Hi cũng cho mua 4 tầu chiến của Anh, nhưng khi tầu chiến về đến Trung Hoa, trên tầu toàn binh lính Anh, họ chỉ tuân theo lệnh của chính phủ Anh nên Từ Hi cho trả tầu về lại Anh. Từ Hi cũng cảnh giác với những quan điểm tự do dân chủ của các du học sinh, do đó, năm 1881 bà không cho gửi học sinh đi du học nữa. Cuộc “vận động tự cường” coi như chấm dứt.
Tuy nhiên sự thất bại của Trung Hoa trong các cuộc chiến với các nước Tây phương đã làm giới nho sĩ thức tỉnh. Nhiều người đã khuyến nghị triều đình thực hiện cải cách sâu rộng. Trong số này có Ngụy Nguyên và Phùng Quế Phương, từ năm 1842, đã đưa ra kế hoạch mà họ gọi là Trù Hải Thiên, là kế hoạch phòng thủ duyên hải. Họ đề nghị mở cửa cho người nước ngoài vào làm ăn buôn bán, canh tân quân sự, bang giao với nhiều nước khác nhau để họ cầm chân nhau. Riêng Phùng Quế Phương, đã sống ở Thượng Hải thuộc Anh, chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tư bản, đã đề nghị canh cải giáo dục, học các môn khoa học, kỹ thuật và kinh doanh tư bản. Ông cũng đưa ra lý thuyết Thể Dụng, duy trì tinh thần Khổng Mạnh nhưng áp dụng khoa học kỹ thuật của phương Tây.
Những vận động canh tân này đều nằm trong phong trào Dương vụ (Yanwu) do Lý Hồng Chương, Tăng Quốc Phiên chủ trương, được nhiều quan lại cấp tiến ủng hộ. Họ kêu gọi liên kết với tư bản Âu-Mỹ, mở các công xưởng quân sự, chế tạo máy móc, vũ khí. Nhờ phong trào này, đã xuất hiện một số xí nghiệp tư doanh và hợp doanh giữa tư nhân và chính phủ. Tại nhiều địa phương, những người có tiền đã mua sắm máy móc, mở công ty. Đồng thời các nhà tư bản Âu-Mỹ cũng mở các công xưởng chế tạo sản phẩm tiêu dùng tại các địa phương mà triều đình nhà Thanh buộc phải nhượng cho họ.
Những canh cải trên đây phần lớn do các nho sĩ tiến bộ và những người giầu có chủ trương và chủ động thực hiện. Nhưng phong trào Dương vụ cũng như cuộc vận động tự cường không chủ trương thay đổi thể chế chính trị. Phải đến khi xẩy ra chiến tranh Trung-Nhật, việc một nước nhỏ yếu hơn đánh thắng một đế chế từng tự hào thống lãnh toàn “thiên hạ” đã làm dấy lên phong trào đòi thay đổi toàn diện.
Hai người đi đầu trong phong trào này là Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu, đưa ra khẩu hiệu vận động “toàn biến, tốc biến” (biến đổi toàn diện và nhanh chóng). Họ vận động các nho sinh cử nhân cùng họ dâng kiến nghị lên triều đình. Lương Khải Siêu dẫn 190 cử nhân lên kinh đô luận bàn thời cuộc. Khang Hữu Vi cùng 3,000 cử nhân dâng thư xin thực hiện “biến pháp”. Nhưng những đề nghị của hai nhóm này đều không được triều đình chấp thuận.
Năm 1896 Khang Hữu Vi lại khuyến nghị biến pháp, kêu gọi duy tân. Lần này vua Quang Tự đang nắm thực quyền, Từ Hi Thái Hậu đã rút vào hậu trường. Vua cũng muốn canh tân nên đã cho mời Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu vào triều bàn luận. Tất cả các đề nghị của hai ông đều được nhà vua chấp thuận, từ việc canh tân giáo dục, cải tổ thi cử, đến lập ngân hàng, làm đường xe lửa, lập hội buôn, mở rộng ngôn luận… Chỉ trong một thời gian ngắn, hơn một trăm đạo chiếu được ban ra để thực hiện các cải cách này. Từ Hi biết được đã tìm cách ngăn cản và ra lệnh giam lỏng Quang Tự. Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu đều phải bỏ trốn qua Nhật. Lich sử sau này gọi đây là cuộc cải cách 100 ngày (Bách nhật duy tân).
“Tự cường”, “Dương vụ” hay “Duy tân” đều giống nhau ở một điểm: vẫn duy trì chế độ quân chủ chuyên chế. Nhiều trí thức tân học không đồng ý duy trì chế độ quân chủ chuyên chế. Những người này chia thành hai khuynh hướng. Một khuynh hướng chủ trương chế độ quân chủ lập hiến như Nhật bản, trong đó có Viên Thế Khải, có lúc đã xưng vương một thời gian ngắn, sau lại vận động để được làm Tổng Thống Lâm Thời, sau cách mạng Tân Hợi 1911. Một khuynh hướng khác, chủ trương phế bỏ chế độ quân chủ, thay thế bằng chế độ dân chủ. Người đứng đầu khuynh hướng này, Tôn Dật Tiên, đã lãnh đạo thành công cuộc cách mạng Tân Hợi lập ra nước Cộng Hòa Trung Hoa, và những người Cộng sản, hiện đang lãnh đạo nước Trung hoa cộng sản.
Như vậy tại Trung Hoa, việc Tây phương tràn vào xâm lấn, xâu xé và hạ nhục Trung quốc, đã tạo ra 3 khuynh hướng chính trị với 3 phản ứng khác nhau. Khuynh hướng bảo hoàng thì tìm cách canh tân đất nước trong khuôn khổ chế độ quân chủ Khổng giáo. Khuynh hướng thứ hai chủ trương canh tân theo mô hình quân chủ lập hiến. Khuynh hướng cách mạng chủ trương thiết lập chế độ dân chủ như các nước Tây phương. Khuynh hướng này thắng thế nhưng lại dẫn đến tranh chấp giữa hai đường lối cách mạng và kiến thiết, hoàn toàn khác nhau, mà hậu quả là đã tạo ra hai nước, hai chính thể Trung hoa như hiện nay.
Kết luận
So sánh hai trường hợp Nhật Bản và Trung Quốc, chúng ta thấy có một điểm tương đồng. Cả hai nước đều “may mắn” chưa bị chiếm đóng nên kịp canh tân đất nước, dù cả hai đều bị áp lực bằng quân sự, và phải nhượng bộ hoặc một số vùng đất nước (Trung quốc), hoặc mở một số hải cảng cho ngoại nhân vào buôn bán (cả Trung quốc và Nhật Bản). Việt Nam thì khác, bị Pháp chiếm đóng toàn bộ miền Nam đất nước ngay từ những năm đầu đụng chạm với quân lực Pháp. Pháp tiếp tục tiến đánh cho đến khi chiếm được toàn bộ Việt Nam. Sự kiện tầu Mỹ bắn phá ngoại ô Tokyo và tầu Pháp bắn phá Thuận An gần như cùng một thời gian với cùng một tầm mức, nhưng mục tiêu thật khác xa nhau. Nhật Bản chỉ cần chấp nhận mở cửa một số hải cảng cho Mỹ và các nước Tây phương vào buôn bán là việc bắn phá được chấm dứt. Đối với Trung Hoa cũng gần như thế. Các cường quốc Âu Mỹ chỉ cần có một số khu vực trên đất Trung Hoa để tự do làm ăn buôn bán là họ không tiếp tục đánh chiếm Trung Hoa nữa. Mọi việc sau đó diễn ra như thế nào là tùy triều đình, giới thức giả và nhân dân Trung Hoa, Nhật Bản tự quyết định.
Nếu trước khi Nhật Bản kịp canh tân, mở cửa, và trước khi Trung Hoa kịp làm cuộc cách mạng lật đổ chế độ quân chủ, Mỹ hoặc các nước Tây phương khác quyết tâm chiếm đóng hai nước này, thì chưa chắc Trung Hoa và Nhật Bản đã giữ được độc lập và yên ổn để canh tân. Và số phận của cả hai nước này chưa chắc đã khá hơn Việt Nam. Riêng Nhật Bản cũng đã thi hành chính sách đóng cõi và tàn sát giáo dân Ki tô giáo quyết liệt và lâu dài không kém, nếu không nói là triệt để hơn Việt Nam. Ở đây, phải chăng yếu tố địa lý chính trị của Việt Nam, cửa ngõ giao thương hàng hải giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, có tính quyết định cho số phận của Việt Nam? Và nếu yếu tố địa lý chính trị đáng được quan tâm thì phải chăng quan điểm về văn minh tiến bộ của chính nhà cải cách hàng đầu Nhật Bản Fukuzawa, người được coi là cha đẻ của nước Nhật canh tân, đáng để chúng ta suy ngẫm. Quan điểm đó là: “văn minh tùy thuộc thời gian và hoàn cảnh”. Hoàn cảnh (đia lý chính trị của Việt Nam) và thời gian (chiếm Nam Kỳ chỉ 2 năm sau khi bắn phá thị uy ở Đà Nẵng) hoàn toàn không thuận lợi cho Việt Nam để kịp canh tân đất nước như Nhật Bản và ngay cả Trung Hoa.
Khi so sánh cách tiếp cận và đối phó với Tây phương của ba nước Nhật Bản, Trung Hoa và Việt Nam, tôi muốn đưa ra một cách nhìn khác với cách nhìn thông thường từ trước đến nay, cho rằng vua quan và trí thức Việt Nam đã bảo thủ, không thức thời, không nhanh chóng mở cửa canh tân. Và do đó, đã để mất nước. Tôi cho rằng chúng ta mất nước trước khi kịp canh tân. Nhật Bản mở cửa canh tân khi Minh trị Thiên hoàng nắm quyền bính năm 1868. Lúc đó và ba thập niên sau đó nước Nhật hoàn toàn yên ổn để tiếp tục canh tân, và không bị mất một tấc đất nào. Năm đó chúng ta đã mất 1/3 đất nước. Nếu Nhật Bản có Fukuzawa, chúng ta cũng có Bùi Viện, Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ… Ngay cả Cao Bá Quát, sau chuyến đi Tân Gia Ba về, trực tiếp thấy được những tiến bộ của văn minh mới, đã không thể ngồi im, can gián không được, phải làm loạn để bị chém đầu. Không khác gì trường hợp của Shôin ở Nhật, trước khi Minh trị Thiên hoàng lên ngôi. Những con người Việt Nam yêu nước, hiểu biết và muốn canh cải đất nước như thế không ít, nhưng dù họ có muốn, triều đình có muốn, có còn kịp nữa không, và liệu người Pháp có chịu ngồi yên nhìn triều đình và sĩ phu yêu nước Việt Nam canh tân đất nước hay không?
Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia có vị trí địa lý, văn hóa và lịch sử đặc thù. Chúng ta không thể bỏ qua những nét đặc thù này trong việc xét định tư tưởng và chính sách chính trị của mỗi quốc gia dân tộc, cũng như trong việc lựa chọn tư tưởng và chính sách chính trị cho quốc gia dân tộc mình.
(28/3/2014)
© Đoàn Viết Hoạt
© Đàn Chim Việt
Triều đình Meiji (Minh Trị) chỉ đã khôn ngoan duy tân canh cải sau khi đã có nội chiến do xung khắc từ các hiệp ước với Âu Mỹ và áp lực của chính các nước đế quốc đó về các hiệp ước.
Sau khi bị áp lực bởi hải quân của Perry, Nhật đã ký hiệp ước với Mỹ: Treaty of Peace and Amity tháng 3, 1854, đại diện bởi nhà shogun Tokugawa (là thực lực lãnh đạo nước Nhật trong thời đại Edo), và sau đó chấp nhận bởi hoàng đế Komei dù miễn cưỡng.
Và sau 2 năm đàm phán từ 1856, Mỹ đã đạt được Hiệp Ước Hữu Nghị Và Thương Mại với Nhật vào tháng 7 năm 1858, đưa đến các hiệp ước tương tự như thế với các nước Âu Châu khác (Ansei Five Power Treaties, tức là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Hòa Lan) mà trong đó có điều khoản về khu vực cư trú riêng cho họ và điều khoản đặt quyền lực pháp lý xử xét những ngoại kiều phạm pháp ở tòa án lãnh sự của quốc gia họ, không qua luật pháp và tòa án của Nhật; đây là những điều mà chắc chắn đã được cho là bất bình đẳng, dù phe Âu Mỹ biện minh với lý do gì khác. Nhà shogun Tokugawa đã miễn cưỡng chấp nhận hiệp ước này là vì sứ giả Townsend Harris của Mỹ nêu ra việc Anh và Pháp sẽ không ngại dùng chiến tranh với Nhật như họ đã làm ở Trung Quốc nếu Nhật không đáp ứng yêu cầu của họ, và cuộc chiến Opium 1839 là do những vấn đề đã không được thương thảo thỏa đáng; Mỹ do đó đề nghị giải pháp hòa bình hơn qua hiệp ước này.
Nhưng ngay sau đó, nhiều lãnh đạo của Nhật đã nổi loạn chống lại việc thực hành những hiệp ước này; hoàng đế Komei cũng đã ra lệnh “trục xuất bọn man rợ” ra khỏi Nhật (năm 1863). Người ngoại quốc và những người theo họ hoặc làm việc cho họ (cả Âu lẫn Á) đã bị giết và vì thế, các lực lượng của Mỹ, Pháp, Hòa Lan và Anh trong khoảng 1863-65 đã tấn công can thiệp và ép buộc hoàng đế Nhật thay đổi chính sách, phải thi hành các hiệp ước đã ký. Nhà shogun Tokugawa và nhóm phe theo hoàng đế đã trở thành kẻ thù của nhau dẫn đến cuộc nội chiến Boshin (1868-69), kết thúc hệ thống shogun và đưa quyền bính trở về triều đình với hoàng tử Mutsuhito lên hoàng đế lúc mới 14 tuổi năm 1867 sau khi Komei chết. Trong cuộc nội chiến, cả hai phe đã mua vũ khí, tàu bè và tìm kỹ thuật, học hỏi để canh tân quân đội từ những nước họ đã có hiệp ước; phe chống shogun đã là tiên phong và tích cực trong việc canh cải này!
Điểm chính là Nhật Hoàng đã không phải là người thực hiện chính sách mở cửa với Tây phương. Cuộc canh cải đất nước của phe phục hưng Nhật Hoàng là hậu quả của sự bất mãn với shogun Tokugawa và các hiệp ước ký với Âu Mỹ, dù sau đó triều đình Nhật vẫn phải thi hành các hiệp ước đó và nó mang lại lợi ích cho chính họ. Ngay từ khi Meiji chưa lên ngôi, Fukuzawa – người trí thức dòng dõi samurai đóng vai trò lớn nhất trong việc canh cải – đã thực hiện các chuyến ngoại giao từ 1859 theo lãnh đạo của shogun, và đã gây ảnh hưởng trong giới trí thức với các sách ông xuất bản vào thời Meiji mới lên ngôi.
Dù đã trải qua khủng hoảng chính trị, điều tuyệt vời nhất là Nhật đã không bị Tây phương đánh chiếm và đô hộ, mặc dù họ vẫn phải thi hành các hiệp ước đã ký. Trích http://en.wikipedia.org/wiki/Meiji_period : “The Meiji government assured the foreign powers that it would follow the old treaties negotiated by the bakufu and announced that it would act in accordance with international law.” Ở đây, “bakufu” là chế độ thời shogun.
Nếu Mỹ và các nước Âu kia đã không cố bảo vệ các hiệp ước họ và đã không bán vũ khí, không giúp kỹ thuật trong cuộc nội chiến, và nếu phe Nhật Hoàng thắng, Nhật cũng đã lại tỏa cảng và chỉ có thể canh tân rất giới hạn (qua quan hệ với Hòa Lan); Fukuzawa Yukichi cũng đã chẳng gây được phong trào duy tân phát triển đất nước. Cái oái oăm của lịch sử là ở đó! Tôi đoán rằng, có lẽ sách vở Nhật đã lâu nay chỉ ca tụng Nhật Hoàng trong ‘khôn ngoan’ của việc cải cách và trí thức như Fukuzawa mà chẳng hề nói tới sự miễn cưỡng thi hành các hiệp ước – trong khi nếu không có nó thì họ đã không thể học hỏi, mua bán gì đáng kể với Tây phương! Tôi tin là đây là lý do đã gây ra sự hiểu lầm về lịch sử Nhật cho nhiều người.
Trở lại Việt Nam, nhà Nguyễn đã có khoảng 2 thập niên để ngoại giao giải quyết vấn đề an toàn sinh mạng cho các giáo sĩ Pháp trước khi họ gửi sứ giả Montigny đến năm 1857 để thương lượng quan hệ ngoại giao, nhưng rồi cũng chỉ bị ‘nhổ vào mặt’ nên năm sau Đà Nẵng đã bị đánh chiếm, và sau gần 10 năm thì miền Nam đã bị thuộc vào Pháp hoàn toàn. Trong khoảng 10 năm biến chuyển ở Nhật và VN (1858-1869), Nhật đã qua được khủng hoảng chính trị rồi phát triển, trong khi VN đã ngày càng đi vào con đường thua thiệt hơn để rồi bị đô hộ hoàn toàn.
Người Nhật thời đó khôn ngoan, sắc sảo về chính trị vì họ ở trong tình trạng sứ quân. Các sứ quân thường liên kết với nhau hoặc chống nhau, luôn luôn như vậy nên họ hiểu rõ lòng dạ con người, cách thức dùng lợi lộc, sức mạnh đối phó với nhau hay khi nào nên thỏa hiệp. Việt Nam ở thời thái bình lâu năm, vua quan cai trị chế độ trung ương tập quyền, không ai dám chống đối nên đối ngoại, người Việt thiếu sự uyển chuyển, linh động như người Nhật.
Tình trạng bế quan tỏa cảng của Nhật thật ra không đóng kín đất nước. Các sứ quân trong vùng lãnh địa của mình vẫn có thể tiếp xúc với người Tây Phương để học hỏi. Tàu Tây phương vẫn cập bến giao thiệp với các sứ quân. Ngay cả khi Mạc Phủ dành độc quyền trong việc ngoại thương thì các sứ quân vẫn lén buôn bán với Tây phương hoặc cố tình làm lơ để hàng lậu tuồn vào vùng của họ. Họ lén buôn bán với Tây phương để làm giàu cho họ, tức là tăng thêm sức mạnh cho họ. Mạc Phủ không có quyền kiểm soát tuyệt đối tại Nhật lúc đó.
Có lẽ không phải lỗi tại ai cả. Tại thời thế nó như thế. La Mã sống trong thời thái bình lâu năm thì cũng sinh ra lười, kém cỏi, đánh nhau thua những bộ lạc kém văn minh hơn mình.
Năm 1885, Phan Đình Phùng lập chiến khu chống Pháp. Có ông Cao Thắng chế tạo súng bắt chước theo kiểu của Pháp. Sau khi phong trào Phan Đình Phùng tan, Pháp tịch thu được súng của Cao Thắng, xem xét và khen là làm rất giống súng của Pháp. Tại sao triều đình không làm như ông Cao Thắng, chế tạo súng theo kiểu của Pháp để chống lại Pháp? Ông Cao Thắng chế tạo súng trong vùng rừng núi, điều kiện eo hẹp mà làm được . Nếu triều đình có người, có phương tiện, tiền bạc, ra lệnh làm thì chắc chắn phải làm được và có thể chế tạo được nhiều súng. Từ lúc Pháp dùng súng đánh Đà Nẵng năm 1858 đến năm ông Phan Đình Phùng khởi nghĩa, 1885, là 27 năm. Trong 27 năm đó, nếu triều đình cố gắng sản xuất súng nhái theo kiểu của Pháp thì chắc chắn là sẽ làm được.
Trích: “Hoàn cảnh (đia lý chính trị của Việt Nam) và thời gian (chiếm Nam Kỳ chỉ 2 năm sau khi bắn phá thị uy ở Đà Nẵng) hoàn toàn không thuận lợi cho Việt Nam để kịp canh tân đất nước như Nhật Bản và ngay cả Trung Hoa.”
Việt Nam có thì giờ để canh tân hay không? Pháp đánh Đà Nẵng lần đầu vào năm 1858. Pháp đánh Hà Nội vào năm 1873. Từ lúc Pháp bắt đầu đánh Đà Nẵng cho đến lúc đánh ra Bắc là 15 năm. Trong 15 năm đó liệu có đủ thì giờ cho Việt Nam mua vài ngàn khẩu súng của Tây phương trang bị cho quân đội? Làm việc canh tân như khai mỏ, mở mang kinh tế thì lâu nhưng mua súng trang bị và huấn luyện cho quân đội thì nhanh. Cùng thời gian đó, những người trong phe canh tân của Nhật đã mua cũ súng của Mỹ để trang bị cho mình. Sau triều đình không làm việc đó? Vì không biết là có thể mua súng của nước khác để chống lại Pháp chăng? Mỗi lần Pháp đánh một thành của Việt Nam thì chỉ đem vài chục quân, đông hơn là hàng trăm. Nếu Việt Nam có vài ngàn khẩu súng thì có thể chống lại Pháp.
Khi nói Minh Trị Thiên Hoàng bắt đầu năm 1868 thì đó là lúc bắt đầu thay đổi toàn diện từ chế độ chính trị cho đến cơ cấu xã hội, cách tổ chức quân đội, nền kinh tế… Nhưng trước 1868 thì Nhật cũng đã học hỏi Tây Phương và tân trang quân đội. Từ thập niên 1820 – 1830, Nhật đã học Hòa Lan và tự chế tạo súng. Năm 1840, Mạc Phủ mua súng của Hòa Lan trang bị cho quân đội. Trong thời kỳ Pháp đang đánh các tỉnh miền Tây và miền Đông của Việt Nam thì cùng thời đó váo các năm 1866, 1867, là lúc phe Mạc Phủ và phe canh tân đánh nhau. Mạc Phủ đặt mua 40 ngàn khẩu súng kiểu mới nhất của Pháp để chống lại phe canh tân. Còn phe canh tân thì mua súng của Mỹ đã dùng trọng trận nội chiến của Mỹ để đánh Mạc Phủ. Vào lúc Pháp đánh Việt Nam thì quân đội Nhật cũng trang bị súng ống, tàu chiến xem ra chẳng thua gì các nước Tây Phương. Lúc đó các nước Tây phương chấp nhận vào buôn bán với Nhật chứ muốn đánh Nhật để đô hộ thì không chắc thắng được. Đó là trước thời kỳ canh tân mà đã thế.
Còn Việt Nam thì quân đội quá lạc hậu, quá yếu . Dù cho Việt Nam mở cửa cho Pháp vào buôn bán thì lúc Pháp thấy Việt Nam quá yếu, Pháp cũng đánh chiếm luôn. Vì thế điểm then chốt không hẳn là có mở cửa hay không mà có tân trang quân đội sớm hay không. Khi quân đội tương đối mạnh thì mở cửa buôn bán với Tây Phương thì sẽ tránh khỏi bị tấn công vì Tây Phương chấp nhận tìm cái lợi ở buôn bán hơn là đánh nhau. Còn quân đội yếu quá thì mở cửa hay không cũng vẫn bị đánh chiếm.
Trích từ phần Kết luận:
“Khi so sánh cách tiếp cận và đối phó với Tây phương của ba nước Nhật Bản, Trung Hoa và Việt Nam, tôi muốn đưa ra một cách nhìn khác với cách nhìn thông thường từ trước đến nay, cho rằng vua quan và trí thức Việt Nam đã bảo thủ, không thức thời, không nhanh chóng mở cửa canh tân. Và do đó, đã để mất nước. Tôi cho rằng chúng ta mất nước trước khi kịp canh tân. Nhật Bản mở cửa canh tân khi Minh trị Thiên hoàng nắm quyền bính năm 1868. Lúc đó và ba thập niên sau đó nước Nhật hoàn toàn yên ổn để tiếp tục canh tân, và không bị mất một tấc đất nào.”
>>>> Tôi cho rằng ông Hoạt vẫn nhận định không đúng vấn đề về cả trường hợp Nhật lẫn VN. Vấn đề không phải VN “đã bảo thủ, không thức thời, không nhanh chóng mở cửa canh tân” để rồi nước yếu kém không chống lại được Pháp (tôi đã từng “bị dạy” như thế từ nhỏ và cũng đã chỉ nhai lại như thế). Việc ông Hoạt cho rằng “mất nước trước khi kịp canh tân” lại càng sai hơn! Vấn đề là ở việc mở cửa chứ không phải là phải canh tân thì mới tiến bộ để giữ được độc lập! Nhật đã không bị tấn công, không mất lãnh thổ là vì họ đã chấp nhận ký kết giao thương với Mỹ năm 1854 và rồi với các nước Tây phương khác sau đó. Sự “bất bình đẳng” trong các giao ước có thể là thật, nhưng có thể một phần là nhận định chủ quan từ phía người Nhật. Đây là sự thường tình vì trong trading, bên nào cũng muốn được “hơn”, mà hơn thế nào là chuyện chủ quan; không những thế, các hiệp ước còn đặt điều kiện về hàng hải quốc tế: quyền được lánh nạn tránh bão, sửa tàu, cứu người, lấy nước ngọt, v.v. Đó là những điều kiện “áp bức” nếu nhìn theo quyền độc lập lãnh thổ (sovereignty) của một nước muốn đóng cửa với thế giới, nhưng những điều kiện đó đã là căn bản hải thương (navigation and trading) giữa các nước Tây phương sau những xung khắc họ đã từng có trước đó (và thành luật biển QT sau này). Vì vậy, tôi muốn xác định là nhờ mở cửa với nhiều nước Tây phương – dù có bất công trong quan hệ lúc đầu – mà Nhật đã tránh được chiến tranh, không bị đô hộ và rồi có cơ hội để canh tân.
Trong khi đó thì nhà Nguyễn – khi đã từng gửi người đi Pháp cầu viện trước kia, đã từng dùng người, vũ khí và kỹ thuật Pháp để đánh Tây Sơn – thì lại coi thường sứ giả triều đình Pháp, vứt thư của Napoleon ở bãi biển, không thèm đếm xỉa đến những yêu cầu của Pháp thì làm sao tránh được chiến tranh? Thái Lan đã tiếp đón cùng sứ giả đó của Pháp (http://en.wikipedia.org/wiki/Charles_de_Montigny) và họ đã được đối xử công bằng, không bị tấn công. Nếu nhà Nguyễn đã chịu mở cửa, ký giao ước với chỉ 2 nước lớn thì cũng đã đủ tạo thế chính trị để tránh bị tấn công và giữ được độc lập; Thái Lan đã thực hiện được như vậy (với Anh và Pháp) dù sau đó họ đã không đắc lực trong việc canh tân nước họ. So sánh giữa Nhật và Thái về khác biệt cũng như tương đồng, điều đó có chứng minh rằng tham vọng của Tây phương trong giai đoạn này là đặt trọng tâm ở buôn bán (trading), và việc chiếm đất, đô hộ chỉ là giải pháp tồi hơn dù có thể làm nếu cần?
“Mất nước trước khi kịp canh tân” như ông Hoạt viết để lý luận xác định nguyên nhân thì quá sai vì cần phải hỏi: canh tân bằng cách nào, nếu không là mở cửa giao thương trước hết? Tiếp tục học Tàu để canh tân à? Chỉ gửi người đi Âu Châu (thí dụ thế) để học và về làm việc có đủ để làm việc canh tân không? Không cần mua các nguyên liệu, máy móc của họ thì sáng tạo lại mọi thứ từ tài nguyên đất nước chăng? Lâu nay người Việt ta đã hiểu sai về vấn đề đô hộ và đến nay – sau mấy chục năm được đi kkắp nơi trên thế giới và trải nghiệm văn hóa ngoại – người Việt vẫn nhận thức lầm thì thật là đáng buồn cho VN.
Nhà Nguyễn không những đã quá dở trong ngoại giao – ít nhất đối với Tây phương – mà lại còn nhất quyết bác bỏ các kiến nghị của những nhân tài thức thời khi tình trạng đáng lẽ có thể cứu vãn được, sau khi chỉ mới bị đánh ở Đà Nẳng và rồi mất Sài Gòn năm 1859. Hãy thử nghĩ nếu nhà Nguyễn ngay sau đó đã liên lạc với Tây Ban Nha và Anh, Hòa Lan (qua các giáo sĩ hoặc thương gia vì họ thường đến Hội An và Phố Hiến) và lập giao ước với họ, rồi đàm phán lại quan hệ với Pháp thì có thể lấy lại đất và tránh bị đô hộ không? Dựa trên các dữ kiện đã bàn trên, tôi tin là được hoàn toàn. Chỉ vì mang não trạng thần phục Tàu, coi thường Tây, ôm văn hóa Khổng Nho cứ như là của mình mà nhà Nguyễn đã đi quá sai trong việc này. Âu cũng là kết quả tai họa của một chính thể độc tài nhưng không biết mình dở, mình yếu, nên không biết sợ và khinh thường đối thủ.
Tôi nghĩ rằng, câu “mất nước trước khi kịp canh tân” của ông Hoạt nó phản ảnh tâm trạng muốn đổ lỗi cho sự hùng hổ, tính gây hấn (aggressiveness) của Tây phương hơn là muốn nhận rằng sai lầm lớn là do chính dân mình gây ra (đúng ra là chỉ triều đình Nguyễn mà thôi, và người dân VN nói chung chỉ là nạn nhân gián tiếp do hoàn cảnh lịch sử và văn hóa). Nếu phải xác nhận rằng sự xung khắc giữa những khối con người có những khác biệt với nhau là điều không thể không có, thì cách giải quyết qua thương thảo, đàm phán có phải là điều tốt nhất, nhân bản và văn minh nhất không – trước khi phải dùng đến bạo lực để giải quyết vấn đề? Còn nếu phải đặt câu hỏi về sự cần thiết tìm bành trướng kinh tế, ảnh hưởng, hoặc lãnh thổ của các nước khối Tây phương thì có lẽ cũng phải hỏi tại sao Tàu đã từng tấn công, muốn chiếm và đồng hóa VN (không cần đàm phán), và các vấn đề tương tự trên khắp thế giới từ xưa? Tôi nghĩ không thể trả lời cho vấn đề này mà không tìm căn nguyên của nó qua triết lý, tôn giáo và khoa học – quá rộng lớn và có thể không có câu trả lời thỏa đáng chung. Riêng việc các nước Đông Á và tiếp cận Tây phương ở đây, giải đáp không thể rõ ràng hơn trong giới hạn của vấn đề.
Tôi không muốn chỉ trích cá nhân ông Hoạt (vì không phải chỉ riêng ông có quan niệm này), tôi chỉ thấy sự việc quan trọng nên viết hơi dài để trình bày cách nhìn khác tôi nghĩ là công bằng với lịch sử hơn. Chúc ông mạnh khỏe và an bình tâm hồn.
Có thể nói là đường lối đối ngoại của Việt Nam lúc đó dở. Vì đâu mà dở? Vì kiến thức về thế giới quá nghèo nàn. Kiến thức quá nghèo nàn phải chăng vì trong nước từ xưa đến nay thiếu sự tự do bàn luận, thiếu sự tự do học hỏi? Vào cùng thời Nguyễn Trường Tộ dâng biểu canh tân thì Nhật đã có người soạn tự điển, có trường dạy ngoại ngữ, dạy các nghề học từ Tây Phương.
Điều luật Gia Long cấm dân bàn về chính trị có ảnh hưởng như thế nào với việc nghèo nàn về kiến thức của vua quan? Cả Trung Quốc và Việt Nam đều có điều luật cấm dân bàn về chính trị. Phải chăng sự cấm đoán đó đưa đến trình độ “vương trí” và “quan trí” của hai nước đều quá thấp kém? “Vương trí” và “quan trí” đã thấp kém thì dân trí cũng không thể cao được vì đó là chế độ tập trung quyền vào tay người ở trên, dân không được làm gì khi ở trên không cho phép.
Trích: “không thể không nhắc đến Fukuzawa Yukichi (1835-1901), … Ông học tiếng Hòa Lan, tiếng Anh”
Ông Yukichi này học tiếng Hòa Lan tại trường của một ông thày thuốc Nhật tên là Ogata Koan. Ông Koan là thế hệ lớn hơn ông Yukichi 20 tuổi. Ông Koan trước đó học tiếng Hòa Lan để học y học của Hòa Lan và của Tây Phương. Còn anh ông Yukichi thì bảo ông Yukichi học tiếng Hòa Lan để học cách chế tạo đại bác và súng ống của người Hòa Lan.
Ông Yukichi lúc còn bé cũng học sách Nho Giáo giống như các Nho sĩ người Việt và Trung Hoa. Nhưng ông ta không chỉ học Nho Giáo mà thôi mà còn học thêm các thứ khác nữa. Những người Nhật khác cũng thế. Như vậy người Nhật học hỏi là vì họ muốn hiểu biết, vì muốn biết những thứ có thể đem ra áp dụng ra ngoài đời. Khác với thái độ đi học của Nho sĩ Việt và Trung Hoa là học để ra làm quan. Vì chỉ nhắm học làm sao cho thi đỗ rồi làm quan nên họ học tủ, học vẹt miễn sao lấy được bằng. Sau khi thì đỗ ra làm quan thì thấy là mình đã đạt được mục đích rồi, không còn muốn học gì thêm nữa.
Cái tinh thần của người Nhật học cốt lấy thực chất ngày nay vẫn còn. Có người Việt tại Ý thấy có một anh Nhật về sống ở một làng Ý có tiếng về sản xuất đàn violon từ nhiều đời. Anh ta sống ròng rã cả 10 năm trời để học nghề làm đàn. Anh ta học cốt để học được cái nghề để sau này có thể làm được, không phải học để có cái bằng.
Xin lưu y’ tác giả nêu lên sự khác biệt giữa Nhật và VN trong việc canh tân xứ sở: “…Tôi cho rằng chúng ta mất nước trước khi kịp canh tân….nước Nhật hoàn toàn yên ổn để tiếp tục canh tân, và không bị mất một tấc đất nào. Năm đó chúng ta đã mất 1/3 đất nước.”
VN bị Pháp đô hộ và ngăn cản duy tân, cũng giống hệt như ngày nay bọn cướp CSVN đang tình nguyện làm tay sai CSVN nghe theo lệnh của sư phụ Tàu khựa chúng để bắt bớ, giam cầm, đập tan phong trào đa nguyên đa đảng Dân Chủ tại VN. Ngăn cản không cho VN thay đổi, đó là mệnh lệnh bọn cướp mafia CSVN nhận được từ quan thày Tàu khựa của chúng. Tôi còn nhớ khi còn nhỏ, nghe người lớn luận về thế sự VN, bàn như sau: “VN mình là nước nhỏ, trước sau cũng phải làm đầy tớ cho hoặc là Tư Bản, hoặc là Cộng Sản. Nếu đã vậy, người khôn biết chọn chủ mà theo, chớ nên theo bọn Cộng Sản trước là hại dân mà nước cũng sẽ chẳng còn.”. Ngày nay tôi thấy, chả có nước Tư Bản nào thèm chiếm đất đai của ai cả, chỉ có bọn CS Nga Tàu mới làm việc khốn nạn cướp bóc đó mà thôi. Làm chính trị, phải nương theo thời, thuận theo hoàn cảnh để rồi tìm ra cách tốt nhất cho xứ sở như cụ Phan Chu Trinh, là đúng nhất. Tiếc thay, toàn dân nước VN lại mê muội, cuồng nhiệt với 4 chữ Độc Lập Tự Do, để rồi bị Hồ chí minh lừa khoác vào cổ cái ách CS còn mang cho tới bây giờ. Oán hận ngày nay của dân VN đã thấu tận Thiên Đình chưa?????
Nước Nhật đã sớm tiến hành cải cách còn vì một lý do. Đúng là có giai đoạn bế quan tỏa cảng như nhiều nước nhưng trong thời gian đó Nhật không ngồi yên mà những tư tưởng tiến bộ, khoa học đã được truyền vào qua việc in sách. Nhiều người đã tiến hành dịch sách phương Tây và in ra cho dân chúng. Có thể nói trong thời gian bế quan tỏa cảng này chính là lúc Nhật chuẩn bị tư tưởng cho cuộc duy tân sau này.
Điều mà mọi người đều biết là Nhật canh tân trong khi Trung Hoa và Việt Nam còn lạc hậu là vì người Nhật thức tỉnh sớm hơn. Nhưng lý do vì sao người Nhật thức tỉnh sớm hơn thì người Việt hàng trăm năm nay vẫn tự hỏi và nhiều người đưa ra các câu trả lời khác nhau.
Trong bài này tác giả cho thấy vì Nhật không bị các nước Tây phương đô hộ nên họ có thể canh tân trong khi Việt Nam bị Pháp đô hộ nên không còn có thể canh tân được nữa vì Pháp ngăn cản.
Lý do Nhật không bị các nước Tây Phương đô hộ là vì vào cùng thời kỳ Pháp đánh Việt Nam thì quân đội Nhật mạnh hơn quân đội Việt Nam nhiều. Lấy thí dụ, khi nhóm quí tộc và vũ sĩ chủ trương canh tân muốn lật đổ Mạc Phủ (một loại chúa Trịnh của Nhật) thì họ có những trận thủy chiến dùng chiến hạm gỗ, chạy bằng hơi nước họ đặt Tây Phương đóng. Chiếc thì do Anh đóng, chiếc thì do Hòa Lan đóng. Đây là các tàu kiểu mới nhất vừa mới được đóng trong thập niên 1860. Có nghĩa là thủy quân của Nhật mạnh tương đương với các nước Tây, nếu có thua kém thì cũng không thua kém quá nhiều. Vào cùng thời kỳ này, Việt Nam không có các tàu như vậy. Cùng thời đó, quân đội của Mạc Phủ và các sứ quân cũng đã được trang bị súng mới của Tây Phương, điều mà Việt Nam không có.
Lý do người Nhật ráo riết canh tân quân đội và vũ khí là vì họ còn trong tình trạng sứ quân. Mỗi sứ quân có lãnh địa riêng, có quân đội riêng, có thủy quân riêng. Họ phải dòm chừng nhau khi thấy các sứ quân khác mua vũ khí mới thì họ cũng phải mua nếu không họ sẽ bị tiêu diệt. Chính vì ở trong tình trạng sứ quân mà Nhật có tự do tư tưởng. Trong mỗi lãnh địa của các sứ quân, họ cho người đi học hỏi hay viết sách bàn bạc về canh tân thì Mạc Phủ cấm không nổi, sứ quân này không thể cấm người của sứ quân khác viết sách bàn về cách làm sao cho phú quốc cường binh. Trong khi đó thì tại Trung Hoa và Việt Nam, ai mới mon men bàn về chính trị thì bị cấm ngay. Vì Việt Nam và Trung Hoa có chính quyền trung ương tập quyền nên chính quyền đó có khả năm cấm dân nói. Trong chế độ trung ương tập quyền, khi người ở đỉnh cao không chịu canh tân thì người dân không thể “cầm đèn chạy trước ô tô”.
Chính vì cơ cấu chính trị của Nhật chưa tiến lên đến mức trung ương tập quyền được nên người Nhật có cơ hội thức tỉnh trước và canh tân trước. Chế độ sứ quân tại Việt Nam và Trung Hoa không ai muốn vì nó có thể gây ra nội chiến, nhưng nó lại là khung cảnh dễ xảy ra thay đổi hơn.
Ngày nay, các nước dân chủ họ không để cho có tình trạng sứ quân về quân đội, nhưng họ cho phép tình trạng sứ quân về tư tưởng chính trị để có thể canh tân và thay đổi. Tình trạng sứ quân về tư tưởng chính trị chính là chế độ đa đảng. Các đảng có quyền có tư tưởng chính trị khác nhau, nhưng không dùng vũ lực đánh nhau như các sứ quân vì không đảng nào được có quyền có quân đội riêng.