WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Ngày cách mạng mùa thu ở Huế

(Anthony Grey – Nguyễn Ước)

Vua Bảo Đại (giữa)

Trăng Huyết là bộ trường thiên lịch sử tiểu thuyết gồm Tám phần, lấy bối cảnh Việt Nam từ năm 1925 tới đêm 29.4. 1975. Bản gốc là Saigon của Anthony Grey, viết bằng tiếng Anh, xuất bản năm 1982. Hai mươi năm sau, Nguyễn Ước phóng tác thành Trăng Huyết, và được A. Grey chấp thuận cùng đứng tên đồng tác giả bản tiếng Việt. Từ năm 2004 tới nay, Trăng Huyết đã in tới lần thứ ba, đồng thời được tải trên hàng chục trang web trong và ngoài nước với hàng triệu lượt vào đọc (có thể truy cập qua google.com).

Nhân kỷ niệm những ngày tháng Tám 1945, và trong không khí chính trị sôi sục hiện nay, xin gởi đến bạn đọc đoạn trích một chương nói về không khí tại Kinh đô Huế trong thời điểm Cựu Hoàng Bảo Đại thoái vị, trao ấn kiếm cho phái đoàn đại diện chính quyền cách mạng. Hi vọng trích đoạn này có thể góp phần làm sống lại lý tưởng của một thời khát khao cách mạng độc lập dân tộc. Nhan đề “Ngày cách mạng mùa thu ở Huế”, là do tôi tạm đặt.

—————————————————–

Phần Thứ Tư

Chiến Tranh và Nạn Đói

1941-1945

Chương 12

Trời tờ mờ sáng, trên cánh đồng Hương Trà còn ướt đẫm sương đêm, số người tụ tập để tuần hành vào Huế đã lên đến trên mười ngàn. Bộ quần áo bà ba màu lam hoặc nâu lành lặn nhất trên mình của người may mắn nào đó cũng không khỏi bị giặm đôi ba chỗ vá. Họ gồm những nông dân đứng tuổi khắc khổ, khuôn mặt hốc hác, nước da tai tái; các thanh niên hai mắt long lanh, tay chân không ngớt múa men; và các thiếu nữ má hây hây đỏ, tóc cột gọn gàng thả xuống sau lưng hay một bên ngực. Từ các tổng làng xa cả chục cây số, họ thức dậy lúc ba bốn giờ sáng, ăn qua loa vài củ khoai sắn và ém vội mo cơm độn, kèm theo muối ruốc, rồi nườm nượp kéo nhau về đây tập trung theo lời kêu gọi của Ủy Ban Khởi Nghĩa. Từ chỗ này, họ sẽ cùng nhau đi bộ tới Sân Vận động Huế tham dự buổi mít-tinh đón tiếp phái đoàn đại biểu Việt Minh từ Hà Nội vào tiếp nhận sự thoái vị của Bảo Đại.

Hôm đó là ngày 29 tháng Tám. Cuộc nổi dậy cướp chính quyền bùng lên từ huyện Phong Điền mười một ngày trước, tới nay đã lan khắp các huyện trong tỉnh. Khí thế cách mạng đêm ngày cuồn cuộn như nước nguồn từ dãy Trường Sơn hằng năm đổ về. Tên Hồ Chí Minh xuất hiện và mang đầy vẻ bí ẩn trên cửa miệng thì thầm của những người có hoạt động quốc sự, làm lòng họ thêm nôn nao hy vọng. Tuy thế, nhiều người vẫn tự hỏi có quả thật ông ấy là Nguyễn Ái Quốc, một người chống Pháp đòi độc lập tự do cho dân tộc, mà tên tuổi đã đi vào truyền thuyết. Hầu như không người nào trong họ biết rõ “cách mạng” là gì nhưng không hiểu sao âm thanh của hai tiếng ấy làm tim họ đập rộn ràng. Nó như hiệu lệnh thúc họ đứng lên chiến đấu, để chấm dứt những ngày dài nô lệ đói rét, để mọi người được ăn no mặc ấm, và để đất nước từ nay sạch bóng bọn tây đô hộ cùng đám tham quan ô lại và cường hào ác bá.

Trong lúc lâng lâng với những ý nghĩ đó, họ cảm thấy rùng mình, như có linh cảm mơ hồ về những gian nan sắp tới. Là người sống bằng mồ hôi của chính mình, họ biết việc gì trên đời cũng có cái giá của nó. Cách mạng, nếu như thế, cũng có thể đưa tới chiến địa, tù ngục và huyệt mộ dành cho con cái họ, thậm chí bản thân họ. Riêng với thanh niên, hai tiếng “cách mạng” nghe rất nôn nao, như thể sắp có một cuộc đổi đời, say sưa và tích cực. Đầu họ ngẩng cao thách thức. Chân đi trên thửa ruộng còn đầy gốc đay mới đây bị trồng thay lúa, mà máu huyết cứ rần rật sôi trong người. Sợi gân sau cổ chân cứ co giật, muốn bung lên về phía trước, xung phong lao tới một đối phương đang đợi sẵn. Cách mạng, nghe rất quốc sự và đầy ước vọng, như thể cuộc đời họ sắp được kéo lên từ chốn hiện tại mịt mù nhất, đem họ đi thật xa, ra khỏi nơi thôn làng tù túng và cơ cực. Họ sẵn sàng hiến dâng tâm hồn, thể xác và tuổi xuân cho cách mạng. Họ hân hoan chấp nhận cuối con đường quang vinh đó có thể là huyệt mộ. Nhưng được chết ngửa mặt với vũ khí trong tay còn hơn chết bằn bặt tù đày hoặc sống đày đọa với sưu cao thuế nặng. Và họ tin tưởng, như đinh đóng cột, rằng những kẻ đang kêu gọi họ đứng lên đấu tranh kia là người cùng chung thân phận, cùng da vàng máu đỏ, và hơn nữa, đồng một bào thai dân tộc, nên sẽ không bao giờ lường gạt hoặc phản bội họ.

Hôm nay ngọn gió sớm mai mùa thu từ phương đông thổi tới cánh đồng phơi phới lạ thường. Tới bảy giờ, cả vạn người ấy vào hàng ngũ chỉnh tề, xuất phát theo hiệu lệnh. Lá cờ đỏ sao vàng lớn như mái nhà đi dẫn đầu, được cầm cứng cỏi bằng cả hai tay của những thanh niên lực lưỡng luân phiên nhau. Kế đó, một biểâu ngữ đỏ thắm giăng ngang mặt đường do đôi trai gái rạng rỡ dương cao, với hàng chữ màu vàng: “Nhân Dân Tỉnh Nguyễn Tri Phương Nhiệt Liệt Tham Gia Cách Mạng”. Từ mấy ngày qua, danh xưng tỉnh Thừa Thiên  – nghe đầy vẻ phong kiến và thần phục – đã được Ủy ban Cách mạng đổi thành tên của vị danh tướng sinh trưởng ở tỉnh nhà. Ông từng chống giữ hai thành Gia Định và Hà Nội vào những ngày đầu cuộc xâm lược của thực dân Pháp. Chẳng may bị bắt, ông chọn cái chết như một hình thức tuẩn tiết để bày tỏ lòng yêu nước và không đội chung trời với giặc tây dương.

Đi sau biểu ngữ đỏ thắm ấy là hàng trăm thanh niên nam nữ cứu quốc. Quần xắn cao, một tay cầm vũ khí tự trang bị gồm mác, hoặc lồ ô vót nhọn, giáo và gươm, một tay cầm cờ đỏ sao vàng do gia đình hoặc thôn xóm tự may. Thỉnh thoảng có vài thanh niên hoa mã tấu theo thế tả hữu hoành đao mới học. Tiếp đó là những nông dân đứng tuổi, đàn ông đàn bà và các thiếu niên, đi theo sau biểu ngữ ghi rõ tên tổng xã của mình. Đoàn người cờ xí rợp trời kéo dài tới mấy cây số, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu theo giọng xướng oang oang từ những chiếc loa làm bằng lá nhôm mỏng hoặc mo cau cuộn lại:

- Đả đảo phát-xít

- Quét sạch giặc Tây

- Triệt để ủng hộ Việt Minh

- Cương quyết tham gia cách mạng…

- v.v…

Tiếng họ gào lên thật lớn, rền vang tường thành kinh đô và dội lại trên sông nước Vạn Xuân khi đi ngang bãi hành quyết bên kia cầu An Hoà rồi tiếp bước dọc con hào nép sát tường thành cao vời vợi.

Qua cửa Chánh Tây rồi cửa Hữu, dưới hàng ngàn dây cờ đỏ sao vàng bay phất phới và các biểu ngữ có cùng nội dung với các khẩu hiệu, đoàn người dừng chân gần cầu Bạch Hổ. Tại đây, họ nhập chung một đoàn hàng ngàn người dân khác cũng đang tưng bừng khí thế, từ Văn Thánh Kim Long kéo xuống. Thay vì chọn con đường ngắn nhất qua cầu Bạch Hổ, đoàn người rẽ về hướng đông, tiến bước trên con đường rộng thênh thang giữa sông Hương và hoàng thành, dẫn tới cầu Tràng Tiền.

Tiếng hô khẩu hiệu lại tràn lên tường thành và dội xuống, lan xa mặt nước khiến dòng sông Hương thường ngày trầm lặng hôm nay bỗng như rùng mình, nghiêm trọng chứng kiến những giờ phút đổi thay của lịch sử. Ngang Phú Văn Lâu, các thanh niên thiếu nữ phấn chấn hô khẩu hiệu to hơn khi thấy trên kỳ đài đã phất phới lá cờ đỏ sao vàng thay cho cờ vàng của nhà vua và chính phủ. Từ mấy ngày nay, Ủy ban Khởi nghĩa đã hạ cờ vàng xuống, kéo cờ đỏ lên trước khí thế dũng mãnh của dân chúng kinh đô và sự hoang mang co rút của nhà vua cùng nội các. Lính Nhật đang đóng cửa trại chờ quân Trung Hoa tới giải giới. Lính Pháp vẫn bị cầm giữ trong Mang Cá từ ngày Nhật đảo chánh. Lính khố đỏ rã ngũ từ năm tháng trước. Lính khố xanh, khố vàng và lính hộ thành đã ngã theo cách mạng.

Phố xá Huế hôm nay không mua bán nhưng nhộn nhịp khác thường với cờ xí đỏ rợp trời. Nhà nhà đua nhau may cờ, may biểu ngữ. Đường phố tấp nập người đi lại. Có kẻ cầm trên tay thanh đại đao sáng quắc. Có kẻ cầm khẩu súng mút-cơ-tông dài thòng thường bị dân địa phương gọi đùa là “đùi giữ vịt”. Không một ai ra đường hôm nay với thẻ ngà đeo trước ngực. Cầu Tràng Tiền rung lên theo nhịp chân đi. Hai bên thành cầu, những bức tranh cổ động trên đó vẽ cánh tay cầm búa vung lên đập tan xiềng xích cũng rung theo như có hàng chục chiếc búa quật mạnh trong nắng mai dập dờn sóng nước.

Vừa qua khỏi cầu đoàn người đã thấy rộn rịp từ xa thêm ba đoàn người nữa cũng đang rầm rập kéo đến như họ. Một từ Hương Thủy tập trung ở cánh đồng Dạ Lê kéo ra, qua cầu An Cựu. Một từ Nam Giao và Long Thọ tập trung ở Ga Huế kéo xuống. Một từ Phú Vang tập trung ở cánh đồng Nam Phổ kéo lên qua ngả Đập Đá; đoàn thứ tư này khí thế oai mãnh nhất. Đi đầu đoàn là cả trăm nam nữ thanh niên tay cầm dao phay hoặc trường côn, chân bước rầm rập như tiêu biểu cho khí thế và tinh thần chuộng võ của thanh niên xứ thần kinh. Họ là môn sinh võ phái gốc Việt chính tông Bạch Hổ Sơn Quân của dòng họ Nguyễn Hữu từng sản sinh nhiều danh tướng bảo vệ xứ Đàng Trong. Về sau, một môn sinh ưu tú là Giáo Hiến đã mang vào dạy cho anh em Tây Sơn, làm thành võ Bình Định. Nó cũng theo chân Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh và đoàn lưu dân vào nam lập nên võ học Tân Khánh Đồng Nai.

Bốn đoàn nông dân gồm trên bốn vạn người, như bốn dòng nước nguồn chảy cuồn cuộn về Sân Vận Động. Ở đó, cả bốn nhập làm một trong tiếng loa, tiếng máy phóng thanh oang oang giọng của chủ tịch Ủy ban Khởi Nghĩa, đồng thời cũng là Ủy ban Nhân dân Cách mạng, một thanh niên thi sĩ mới ngoài hai mươi tuổi. Anh say sưa báo tin từng giờ từng phút bước chân của phái đoàn đại diện Việt Minh đang theo con đường cái quan vào gần tới Huế.

* * *

Hai giờ chiều hôm đó, tại Thế Miếu thờ vua Gia Long và các tiên đế, tọa lạc bên hữu điện Thái Hòa, sau nửa giờ chờ đợi “văn võ bá quan” nhưng cuối cùng chỉ có mặt bốn cận thần nội cung, hoàng đế Bảo Đại ra hiệu cho quan nghi lễ đại thần đốt trầm rồi thắp nhang đưa cho mình. Ông cầm lên nắm nhang, vái ba vái và quì xuống, lâm râm cáo yết liệt tiên đế về dự tính thoái vị. Sau khi đê đầu xuống chiếu bốn lần, ông đứng dậy và vái ba vái. Thay vì trao nắm nhang cho quan chấp sự, ông đích thân lần lượt cắm từng cây nhang vào lư hương trên bảy án thờ. Rơm rớm nước mắt, không biết vì xúc động hay vì không quen nhang khói, ông đưa lưng bàn tay lên chà xát đôi mắt. Lòng âm thầm tự hỏi phải chăng đây là lần cuối được làm lễ tại tôn miếu của các đấng tiên vương.

Bước ra khỏi Thế Miếu, nhà vua tần ngần đứng nhìn chín cái đỉnh đồng chạm hình mặt trời, mặt trăng, núi sông hoa cỏ, các giống động vật, thực vật và đồ binh khí, xe thuyền của nước Việt. Mỗi cái đỉnh lấy chữ trong miếu hiệu của một tiên vương. Cửu đỉnh tượng trưng cho tính chính thống của thiên mệnh. Sức nặng của chúng tượng trưng cho trường trị. Đưa tay rà theo lưng chiếc đỉnh chạm hình núi sông, nhà vua hít vào thật sâu và tự hỏi, lúc này câu “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân” chẳng còn linh nghiệm, liệu rằng Ất Dậu năm nay có ứng với câu “Thân Dậu niên lai kiến thái bình” không, hay lời sấm ấy mãi mãi chỉ là nỗi hoài mong để làm nguôi ngoai những điêu linh của một dân tộc mấy trăm năm nay sống trong chia lìa, loạn lạc?

Hoàn tất lễ cáo yết, Bảo Đại quay về lầu Kiến Trung trong Tử cấm thành. Ở đó cùng hoàng hậu Nam Phương và thái tử Bảo Long, ông ngồi cho bốn cận thần làm lễ cáo biệt như một thể thức bày tỏ lòng trung quân sau cùng, thay mặt “văn võ bá quan” lúc này hoang mang lo sợ tới độ không dám đặt chân vào Đại Nội. Hoàng đế cố giữ nét mặt thản nhiên trong khi hoàng hậu có vẻ cảm động rơm rớm nước mắt. Nhìn viên Tổng lý ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hòe cúi mình vái thật thấp Ngài Ngự rồi Ngài Hoàng trong khi Nam Phương không muốn ngó thẳng mặt kẻ vái biệt mình, Bảo Đại tự hỏi không biết họ Phạm kia là người thành tâm với vận nước hay chỉ là kẻ đón gió.

Qua những lần đi lại như thoi đưa với Việt Minh, suốt mười ngày nay họ Phạm dai dẳng thúc giục đức vua thoái vị, trao quyền cho Mặt trận Việt Minh. Dẫn chứng câu sấm bảo là của Trạng Trình cách đây 300 năm: “Đụn Sơn phân giái, Bò Đái thất thanh, Nam Đàn sinh thánh”, nghĩa là: “Khi nào núi Đụn Sơn tự tách ra, khe Bò Đái mất tiếng kêu, thì có thánh nhân ra đời tại huyện Nam Đàn”, họ Phạm thuyết phục rằng chính Hồ Chí Minh, người Nam Đàn, là vị thánh nhân đó.

Khi thấy họ Phạm đích thân kiểm tra từng chút một tài sản trong Đại Nội, Bảo Đại đã hỏi thấp giọng:

- Thầy nói cho Trẩm biết việc tái kiểm kê các thứ tài sản để chuẩn bị giao cho chính quyền cách mạng tới đâu rồi?

- Tâu đã hoàn tất. Chỉ là xác nhận bản kiểm kê lập mỗi dịp lễ Phất thức hằng năm. Quí giá nhất vẫn là các đồ vật bằng vàng bạc ngọc ngà châu báu của liệt tiên vương, hiện cất trong hầm lớn dưới mái sau của điện Càn Thành. Chờ tới lúc Ngài Ngự ban xong Chiếu Thoái vị là trao ngay danh sách cho đoàn đại biểu chính phủ Việt Minh.

Lưỡng lự đôi chút rồi đức vua hỏi bâng quơ:

- Không biết những bảo vật này rồi sẽ ra sao nhỉ?

Phạm Khắc Hòe trả lời tươi tỉnh:

- Tâu, đại diện Việt Minh đã cam kết với thần rằng chúng là tài sản văn hóa của dân tộc. Chúng sẽ được chính quyền cộng hòa bảo quản nghiêm minh và đưa hết vào viện bảo tàng.

* * *

Thụ lễ cáo biệt xong, Bảo Đại ra lệnh bí thư họ Phạm ở lại để cùng ông duyệt lần chót Chiếu Thoái vị. Nam Phương hoàng hậu rời lầu Kiến Trung, bắt đầu dạo Ngự Viên như mọi ngày. Bà đi thơ thẩn ngắm các hòn giả sơn. Ánh nắng xiên khoai buổi chiều mùa thu không chói chang nhưng cũng đủ làm lấm tấm mấy giọt mồ hôi hai bên thái dương dưới mái tóc búi. Hoàng hậu thở dài, đặt chân xuống con đường sạn dẫn tới chiếc cầu nhỏ bắc qua Tiểu Ngự hà. Những hạt sỏi trên mặt đường cồm cộm dưới đế giày cườm như nhắc nhở Nam Phương rằng đây hẳn là lần cuối cùng còn bước đi giữa khu vườn xinh đẹp này. Chỉ ngày kia thôi, hoàng gia sẽ dời sang cung An Định, bên bờ sông An Cựu.

Trong nắng chiều vàng nhạt, màu trắng của chiếc quần sa tanh và màu đỏ của chiếc áo vóc làm bà nổi bật lên giữa màu tía của Tử cấm thành, màu vàng của Đại nội và màu của ngàn hoa vẫn khoe sắc trong Ngự Uyển.  Bỗng dưng hoàng hậu lắc lắc đầu như muốn xua đi giấc mơ đêm qua. Ở một nơi rất xa, trong trời tờ mờ sáng tại một làng nhỏ vùng bắc nước Pháp, và từ một góc thật sâu đâu đó, hình như bà hoặc linh hồn của bà thấy người ta khiêng chiếc quan tài màu đen vào ngôi nhà thờ nhỏ. Những ngọn nến đỏ lung linh. Cha sở mặc áo đen. Bài kinh Requiem đã cũ được ca đoàn áo đen, khăn quàng cổ trắng, hát lên bằng tiếng la-tin nghe thật luyến tiếc. Chung quanh di thể bà chỉ có mặt mấy người con, hai người hầu và các phụ nữ Pháp. Phải chăng đó là viễn tượng ngày lìa đời của một người không thật sự muốn làm hoàng hậu. Bà không biết. Nhưng trong nắng quái chiều nay, những chiếc áo đen và điệu nhạc cầu hồn ấy nhắc bà nhớ tới chiếc áo thiên thanh và điệu nhạc khiêu vũ mười hai năm trước.

 

Khi Marie Thérèse Nguyễn Hữu thị Lan cùng người cậu ruột vượt qua mấy đoạn tầng cấp hai bên xếp dọc những chậu cây thiên tuế, đặt chân lên thềm Khách sạn Langbian Palace, buổi dạ vũ đã bắt đầu từ lâu; tua vũ nhạc vừa sang vòng thứ hai. Gió hồ Xuân Hương thổi lên lành lạnh, tỏa vào sương đêm mùi hương hoa cỏ Đà Lạt lan xa từ vườn hoa thành phố dưới chân đồi cù, mé bên kia mặt hồ. Viên đốc lý người Pháp  – thị trưởng Đà Lạt  – mừng rỡ chạy ra đón hai cậu cháu và vội vàng dẫn vào trình diện nhà vua trẻ đang ngồi hờ hửng trong chiếc ghế bành-tô một đầu sảnh đường.

Đó là một đêm mùa hạ năm 1933, thời khắc mở đầu cho cuộc hôn nhân vương giả. Nguyễn Hữu thị Lan khép nép quì một gối, cúi đầu sát sàn nhà, vái chào nhà vua chỉ hơn mình một tuổi. Bảo Đại xao xuyến nhìn vị tiểu thư miền nam với vẻ đẹp sắc sảo phương tây và nét đơn sơ trong chiếc áo dài màu xanh da trời mộc mạc. Cách đây một năm, hai người chung chuyến tàu hồi hương nhưng không có cơ hội quen nhau. Một đằng là quốc chủ một nước. Một đằng là tiểu thư vừa tốt nghiệp trường nữ trung học Couvent des Oiseaux nổi tiếng của Paris, thích thể thao và cuộc sống ngoài trời. Nàng lại thuộc một dòng họ giàu sang nhất miền nam, cháu ngoại vị huyện quan từng bỏ tiền xây một thánh đường tuy không lớn nhưng thuộc loại đẹp nhất Sài Gòn. Cô tiểu thư ấy không bao giờ có ý nghĩ mình sẽ là hoàng hậu. Tối nay, nể lời người cậu lỡ hứa với thị trưởng, nàng dự tính chỉ ghé qua cuộc dạ vũ, vái chào đức vua rồi ra về. Vừa lúc người cậu nâng Marie Thérèse đứng lên và nhạc trổi tango, nhà vua trẻ hào hoa đưa tay mời ra sàn nhảy. Từ đó, tiếng nhạc dập dìu ấy đi vào cuộc đời của hai người, và mãi mấy năm sau hoàng hậu mới biết tất cả đều do sự dàn dựng của Toàn quyền Đông Dương và triều đình.

Qua năm sau, Nguyễn Hữu thị Lan nhận lời cầu hôn với điều kiện đám cưới cử hành theo nghi lễ Công giáo, được phong làm hoàng hậu, để ràng buộc nhà vua sống đời một vợ một chồng. Bảo Đại hân hoan đồng ý và ban tặng danh hiệu Nam Phương, bà hoàng miền nam có nhan sắc phương tây.

Mười một năm làm hoàng hậu, Nam Phương sinh cho đức vua hai hoàng tử và ba công chúa. Thường ngày, ngoài việc giáo dưỡng các con bà thỉnh thoảng phải cùng quan chức bộ Lễ bàn thảo các lễ lạc trong cung đình, lo việc cúng giổ liệt tiên đế, vấn an các bà Tiên cung và mẹ chồng, bà Từ Cung Hoàng thái hậu. Dần dà, dáng đi uyển chuyển, khuôn mặt thùy mị và giọng nói miền nam mềm mại như chim hót của bà chinh phục được hầu hết triều thần, đặc biệt khi họ thấy bà tuyển cho nhà vua những cận thần chính trực để làm quan nghi lễ hay quan ngự tiền. Họ hiểu ra rằng hoàng hậu muốn nhà vua hành xử đúng với đế hiệu Bảo Đại là xây dựng một “triều đại huy hoàng vĩ đại.”

Nhưng rồi khi thấy những khích lệ của mình không củng cố nổi người chồng thiếu bản lãnh quân vương, bà bắt đầu can thiệp tích cực hơn và có những hoạt động riêng của mình. Bà hiện diện nhiều hơn trong các buổi đón tiếp quốc khách, tham dự công tác xã hội, thăm các trường học, hội nam nữ hướng đạo,v.v. Bà vận động đưa môn nữ công gia chánh vào học đường và khích lệ các nữ sinh sánh vai với nam giới. Bà cổ vũ tinh thần yêu nước, xem ba miền đất nước cũng chỉ thuộc về một dân tộc. Bà là hoàng hậu đầu tiên của nhà Nguyễn có những hoạt động văn hóa xã hội bên ngoài hoàng thành và tạo được sự trọng nể của đám tây thuộc địa kiểu cách. Khi học giả Trần Trọng Kim thành lập nội các, chính Nam Phương là người gợi ý cho ông đưa nhiều phụ nữ vào các hội đồng chính phủ.

(Còn tiếp)

© Nguyễn Ước

© Đàn Chim Việt

 

2 Phản hồi cho “Ngày cách mạng mùa thu ở Huế”

  1. Dan Viet says:

    ~~~ THƠ: NHỮNG NGÀY THÁNG 8. HỒI TƯỞNG ~~~~

    65 năm trước, độ ngày này, tháng này,
    Ở Hà nội yêu quí đây,
    Hàng trăm ngàn hoc sinh, thanh niên, sinh viên,
    Thợ thuyền, trí thức, công chức,
    Dồn về Nhà hát lớn, Hà nội,
    Ủng hộ, chính phủ mới,
    Người đứng đầu là ông Trần Trọng Kim(1),
    Ũng hộ nền độc lập,
    Mà người xứ Đông Kinh, trước sức mạnh của Đồng Minh
    Đã trao trả lai, Cho dân Việt.
    Nhưng số mệnh dân tộc này đã không dừng ỡ đấy..
    mà kéo dài thêm 50 năm nữa,
    vào quĩ đạo nghiệt ngả,
    bao điêu tàn dỗ nát,
    bao chêt chóc, thương đau.
    “Khéo sao con tạo xoay vần”…
    Nhưng lần này, con Tạo đã quá đà…
    Nhen nhúm một nhóm người; hoc được cái lý thuyết mới,
    Ở cái xứ Nga-La-Tư và quê hương họ Khổng.
    Quyết “giành” chính quyền bằng mọi giá,
    … bằng bạo lực,
    không xuyên qua bầu cử, dân ý trưng cầu…
    Thủ tướng họ Trần, và Hoàng Đế nước Việt,
    trên tư cách ĐẠI NHÂN,
    giao trọng trách cho phía bên kia, như thử vận hội mới cho nước Việt.
    Lời họ Trần, còn vang vọng mãi trong Bắc Bộ Phủ:” Các ông (Viêt Minh) phải chiu mọi trách nhiệm, trước quốc dân và lịch sử”…
    Và sau dó, Trần Thủ Tướng tránh truy nã, phải luu lac Tân Gia Ba;
    Hoàng Đế nước Viêt, tử hình vắng mặt (2), nương náu Hương Cảng..
    Bao thế hệ, đã sinh ra, lớn lên, rồi chết đi..
    Người già và con trẻ, thì có thễ bịt mắt, bịt tai họ được…
    Nhưng thanh niện, cái tuổi khát khao hiểu biết, tung hoành ngang dọc,
    thì KHÔNG ĐƯỢC!
    Cái quí nhất, là cái ĐẤT NƯỚC này , không thề là của riêng ai,
    mà : Của hơn tám chục triệu con người..
    Người lãnh đạo cao, không dược ai bầu ra,
    Nhưng quyết định, ảnh hưởng toàn dân tộc..
    Mai dây mất đi, ai chịu vạ cho ai!
    Vi thế ngày hôm nay, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua,
    chu kỳ mói lại bắt đầu..
    Lại hàng hàng lóp lớp, các tinh hoa, nguyên khí của quốc gia, lại đứng lên,..
    Vì vận hội mới, cho Dân Tộc.

    (1) Chính phủ Trần Trọng Kim là chính phủ DÂN CỬ duy nhất trong thế kỷ trước.năm 45.
    (2) Hoàng Đế Bảo Đại bị tuyên án tử hình vắng mặt vì từ chối hợp tác với chính phủ HỒ Chí Minh. Tương tự như Lenin ra lệnh tàn sát toàn bộ gia dình Nga Hoàng gồm đàn bà và trẻ con.

  2. ĐẠI NGÀN says:

    CÁI ĐẦU TIÊN VÀ CÁI CUỐI CÙNG

    Triều Nguyễn là triều đại cuối cùng của nền phong kiến Việt Nam. Nền phong kiến VN đã ra đời từ hàng ngàn năm, như bao nhiêu quốc gia khác. Triều Nguyễn bắt đầu từ nhà vua khai quốc Gia Long Nguyễn Ánh, và kết thúc bởi nhà vua đời cuối cùng tuyên bố tự thoái vị, là Bảo Đại. Khi Bảo Đại thoái vị, có nghĩa triều đại phong kiến đã chấm dứt, và đất nước đi vào nền cộng hòa. Vua Bảo Đại thoái vị, đúng ra, ở trong hoàn cảnh lịch sử hết sức ngặt nghèo. Quân Nhật đã bại trận, và đang chờ Đồng minh tới giải giáp. Chính quyền thực dân Pháp, từ khi bị phát xít Nhật hất cẳng, cũng đã không còn. Quân đội thuộc địa Pháp, và một ít lính bản địa thuộc triều đình An Nam của triều Nguyễn, lúc đó coi như đã án binh bất động, và cũng chẳng còn có thực lực gì. Thật sự lúc đó, chính quyền của vua Bảo Đại vẫn còn, đó là chính phủ Trần Trọng Kim, do hoàng đế Bảo đại đã chỉ định ông Kim làm Thủ tướng. Chuyện ông Kim có thân Nhật, hay là bù nhìn cho Nhật hay không, lại là chuyện khác. Bởi một người trí thức giỏi giang và yêu nước như Trần Trọng Kim, không thể chỉ tầm thường, như một số người, vì lý do chính trị khác nhau thế nào đó, đã quy chụp cho ông. Vậy thì, ý nghĩa cuối cùng quan trọng nhất, không phải là thực lực của chính phủ Trần Trọng Kim lúc đó ra sao, nhưng chính là ở lời tuyên bố thoái vị của vua Bảo Đại. Ẩn số lớn ở đây, chính là tại sao hoàng đế Bảo Đại lúc đó phải thoái vị. Thoái vị, có nghĩa là còn đang có quyền lực của nhà vua, thì mới thoái được. Tức có nghĩa, khi ấy, trên danh nghĩa, quyền lực của nhà vua vẫn còn. Quyền lực nhà vua còn, tức là quyền lực đất nước, quyền lực quốc gia vẫn đang còn. Vua Bảo Đại thoái vị, là vì thấy lực lượng, xu thế cách mạng trong nhân dân đang quá lớn mạnh. Ông đành phải phó thác sự tin tưởng vào chính tương lai của đất nước, đó là lý do của câu nói “Thà làm dân một nước độc lập, hơn là làm vua một nước nô lệ”. Câu nói khí khái, thời danh, đầy tính anh hùng này của nhà vua Bảo Đại, quả thật đã đi vào lịch sử, và cũng thật xứng đáng để đời. Làm dân một nước độc lập, có nghĩa vua Bảo Đại tin cậy vào tương lai của thể chế cộng hòa, của nước VN cộng hòa, độc lập, tự do, dân chủ theo nghĩa cổ điển, như tất cả mọi quốc gia khác trên toàn thế giới. Tức đáng lý ra, Bảo Đại có thể đấu tranh cho một thể chế quân chủ lập hiến, nhưng hoàn cảnh khi đó của ông không thể làm được như vậy. Thái độ của ông có nghĩa là vừa tiến tới, lại vừa đầu hàng. Đầu hàng định mệnh, thân phận, hoàn cảnh, nhưng tiến tới trong ý nghĩa một công dân cao quý, và trong triển vọng của một nền cộng hòa sáng sủa cho tương lai của toàn dân. Bảo Đại là vị vua có lòng yêu nước, mà không phải là kẻ hôn quân bạo ngược, mặc dầu đã từng người ta bôi bác ông. Rất tiếc, người nhận sự chuyển giao quyền lực quốc gia trên danh nghĩa, từ nhà vua Bảo Đại, lại là ông Hồ Chí Minh, là người đi theo chủ nghĩa cộng sản, không phải như những người yêu nước tư sản khác. Điều này có nguyên ủy do từ hệ thống cách mạng cộng sản toàn thế giới đã bắt nguồn từ Liên xô, và tư học thuyết của Các Mác, từ yêu cầu của phong trào cộng sản quốc tế khi ấy, kể cả kế đó, là từ Trung hoa lục địa, khi sau đó cũng đã thuộc về Mao Trach Đông, là một đồng minh và đồng chí của ông Hồ Chí Minh sau này. Đó chính là hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước VN trong thời buổi đó. Giả sử không phải ông Hồ Chí Minh, mà là một người yêu nước không cộng sản, tức cách mạng tư sản khác, tiếp nhận quyền lực quốc gia từ vua Bảo Đại, để thành lập chế độ cộng hòa tư sản, như các nước khác, thì có lẽ hoàn cảnh lịch sử VN cũng đã hoàn toàn đổi khác. Nhân dân khi đó đang rất cuồng nhiệt làm cách mạng giải phóng dân tộc, là để hướng đến một đất nước bình thường, cộng hòa, tư sản, độc lập, tự do, nhưng không phải là một đất nước theo chủ nghĩa cộng sản, vì khi ấy chẳng ai trong dân biết cộng sản là gì cả. Cho nên, áp lực của nhân dân trên nhà vua Bảo Đại, là áp lực này, nhưng không phải là áp lực từ phía ông Hồ Chí Minh. Tiếc rằng, ông Hồ lại theo lý thuyết Mác, mà chủ nghĩa Mác Lênin lại là chủ nghĩa vô sản quốc tế, xóa bỏ tư hữu, tư sản, nên không thể đi vào nền cộng hòa, thể chế cộng hòa bình thường, như lúc đó toàn dân mong đợi, mà ngược lại, phải đi vào chủ nghĩa, đi vào nhà nước vô sản, vào chế độ mác xít cộng sản mà thực chất ông Hồ Chí Minh đã từ lâu lựa chọn. Ý hướng của ông Hồ, nhất thiết không thể khác đi đối với con đường như thế. Ý hướng của công dân Bảo Đại, ngược lại cũng không thể chấp nhận chính con đường như thế, sau khi nhà vua đã thoái vị. Đó chính là ý nghĩa tại sao sau này Bảo Đại lại quay lại chính trường, trên ngôi vị Quốc trưởng của miền Nam, rồi tiếp đó, lịch sử lại sang trang, với hai cuộc chiến tranh Việt Pháp và Việt Mỹ sau này. Sự thật lịch sử là như thế, nhưng có thể đối với đại đa số người bình dân, thì lại hoàn toàn không rõ ra điều đó. Cái trong sáng và cái ẩn khuất của lịch sử, chính là như thế. Nhưng sự thật vẫn là sự thật, và người ta có biết hay không biết chính xác về nó, nó cũng vẫn là khách quan, thực tế, và là sự thật. Nên nói tóm lại, lịch sử là mọi điều khách quan đã xảy ra trong quá khứ, là mọi điều gì đang khống chế trong hiện tại, nhưng lại là mọi điều gì chỉ sự thật được phơi bày ra chính xác, và có kết luận khách quan, đúng đắn nhất, chỉ luôn là việc của mai sau, nhưng không bao giờ là việc của hiện tại. Câu nói của vua Bảo Đại khi thoái vị, không phải là câu nói lúc đất nước đang bị nô lệ, vì đang quốc gia đang bị nô lệ thì không có gì để nhà vua phải thoái vị cả, ít ra cũng trên tính cách danh nghĩa tự nhiên và thực tế. Nhưng điều đó, chỉ muốn nói, hay muốn biểu hiện lên ý hướng sự quyết tâm, hay cho thấy ý chí mạnh mẽ của yêu cầu bản thân nhà vua nhằm cho một nền dân chủ cộng hòa thật sự, và thực chất, đang mong phải hướng tới lúc đó. Nên nói tóm lại, mọi người dân trong một nước tự chủ phải cần biết lịch sử đất nước một cách đúng đắn, khách quan và chính xác nhất. vì nếu không được như thế, cũng không đúng nghĩa là người dân của một đất nước hay một dân tộc tự chủ.

    Võ Hưng Thanh
    (24/8/11)

Phản hồi