Bầu cử Ba Lan: Cuộc đua của những người từng là anh em
Ngày 09-10-2011 tới đây, cử tri toàn Ba Lan sẽ bầu 460 đại biểu quốc hội và 100 thượng nghị sĩ cho nhiệm kỳ 4 năm 2011- 2015. Đây là cuộc bầu cử tự do thứ 8 kể từ khi Ba Lan chuyển hóa từ chế độ độc tài cộng sản, sang chế độ tự do dân chủ năm 1989.
Trong cuộc bầu cử lần này, bẩy đảng đã đăng ký cử đảng viên của mình tranh cử vào quốc hội và thượng viện. Các ứng cử viên độc lập phần lớn ứng cử vào thượng viện. Theo các nhà bình luận chính trị, đây sẽ là cuộc bầu cử khó tiên đoán kết quả vì các đảng ráo riết vận động bầu cử và sự xuất hiện của các đảng lần đầu tiên tham gia tranh cử, có thể đem đến những kết quả bất ngờ.
Thành tích của các khóa quốc hội kế tiếp
Nhìn lại chặng đường 21 năm từ khi cuộc cách mạng bất bạo động, đem lại tự do dân chủ do Công Đoàn Đoàn Kết (CĐĐK) tiến hành, các khóa quốc hội, những chính phủ kế tiếp đã đóng góp tích cực vào các thành quả đã đạt được của Ba Lan.
Về kinh tế, theo thu nhập quốc dân, Ba Lan đứng thứ 6 trong Cộng Đồng châu Âu (EU), thứ 21 trên thế giới. Theo số liệu của Qũy Tiền Tệ Thế Giới (IMF), thu nhập theo đầu người của Ba Lan năm 2009 là 11.288 USD, nếu tính theo sức mua của đồng tiền là 18.072 USD. Trong một thời gian ngắn, Ba Lan đã đạt được mức sống trung bình của EU.
Kể từ năm 1992, kinh tế Ba Lan liên tục tăng trưởng. Ngay trong năm 2009, trong khi kinh tế của EU trung bình giảm 4% (- 4%), kinh tế Ba Lan vẫn tăng trưởng 1,9%. Lạm phát năm 2009 là 1,85% , năm 2010 là 3%.
Về chính trị, ngoại giao, Ba Lan đạt được những thành tựu đáng kể. Năm 1999 Ba Lan ra nhập khối quân sự NATO, năm 2004 trở thành hội viên của EU. Ba Lan là người đề xuất các chính sách của EU đối với các quốc gia thuộc Liên Xô cũ như Ukraina, Belarusia v…v. Cổ vũ họ đi theo con đường dân chủ và tôn trọng quyền con người, tăng cường hợp tác mọi mặt với EU. Đối với các nước đang và sẽ chuyển đổi từ chế độ độc tài sang thể chế dân chủ, Ba Lan trở thành hình mẫu thành công sống động nhất trong việc chuyển đổi một cách hòa bình từ chế độ độc tài toàn trị, sang thể chế tự do dân chủ. Một số tổ chức quốc tế cổ vũ cho tự do, dân chủ động viên các nước đang tiến hành cách mạng hoa nhài tham khảo , học tập những kinh nghiệm của Ba Lan.
Cuộc đua chưa phân thắng bại
Trong quốc hội của Ba Lan hiện nay có bốn đảng tham gia. Đảng Cương Lĩnh Hành Động Công Dân (PO),Đảng Luật Pháp Và Công Lý (PiS), Đảng Liên Minh Dân Chủ Cánh Tả (SLD-đảng hậu cộng sản), Đảng Nông Dân(PSL). PO tuy chiếm nhiều ghế nhất, nhưng không đủ đa số, phải liên minh với PSL(chỉ chiếm 5% số ghế) để có chính phủ đa số. Tuy 4 đảng, nhưng lực lượng giữ vai trò quan trọng trong quốc hội vẫn là hai đảng: PO đảng cầm quyền và PiS đảng đối lập.
Sự hình thành hai đảng PO và PiS bắt nguồn từ những biến động chính trị sinh động, phong phú, thể hiện tính ưu việt của thể chế xã hội dân chủ. Trong cuộc bầu cử năm 1997, để đánh bại SLD (đang cầm quyền), hơn 30 tổ chức chính trị đã tham gia các hoạt động của CĐĐK trước đây thành lập Liên Minh Tranh Cử CĐĐK (AWS). Kết quả AWS đã dẫn đầu với 33,83% số đại biểu quốc hội và 51 trong 100 thượng nghị sỹ, đứng ra lập chính phủ.
Trong nhiệm kỳ 4 năm, chính quyền AWS đã tiến hành 4 cuộc cải cách: cải cách hành chính, cải cách giáo dục, cải cách y tế và cải cách hưu trí. Trong một liên minh gồm mấy chục tổ chức, lại tiến hành 4 cuộc cải cách lớn như trên, tất nhiên nẩy sinh nhiều quan điểm khác nhau dẫn đến các mâu thuẫn. Nhiều nhà chính trị tài năng đã từ bỏ AWS đứng ra lập các đảng mới, trong đó có hai đảng PO và PiS.
PO: Được thành lập ngày 24-01-2001. Một trong ba người sáng lập chính của đảng là ông Donald Tusk hiện là thủ tướng chính phủ, chủ tịch đảng. Đảng gồm những người đã từng hoạt động trong CĐĐK, theo tư tưởng tự do dân chủ cùng với truyền thống cơ đốc giáo. Hiện đảng có hơn 5.000 đảng viên.
PiS: Cuối nhiệm kỳ của chính phủ AWS, ông Lech Kaczynski trở thành bộ trưởng bộ Tư pháp. Ông tiến hành các biện pháp cứng rắn chống tham nhũng và tội phạm, ông trở nên nổi tiếng. Ông rời bỏ AWS, cùng người anh em song sinh Jaroslaw Kaczynski thành lập đảng vào 13-06-2001. Lech Kaczynski trở thành chủ tịch đầu tiên của đảng. Ông mất tháng 04-2010 trong tai nạn máy bay tại Smolensk trong khi bay đến Katyn (Nga) để kỷ niệm 70 năm ngày 22.000 sỹ quan quân đội Ba Lan bị Stalin hành quyết. Hiện nay Jaroslaw Kaczynski là chủ tịch đảng với 20.000 đảng viên.
Những nhà lãnh đạo, những cán bộ chủ chốt của hai đảng PO và PiS, hầu hết là những người đã dấn thân trong cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài cộng sản, đem lại tự do dân chủ cho đất nước. Nhiều người bị tù đầy, bị ngược đãi…. Giờ đây, họ có nhiều điểm khác nhau về vai trò của nhà nước trong quản lý kinh tế và những vấn đề đối ngoại. PO muốn kinh tế thị trường tự do với sự can thiệp ít nhất của nhà nước, PiS thì muốn nhà nước can thiệp nhiều hơn. Về đối ngoại, PiS để cao chủ nghĩa dân tộc, cứng rắn trong quan hệ với hai nước láng giềng là Đức và Nga, PO thì mong muốn hợp tác toàn diện, triệt để với EU, xây dựng mối quan hệ tốt với Nga và Đức.
Những khác biệt trên đây khiến hai đảng xa dần nhau, rồi trở thành đối lập nhau. Kể từ năm 2005 đến nay, trong tất cả các cuộc bầu cử vào quốc hội và thượng viên, tổng thống, nghị viện EU …, các cuộc đua tranh giữa hai đảng đều là những cuôc cạnh tranh sâu rộng nhất, gây cấn nhất.
Tháng 09-2005, trong cuộc tranh cử vào quốc hội, trước ngày bầu cử, các cơ quan thăm dò dư luận đều công bố kết quả thăm dò PO dẫn đầu, nhưng sát ngày bầu cử, PiS đã áp dụng mọi biện pháp tranh cử có hiệu quả và giành số phiếu bầu lớn nhất, đứng ra liên minh với hai đảng nhỏ lập chính phủ, PO trở thành đảng đối lập trong quốc hội.
Tháng 10-2005, chiếc ghế tổng thống lại thu hút hai nhân vật đứng đầu hai đảng, ông Donald Tusk chủ tịch PO và ông Lech Kaczynski nhân vật số 1 của PiS. Ở Vòng đầu , ông Tusk dẫn đầu số phiếu, sang vòng hai ông Kaczynski lật ngược kết quả nhờ tranh thủ được phiếu ủng hộ các ứng cử viên không được vào vòng 2. Trong cuộc bầu cử quốc hội và thượng viện tháng 10-2007, PO đã đánh bại PiS lên cầm quyền, PiS trở thành đảng đối lập trong quốc hội.
Sau vụ tai nạn máy bay tại Smolensk tháng 04-2010, kế hoạch của PiS cử ông Lech Kaczysnki ra tái tranh cử tổng thống bị lỡ dở, ông Jaroslaw Kaczynski thay người em của mình ra tranh cử tổng thống. Cuộc đối đầu lại xẩy ra giữa ông và ông Bronislaw Komorowski của PO ở vòng 2.
Kết quả thăm dò trước ngày các cử tri bỏ phiếu của hai ứng viên xít xao đền mức không ai dám dự đoán chiến thắng sẽ thuộc về bên nào. Nhưng cuối cùng thi ông Komorowski đã thắng với chênh lệch 4% phiếu bầu.
Như vậy cho đến nay, tỷ lệ chiến thắng các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống giữa hai đảng là 2-2. Lần này, cả hai đảng đều quyết tâm giành thắng lợi. Họ đưa hết lực lượng tinh tú nhất ra ứng cử và vận động bầu cử.
PO đưa ra chương trình tranh cử khá thuyết phục. Ông Donald Tusk cùng bộ tư lệnh tranh cử của ông đóng đô trên chiếc xe bus đi khắp Ba Lan để gặp gỡ các cử tri, lắng nghe ý kiến của họ. Ông không ngại tranh luận với các cử tri, ngay cả các cử tri nóng nẩy như những cổ động viên bóng đá. Ông thuyết phục các cử tri, rằng đảng của ông đã vượt qua những khó khăn như khủng khoảng kinh tế, các trận lụt tàn phá mùa màng… giữ vững phát triển kinh tế. Bốn năm qua, chính phủ của ông đã tận dụng nhiều nhất nguồn vốn do EU cung cấp để đầu tư vào các công trình phát triển kinh tế và phúc lợi xã hội. Ông hứa hẹn, nếu thắng cử, chính phủ do ông làm thủ tướng sẽ tiếp tục các chương trình hiện đại hóa đất nước, hoàn thành xây dựng mạng lưới đường cao tốc, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập cho những người có thu nhập thấp, cải tiến hệ thống y tế và giáo dục v…v.
Ông Jaroslaw Kaczynski cùng các cộng sự của ông cũng đi khắp nơi gặp gỡ các cử tri. Đầu tiên ông đến những khu vực mà đảng của ông đã thua PO trong lần bầu cử gần đây năm 2007. Ông lấy chiến thuật vạch ra các điểm yếu kém của chính phủ Tusk đầu tiên. Ông ăn trưa với chủ trang trại trồng ớt bị thiệt hại do bão lụt chưa được chính quyền giúp đỡ, ông gặp gỡ các sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm….Ông hứa hẹn, nếu đảng của ông thắng cử lên cầm quyền, sẽ giải quyết các khó khăn trong sản xuất của nông dân, sắp xếp công việc cho các thanh niên mới đến tuổi lao động và các sinh viên mới tốt nghiêp, điều tra và công khai hóa sự thật nguyên nhân của vụ tai nạn máy bay tại Smolensk, làm chết 96 người, trong đó có vợ chồng tổng thống Lech Kaczynski.
Hiện nay cac tổ chức thăm dò dư luận công bố những số liệu khác nhau về tỷ lệ các cử tri ủng hộ PO và PiS. Nhìn chung, cử tri ủng hộ PiS tăng nhanh, khoảng cách giữa PO và PiS giảm đáng kể. Điều đặc biệt, lần này, có một đảng mới thành lập, lần đầu tiên tham gia tranh cử, có thể sẽ thu hút đến 7-8% cử tri cánh tả. Vẫn còn đến 22% cử tri cho đến hôm nay chưa quyết định dứt khoát bầu cho đảng nào. Vì vậy ngày 09 tới đây có thể sẽ có những kết quả bất ngờ ngoài dự đoán,
Trông người lại nghĩ đến ta
Mồi lần được chứng kiến các cuộc bầu cử tự do của Ba Lan, tôi không thể không nghĩ đến Việt Nam. Tôi không khỏi xót xa nghĩ đến những trí thức trẻ tuổi, tài năng, thiết tha yêu nước như bác sỹ Phạm Hồng Sơn, luật sư Lê Quốc Quân, tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ, luật sư Lê Công Định, luật sư Lê Thị Công Nhân, luật sư Nguyễn Văn Đài, kỹ sư Nguyễn Tiến Trung…
Nếu như chính quyền cộng sản Việt Nam, thay vì vu cáo đưa họ vào tù, để họ được tự do thành lâp các đảng phái chính trị. Những chính đảng này sẽ cạnh tranh một cách lương thiện với Đảng Cộng Sản Việt Nam, có thể người dân Việt Nam chúng ta sẽ bầu chọn được ông chủ tịch nước, thủ tướng, những bộ trưởng không phải hổ thẹn như hiện nay: độc tài, bất tài và tham nhũng.
Những ứng cử viên vào quốc hội và thượng viện của Ba Lan, họ chỉ việc đăng ký với ủy ban bầu cử kèm theo một số lượng chữ ký theo quy định của các cử tri ủng hộ. Còn ở Việt Nam chúng ta, tất cả là ở trong tay đảng. Những buổi hiệp thương bầu cử mà thực chất là những buổi đấu tố lố bịch để loại những người tự ra ứng cử, không được đảng chấp thuận. Những người này còn bị dọa nạt, cô lập và quấy nhiễu bởi công an và những thành phần tay chân của họ.
Đảng chẳng phải tranh cử với ai, chẳng phải toát mồ hôi để vận động, thuyết phục dân chúng bầu cho mình, đảng cử ai dân chỉ việc bầu. Cứ đến hẹn lại lên, những cuộc bầu cử cứ thế diễn ra thật buồn tẻ, trơ trẽn và giả dối.
Tự do lập đảng, tự do ứng cử và bầu cử vừa là quyền lợi của công dân, vừa là lợi ích của một quốc gia trong thế giơi văn minh. Đã đền lủc đảng không thể tiếp tục đi ngược lại con đường tiến hóa văn minh của nhân loại, ngược với lợi ích quốc gia và dân tôc.
Warsaw 06-10-2011
© Đinh Minh Đạo
© Đàn Chim Việt
—————————————–
Tài liệu tham khảo:
-Nhật báo WYBORCZA BaLan
-Wikipedia Polska
-Encyklopedia, nhà xb khoa học,Warszawa 2005