Tự bạch của một kẻ khát khao yêu đương nhiều hơn đấu tranh: Góp ý với Nguyễn Cao Kỳ Duyên
Cách đây vài chục năm (khoảng những năm 72-73) khi hai vùng đất nước chưa thống nhất, trong lời mở đầu giới thiệu cuốn băng cái (reel-to-reel) Ca Khúc Da Vàng của Trịnh Công Sơn do Khánh Ly hát, nhà văn Nguyễn Đình Toàn với một giọng trầm buồn và thu hút, nói lên những lời chí lý mà cho đến đời nay vẫn còn hiệu nghiệm: “Đáng nhẽ tất cả những bài hát có trong cuốn băng này đều phải là những bản tình ca, nhưng tất cả đều là những bản tình ca không có hạnh phúc…vì trong suốt những năm gió tanh mưa máu đó còn có chỗ nào cho người ta yêu nhau?”
Giờ đây, sau gần 34 năm được Đảng giải phóng, cả hai miền Nam Bắc vẫn đầy dẫy những chuyện (tình)… sống cũng dở mà chết cũng dở, phải đâu thơ! 1 cần gì nói đến yêu với đương! Đúng ra, tôi nên từ bỏ chuyện đổ thừa cố hữu của người Việt mà nói trắng rằng trong nhiều thế kỷ nay tình yêu (người Việt mình) vẫn bị dang dở hơi nhiều. Chẳng nhẽ người ta lại nói: nếu như mọi chuyện về Việt Nam đều suông sẻ thì ít ra tình yêu mình không bị ngang trái? Khắp nơi trên địa cầu này nơi nào mà không có những cuộc tình trắc trở, họa chăng hoàn cảnh của đất nước đã đóng góp chút ít vào chuyện lâm ly bi đát của một số mối tình. Như vậy thì hãy chấp nhận duyên phận, duyên nợ, phần số của mình đi, từ nay thôi kêu ca, than khóc nữa hỡi những kẻ thất tình ơi! Nhất là đừng trách hay đổ thừa tình duyên cho đất nước nữa.
Nguyễn Cao Kỳ Duyên
Trong một vài bài trước đây người viết ước ao mình cũng được như Sơn Tinh, nằm trên đỉnh cao của ái tình mặc kệ cho bão tố dâng lên bên ngoài, mình cùng với người yêu chìm đắm trong cái bể ái tình của riêng hai người, thề thôi không còn vướng bận gì với chuyện thế gian Việt Nam này nữa. Do đó chuyện tình yêu ngang trái mới là chủ đích của bài này chứ không phải chuyện oan trái của đất nước nữa.
Phải thú thật với quý vị độc giả trên ấn bản Anh ngữ của Người Việt 2, tôi giữ một mục (cột/column) về chuyện lứa đôi (relationship) mà bấy lâu nay nặng nợ thân phận tình yêu…(bất cập của đất nước) nên đã bỏ bê, sao lãng không viết về chuyện tình cảm trai gái mà lại chú tâm đến chuyện chính trị chính em hơi nhiều. Có đúng như văn hào Nga, Boris Pasternak, đoạt giải Nobel với tác phẩm Dr. Zhivago, đã viết trong ấy: “Người có hạnh phúc không tình nguyện…” không? Tức là một người đang yêu hay vui vầy với tổ ấm gia đình sẽ không có thì giờ đóng góp cho chuyện khác, dù là đại sự. Không kể những bậc tiền bối, cha ông ngày xưa của mình, trút gần hết hết gánh nặng gia đình cho người vợ hiền cáng đáng, để mình làm… sĩ phu. Đời nay yêu nhau trước tiên người ta phải sống cho nhau, rồi cho con cái, xây dựng tổ ấm cho hiện tại và mai sau.
Đời nay, với chuyện bên ni bên tê, Việt Nam và Mỹ Quốc, lấy vợ Việt Nam, lấy chồng Việt kiều, lấy chồng dị chủng, chưa kể một số những người Việt di dân, sống ở những quốc gia khác nhau trên thế giới tình cờ hoặc do một tình huống nào đó đẩy đưa gặp nhau, chuyện tình yêu không phân biệt biên giới, chủng tộc càng ngày càng trở nên phức tạp.
Gần đây vô tình tôi đọc được trên mạng, tâm sự rất thiết thực, rất hay của Nguyễn Cao Kỳ Duyên về mối tình dở lỡ của mình với Trịnh Hội, cảm thấy những lời cô viết rất chân tình nên cũng mong góp hai xu của mình. Nguyên văn bài của Kỳ Duyên như sau:
Một Bài Học Về Tình Yêu
“The greatest lesson I’ve ever learned is to love and be loved in return” (“Bài học quý giá nhất mà tôi đã học là biết yêu và được yêu”). Đó là câu cuối trong bài hát của Nat King Cole mà chúng tôi đã mượn để đọc trong ngày cưới cách đây bốn năm – một ngày thơ mộng thật tuyệt vời. Trên một bờ biển thần tiên, khi ánh nắng cuối cùng nhuộm đỏ rực những áng mây in trên nền trời tím, tôi đã nhìn sâu vào mắt anh để trao đổi lời thề “trọn kiếp bên nhau.” Quanh tôi tiếng sóng rì rào những nốt nhạc tình êm ái nhất. Trong giây phút thiêng liêng đó tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự vĩnh cửu của tình yêu. Tại sao không? Tôi yêu anh. Anh yêu tôi. Như vậy là chúng ta đã học được bài học “quý giá nhất” rồi còn gì nữa?…Hôm nay sau khi ký đơn ly dị, tôi bước ra khỏi văn phòng luật sư và chợt nhớ tới câu hát xưa. Tôi bùi ngùi tự hỏi “mình đã thật sự học được gì?” Có lẽ điều đầu tiên tôi học được (và chắc không phải là điều “quý giá nhất”) là “love is not enough.” Có nghĩa là tình yêu một mình không đủ để đưa đến cuộc hôn nhân thành công. Thành công theo định nghĩa của tôi là mình sống hạnh phúc trong hôn nhân. Mình ở với người đó không phải vì bổn phận, con cái, tiền bạc, xã hội, gia đình, lễ giáo…v.v. nhưng vì người đó là nửa phần hồn của mình, là người bạn tri kỷ, là nơi để mình quay về và nương tựa. Một người hiểu mình sâu sắc để mình có thể trò chuyện, thủ thỉ, tâm sự, chia sẻ, cười đùa và nhất là cho mình cảm thấy mình được nâng niu, quý trọng và yêu thương. Tôi biết nhiều cặp ở với nhau vì họ không có sự lựa chọn nào khác, hoặc có, nhưng họ không đủ can đảm để quyết định ra đi, họ vẫn sống với nhau – sống trong sự thầm lặng bất mãn triền miên. Như vậy là ăn gian. Không kể! Thành công trong hôn nhân là khi nào mình có tất cả sự lựa chọn và điều kiện, nhưng mình vẫn ở với người đó vì “Tôi quyết định chọn Anh. Tôi yêu Anh. Tôi không thể tưởng tượng có thể sống bên ai khác ngoài Anh.” Nhưng nếu hai người cùng yêu nhau, cùng là người tốt mà còn chưa đủ để đưa tới cuộc hôn nhân thành công thì thế nào mới đủ? Theo tôi, và đây là bài học thứ nhì (khá “quý giá”), là chúng ta cần thêm sự hiểu biết về tâm lý, vai trò vợ chồng và cách ứng xử trong quan hệ lứa đôi (tiếng Việt nói dài dòng vì tôi không biết dịch chính xác tiếng Anh gọi là “relationship skills”). Tại sao tôi nói như vậy? Vì tôi mới đọc xong cuốn sách mà tôi phải gọi là “Cửu Dương Chân Kinh ” của tình yêu và hôn nhân, đó là cuốn “Men are from Mars, Women are from Venus” (“Đàn Ông đến từ Mars, Đàn Bà đến từ Venus”)
Cuốn sách này nói về tâm lý, sự khác biệt giữa đàn ông/đàn bà và ảnh hưởng của sự khác biệt đó trong hôn nhân. Càng đọc tôi càng thấy tôi với tất cả ngu ngơ lầm lẫn. Tôi bừng tỉnh “Ủa?…tôi làm vậy vì tôi yêu anh…tôi tưởng làm cho anh vui…té ra chỉ làm anh thêm bực mình?” Không phải vì anh khó chịu nhưng vì tôi cho anh những thứ anh không cần còn những cái anh cần tôi không biết để cho. Ngược lại tôi thấy anh với tất cả những cố gắng. Không phải anh không yêu tôi, nhưng anh không biết yêu tôi như cách tôi muốn được yêu. À há! Thì ra là vậy! Nhưng có lẽ khám phá hay nhất mà tôi thấy được là tôi và anh đều bình thường như mọi cặp khác. Bao nhiêu trường hợp tương tự, bao nhiêu ngàn người đã trải qua y hệt những gì chúng tôi đã đi qua. Không phải vì họ không yêu nhau, không muốn có cuộc hôn nhân bền vững, nhưng vì họ không biết cách diễn đạt tình yêu để đối tượng có thể cảm nhận được. Họ, như anh và tôi, đều là những đứa trẻ mồ côi lạc loài đáng thương trong tình yêu. Hiểu được điều này giúp tôi trút đi gánh nặng của tâm hồn. Tôi không còn trách anh, và quan trọng hơn…tôi tha thứ cho tôi. Thiết nghĩ nếu tôi nắm vững những bài học về tâm lý này trước khi bước vào hôn nhân thì có thể tôi tránh được những khúc gãy của cuộc đời hay ít ra cũng đi qua một cách nhẹ nhàng hơn. Nhưng làm sao tôi biết được? Có ai dạy tôi đâu? Có ai khuyên tôi nên học và nghiên cứu về vấn đề này đâu? Thường khi lấy nhau chúng ta chỉ được nghe những câu chúc phúc hoặc cùng lắm là những lời khuyên đại khái như “ráng giữ đạo vợ chồng,” “thương yêu lo lắng cho nhau,” “tôn trọng nhau, nhường nhịn nhau,”… Rồi! Biết như vậy là đủ rồi đó! Hãy đưa nhau đi đến cuối cuộc đời “dù cho mưa hay cho bão tố có kéo qua đây”… hèn chi tỷ lệ ly dị bây giờ hơn 50 phần trăm. Tôi chợt nghĩ trong bất cứ ngành nghề gì như là thư ký, kỹ sư, bác sĩ hay những nghề phục vụ như cắt tóc, làm móng tay, nấu ăn…v.v., nói chung là mọi ngành, chúng ta đều cần học tập và được hướng dẫn nhưng có hai việc làm quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta là “nghề” làm vợ/chồng và “nghề” làm cha/mẹ thì chúng ta chẳng học hỏi gì cả. Chúng ta “làm đại” theo kiểu “trial and error” (“thí nghiệm và sửa sai”) được thì tốt…không được thì thôi! Chúng ta chỉ biết đổ lỗi cho duyên số, định mệnh và nếu thành công là nhờ sự may mắn. Như vậy thì buồn quá phải không? Vì hơn nửa dân số ở Mỹ thuộc thành phần kém may mắn. Và sau khi thất bại lần đầu chúng ta lại gói gém tất cả những tư tưởng sai lầm vốn có sẵn cộng thêm những kinh nghiệm đau thương vừa trải qua để dồn vào cuộc tình mới. Vì vậy không ngạc nhiên khi thống kê cho thấy rằng tỷ lệ ly dị của những cuộc hôn nhân lần thứ hai lên tới 60 phần trăm. Có nghĩa là “chuyển từ bại thành xụi.” Nhưng dù vậy con người bao giờ cũng sống trong hy vọng vì trong số người đã ly dị rồi thì 85 phần trăm sẽ tái hôn. Như đại văn hào Samuel Johnson đã nói “Remarriage is the triumph of hope over experience” (“Tái hôn nhân là sự chiến thắng của hy vọng vượt trên kinh nghiệm”). Còn về chức năng làm cha mẹ? Ai dạy cho ta cách dạy con? Ta có học hỏi, trao dồi, nghiên cứu không? Hay ta cứ lập đi lập lại và bắt chước cách thức của cha mẹ mình để lại? Ta có bao giờ dám tự hỏi cha mẹ mình dạy có đúng không? Và cách dạy dỗ cũng như tư tưởng của thế hệ trước có còn thích hợp cho thế hệ sau không? Và nếu không đúng hoặc không còn thích hợp thì mình dạy con mình cái gì? Vì mình cũng chỉ biết bấy nhiêu đó thôi… Đối với tôi bài học quý giá nhất là yêu không chưa đủ, mà tình yêu (tình vợ chồng, tình con cái) cần thêm sự hiểu biết và công phu rèn luyện, như bao việc làm khác, để được thành công. Ví dụ một cô ca sĩ yêu hát, yêu với tất cả con tim và sự đam mê cuồng nhiệt, nhưng nếu cô không học hát, không luyện thanh, không học nhạc lý, thì chắc chắn cô sẽ không thành một người ca sĩ nổi tiếng. Và rất may cho tôi là những sách vở, tài liệu, nghiên cứu về hôn nhân, tình yêu, cách làm cha mẹ…v.v. có đầy dẫy trên thị trường để tôi học hỏi. Vì vậy lần sau (vẫn phải còn niềm tin chứ!) trước khi bước vào tình yêu tôi sẽ bước vào thư viện, bước vào tiệm sách, lướt trên internet…v.v. Tôi cần phải học hỏi thật nhiều, nhất là về giáo dục con cái. Trong vai trò làm vợ, tôi đã thất bại…hy vọng sẽ có cơ hội lần nữa. Nhưng trong vai trò làm mẹ tôi không thể thất bại vì tôi chỉ có một cơ hội duy nhất mà thôi. Nguyễn Cao Kỳ Duyên.
Nguyễn Cao Kỳ Duyên và Trịnh Hội đều là chỗ quen biết thân tình. Trịnh Hội cùng có một cột viết trên Người Việt 2 với tôi, những khi xuống quận Cam – nếu anh không đi xa – tôi với anh thường gặp nhau ăn uống, đôi khi đi chung cả với Kỳ Duyên và bạn bè. Tôi vẫn cho cuộc tình của hai người thật đẹp và lý tưởng. Nhất là khi được xem video lễ cưới của hai người, quả thật là thần tiên và thơ mộng! Thế rồi một trong những lần cuối gặp nhau trước khi Trịnh Hội về Việt-Nam, tôi có chia sẻ với anh về cuộc tình duyên xuyên Thái Bình Dương trắc trở của mình, anh nhìn tôi ái ngại và không ngờ đến bây giờ mối tình đẹp như mơ của hai người cũng đã đi đến đoạn kết.
Nhiều lúc nhìn lại bản thân mình, một người tự hào hiểu biết nhiều về thế thái nhân tình, lại có cơ hội được đào tạo trong nghề gỡ rối tơ lòng 2 làm cố vấn cho sinh viên học sinh ở Berkeley nhiều năm, tôi cảm thấy chột dạ. Chẳng nhẽ một người không đi đến hết đoạn đường hôn nhân của chính mình lại bây giờ đi cố vấn cho người khác? Nhưng vài năm gần đây, có dịp suy gẫm nhiều về khúc mắc của tình yêu và cuộc đời, về những hiểu biết mà Nguyễn Cao Kỳ Duyên gọi là Quan hệ Lứa đôi/Relationship Skills hoặc những sách vở mà nhiều tác giả Âu Mỹ viết về tình nhân, tôi nhận thức rằng không hẳn đấy là những điều răn về tâm lý học sẽ giúp cho người ta vượt qua được khúc gãy trong tình trường.
Và tôi cảm thấy vững niềm tin hơn, một lần bị đổ vỡ là một lần học hỏi, người ta lấy nó làm kinh nghiệm thu thập được để ứng xử tốt đẹp hơn cho lần tới. Không ai vì một định mệnh chẳng đặng đừng (hoặc trong một tâm lý thụ đông hơn, tạm gọi là bất khả kháng), lại tự đay nghiến mình vì chuyện đã qua để rồi trở thành liệt kháng không còn góp ý gì được cho câu hỏi ngàn đời: “Thế nào để giữ mãi được cái gọi là “duyên nợ” khi người ta thật sự yêu nhau?”
“Tôi biết nhiều cặp ở với nhau vì họ không có sự lựa chọn nào khác, hoặc có, nhưng họ không đủ can đảm để quyết định ra đi, họ vẫn sống với nhau – sống trong sự thầm lặng bất mãn triền miên. Như vậy là ăn gian.” (Nguyễn Cao Kỳ Duyên)
Thế hệ đời nay đánh giá tình yêu quá cao. Họ đặt nặng sự kích động của dục tính, đo lường cường độ của tình yêu bằng dòng máu nóng chảy xiết trong cơ thể, tràn trề trong huyết mạch. Mỗi khi giáp mặt với đối tượng làm rung động con tim cũng như con chim và cánh bướm phập phồng của mình, người ta định nghĩa đấy là tình yêu vì đó là động cơ mãnh liệt nhất có thể hòa nhập hai tâm hồn (hai cơ thể) lạc lõng trong một vũ điệu ái ân triền miên bất kể những khiếm khuyết khác với người tình cho đến khi ăn ở với nhau mới lộ nguyên hình.
Tôi không bài bác dục tính trong quan hệ lứa đôi. Vì đấy là chất xúc tác cần thiết, một tia xẹt để nhóm ngọn lửa tình yêu, nung nấu, hấp thụ hai con người xa lạ đến với nhau. Nhất là đối với người đàn ông tánh hùng máu nóng (nhiều dương tính), nếu anh ta không có phản ứng tự nhiên trước một thiếu nữ gợi tình gợi cảm, thì có lẽ loài người đã tuyệt chủng từ lâu. Nhưng sau đó, người ta phải có những đặc tính, những giá trị gì khác làm chất keo sơn gắn bó họ trong cuộc hôn nhân mà tất nhiên phải đi đôi với những lúc hụt hẫng, trái gió trở trời. Chuyện ân ái, dục tình có thể đến với đôi tình nhân dễ dàng hơn khi mới yêu, khi làm vợ chồng rồi, hai người lại bước sang một giai đoạn khác, đương đầu với thực tế nhiều lúc trắng trợn và phũ phàng, đòi hỏi một sự quảng đại để vượt qua.
Làm thế nào để giữ cho tình yêu bền vững? Tôi không có câu trả lời, vì mỗi trường hợp, mỗi cuộc hôn nhân đều khác. Ai cũng phải cố gắng vun bón, chụm lửa cho tình yêu của mình. Tình yêu ở một mức độ nào đó kêu gọi hai người trong cuộc phải đeo đuổi một mục tiêu, một tương lai, một lý tưởng chung, lớn hơn cả hai bản thể, cá nhân họ. Nếu người ta yêu nhau vì thể hình, diện mạo bên ngoài thì có lẽ lúc nào cũng là một sự chạy đua với thời gian, tập tành, thể dục, chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp. Ngoài một cuộc sống (vợ chồng) lành mạnh ra, sự bình yên thanh tịnh của nội tâm cũng là một bí quyết giữ cho tình yêu và con người trẻ mãi. Nhiều khi hạnh phúc đến do ý nghĩa của đời sống tâm linh được viên mãn hơn là do cuộc sống vật chất đầy đủ.
Đối với những thế hệ đời nay, vì ai cũng là một cá thể đặc sắc, háo thắng và nhiều tham vọng, thật khó để tìm câu trả lời thích đáng, sống cho mình đã khó, sống cho người mình yêu còn khó hơn. Cho nên tôi chỉ xin góp ý với Kỳ Duyên như thế này: “Đúng, những kẻ sống với nhau vì một ràng buộc, bổn phận, con cái, tiền tài hay vì một thể diện nào đó là lừa dối với chính mình. Nhưng cũng đừng quên rằng hôn nhân là một cuộc sống chung đòi hỏi nhiều thỏa nhượng, quên đi cái tự do và cái tôi của mình hoặc phải nhịn nhục nhau là một điều cần thiết. Không ai bắt mình phải là người chịu đựng nhiều hơn, không ai bắt mình phải đi vào cuộc tình với những đóng góp nhiều hơn, nhưng có phải cuộc tình nào cũng cân xứng đâu?
Và nhất là xin đừng thử thách tình yêu, tình yêu chân thật và cao cả, nhưng con người không phải là thánh. Tình yêu không phải là vàng, đừng lấy lửa thử vàng. Đừng nói nếu anh ta thực sự yêu tôi thì anh sẽ không bị sa đà cám dỗ vì một quần hồng (hay sì líp hồng?) nào khác. Một lần có thể được, hai lần cũng qua, nhưng ba bốn lần cũng sẽ làm sờn lòng chiến sĩ! Trong rừng nhiều muông thú, từ con thỏ thơ ngây đến con chồn đội lốt đến nhiều em nai vàng ngơ ngác…Tại sao lại thả cọp về rừng?
Không ở đâu mà kinh nghiệm hôn nhân lại khó hơn trong cuộc sống của những nhân vật đang sống cho quần chúng (đám đông), bởi vì khi một trong hai người không theo kịp người bạn đồng hành mình nữa, bất kể vì một lý do gì, thì người kia dễ bị lôi cuốn theo một nhịp bước khác, mau chậm hay thích hợp với họ hơn. Tiền tài và danh vọng ư? Có phải người đàn ông nào từ trong bản chất cũng mang nhiều lý tưởng đâu? Cám dỗ cũng phải tùy theo đối tượng của nó! Phải có những gì mãnh liệt hơn, nhất là khi con tim của người ta đang rộng mở. Cho người tình hay cho đồng loại.
——————————————————————————–
1Một câu trong bài Thơ của Tôi Không Phải Là Thơ của Nguyễn Chí Thiện
2Tốt nghiệp một khoá Cố vấn về Hôn nhân Gia đình và Trẻ Em (MFCC ̣Marriage, Family and Child Counseling, ngày nay gọi là MFC ̣Marriage Family Counseling người cố vấn gọi là MFT/Marriage Family Therapist)
© 2009 Đàn Chim Việt Online
Tôi cần & muốn biết ai là tác giả bài “Góp ý” này?
Bàn chuyện quan trọng như tình yêu mà lại không ký tên mình thì hơi:
1. Tránh trách nhiệm;
2. Hèn;
3. Thiếu tự tin.
Muối mà không (tin rằng mình đủ) mặn thì làm sao ướp cho cá khỏi ươn?
Có phải “Đàn Chim Việt” muốn đóng vai như một thứ “Bộ Chính Trị” (ở VN)?
Nguyên Giao
San Diego, Hoa Kỳ
Đâu có ai than van trách oán gì đâu hởi mấy cha thân Cộng ui ! Có trách là trách cái bọn việt cộng ác ôn côn đồ không biết , xử lý và giải quyết vấn nạn của Quốc gia !
Người Việt ở hải ngoại bây giờ và 30 năm sau vẩn dùng lá cờ ba sọc để mà tượng trưng cho lý tưởng tự do tranh đấu của mình và tất nhiên biểu tình phản đối bọn cầm đầu Việt Cộng mỗi khi chúng xuất hiện ở hải ngoại !
Cái bọn thân Cộng điều kiện tiên quyết và tốt nhất là nên thay đổi tư duy cho phù hợp với xu tiến của loại người đặc biệt là người Việt hải ngoại !
Chiến thắng mà hành xử hơn tiểu nhân , thì chẳng đáng để ai tuân và nể phục mình cả !
Có ai bắt buộc mình phải học KD cái gì đâu. KD viết hay mình đọc không hay thì thôi bỏ qua
Làm thế nào để giữ cho tình yêu bền vững? (Trich)
Câu trã lời…dễ ẹt…
Ngu như Tiên Ngu, còn rành sáu câu vọng cổ, một nhà văn…xanh rờn như ông Thái Anh lại…ngọng, hỏi kế sách lia lịa. Kể cũng lạ.
Chuyện quả…ly kỳ…
Đây là câu trả lời chính xác, dể hiểu nhất.
Muốn cho tình yêu lứa đôi luôn bền vững, mình phải biết…ba phải. Vợ hay bồ chúng nó nói gì, mình cũng phải…cho là phải, chớ nên cãi. Lâu lâu cũng cãi cho vui thì được, không nên cãi…seriously!
Vừa ba phải, vừa biết…nịnh nữa, thì chỉ có nước…thua cọp. Đối tượng lúc nào cũng hép pi, cách chi có thì giờ mà nghỉ đến chia tay, kiếm em khác…
Ấy là mình biết thương bồ, thương vợ, mà…quên mình. Vợ với bồ nhất định sẽ…thương lại, không nghỉ đến chuyện…đá giò lái.
Các câu chuyện….trai tơ, gái xề, hoà hợp hoà giãi, tình ca, ông Thái Anh diễn tả, chuyện nào cũng…vui như tết (Tết trước 1975). Y như ngày xưa còn bé, Tiên Ngu hay nghe các câu chuyện thần tiên,
Đàn kêu tích thịch tình tang, ai đem công chúa lên thang mà về…
(Chuyện Thạch Sanh chém chằng)
Tôi không phục Nguyễn cao kỳ duyên và cô ấy không có gì để cho chúng ta học hỏi cả .không có gì đặc biết cả .Cô ta cũng xoàng xoàng cở Thanh phượng con thủ Dzũng thôi : – cô ta rời VN quá Thuận tiện, không đến trường ởnVN sau ngày 30/4 / 75 .. các con Sĩ quan VNCH lúc kẹt lại thì đến trươfng trong cay đắng sầu đau , bản lý lịch là con Nguỵ … Trong lúc Kỳ Duyên rời VN và trở về VN quá Thuận tiện …nhìn xem cô Công chúa này đã làm được gì cho đất nước ? Trong khi những cô gái đang còn Xuân xanh đã mạnh dạn tranh đấu trong lao tù , trong gay go đã quên đi cái án 5 , 7 , 10 năm … Tôi không học hỏi gì được ở bà Kỳ duyên này cả … Thật đấy
Có những thứ không nên học và không nên biết thì sẽ giúp bạn bình yên hơn. Người thất bại là người thich học những thứ không nên học và làm những thứ không nên làm. Ngược lại những đìều vừa kể là người thành công và hạnh phúc. Chẳng hạn 1 người đàn ông cho là có nhiều vợ là sung sướng nhưng thực tế thì càng nhiều vợ, nhiều chồng càng khổ. Một người hút xì ke thì cảm thấy sung sướng khi đưọc hút nhưng họ sung sướng hơn nếu họ chưa bao giờ hút và nghiện xì ke.
NCKD có gì phục vớí không phục.Chỉ là người con gái bình thường,có học ,nhưng không làm việc theo cái mình học mà đi làm MC,bán thuốc.quảng cáo…Cô ta không phải như con NTD,củng không là nhửng nử lưu tranh đấu cho vn. Cô ta như bao cô gái có học khác,làm việc vươn lên để kiếm sống dư dả ,thoải mái…(mổi người có cái số mà .Tranh đấu có bao nhiêu người nử khi so sánh tổng số nử trong 90.000.000 dân trong nước và cả hải ngoại ?)
Còn về tình yêu củng vậy.Củng là mổi người mổi vẻ .Hạnh phúc không ai gióng ai,vì tình yêu củng chẳng ai gióng ai.Cảm yhấy đau khổ là đau khổ,cảm thầy hạnh phúc là hạnh phúc. Biết đâu là đủ là thiếu là đúng là sai. Đi tìm tình yêu thì tình yêu trêu ngươi,phụ rẩy.Đi tìm hạnh phúc thì hạnh phúc ẩn trốn bay xa.Cổ nhân khuyên “phu xướng phụ tùy” hay “tương kinh như tân” giửa cặp vợ chồng thì có hạnh phúc,nhưng củng rất khó,nhất là thời buổi bây giờ. Còn học theo Kỳ Duyên để có hạnh phúc thì tác giả nói chơi hay nói mỉa đây ? Kinh nghiệm không truyền lại cho ai/như người ta nói/(bởi vậy nên CS mới lừa mải ,và người dân,ngay cả ngươi tỵ nạn củng đôi khi bị lừa như thường)cho nên nếu NKTA viết để ca ngợi k\Kỳduyên thì cứ ca ngợi (thừa giấy làm gì chẳng vẻ voi) củng như anh ta ca ngợi bửa tiệc mới vợ chồng TLS /CS do tên thân cộng NHL khoản đải ,mà anh ta củng như chủ nhà thấy hạnh phúc sung sướng nên có bài “KK” trả nợ miêng trên ĐCV vây…