Obama loan báo chiến lược Afghanistan
Hồi tháng 8 vừa rồi đại tướng Stanley McChrystal, tư lệnh lực lượng quân sự Mỹ và NATO tại Afghanistan, xin tổng thống Hoakỳ, Barack Obama cho thêm 40 ngàn quân để đạt chiến thắng tại đây, trong đó có đề cập tới việc gia tăng huấn luyện binh sĩ cảnh sát Afghanistan, để dần dần trao trách nhiệm bảo vệ an ninh lãnh thổ lại cho các binh sĩ địa phương. Sau nhiều cuộc họp kéo dài với các cố vấn An Ninh Quốc Gia, chiều hôm nay, 01/12/2009, Tổng Thống Hoakỳ Barack Obama, trong bài diễn thuyết tại Học Viện Quốc Phòng West Point ở New York, được truyền hình toàn quốc, đã chính thức loan báo về chiến lược mới của Mỹ tại chiến trường Afghanistan: Tăng thêm 30 ngàn quân tại nước này. Đồng thời cũng vạch ra cách tiếp cận của Mỹ trong việc rút quân, và kêu gọi đồng minh tăng viện.
Mở đầu TT. Obama nhấn mạnh về việc Hoakỳ có mặt tại Afghanistan bởi vì các cuộc tấn công ngày 11/09/2001 của tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda vào nước Mỹ. Ông nói: “Căn cứ địa hoạt động của al-Qaeda là tại Afghanistan, nơi chúng được Taliban hỗ trợ – đây là một phong trào tàn bạo, khủng bố và cực đoan”. Hiện nay, theo ông: “Dần dần, Taliban đang chiếm quyền kiểm soát nhiều nơi tại Afghanistan, trong khi tiến hành các hoạt động khủng bố gây thiệt hại nặng nề chống lại người dân Pakistan”. Ông nhận định: “Chúng ta chưa mất Afghanistan, tuy nước này đã phải bước lùi trong một vài năm nay”. Và rằng: “Quân Mỹ đang không có đủ trợ giúp để huấn luyện lực lượng an ninh điạ phương, nhằm bảo vệ người dân một cách tốt hơn’’. Nên: “Tôi đã quyết định là vì lợi ích quốc gia của chúng ta, tôi sẽ điều thêm 30.000 quân Mỹ tới Afghanistan”. “Sau 18 tháng, quân lính của chúng ta sẽ bắt đầu trở về nhà”.
Trước khi TT. Obama tuyên bố tăng quân tại Afghanistan, nhiều nhà lập pháp Dân Chủ và Cộng Hòa đã thẳng thắn lên tiếng phản đối. Thượng nghị sĩ Dân Chủ, Russell Feingold, bang Wisconsin nói rằng: “Gửi binh sĩ Mỹ tăng viện thêm cho Afghanistan sẽ là một sai lầm nghiêm trọng, có thể càng làm cho nước Pakistan láng giềng thêm bất ổn”. Ông đe dọa: “Quốc hội Mỹ có thể có hành động nếu TT. Obama loan báo gia tăng đáng kể quân số tại Afghanistan”. “Hiển nhiên là hành động đó bao gồm việc không cho phép chi tiền cho binh sĩ tăng viện”.
Ngược lại, Thượng nghị sĩ Cộng Hòa, John McCaine, bang Arizona mạnh mẽ ủng hộ việc tăng quân tại Afghanistan và nhận định về thời hạn rút quân rằng: “Theo tôi thì tuỳ ở tình thế rồi mới định việc rút quân. Muốn thắng được kẻ thù ta phải đánh gục ý chí của đối phương, chứ đừng loan báo thời hạn rút lui”.
Hiện nay đang có gần 110.000 binh sĩ trong các lực lượng đa quốc gia tham chiến tại Afghanistan, trong đó có 68.000 binh sĩ Mỹ. Với 30.000 sắp tăng viện, binh sĩ Mỹ và NATO tại đây đã đạt tới con số ngang với số quân đội của Mỹ ở chiến trường Iraq, khi tình hình an ninh ở đây gặp khó khăn vào cuối thời TT Bush. Lúc ấy dư luận Mỹ cũng đòi quân Mỹ phải lập tức rút khỏi Iraq, Nhưng với đợt tăng quân cuối cùng của chính phủ Bush, quân đội Mỹ đã làm chủ được tình thế, chế độ Dân Chủ Iraq được củng cố, binh lính điạ phương dần dần thay thế quân đội Mỹ. Chính phủ Mỹ đã có thể chính thức công bố thời hạn rút quân Mỹ ra khỏi Iraq. Tuy Iraq vẫn còn bị khủng bố ôm bom tự sát gây rối. Nhưng bọn khủng bố không còn đủ sức cướp chính quyền, hay tạo biến cố xung đột tôn giáo tại đây nữa. Nay với đợt tăng quân này ở Afghanistan, liệu chính quyền Obama có thể khởi sự đem quân lính của mình về nhà đúng như dự liệu là 18 tháng sau hay chăng?
Dù 2 năm trở lại đây, chính quyền Kabul đã bị thu hẹp ảnh hưởng trước phe Taliban. Một phần vì Hoakỳ còn vướng bận tại chiến trường Iraq. Phần khác vì chế độ Karzai bị lên án là tham nhũng. Cuộc bầu cử tổng thống bị coi là có gian lận. Phải bầu lại vòng 2. Nhưng rồi đối thủ tự bỏ cuộc. Ông Karzai được tuyên bố đắc cử. Ông lập tức cam kết diệt hết tham nhũng.
Ngoài ra lực lượng Taliban dựa vào hiểm địa tại biên giới Afghanistan và Pakistan để tồn tại và tái bổ sung. Lực lượng Taliban vốn được Tình Báo Pakistan huấn luyện và bảo trợ trong thời chống Liênxô và tranh chấp quyền hành tại Afhanistan. Các bộ tộc Hồi Giáo cực đoan của Pakistan trong vùng, hết mình hậu thuẩn cho Taliban và al-Qaeda. Thế nên muốn giải quyết cuộc chiến Afghanistan thì phải tìm được sự hợp đồng tác chiến giữa Mỹ với chính phủ và quân đội Pakistan. Đến giờ này thì viện trợ quân sự Mỹ cho Pakistan đã được ký kết. Quân đội Pakistan đã mở nhiều chiến dịch truy quét khủng bố và Taliban trong vùng biên giới Pakistan. Chính nhờ vậy, mà chiến lược mới của tổng thống Mỹ, Obama về Afghanitan có nhiều triển vọng đạt được. Nếu thất bại thì Phong Trào Khủng Bố Hồi Giáo Quốc Tế Cực Đoan sẽ tràn ngập Pakistan, đe dọa an ninh Ấn Độ và cả Trungcộng nữa.
Sau cuộc chiến quái quỷ ở Việtnam, người Mỹ mỗi khi thấy quân đội của mình tham chiến hơi lâu ngày tại một chiến trường hải ngoại nào đó, thì liền nghĩ ngay tới “ác mộng” chiến tranh Việtnam. Thực ra đối với nước Mỹ, thì cuộc chiến Việtnam đã là ‘vô tiền khoáng hậu’ rồi, sẽ chẳng bao giờ tái diễn lần thứ hai nữa. Vì cuộc chiến quái gở Việtnam, tuy lính Mỹ cùng lính Việtnam đánh nhau với lính Việtcộng trên đất Việt, nhưng không phải để giải quyết vấn đề của Việtnam cho Việtnam. Nên họ đã bỏ một nửa nước Việtnam cho Việtcộng thống nhất, tạo cơ hội cho Liênxô và Trungcộng xung đột nhau, lâm thế huynh đệ tương tàn, xé nát khối Cộng Sản Quốc Tế, khiến Liênxô tan rã, Trungcộng theo đuôi Mỹ làm kinh tế Tư Bản.
Nay thì Mỹ lại lừng lững trở lại Việtnam mang theo chiến lược toàn cầu “Nước Mỹ Đã Trở Lại Á Châu”, trước khí thế hung hăng bành trướng của Bắckinh, khiến Khối ASEAN “hoan nghênh sự quan tâm trở lại của Mỹ đối với vùng Đông Nam Á”. Tuy tình hình Việtnam và Asean còn nhiều khó khăn, trắc trở. Nhưng sớm muộn gì các nước trong vùng cũng phải Dân Chủ Hoá chế độ để đủ sức phát triển kinh tế, tự phòng thủ, ngăn bành trướng, nhằm hội nhập với tiến trình toàn cầu hóa.
Hai cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, ngoài với danh nghĩa là Chống Khủng Bố Toàn Cầu, nước Mỹ phải giải quyết trực tiếp các vấn đề của 2 nước đó cho chính hai nước đó, chứ không dùng các cuộc chiến ấy vào mục đích giải quyềt các vấn đề tranh chấp quốc tế nào khác như cuộc chiến quái ác Việtnam. Vì Khủng Bố là phong trào chiến đấu “đến chết” chứ không có thương thuyết, thương lượng, thoả hiệp. Nên Mỹ và thế giới diệt được đến đâu thì diệt. Với kinh nghiệm ở Iraq thì phong trào Khủng Bố Quốc Tế đã bị vô hiệu hóa bởi nền Dân Chủ của người Iraq. Tổng thống Obama cũng không thể làm khác được, cho dù phe Dân Chủ của ông có bị mất nhiều ghế Dân Biểu, Nghị Sĩ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ cũng đành.
© www.danchimviet.com 2009