Thư gửi bạn bên nhà (số 11): Tưởng là khôn nhưng rất dại
Tưởng là khôn, hóa ra rất dại!
Hầu hết các phương tiện thông tin đại chúng toàn thế giới đều đưa tin rộng rãi và đầy đủ về buổi lễ tuyên thệ và bài Diễn văn nhậm chức hệ trọng này. Báo chí thế giới cũng chăm chú theo dõi thái độ và phản ứng của từng nước đối với buổi lễ và bài diễn văn, đưa ra nhiều nhận xét bổ ích và thú vị.
Ngay sau đó, công luận thế giới được biết bài diễn văn dài 2.380 từ tiếng Anh, được đọc trong 18 phút rưỡi, đã được chính ông Obama phác thảo; bản thân ông là nhà văn, nhà báo, từng viết 2 cuốn sách đều nổi tiếng: “Những giấc mơ của Cha tôi” ( Dreams of my Father ) và “Ước vọng táo bạo” (Audacity of Hope); Obama từng là Tổng biên tập tạp chí “Luật Pháp” của Viện Đại học Harvard. Obama cũng là một nhà hùng biện, nói năng lưu loát, lập luận chặt chẽ, luôn có hình ảnh đặc sắc, đi vào lòng người nghe. Vì tầm quan trọng của bài Diễn văn nhậm chức đối với nước Mỹ và toàn thế giới, Obama chọn thêm 4 người tài để giúp mình hoàn thiện bài diễn văn này, trong đó có một trí thức trẻ hơn ông gần một chục tuổi, kiến thức rộng, tư duy trẻ, vừa được ông chọn vào Nhà trắng cùng ông. Đây là sáng tạo tập thể nổi bật nhất của 5 bộ óc mới mẻ trong thời kỳ chuyển tiếp 76 ngày, từ 4-11-2008 đến 20-1-2009.
Nhiều nhà bình luận sành sỏi nhất về thời sự và văn học từ Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Nhật… ngay từ tối 20, sáng 21 đã nhận xét rằng bài Diễn văn này được xếp vào loại hay nhất, có giá trị và ý nghĩa nhất, của 44 đời tổng thống, bên cạnh những bài diễn văn nhậm chức lịch sử của George Washington, Abraham Lincoln, Franklin Roosevelt và John Kennedy …
Người ta chú ý bàn luận đến những ý nổi bật, có tính định hướng trong bài Diễn văn, như: “chúng ta đứng trước những thử thách rất thật, nghiêm trọng và không ít”; chúng ta hãy đứng cả dậy, tự phủi bụi và bắt tay vào tái thiết nước Mỹ”; “chúng ta đã lựa chọn Hy vọng thay cho sợ hãi, chọn thống nhất mục tiêu thay cho xung đột và bất hòa”; “chúng ta từng hạ gục chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản”; “sức mạnh của chúng ta được phát huy do biết sử dụng nó một cách thận trọng” ; “điều đòi hỏi chúng ta lúc này đây là một Kỷ nguyên mới của Trách nhiệm”; “chúng ta hãy can đảm lội qua dòng nước băng giá và vượt qua bất cứ bão táp nào” ….
Trước tình hình nghiêm trọng của chiến tranh và suy thoái kinh tế, tổng thống Hoa kỳ vừa nêu cao những lý tưởng truyền thống vừa có cách nhìn thiết thực, thực dụng để cổ vũ hành động tức thời.
Bài Diễn văn nhậm chức của tổng thống Obama được cả thế giới theo dõi với niềm xúc động sâu xa, với mối thiện cảm nồng hậu vì nó hướng rõ ràng đến một thế giới hòa bình, hợp tác, dân chủ và tự do hơn trước, một nền kinh tế quốc tế được hồi phục dựa trên khoa học kỹ thuật mới, những nguồn năng lượng mới, với sử dụng tài nguyên hợp lý và nền tài chính minh bạch, đẩy lùi nguy cơ và hiểm họa do con người và tự nhiên gây nên.
Các nhà bình luận quốc tế còn đánh giá cao bài Diễn văn nhậm chức của tổng thống Obama ở giọng điệu hoà hoãn, khoan dung, nhưng lại không thiếu tinh thần nghiêm khắc cảnh cáo răn đe những thế lực khủng bố và độc tài.
Các báo chí quốc tế hầu như nhất loạt nhận xét rằng cả 4 chế độ độc đoán độc đảng Cộng sản còn sót lại Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn và Cuba đều đưa tin rộng rãi về bài Diễn văn nhậm chức của tổng thống Obama, nhưng đều tẩy bỏ đi từ: “chủ nghĩa cộng sản”, trong câu: “Hãy nhớ rằng thế hệ cha anh chúng ta đã hạ gục chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản không phải chỉ bằng tên lửa và chiến xa, mà bằng những liên minh vững chắc và bằng niềm tin bền bỉ”.
Sao mà “4 anh em nhà Cộng” ấy giống nhau đến vậy !
Họ đều cảm thấy bị chạm nọc.
Họ không có cách nào chối bỏ sự thật rành rành, hiển nhiên.
Họ chỉ còn biết xoá đi, xoá đi 1 từ:”communism”; hay xoá đi 1 cụm từ: “chủ nghĩa cộng sản”; “cúng sạn trủ dí”.
Không có cái dại nào bằng cái dại nào. Bằng cách xoá bỏ đi một từ, “4 anh em nhà Cộng” đều tỏ ra vô lễ, lếu láo ngay với nhân dân, độc giả, đồng bào của chính nước mình. Vẫn cái kiểu trịch thượng, cường hào, “ông cho chúng bay biết cái gì thì chỉ được biết cái ấy thôi, nghe không?”.
Chắc rằng ngay nửa đêm 20 rạng 21 tháng 1 (theo giờ Hà Nội), Tô Huy Rứa và Lê Doãn Hợp (trưởng ban tuyên giáo trung ương và bộ trưởng thông tin truyền thông) đã gọi điện cho các tổng biên tập các báo, truyền thanh, truyền hình…ra nghiêm lệnh phải “thiến” ngay cụm từ “chủ nghĩa cộng sản” trong bài diễn văn vừa phát đi. Ai để lọt sẽ bị bay chức!
Sao họ chậm hiểu, thiếu thông minh đến thế nhỉ ! Người biết tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, Nhật… trong nước ngày càng nhiều. Ai muốn biết toàn văn bài diễn văn, chỉ việc mở máy com-pu-tơ, bấm con chuột là nghe đầy đủ, thoải mái, từ chính giọng ông Obama cũng có; muốn nghe tiếng Việt thì BBC dịch ra sớm nhất, rồi RFA, VOA , RFI, thiếu gì ! từ chữ đầu đến chữ cuối; từ A đến Z .
Thà rằng cứ để nguyên; xoá đi vừa tỏ ra sợ sự thật, sống không ngay thật, quen gian trá, lo sợ sự thật đến với nhân dân, vừa tự mình trưng ra cái điều mình sợ nhất để bị cả thế giới và cả đồng bào mình vạch mặt thấp hèn, chê cười và khinh bỉ.
Gian trá và dại dột dai dẳng thành cố tật, thành nếp sống, rất khó sửa.
Báo chí Việt Nam, nhất là báo Nhân Dân đã bị lật tẩy, chê cười khi xoá bỏ những câu chữ trong diễn văn của tổng thống Pháp Mitterand và của tổng thống Mỹ Clinton đọc tại Hàn Nội, nay họ vẫn cứ chứng nào tật nấy; vào WTO hơn 2 năm rồi mà vẫn còn mê ngủ như thời chiến tranh, cứ như vẫn đóng cửa kín mít, để mà tha hồ hành dân mình, hành đồng bào mình, bằng bịt mắt, bịt tai bà con ta một cách tùy tiện, tùy hứng.
Báo Pháp còn tinh khôn khám phá ra rằng báo Trung Quốc còn xóa bỏ thêm một đoạn nữa trong bài diễn văn nói trên của tổng thống Obama. Đó là đoạn: “Với những kẻ bám quyền lực nhờ tham nhũng, dối trá và bịt miệng tiếng nói đối lập, hãy hiểu rằng các người đúng về phía sai lầm của lịch sử !”. Bắc kinh lại dơ kéo lên để “thiến”, vì cảm thấy chạm nọc. Vậy thì Bắc kinh và Hà Nội, ai khôn hơn ai trong chuyện này? “Hai anh em nhà Cộng” này đều giống y như nhau trong khi bám lấy quyền lực nhờ tham nhũng và để tham nhũng nữa, cũng giống y như nhau về đàn áp, bỏ tù mọi tiếng nói đối lập, bất đồng chính kiến, đều cấm báo tư nhân, đều kiểm soát chặt các bloggers trẻ….
Ngược lại, báo chí Việt Nam bị đảng khoá mồm và đảng còn dạy cho tự khoá mồm vẫn có thể khoe là ta cũng “khôn ranh ra phết. Đó là trường hợp của báo Tuổi trẻ, khi đưa hầu như toàn bộ bài Diễn văn nhậm chức của tổng thống Obama, trong đoạn nhắc đến công lao của những thế hệ đi trước: “Vì chúng ta, họ đã chiến đấu và hy sinh ở nhưng nơi như Concord, Gettysburg, Normandy và Khe Sanh”, đã xoá bỏ chữ Khe Sanh. Xin nhớ tổng biên tập cũ báo Tuổi trẻ vừa được đảng cho về vườn, thì tổng biên tập mới đã có “tinh thần bén nhạy” nhanh nhẩu xóa bỏ chữ Khe Sanh là điều dễ hiểu.
Thế nhưng báo mạng Vietnam.Net vẫn để nguyên chữ Khe Sanh – trận diễn ra năm 1967-1968 ở chiến trường Trị – Thiên, bên cạnh Concord – trận chiến diễn ra năm 1775, Gettsburg – trận diễn ra năm 1863 (đều trong cuộc nội chiến Nam – Bắc) và Normandy – trận đổ bộ lớn từ nước Anh lên châu Âu năm 1944 để diệt bọn phát xít Hít-le, như trong bản gốc. Có lẽ vì thế nên bài nay bị xoá ngay sau một buổi xuất hiện trên VN.Net.
Ý định của Tổng thống Obama là rất rõ; trận chiến Khe Sanh được ông coi như có giá trị lịch sử tiêu biểu cho chính nghĩa dân chủ và tự do, chống chủ nghĩa cộng sản quốc tế có mưu đồ nô dịch toàn thế giới. Với một độ lùi lịch sử hơn 40 năm, khi mây mù của thế kỷ 20 đã tiêu tan, mọi việc được sáng tỏ.
Đối với một số cựu chiến binh quân đội nhân dân, cho đến nay không phải không có người vẫn còn cay đắng nói đến trận Khe Sanh – mà anh em gọi là “Khe Tử”, khi biết bao đồng đội bị thương và hy sinh tại đó, nhưng bản thân, gia đình và đồng bào ta đến nay vẫn không có tự do, vẫn bị những cường hào cộng sản các cấp ức hiếp, đè nén, còn lãnh thổ , lãnh hải Tổ quốc thì nay bị đảng cộng sản nhượng “vô tư” cho các “đồng chí đàn anh của họ”. Vậy thì chiến đấu để làm gì? cho ai? Câu hỏi trên mỗi tấm mộ liệt sỹ.
Diễn văn của ông Obama không nói đến 2 chữ Việt nam. Chỉ có 2 chữ Khe Sanh mà đã làm cho Hà Nội giật mình chạm nọc. Và họ cũng giật bắn mình khi nghe đến câu: “những kẻ bám lấy quyền lực bằng tham nhũng, lừa dối và bịt miệng tiếng nói đối lập hãy biết rằng các người đứng về phía sai lầm của lịch sử”. Có tật thì giật mình. Đứng về phía sai lầm của lịch sử thì ắt bị nhân dân mình, bị cả nhân loại chống lại, và sẽ bị lịch sử đào thải. Có lời phán quyết nào ngiêm khắc hơn.
Obama với Việt Nam, Việt Nam với tổng thống Obama, đi sâu vào có khối chuyện hay, sẽ còn có khối chuyện hay.
Nhất là đối với tuổi trẻ Việt Nam, cùng thế hệ với Obama, cùng thời đại với Obama, cùng thành thạo com-pu-tơ như Obama, cùng mê tận dụng cái con Blackberry như Obama, cùng nghiện internet và email như Obama, coi thông tin nhanh nhậy như hơi thở như Obama, chớ có phạm sai lầm và dại dột.
Đối với thế hệ khao khát hiểu biết này, cái gì cũng muốn hiểu thấu đáo, hiểu đến nơi đến chốn, hiểu cặn kẽ nguồn cơn, xin chớ có dại dột cắt câu này, thiến chữ nọ, giở trò ăn gian và xảo trá, tưởng là khôn ngoan, mà hoá ra là dại, quá ư là dại đấy!
Paris 22-1-2009.
Bài do tác giả gửi đến Đàn Chim Việt Online