WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Khổng Tước Nguyên

4.

Trên đường đến Tân Hòa thì trời đã sáng hẳn, Nghiệp đi cùng vị nguyên soái và hai Ðốc binh vượt qua nhiều khu đất sình lầy đến đầu gối, rồi phải ngừng đi bộ để chèo ghe qua những con kinh đào nhỏ. Cứ như thế, cho đến con kinh thứ sáu thì chỉ dùng đường tắt vào Tân Hòa. Nhìn thấy rất nhiều ghe nhỏ đậu sẵn trên các con kinh này, Nghiệp biết mình đang đi qua đoạn đường mà nghĩa quân thường xuyên di chuyển.

Biết khách chưa quen cách đi cực nhọc này, Ðốc Lựa đã chuẩn bị sẵn cho Nghiệp một cây gậy tre để dễ dàng đi qua những đoạn đường lầy lội. Tuy vậy, vị nguyên soái đã phải giữ cánh tay Nghiệp khá nhiều lần lúc chàng sắp ngã vì trơn trợt. Nghĩ đến những cảnh trà dư tửu hậu, tiệc đám thường xuyên của các quan trong thành, rồi lại nghĩ đến đời sống gian khổ của nghĩa quân nơi này, lòng Nghiệp đau nhói. Suy nghĩ miên man, Nghiệp bỗng nghe nhiều tiếng nói vang lên phía trước mặt. Ðốc Lựa đi sau nói qua vai Nghiệp: Ðến nơi rồi.

Nghiệp không thể tưởng tượng được có một khu làng chiếm một diện tích khá lớn ngay giữa cánh rừng Truất Tước này. Trước mắt chàng có khoảng hai mươi căn nhà tranh lớn nằm rải rác, nhà này nối với nhà kia bằng những giồng đất cao. Và có hơn hai trăm nghĩa quân, có cả nam lẫn nữ, đang làm việc rất vui vẻ. Nhiều người đang gặt những mẫu ruộng lúa đã tới kỳ, nhiều người khác đang chuyển những bao vải lớn đi về
cánh rừng phía Ðông; một nhóm người nữa gánh nước giếng đổ vào những cái vại tre thật lớn tại mỗi căn nhà….Cảnh sinh hoạt thật nhộn nhịp. Khi đi ngang qua, Nghiệp thấy mọi người đều ngừng tay cung kính vái chào vị nguyên soái và chàng. Chàng cũng thấy ánh mắt của họ vừa ngạc nhiên vừa vui mừng khi thấy xuất hiện một vị khách có dáng người thư sinh trong chiến khu Tân Hòa. Nghiệp cảm thấy hơi thẹn khi so sánh
nước da đen khỏe của họ với nước da trắng của người thành thị. Bốn người dừng chân trước một căn nhà, chàng quay sang hỏi Ðốc Lựa:

- Nghĩa quân đông như vậy làm sao sinh sống tất cả ở nơi này? Ðốc Lựa cười, nhìn vị nguyên soái, rồi ôn tồn trả lời khách:

- Phần đông anh em ở nơi khác, sáng nay vừa có một số người ở miệt trên về đây. Nghiệp càng thấp thỏm với những suy nghĩ của mình, hỏi tiếp vị nguyên soái:

- Tôi xin mạo muội hỏi Trương Công, ta dễ đào giếng nơi này chắc phải ở gần sông lớn đâu đây. Còn các nghĩa quân chuyển đồ tiếp vận về cánh rừng phía Ðông, chắc phải vượt qua sông lên miệt trên, có lẽ là vùng
rừng dừa nước rậm rạp ở Lý Nhơn!

- Nghiệp huynh đoán như thần vậy, vị nguyên soái vẻ mừng rỡ, nhưng làm sao huynh biết điều này!?

- Thưa Trương Công, trước khi vào đây, tôi có suy nghĩ địa hình địa vật của Khổng Tước đối với những nơi lân cận. Tân Hòa là nơi dễ thủ khó công, dùng làm căn cứ tham mưu là điều hay. Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ đến việc tận cùng, nếu bọn Tây dương mang binh đông, hỏa lực mạnh đánh gắt, thì Lý Nhơn phải là nơi chuẩn bị kế lâu dài. Nếu tiếp vận bị phong tỏa, ta có thể dùng dừa nước nuôi quân, hẳn là tiện lợi. Lý Nhơn
lại có nhiều kinh rạch thiên nhiên hướng ra biển Ðông. Ta ra vào cũng dễ.

Vị nguyên soái gật đầu nói tiếp:

- Từ xưa đến nay, nơi hiểm yếu vốn là nơi tụ quân khởi nghĩa. Dù mỗi thời mỗi khác, nhưng tôi vẫn nghĩ đến một tinh thần mới về việc xây dựng chiến khu. Nghiệp huynh tinh thông sử học, cũng đã rõ thời Dạ Trạch, Lam Sơn vẫn khác thời Lý, Trần và gần đây là Tây Sơn. Ta dùng nơi trù mật huấn luyện nghĩa binh, rồi tấn công giặc, rồi lại rút binh về. Ta trong tối, giặc ngoài sáng, đây là điểm lợi nhưng lại bất lợi, vì nếu không còn bưng biền, ta dựa vào đâu, dân lấy gì ăn để đánh trường kỳ. Dạ Trạch và Lam Sơn là một thí dụ. Ðức Thái Tổ bị giặc Minh vậy khốn mấy lần ở Lam Sơn, nếu không vì dân quân quyết tử và hồn thiêng sông núi phò trợ, hẳn là ngài không làm thành đại nghiệp. Thời Lý, Trần và Tây Sơn, dân ta có vua tốt vương hiền, dân với quân là một, cả nước đòi phá Tống, diệt Mông, đuổi Thanh, thì không có giặc nào xâm lăng được. Nói như thế, chắc Nghiệp huynh đã hiểu.

- Thưa Trương Công, ý người có phải nối chặt hai chữ dân và quân? Ðem chiến khu vào trong lòng dân. Bưng biền không chỉ là rừng sâu, nước độc, mà phải ở mọi thôn làng, mọi thành thị. Dân là quân, quân là dân.
Giặc phải lao tâm, tổn sức vì gặp phải sự chống đối từ muôn mặt. Tôi xin tạ ơn Trương Công đã soi tỏ đường đi. Thật là thiên biến vạn hóa.

- Ta sẽ còn bàn nhiều việc đêm nay để sáng mai Nghiệp huynh trở về thành sớm, huynh vắng mặt lâu e bất tiện.

Vị nguyên soái cùng hai Ðốc binh đưa Nghiệp đến căn nhà lá nhỏ, sát bên cạnh căn nhà lớn giống như những căn khác. Căn nhà nhỏ là nơi vợ con Trương Công ở. Khi vào bên trong, Nghiệp đã thấy Trương phu nhân và Trương Huệ, người con trai trạc hai mươi tuổi, giống vị nguyên soái như đúc, đã đứng ở đây từ lúc nào. Bà vái chào Nghiệp rồi nhỏ nhẹ mời tất cả vào gian trái dùng bữa. Nghiệp chỉ kịp nhận ra Trương phu nhân cũng vận quần áo đen như những nghĩa quân khác, nhanh nhẹn nhưng vẻ nhu mì. Khuôn mặt bà thanh tú như đóa lan rừng.

Sau bữa cơm chỉ có cá khô và rau cải nhưng không khí thật vui vẻ, mọi người đã sang căn nhà lớn bên cạnh để hội họp. Biết chồng và các nghĩa quân sẽ bàn việc khuya, Trương phu nhân đã chuẩn bị ấm đất lớn
pha trà. Ðến giờ Mão mà ánh đèn bên nhà họp vẫn sáng. Ðến giờ Thìn, khi Trương phu nhân thức dậy sớm ra ngoài đồng phụ giúp nghĩa quân, thì căn nhà họp đã vắng tiếng người. Vị nguyên soái và khách cùng hai
Ðốc binh đã rời khỏi Tân Hòa.

KẾT

Từ ngày thành Gia Ðịnh xuất hiện một Tri phủ mới ở Tân Bình, không khí sinh hoạt bỗng dưng náo động lạ thường. Mặc dù dân chúng thấy viên Tri phủ mới nhậm chức này rất thân thiện và bận rộn với bọn Tây
dương nhưng không làm sao ngăn được những tờ hịch kêu gọi dân chúng tham gia khởi nghĩa được lưu truyền khắp nơi. Một số thanh niên trong thành thỉnh thoảng biến mất một thời gian, nhiều người lạ mặt vào
thành cư ngụ. Nhưng sổ bộ của quan Tri phủ không hề ghi chép việc thay đổi dân số bất thường này.

Người Tri phủ này là Hồ Huấn Nghiệp. Sau một đêm thảo luận công việc với vị nguyên soái, Nghiệp mới hiểu rõ lời ông Ðồ nói. Gươm dáo không là cách duy nhất để phá giặc. Vị nguyên soái đã giải thích và đề nghị giao cho Nghiệp một công tác khá cam go và tế nhị. Ðó là nhận lời làm việc… cho giặc. Với sở học và tài trí của Nghiệp, chàng sẽ dễ dàng đi sâu vào việc điều hành hầu hết các công việc tại thành Gia Ðịnh. Tân Bình là một phủ lớn, là một trung tâm mà thực dân Pháp dùng để lưu trữ các kế hoạch đánh chiếm các tỉnh miền Tây và Ðông-Nam kỳ, đây còn là vùng chuyển binh lính Tây dương và thu thập các tin tức tình báo do một số Việt gian cung cấp. Giặc Pháp đang cần những quan Việt trí thức, càng ham danh lợi càng tốt, trở thành tay sai đắc lực cho chúng. Nghiệp lại là người có chân học thức, hiểu biết rộng nên giặc rất trọng dụng. Chính vì ở trong “nghề” này, Nghiệp biết nhẵn mặt một số tên Việt gian như Tổng đốc Ðỗ Hữu Phương, Tôn Thọ Tường, Huỳnh Công Tấn….Qua những chi tiết tình báo mà bọn này cung cấp cho thực dân, Nghiệp mới cảm thấy mối nguy hại trầm trọng cho các nghĩa quân. Và trong những lần Ðốc Tòng và Trương Huệ vào thành liên lạc, Nghiệp nhanh chóng thông báo các tin tức quan trọng cho nguyên soái. Quả nhiên, quân Tây dương thất bại thê thảm trong các cuộc tấn công vào một số căn cứ kháng chiến, chúng bị phục kích không lối thoát hoặc hao tổn tâm sức vì đánh vào chỗ không người.

Nghiệp còn phụ trách việc bí mật móc nối, thuyết phục một số quan có lòng trong thành Gia Ðịnh tham gia cứu nước. Những người này sẽ giúp chàng công tác viết sách, thảo hịch và lập nên các tổ thanh niên kháng Pháp ngay trong thành Gia Ðịnh. Và Hào là cánh tay mặt của Nghiệp trong các công tác này.

Tình hình ngày càng nghiêm trọng. Thực dân thấy rõ mối nguy của đoàn nghĩa quân Bình Tây Ðại Nguyên Soái nên nhất quyết tiêu diệt cho bằng được. Một mặt, chúng áp lực triều đình bắt nguyên soái phải hàng, mặt khác, chúng huy động đại quân hỗn hợp Gia Ðịnh-Vĩnh Long và thêm viện binh từ Thượng Hải về, mở một trận đánh dữ dội bao vây Khổng Tước, tấn công thẳng vào Tân Hòa.

Nhờ tin báo của Nghiệp, vị nguyên soái cho các nghĩa quân chuyển lương thực, vũ khí rời khỏi rừng Truất Tước, chỉ để lại một số cảm tử quân phục kích dọc theo sông Nhà Bè. Trong hai ngày 25 và 26 tháng Hai năm 1863, mặc dù thực dân tăng cường hai viên Ðại tướng, nhiều sĩ quan cao cấp và liên hợp quân thủy bộ với chiến thuật hết sức quy mô, chúng chỉ bắn sập các cứ điểm không người. Rừng Truất Tước cháy đỏ rực một góc trời. Trong làn khói đen dày đặc đó là những tiếng kêu la thất thanh của đám lính Tây dương bị nghĩa quân bắn hạ, khi chúng dùng thuyền nhỏ định đổ bộ lên bờ. Ðúng như điều Nghiệp tiên đoán, vị nguyên soái chia quân tản mác vào các thôn làng, trở thành dân chúng bình thường, dựng lại các căn cứ kháng chiến mới khắp vùng Tân An, Cái Bè, Hóc Môn, Bà Ðiểm…., và lập bản doanh tham mưu tại vùng Lý Nhơn hiểm trở.

Lực lượng kháng chiến phát triển không ngừng, số nghĩa quân gia tăng nhanh. Khổng Tước mở thêm các địa bàn hoạt động từ Bình Xuân đến Bình Thành và Kiển Phước. Các đồn bót và cơ quan hành chánh của bọn Tây dương bị tấn công thường xuyên. Giặc lo sợ ngày đêm, cứ gặp dân là chúng nghĩ ngay đến nghĩa quân của Bình Tây Ðại Nguyên Soái Trương Công Ðịnh.

Quá bận rộn việc trong thành, Nghiệp không có dịp nào về Khổng Tước nữa và cũng không gặp lại vị nguyên soái. Dù chỉ một lần đến và gặp, chàng vẫn nhớ mãi tên Khổng Tước như người dân Gò Công vẫn thường
gọi một mảnh đất nhỏ bé, nhưng là một phần của đất nước phải sống chết để giữ gìn.

Vào một đêm cuối tuần Rằm tháng Tám, trên con đường lầy lội hướng về Gia Thuận, có một toán người mặc áo đen, đi chân trần, lừng lững xuôi theo gió Ðông-Bắc. Giòng nước Vàm Cỏ Tây chảy dài theo bước chân những người nghĩa sĩ. Ði đầu toán, vẫn là hình ảnh của vị nguyên soái, chân bước nhanh như không hề chạm đất.

© Hành Tư

© Đàn Chim Việt

Pages: 1 2

Phản hồi