Khổng Tước Nguyên
1.
Nghiệp và Hào ngồi lặng thinh trong gian phòng đọc sách. Nếu không có những tiếng chuyển quân ồn ào của bọn Tây dương vọng lại từ phía cửa thành Gia Ðịnh, hòa với tiếng mưa nặng hột, thì gian phòng của Nghiệp chỉ còn lại sự im lặng đến khó chịu, với những kệ đầy sách vở, bộ bàn ghế bằng tre và hai cái tượng người. Cả hai đều có dáng thư sinh, cao gầy, nét mặt sáng và cương nghị. Họ mặc áo thụng dài màu trắng, trông nho nhã. Nhưng cũng lộ ra sự khác biệt về hoàn cảnh gia đình. Nghiệp sống nghề dạy học, còn Hào là vị quan nhỏ trong thành và là em ruột của quan Bố chánh Nguyễn Thông.
Thỉnh thoảng, làn gió thổi qua liếp cửa tràn vào phòng, làm rung rinh tờ giấy trên bàn trước mặt Nghiệp nhắc nhở hai người trở về với thực tại. Nghiệp vẫn nhìn chăm chăm vào tờ giấy vàng ố, có những hàng chữ viết đã làm Nghiệp suy nghĩ đến nhức óc. Kể từ lúc Hào đến thăm, đưa lá thư do quan Bố chánh nhờ đưa lại chàng, kèm theo một lá thư riêng của thầy Chiểu, bạn của chàng, Nghiệp thấy đã đến lúc phải quyết định. Hào nói Nguyễn tiên sinh có việc đi trấn Vĩnh Thanh, ghé Vĩnh Long thì Phan Tổng đốc giao lá thư của Bình Tây Ðại Nguyên Soái gửi các quan Việt ở Vĩnh Long, và trên đường trở lại thành, có ghé Bến Tre gặp thầy Chiểu, bởi vậy mới có hai lá thư này.
Nghiệp lẩm nhẩm đọc lại một đoạn trong lá thư của Bình Tây Ðại Nguyên Soái: “…Chúng tôi không thể hành động gì khác hơn hành động bây giờ. Dân chúng ba tỉnh yêu cầu chúng tôi đứng đầu khởi nghĩa. Chúng
tôi chiến đấu, chúng tôi sẽ đánh ngã bọn giặc…”. Lời lẽ không văn hoa nhưng đầy cương quyết. Nghiệp nhớ lại thư ông Ðồ gửi cho chàng cũng quyết liệt không kém; “…Ðừng loay hoay trong những gợn sông nhỏ, tài trí của Nghiệp huynh nên vượt ra ngoài biển rộng. Không ai thấy nhà cháy mà chỉ vào cứu lấy kệ sách. Chữ nghĩa tôi vốn không thấy nhưng nếu được cùng với Nghiệp huynh làm cho chữ có nghĩa thì bá tánh
mừng lắm ru. Tôi có bàn với Trương Công, huynh cần chi tiết, xin hỏi Nguyễn tiên sinh…”.
Hào đứng dậy lại gần bức hoành treo trên vách có viết chữ “Toàn Bằng Trung Hiếu” khá lớn, lên tiếng:
- Huynh nghĩ sao về lá thư của Trương Công, đối với triều đình thì đây là ý làm phản. Sau Hòa ước Nhâm Tuất bán nước vừa rồi, vua chỉ muốn yên thân để còn được làm vua. Mọi sự phản kháng sẽ đều bị tấn công hai mặt, của giặc Tây dương và cả triều đình nữa. Ðừng nói xa, tại đây thôi, các quan trong thành gần như muốn đấm hầu đấm họng, không hiểu sẽ làm gì kể từ khi giặc chiếm Gia Ðịnh. Nhiều quan võ tỏ vẻ khó chịu
về danh xưng “Ðại Nguyên Soái” của Trương Công.
- Tôi suy nghĩ lung lắm, Nghiệp cũng nhìn về bức hoành nói, vấn đề là ta làm sao cho sáng tỏ hai chữ “tôi trung”. Làm tôi thì phải trọn đạo trung thần. Nhưng trung với ai. Nước hay vua? Tôi trung như quan Thống đốc Quân vụ Nguyễn Tri Phương và Tham tán Phạm Thế Hiển, cũng vâng lệnh vua đến trấn giữ bất kể chỗ hiểm nguy, nhưng quyết đánh đến cùng. Tôi trung như hai quan Trần Thiện Chánh và Lê Huy, dù bị vua cách chức mà không giận, vẫn chiêu mộ năm ngàn dân quân đánh chặn tàu giặc tiến vào Gia Ðịnh. Tôi trung như Phan Tổng đốc Vĩnh Long, một lòng vì triều đình, vua sai hòa thảo với giặc thì phải tìm cách thương lượng, vua bảo phải cắt đất cho giặc thì không dám trái lời. Phan Tổng đốc là người có lòng nhưng không biết xã tắc lúc này phải vì dân mà quyết định. Còn Trương Công dù chỉ giữ chức Quản cơ, nhưng làm việc đại nghĩa, quyết giữ đất giữ dân. Lòng tôi kính phục vô cùng. Tôi thực không hiểu lúc bọn thủy quân Tây dương tràn vào giết dân, chiếm thành, các võ quan đang ở đâu và làm gì? Bây giờ họ vẫn tự nhận là võ quan của triều đình mà lại hưởng bổng lộc của thực dân. Nhưng khi có người đứng lên khởi nghĩa thì lại đặt vấn đề chức tước, danh lợi. Nếu muốn hỏi tại sao có chức Bình Tây Ðại Nguyên Soái, xin huynh nói với họ là đến hỏi dân. Dân muốn như vậy.
Hào rất mừng khi biết Nghiệp có cùng ý nghĩ. Tôi nghe tin bọn Tây đang tính kế tằm ăn dâu, không còn tin tưởng lắm vào các quan văn võ cũ và sẽ chiêu dụ những người có trí thức ra làm quan cho chúng. Nói đúng ra là làm tay sai cho chúng để tự đè đầu đè cổ dân mình. Chức Tri phủ Tân Bình đang là miếng mồi ngon vô cùng.
Nghiệp khẽ thở dài, đứng nhìn qua liếp cửa. Cơn mưa tháng Bảy như đám mây trắng khổng lồ phủ ngập vùng Gia Ðịnh. Cảnh làm cho người càng thêm não ruột. Thân được gọi là sĩ phu mà chàng cảm thấy thẹn lòng quá. Lời cha dặn còn ghi lại trên bức hoành “Toàn Bằng Trung Hiếu”, vậy mà chàng vẫn chưa làm trọn điều này. Cha mất sớm, Nghiệp dùng tất cả thì giờ chăm sóc mẹ và dùi mài kinh sử. Chàng dạy học trò trong một căn nhà tranh cất bên cạnh mộ cha. Năm 1858, triều đình có mở khoa thi, nhưng Nghiệp không đi vì thấy sức mẹ già yếu. Dù không đỗ đạt ra làm quan, nhưng sở học của Nghiệp rất uyên thâm, nhiều danh sĩ xin đến đàm luận. Cả huyện Bình Dương trong phủ ai ai cũng biết tiếng thầy Nghiệp. Ðầu năm ngoái, giặc chiếm Gia Ðịnh. Giữa tháng 12, nghĩa quân Cần Giuộc, Tân An nổi lên dùng tầm vông, dáo mác đánh úp đồn Tây dương. Liền sau đó, bài “Văn Tế Nghĩa Quân” truyền đi như lời hịch chấn động tâm hồn sĩ phu mọi nơi. Nghiệp biết ông Ðồ là tác giả bài này nên lại càng thấy lòng hổ thẹn với người bạn mù lòa. Tháng 3 năm nay, lại nghe tin nguyên soái chiếm lại vùng Khổng Tước, dân theo rất đông. Bố chánh Nguyễn Thông ngược xuôi miệt dưới nhiều lần nên Nghiệp không được gặp để xin chỉ giáo. Và bây giờ, chàng đã có hai lá thư trong tay. Tiếng mưa bên ngoài càng lớn hơn nữa khi đám lính Tây dương la hét hối thúc toán dân phu đang chạy xầm xập chuyển võ khí cho chúng vào thành. Nghiệp quay lại nói với Hào:
- Huynh cho tôi hẹn gặp Nguyễn tiên sinh càng sớm càng tốt.
2.
Cuối tuần trăng tháng Tám, trời tối đen như mực. Gió Ðông-Bắc thổi nhè nhẹ xuống vùng Tân Hòa, nhưng cũng đủ làm lau sậy của khu rừng Truất Tước lao sao. Ðêm yên lặng như vậy mà vẫn không vang lên được những bước chân của ba người đang đi như bay trên giồng đất hướng về Ðông Thạnh. Cách đi của ba bóng đen này như những võ sư cao thâm. Ðặc biệt là người đi giữa, chân như không chạm đất. Họ đi tới đâu, đám lau sậy hai bên đường đi cách đó nửa dặm cũng chuyển động thật nhẹ. Nếu nhìn kỹ, mới biết có hai nhóm người mặc đồ đen di chuyển cùng hướng. Họ là những nghĩa quân có nhiệm vụ bảo vệ chủ tướng.
Ba người áo đen vẫn tiếp tục đi, chuyển hướng liên tiếp theo những giồng đất ngoằn ngoèo ẩn trong rừng lau sậy. Ðàn muỗi đêm như không theo kịp ba người, tiếng kêu vo ve như tiếc rẻ. Ðến một quãng, tiếng
người đi giữa nói nhỏ nhưng âm thật mạnh:
- Ðốc Lựa có dặn anh em đưa khách vào những lộ an toàn nhất của ta không?
- Bẩm nguyên soái, tôi đã chuẩn bị đường đi nước bước chắc lắm. Trước khi đưa khách ra khỏi thành, người của ta dặn khách ăn mặc như người thôn quê. Từ thành đến Ðông Thạnh, cứ mỗi chặng đổi phiên ba
người khác nhau. Trong ba người, một người đi cùng với khách trò chuyện như dân làm ăn, hai người khác cách xa bảo vệ. Còn việc sắp xếp điểm gặp chủ tướng, Ðốc Tòng đã lo vụ này.
Người có tên gọi là Ðốc Tòng, dáng như gấu rừng, lên tiếng:
- Bẩm nguyên soái, mọi việc đã xong. Theo dự trù, ta sẽ gặp khách khoảng đầu giờ Thìn. Như chủ tướng đã dặn, cuối giờ Thìn, nếu không có gì thay đổi, ta sẽ về lại Tân Hòa bàn việc. Tôi chỉ hơi lo, việc đón khách ở Ðông Thạnh giao cho chúng tôi là đủ, chủ tướng đích thân đi lỡ có chuyện bất trắc…. Sau trận đánh tháng rồi, bọn Tây dương lùng sục dữ lắm.
- Tôi cũng biết vậy, người được gọi là nguyên soái ôn tồn nói, nhưng tôi vẫn muốn đích thân đón khách. Những lần trước, ra Cần Giuộc gặp thầy Chiểu, rồi lên Gia Ðịnh bàn việc với Cử Trị và Cử Ðạt, tôi cũng biết anh em lo. Riêng thầy Chiểu là bạn cũ mà tôi đã phải đi, huống hồ là người khách đặc biệt sắp gặp, vào tận Khổng Tước thăm ta và lại do thầy Chiểu giới thiệu. Tôi luôn kính trọng những người có lòng. Thời buổi
loạn lạc này, người có chân học thức lại có lòng với xứ sở cũng không nhiều. Chính vì thế tôi qúy khách là vậy. Chỉ sợ là không có nhiều dịp đến tận nơi đón các sĩ phu.
Biết tính nguyên soái, hai đốc binh không dám nói thêm. Ba cái bóng tiếp tục bước nhanh về phía trước. Những vạt áo đen lất phất theo làn gió ngược như tiếng nhịp hát giữa đêm.
3.
Vừa đến điểm hẹn thì trời gần sáng tỏ mặt, sự nôn nóng của Nghiệp lại càng gia tăng, dù cơn mệt sau những chặng đường dài vượt qua, nhưng chàng vẫn mong gặp ngay vị nguyên soái. Bốn nghĩa quân có mặt tại
chỗ chắp tay chào và nói, nguyên soái chúng tôi đang đợi ông, rồi dẫn khách đi về phía căn chòi bên phải. Nghiệp chưa kịp vào cửa thì vị nguyên soái đã ra ngoài đón, tiếng thật vang. Kính chào Nghiệp huynh. Nghiệp đứng sững xúc động, chàng không nghĩ một vị lãnh đạo kháng chiến miền Tây, một người mà biết bao dân chúng ngưỡng mộ, và cũng là một người đã làm cho bọn Tây dương và cả triều đình mất ăn mất ngủ, đã đến tận nơi đón chàng. Trước mặt Nghiệp là một người tầm thước, quần áo đen, đi chân đất, khuôn mặt cương nghị nhưng khôi ngô tuấn tú, đôi mắt sáng quắc, toát ra cái gì đó thật bình dị, thật gần gũi nhưng rất nghiêm trang, tỏ lộ sự can trường bất khuất đầy kính trọng khiến chàng gọi tên Trương Công, định qùy gối xuống bái tạ. Vị chủ tướng bước vội đến đỡ hai cánh tay Nghiệp đứng dậy.
- Nghiệp huynh đừng thủ lễ như thế. Hôm nay chúng ta gặp nhau, lẽ ra gặp không khó mà lại khó gặp như vậy. Huynh đi đường có mệt không, ta vào trong nói chuyện.
Ngồi đối diện với vị chủ tướng bên bộ bàn tre đơn sơ, Nghiệp thấy tất cả nghĩa quân đã lui ra hết bên ngoài, tay ai cũng cầm dáo nhọn hoặc tầm vông đi qua lại, chàng cất tiếng:
- Thưa Trương Công, gặp được người nơi đây lòng tôi thật mãn túc. Lẽ ra, tôi phải có mặt với nghĩa quân từ lâu. Giờ gặp người nơi đây, tôi chỉ xin Trương Công chỉ dạy. Trên con đường đi với các nghĩa quân vào
trong này, tôi mới thấy cái sở học của mình là vô dụng, không giúp gì cho bá tánh hết. Nội việc nghĩa quân sắp xếp đưa tôi rời khỏi thành đến đây, cách tổ chức đơn giản mà quy mô, xuôi ngược đường xa mà
không ngại, lại đối với nhau như người một nhà. Chính vì vậy, trong những trận đánh với giặc Tây dương lấy lại Khổng Tước hồi tháng Ba vừa rồi, dù súng đạn ít nhưng vẫn thắng. Tôi thấy nghiên bút, sách vở
của mình sao vô nghĩa quá. Khi được ông Ðồ và quan Bố chánh Nguyễn Thông hướng dẫn nên vào Khổng Tước gặp Trương Công, tôi thấy lòng thật áy náy, không biết có làm được việc gì không?
Vị chủ tướng cười đôn hậu, đứng lên bước đến vách tre, dùng hai ngón tay bấu vào một thân tre, tách ra một miếng vỏ dài vừa độ một cây bút viết, rồi trở lại chỗ ngồi.
- Việc Nghiệp huynh nói, tôi xin ví như miếng tre nhỏ này. Bình thường, ta sẽ không dùng vì nó vô dụng, nhưng nếu ta thấm vào mực viết, nó sẽ trở thành cây bút như Nghiệp huynh đã chỉ dạy cho môn sinh tập viết. Còn viết cái gì mới là vấn đề. Thời này, ta dùng võ khí để đánh với súng thần công của giặc vốn không là cách giải quyết lâu dài. Tháng Ba vừa rồi, Nghiệp huynh đã biết, tên Bornard dùng pháo hạm L’Alarme đánh chiếm Khổng Tước, dùng súng lớn phá nát làng mạc, còn quân ta dùng thuyền nhỏ, cung tên, giáo mác với ít súng hỏa mai. Ta thắng vì lòng nghĩa quân quyết tử. Nhưng đó không là giải pháp lâu dài, nhất là trong lúc này. Giặc đang hung hăng muốn nuốt trọn nước ta, mình lấy võ khí thô sơ chọi thẳng với chúng, thì vừa mất nhiều sức lại hao tổn nhân lực. Mình phải đánh chúng nhiều cách.
Nghiệp nghe vị nguyên soái nói như thấy mình ngồi thuyền trên sông nhỏ mà đã say sóng.
- Ðiều Trương Công chỉ bảo vừa rồi, tôi có nghe các bạn làm quan trong thành Gia Ðịnh bàn tới rất nhiều và cứ loay hoay không biết làm sao trước việc giặc chiếm thành. Vốn chưa quen cung tên nên họ nản chí lắm. Cứ thấy giặc chuyển thêm quân vào thành, với súng lớn súng nhỏ, họ lại càng e ngại về hỏa lực của nghĩa quân Khổng Tước. Lại thêm phần lo khác là, nói đến đây, Nghiệp ngập ngừng như sợ làm trái ý vị nguyên
soái…, họ lo rằng việc Trương Công đang làm trái với mệnh vua….
Nét mặt vị nguyên soái vẫn thản nhiên, duy chỉ có đôi mắt ánh lên sáng quắc. Ông đứng dậy bước ra đứng nhìn ra khung cửa tre, Nghiệp cũng bước theo. Gió buổi sớm lùa nhè nhẹ vào căn chòi.
- Nghiệp huynh hãy nhìn xem, vị nguyên soái chỉ tay về phía khu rừng lau sậy trước mặt, thấp thoáng toán nghĩa quân đông như kiến, ngồi canh gác từng cụm trong đám sậy, sừng sững như những tảng đá đen,
rồi nói tiếp, đó là những người chân lấm tay bùn, rất ít chữ nghĩa, nhưng ai cũng biết một điều là nước phải có vua. Mệnh vua khó trái, ai cũng biết như vậy. Giềng mối đất nước hưng suy cũng do kỷ cương giữa vua tôi. Vua biết giữ đạo nước, dân mới yên ấm. Ðạo của vua phải là đạo của nước. Vua sống vì dân, dân sống nhờ đất vua che chở. Khi vua run sợ dâng đất cho giặc ngoại xâm, nếu theo mệnh vua, dân sẽ còn đất, nhưng là đất của nô lệ. Nghiệp huynh có nghĩ dân ta muốn đất mình thành nô lệ không? Ðạo vua không có, dân chỉ còn đạo nước. Tôi không biết nói như thế có trái với sách thánh hiền hay không?
- Thưa Trương Công, lòng tôi cũng nghĩ như vậy. Khi Gia Ðịnh thất thủ, vua giáng tội và cách chức Thống đốc Nguyễn vì không giữ được thành. Chuyện đã vậy, khi Trương Công về Khổng Tước chiêu binh mãi mã, dân theo đứng cùng, các sĩ phu bỏ bút nghiên cầm dáo, làm giặc thua xiểng liểng nhiều phen sống chết, đến lúc đó vua mới lén giao phẩm hàm nguyên soái cho Trương Công, vì sợ bọn Tây Dương chúng biết. Ðạo làm vua như vậy, ta có mười nước cũng mất huống hồ chỉ có một. Vua không nghĩ đến sinh linh của bá tánh, không nghĩ đến đất của một nước mà chỉ muốn nắm chặt mảnh đất con ở kinh thành. Vận nước ta còn đen tối quá!
Khi nghe nhắc đến Thống đốc Nguyễn, vị nguyên soái không khỏi chạnh lòng nhớ đến một vị quan suốt đời tận trung báo quốc. Khi Trương Công theo Thống đốc chiến đấu bảo vệ thành Chí Hòa, ông đã học hỏi rất
nhiều ở vị chủ tướng của mình. Ðiều mà ông nhớ mãi lúc cuối cùng rời khỏi Gia Ðịnh, Thống đốc nhắn nhủ ông: “Thân làm tướng, ta không thể bỏ triều đình trong lúc này. Nhưng sức triều đình không đánh lâu dài với giặc được, phải có dân, phải có đủ mọi lớp người. Nhưng dù thế nào đi nữa, Quản cơ phải nhớ, thà chết không hàng giặc”. Vị nguyên soái quay lại nắm lấy vai Nghiệp, nói:
- Vận nước tùy vào dân ta nhiều lắm. Trở lại điều Nghiệp huynh nói rằng các quan trong thành lo sợ hỏa lực mạnh của bọn Tây dương, theo thiển ý của tôi thế này. Nghiệp huynh nhiều kiến thức chắc hiểu rõ nhiều
điều, dân ta không hiếu chiến nhưng giỏi đánh giặc vì phải chống lại ngoại xâm quá nhiều lần. Thuở trước, Hưng Ðạo Vương vùi quân Mông Cổ ở Bạch Ðằng Giang vì cho cắm cọc dưới lòng sông, chứ không thắng giặc vì cung tên nhiều, binh sĩ đông. Tôi muốn nói đến việc dụng mưu thay sức, nói nôm na là dùng tinh thần cùng với sức mạnh của võ lực. Còn nếu các quan trong thành nghĩ rằng chưa thể làm gì vì không biết đánh tầm vông, đao kiếm thì lại là việc khác. Sĩ phu ở đây giúp nước không thiếu, Án sát Quang, Tri phủ Ý, Thủ khoa Huân, Cử nhân Ðạt, Cử nhân Trị, thầy Ðồ Chiểu…, những người này không cầm võ khí mà vẫn đánh
giặc thần tình. Trong giai đoạn này, các sĩ phu muốn giúp nước mà bỏ bút nghiên để cầm gươm dáo thì vẫn chưa là cách giải quyết rốt ráo. Vị nguyên soái cầm miếng vỏ tre ở trên bàn đưa cho Nghiệp, như tôi đã
nói với Nghiệp huynh, vỏ tre tầm thường này sẽ là võ khí nếu ta thấm vào mực viết hịch bình Tây. Thầy Ðồ Chiểu dù kém tuổi tôi mà tôi kính như bậc thầy. Nếu không bị mù hai mắt, chắc chắn ông còn làm bọn Tây
dương vỡ mật nhiều hơn nữa.
Những lời nói của vị nguyên soái đã làm cho Nghiệp sáng ra nhiều điều mà trước đây còn mơ hồ quá. Khi bước ra khỏi căn chòi để chuẩn bị vào Tân Hòa, Nghiệp chợt nhớ vị nguyên soái có nhắc đến Hưng Ðạo Vương. Hôm nay đúng vào ngày Vương mất, đã 562 năm.
Pages: 1 2