Tôn giáo và Xã hội Dân sự (1)
Lọat bài nhiều kỳ của: Đòan Thanh Liêm
Bài I – Mối liên hệ giữa Tôn giáo và Chính quyền Nhà nước
Như ta đã biết: Xã hội Dân sự (XHDS) là một khu vực khác biệt với khu vực Chính quyền Nhà nước và khu vực Thị trường Kinh doanh, đó là ba khu vực cấu thành cái Không gian Xã hội do con người sống hợp quần với nhau trong xã hội mà tạo lập ra. Và càng ngày với sự tiến bộ của nền dân chủ tại khắp nơi trên thế giới, thì sinh họat của XHDS mỗi ngày càng thêm khởi sắc phong phú hơn.
Ta có thể tóm lược cái định nghĩa này về XHDS trong một phương trình đơn giản như sau :
Không gian Xã hội = Nhà nước + Kinh doanh + Xã hội Dân sự
(The Social Space = The State + The Marketplace + The Civil Society).
Khu vực XHDS bao gồm các tổ chức phi chính phủ, bất vụ lợi (non- governmental, non-profit organisations – NGO – NPO) và các nhóm nhỏ (small groups) do các cá nhân hay tập thể tự nguyện đứng ra thành lập và điều hành. Như vậy, các tổ chức nhân đạo từ thiện hay văn hóa xã hội do các tôn giáo trực tiếp đảm trách hay yểm trợ, thì đều thuộc khu vực XHDS. Vì các tổ chức này đều có tính chất bất vụ lợi, nên cũng khác biệt với các công ty xí nghiệp có tính cách vụ lợi (for profit) thuộc khu vực thị trường kinh doanh.
Cụ thể như tại nước Mỹ, thì có đến cả triệu các đơn vị NGO (mà hầu hết được chánh quyền cấp phát cho quy chế miễn thuế) và trên 3 triệu nhóm nhỏ (không cần đăng ký để được miễn thuế). Và trong các tổ chức này, thì có đến 60% xuất phát từ các tôn giáo, mà thường được gọi là các tổ chức họat động xã hội dựa vào niềm tin tôn giáo (Faith-based social action organisations/groups).
Trong một thể chế dân chủ đích thực, thì chánh quyền nhà nước không bao giờ lại đi can thiệp vào sinh họat riêng biệt của các tổ chức thuộc khu vực XHDS. Mà trong một số trường hợp, nhà nước lại còn cấp ngân khỏan tài chánh, và yểm trợ cho các họat động từ thiện nhân đạo hay văn hóa xã hội của XHDS nữa. Và ngân khỏan điều hành chủ yếu của các đơn vị trong khu vực XHDS là do sự đóng góp tự nguyện của các thành viên, hay do sự tài trợ của các công ty xí nghiệp kinh doanh cấp phát cho (các khỏan tài trợ này đều được khai miễn thuế – tax exempt).
Chỉ có trong một chế độ chuyên chế độc tài tòan trị (totalitarian dictatorship) như tại Trung hoa, Việt nam, Bắc Triều tiên và Cuba hiên nay, thì đảng cộng sản mới xâm nhập, lũng đọan tòan thể khu vực XHDS, cũng như khống chế cả khu vực kinh doanh kinh tế nữa. Điển hình như tại Việt nam hiện nay, thì các cơ sở ngọai vi của đảng như Mặt trận Tổ quốc, Tổng Công đòan, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đòan Thanh niên Cộng sản Hồ chí Minh, Hội Nhà văn v.v…, trên danh nghĩa đó là các tổ chức phi chánh phủ, nhưng thực chất thì đều do đảng cộng sản lập ra để nắm giữ độc quyền thao túng và lũng đọan tòan bộ XHDS, nhất là đối với các tổ chức tôn giáo.
Trong bài Dẫn nhập này, ta sẽ bàn về mối Liên hệ của Tôn giáo đối với chính quyền Nhà nước dưới các khía cạnh sau đây :
1/ Sụ tách biệt giữa Tôn giáo và Nhà nước.
(Separation of Church and State)
2/ Vai trò Tôn giáo làm Đối tác đối với Nhà nước (Counterpart).
3/ Vai trò Tôn giáo làm Đối trọng đối với Nhà nước (Counterbalance)
* Sự tách biệt giữa Tôn giáo và Nhà nước.
Từ mấy trăm năm gần đây, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng được một nền nếp sinh họat chính trị xã hội khá ổn định vững chãi, mà trong đó phải kể đến sự tách biệt rõ ràng giữa hai lãnh vực họat động của Tôn giáo và của chính quyền Nhà nước. Cụ thể là các Tôn giáo không tìm cách can thiệp, khuynh lóat hay thao túng vào công việc của cơ quan nhà nước. Và ngược lại, chính quyền Nhà nước cũng không xen vào sinh họat đạo đức tâm linh của các tổ chức tôn giáo.
Phạm vi họat động của một nhà nước thế tục càng ngày càng được quy định rõ rệt và chi tiết về nhiều phương diện chính trị, kinh tế xã hội cũng như văn hóa. Và dù có sự khác biệt tại một số quốc gia do ảnh hưởng của truyền thống lịch sử để lại, thì chiều hướng chung hiện nay trên thế giới vẫn là: lãnh vực thần quyền của tôn giáo không được lấn át hay đồng hóa vào trong lãnh vực thế tục của nhà nước; mà trái lại hai bên đều có sự tương kính và tương trợ lẫn nhau trong ý hướng cùng chung phục vụ quần chúng nhân dân. Đó là điều ta sẽ thảo luận chi tiết hơn trong hai mục tiếp theo sau đây.
** Vai trò Tôn giáo làm Đối tác với Nhà nước.
Chính quyền Nhà nước dù có thiện chí đến mấy đi nữa, thì cũng không thể chăm sóc đày đủ cho người dân về mọi phương diện vật chất cũng như tinh thần được, nhất là khi gặp thiên tai bão lụt, động đất, hay khi có chiến tranh tàn phá. Do đó mà cần phải có sự hợp tác của các tổ chức từ thiện nhân đạo của tư nhân, đặc biệt là của các tổ chức xã hội của Tôn giáo, để cùng chung sức góp phần vào việc phục vụ các nạn nhân, các bệnh nhân ngặt nghèo như bệnh phong cùi, bệnh HIV, và tầng lớp quần chúng kém may mắn nhất của xã hội. Về giáo dục, y tế cũng vậy, các trường công cũng như các bệnh viện công lập của nhà nước không thể thỏa mãn được số quá đông các học sinh hay bệnh nhân, do đó mà cần phải để cho các tổ chức tư nhân cũng như các tôn giáo tham gia vào lãnh vực y tế giáo dục này.
Chỉ có trong chế độ độc tài cộng sản, thì nhà nước mới giữ độc quyền, không hề để cho các tổ chức tư nhân được tham gia vào việc phục vụ xã hội, như ta thấy ở Việt nam từ khi có chế độ cộng sản đến nay.
Tại các quốc gia dân chủ, không những tôn giáo được quyền tham gia vào các họat động xã hội, mà lại còn được nhà nước khuyến khích hỗ trợ để tôn giáo có thể phục vụ người dân một cách thỏa đáng hơn nữa. Cụ thể như ở nước Pháp, thì nhà nước thường trợ cấp và dành nhiều thuận lợi cho những cơ sở xã hội từ thiện nào mà được công nhận là có ích lợi công cộng, thí dụ như Hội Hồng Thập Tự, Hội Hướng Đạo, Hội Bác Ái Vincent de Paul v.v… (organisation reconnue d’utilité publique). Vì có sự hợp tác cụ thể và thường xuyên như vậy, nên đã phát sinh ra sự hiểu biết thông cảm và thân thiện giữa các viên chức cán bộ cùa Nhà nước với các tu sĩ và tín đồ của các tôn giáo. Và từ đó mà lần hồi tránh bớt được những ngộ nhận, thành kiến, ác cảm đối nghịch thường có giữa hai phía Nhà nước và Tôn giáo.
Triết gia người Pháp nổi danh là Jacques Maritain từ hồi giữa thế kỷ XX đã nhận định rằng tại nước Mỹ thì có sự “phân biệt sắc nét và sự hợp tác thực tế” giữa tôn giáo và nhà nước (sharp distinction and actual cooperation), mà ông gọi đó là một “kho báu lịch sử” rất đáng trân trọng cần phải được duy trì và phát triển thêm lên mãi (an historical treasure). Và mới đây, vào đầu thế kỷ XXI Tổng thống Nicolas Sarkozy của Pháp cũng kêu gọi phải phát triển cái “tinh thần thế tục tích cực” (a positive laicité) cởi mở hơn đối với tôn giáo.
*** Vai trò Tôn giáo làm Đối trọng đối với Nhà nước.
Chính quyền nào thì cũng dễ có khuynh hướng lạm quyền và vượt quyền, khiến gây ra những sự bất công áp bức đối với người dân. Vì thế mà tại các nước dân chủ, người ta mới phải áp dụng các phương thức gọi là “kiểm soát và cân bằng” (checks and balance), nhằm ngăn chặn những vi phạm sai trái của cơ quan thi hành luật pháp mà thường gây ra thiệt hại cho dân chúng. Giới truyền thông báo chí, các tổ chức bênh vực nhân quyền, các đại diện dân cử do người dân bàu ra… đều có trách nhiệm đóng vai trò cảnh giác và ngăn chặn đối với những vi phạm này của nhân viên chính quyền.
Vì đi sâu đi sát với quần chúng nhân dân, nên Tôn giáo dễ phát hiện ra được những sự bóc lột bất công áp bức trong xã hội, và do đó cũng phải có trách nhiệm tham gia vào việc bảo vệ người dân bằng cách làm áp lực bắt buộc chính quyền phải sửa sai chấn chỉnh lại cái lề lối cai trị của mình, phải bài trừ nạn sa đọa quan liêu tham nhũng của nhân viên cán bộ nhà nước. Muốn làm được như vậy, thì giới tu sĩ và các tín đồ phải có lòng ngay thẳng và sự dũng cảm để dấn thân nhập cuộc cùng với tầng lớp sĩ phu trí thức, với giới văn nghệ sĩ là những thành phần ưu tú của Xã hội Dân sự trong sự nghiệp tranh đấu chung cho công bằng xã hội, cho nhân phẩm và nhân quyền của tòan thể cộng đồng dân tộc.
Thái độ im lặng, thụ động buông xuôi trước những bất công áp bức đày rẫy trong xã hội thì rõ ràng là sự lẩn tránh trách nhiệm, là cái tội đồng lõa với giới cầm quyền thống trị ác nhân ác đức. Đó là điều người trượng phu quân tử, cũng như giới lãnh đạo tinh thần nơi các tôn giáo không bao giờ mà lại có thể mắc phải được. Dân gian ta vẫn thường nói là: “Anh hùng thấy sự bất bình chẳng tha”. Đó là sự nhắc nhở đề cao tán dương cái nghĩa vụ cao quý của người có nghĩa khí hào hiệp, biết xả thân ra tay bênh vực cứu vớt những nạn nhân khốn khổ trước sự lộng hành của bọn côn đồ ác ôn thường hãm hại dân lành vậy.
Nói vắn tắt lại, muốn làm tròn nghĩa vụ làm Đối trọng đối với chính quyền Nhà nước, thì giới lãnh đạo Tôn giáo cần phải có sự hợp tác chặt chẽ với giới Hàn lâm Đại học (Academy), vì giới này có sự hiểu biết bao quát và chính xác về tình hình xã hội, họ có tầm nhìn xa, có viễn kiến sâu rộng (global thinking / global vision). Họ có Trí tuệ thông suốt, mà Tôn giáo thì có cái Tâm nhân hậu, có sự hy sinh nhẫn nại kiên trì. Cho nên nếu kết hợp được cái Tâm và cái Trí như vậy, thì nhất định việc xây dựng và phát triển xã hội có cơ may thành công tốt đẹp, đáp ứng được niềm mong ước chính đáng của đại đa số quần chúng trong xã hội ngày nay vậy.
Nhân đây, cũng cần phải xác định cho rõ rằng Xã hội Dân sự cũng như Tôn giáo, thì không bao giờ lại nhằm vào việc đánh đổ hay thay thế chính quyền Nhà nước. Mà XHDS chỉ nhằm hợp tác với Nhà nước để cùng chung nhau phục vụ dân tộc một cách có hiệu quả tối ưu mà thôi.
Trên đây là mấy suy nghĩ hết sức đại cương tóm lược về sự dấn thân nhập cuộc của Tôn giáo trong hòan cảnh xã hội đương thời, nhằm sát cánh chung với các thành phần khác của Xã hội Dân sự trong sự nghiệp xây dựng một xã hội tiến bộ, công bằng và nhân ái tại mỗi một địa phương quốc gia.
Trong các bài kế tiếp, chúng tôi sẽ xin trình bày chi tiết hơn về kinh nghiệm họat động và suy nghĩ đúc kết của một số tổ chức tôn giáo điển hình có danh tiếng trên thế giới, và đặc biệt tại riêng một số quốc gia ở Á châu, Phi châu và châu Mỹ La tinh.
Xin quý độc giả đón coi tiếp theo vậy nhé.
California, Tháng Năm 2011
© Đoàn Thanh Liêm
© Đàn Chim Việt
CÁI TỰ NHIÊN VÀ CÁI PHẢN TỰ NHIÊN
Tôn giáo là hiện tượng tự nhiên của xã hội, nó phát sinh ngay từ thuở bình minh của nhân loại. Tôn giáo là yêu cầu tinh thần, ý thức, hay ít ra cũng nhu cầu tâm lý của cá nhân con người. Cái gì tự nhiên thì ta không nên phê phán. Cái gì không phủ nhận nguồn gốc chính đáng của nó thì không phải chỉ trích. Trừ phi có những sự kiện xã hội mang tính lừa mị, còn nếu là những nhu cầu khách quan thực sự thì đều luôn chính đáng, bởi vì không ai vì lẽ gì đứng lên trên để phê phán nó. Nhưng Mác lại cho tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ quần chúng, vì Mác tuyệt đối vô thần và tuyệt đối duy vật. Thế nhưng, chính học thuyết Mác đã trở thành thuốc phiện trong một thời của nhân loại, hay ít nhất, nó cũng là thứ thuốc mê thực chất bị cưỡng chế để bị say, hay có rất nhiều cá nhân cũng giả đò làm bộ say, vì yêu cầu hay lợi ích của việc bảo vệ, hay con đường vì nhu cầu thăng tiến vì quyền lợi của mình, trong một xã hội toàn trị, độc đoán, được xây dựng nên trên các quan điểm của lý thuyết Mác. Đó chính là cái phản tự nhiên nhưng vốn đã được mệnh danh là điều phải có tự nhiên theo ý nghĩa nào đó của xã hội.
NGÀN KHƠI