WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Tại sao có sự khác biệt quá lớn giữa người Việt Nam và người Nhật Bản?

Hai người Nhật chào nhau

Trước đây do công việc tôi có dịp đi Nhật nhiều lần cũng như đi nhiều nước khác trên thế giới. Nước Nhật không phải là nước mà tôi thích đến nhất (có thể vì đắt đỏ quá) nhưng đó là đất nước mà tôi nể phục nhất – không chỉ phục ở những thành tựu của sự văn minh, những công trình kiến trúc tuyệt mỹ mà còn ở yếu tố con người.

Kể từ đó tôi luôn tò mò tìm hiểu thêm về lịch sử và văn hóa của các con cháu Thái Dương Thần Nữ.

Càng biết thêm về họ tôi càng phục họ hơn. Đó là một dân tộc có nhiều điểm rất đặc biệt. Một dân tộc luôn tự hào về những giá trị truyền thống nhưng khi cần cũng sẵn sàng dứt bỏ những gì đã lỗi thời. Một dân tộc mang niềm kiêu hãnh lớn lao nhưng đồng thời cũng luôn biết học hỏi cái hay của người khác. Một dân tộc đã từng đánh bại các đế quốc Mông Cổ, Trung Hoa và Nga Sô nhưng cũng biết nuốt cái nhục bại trận để vươn lên thành một cường quốc kinh tế. Một dân tộc ít khi ồn ào lớn tiếng, và luôn xem trọng sự ngăn nắp sạch sẽ. Nhưng đặc biệt hơn cả – đó là một dân tộc chưa bao giờ biết đầu hàng trước nghịch cảnh.

Tôi nhớ trước đây có đọc một bài viết của một người Việt sống lâu năm tại Nhật, quên mất tên tác giả, trong đó ông có nêu ra một chi tiết để phân biệt giữa người Nhật bản địa và người ngoại quốc sống ở Nhật – đó là nhìn qua cách phơi quần áo. Người ngoại quốc phơi lung tung, còn người Nhật phơi theo thứ tự, quần theo quần, áo theo áo….

Đúng như nhà văn Haruki Murakami đã nhận định: “Người Nhật là kho tàng của nước Nhật”. Tôi rất cám ơn đất nước này vì chính người Nhật đã cho tôi một niềm tin rằng bất cứ một đất nước nào, dù nhỏ, dù bị bất lợi về địa lý, tài nguyên… nhưng nếu dân tộc đó có một nhân sinh quan đúng đắn thì vẫn có thể trở thành một dân tộc giàu mạnh.

***

Thiên tai động đất và sóng thần xảy ra ở Nhật cách đây 2 tháng, mặc dầu những tin tức liên quan đến biến cố này không còn được nhắc đến nữa, nhưng đối với những người Việt Nam còn quan tâm đến đất nước thì những dư âm của nó vẫn còn để lại nhiều vương vấn suy tư. Cùng là hai nước nhỏ ở Á Châu nhưng định mệnh nào đã đưa đẩy hai dân tộc khác biệt nhau quá xa. Một dân tộc mà mỗi khi nhắc tới, từ Đông sang Tây, đều phải ngã mũ bái phục, còn dân tộc kia thì ít khi được nhắc đến, hay nếu có thì thường là những điều không lấy gì làm vinh dự cho lắm.

Sau biến cố này đã có hàng ngàn ý kiến xuất hiện trên các diễn đàn Internet đặt câu hỏi: “Tại sao lại có sự khác biệt quá lớn giữa người Việt và người Nhật”, phần lớn những ý kiến này xuất phát từ những người trẻ đang sống ở Việt Nam. Đó là một tín hiệu đáng mừng cho thấy có nhiều người Việt Nam đang thao thức muốn thay đổi số phận của đất nước mình.

Đây là một đề tài rất lớn và đòi hỏi sự suy nghĩ, nghiên cứu nghiêm túc của nhiều người nhất là những nhà trí thức. Bài viết này để chia sẻ câu hỏi đó và chỉ nên xem như những lời góp ý rất khiêm tốn.

Sự chênh lệch giữa Việt Nam và Nhật Bản không phải chỉ xảy ra bây giờ, từ đầu thế kỷ 20 Nhật đã vượt ta rất xa. Trong cuốn “Niên Biểu” cụ Phan bội Châu đã kể lại kinh nghiệm của mình sau hai lần đến nước Nhật để tìm đường cứu nước (lần đầu tiên vào năm 1905). Những điều tai nghe mắt thấy tại đây khiến cụ rất phục tinh thần của dân tộc Nhật Bản. Người phu xe, thuộc giai cấp lao động bình dân, chở cụ đi tìm một sinh viên người Trung Hoa, mất nhiều thời gian công sức mà cuối cùng vẫn nhận đúng 52 xu: “Than ôi! trình độ trí thức dân nước ta xem với tên phu xe Nhật Bản chẳng dám chết thẹn lắm sao!”.

Nước Nhật nằm ở vị trí đầu sóng ngọn gió, chịu liên tục những thiên tai trong suốt chiều dài lịch sử và họ chấp nhận định mệnh đó với lòng can đảm. Thiên tai vừa rồi rất nhỏ so với trận động đất tại Tokyo vào năm 1923 và hai quả bom nguyên tử vào cuối Đệ Nhị Thế Chiến. Nhờ phương tiện truyền thông quá văn minh cho nên cả thế giới vừa rồi có cơ hội nhìn thấy rõ hơn “tinh thần Nhật Bản” trong cơn nguy biến.

Trận động đất xảy ra tại Tokyo ngày 1/9/1923 đã làm cho 130,000 người thiệt mạng, Yokohama bị tàn phá hoàn toàn, phân nửa của Tokyo bị tiêu hủy. Trong quyển “Thảm nạn Nhật Bản” (Le désastre Japonais) của đại sứ Pháp tại Nhật thời đó thuật lại: ”Từng cá nhân kẻ góp chút gạo, kẻ đem chiếc xuồng để giúp đỡ nhau như một đại gia đình”chứng tỏ là họ có một truyền thống tương thân tương ái lâu đời.

Vào cuối Đệ Nhị Thế Chiến hai quả bom nguyên tử bỏ xuống Hiroshima và Nagasaki, ngay lập tức làm thiệt mạng khoảng 150,000 người. Những thành phố kỹ nghệ của Nhật cũng bị tàn phá nặng nề vì những trận mưa bom của phi cơ Đồng Minh. Lần đầu tiên trong lịch sử người Nhật phải chấp nhận đầu hàng và là nỗi nhục quá lớn đối với họ như lời của Nhật Hoàng Hirorito: “Chúng ta phải chịu đựng những điều không thể chịu đựng nỗi”.

Không có hình ảnh nào thê thảm như nước Nhật lúc đó, kinh tế gần như bị kiệt quệ hoàn toàn. Tuy nhiên Đồng Minh có thể tiêu diệt nước Nhật nhưng không thể tiêu diệt được tinh thần của người Nhật, họ đã biến cái nhục thua trận thành sức mạnh để vươn lên từ đống tro tàn.

Đến năm 1970, chỉ có 25 năm, một nước bại trận hoang tàn đổ nát trở thành một cường quốc kinh tế đứng thứ nhì trên thế giới, chỉ thua có Hoa Kỳ. Danh từ “Phép lạ kinh tế” phát xuất từ hiện tượng này.

Trong 7 năm từ 1945 cho đến 1952, tướng MacArthur, thay mặt Hoa Kỳ quản trị nước Nhật với tư cách là Chỉ Huy Tối Cao của Lực Lượng Đồng Minh (Supreme Commander of the Allied Powers) – vì nể phục và quý mến người Nhật cho nên vị tướng này muốn biến nước Nhật trở thành một “Nước Mỹ lý tưởng” hay nước Thụy Sĩ ở Á Châu. Tuy cuối cùng kết quả không được trọn vẹn như ý muốn của ông vì người Nhật không thể để mất hồn tính dân tộc. Nhưng nước Nhật được như ngày nay có công đóng góp rất lớn của tướng MacArthur.

Trở lại chuyện thiên tai vừa rồi, ngay sau đó có cả ngàn bài viết ca ngợi tinh thần của người Nhật. Nhiều tờ báo lớn của Tây Phương đi tít trang mặt: “Người Nhật: Một Dân Tộc Vĩ Đại”. Nhật báo lớn nhất của Mỹ, New York Times, số ra ngày 20 tháng 3 đăng bài “Những điều người Nhật có thể dạy chúng ta” của ký giả Nicholas Kriftoff.

Đúng như lời của nhà báo Ngô Nhân Dụng đã viết: “Một dân tộc, và mỗi con người, khi bị thử thách trong cơn hoạn nạn, là lúc chứng tỏ mình lớn hay nhỏ, có đáng kính trọng hay không”.

Dùng từ vĩ đại đối với nước Nhật không cường điệu chút nào, họ vĩ đại thật. Giữa cảnh chết chóc, nhà cửa tan nát, đói lạnh, tuyệt vọng… vậy mà họ vẫn không để mất nhân cách, mọi người nối đuôi nhau chờ đợi hàng giờ để lãnh thức ăn, tuyệt đối không oán trách trời, không trách chính quyền, không lớn tiếng, không ồn ào, kiên nhẫn chờ đợi đến phiên mình.

Một đất nước mà trong cơn khốn khó, không đổ lỗi cho nhau, từ quan đến dân, trăm người như một, trên dưới một lòng lo tìm cách đối phó, thì đất nước đó xứng đáng là một đất nước vĩ đại.

Toàn bộ nội các Nhật làm việc gần như 24/24. Các hiệu trưởng ngủ lại trường cho đến khi học sinh cuối cùng được di chuyển đi. Các siêu thị hoàn toàn không lợi dụng tình cảnh này để tăng giá. Tiền rơi ngoài đường từ những căn nhà đổ nát không ai màng tới thì đừng nói chi đến chuyện hôi của. Ông Gregory Pflugfelder, giáo sư chuyên nghiên cứu văn hóa Nhật Bản tại Đại Học Columbia (Mỹ) đã nhận xét về người Nhật sau thiên tai này như sau: “Hôi của đơn giản là không xảy ra ở Nhật Bản. Tôi thậm chí còn không chắn rằng trong ngôn ngữ Nhật Bản có từ ngữ này.”

Người Nhật là một dân tộc có tinh thần độc lập, tự trọng và lòng yêu nước rất cao, không chờ đợi ai mở lòng thương hại, sau những hoang tàn đổ nát, mọi người cùng nhau bắt tay xây dựng lại.

Mặc dầu chính phủ Hoa Kỳ đề nghị đến giúp dập tắt lò nguyên tử Fukushima nhưng họ từ chối.

Xa lộ tại thành phố Naka, thuộc tỉnh Ibaraki bị hư hại nặng do động đất. Chỉ một tuần sau, ngày 17/3 các công nhân cầu đường Nhật bắt đầu sửa chữa, chỉ 6 ngày sau xa lộ này đã hoàn tất, ngay cả Hoa Kỳ có lẽ cũng không thể đạt được kỷ lục này.

Từ Nhật Hoàng Akihito, Thủ Tướng Naoto, cho đến các thường dân đều tự tin rằng: “Chúng tôi sẽ phục hồi” như họ đã từng làm trong quá khứ. Cho đến hôm nay (18/5) theo những tin mà chúng ta đọc được trên Internet thì những nơi bị tàn phá đang được phục hồi nhanh chóng. Có thể chỉ 2, 3 năm sau nếu có dịp đến đây chúng ta sẽ thấy cảnh vật hoàn toàn thay đổi.

Điều đáng chú ý nhất trong thiên tai này đối với người viết – chính là thái độ của trẻ em. Đến xứ nào, chỉ cần nhìn qua tuổi trẻ là có thể đoán được tương lai của xứ đó, bởi vì tuổi trẻ là hy vọng, là tương lai của đất nước. Không phải chỉ có em học sinh 9 tuổi mất cha mất mẹ, đang đói khát nhưng vẫn từ chối sự ưu tiên hơn người khác được cả thế giới biết đến, mà còn có cả ngàn em học sinh Nhật khác trong hoàn cảnh tương tự vẫn luôn luôn giữ tinh thần kỹ luật và lễ phép.

Những em nhỏ, có em còn được bồng trên tay, có em ngồi bên cạnh mẹ trong các nơi tạm cư, mặc dầu đói khát từ mấy ngày qua nhưng nét mặt của các em vẫm bình thản chờ đợi thức ăn mang đến. Những em bé này được dạy dỗ từ nhỏ tinh thần kỷ luật, tự trọng, danh dự và khắc kỷ… không phải chỉ học ở trường hay qua sách vở mà còn qua những tấm gương của người lớn trong những hoàn cảnh thực tế và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Mai đây nếu có một cuốn sách giới thiệu những nét đẹp nhất, cao thượng nhất của con người sống trên hành tinh này thì cuốn sách đó không thể thiếu được những hình ảnh của người Nhật trong thiên tai vừa qua.

Trông người lại nghĩ đến ta!

Trong bài “Góc ảnh chiếu từ nước Nhật”, nhạc sĩ Tuấn Khanh (ở VN) đã viết một câu thật thấm thía:

“Đôi khi giữa những hoang tàn đó của nước Nhật, người ta bừng sáng hy vọng và đôi khi sống giữa những điều được gọi tên là bình yên của đất nước mình, một người Việt Nam vẫn có thể cảm nhận được những ảnh chiếu sắc cạnh của sự hoang tàn”.

Một số người đặt câu hỏi: Nếu tai họa như nước Nhật xảy ra tại VN thì chuyện gì sẽ xảy ra? Bà Mạc Việt Hồng đã diễn tả bức tranh đó như thế này:

- Động đất có khi chết 200 nhưng giẫm đạp lên nhau mà chạy, chết thêm nghìn nữa.

- Các ban ngành sẽ họp bàn cách cứu hộ từ ngày này qua ngày kia.

- Cướp giật hôi của sẽ phổ biến, hoa người ta còn cướp giật nói chi tới đồ ăn hay tiền bạc vào lúc hỗn quan hỗn quân như vậy. Người đi hôi của sẽ nhiều hơn người đi cứu trợ.

- Nếu có phát khẩu phần ăn sẽ chẳng có hàng lối gì, bà già trẻ nhỏ sẽ bị chen cho bẹp ruột, ai thắc mắc hay nhìn đểu mấy kẻ chen lấn, thì “bố cho mày mấy chưởng”.

- Sẽ xuất hiện đủ loại cò: Cò mua, cò bán, cò di tản, cò cứu trợ, cò bệnh viện… tha hồ chặt chém đồng bào.

- Tiền và hàng cứu trợ sẽ vào tay dân thì ít, cửa quan thì nhiều.

- Ai muốn người nhà mình đang kẹt trong đống đổ nát được đào bới, tìm kiếm trước thì hãy chi đẹp cho đội cứu hộ.

- Khu nào có quan chức ở thì được ưu tiên cứu hộ trước, khu nào dân đen sinh sống thì cứu sau.

- Cửa hàng sẽ thi nhau tăng giá, bắt chẹt những người khốn khổ.

- Tổ chức nào, tôn giáo nào muốn cứu trợ thì phải được sự đồng ý của Mặt trận Tổ quốc và các cấp chính quyền kẻo các “thế lực thù địch” lợi dụng.

…v.v….

Tôi không nghĩ là bà Mạc Việt Hồng nói quá đáng. Chúng ta cũng không cần phải có kinh nghiệm thực tế, chỉ cần đọc qua báo trong nước sau mỗi lần có thiên tai cũng đủ biết là những ghi nhận trên của tác giả không sai chút nào. Nói chung nạn nhân nếu muốn sống sót phải làm theo bản năng “mạnh được yếu thua” hay “khôn nhờ dại chịu”, còn quan chức chính quyền thì coi đó như thời cơ để kiếm tiền.

Ngay tại hải ngoại, nếu thiên tai xảy ra tại những nơi tập trung đông đúc người Việt, phản ứng của người dân có thể không tệ như trong nước nhưng chắc chắn bức tranh đó cũng sẽ không được đẹp đẽ cho lắm.

Có thể có những quý vị nghĩ rằng: không nên quá đề cao người khác và rẻ rúng thân phận của mình – vì phải giữ lại niềm tự hào dân tộc. Riêng tôi thì không đồng ý với những quan điểm như thế.

Có hãnh diện gì khi nói ra những điều không hay về chính dân tộc mình, người viết cũng là người Việt, cũng có tất cả những thói hư tật xấu của người VN. Nhưng thiết nghĩ, muốn thoát khỏi sự thua kém, trước hết phải dám can đảm biết nhìn lại chính mình, phải biết mình tốt chỗ nào, xấu chỗ nào, đang đứng tại đâu và cần phải làm những gì. Cũng giống như một người sinh ra trong một gia đình nghèo khó bất hạnh, phải biết chấp nhận số phận đó, nhưng chấp nhận để tìm cách vươn lên chớ không phải chấp nhận để đầu hàng hoàn cảnh. Gần một trăm năm nước đây, Lỗ Tấn từ bỏ nghề y chuyển sang viết văn để mong đánh thức được dân tộc Trung Hoa ra khỏi căn bệnh bạc nhược bằng những toa thuốc cực đắng như “AQ chính truyện”, gần đây nhà văn Bá Dương tiếp nối tinh thần đó với “Người Trung Quốc xấu xí” cũng được nhiều đồng bào của ông cho đó là một đóng góp đáng kể. Cuộc cách mạnh Duy Tân của Minh Trị Thiên Hoàng vào giữa thế kỷ 19 chắc chắn sẽ không thành công được như vậy nếu những nhà tư tưởng của Nhật lúc đó không vạch ra cho đồng bào của họ thấy được những những cái yếu kém trong văn hóa truyền thống cần phải bỏ đi để học hỏi những cái hay của Tây Phương, nhà văn Miyake Setsurei, dành riêng một cuốn sách công phu “Người Nhật xấu xa” xuất bản năm 1891 để đánh thức người Nhật ra khỏi căn bệnh lạc hậu.

Chúng ta chỉ có thể yêu nước nếu chúng ta có niềm tự hào dân tộc. Nhưng tự hào vào những điều không có căn cứ hay không có thật sẽ có tác dụng ngược như những liều thuốc an thần.

Những tự hào giả tạo này có khi vì thiếu hiểu biết, có khi vì mưu đồ chính trị của kẻ cầm quyền như những gì mà người CS đã làm đối với dân VN trong hơn nửa thế kỷ qua, và tác hại của nó thì ngày nay chúng ta đã thấy rõ.

Người Việt có những mâu thuẫn kỳ lạ. Chúng ta mang tự ái dân tộc rất cao nhưng đồng thời chúng ta cũng mang một tinh thần vọng ngoại mù quáng. Chúng ta thù ghét sự hiện diện của ngoại bang trên đất nước chúng ta bất kể sự hiện diện đó có chính đáng đến đâu, nhưng đồng thời giữa chúng ta cũng không tin lẫn nhau, xưa nay mọi giải pháp quan trọng của đất nước chúng ta đều trông chờ vào người ngoại quốc, chớ không tự quyết định số phận của mình.

Mỗi khi nói về những tệ hại của đất nước VN hiện nay đa số chúng ta thường hay đổ hết trách nhiệm cho người Cộng Sản. Thật sự CS không phải là thành phần duy nhất chịu trách nhiệm cho những bi kịch của đất nước hôm nay, họ chỉ là sản phẩm đương nhiên của một nền văn hóa thiếu lành mạnh. Nếu CS là nguyên nhân của mọi sự xấu xa thì thành phần người Việt đang sống tại những quốc gia văn minh và giàu có nhất thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Úc… phải là những người thể hiện nếp sống văn hóa cao xứng đáng với xã hội văn minh mà họ thừa hưởng. Nhưng không, những người Việt đó, tuy khá hơn người trong nước nhưng vẫn thua kém nhiều sắc dân khác, vẫn mang tất cả những khuyết tật mà cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đã nêu ra gần một trăm năm trước. Vẫn chia rẽ, vẫn tỵ hiềm nhau, vẫn xâu xé lẫn nhau, có khi chỉ vì bất đồng quan điểm, có khi chỉ vì một quyền lợi thật nhỏ, thậm chí có khi chỉ vì một hư danh.

Không phải là một tình cờ của lịch sử mà chủ nghĩa CS đã dành được những thắng lợi trong cuộc cách mạng mùa thu năm 1945, và luôn luôn giữ thế thượng phong trên đất nước VN từ đó đến nay. Dân tộc VN đã chọn Hồ Chí Minh thay vì Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim… hoàn toàn không phải vì Hồ Chí Minh giỏi hơn, yêu nước hơn, nhiệt tình hơn những người kia, nhưng chỉ vì Hồ Chí Minh đáp ứng đúng tâm lý của người Việt – đó là tâm lý tôn thờ bạo lực. Chắc chắn không có nước nào trên thế giới này mà bài Quốc Ca có câu sắt máu như thế này: “Thề phanh thây uống máu quân thù”, mà “quân thù” đó bất cần là ngoại bang hay đồng bào ruột thịt, nghe mà rợn người. Khẩu hiệu của phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh vào những năm 1930, 31 do đảng CS lãnh đạo là: Trí, phú, địa, hào – Đào tận gốc trốc tận rễ.

Đối với người VN bạo lực có sức quyến rũ hơn là nhu cầu khai sáng trí tuệ để giải quyết vấn đề một cách ôn hòa. Hồ Chí Minh chọn chủ nghĩa CS dựa trên bạo lực cách mạng và đấu tranh giai cấp. Giải pháp bạo lực này đòi hỏi phải luôn tồn tại một kẻ thù làm đối tượng. Hết kẻ thù thực dân phải tìm ra một kẻ thù khác để có lý do hành động, chính vì thế cho nên máu và nước mắt vẫn tiếp tục rơi trên đất nước VN trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Hoàn toàn trái ngược với Hồ Chí Minh, Phan Chu Trinh chọn giải pháp Khai Dân trí, Chấn Dân Khí, Hậu Dân sinh. Theo ông, muốn thoát khỏi ách đô hộ của ngoại bang và sự nghèo khổ lạc hậu, trước hết phải nâng cao dân trí, mở mang trí tuệ. Dân trí cao người dân sẽ ý thức được quyền làm người, quyền dân tộc, rồi từ đó sẽ tranh đấu bằng giải pháp chính trị để giành độc lập. Dân trí thấp kém cho dù có dành được độc lập thì vẫn tiếp tục là một dân tộc nô lệ ở một hình thức khác.

Có thể nói trong lịch sử hiện đại của VN, ông là một trong những người Việt hiếm hoi nhìn ra nguyên nhân mất nước, nguy cơ dân tộc, không phải ở đâu khác mà là trong văn hóa, từ văn hóa mà ra.

Sau Đệ Nhị Thế Chiến có gần 30 nước dành được độc lập, phần lớn không đổ một giọt máu, chỉ có vài nước chọn chủ nghĩa CS trong đó có VN, phải trả bằng máu và nước mắt của hàng triệu sinh mạng để cuối cùng trở thành một trong những nước nghèo khổ và lạc hậu nhất thế giới. Chọn lựa này là chọn lựa của dân tộc, của VN chớ không phải do sức ép của ngoại bang hay một lý do gì khác. Người Cộng sản biến dân tộc VN trở thành một lực lượng tiên phong trong cuộc tranh chấp giữa hai khối CS và Tự Do và luôn luôn hãnh diện với thế giới về một dân tộc “bước ra khỏi cửa là thấy anh hùng”.

Hà Sĩ Phu đã có nhận xét rất đúng là giữa Hồ Chí Minh và Phan Chu Trinh, dân tộc VN đã chọn Hồ Chí Minh và những bi kịch của đất nước hôm nay là cái giá phải trả cho sự chọn lựa đó.

Thật cay đắng cho những người hết lòng vì nước vì dân như Phan Chu Trinh, mặc dầu nhìn xa thấy rộng, tư tưởng nhân bản, kiến thức uyên bác, lòng yêu nước và nhiệt tình có thừa, nhưng cuối cùng Phong Trào Duy Tân của cụ đã thất bại chỉ vì không được sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng, ngay cả cụ Phan Bội Châu – một đồng chí thân thiết với cụ trong nhiều năm cũng không ủng hộ quan điểm của cụ.

Là một người yêu nước chân thật ông không tự lừa dối mình và lừa dối dân tộc của mình bằng những chiêu bài mị dân, những điều tự hào không có thật. Ông là người nhìn thấy được vấn đề, và cố gắng đi tìm một phương thuốc cứu chữa.

Nhưng tại những nơi mà lưỡi gươm có tác dụng mạnh hơn ngòi bút thì những tiếng nói nhân bản như ông trở thành những tiếng kêu giữa sa mạc hoang vắng và ông trở nên lạc lõng trong một xã hội mà nếp suy nghĩ hủ lậu đã bám rễ quá lâu và quá chặt, trở thành một căn bệnh trầm kha hủy hoại đất nước và làm cho dân tộc sa vào vòng nô lệ.

Nhìn qua đất nước Nhật Bản, một dân tộc có chiều dài lịch sử gần giống như chúng ta, có diện tích gần bằng, dân số không chênh lệnh mấy (127 triệu so với 87 triệu), cũng chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa và Khổng Giáo, không khỏi làm cho chúng ta đau lòng khi thấy được sự khác biệt quá lớn giữa hai đất nước. Sự khác biệt về kinh tế, sự giàu có tiện nghi không phải là điều quan trọng, chủ yếu là sự khác biệt về cách suy nghĩ (mentality) giữa hai dân tộc. Vào thời điểm 1858, khi người Pháp bắt đầu xăm lăng VN thì dân ta vẫn còn u mê bám vào những giá trị đã lỗi thời, người Nhật tức thời bỏ những truyền thống hủ lậu, học hỏi những cái hay của Tây Phương để bắt kịp họ. Đến thời điểm sau Đệ Nhị Thế Chiến, VN muốn trở thành biểu tượng của một dân tộc anh hùng, người Nhật biết nuốt nhục của kẻ thua trận chịu sự đô hộ của Mỹ, tận dụng lòng mã thượng của kẻ chiến thắng, dồn mọi sinh lực dân tộc để vươn lên thành một cường quốc kinh tế.

Tại sao lại có sự khác biệt như vậy? Những nghiên cứu công phu và nghiêm chỉnh của các cơ quan quốc tế gần đây như Cơ quan Phát Triển Liên Hiệp Quốc (United Nations Development Program – UNDP) đã chứng minh một cách thuyết phục rằng sự chênh lệnh giàu nghèo giữa các quốc gia chủ yếu không phải do yếu tố địa lý, tài nguyên thiên nhiên, tôn giáo, chủng tộc… mà chủ yếu là do yếu tố văn hóa. Văn hóa quyết định tất cả. Văn hóa tạo ra nếp suy nghĩ (mentality) của mỗi dân tộc, và chính nếp suy nghĩ này làm cho mỗi dân tộc có ứng xử khác nhau khi đương đầu với cùng một thử thách. Tại sao có những dân tộc mà quan chức chính phủ tham nhũng cả hàng triệu đô la như ở các nước Phi Châu hay VN ngày nay mà mọi người vẫn xem đó là chuyện bình thường, trong lúc đó tại một nước khác – một bộ trưởng chỉ vì nhầm lẫn nhận 600 đô cho quỹ tranh cử đã phải xin lỗi quốc dân rồi từ chức (1)? tại sao một quốc gia nhỏ bé như Do Thái chưa tới 3 triệu dân (2) có thể chiến thắng cả khối Á Rập trong cuộc chiến năm 1967 và tồn tại vững mạnh cho đến ngày hôm nay? Trong lúc đó có những nền văn minh đã từng một thời ngự trị thế giới mà ngày nay biến mất … và còn cả ngàn thí dụ khác để chứng minh rằng chính yếu tố văn hóa quyết định sự tồn vong và sự lớn bé của mỗi dân tộc.

Những dân tộc như Đức, Nhật, Do Thái, Thụy Sĩ, Hòa Lan, Hoa Kỳ… cho dù bị thiên tai tàn phá đến đâu, cho dù sống ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng vẫn có thể vươn trở thành những nước giàu mạnh, trái lại những xứ như Iraq, Nigeria, Venezuela, Angola, Libya… mặc dầu tràn ngập dầu hỏa nhưng vẫn là những nước nghèo.

Bước ngoặt quan trọng nhất đã làm thay đổi khoảng cách giữa ta và Nhật chính là cuộc cách mạng Duy Tân tại Nhật bắt đầu từ năm 1868. Trong lúc người Nhật tức thời thay đổi thì các vua chúa VN vẫn còn ngủ mê bên trong các bức tường cung điện ở Huế. Họ không thấy được thế giới đã thay đổi, vẫn tiếp tục tôn sùng và thần tượng Trung Quốc trong lúc nước này đã bị thua thê thảm trước sức mạnh của Tây Phương.

Vào tháng 7 năm 1853 khi triều đình Tokugawa từ chối không cho Thuyền trưởng người Mỹ Mathew Perry lên bờ để trao bức thư của Tổng Thống Fillmore, ông ra lệnh bắn vào thành phố Edo (Tokyo ngày nay). Những quả đại bác này đã làm cho người Nhật thức tỉnh ngay. Lòng ái quốc và niềm tự hào dân tộc đã làm cho họ đoàn kết lại để tìm cách giúp đất nước thoát khỏi nguy cơ nô lệ. Chính sự thức tỉnh này đã mở đầu cuộc cách mạng Minh Trị Duy Tân kéo dài 44 năm. Đó là một cuộc cách mạnh đúng nghĩa, một cuộc cách mạng triệt để, họ làm đến nơi đến chốn, kẻ đi Mỹ, người đi Âu Châu, kẻ đi chính thức người đi lậu bằng cách trốn xuống tàu buôn Tây Phương như trường hợp của thần đồng Yoshida Shôin, tất cả đều cùng một mục đích là tìm đến tận nguồn cội của nền văn minh để học hỏi những cái tinh túy mang về thay đổi đất nước. Họ từ bỏ một cách dứt khoát tất cả những cái cũ không còn hợp nhưng không để mất tinh thần độc lập. Họ không phải chỉ có một ông vua Minh Trị hết lòng yêu nước mà cả trăm ngàn những tấm lòng như thế quyết tâm đưa nước Nhật lên vị trí ngang hàng với các nước Tây Phương.

Khi nói đến cuộc Duy Tân Minh Trị nhiều người vẫn lầm tưởng đó là cuộc cách mạng kỹ nghệ, mở cửa để giao thương và học hỏi kỹ thuật của Phương Tây. Thật sự không phải như thế, học hỏi kỹ thuật chỉ là mặt nổi, chủ yếu là người Nhật học hỏi những tinh túy về tư tưởng của người Tây Phương để khai sáng trí tuệ cho dân tộc của họ.

Chỉ có vài quả bom của Thuyền Trưởng Mathew Perry đã làm cho người Nhật thức tỉnh, trong lúc đó nhìn lại đất nước chúng ta, kể từ thời điểm 1853 cho đến hôm nay đã có hàng trăm ngàn quả bom đã rơi xuống đất nước Việt Nam, không những chỉ tàn phá hình hài đất nước mà còn làm tan nát tâm hồn dân tộc với bao sự ngậm ngùi, nhục nhã đắng cay của một dân tộc nhược tiểu. Nhưng tất cả những nỗi đau đó vẫn chưa đủ để làm cho người Việt thức tỉnh, để thấy cần phải có một nhu cầu thay đổi cần thiết như người Nhật đã làm từ giữa thế kỷ thứ kỷ 19.

Vào tháng 8 năm 1858 người Pháp bắt đầu cuộc chiến xăm lăng đất nước VN, trước đó vào mùa thu năm 1847 để phản đối chính sách cấm đạo của vua Thiệu Trị, Trung tướng Rigault de Genouilly đã bắn chìm 5 chiếc thuyền của Việt Nam, năm 1842 Trung Quốc đã bại trận thê thảm trước sức mạnh của Tây Phương trong cuộc chiến Nha Phiến. Nhưng tiếc thay tất cả những dấu hiệu cảnh cáo đó vẫn chưa đủ để làm cho triều đình nhà Nguyễn thức tỉnh. Đến lúc đó họ vẫn không nhận ra rằng đất nước đang đứng trước khúc quanh của lịch sử. Từ thời điểm năm 1842 hay 1847 cho đến 1858, đó là một khoảng thời gian rất dài (14 năm), nếu các vua nhà Nguyễn thức thời, khôn khéo như các vua chúa Nhật Bản thì đất nước chúng ta đâu phải chịu 80 năm đô hộ của người Pháp và đâu phải chịu tai họa Cộng Sản kéo dài đến hôm nay.

© Phạm Hoài Nam

Nguồn: vietluanonline

————————–

Ghi chú:

(1) Ngoại trưởng Nhật Seiji Maehara từ chức ngày 6 Tháng Ba 2011 vì nhận 600 Mỹ kim cho quỹ chính trị từ một người ngoại quốc.

(2) Dân số Do Thái vào thời điểm 1967 là 2.7 triệu người.

44 Phản hồi cho “Tại sao có sự khác biệt quá lớn giữa người Việt Nam và người Nhật Bản?”

  1. NGÀN KHƠI says:

    THỜI ĐẠI HỒ CHÍ MINH

    Thời đại Hồ Chí Minh cũng là thời đại của Stalin, Mao Trạch Đông, cùng nhiều lãnh tụ quốc tế ở nhiều nước khác. Đó là thời kỳ chủ nghĩa Mác đang lên, thời kỳ của các bất công xã hội của chế độ tư bản giai đoạn ban đầu còn chưa được giải quyết một cách tương đối có bài bản và tích cực. Đó cũng là lý do để thời đại Hồ Chí Minh tại VN được thành công và phát triển. Nhưng nói cho cùng, sở dĩ Phan Chu Trinh không thành công vì dân tộc VN lúc ấy còn quá yếu. Có nghĩa thời đại HCM thành công phần lớn là nhờ xu thế quốc tế lúc đó, thực chất không phải do cá nhân HCM, hay do dân tộc VN. Đó chỉ là ý nghĩa quốc tế của học thuyết Mác của một giai đoạn đã qua trên thế giới. Giai đoạn đó chính là thời đại HCM như có một số người vẫn thích gọi. Thế nhưng, sau thời đại HCM, đất nước của ta so với các đất nước khác cũng chẳng có điều gì ngoạn mục gì nhiều hơn. Vì sau khi cuộc chiến tranh khốc liệt và kéo dài với bao nhiêu tốn kém, hi sinh to lớn, cuối cùng VN vẫn chưa bao giờ đứng được vào hàng ngủ các nước phát triển cao nào cả trên thế giới. Và nay thì trong nhu cầu hội nhập quốc tế mới, coi như thời đại HCM cũng thật sự đã qua luôn. Có nghĩa Phan Bội Châu qua Nhật đầu thế kỷ 19, nhưng Nhật đã canh tân từ giữa thế kỷ 18. Sau thế chiến thứ hai, Nhật bại trận như một cường quốc, song chỉ vài mươi năm sau đó, họ vẫn đã trở thành một cường quốc lại. Thế nhưng, VN bốn mươi năm sau chiến tranh, cũng chưa là gì để so được với Nhật bản cả. Điều này phải cho thấy dân tộc tính của ta còn có chỗ nào đó yếu hơn hay thật sự không thể bằng dân tộc Nhật; cũng như cơ may và chiến lược đi lên của dân ta đã không thể bằng được họ. Cũng có nghĩa là điều sau vẫn bị chi phối phần nào của điều trước. Bởi vậy, ngày nay muốn phát triển, cần phải thẳng thắn nhận ra được các chỗ yếu của mình để nhằm khắc phục. Chừng nào còn chưa nhận ra được, có nghĩa vẫn còn tiếp tục bế tắt. Ngày nay, tuy không phải toàn bộ dân tộc VN còn say mê chủ nghĩa, và còn tôn thờ lãnh tụ thái quá, nhưng vẫn có một bộ phận nào đó trong xã hội đang luôn tiếp tục theo hướng đó. Điều này quả thật Nhật bản hoàn toàn không có. Nhật mạnh là vì họ có những tập đoàn kinh tế tư bản mạnh, qua đó công nghệ của họ cũng mạnh. Và ngoài tinh thần yêu nước tích cực, tinh thần đoàn kết trên cơ sở yêu nước của họ quả thật cũng có hơn ta. Dân ta dù tinh thần yêu nước, nhưng vẫn còn thuộc dạng yêu nước tiêu cực, thụ động hơi nhiều. Tính đoàn kết của dân ta cũng hay là đoàn kết có lợi cho nhau, nhưng thường khi rất ít thấy nhiều người đoàn kết nhằm có lợi cho nước. Nhật thì có thực chất, mà người lại ít có kiểu “tự hào” theo cách vu vơ, tự phong. Còn VN thì về điều này lại hoàn toàn ngược lại. Cho nên Phan Chu Trinh đúng là người sáng suốt nhất. Chỉ tiếc VN không hề có thời đại PCT, mà sau này chỉ có thời đại HCM, tức là thời đại của quốc tế chuyên chính vô sản. Song ngày nay hoàn cảnh thế giới cũng đã hoàn toàn thay đổi, do vậy nếu không thực bụng và sự sáng suốt để chỉnh đốn lại, VN vẫn chẳng khác gì con thuyền đang loay hoay mãi trước sóng nước, làm sao để có thể căng buồm, hay xả hết công suất máy mà tiến lên theo kịp Hàn quốc, đừng nói chi là Nhật bản. Bởi vậy, bài toán cho lối ra là hay cùng phân tích lại dân tộc tính, phân tích lại chiến lược mọi mặt đã có, phân tích lại tình hình thế giới hiện nay. Phân tích một cách khách quan, khoa học, cầu thị, thì mới có năng lực để có thể quyết tâm đi lên một cách có kết quả được.

    NGÀN KHƠI

  2. Buipham says:

    Tôi cũng đã đọc nhiều bài viết so sánh tinh thần của người VN với người Nhật .Kết quả VN thua xa  Nhật ai cũng nhìn thấy được .

    Nhưng nếu  so sánh lịch sử cận đại của hai nước chúng ta sẽ hiểu rõ lý do tại sao VN kém Thua Nhật về mặt Dân tộc,tự trọng ,đoàn kết …vv….

    Nói đến tinh thần của một Dân tộc không thể nào không nhắc đến tri thức của Dân tộc 

    Chúng ta thường tự hào có 4000 năm Văn hiến ,sự tự hào nầy hoàn toàn đúng và phù hợp với tri thức của người việt hiện nay

    Có lẽ ,không có một nước nào khác trên thế giới phải gánh chịu mần mống chia rẽ Dân tộc nặng nề bằng VN trong giai đoạn 200 năm gần đây nhất

    Chúng ta đã bị kỳ thị giữa Nam ,trung ,bắc ,tiếp đến là sự chia rẽ hận thù trong cuộc chiến tranh ý thức hệ CS và Tư bản kéo mãi đến tận hôm nay ……

    Hai trăm năm chúng ta phải lội trong một vũng bùn chiến tranh cộng thêm kỳ thị ,phân hoá chia rẽ .Muốn tồn tại sống còn người Dân thấp hèn nghèo khổ hơn mười thế hệ đã phải tự diễn tiến hoà nhập,đôi khi phải đánh đổi cả Nhân ,nghĩa ,lể ,trí ,tín ………

    Một cuộc chiến chống ngoại xâm, một trận đại Thiên tai chấm dứt, chỉ cần năm năm hay mười năm là có thể khắc phục xây dựng tiến lên …

    Thử hỏi trong suốt 200 năm qua chúng ta có bao giờ có được 10 năm an bình xây dựng mở mang dân trí ….!!!

    Năm 1975 cho dù trên thực tế VN thống nhất .Nhưng bên trong vẫn còn tồn tại mầm mống  chiến đấu ,nghi kỵ , chia rẽ giữa người miền Nam và người miền Bắc, giữa Đảng CS và những thế lực thù địch mơ hồ trong nước ….

    Chiến tranh ,thù hận ,nghèo đói vẫn còn luôn luôn ám ảnh và kiềm hãm tinh thần phát triển Dân tộc VN…..

    Nếu nhìn vào thực tế và duy lý để phê phán rồi chê trách cho tinh  thần Dân tộc VN là quá yếu kém so với Nhật là hoàn toàn Phi lý .

    Tôi cũng đã đọc nhiều bài viết so sánh tinh thần của người VN với người Nhật .Kết quả VN thua xa  Nhật ai cũng nhìn thấy được .

    Nhưng nếu  so sánh lịch sử cận đại của hai nước chúng ta sẽ hiểu rõ lý do tại sao VN kém Thua Nhật về mặt Dân tộc,tự trọng ,đoàn kết …vv….

    Nói đến tinh thần của một Dân tộc không thể nào không nhắc đến tri thức của Dân tộc 

    Chúng ta thường tự hào có 4000 năm Văn hiến ,sự tự hào nầy hoàn toàn đúng và phù hợp với tri thức của người việt hiện nay

    Có lẽ ,không có một nước nào khác trên thế giới phải gánh chịu mần mống chia rẽ Dân tộc nặng nề bằng VN trong giai đoạn 200 năm gần đây nhất

    Chúng ta đã bị kỳ thị giữa Nam ,trung ,bắc ,tiếp đến là sự chia rẽ hận thù trong cuộc chiến tranh ý thức hệ CS và Tư bản kéo mãi đến tận hôm nay ……

    Hai trăm năm chúng ta phải lội trong một vũng bùn chiến tranh cộng thêm kỳ thị ,phân hoá chia rẽ .Muốn tồn tại sống còn người Dân thấp hèn nghèo khổ hơn mười thế hệ đã phải tự diễn tiến hoà nhập,đôi khi phải đánh đổi cả Nhân ,nghĩa ,lể ,trí ,tín ………

    Một cuộc chiến chống ngoại xâm, một trận đại Thiên tai chấm dứt, chỉ cần năm năm hay mười năm là có thể khắc phục xây dựng tiến lên …

    Thử hỏi trong suốt 200 năm qua chúng ta có bao giờ có được 10 năm an bình xây dựng mở mang dân trí ….!!!

    Năm 1975 cho dù trên thực tế VN thống nhất .Nhưng bên trong vẫn còn tồn tại mầm mống  chiến đấu ,nghi kỵ , chia rẽ giữa người miền Nam và người miền Bắc, giữa Đảng CS và những thế lực thù địch mơ hồ trong nước ….

    Chiến tranh ,thù hận ,nghèo đói vẫn còn luôn luôn ám ảnh và kiềm hãm tinh thần phát triển Dân tộc VN…..

    Nếu nhìn vào thực tế và duy lý để phê phán rồi chê trách cho tinh  thần Dân tộc VN là quá yếu kém so với Nhật là hoàn toàn Phi lý .

    Tôi cũng đã đọc nhiều bài viết so sánh tinh thần của người VN với người Nhật .Kết quả VN thua xa  Nhật ai cũng nhìn thấy được .

    Nhưng nếu  so sánh lịch sử cận đại của hai nước chúng ta sẽ hiểu rõ lý do tại sao VN kém Thua Nhật về mặt Dân tộc,tự trọng ,đoàn kết …vv….

    Nói đến tinh thần của một Dân tộc không thể nào không nhắc đến tri thức của Dân tộc 

    Chúng ta thường tự hào có 4000 năm Văn hiến ,sự tự hào nầy hoàn toàn đúng và phù hợp với tri thức của người việt hiện nay

    Có lẽ ,không có một nước nào khác trên thế giới phải gánh chịu mần mống chia rẽ Dân tộc nặng nề bằng VN trong giai đoạn 200 năm gần đây nhất

    Chúng ta đã bị kỳ thị giữa Nam ,trung ,bắc ,tiếp đến là sự chia rẽ hận thù trong cuộc chiến tranh ý thức hệ CS và Tư bản kéo mãi đến tận hôm nay ……

    Hai trăm năm chúng ta phải lội trong một vũng bùn chiến tranh cộng thêm kỳ thị ,phân hoá chia rẽ .Muốn tồn tại sống còn người Dân thấp hèn nghèo khổ hơn mười thế hệ đã phải tự diễn tiến hoà nhập,đôi khi phải đánh đổi cả Nhân ,nghĩa ,lể ,trí ,tín ………

    Một cuộc chiến chống ngoại xâm, một trận đại Thiên tai chấm dứt, chỉ cần năm năm hay mười năm là có thể khắc phục xây dựng tiến lên …

    Thử hỏi trong suốt 200 năm qua chúng ta có bao giờ có được 10 năm an bình xây dựng mở mang dân trí ….!!!

    Năm 1975 cho dù trên thực tế VN thống nhất .Nhưng bên trong vẫn còn tồn tại mầm mống  chiến đấu ,nghi kỵ , chia rẽ giữa người miền Nam và người miền Bắc, giữa Đảng CS và những thế lực thù địch mơ hồ trong nước ….

    Chiến tranh ,thù hận ,nghèo đói vẫn còn luôn luôn ám ảnh và kiềm hãm tinh thần phát triển Dân tộc VN…..

    Nếu nhìn vào thực tế và duy lý để phê phán rồi chê trách cho tinh  thần Dân tộc VN là quá yếu kém so với Nhật là hoàn toàn Phi lý .

    Tôi hoàn toàn không đồng ý với những bài viết như thế này,nhất là khi tôi cảm thấy hình như tác giả chỉ đứng bên lề Dân tộc chỉ dùng cái nhìn khách quan để so sánh VN với Nhật…

    Hoàn cảnh lịch sử của VN và Nhật trong 200 năm gần đây nhất rất khác xa nhau . Chính hoàn cảnh lịch sử sẽ tạo nên giá trị của mỗi Dân tộc

    Sau hơn 200 năm Liên tiếp chiến tranh chống ngoại xâm ,nội chiến ,hận thù ,chia rẽ ,áp bức,bóc lột…Nhân Dân VN nếu không có cái Gen di truyền của 4000 năm , không có được truyền thống giáo dục nhân,nghĩa, lễ ,trí , tín …thì có lẽ VN đã không còn là VN nữa .

    Một cuộc chiến chống ngoại xâm,một trận đại Thiên tai cho một đất nước chỉ Cần 5 năm hay 10 năm để khắc phục và trở mình . VN chúng ta có được 10 năm an bình nào hay không ?

    Viết một bài viết đem lại tính chất tự ti cho Dân tộc không đưa ra được lối thoát cho tương lai là điều không nên …….

    • NGÀN KHƠI says:

      Bài viết này hơi lòng vòng, có lẽ do lỗi in lặp, nhưng quan trọng là chưa toát lên ý chính xuyên suốt có tính quyết định nào hết. Sự tự phê bình dân tộc mình thật ra không phải hoàn toàn tự ti, mà trong đó đúng ra có chút gì đó tự tin và cả tự tôn nữa đấy. Tôi thì cho rằng có 3 yếu tố khiến suốt cả thế kỷ qua VN vẫn không “bốc” (takes off) lên được là do 3 yếu tố : lãnh đạo, chiến lược, dân tộc tính. Phải chăng dân tộc tính tạo ra lãnh đạo và tạo nên chiến lược ? Hay ngược lại chính hai yếu tố đầu làm thui chột dân tộc tính đi, nếu quả dân tộc tính ta không thua Nhật. Như thế đó chính là sự liên hoàn tương tác tạo nên cái vòng luẩn quẩn. Cho nên phải cần có một trong ba khâu đột phá. Tức đột phá từ một trong ba yếu tố đó. Còn nếu như chỉ mộng mơ, lãng mạn tếu kiểu ta là “anh hùng, khí phách, thông minh, tài cán, sáng suốt, tiên phong, đỉnh cao v.v…” thì cho dầu đến bao giờ đi nữa, cái vòng luẩn quẩn kia chỉ có thu hẹp hay mở rộng bán kính mà không thể nào bứt ra được nổi. Còn đột phá thế nào, cần bàn thêm ở nơi khác, hoặc lần khác.
      NK

  3. Quê Hương says:

    Bản thân người Việt không phải là dân “quân tử”.Điều này do người Việt bị Tàu đô hộ khá lâu(1000 năm) và kế đến là thực dân Pháp .Những kẻ đô hộ luôn đày đọa ,mắng chữi ,khinh khi dân Việt, dân có nhiều nguồn gốc khác nhau . Để tồn tại dân Việt phải biết luồn lách,giảo hoạt và lâu ngày chầy tháng thành tính gian.Và cộng sản xuất hiện !Phải nói rằng trước khi cộng sản lên ,dân Việt,nhất là dân miền Nam vẫn đở hơn thời bây giờ gấp nhiều lần do các hệ thống giáo dục của các ngành tôn giáo (Công giáo,Phật giáo,…)ngoài giáo dục về đạo lý vẫn giáo dục về việc “học làm người”cho dân theo đạo.Kế đến là ngành giáo dục học đường,có những giờ công dân giáo dục nói về bổn phận công dân đối với đất nước,gia đình và xã hội.Ngoài ra các phong trào hướng đạo có những chương trình huấn luyện tính tháo vát và tự lập cho thanh niên .Cộng sản lên nắm quyền chỉ chú trọng “giáo dục”về chính trị ,chỉ “giáo dục”về công ơn bác và đảng,về lịch sử” oai hùng”của đảng,về “cuộc đời hy sinh vì đất nước của “bác Hồ vĩ đại”(!).Dưới thời cộng sản bao cấp,trong khi đất nước ngày càng nghèo đi,dân Việt,dân của một nước cho đến bây giờ vẫn còn xem là nghèo,lạc hậu,càng khốn khổ trong cuộc sống hàng ngày mà buộc phải nghe ,đọc,thấy ,thảo luận về” thành tích vĩ đại”của bác và đảng(đâu thấy đâu ?) riết nên sinh ra “hư đầu”.Những tánh xấu đặc trưng cho dân tộc như vô kỷ luật,hay nói dối,vọng ngoại,gian trá,khôn nhà dại chợ…tiềm ẩn trước đây do không còn các chương trình giáo dục của các đạo giáo,hướng đạo,…ngăn chận,khuyên lơn và chuyển hóa nên rần rần nổi dậy.Cụ thể ,nước Việt không còn chiến tranh nhưng ngày nào trên toàn quốc cũng có hàng chục người chết vì tánh giao thông vô kỷ luật của dân bất kể khẩu hiệu nhắc nhở treo đầy đường; nước Việt trước đây chưa bao giờ có chuyện phụ nữ Việt đứng xếp hàng ,thoát y cho người nước ngoài rờ mó ngắm nghía ngả giá để mua vui hay cưới(!);khi cần thì giết cả người thân để đạt mục đích(vợ đốt chồng là nhà báo tại Long An),…Người Việt nước ngoài do căm thù chế độ cộng sản nên nhiều khi cũng có những cách hành xử kỳ lạ:thấy ai sống khác(nhiều khi do hoàn cảnh ,cá tính)thì chụp cho cái mũ”cộng sản”,nhất là đối với những người di cư đơn thân sống lẻ loi ,hoặc bốc lột nhau !
    Người Nhật hầu như không có các tật xấu vừa kể của người Việt .Do vậy họ làm nước họ,một nước nhỏ thiếu tài nguyên,tiến vượt bậc !

    • NGÀN KHƠI says:

      Chính cách nhìn lạnh của cái đầu nóng theo kiểu này mới có thể có ích lợi thật sự cho đất nước.
      NK

  4. peter says:

    Tu Thân rồi mới đến Tề Gia rồi mới đến Trị Quốc rồi mới đến Bình Thiên Hạ. Mỗi một người VN chúng ta hãy làm chuyện nhỏ trước đi rồi lo đến đại sự sau.
    Chuyện nhỏ: Đừng xem băng nhạc lậu vì đó góp phần hủy hoại văn hóa chúng ta, Đừng vặt cành hoa ở chùa Huệ Quang và những chùa khác, Đừng khạc nhổ xả rác, etc

  5. Vu Phong says:

    Cam on tac gia da cho doc gia mot cau tra loi ma hang chuc nam doc gia toi khong the tim ra duoc. Do la:…”Dân tộc VN đã chọn Hồ Chí Minh thay vì Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim… hoàn toàn không phải vì Hồ Chí Minh giỏi hơn, yêu nước hơn, nhiệt tình hơn những người kia, nhưng chỉ vì Hồ Chí Minh đáp ứng đúng tâm lý của người Việt – đó là tâm lý tôn thờ bạo lực”.
    Mot cau noi nay co gia tri hon hang tram quyen sach giai thich tai sao dan toc ta lai tu huy hoai minh,
    tu chon con duong xau nhat, ban nhat va xa nhat de den voi nen van minh Nhan loai…

  6. tui đó says:

    >>> Xin được phép không đồng ý với ý kiến của tiền bối họ Hà: ” Giữa HCM và Phan Chu Trinh người Việt đã chọn Hồ”.Thực tình thì người Việt bị chon chứ nào có được chon đâu,có sự khác biệt rất lớn giữa sự bị và được.

    Đúng thế, tui cũng không đồng ý với bác Hà Sĩ Phu ở điểnm đó. Trong 20 năm, dân miền Nam cũng hy sinh rất nhiều để chống lại họ Hồ, nhưng thất bại; người Việt đã bị áp đặt triều đại họ Hồ, chứ có tự nguyện chọn Cáo bao giờ đâu. Bị áp đặt triều đại Cáo, đây là lý do cơ bản của mọi sự lụn bại khác của đất nước, gỡ hoài chưa ra.

  7. Trương Bản says:

    Rất đồng ý với tác giả về lý giải trong câu hỏi tại sao dân tộc Viet nam lại chọn Hồ Chí Minh mà không chọn Phan chu trinh. Không phải Hồ Chí Minh giỏi hơn Phan Chu Trinh mà chính nền văn hóa Việt thiên về xử dung bạo lực trên moi vấn đề. Ngay cả khi bàn luận về một vấn đề gì, người Việt mình thường là tranh cải( tranh giành, cải cọ) chớ không phải bàn luận để tìm ra sự đúng sai.
    Hồi còn nhỏ tôi có nghe những người lớn tuổi nói về người Nhật hay đúng hơn quân đội Nhật rất là tàn ác, sắc máu.Tôi đã tin là đúng cho đến khi sang sinh sống ở Nhật khá lâu. Phải nói thật người Nhật hay văn hóa Nhật rất ít khi phải tranh cải để rồi đánh nhau giữa chốn đông người.Ngay cả khi uống rượi bia say sưa,họ vẫn xữ sự rất đúng mực, trong giới hạn có văn hóa của người say. Lúc quá chén người Nhật hầu như chỉ ca hát, múa may là cùng. Ít thấy ai la lối om sòm khi say sưa đem đến bưc mình cho người khác.Không như người Việt mình, hở là đánh nhau sức đầu chảy máu cho những lý do không đâu. Đưa ra dẫn chúng nhỏ ở trên, tôi chỉ muốn chứng minh rằng một trong những lý do mà dân mình chọn Hồ Chí Minh mà không là Phan Chu trinh là nền văn hóa mình tiềm ẩn hay ưa chuộng sư bạo lực. Cám ơn tác giả đã cho người đọc một bài viết rất hay và thấm thía.Nhất là trong lúc dân tộc mình đang phải chịu áp bức từ Trung Cộng, chính quyền thì quì gối cam chịu để mưu cầu lợi ích riêng, đất nước thì nghèo đói không đủ thực lực để tự bảo vệ non sông.

  8. thịnh says:

    tôi thấy nguyên nhân tạo ra sự khác biệt quá nhiều giữa VN và Nhật bản ở là tầng lớp lãnh đạo đất nước. VN có tầng lớp lãnh đạo độc tài, vô đạo , gian manh , lươn lẹo mà lại bất tài bất lực. ” thượng bất chính, hạ tắc loạn “, nên cả xã hội đều hỏng , nhà dột từ nóc dột xuống mà. VN muốn được như Nhật bản thì cần phải chuyển sang chế độ dân chủ, văn minh như họ mới được.

  9. thanh long says:

    Những đức tính quý báu của người Nhật thể hiện trong bài viết này đều hiện diện trong con người tôi. Tôi chính là một người Nhật đang sống lạc loài giữa một bầy Sói VN. Nói vậy thôi, Ở đâu cũng có anh hùng, ở đâu cũng có thằng khùng thằng điên. Tiếc thay, ở VN, thằng khùng thằng điên nhiều quá!!!

  10. nvtncs says:

    The Japanese model has serious scientific shortcomings.

    The Japanese culture is a culture where youth, scientific creativity and imagination are somewhat suppressed in the name of conformity and age.

    The American scientific model, strengthened by democracy and the belief in God are a far more fecund social environment for human development, to wit the attraction of the best and brightest from all over the world to American universities.
    The best watches are still made in Switzerland, the best cars, in Germany and the best planes, in America, the best cameras, in Germany and Sweden.
    The number of Japanese Nobel prizes is far smaller than those of French, English, German and even Dutch Nobel prizes. The advances in science, medicine, mathematics mostly have their origins in American and European universities and laboratories.

    Ethnically, the Vietnamese race is a mixture of races, while the Japanese, thanks to their isolation are a more homogeneous race.

    Geographically, the Japanese are also isolated from the mainland which works to their advantage in that they did not have to contend with China and Mongolia, while Vietnam shares a common border with China with all the unfavorable consequences of Chinese cultural and ideological encroachment.
    The comparison between Vietnam and Japan is thus a rather shallow and unfair one.

    One may say that Japanese and Vietnamese culture are at two extremes of one another, the Vietnamese being individualistic and the Japanese conformist.

    I do not view our race as inferior to the Japanese race.
    Given the right circumstances and good leadership, South Vietnam could have been equal to South Korea and Taiwan today.

    The Vietnamese do have serious shortcomings. The Vietnamese people must keep what is good from the American, French and the Chinese cultures while forging their own identity and their own culture for the twenty first century.

Leave a Reply to Vu Phong