WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Mười khuôn mặt thơ trẻ đương đại [3]

9. NGUYỄN THÚY HẰNG

Nguyễn Thuý Hằng là một tác giả có cá tính mạnh trong những phát ngôn mà Lê Thiếu Nhơn gọi là “cái bệnh hay phát biểu lăng nhăng“. Chẳng hạn, chị nói : “Tôi xung khắc với bất kì thế giới / môi trường xung quanh nào. Tôi không thể hòa nhập hoặc thoả thuận được với nó. Có lẽ vì tôi quen sống cách sống của tôi, theo một kiểu phát triển tự do phù hợp nhất. Mặc dù sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, nhưng tôi luôn có cảm giác xa lạ với chính môi trường tôi đang sống. Tôi luôn trong trạng thái “có vấn đề” và “dị ứng” về giáo dục, xã hội… Trong bất kể môi trường nào tôi cũng muốn sống, tìm kiếm và phát triển con người của chính tôi.“ ( trả lời Vietnamnet02/04/06). Tôi nghĩ đó là một phát ngôn nghiêm túc, thẳng thắn. Nó chưá đựng  tư tưởng cuả Nietzsche.“Hãy là mình”, câu nói của Nietzsche trở thành châm ngôn sống cho nhiều thế hệ ở phương Tây thế kỷ 20. Tuy nhiên, Ở thế kỷ XXI , mà Nguyễn Thuý Hằng  sống với tinh thần ấy, tôi nghĩ chị không mới.

Vậy ý thức sáng tạo cuả Nguyễn Thuý Hằng có gì mới ? Chị cho biết : “tôi từ chối một cách sống và một lối viết ngăn nắp, có trình tự và tử tế. Nó đả phá những qui tắc và tiêu chuẩn mà cuộc sống đề ra:sự hợp lí, tính thực tế, sự dễ hiểu, khuôn khổ, đạo đức, số đông, bình tĩnh, sạch sẽ. Sự mất phương hướng, té, không cân bằng, mặc cảm, stress, xấu xí, thiếu thốn, đói, không hoà nhập, nói năng lảm nhảm… luôn có chỗ đứng và có lí do của nó.”“..Tôi không có chủ đích về nội dung mà làm tác phẩm dựa trên cảm hứng. Khi hình dung về một tác phẩm, tôi luôn cảm thấy thích hình dáng hơn là ý nghĩa của chúng. Nó khác với những người khác ở chỗ khi sáng tác họ thường bắt đầu từ ý niệm, hay chủ đích còn tôi thì bắt đầu từ sở thích một hình dáng, chất liệu nào đó . Người xem có toàn quyền mở rộng trí tưởng tượng phong phú khi đứng trước tác phẩm nghệ thuật. Tôi rất sợ những “nghệ sĩ” cứ nhăm nhăm chỉ cho người ta thấy bằng được ý nghĩa (hạn hẹp) mà trước đó họ đã cố nhồi nhét vào tác phẩm.”( đd )

Ý thức sáng tạo ấy chính là tinh thần Hậu Hiện Đại, là sự lật đổ những Đại Tự Sự, thay vào đó là những Tiểu Tự Sự . “Quan điểm mỹ học Hậu Hiện Đại mang những đặc điểm như: xoá nhoà ranh giới giữa nghệ thuật và đời sống thường ngày; phá bỏ những giai tầng văn hoá quý phái và văn hoá đại chúng; phủ nhận tính chất nguyên thuỷ của một tác phẩm nghệ thuật và cho rằng nghệ thuật cũng chỉ là một hiện tượng lập lại; nhấn mạnh đến phong cách trộn lẫn giữa nhân vật và sự can thiệp của chính tác giả vào tác phẩm; tính chất kết dính nhiều mảng kết cấu khác nhau trong cùng một tác phẩm, tựa như một bức tranh khảm có nhiều chất liệu dị biệt, là điều khá phổ biến trong các tác phẩm hậu hiện đại.”(Nguyễn Minh Quân.chủ nghiã Hậu Hiện Đại- những khái niệm căn bản- Nguyễn Minh Quân – Vietnamnet 02/11/06) .

Nguyễn Thuý Hằng để cho người đọccó toàn quyền mở rộng trí tưởng tượng phong phú khi đứng trước tác phẩm nghệ thuật mà không áp đặt ý nghĩa chủ quan, đó cũng là quan điểm cuả Thuyết Người Đọc. Thuyết Người Đọc cho rằng ý nghiã cuả tác phẩm là do người đọc quyết định. “Theo Hirsch, tác giả quyết định ý nghĩa trong khi người đọc tạo dựng liên nghĩa; ý nghĩa chỉ có một và cố định trong khi liên nghĩa có thể thật nhiều và biến đổi theo thời gian. (Nguyễn Hưng Quốc- Các lý thuyết phê bình Văn Học) . Như vậy, về nghệ thuật, Nguyễn Thuý Hằng cũng không mới, cũng không đi trước so với những nhà thơ đồng trang lưá. Vấn đề là từ ý thức sáng tạo, NTH co viết thành tác phẩm nghệ thuật  độc đáo  hay không.

Trước hết hãy đọc vài truyện ngắn cuả chị, chẳng hạn : Cõng Người lạ, Cô Gái Có Cái Mồm Năm Mươi Lăm chiếc Răng Cắn Phập Mặt Trăng, Thời Kỳ Đỏ /  Thuốc Ho- Những Đường Gân Thắt Bím, Gió, Ngủ-Đi Đâu Đó Giưã Trưa. Những truyện ngắn này được viết bằng thi pháp cuả loại truyện Hiện Thực Thần Kỳ (Magical Realism), kết hợp với cảm thức Hậu Hiện Đại, chuyển tải một vài tư tưởng Hiện Sinh dưới dạng một dụ ngôn. Không phải vô tình mà Nguyễn Thuý Hằng viết tiếp truyện  Người chết trôi đẹp nhất trần gian, một truyện ngắn của Gabriel Garcia Márquez.Điều này khiến cho tác phẩm cuả NTH không dễ đọc .

Bruce Holland Rogers nói về tác phẩm Hiện Thực Thần Kỳ như sau : ” Những tác phẩm hư cấu hiện thực thần kỳ mô tả thế giới thực của những người mà đời sống thực tại của họ khác với đời sống thực tại của chúng ta. Đó không phải là một cuộc thí nghiệm ý tưởng. Đó không phải là phóng tưởng. Chủ nghĩa hiện thực thần kỳ nỗ lực cho chúng ta thấy thế giới này qua đôi mắt khác … các nhà văn hiện thực thần kỳ diễn tả những chuyện bình thường như những điều kỳ diệu và diễn tả những điều kỳ diệu như những chuyện bình thường…. Chủ nghĩa hiện thực thần kỳ là một dạng thức đặc thù của văn chương hư cấu nhắm đến việc trình bày kinh nghiệm của một thế giới quan phi-khách-quan. Những kỹ thuật của nó được dành riêng cho thế giới quan đó, và, trong khi người ta có thể thoạt tưởng rằng chúng cũng giống như các kỹ thuật của loại truyện huyễn tưởng tinh xảo, thì chủ nghĩa hiện thực thần kỳ lại đang cố gắng làm một điều gì khác hơn là chỉ chơi đùa với những quy tắc của hiện thực. Nó đang chuyển tải những thực tế mà những người khác thực sự trải nghiệm, hay đã từng một lần trải nghiệm.” (7) Những đặc điểm ấy đều  tìm thấy trong truyện cuả Nguyễn Thuý Hằng

Cõng Người Lạ là “ câu chuyện kể về một người đàn ông có tấm lưng rộng khủng khiếp”, suốt đời cõng vợ con trên lưng. Bốn đưá con đến mười tuổi thì nhảy xuông đất tập đi, còn bà vợ thì không rời lưng chồng , cả khi đã về già. “Bà mẹ giờ đây được quấn trong một cái khăn choàng lớn và treo trên lưng bố. Kì lạ thay, cho đến giờ này, khi lưng cũng còng vì tuổi tác, nhưng ông càng ngày càng muốn giữ chặt vợ trên người mình. Hai vợ chồng quấn lấy nhau.”. Phải chăng Nguyến Thuý Hằng muốn nói đến tình trạng cam chịu, ý thức  lệ thuộc  cuả các dân tộc, cuả châu lục đen, và cuả mỗi người? Trong thực tế, mỗi người chúng ta cũng phải cõng bao nhiêu thứ gọi là trách nhiệm, và có không ít những kẻ cưỡi trên lưng người khác cả đời không chịu xuống!

Gió là một truyện có nhiều yếu tố “thần kỳ “. Một túm năm người, không biết từ đâu, đến đến một vùng đất lạ ,có gió khắp nơi tụ về. Họ ăn cát, và đẻ ra hai nắm đất. Họ bắt gió cho vào bao và treo lên để gió bốc mùi xác chềt. Con gái quyết định rủ Bố đến thụ thai cho mình, nhưng khi ông định kéo con gái lên giường thì Bố biến thành gió. Con gái bắt Bố cho vào bao treo lên, “Khoảng một thời gian dài sau đó, trong một lần nằm mơ, tôi mới biết mình đã rat tay giết bố, con đực già nhất làng, người có công duy trì nòi giống và tạo ra lương thực cho chúng tôi. Ngủ dậy sau giấc mơ đó, tôi ra cây cọc treo xác bố, tháo xuống và mở ra, bên trong cái xác đã xẹp lại, khô như tờ giấy, và tôi hoàn toàn không nhận ra hình dáng ông “. Người đọc sẽ tự hỏi câu chuyện hoang tưởng có tính chất ngụ ngôn này có ý nghiã gì. Truyện được viết đúng như  ý thức sáng tạo cuả Nguyễn Thuý Hằng : “Bạn có thể xem nó là trạng thái mông lung, không thực tế, phi lí, kì quặc, quái dị, điên, hoang tưởng, chứng tự kỉ ám thị…Tôi vừa xoá đi một thế giới nào đấy, vừa tạo dựng “những cái gì có thể từ nơi khác thông qua tôi mà đến một nơi khác” mà đồng thời cũng mong tìm một đôi điều quen thuộc ở thế giới tôi thiết lập được“(Trả lời Vietnamnet, sđd ) Nguyễn Thuý Hằng viết về một thế giới hỗn mang, phi lý, với ý thức hẳn hoi. Chị nói:“Cõi sáng tạo – cấp độ hỗn mang hoặc sự vô định hình mà bạn nghĩ rằng tôi đang muốn với tới cũng chỉ là một phương thức / hành động của tôi nhằm trả lại cho thế giới bên ngoài sự phong phú.”

Truyện Ngủ-Đi Đâu Đó Giưã Trưa không có yếu tố thần kỳ, nhưng vẫn có khuynh hướng tư tưởng. Peter, một người thợ sưả xe, cũng là một nghệ nhân tuyệt vời. Bỗng dưng anh ta bỏ đi đâu không ai biết. Nhân vật Tôi thấy Peter đi vắng thì vào nhà ăn cắp bộ sưu tập cuả Peter. Tôi giúp Peter việc sưả xe, thanh toán các món chi tiêu, chờ Peter về. Nhưng hắn đã ra đi không trở về. Tôi đâm nản và ra đi, không biết mình nên xuất phát từ hướng nào và đi bao lâu, đi về một nơi chẳng còn ai thân thuộc, chẳng còn ai quen biết để mà hỏi thăm chốn cũ. Ở mảnh đất xa lạ. Tôi quên mất mình là ai, từ đâu tới.Tôi là một kẻ lãng du, “đi chỉ để mà đi, và quên sạch hết mọi thứ “. Phải chăng đó là ý thức về sự phi lý và vô nghiã cuả cuộc đời, một phạm trù Hiện Sinh, con người không biết mình là ai, từ đâu tới. Sống là đi, không biết đi đâu và quên sạch mọi thứ.

Tôi đã thử đọc vài truyện cuả Nguyễn Thuý Hằng với sự cho phép cuả chị, rằng : “Người xem có toàn quyền mở rộng trí tưởng tượng phong phú khi đứng trước tác phẩm nghệ thuật.”, chưa hẳn những điều tôi đọc đã đúng với ý nghiã câu truyện mà tác giả đặt vào, và bạn đọc  có thể tìm thấy những cách hiểu khác. Có vậy tác phẩm mới sinh sôi và người đọc mới thực sự tham gia vào quá trình sáng tạo cùng với tác giả. Các đọc truyện như trên có giúp ích gì cho việc đọc thơ Nguyễn Thuý Hằng không ?

Nhiều bài thơ cuả Nguyễn Thuý Hằng cũng được viết với một thi pháp như truyện, chẳng hạn: Tôi- Vị Thần Ngủ Quên, Chế Nhạo và Phỉ Báng, Tai Nạn kép, Cinema,Tình Trạng x, Những Tâm Thần Không Đúng Hẹn, Cái chết trước… đó là những câu chuyện có những yếu tố hoang tưởng, nhưng mang thông điệp nhân sinh

Thử đọc cái chết trước

Tôi giành giật nó từ gia đình/ bữa cơm cuối tuần/ bọn trẻ/ câu chuyện làm ăn/ cơn nhức đầu người mẹ/ cưới hỏi lôi thôi của người anh

Tôi kéo nó khỏi những người bạn lâu lâu tặng quà, lái xe đường dài để nói về cuộc sống khi trước

Tôi buộc nó chuyển chỗ ngồi từ quán café quen thuộc, rời bỏ trang sách để ngắm nhìn tôi

Tôi làm tất cả mọi thứ để biến nó thành người khác, không tự điều khiển chính bản thân, nó ngồi nhìn đoàn người chỉ vì tôi đang quan sát họ

Nhưng cũng có lúc nó đòi trở về vị trí cũ, cái giường cọt kẹt, nhìn mạng nhện quen thuộc trên trần nhà

Nó nối dây điện để gọi một vài người quen, mời đi uống beer, tối đến nó làm vài điếu thuốc trước khi ngủ, trầm mình trong bể nước một tiếng đồng hồ, sau đó pha một cốc trà để sẵn trên đầu giường và chợp mắt

Nhưng sáng hôm sau, mọi chuyện vẫn như cũ, tôi vẫn thuyết phục được nó quên đi thói quen đó, chỉ quan tâm đến tôi đang nghĩ gì trong đầu, tôi cảm giác được cái gì, tôi muốn cuộc sống xoay quanh ra sao, những chuyện sắp tới tôi muốn làm

Thế mà, chính tôi cũng không hiểu vì sao vẫn thấy thiếu một điều gì đó, có lẽ vì sự bất ổn đến từ tính tình gần đây

Tổ ấm của chúng tôi là sự chiếm ngự bởi tình yêu duy nhất

Bắt đầu từ đêm hôm qua­­-la khóc, nghiến răng, ở lì trong bathroom nhìn nước chảy

Từ giường cũ

Con ma trở mình nhìn cái chết trước

Đó là câu chuyện giưã Tôi với Nó trong bối cảnh gia đình, một câu truyện được kể theo tuyến thời gian, qua cảm nghĩ , hành động cuả nhân vật tôi. Nhưng Nó là ai, một tha nhân, người yêu, Tôi muốn chiếm hữu nó, biến nó thành người khác. Nhưng  có lúc nó đòi trở về vị trí cũ,nó vẫn giữ thói quen gọi một vài người quen, mời đi uống beer, tối đến nó làm vài điếu thuốc trước khi ngủ, trầm mình trong bể nước một tiếng đồng hồ, sau đó pha một cốc trà để sẵn trên đầu giường và chợp mắt.. tôi vẫn thuyết phục được nó quên đi thói quen đó.  Thế mà, chính tôi cũng không hiểu vì sao vẫn thấy thiếu một điều gì đó, có lẽ vì sự bất ổn đến từ tính tình gần đây. Tôi như con ma đã nhìn thấy trước cái chết cuả hạnh phúc gia đình mình. Bài thơ gửi đi thông điệp gì ? Phải chăng con người bất lực trước thực tại. Con người đã chết  trong  tương quan với kẻ khác, dù đó là người thân yêu? Tôi liên tưởng đến Ngộ Nhận cuả A.Camus .Trong đời thường, mỗi người đều có những trải nghiệm như vậy, khi yêu nhau, người ta trói buộc nhau ghê gớm lắm, người ta muốn biến người yêu thành người khác .Hạnh phúc  chết trong tham vọng  trói buộc tha hoá ấy. Mỗi người trở thành con ma ngay trên giường  cuả mình, ngay trong ngôi nhà cuả mình, nhìn cái xác chết hạnh phúc cuả mình

Bài thơ văn xuôi  Tôi – Vị Thần Ngủ Quên  cuả Nguyễn Thuý Hắng  dường như có bóng dáng cách viết Hậu hiện Đại trong truyện Ngọn Núi Thuỷ Tinh cuả Donald Barthelme? Yếu tố hiện thực đan cài yếu tố hoang tưởng. Nguyễn Thuý Hằng kể: Thành phố gồm những tòa nhà cao lớn. Dân chúng ngước cổ tôn sùng vẻ đẹp này. Giưã lúc ấy “một bức tượng cổ, vai đeo giáp sắt, cưỡi một con ngựa, tay cầm một đoạn roi bước xuống bục, chỉ tay vào đám đông, bảo “trả đất cho ta.” Mọi người ngơ ngác, hình như lâu lắm rồi mới thấy một người rừng giữa đô thị như thế này.” Dân chúng cười, dựng bức tượng lên tượng đài cũ. Họ nói “Đây mới là chỗ của ông, cứ đứng yên như thế.” Họ muốn đưa ông về một nơi xa nào đó, nhưng bức tượng trở nên nặng trịch không sao dở xuống được, họ đành để ông ở đó và buộc thêm xích kéo chân ông lại. ”Thành phố, thập kỉ của những em bé, phụ nữ, dân quyền, kết hôn đồng tính, cây cối mọc lan nhanh, chặt bỏ cành dương vật xanh um nẻo đường. Rồi nhà cửa, xe cộ và từng nhà máy rác sạch sẽ bỗng lớn nhanh vùn vụt, ùn ùn xô đẩy những thứ thừa thãi vào một hố chôn sâu nhất. Bức tượng giờ đây là nơi trẻ con thường hay lui tới, đùa giỡn, bày đồ chơi. Còn bệ xi măng nơi ông đứng thành nơi hò hẹn của các bà góa, những cặp tình nhân thường mút kem sữa rồi thở phào trong hứa hẹn. Đôi lúc, họ giật phắt vì ông lại nhảy xuống, đòi lại đất đai.” Nhưng rồi ông đã ngủ thiếp đi  giấc ngủ vượt ngàn thế kỉ, ngàn niên đại. lớp người kế thừa đương thời đặt cho ông cái tên vị thần ngủ quên. Nhưng, ông nào có biết.Và bọn nó,Vâng, chính chúng, những đứa trẻ của / tập đoàn khát máu, chuyên săn lùng, chém giết kẻ ngủ quên.

Câu chuyện chưá đựng cái lộn xộn cuả một thành phố với rất nhiều vấn đề phức tạp. Nguyễn Thuý Hằng mượn một bức tượng nào đó trong thành phố ,hư cấu như một ngụ ngôn, để nói về thời đại cuả tập đoàn khát máu, chuyên săn lùng, chém giết kẻ ngủ quên. Nhưng chưa hẳn thông điệp chỉ mang những tín hiệu thời sự trực tiếp như thế, mà còn mang cái thao thức về thực tại ngủ quên, giấc ngủ vượt ngàn thế kỉ, ngàn niên đại cuả dân tộc. Có một sự trùng hợp thú vị về chủ đề giưã Tôi- Vị Thần Ngủ Quên với Trạng Nguyên Ngủ cuả Phan Bội Châu. Cả hai truyện đều có cái nhìn thế sự sâu sắc và một giọng trào phúng nhẹ nhàng nhưng buồn thắm thiết. Như vậy, ngay trong những câu chuyện hoang tưởng, Nguyễn Thuý Hằng cũng gửi những thông điệp thế sự có thể làm nhức nhối trái tim đồng cảm với chị. Người đọc hời hợt, lười biếng thì chẳng hiểu chị nói gì

Thơ Nguyễn Thuý Hằng còn là tiếng nói cuả một cái tôi bất an, vô định, cô đơn, xa lạ ngay trong thực tại. Quan hệ với người là quan hệ xa lạ.” Giưã tôi và ông /bóng đêm, mùi lữ hành “( 1&2). Nguyễn Thuý Hằng thức tỉnh giưã mọi ngộ nhận ( Người Chết Trôi Đẹp Nhất Trần Gian )

tôi (thật nguy hiểm, nhưng thích thú, có bao giờ bạn nhàm chán với nỗi bất an của mình đâu)

(Beckett’s, tôi và Khuyên)

tôi có gương mặt thật xấu xí, vì thế tôi muốn chúng méo mó hơn nữa, trở thành một dị biệt,

xương kéo dài hoặc thình lình thu ngắn lại,chóp mũi hay chóp nhà thờ,

tất cả đều xoay quanh quả địa cầu, lỗ tai, rún, vì chỉ có gương mặt tôi mới có đủ sức

tiếp cận sát bề mặt nóng bỏng đó, mông, má, giấy tờ.

tôi cứ thế quay không ngừng

cả ngày lẫn đêm

tôi rất thích trạng thái đi xiêu vẹo của mình, những người mù nắm tay nhau đi trong

cơn giông bão, thèm băng qua đường trong buị mù xoắn xuýt.
(Những tâm thần không đúng hẹn)

Ví dụ như: tôi – chết mà vẫn nhăn răng cười trên màn ảnh lớn như diễn viên xiếc
Ví dụ như: tôi, sau khi phục sinh, tay vẫn thò vào túi và chơi trò sấp ngửa rồi chỉ tay ra đất trống
Tôi được vùi ngoài kia, bia bọt, lồng kính nhỏ dày đặc các sao hình chiếc mông, nắng ấm, thối rữa, rong chơi bên kia tinh cầu, lũ chim câu bay vù: rên rỉ, khát nước, không đường về
(Thời hôm nay, khoái cảm, điên rồ hợp lí)

Và kia, hình như tôi trong bấn loạn đã viết lên tường lảm nhảm vô lí về một ai đó

Không thể xác định đó là tình trạng gì. Vì đôi khi nóng nực, bức bối làm biến dị tất cả. Tôi khôngthấy tôi nữa mà là con vật thô bỉ. Đối xử với đồ vật nghiệt ngã và luôn thích nhìn chúng với thất bại thảm thương.Tôi nhớ trong một tuần đã đứng trước đồ vật để nói với chúng về sự thật, đã bày tỏ u uất của tôi và khuyên chúng bằng mọi cách hãy tan biến đi, đừng để bọn người sử dụng và làm cho mới lên [những màu mè tạm bợ, hợp chất và ô nhiễm, đường gân, chất vải, kim loại, gốm sứ…

Tôi không thể kể câu chuyện này với ai được. Tôi trở nên thụ động và chờ người ta bỗng dưng hiểu được để tôi không phải giải thích. Từ lâu tôi ăn nói vòng vo và ngồi suốt buổi nhưng không làm sáng tỏ điều gì.….( Chế nhạo và phỉ báng)

tôi vẫn chạy trốn

gói gém hành lí biến mất trong tư thế gập người (tay chân còn bấu chặt ghế, ai đó giãy dụa liên hồi…tôi đang mơ tưởng..)

một cái bóng khổng lồ ập lên đám đông, tất cả chạy ra xa trong sự hỗn loạn

“hãy đi đi vào ngã này”_ tiếng loa vắt ngang hàng nghìn người quì gối, họ khóc

tôi vẫn tìm đường chạy

tôi thích sự kiệt sức, tháo mòn hết nước. Khi ấy người ta sẽ cưỡi được lên người tôi, lên mông, lên tai, lên chiếc lưỡi mằm cứng đơ
(Gào Thét Nưã Đi )

Tôi không thể hình dung được rằng, đằng sau một Nguyễn Thuý Hằng có cá tính mạnh mẽ, một năng lực hoạt động và sáng tạo dào dạt, luôn bất hoà gay gắt với thực tại, lại là một nghệ sĩ, một nhà thơ  u  uất, cô độc, bất an, hoảng loạn chạy trốn,”Tôi không thấy tôi nữa mà là con vật thô bỉ”

Về nghệ thuật, Nguyễn Thuý Hằng có đưa một số yếu tố kỹ thuật  mới vào thơ. Thơ cuả chị là thơ văn xuôi, thơ có tính truyện. Nhiều bài tính truyện lấn át tính thơ . Về kỹ thuật thơ, chị cho biết: “đa số tôi áp dụng sự đa dạng về bố cục trong hội họa, tập hợp ý tứ thành một khối thống nhất và sau đó phá nó đi.Ví dụ như trong bài “Chơi game với Chủ Thể”, sự ngẫu hứng đến từ chiếc bàn vừa để chơi game, vừa có thể ngồi cafe, và tôi thích cách người ta sắp xếp những dòng chữ trong bảng hướng dẫn chơi game với bố cục rất đẹp. Tôi đã viết bài “Chơi game với Chủ Thể” dựa trên bố cục như thế. “( Vietnamnet, sđd ). Hoặc chị vẽ tranh đi kèm với những bài thơ, dùng hình thức nhật ký, thống kê các chi tiết, tập trung vào hình ảnh để tạo ấn tượng. Tôi nghĩ đó chỉ là những yếu tố kỹ thuật. Yếu tố quan trong trọng là tư tưởng thẩm mỹ và thi pháp, ở chị có sự tương tác phức hợp, tạo nên một diện mạo riêng. Và hơn hết, dưới những câu thơ hỗn độn, nổi loạn, hoang tưởng, bí hiểm… là những thông điệp, chưá đựng những nỗi buồn thế sự, nỗi buồn nhân sinh, nỗi buồn hiện sinh muốn được chia xẻ.

Nhưng người đọc chưa kịp nói lời nào với chị thì Nguyễn Thuý Hằng đã vẫy chào chúng ta, phải chăng chị hoài nghi cả chúng ta :

“này nhé, bạn đâu biết rằng mình đã chết từ buổi sáng hôm nọ chúng ta

gặp nhau (và rồi chúng ta mồi chài nhau bằng im lặng)

cứ cái đà liên tưởng, hình ảnh, tôi đã ăn bạn và nhấm nháp từng mẩu

nhỏ trong buổi sáng lượn lờ sài gòn, và quả thật cái đầu bạn cứng lắm,

toàn những kí tự sắt trong đó, xin lỗi vì ăn mà không báo trước, và sau

đó cũng không thèm cám ơn, tục tĩu quá đi mất)

thôi nhé, chấm dứt buổi tối nhỏ

tôi sẽ ra đi với nỗi bất an mới

một tình nhân mới “
(Beckett’s, tôi và Khuyên)

Pages: 1 2 3

5 Phản hồi cho “Mười khuôn mặt thơ trẻ đương đại [3]”

  1. NON NGÀN says:

    ÔI NHẢM NHÍ

    Những bài thơ hoàn toàn nhảm nhí, vô nghĩa từ hình thức đến nội dung, thế mà cũng xưng là 10 khôn mặt thơ đương đại. Quả thi ca VN ngày nay đã hết đường rồi.

    VHT
    (22/9/11)

  2. rebecca nguyen says:

    Tôi không phải là thi sĩ , tôi không biết làm thơ và tôi cũng chưa bao giờ làm thơ nhưng tôi rất thưởng thức và rất thích đọc những bài thơ như thế nầy của Hàn Mặc Tử , đọc lên là biết ngay đây là một bài thơ hay , còn đọc những bài ” thơ ” của những ” nhà thơ ” trẻ đương đại làm cho tôi phân vân , không biết đó là thơ hay là văn ?

    Gió theo lối gió, mây đường mây
    Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…
    Thuyền ai đậu bến Sông Trăng đó,
    Có chở trăng về kịp tối nay ? ( Đây thôn Vỹ Dạ – Hàn Mặc Tử )

    • NN says:

      KHÔNG CẦN

      Ông Rebecca Nguyễn không cần làm thơ. Ông có tâm hồn thơ lai láng là đủ rồi. Người nào đọc các câu thơ xuất hồn như trên của Hàn Mạc Tử mà không thấy hay, mới đúng là người không có tâm hồn thơ.

      ĐH

      • rebecca nguyen says:

        Ông NN nhận xét chính xác .
        Sau khi tôi đã cố gắng đọc trọn bài thơ từ câu đầu đến câu cuối thì tôi có một nhận xét sau đây :
        Những người tự nhận ( hay được người khác gọi ) là những ” nhà thơ trẻ đương đại ” đều mắc một chứng bịnh gọi là ” bịnh hoang tưởng ” .
        Riêng người viết bài ca tụng những ” nhà thơ ” nầy bị bịnh ” tâm thần phân liệt ” , nói nôm na ra là bị điên .
        He doesn’t understand what he is talking about ;

      • NON NGÀN says:

        Certainly, Ok !

        NK

Leave a Reply to rebecca nguyen