WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Đại nạn Trung Hoa thời nhà Minh

Tác giả Trần Gia Phụng

Bên Trung Hoa, năm 1368 (mậu thân), Chu Nguyên Chương (Zhu Yuan Zhang) lật đổ nhà Nguyên, lên ngôi hoàng đế tức Minh Thái Tổ (trị vì 1368-1398), lập ra nhà Minh (1368-1644).  Đối với người Trung Hoa, nhà Nguyên là ngoại tộc, vì thuộc giống Mông Cổ; còn nhà Minh mới là chính tông người Hán.  Minh Thái Tổ (Ming Tai Zu) từ trần năm 1398 (mậu dần), truyền ngôi lại cho cháu đích tôn là Minh Huệ Đế (trị vì 1399-1403), vì cha của Huệ Đế là hoàng thái tử Tiêu đã qua đời.

Minh Huệ Đế (Ming Hui Di) chủ trương tập trung quyền hành về trung ương, mưu trừ và giết hại các phiên vương.  Phiên vương nước Yên tên là Lệ, ở phía bắc Trung Hoa, con trai thứ của Minh Thái Tổ và là chú của Minh Huệ Đế, tức giận nổi lên chống Huệ Đế.  Yên Vương Lệ là một người có tài cầm quân, đánh thẳng vào kinh đô Kim Lăng (Jin Ling) (Nam Kinh ngày nay), lật đổ Huệ Đế, rồi tự mình lên làm vua tức Minh Thành Tổ (trị vì 1403-1424).

Minh Thành Tổ (Ming Cheng Zu) là một người rất tham vọng, mạnh mẽ chủ trương bành trướng thế lực ra nước ngoài.  Ông thành lập một hạm đội hùng hậu do Trịnh Hòa (Zheng He) điều khiển.  Trịnh Hòa (1371-1433) đã dẫn hạm đội xuống Bắc Úc, qua bán đảo Ả Rập, đến Đông Phi Châu, và có tài liệu cho rằng Trịnh Hòa qua tận Mỹ châu.

Chính Minh Thành Tổ đã cử hai tướng Trương Phụ (Zhang Fu) và Mộc Thạnh cầm quân sang đánh Đại Việt năm 1406.  Quân Minh bắt được gia đình Hồ Quý Ly năm 1407.  Con cháu nhà Trần là Giản Định Đế  (trị vì 1407-1409) và Trùng Quang Đế (trị vì 1409-1413) nổi lên tiếp tục chống quân Minh, cũng lần lượt bị quân Minh dẹp yên.  Nhà Minh đô hộ Đại Việt và cách thức thực hiện cuộc đô hộ của nhà Minh rất thâm độc, có thể sơ lược như sau.

I.- Sát nhập Địa Việt vào Trung Hoa

1. Nhà Minh đổi Đại việt thành quận Giao Chỉ

Trước khi bắt được gia đình Hồ Quý Ly, vua Minh Thành Tổ xuống chiếu tháng 4 năm đinh hợi (1407) nói là tìm kiếm con cháu nhà Trần để lập làm vua thay nhà Hồ, vì nhà Hồ đã cướp ngôi nhà Trần.  Nói thế để lừa phỉnh dân Việt, chứ khi Trần Thúc Dao, con của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, dòng dõi Trần Quang Khải, ra hợp tác với quân Minh, quân Minh làm ngơ và không đưa lên ngôi.  Vào tháng 6 năm đinh hợi (1407), nhà Minh quyết định đổi Đại Việt thành quận Giao Chỉ, sáp nhập vào Trung Hoa.

2. Tổ chức hành chính

Tổ chức hành chánh trung ương quận Giao Chỉ giống như một quận bên Trung Hoa, gồm ba ty là Giao Chỉ đô chỉ huy sứ ty, Thừa tuyên bố chánh ty và Đề hình án sát sứ ty.  Nhà Minh đổi tên thủ đô Đông Đô (Thăng Long) thành Đông Quan, chia quận Giao Chỉ (Đại Việt) thành 15 phủ và 5 châu lớn như sau: phủ Giao Châu, Bắc Giang, Lạng Giang, Tam Giang, Kiến Bình, Tân Yên, Kiến Xương, Phụng Hóa, Thanh Hoa, Trấn Man, Lạng Sơn, Tân Bình, Diễn Châu, Nghệ An, Thuận Hóa; châu Thái Nguyên, Tuyên Hóa, Gia Hưng, Quy Hóa, Quảng Oai.(1)

Nhà Minh đưa người Trung Hoa sang nắm giữ những chức vụ then chốt quan trọng, và dùng một số người Việt chịu cộng tác với họ trong các chức vụ địa phương, nhắm chiêu dụ những người  yêu nước đang tiếp tục chiến đấu chống quân Minh.

3. Sự bóc lột của nhà Minh

Về thuế má, năm 1414 nhà cầm quyền đô hộ của Minh triều quy định rằng mỗi mẫu ruộng chỉ có 3 sào.  Đây là một điều hết sức gian manh.  Thông thường, mỗi mẫu ruộng gồm 10 sào, nay chỉ còn 3 sào.  Vậy một người có 3 sào ruộng phải chịu thuế một mẫu; hoặc ngược lại, một người có một mẫu ruộng (tức 10 sào), nay phải chịu thuế hơn 3 mẫu.  Nói cách khác, dưới nền đô hộ của nhà Minh, thuế nông nghiệp tăng hơn gấp ba so với thuế cũ.  Nông nghiệp là ngành sinh hoạt kinh tế chính của người Việt lúc bấy giờ.  Đa số dân chúng nông thôn nghèo đói, mà tăng thuế nông nghiệp sẽ làm dân chúng Việt càng thêm bần cùng thiếu ăn..

Một năm, mỗi mẫu ruộng (tức chỉ 3 sào), nhà đô hộ Minh triều thu thuế 5 thăng lúa, đất bãi dâu mỗi mẫu thu thuế 1 lạng tơ, mỗi cân tơ thu thuế 1 tấm lụa.  Năm 1415, nhà Minh lập các trường (ruộng) muối ven biển, kiểm soát việc sản xuất và đánh thuế muối.  Ai buôn lậu hay sản xuất lậu đều bị phạt như nhau.  Muối là thực phẩm căn bản quan trọng của người Việt, nhất là dân nghèo, hoàn toàn nằm trong quyền kiểm soát của quân Minh.

Về quân sự, vào đầu năm bính thân (1416), Trương Phụ ra lệnh xét duyệt danh số quân đội địa phương (thổ quân).  Ba đinh (đàn ông) thì lấy một người làm lính.  Số lính địa phương được tuyển, dùng để chia đi canh giữ các nơi.

Để kiểm soát chặt chẻ dân chúng như bên Trung Hoa, năm 1419 (kỷ hợi), Lý Bân cho thi hành biện pháp hoàng sách và hộ thiếp.  Theo biện pháp nầy, ở hạ tầng tại thành phố gọi là phường, tại vùng chung quanh thành phố gọi là tương (hay sương), tại nông thôn gọi là lý.  Mỗi lý có 110 hộ (gia đình) do một lý trưởng đứng đầu.  Mười hộ là một giáp có một giáp thủ đứng đầu.

Mỗi hộ giữ một hộ thiếp ghi rõ tên tuổi, quê quán, số đinh trong hộ đúng theo sổ hộ khẩu do nhà cầm quyền giữ.  Mỗi lý phải làm một quyển sổ gọi là sách, ghi rõ số đinh, số điền dựa trên căn bản hộ.  Đầu sách có vẽ bản đồ, cuối sách liệt kê những người tàn tật cô quả.  Sách viết làm bốn bản: một bản bìa vàng gọi là hoàng sách nạp lên bộ hộ, ba bản kia bìa xanh đặt ở ty bố chính sứ, phủ, huyện, mỗi nơi một bản.(2)

II.- Chính sách đồng hóa

Khi gởi quân sang đánh Đại Việt lần đầu năm 1406, Minh Thành Tổ đưa ra ba chỉ dụ liên tiếp đề ngày 21-8-1406, 16-6-1407 và 24-6-1407 căn dặn các tướng lãnh nhà Minh thi hành chính sách đồng hóa và tiêu diệt tận gốc nền văn hóa Đại Việt.

1. Bắt nhân tài Việt Nam

Việc đầu tiên là nhà Minh bắt hết nhân tài Đại Việt, đưa về Trung Hoa sử dụng tùy theo khả năng.  Khi bắt được gia đình Hồ Quý Ly, người Minh không giết mà chỉ gởi về Trung Hoa.  Lý do chính là vì con của Hồ Quý Ly là Hồ Nguyên Trừng có biệt tài về kỹ thuật.  Nhà Minh chỉ đày Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương đi Quảng Châu, còn phong cho Hồ Nguyên Trừng làm quan ở triều đình để giúp nhà Minh chế tạo súng ống.(3)  Người Minh lùng tìm những người thông minh, thông kinh, học rộng, quen thuộc việc quan, chữ đẹp, tính giỏi, nói năng hoạt bát, tướng mạo khôi ngô, khỏe mạnh, dũng cảm, quen nghề đi biển, khéo nghề sản xuất gạch, làm hương… đưa về Trung Hoa.

2. Tịch thu và tiêu hủy toàn bộ sách vở Đại Việt

Thi hành chỉ thị của Minh Thành Tổ, quân Minh tịch thu hoặc tiêu hủy toàn bộ tất cả các loại sách vở của nước Nam, kể cả các bia đá ghi lại sự nghiệp của tiền nhân.  Sau đây là lệnh của Minh Thành Tổ gởi các tướng Minh ngày 21-8-1406: “… Trừ các sách kinh và bản in của đạo Phật, đạo Lão thì không tiêu hủy, ngoài ra hết thảy mọi sách vở, văn tự cho đến cả những loại [sách ghi chép] ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ … một mãnh chữ đều phải đốt hết.  Khắp trong nước phàm những bia do Trung Quốc dựng từ xưa đến nay thì đều giữ gìn cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá hủy tất cả, một chữ chớ để còn.”(4)

Quân Minh còn chở về Trung Hoa hầu như toàn bộ sách vở đã có từ thời Hồ Quý Ly trở về trước.  Đó là sách của các tác giả sau đây: Lý Thái Tông (Hình thư), Trần Thái Tông (Hình luật, Quốc triều thông lễ,  Kiến Trung thường lễ, Khóa hư tập, Ngự thi), Trần Thánh Tông (Di hậu lục, Cờ cừu lục, Thi tập), Trần Nhân Tông (Trung hưng thực lục, Thi tập), Trần Anh Tông (Thủy vân tùy bút), Trần Minh Tông (Thi tập), Trần Dụ Tông (Trần triều đại điển), Trần Nghệ Tông (Bảo hòa điện dư bút, Thi tập), Trần Hưng Đạo (Binh gia yếu lược, Vạn Kiếp bí truyền), Chu Văn Trinh tức Chu Văn An (Tứ thư thuyết ước, Tiều ẩn thi), Trần Quốc Toại (Sầm lâu tập), Trần Quang Khải (Lạc đạo tập), Trần Nguyên Đán (Băng Hồ ngọc hác tập), Nguyễn Trung Ngạn (Giới Hiên thi tập), Phạm Sư Mạnh (Giáp thạch tập), Trần Nguyên Đào (Cúc Đường di thảo), Hồ Tông Thốc tức Hồ Tông Vụ (Thảo nhàn hiệu tần, Việt nam thế chí, Việt sử cương mục), Lê Văn Hưu (Đại Việt sử ký), Nguyễn Phi Khanh (Nhị Khê thi tập), Hàn Thuyên (Phi sa tập), Lý Tế Xuyên (Việt điện u linh tập) …(5)

3. Áp đặt văn hóa và phong tục Trung Hoa

Để đồng hóa người Việt, tháng 9 năm 1414 (giáp ngọ), người Minh ra lệnh lập Văn miếu (thờ Khổng Tử) , các đàn thờ thần xã tắc, núi, sông, gió, mưa ở các phủ châu huyện.  Về phong tục, người Minh buộc thanh niên nam nữ không được cắt tóc mà phải để tóc dài;(6) phụ nữ phải bận áo ngắn quần dài như người Minh.  Người Minh còn cấm người Việt không được ăn trầu.(7)  Ăn trầu là một tục lệ lâu đời của người Việt.

Cũng trong năm 1414, nhà Minh mở trường học ở Thăng Long và các phủ, châu, huyện.  Để thay thế sách vở người Việt đã bị quân Minh tịch thu và tiêu hủy, năm 1419 (kỷ hợi) nhà Minh cho phát hành rộng rãi sách vở Trung Hoa do vua Minh cho san định lại như Tứ thư [Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh tử], Ngũ kinh [Dịch, Thi, Thư, Lễ, Xuân thu], Tính lý đại toàn… (8)

III.- Chính sách khai thác tài nguyên

1. Nông nghiệp

Sau khi nhà Hồ sụp đổ, Trương Phụ ra lệnh đặt đồn điền năm 1410 (canh dần) ở các nơi gần thành Thăng Long, thu mua lúa ở các phủ Tuyên Hóa, Thái Nguyên, Tam Giang, để cung ứng thực phẩm cho đoàn quân viễn chinh,

Chiến thắng xong nhà Hậu Trần, người Minh ra lệnh cho các phủ, huyện, châu ở nước ta phải trồng hồ tiêu.  Từ tháng 4 năm mậu tuất (1418), họ bắt đầu trưng thu hồ tiêu đem về Trung Hoa, nhắm cung cấp cho ngành xuất cảng qua tây phương theo “con đường hương liệu và gia vị”.  Người Minh buộc các địa phương (phủ, huyện) phải nạp đặc sản để chuyển về Trung Hoa như: hương liệu, hươu trắng, chim vẹt, vượn bạc má, trăn …

Người Minh còn bắt dân chúng vùng rừng núi tìm bắt voi, tê giác, và dân chúng làm nghề chài lưới ven biển đi mò ngọc trai.  Tháng 7 năm mậu tuất (1418), người Minh thiết lập trường sở thu ngọc trai tại hai địa điểm có hải phận sinh sản nhiều ngọc trai.  Đó là Vĩnh An (Tiên Yên, Vạn Ninh, Quảng Yên) và Vân Đồn (Vân Hải, Quảng Yên).  Hằng ngày, hàng ngàn dân bị đưa đi mò ngọc trai cho người Minh.

2. Công nghệ

Người Minh thu mua vàng bạc quý hiếm chở về Trung Hoa.  Tháng 8 năm ất mùi (1415), nhà Minh thiết lập các trường cục cai quản các vùng mỏ vàng bạc, đốc thúc dân đinh khai đào các kim loại quý, kiểm điểm sản lượng và niêm phong nạp lên thượng cấp

3. Giao thông thương mại

Để dễ vận chuyển, người Minh thiết lập một lộ trình mới từ Quảng Đông qua Đông Quan (Thăng Long), chia làm hai đoạn: từ Khâm Châu (thuộc Quảng Đông ngày nay) đi đường biển tới các cảng Vạn Ninh (thuộc Quảng Yên), Đông Triều, Chí Linh (Hải Dương).  Các nơi nầy đều có đặt trạm liên lạc bằng thuyền.  Từ Vạn Ninh, Đông Triều, Chí Linh đến Đông Quan (Thăng Long), người Minh đặt các trạm chạy bằng ngựa theo đường bộ.

Kết luận

Chính sách tận lực khai thác tài nguyên nước ta của quân Minh được Nguyễn Trãi ghi lại hết sức rõ ràng trong bài “Bình Ngô đại cáo”: “Quân cuồng Minh thừa cơ tứ ngược,[9] bọn gian tà bán nước cầu vinh.  Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.  Chước dối đủ muôn nghìn khóe, ác chứa ngót hai mươi năm.  Bại nhân nghĩa, nát cả càn khôn, nặng khoa liễm [10] vét không sơn trạch.  Nào lên rừng đào mỏ, nào xuống bể mò châu, nào hố bẫy hươu đen,  nào lưới dò chim sả.  Tàn hại cả côn trùng thảo mộc, nheo nhóc thay! quan quả điên liên.[11]  Kẻ há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán.  Nay xây nhà, mai đắp đất, chân tay nào phục dịch cho vừa.  Nặng nề về những nỗi phu phen, bắt bớ mất cả nghề canh cửi.  Độc ác thay!  trúc rừng không ghi hết tội; dơ bẩn thay! nước bể không rửa sạch mùi.  Lẽ nào trời đất tha cho, ai bảo thần nhân nhịn được.”(12)

Cuộc đô hộ của nhà Minh tuy ngắn ngủi, chỉ trong vòng hơn 20 năm (1407-1428), nhưng ảnh hưởng lâu dài về nhiều mặt, do chính sách khai thác thuộc địa rất tàn nhẫn, và chính sách tận diệt nền văn hóa Đại Việt, nhằm đồng hóa người Việt của nhà Minh.

Năm 1975, khi cưỡng chiếm miền Nam, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã tập trung và đốt hết sách vở miền Nam nhằm tiêu diệt văn hóa miền Nam, truyền bá văn hóa Mác-xít, không khác gì nhà Minh đã tiêu diệt văn hóa Đại Việt, truyền bá văn hóa Trung Hoa.  Nhà Minh không thực hiện được mưu đồ thâm độc của nhà Minh.  Cộng sản Việt Nam cũng không thực hiện được mưu đồ thâm độc của CSVN.  Chẳng những thế, CSVN lại còn bị ảnh hưởng ngược lại của nền văn hóa miền Nam, vì căn bản nền văn hóa miền Nam vốn là nền văn hóa dân tộc cổ truyền, được bảo lưu ở miền Nam Việt Nam sau khi đất nước bị chia hai năm 1954.

Về phía Trung Hoa, từ cuối năm 1924, đảng CSTH đã bảo trợ cho tay điệp viên Đệ tam Quốc tế Nguyễn Ái Quốc, giúp huấn luyện cán bộ để cài người vào Việt Nam.  Sau đó, từ năm 1950, đảng CSTH đã đầu tư dài hạn vào công cuộc chiến tranh của Hồ Chí Minh, thao túng nhà cầm quyền CSVN. Từ đầu thế kỷ 21, CSTH đòi lại vốn và lời đã đầu tư, thực hiện kế hoạch tằm ăn dâu của nhà Minh, kiếm cách từ từ khai thác tài nguyên trên biển cũng như trên đất liền của Việt Nam, tiến hành từng bước âm thầm, chậm chạp, và chắc chắn.

Với đà thâm nhập nầy, rồi đây CSTH sẽ dùng CSVN để Hán hóa người Việt và sẽ sáp nhập Việt Nam vào Trung Hoa, biến Việt Nam thành một tỉnh hay một quận Trung Hoa, không khác gì nhà Minh vào thế kỷ 15.

Trước tình hình nầy, ngày nay người Việt Nam chỉ còn cách duy nhất là phải tự mình cứu lấy mình thoát ra khỏi đảng CSVN.  Thoát ra khỏi đảng CSVN, người Việt mới thoát ra khỏi sự đô hộ của CSTH.  Tuy khó khăn nhưng không còn con đường nào khác.

© Đàn Chim Việt Online


Chú thích

1. Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, in lần thứ hai, Huế: Nxb. Thuận Hóa, 1997, tr. tr. 163.  [Đào Duy Anh căn cứ trên tài liệu Thiên hạ quận quốc của Trung Hoa.]  Ngoài 15 phủ trên đây, năm 1414, quân Minh đặt thêm phủ thứ 16 là phủ Thăng Hoa, nhưng chưa tổ chức đưọc nền cai trị tại phủ nầy thì bị quân Chiêm Thành chiếm.
2. Chính sách nầy do nhà Minh áp dụng ở Trung Hoa từ năm 1381. (Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chữ Nho), Hà Nội: bản dịch của Nxb. Giáo Dục, 1998, tập 1, tt. 767-768.)
3. Theo Lê Quí Đôn trong Vân đài loại ngữ, mục “Vựng điển loại”, trích dẫn sách Cô thụ biều đàm, Lê Trừng tức Hồ Nguyên Trừng được nhà Minh phong làm hộ bộ thượng thư.  Lê Quí Đôn cũng trích dẫn Minh sử nói rằng “trong niên biểu của thất khanh (bảy vị quan to), có nói đến Lê Trừng làm binh bộ thượng thư”.  Minh sử còn chép rằng: “Năm Vĩnh Lạc [1403-1424], vua Minh thân chinh Mạc bắc.  Khi giặc kéo ào đến, bèn đem thần sang của nước An-Nam ra đánh…” (Vân đài loại ngữ, bản dịch của Phạm Vũ và Lê Hiền, Tự Lực tái bản, Hoa Kỳ, tt. 238-239). Thần sang An Nam ở đây là súng thần công do Hồ Nguyên Trừng chế tạo.  Hồ Nguyên Trừng có soạn sách Nam ông mộng lục, viết về 31 nhân vật nổi tiếng trong lịch sử nước nhà.  Có lẽ nhờ Hồ Nguyên Trừng mà Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương không bị giết, mà chỉ bị đày đi Quảng Châu.
4. Phạm Cao Dương “Từ nạn trộm cắp các cổ vật tại Việt Nam đến tham vọng bá quyền về văn hóa của Trung Quốc”, nguyệt san Thế Kỷ 21, số 130-131, tháng 2 & 3-2000, tr. 54.
5. Cương mục, sđd. tr. 765, “Lời chua”.  Khi chua như trên, các soạn giả bộ Cương mục dựa vào “Văn tịch chí” trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú.  Tuy Phan Huy Chú đề tên tác giả các sách về hình luật, điển lễ trên đây là các vua, thật ra là do các quan soạn dưới triều các vua đó.  Ngoài ra, vài tác phẩm hiện đã tìm thấy lại được như Khóa hư tập của vua Trần Thái Tông, Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên, hoặc còn sót lại vài bài thơ như của Trần Thái Tông, Trần Quang Khải…
6. Đời nhà Trần trở về trước, dân Việt theo tục xâm mình và cắt tóc.
7. Stanley Karnov, Viet Nam a History, New York: The Viking Press, 1983, tr. 103.
8. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư [chữ Nho], Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội, bản dịch tập 2, 1998, tt. 236, 242.  Tính lý đại toàn: Bộ sách do Hồ Quảng vâng lệnh vua Minh soạn ra, nội dung dựa vào học thuyết của các Nho sĩ  đời Tống.
9. Tứ ngược: hết sức tàn ngược. [Chú thích 10, 11 và 12 theo Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược.]
10. Khoa liễm: thuế má.
11. Quan quả điên liên: Quan: người không vợ; quả: người góa chồng; điên liên: những kẻ không có nhà ở, không trông cậy vào đâu được.
12. Trần Trọng Kim,  Việt Nam sử lược, Sài Gòn: Nxb. Tân Việt tái bản, 1964, tr. 229.

Phản hồi