WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Môi trường đấu tranh chưa bao giờ thuận lợi như lúc này

30/4/1975–30/4/2012, 37 năm đã qua kể từ khi cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn phi lý đã chấm dứt trên đất nước ta. Với thời gian, nhận thức về thời cuộc đã ngày càng sáng tỏ trong tâm thức của người Việt Nam ta. Những quan điểm đối lập do hoàn cảnh lịch sử, do thành kiến và định kiến, do tác động của những học thuyết xa lạ dần dần được tháo gỡ và xóa bỏ, đưa lại một đồng thuận gần như thống nhất rất quý báu và đáng mừng.

Đó là nhận thức rằng học thuyết Mác – Lênin được một số người lãnh đạo cộng sản du nhập vào Việt Nam là một học thuyết sai lầm, nguy hiểm, trái với bản chất nhân đạo của con người, đã phá sản hoàn toàn ở bất cứ nơi nào nó được áp dụng – từ châu Âu, sang Liên Xô cũ, đến Trung Âu và Đông Âu, và ở ngay những nơi nó còn được xưng tụng một cách giả dối như Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Bắc Triều Tiên.

Đó là nhận thức rằng nếu như những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam không du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam thì cuộc chiến tranh Pháp -Việt đã có thể tránh khỏi, vì chính quyền Pháp và phương Tây lúc ấy theo chiến lược be bờ (Containment Strategy) ngăn chặn làn sóng cộng sản độc tài và phi nhân do Liên Xô cầm đầu. Nếu như nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa VN không tự nguyện là tiền đồn của phe cộng sản do Đệ Tam Quốc tế Cộng sản thành lập thì cuộc chiến tranh Việt-Mỹ đã không thể xảy ra.

Nhiều đảng viên cộng sản Việt Nam, đặc biệt là các đảng viên trẻ và trí thức, kể cả đảng viên kỳ cựu, lão thành, có công tâm, nay đã biết rằng Quốc hội châu Âu đã lên án chủ nghĩa cộng sản là tội ác khủng khiếp, là sai lầm lớn nhất của lịch sử loài người, và giữa thủ đô Washington của Hoa Kỳ đã dựng lên bức tượng đài kỷ niệm hơn 100 triệu nạn nhân của chủ nghĩa Cộng sản, trong đó có hàng triệu nạn nhân người Việt bỏ mạng trong chiến tranh, trong cải cách ruộng đất, trong tàn sát các đảng phái yêu nước, trong đàn áp phong trào đòi tự do và dân chủ.

Từ nhận thức về lịch sử trên đây, đông đảo nhân dân ta ngày càng nhận rõ đảng CS hiện nay không những không còn là động lực của lịch sử mà trên thực tế đã trở thành trở ngại cho sự phát triển của đất nước và cản trở sự hội nhập với thế giới.

Gần đây đảng CS qua Hội nghị Trung ương 4/Khóa XI đã thú nhận sự trì trệ, tha hóa của mình, báo động về quá trình suy thoái đạo đức nhân cách tệ hại nhưng không đưa ra được biện pháp nào có thể có hiệu quả. Qua thực tế có thể khẳng định Trung ương và Bộ Chính trị đảng CS đang đối mặt với một vụ án khổng lồ, đó là cả 88 triệu người Việt trong đó có 50 triệu nam nữ công dân có thể phát đơn kiện hơn 200 con người đó đã biển thủ bao nhiêu của cải tiền bạc của đất nước, của nhân dân, tự tiện cắt từng mảng lớn ngân sách quốc gia cho ngân sách của đảng, đã tước đoạt biết bao ruộng đất của nông dân để chia nhau, đã ươn hèn và tham lam để cho bọn bành trướng chiếm đất, chiếm biển, chiếm đảo của ta, đã quản lý một cách quan liêu và tham nhũng 17 tập đoàn kinh tế nhà nước, để hoang phí hết chục ngàn tỷ đồng này đến chục ngàn tỷ đồng khác – như vụ Vinashin, rồi đến vụ VN Petro, rồi tàn bạo trừng trị mọi tiếng nói ngay thật tố cáo họ.

Họ là thủ phạm làm cho văn hóa suy đồi, đạo lý băng hoại, y tế bệ rạc, giáo dục tàn tạ.

Tự trưng ra bộ mặt tham lam, tội lỗi, phạm pháp, tha hóa, đảng CS không còn là một nhân tố tử tế trong xã hội, nó đã tự đánh mất tính hợp pháp và chính đáng, nó phải được thay thế càng sớm càng tốt.

Chúng ta đang sống giữa thế giới văn minh, dân chủ, hiện đại, có tinh thần quốc tế đùm bọc, che chở cùng nhau hợp tác, lại có Hiến chương Liên Hiệp Quốc và một loạt văn kiện quốc tế làm nền tảng, trong đó quan trọng nhất là những Tuyên ngôn Nhân quyền, tất cà được coi như Hiến pháp của Cộng đồng Thế giới, mà chính quyền trong nước đã tự nguyện tham gia.

Chưa bao giờ bà con trong nước ta lại hiểu rõ ràng sâu sắc là cần thay đổi hẳn hệ thống chính trị của đất nước ta, không thể bằng lòng với những đổi mới hình thức, bộ phận, nhằm xoa dịu sự bất mãn của quần chúng. Đó chỉ có thể là từ hệ thống độc đảng sang hệ thống đa đảng trong trật tự luật pháp, các đảng chính trị hợp pháp vừa cộng tác vừa ganh đua thay phiên nhau cầm quyền. Đảng CS chỉ có lợi là do có ganh đua, có kiểm soát lẫn nhau, có cử tri làm trọng tài, đảng CS sẽ buộc phải giữ gìn đạo đức, tài năng, trở nên trong sạch, có công tâm hơn hiện nay, sẽ có thể lấy lại uy tín và niềm tin của quần chúng.

Trước tình hình trong nước và thế giới chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay, mong rằng trí thức, tuổi trẻ, cá đảng viên cộng sản trong sạch lương thiện hãy suy nghĩ, trao đổi để đi đến thành lập một đảng thật lành mạnh, có thể gọi là đảng Xã hội – Dân chủ Việt Nam, hay Tập hợp Công dân Việt Nam, hay đảng Dân tộc Việt Nam… cổ suý tự do và dân chủ thật sự, công bằng xã hội, pháp quyền nghiêm minh, coi trọng phụ nữ và tuổi trẻ, phục hồi những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ta.

Tôi nghĩ bà con ta ở trong nước có thừa đủ sức để lập nên chính đảng của chính mình, với sự ủng hộ, hỗ trợ từ xa của cộng đồng ở nước ngoài. Cộng đồng nước ngoài hãy tận lực hỗ trợ bà con ta ở trong nước, chủ yếu là vận động chính quyền nước mình đang sinh sống ủng hộ có hiệu quá quá trình chuyển đổi hệ thống chính trị ở trong nước. Vừa rồi bà con ta đã tập trung được 150.000 chữ ký trong một kiến nghị thiết thực, cũng là một hành động mạnh mẽ thiết thực chưa từng có.

Nhằm mục đích cứu nước cứu dân, đông đảo nhân dân ta có thể biểu dương nguyện vọng và ý chí muốn đổi mới hệ thống chính trị một cách hòa bình và có trật tự,với khẩu hiệu rõ ràng đòi tự do báo chí, đòi tự do lập hội, đòi ứng cử tự do, đòi trưng cầu dân ý về Hiến pháp mới, về tên của chế độ có nên là «xã hội chủ nghĩa» hay không? Có nên giữ chế độ độc đảng hay không? Có nên giữ chủ nghĩa Mác – Lênin hay không? Có nên giữ sở hữu quốc doanh làm chủ đạo nền kinh tế hay không? Nếu tất cả nhân dân, từ trí thức, sinh viên, học sinh, nhà kinh doanh, nông dân, thương nhân, lao động, thành viên các tôn giáo cùng cựu binh sĩ, gia đình liệt sỹ, gia đình quân nhân, cả những sỹ quan và nhân viên công an thật sự quý trọng dân, cùng nhau cất cao tiếng nói, can đảm bày tỏ ý nguyện của mình thì không một thế lực đen tối nào dám đàn áp.

Tôi viết bài này với tâm huyết của một người không mảy may có một tham vọng chính trị nào, chỉ xin bày tỏ một mong muốn duy nhất là nhân dân Việt Nam rất xứng đáng được hưởng tự do như mọi dân tộc khác, và xin toàn dân hãy cùng nhau đứng dậy đòi lại cái điều quý nhất ấy của chính mình.

Xin các bạn góp ý và trao đổi sôi nổi, xem há chẳng phải hiện nay là thời điểm thuận lợi chưa từng có cho sự nghiệp tự do dân chủ của toàn dân? Há chẳng phải môi trường chính trị trong và ngoài nước hiện nay là rất mực thuận lợi? Bắc Phi, Trung Đông, Trung Âu, Miến Điện nhắn nhủ điều gì cho chúng ta? Há chẳng phải việc xây dựng một tổ chức chính trị tử tế, lương thiện, yêu nước thương dân là tối cần thiết ? Ta có quyền và có sức làm hay không? Há chẳng phải đây là điều then chốt nhất?

Há chẳng phải chung lòng chung sức mọi tầng lớp, mọi ngành nghề, mọi tôn giáo, nam và nữ để đấu tranh cho một nước Việt Nam Độc lập, Tự do, Dân chủ, Bình đẳng, Phồn vinh, Hạnh phúc là thuận lòng dân, thuận trào lưu của thời đại? Há chẳng phải ý dân cũng là ý trời? Há chẳng phải tuổi trẻ chiếm đa số cử tri và phụ nữ là một nửa số cử tri có vai trò to lớn? Những nữ nhi yêu nước ngay thật như các cô Bùi Minh Hằng, Đỗ thị Minh Hạnh, Lê Công Nhân, Nguyễn Thị Dương Hà, Bích Huyền, Huỳnh Thục Vy, Võ Thị Hảo … không phải là hiếm.

Cũng xin nhắc lại nhân dịp sắp đến ngày 30-4 là lãnh đạo đảng Cộng sản còn nợ nhân dân ta lời hứa danh dự hòa giải và hòa hợp dân tộc, họ đã lật lọng thay vào đó là sự chiếm đóng và trả thù, họ còn nợ món nợ nữa là nền dân chủ cộng hòa mà họ chưa bao giờ thực hiện.

Đó là những món nợ của dân, của nước, trước sau không ai có thể quên và phủi tay được. Lúc này là thời cơ cho một việc làm mạnh dạn, quả đoán, quyết định vận mệnh dân tộc. Lúc này là lúc Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa, là lúc môi trường trong nước và quốc tế thuận lợi nhất để, trước hết, ta tự giúp ta, sau đó, quốc tế mới hỗ trợ cho chúng ta được. Sức dân sẽ hùng hậu, vô tận, không bao giờ cạn. Lịch sử đã đến và gõ cửa từng nhà, thức tỉnh từng công dân Việt, bạn có nghe thấy không, thưa bạn?

Bùi Tín (VOA)

 

25 Phản hồi cho “Môi trường đấu tranh chưa bao giờ thuận lợi như lúc này”

  1. Lâm Vũ says:

    1.
    Tôi có cảm tưởng khi viết bài ông Bùi Tín nghĩ nhiều đến người Việt trong nước hơn là ngưòi Việt hải ngoại. Điều này cũng tự nhiên và thật ra cũng cần kíp hơn: người Việt trong nước cần những đọc những ý tưởng khác với những bài báo đảng, và do một người viết mà họ hiểu ngay. Đó là nhiệm vụ chính mà nhà báo BT tư đặt cho mình, tôi nghĩ thế.

    Theo tôi, đó là lý do ông BT cố tình dùng “chiến tranh huynh đệ tương tàn”, chữ ngắn gọn hơn là “nội chiến”, chính vì CSVN thù ghét chữ này. Họ thù ghét vì họ vẫn biện minh rằng đó là cuộc chiến tranh giải phóng, điều mà, theo tôi, đa số người dân miền Bắc vẫn tin như thế. Tệ hại hơn nữa là những người trẻ VN hiện nay vẫn nghĩ như thế, vì họ không bao giờ nghe được lối giải thích nào khác cả!

    Tóm lại, việc dùng từ ngữ “chiến tranh huynh đệ” không những đúng mà còn cần thiết.

    2.
    Đối với chúng ta, những người sống suốt thời chiến tranh ở miền Nam không hề biết đến “thù hận” (*), nên thấy chữ ông Bùi Tín dùng là thừa, là sai. Điều này đúng với chúng ta thôi, nhưng chưa chắc đúng với tất cả mọi người Việt Nam.

    Dưới bài của ông TBN giới thiệu cuốn Tự truyện của hoà thượng Thích Trí Quang, tôi thấy số đông dùng những lời hằn học đối với ông Trần Bình Nam, chỉ vì ông không hằn học kết tội “thầy” TTQ. Điều này cho thấy gì?

    Đúng như bác Trầm Luân nói, cụm từ “HHHGDT” phát xuất từ Cương lĩnh của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, tức là do CS miền Bắc đưa ra để chiêu dụ ngưòi miền Nam theo họ. Để rồi, sai khi miền Nam đươc “giải phóng” thì họ không hề “hòa giải hòa hợp” gì cả, mà bắt quân cán chính miền Nam bỏ tù, hành hạ thể xác, cũng đối xử với dân miền Nam như quân thù, không được là công dân hạng hai!

    Nhưng nếu thật sự hiểu sự “thâm độc” của CS – người như bác Bùi Tìn chắc chắn hiểu rõ hơn ai hết – thì có thể nghĩ ra, chính sách đối xử nghiệt ngã đó không chỉ đơn thuần là để vừa đáng gục ý chí đề kháng của người dân miền Nam cũng như bóc lột sức lao động, CS còn nhắm vào một mục đích thâm hiểm lâu dai hơn: đó là tạo nên sự thù hận giữa người miền Nam và người miền Bắc – được đại diện bới thành phần đảng viên đông đảo. Sự thù hận càng sâu, khả năng ngưòi dân hai miền Nam Bắc đoàn kết với nhau để lật đổ chế độ càng yếu. Đó, theo tôi, chính là lý do tại sao một chế độ tàn bạo, yếu kém… dở hơi như thế lại có thể tồn tại lâu dài như thế trong một đất nước có truyền thống quật cường như Việt Nam!

    Quả thật, chúng ta thiếu đoàn kết dân tộc. Điều này ít người cãi lại. Nhưng khi nghe đến bốn chữ HGHH thì ai cũng phản đối, cho là người Việt không cần hòa giải. Rõ ràng là phi lý và chỉ do “cảm tính” mà có. Tôi cho là người Việt cần hòa giải (quên quá khứ không đẹp) và hòa hợp, theo nghĩa liên kết với nhau để bảo vệ lãnh thổ và tồ quốc. Nhưng nhất định một điều là không thể “hòa giải hòa hợp” với đảng CS và những người cầm đầu đảng này. Tập đoàn đó không xứng đáng với hai chữ “dân Việt”, nên không thể là đối tựợng của hoà giải và hòa hợp dân tộc được.

    Thân mến
    (*) Người dân miền Nam, lớn lên trong chiến tranh hẳn đều nhớ chương trình Dạ Lan của đài Tiếng nói Quân Đội, dành cho những chiến sĩ trong quân lực VNCH. Dĩ nhiên mục đích của chương trình là “tuyên truyền”, nhưng không hề dùng ngôn ngữ “khát máu”. Theo tôi nhớ, nội dung chủ yếu chỉ có những lá thư từ hậu phương gửi ra chiến trường, hoặc từ chiền trường gửi vế cho cha mẹ hay “người em bé bỏng hậu phương”… Đặc biệt, tôi còn nhớ mãi, là câu cuối của mỗi chương trình, người xướng ngôn Dạ Lan bằng giọng Bắc ngọt ngào: “… Dạ Lan xin chúc các anh chiến sĩ một giấc ngủ an lành, nhiều mộng đẹp, để ngày mai lại lên đường chống kẻ thù chung, là… Trung Cộng”. Đúng vậy, “Trung Cộng” chứ không phải Việt Công hay Cộng Sản miền Bắc! Đó mới đích thực là tình thần “hòa giải dân tộc”, ngay trong thời chiến tranh!

  2. NON NGÀN says:

    SỰ TIẾN HÓA CỦA THỜI GIAN

    Khi ông Hồ Chí Minh mang chủ nghĩa Mác vào VN, ông kéo theo sau ông một lớp người ủng hộ ông, phục vụ ông, giúp đỡ ông, ngã theo với ông, hưởng ứng trong mục đích cùng ông, trong hàng ngủ đó tất nhiên có ông Bùi Tín cũng là một nhân vật hậu sinh của ông Hồ rất khá quan trọng và nổi tiếng. Ông Bùi Tín từ lâu nằm trong hàng ngũ của ông Hồ nên biết rõ và khá nhiều mọi sự việc có liên quan trong hàng ngũ và thực tế đó. Dĩ nhiên, nếu so sánh những người cùng thời đại với ông Hồ, như các ông Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh … thì thấy họ hoàn toàn khác với ông Hồ. Những người khác với ông Hồ nói chung đều là những người đấu tranh chống Pháp một cách độc lập, tinh thần yêu nước của họ hoàn toàn là tinh thần và tình cảm dân tộc một cách chính đáng và tự nhiên. Sở dĩ họ chưa thành công là do hoàn cảnh lịch sử quốc nội và quốc tế chưa cho phép, thế thôi, không phải họ vụng về hay bất lực. Trong khi đó, ông Hồ thực chất đã tham gia vào phong trào cộng sản quốc tế ngay từ đầu. Lý tưởng và mục đích của ông Hồ không thuần túy chỉ là chủ nghĩa dân tộc mà đó chính là chủ nghĩa quốc tế. Học thuyết quốc tế vô sản của Mác và Lênin đó là chân lý, cơ sở, mục tiêu đấu tranh của ông Hồ mà không là gì khác. Kỹ thuật biện luận của Mác, kỹ thuật tuyên truyền của Lênin cũng sao cũng đã được thấm nhuần, được trang bị vào tận tâm hồn, máu huyết của ông mà những người khác ông như trên không thể nào có, cho dầu họ có muốn hay không muốn có. Nói cách khác, những người đó không ở trong tổ chức quốc tế, còn ông Hồ thì ngược lại. Vậy sự hậu thuẫn và sự thành công của ông Hồ, khác với những người khác ông, đó một phần lớn hay chủ yếu có mang tính quốc tế đương thời của nó. Ngoài điều đó ra, nó cũng còn là kỹ thuật lôi kéo thành công và khéo léo của ông Hồ qua các hoàn cảnh lịch sử, kể cả cho tới ngày nay, sau khi ông đã qua đời từ non nửa thế kỷ. Sự nghiệp của ông Hồ quả đúng là sự nghiệp quốc tế về nhiều mặt, chính là như thế. Hình ảnh của ông Hồ do vậy cũng là hình ảnh của mọi lãnh tụ trong phong trào cộng sản quốc tế mà không là gì khác. Có nghĩa nó luôn luôn được tuyên dương như một thần tượng có một không hai, khi chết rồi thì được vinh danh đời đời và được xây lăng tẩm, đó như một công thức phổ biến mà bất kỳ ai có nhận thức đều cũng phải thấy. Nên nói chung lại, những người như các ông Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, cho tới Nguyễn Hữu Thọ hay Huỳnh Tấn Phát v.v… nếu không phải là một phụ bản thì cũng là sản phẩm tự nhiên, truyền thống, miên viễn của ông Hồ mà không là gì khác. Chính ông Hồ cũng đáng nói hơn ông Ngô Đình Diệm là như thế. Ông Ngô Đình Diệm và các sản phẩm truyền thống về sau của ông ta, cho tới ông Nguyễn Văn Thiệu, thì cũng thế. Họ cũng chỉ là sản phẩm của thời đại trong hoàn cảnh dân tộc khách quan, nhưng đều không phải một sản phẩm kiểu quốc tế đúng nghĩa như chính ông Hồ. Nói rõ hơn, nếu ý nghĩa dân tộc, quốc gia của ông ông Hồ nếu có, nó cũng chỉ là một khía cạnh mơ hồ nào đó trong ý nghĩa của chủ nghĩa quốc tế nơi ông vẫn luôn như là sợi dây chủ đạo. Nên nói cho cùng, ngày nay trong mọi người VN nói chung, thật sự đều chỉ có hai khuynh hướng chính yếu quan trọng nhất, là khuynh hướng ca ngợi, tôn vinh ông Hồ, hay khuynh hướng ngược lại. Khuynh hướng đầu đó, không ngoài là khuynh hướng quốc tế, tức quốc tế cộng sản, hoặc chí ít cũng như là một quán tính còn lại một cách tự nhiên. Còn khuynh hướng sau, nếu không phải là những chủ đích cá nhân, thực chất là khuynh hướng ngược lại, tức khuynh hướng quốc gia, dân tộc mà không là gì khác. Đại thể lịch sử cận đại của VN chỉ là như vậy. Tuy nhiên, trong dòng đại thể đó lại có nhiều điểm phân hóa về thời gian khác nhau. Mà một trong những sự phân hóa nổi bật đáng nói đó, chính là sự cố Bùi Tín, vẫn là nổi bật nhất. Không xét mọi khía cạnh khác nhau nếu có, chỉ xét duy nhất về khía cạnh chính danh của lịch sử, sự kiện Bùi Tín quả là hiện tượng phân hóa theo hướng quay trở về ý nghĩa dân tộc, sau một thời gian dài của nó như là một ý nghĩa sản phẩm do ông Hồ Chí Minh đã gieo rắt, đào tạo, cũng giống như chính bản thân của ông Hồ ngay từ đầu đã được đào tạo, giúp đỡ và chi phối ra trong phong trào cộng sản hay vô sản quốc tế, mà học thuyết Mác Lênin chính là một khởi đầu bao quát khởi thủy nhất.

    NGÀN KHƠI
    (20/4/12)

  3. vinh says:

    ông Bùi Tín là người yêu nước . Người VN nào cũng đoc đưọc bài viết này thì hay biết mấy. Đúng như Bùi Tín nói, đã đến lúc Đảng CSVN phải cho người dân sự lưạ chọn, chính Đảng CS phải có trách nhiệm đưa VN đi đến Dân Chủ Đa Nguyên một cách Hoà Bình.

  4. Tuấn says:

    Nơi phát sinh ông tổ của cái XHCN Cộng Sản đã bị người dân đánh sập. Cái xã hội mất hết trật tự cả về xã hội lẫn đạo lý. Người khổ thì muôn kiếp sẽ khổ. Tiếng nói của kẻ thấp miệng bé cổ ở XHCN được đền đáp bằng những lời mạ lị, gậy gộc, súng ống, côn đồ và nhà tù. 37 năm sau khi cưỡng chiếm miền nam, tất cả đạo đức truyền thống ngàn năm của dân tộc cũng bị giải phóng luôn thay vào đó là sự suy đồi vô song hết thuốc chữa. Bòn cường hào ác bá bây giờ chúng được cái lăng Ba Đình bảo trợ mà nhà văn Dương Thu Hương gọi cái xác chết đó là “Dâm Thân” cả dân tộc bị nó mê hoặc.

  5. Thuan Vu says:

    Đồng ý và nhất trí với bác Bùi Tín. Cảm ơn bác.
    Về cộng đồng chống Cộng hải ngoai, tôi xin có một ý kiến đóng góp khiêm nhượng:
    ) Tất cả những người chống CS nên đứng về một bên. Già trẻ lớn bé, chống Cộng nhẹ nhàng hay triệt để, cực đoan hay còn phân vân…đều cùng một bên. Cố gắng làm việc chung và khai thác những đồng thuận, và san bằng bớt đi những khác biệt không quan trọng
    2) Có nhiều thành phần vì lý do kinh tế hay ngây thơ, hay vì lý tưởng tuổi trẻ… có thể làm những chương trình ở Việt Nam, đôi khi vô hình chung tạo nên cơ hội tuyên truyền cho CS, cũng cố hình ảnh của chế độ: chúng ta phải cố gắng làm tốt công việc dân vận kéo họ về phía chính nghĩa. Chửi bới, phê bình, dùng những lời lẽ không đẹp với nhau chỉ gây phản tác dụng.
    3) Cố gắng liên lạc đối thoại với thế hệ trẻ. Thật là một điều không may nếu thế hệ trẻ nghĩ rằng ” chính tri” là một điều nhạy cảmm không nên nói dến, vô hình chúng dùng nó như là một cái cớ để quên đi quá khứ tị nạn CS. Nhưng em trẻ như vậy rất dễ bị CS lợi dụng.
    4) Nên tăng cường vận động với cộng đồng sở tại nơi mình định cư, những bạn bè, đồng nghiệp người Mỹ( nếu ở Mỹ), nhà thờ, trường học, những đại diện chính quyền…

    Cảm ơn ĐCV cho góp ý.
    Mong tự do dân chủ mau đến cho đất nước. Nhìn Miến Điện mà chạnh lòng. Mừng cho bạn lại buồn cho mình

  6. kbc 3505 says:

    Thưa ông Bùi Tín,

    Tôi rất kính trọng ông Bùi Tín vì ông là một cán bộ đã thấy và hiểu nỗi đau tang thương của đất nước và sự khốn khổ của Dân Tộc dưới ách cai trị bạo tàn của cộng sản VN mà quay về với chính nghĩa dân tộc. Đây là điều mà tôi nghĩ rằng rất nhiều bạn đọc người Việt đã dành cảm tình tốt cho ông, và tôi cũng hy vọng được thấy những cán bộ cùng thời với ông và những cán bộ trẻ hiện nay cũng sẽ thấy được như ông đã thấy mà cùng nhau quay về với Dân Tộc.

    Tuy nhiên, có một điểm nhỏ trong bài viết này mà tôi thắc mắc khi ông dùng chữ “chiến tranh huynh đệ tương tàn” để gọi cuộc chiến Nam Bắc (1954-1975) là phi lý.

    Thưa ông Bùi Tín, có phải căn cứ vào hai người lính của hai miền cầm súng bắn nhau mà ông gọi là vậy chăng? Vậy đàng sau những người lính là gì? Tại sao người lính miền Bắc cầm súng bắn giết đống bào miền Nam và người lính miền Nam cầm súng chiến đấu để bảo vệ cái gì và bảo vệ ai? Vậy ai là chính nghĩa?

    Thành thật cám ơn ông Bùi Tín và kính chúc ông sức khỏe.

    kbc3505

    • nguenha says:

      Hoàn toàn dồng ý với bạn:không thể gọi cuộc chiến tranh vừa rồi là “huynh dệ tương tàn dược”.
      Tuy nhiên , dây cũng không phải là “diểm nhỏ”duợc.Dây chính là “cốt lỏi”hay khác hơn là “con bài chủ”của CS ,ngụy trang dể trở về với Dân-Tộc !!khi CNCS chỉ còn là Bóng-ma.
      Một diều dễ hiểu: khi “chiến tranh chấm dứt”những người CS có dối xử với người Miền
      Nam như tình Anh-Em dâu??mà gọi cuộc chiến là “huynh dệ tương tàn” !! Trả lời câu hỏi nầy là thấy rõ cuộc chiến tranh vừa rồi là gì?? Dó là cuộc chiến giữa “Vô-Sản và Tư-Sản”,dó là cuộc chiến “có bài bản”của Chủ nghĩa CS quốc tế.”Chủ nghĩa Mác-lênin bách chiến,bách thắng”hẩu hiệu dầy dẩy giữa phố-phường miền nam ngày ấy,dã nói lên thế nào là “chiến tranh chống Mỹ”.Còn “ấp-úng” ý nghĩa cuộc chiến, là còn “lập lờ dánh lận con den”.Sự Dối trá dã phơi bày,không còn gì dể biện bác nửa ở giờ thứ “25′nầy nửa bác Tín ạ!! Cám ơn bẠN 3505 dã nêu bậc ý nghĩa nầy.

      • kbc 3505 says:

        Thưa bạn nguenha,

        Cám ơn bạn đã góp ý và cùng quan điểm.

        Tôi nói “nhỏ” là nói lịch sự vì không muốn “nổ” lớn mà cố tình giảm tính quan trọng cốt lõi vấn đề thôi, vì tôi biết sẽ có nhiều bạn đọc bất đồng quan diểm này. Tôi có viết thêm một phản hồi nhưng BBT chưa post. Mong bạn sẽ đọc và góp ý.

        Chúc bạn sức khỏe,

        kbc3505

  7. LeQuocTrinh says:

    Thân chào hai bạn Trung Hoàng và Phận Trầm Luân,

    Trong khi chờ đợi câu trả lời của bác Bùi Tín trước tôi xin phép ngắn gọn với hai bạn Trung Hoàng và Phận Trầm Luân:

    Cuộc chiến tranh tàn khốc từ 1955 đến 1975 đã gây ra quá nhiều hậu quả khốc liệt cho người dân hai miền. Tuy rằng sau 30/04/1975 hoà bình lập lại, nhưng dân tộc VN vẫn còn bị phân hoá cùng cực chỉ vì chính sách tuyên truyền ngu dân mỵ dân của ĐCS VN cố tình bôi nhọ lịch sử và che dấu sự thật.

    Sự thật muôn thuở là không hề có xích mích giữa ngừơi dân hai miền Nam Bắc, không hề có khác biệt ngôn ngữ văn hoá giữa hai miền để sau cùng phải cầm súng bắn giết nhau. Nếu lấy mức lịch sử 1956 làm chuẩn thời gian thì rõ ràng Trung Quốc là kẻ xâm lăng VN trước tiên (hãy nghe lời thú tội của Nguyễn Tấn Dũng trong buổi họp Quốc Hội 25/11/2011 về vấn đề HS-TS) và chính quyền CS miền Bắc đã a dua theo ngoại bang phương Bắc để thực hiện mưu đồ nhuộm đỏ miền Nam, qua trung gian Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.

    Bác Bùi Tín là người xuất thân từ miền Bắc, hiểu rõ những sự kiện lịch sử hơn ai hết, do đó bác không thể nói năng thiếu chính xác để tiếp tục gieo rắc ngộ nhận. Bác đã viết “cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn” tức là bác mặc nhiên công nhận có “nội chiến giữa hai miền” dẫu rằng bác cho là “phi lý” đi chăng nữa. Đã đến lúc những người am hiểu lịch sử cận đại nên cẩn thận lời ăn tiếng nói để giành lại công lý cho những nạn nhân hy sinh oan uổng trong 60 năm bị đoạ đầy. Giờ phút này còn nói đến Hoà Hợp Hoà Giải Dân Tộc VN là còn cố tình bưng tai bịt mắt trước sự thật lịch sử.

    Ngày nào tập đoàn thủ phạm chưa bị đem ra xét xử trước công luận, ngày nào công lý chưa được thi hành để minh oan cho hàng chục triệu người dân chết oan uổng trong ba cuộc chiến, ngày đó chớ nên tiếp tục gieo rắc ngộ nhận, làm cho Dân Trí người dân bị hao mòn, không tạo được đoàn kết đồng thuận để đánh đuổi bọn xâm lược phương Bắc.

    • Phận Trầm Luân says:

      Nhìn tấm ảnh bác Bùi Tín đang tủm tỉm cười, tôi đoán là bác Bùi Tín đang thưởng thức những ý kiến đóng góp của chúng ta. Thật ra thì bác ấy không cần phải trả lời. Vì tất cả chúng ta đều có chung một mẫu số, những người Việt còn cốt lõi Việt. Chẳng cần phải phân tích từng chữ từng câu, hoặc chẻ từng sợi tóc ra để tìm mức độ chính xác của từng ngôn từ.

      Lòng can đảm và tích cực dấn thân là điều mà bác Bùi Tín muốn nhắn nhủ. Vận mạng trong tay ta. Phải không bác Bùi Tín?

      Lịch sử đã đến và gõ cửa từng nhà, thức tỉnh từng công dân Việt, bạn có nghe thấy không, thưa bạn?

  8. Trung Hoàng says:

    Hệ quả chứng bệnh hậu di của cuộc chiến huynh đệ tương tàn tương sát 54-75, nó vẫn còn lưu sót rơi rớt lại khắp trong và ngoài nước. Cho dù có rất nhiều thuận lợi để dân Việt trong ngoài có thể đến gần với nhau hơn nữa, nhưng bàn tay của KẺ LẠ vẫn cố cắt chia, tách rời những dân Việt yêu nước thực sự phải xa rời nhau mãi mãi, theo đúng ý đồ đen tối nham hiểm cực kỳ của họ.

    Bất kỳ một thành phần nào trong cộng đồng dân Việt, trong giai đoạn 45-54, có dính líu vào sự chia cắt đất nước, đều có ít nhiều tội lổi với dân tộc Việt Nam, đó là điều mà cả hai phía đều không thể nào chối cải được trước Lịch Sử Dân Tộc. Bởi vì Một Bàn Tay Thì Không Thể Vổ Nên Tiếng Kêu Được. Chính nghĩa dân tộc thưc sự không thể chỉ đứng về bất kỳ một phía nào, nó cũng chẳng khác chi “Sắc tức thị không, không bất dị sắc”.

    Cho dù gọi đó là chiến tranh huynh đệ tương tàn, nhưng phải hiểu kẻ gây nên thảm họa đó hoàn toàn do chính ĐCSMB mà nay là ĐCSVN tạo ra. Dân và chính quyền Miền Nam phải nhận lấy không biết là bao nhiêu thương đau khổ nhục, thực tế đó người CSMB không thể nào chối cải và ngụy biện là “Chống Mỹ Cứu Nước”. Có thể điểm thuận lợi cho công cuộc đấu tranh dân chủ cho Việt Nam hôm nay, chính là sự lỡ nhịp trong khẩu hiệu “Chống Mỹ Cứu Nước” của chính ĐCSVN đề xướng trước đây.

    Xin trân trọng.

  9. Nguyễn Nghĩa . says:

    Bác Bùi Tín viết thật chí lý.

    Bây giờ đã có dủ chứng cớ để kiện Phạm Văn Đồng, bằng công hàm 14/9/1958 đã bán Hoành Sa, Trường Sa cho TQ.
    Có thể kiện Lê Duẩn và BCT lúc đó đã tiến hành cuộc chiến tranh tổn hại sinh linh Việt Nam vô nghĩa.
    Ta đã có thể kiện TT Dũng vì Vinashin và Boxits Tây Nguyên, trồng rừng biên giới.
    Có thể kiện họ Nông vì thỏa thuận cho TQ vào Tây Nguyên.
    Có thể kiện Trọng vì hứa cho TQ các tỉnh biên giới phía bắc…

    Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn đã mất, nhưng phải có án để muôn đời các thế hệ VN nhớ bài học cuồng tín này.
    Họ Nông, họ Nguyễn Tấn, Nguyễn Phú vẫn còn, có thể hầu tòa được.

  10. LeQuocTrinh says:

    Chiến tranh huynh đệ tương tàn, thật không ?

    Thân chào bác Bùi Tín,

    Tôi quan tâm đến tựa đề bài viết của bác bao nhiêu thì tôi lại càng thất vọng bấy nhiêu khi đọc hai đoạn đầu của bài, như sau:

    …”1975–30/4/2012, 37 năm đã qua kể từ khi cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn phi lý đã chấm dứt trên đất nước ta. Với thời gian, nhận thức về thời cuộc đã ngày càng sáng tỏ trong tâm thức của người Việt Nam ta. Những quan điểm đối lập do hoàn cảnh lịch sử, do thành kiến và định kiến, do tác động của những học thuyết xa lạ dần dần được tháo gỡ và xóa bỏ, đưa lại một đồng thuận gần như thống nhất rất quý báu và đáng mừng.

    Đó là nhận thức rằng học thuyết Mác – Lênin được một số người lãnh đạo cộng sản du nhập vào Việt Nam là một học thuyết sai lầm, nguy hiểm, trái với bản chất nhân đạo của con người, đã phá sản hoàn toàn ở bất cứ nơi nào nó được áp dụng – từ châu Âu, sang Liên Xô cũ, đến Trung Âu và Đông Âu, và ở ngay những nơi nó còn được xưng tụng một cách giả dối như Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Bắc Triều Tiên”…
    _________________

    Tôi tự hỏi chẳng lẽ đến thời điểm quan trọng này, qua biết bao nhiêu tin tức chính xác nhờ mạng lưới Internet, mà bác Bùi Tín hãy còn nghĩ rằng “cuộc chiến tranh này là cuộc chiến huynh đệ tương tàn” sao? Tôi dám cá chắc bác sẽ không thể nào cung cấp nổi dữ liệu lịch sử để minh chứng rằng có hiềm khích hay hận thù anh em giữa hai miền Nam Bắc (ngoại trừ thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh cách dây hơn hai trăm năm). Tôi cũng dám cá chắc rằng bác không thể tìm được những lời ca, thơ truyện xuất bản từ miền Nam dưới hai chính thể VNCH mang tư tưởng hận thù với đồng bào ngoài Bắc. Họ có mang hận thù với chủ nghĩa Cộng Sản vô luân, vô nhân đạo thì đúng hơn. Và tôi cũng dám công khai đối thoại với bác trên Diễn Đàn này để chứng tỏ kẻ gieo rắc hận thù gây chia rẽ dân tộc chính là tập đoàn lãnh đạo ĐCS VN từ hơn 60 năm qua.

    Kết luận: Tôi chính thức đề nghị bác Bùi Tín sửa lai câu cú ngôn từ trong bài viết bằng cách gạch bỏ hàng chữ “huynh đệ tương tàn”. Đây chính là ngộ nhận lớn nhất của một số người còn nhẹ dạ chưa thấy rõ bản chất hung tàn gian ác của ĐCS VN, rồi từ đó họ cứ hay rêu rao “Hoà Hợp Hoà Giải Dân Tộc VN” mà vô tình bị vướng vào cái bẫy tuyên truyền của CS. Thực chất là nhân dân VN không hề có vấn đề nội bộ gì cả, từ văn hoá, đến ngôn ngữ, đến phong tục, hoàn toàn không có khác biệt đến nỗi phải cầm súng bắn nhau. Do đó kêu gọi Hoà Hợp Hoà Giải Dân Tộc là sai lầm hoàn toàn.

    Nếu bác không muốn chỉnh sửa như tôi đề nghị, thì tôi sẵn sàng lắng tai nghe những lời giải thích lý tình đầy đủ của bác trên Diễn Đàn này.

    Kính chào bác,

    Lê Quốc Trinh, Canada

    • Phận Trầm Luân says:

      Khi trích dẫn lời người khác nói hoặc viết, chúng ta phải giữ ngữ ý của lời trích. Bác Bùi Tín viết: “…chiến tranh huynh đệ tương tàn phi lý…” còn LQT chỉ trích “…chiến tranh huynh đệ tương tàn…” rồi dùng đó làm căn bản biện luận.

      Người Việt Nam ở cả hai miền đã từng cầm súng bắn vào nhau. Bất kể lý tưởng và chính nghĩa riêng, bất kể chủ nghĩa và ý thức hệ, bất kể những toan tính và mưu lược. Hành vi đó, hành vi hai miền cầm súng bắn vào nhau, là hành vi “huynh đệ tương tàn”.

      Bình tâm tỉnh trí lại — sau 37 năm, mà vẫn uất ức cho nước Việt. Không cần định công vạch tội, cuộc chiến thật vô vọng, không ra gì. Cả hai bên đều phải dựa vào ngoại bang để tương tàn lẫn nhau. Đúng là …”chiến tranh huynh đệ tương tàn phi lý…”!!!

      Cụm từ “Hoà Hợp Hoà Giải Dân Tộc” là của miền bắc đặt ra để sử dụng và mớm cho một đám người ngây ngô ở miền nam. Lãnh đạo miền bắc dùng nó như một vũ khí để phân hóa và dân vận miền nam. Đương nhiên kẻ thắng cuộc sẽ không dùng vũ khí đó để tự hại mình.
      Bác Bùi Tín và tuyệt đại đa số dân Việt Nam đều đồng tình, đồng cảm với LQT rằng …”nhân dân VN không hề có vấn đề nội bộ gì cả, từ văn hoá, đến ngôn ngữ, đến phong tục, hoàn toàn không có khác biệt đến nỗi phải cầm súng bắn nhau.” Tôi cho rằng bác Bùi Tín chỉ muốn dùng gậy ông để đập lưng ông qua lối sử dụng cụm từ này. Những lời kêu gọi này nhằm tìm sự đồng tình của độc giả hơn là “lời khuyên” với đảng CSVN.

      PTL.

    • Nguyễn Việt says:

      Từ trước tới nay, có cuộc chiến tranh nào mà những nguời dân bình thường tự hận thù nhau, nếu không bị bọn cầm quyền kích động và xua đẩy họ bắn giết nhau. Thời Trịnh Nguyễn cũng vậy thôi.

      Cuộc chiến 45-75 dù là Pháp hay Mỹ dính líu vào, cũng đều có cảnh người Việt giết người Việt. Ông Nhu đã hô hào Bắc Tiến, ông Kỳ đã tự tay lái máy bay ra ném bom ngoài Bắc về còn đăng báo trong này. Đài báo ngoài Bắc làm tâm lý chiến, “đich vận, ngụy vận” ra sao, thì trong Nam, ” Tổng cuộc Chiến tranh chính trị” cũng phản pháo y như vậy.

      Đảng CS thì coi cuộc chiến đó là “Giải phóng miền Nam, chống Mỹ xâm lược” chứ không phải là “Huynh đệ tương tàn”. Nay ông Trinh cũng phủ nhận tính nội chiến của nó, tuy muốn đảo nguợc sự thật.

    • Ngàn Khơi says:

      TÔI NGHĨ

      Tôi nghĩ ông Bùi Tín khi viết “huynh đệ tương tàn” là ông ám chỉ hay muốn nói kết quả của cuộc chiến tranh đã qua. Trong khi đó, ông Lê Quốc Trinh muốn hiểu ý nghĩa đó về mặt nguyên nhân hay mặt bản chất. Nếu đúng như thế, quả thật chẳng khác gì việc ông nói gà bà nói vịt, mặc dù cũng chỉ cùng một đối tượng sự vật như nhau. Cho nên, cái quan trọng không phải ở khía cạnh hiểu về vấn đề thế nào, nhưng chính là có thừa nhận vấn đề như thế đó hay không. Có nghĩa cho tới hiện nay, không phải không có người vẫn nghĩ đây là chiến tranh giải phóng đất nước, chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Những người nào vẫn nghĩ như thế, tất nhiên họ chỉ cho ông Bùi Tín hay ông Lê Quốc Trinh chỉ là bọn phản động, là đám chống phá cách mạng. Nói như thế, để thấy rằng ông Lê Quốc Trinh chẳng cần phải sửa lưng, sửa gáy ông Bùi Tín mà làm gì. Song vấn đề quan trọng nhất hiện nay, chính là ý hướng của Bùi Tín – Lê Quốc Trinh, và ý hướng của những người chống lại BT lẫn LQT, đó mới là điều đáng nói nhất. Người Pháp có câu ngạn ngữ chân lý bên này dãy Pyrénées không phải chân lý bên kia của dãy núi đó. Đó là một thực tế tuy rất tầm thường, mà cũng rất khách quan. Bởi vì ngày nay tại VN, không phải ai đọc ý kiến của Bùi Tín hoặc Lê Quốc Trinh cũng đều công khai hay ngấm ngầm thừa nhận cho là đúng. Mà ý nghĩa chính, là do hậu quả của sự tuyên truyền, do trình độ hiểu biết nhận thức nhiều phương diện khác nhau, do các ràng buộc về quyền lợi, cảm xúc hay các tình cảm đã có nào đó, khiến sự dị biệt về quan điểm, về đánh giá các sự kiện lịch sử vừa qua của người VN không phải không có. Cho nên mọi vấn đề đã qua vẫn thuộc về những việc đã qua, còn những vẫn đề hiện tại, lại thuộc về những điều hiện tại. Kể cả những vấn đề trong tương lai cũng còn phụ thuộc vào cả những vấn đề như thế của hiện tại, đó là những gì mọi người cần quan tâm giải quyết trước nhất, nếu quả đúng họ đều là những người hoàn toàn có thiện chí, hiểu biết, và sáng suốt.

      Non Ngàn
      (20/4/12)

Leave a Reply to Ngàn Khơi