WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Con người vẫn có thể tự do sống sót

1.

Dragomán György, sinh năm 1973 ở vùng Marosvásárhely (Târgu-Mures)/Siebenbürgen – lớn lên trong một cộng đồng thiểu số người Hungary sinh sống trên địa bàn Rumänien.

Dragomán György

Từ năm 1988, Dragomán György bắt đầu sống ở Budapest với sự chăm sóc của người mẹ là giáo viên và người cha là một bác sĩ Nha khoa. Anh tốt nghiệp tiếng Anh tại Đại học Tổng hợp Eötvös-Loránd ở Budapest

Suốt mười năm sống trong thành phố đẹp, được ví như Paris của Đông Âu, anh đã say mê dịch văn chương tiếng Anh của Samuel Bechkett, James Joyce, Ivrine Welsh, Mickey Donnelly và Ian McEwan sang tiếng Hung để thỏa mãn sinh thú và làm việc như một Webdesigner, như một nhà phê bình phim cho cuộc mưu sinh thường nhật.
Sách của hủy diệt (A pusztítás könyve) tiểu thuyết đầu tay của anh viết về ba ngày trong cuộc đời tăm tối đầy bạo lực của một kiến trúc sư trẻ trong quân ngũ xuất bản năm 2002 đã được trao Giải thưởng Văn chương Bródy của Hungary dành cho tiểu thuyết đầu tay xuất sắc nhất trong năm 2003.

Vua Trắng (A Fehér Király) xuất bản năm 2005 tại Budapest và đoạt ngay giải thưởng Văn chương-Márai Sándor và ấn bản tiếng Anh của tác phẩm này lập tức nhận được sự khen ngợi nồng nhiệt của giới phê bình ở New York Times và báo chí quốc tế. Năm 2011, Vua Trắng được nhận thêm Giải thưởng văn chương ”Jan-Michalski”.
Khi ấn bản tiếng Việt đầu tiên đến tay bạn đọc, có nghĩa là Vua Trắng của Dragomán György đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng.

2

Nhân vật chính của tiểu thuyết là cậu bé Dzsata mười một tuổi bỗng dưng trở nên lang thang lêu lổng trong thấp thỏm lo âu vì mất bố. Đinh ninh là bố mình đi công tác, cậu không hề biết là mật vụ đã đưa bố cậu vào trại cưỡng bức lao động Kênh đào Duna chỉ vì ông đã ký tên vào bản kiến nghị phản đối chế độ độc tài. Mẹ cậu dù là một nữ giáo viên can đảm cũng không thể giấu được ưu phiền và tuyệt vọng khi bà bị mất việc vì có chồng bị đi tù vì “bất đồng chính kiến”. Hơn nữa, do bị bà nội và ông nội cậu rủa sả là chỉ tại con đĩ Do Thái xui khiến mà con trai họ đã lầm đường lạc lối, đến mức sau đó, vì uất ức mà mẹ cậu kiên quyết không thèm nhìn mặt cả hai.

Không gian và thời gian của tiểu thuyết là một thành phố Rumänien bé nhỏ trong cơn địa chấn Tschernobyl năm 1986.

Từ năm 2008, bản dịch Vua Trắng từ tiếng Hung sang tiếng Đức của dịch giả László Kornitzer do Suhrkamp Verlag ấn hành đã được độc giả nước Đức ngưỡng mộ nồng nhiệt. Nhà văn Hungary György Konrád (sinh năm 1933), người đọat nhiều giải văn chương lớn và từng là Chủ tịch Viện hàn lâm Nghệ thuật Berlin từ năm 1997 đến năm 2003, đã bình luận: “Một người cha tù ngục, một người mẹ can đảm và sự đối chất của một đứa trẻ tỉnh táo với một chế độ độc tài ghê tởm. György là một tài năng trẻ xuất sắc của văn chương Hungary. Với ngôn ngữ mãnh mẽ, đậm đặc tiểu thuyết ngọt ngào, hoang dã và cuồng nhiệt này sẽ bền đọng dài lâu”.

3
Bằng sự thuật kể hồn nhiên sống động qua cái nhìn trong suốt, tỉnh queo của cậu bé 11 tuổi xuyên suốt 18 trường đoạn, Dragomán György đã tái hiện tài tình hai năm lang thang với những bông Tulip, những cú nhảy, với nhạc, với rạp chiếu bóng, với mỏ vàng; sáu tháng lăn lóc đớn đau đầy sợ hãi với chiến tranh, với Châu Phi, với khám nhà, với cái van, với rìu, với mặc cả, với thừa thãi; với vọng cảnh của cậu bé. Ngày này qua ngày khác, niềm hy vọng được gặp lại bố của cậu bé Dzsata cứ tiêu tan tàn lụi âm thầm.

Khởi đầu từ những bông Tulip xúc động tái tê vì cậu đã hái trộm để tặng mẹ nhân ngày bố mẹ cưới nhau (vì bố đã bị giam giữ) tới Đám tang ông nội (nguyên là Bí thư Đảng ủy) đầy mật vụ và bạo lực khôn lường ập lên người mẹ phẫn nộ thét đòi công lý, lên người bố bất lực đổ gục trong xiềng xích bởi những đòn thù đê tiện; có thể nói toàn bộ số phận bi kịch của một gia đình dưới chế độ độc tài đầy ắp bạo lực phi lý không có lối thoát của Nicolai Ceausescu đã được phanh phui một cách dịu dàng, cay đắng và mãnh liệt. Bất chấp những đòn đánh hiểm ác khôn lường, một mình một thuổng, cái thuổng mà cậu cướp được từ tay những người định đào huyệt chôn ông nội, cậu tả xung hữu đột giữa đám mật vụ như một võ sĩ, những mong người ta sẽ thả bố ra sau khi đã chôn cất ông nội xong; nhưng rốt cuộc dù đã vung cây thuổng sắt lên đầu và phóng người lao theo thật nhanh, thật nhanh thì mãi mãi cậu vẫn chỉ là kẻ tuyệt vọng lao đi sau chiếc xe tù đầy bạo lực của chế độ độc tài. Rõ ràng sự đàn áp của chế độ cộng sản toàn trị Rumanien chính là cội rễ hiện thực của “Vua Trắng”.

Tiểu thuyết kết thúc trong sự căng thẳng tột đỉnh của tấn bi kịch gia đình, mọi dối trá che đậy rốt cuộc cũng phơi bầy, sự bùng lên được kích hoạt trong cảnh tượng mai táng và dồn nén sức nổ vào giữa lồng ngực mười một tuổi. Nghệ thuật tiểu thuyết của Dragomán György xứng đáng được đánh giá là bút pháp của một phong cách lớn.

4
Văn chương của Dragomán György làm tôi nghĩ các đến tiểu thuyết: Hôm nay tôi không thích gặp gỡ gì, Tim thú vật, Hơi thở đu đưa của Herta Müller (Nobel Văn chương năm 2009), mặc dù văn phong của nữ văn sĩ đồng hương với anh có vẻ ngắn và lạnh hơn (Herta Müller sinh năm Quý Tỵ 1953- là người Đức gốc Rumanien).
Các nhân vật trong các tiểu thuyết của Herta Müller và chính bản thân bà cũng là những kẻ bất đồng chính kiến đã sống sót trong sự khủng bố tàn bạo của chế độ độc tài Ceausescu.

Nhân vật Dzsata khiến tôi liên tưởng đến cậu thiếu niên 15 tuổi trong tiểu thuyết Không số phận. Khác biệt là ở chỗ cậu bé của Kertész Imre (Nobel Văn chương năm 2002 – sinh năm Kỷ Tỵ 1929), là kẻ sống sót trong trại tập trung man rợ của Phát-xít Đức, còn cậu bé của Dragomán György là kẻ sống sót trong chế độ độc tài Cộng sản Rumanien.

Dù chưa có ý định so sánh tác giả Vua Trắng với hai bậc tiền bối đồng hương của anh; nhưng tôi thán phục cú nhảy văn chương Budapest trẻ trung ngoạn mục từ một cộng đồng thiểu số người Hung tại Rumänien của Dragomán György lên văn đàn Châu Âu.

Không có cơ may và kinh hãi khôn cùng hay là những cảnh trạng tan nát của tuổi thơ trong tiểu thuyết “Vua Trắng” của Dragomán György. Đó là nhan đề một bài phê bình trên tờ Neue Zürcher Zeitung AG tại Đức năm 2008.

Bài báo có đoạn viết: ”Dragomán György kể những câu chuyện cũ về đàn áp và đối lập, về cưỡng bức và bất đồng chính kiến, bằng cái nhìn trẻ thơ thông minh mới mẻ đến choáng váng, sự rùng rơn khủng khiếp được gọi về và đồng thời cũng tạo nên sự an ủi. Tiểu thuyết của ông ra mắt vào thời kỳ mà luôn luôn có rất nhiều người ở Châu Âu đã sẵn sàng xá tội cho sự đê tiện của chủ nghĩa Cộng sản”.

Hơn tám mươi triệu người Việt ở trong và ngoài nước bây giờ cũng đâu có lạ lẫm gì với mặt thật của một chế độc độc tài độc Đảng.

Vậy có thể đề tặng tiểu thuyết này cho những ai? Cậu bé Dzsata có bao nhiêu bè bạn Việt Nam? Có lẽ nên đề tặng “Vua Trắng” cho tất cả những đứa con thơ của những người bất đồng chính kiến còn sống hoặc đã chết hay vẫn đang còn bị giam cầm.

5

 

Dịch giả Trương Đức

Lẽ ra tôi đã có dịp cùng với dịch giả Trương Đức gặp gỡ với Dragomán György. Hiện anh đang sống với vợ là nữ thi sĩ Anna T. Szabó và hai con nhỏ tại Budaõrs. Tiếc là mấy ngày phiêu du ở Budapest hồi giữa tháng Tám và cuối tháng 09 năm ngoái (2011), chỉ vì quá tải hẹn hò nên tôi đã bỏ lỡ cơ hội gặp tác giả Vua Trắng; mặc dù anh đã nhận lời dịch giả cho một cuộc gặp gỡ tay ba.

Là người luôn theo đuổi một nguyên tắc cấu trúc tiểu thuyết chống lại mọi kết cục có thể tính trước, anh đã dễ dàng bỏ qua sự lỗi hẹn của tôi và Trương Đức. Bằng chứng là sau đó anh và dịch giả Trương Đức đã có cuộc trò chuyện tay đôi và tình cờ anh đã nói là anh không bao giờ bỏ cuộc. Tất nhiên dịch giả cũng không bỏ cuộc, Trương Đức không bỏ cuộc, nên giờ đây bản dịch Vua Trắng của anh đã đến tay bạn đọc Việt ngữ.

Khi trả lời Trương Đức hỏi về tác phẩm “Vua Trắng”, Dragomán György đã thổ lộ: “Tôi nghĩ cuốn sách đã nói rằng: Ai đó vẫn có thể tự do sống sót trong một thế giới mà sự tự do hầu như không thể hiện hữu nổi bởi vì nỗi sợ hãi đã lấy mất đi phần nào trí tuệ của con người”.

Vẫn hiểu người ta có thể sống sót khi biết sợ hãi; nhưng sau nhiều năm ăn ở với chế độ độc tài và tha hương phiêu bạt, tôi cay đắng nhận ra: nỗi sợ hãi đã làm cho con người trở nên bất lực và lú lẫn.

Người Việt thường nhắc nhau “cả giận mất khôn”. Nhưng trước sự tàn bạo khủng khiếp của độc tài cộng sản thì “cả sợ cũng mất khôn”. Càng cả sợ lại càng mất khôn!
Hy vọng “con người vẫn có thể tự do sống sót” khi biết cách không cho phép nỗi sợ hãi giết dần giết mòn trí khôn của mình, cũng như trí tuệ của dân tộc mình.

Thế Dũng- Berlin 09.06.2012

—————————————————-

Tiểu thuyết: Vua Trắng
Nguyên bản tiếng Hung: A Feher kiraly
Tác giả:György Dragoman Do Magvetö xuất bản tại Budapest năm 2005
Dịch giả: Trương Đức* – Edition VIPEN xuất bản tại Berlin năm 2012
Có tham khảo đối chiếu với ấn bản tiếng Đức: Der Weiße König của Suhrkamp Verlag năm 2008
Phát hành tại Đức và Châu Âu từ ngày 05 tháng 08 năm 2012 theo Hợp đồng bản quyền giữa:
The Gernert Company, Inc. & Edition VIPEN – www.vipen.de
ISBN: 978-3-9813547-4-4
Trình bày sách: Vũ Trần – Thiết kế Bìa: Thai Gottsmann & Vũ Xương Minh
Sách dày 320 trang – Bìa 4 mầu – giá bán :15,90 Euro

*Trương Đức (Tên thật là Trương Đức Hường. Sinh 29.08.1965, Kỹ sư xây dựng. Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Budapest khóa 1986-1991. Hiện đang sống với người vợ Hung và cô con gái nhỏ tại Budapest.
Dịch phẩm: Di sản của Eszter – Márai Sasndor của Trương Đức đã được Nhà xuất bản Văn học Trung tâm Văn hóa Nhã Nam xuất bản năm 2008.

 

 

Phản hồi