WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Sống với người Việt [6]

Tiếp theo các phần: I, II, III, IV, và V.

Tác giả: Philippe Papin và Laurent Passicousset

Người dịch: Hoàng Hà. Hiệu đính: Diệu Linh

Bản tiếng Việt của trang: Anhbasam

Phần VI: Hiền, một người được kết nạp vào Đảng như nhiều người khác

 

Quang cảnh một buổi lễ kết nạp đảng viên. Ảnh minh họa, on the net

Đảng là một thế giới bí ẩn, không gì lộ ra được bên ngoài, người ta nói những điều đầy trái ngược về thế giới đó. Một số người nhìn thấy Đảng hiện diện ở khắp nơi, một số khác chẳng thấy nó ở đâu cả. Không ai thực sự biết Đảng là gì và hoạt động ra sao trong đời sống hàng ngày. Nhưng dù sao một chút ít thông tin nhỏ nhoi về Đảng có lẽ sẽ được người ta biết, bởi vì từ những năm 2000, chúng ta được chứng kiến một sự khuyếch trương mở rộng của Đảng trên diện rộng. Các cơ sở Đảng khác nhau ở các cấp độ khác nhau lần lượt kết nạp thành viên. Đảng phát động một chiến dịch tuyên truyền rộng khắp, trên đường phố, trên báo chí và trên truyền hình. Và nếu nhìn với con mắt nghề nghiệp hơn thì thấy rằng Đảng đang ở mọi cấp độ công khai chiếm lĩnh các cơ quan lập pháp và hành pháp địa phương. Ta không thể biết mọi điều sẽ tiến triển ra sao, nhưng ít ra cần phải cố gắng hiểu chúng.

Để làm điều  này, tốt hơn hết là hãy lắng nghe một chứng nhân, một trong số hàng triệu thanh niên Việt Nam đến một thời điểm bước ngoặt trong sự nghiệp của mình bỗng nhiên đứng trước tình huống gia nhập hay không gia nhập tổ chức Đảng. Đó chính là trường hợp của Hiền. Cô 36 tuổi, thích vui sống, chế nhạo chuyện chính trị, nhưng đã gia nhập hàng ngũ của Đảng cộng sản và vừa nhận tấm thẻ Đảng viên. Câu chuyện của cô cho ta biết vì sao và làm thế nào những con người bình thường gia nhập tổ chức Đảng, hay vì sao và làm thế nào mà họ không thể làm khác thế, cho ta biết cả cách thức mà những “chi bộ” huyền thoại vốn định hình đất nước này vận hành, cũng như là thái độ ngày càng thờ ơ của người Việt Nam đối với đời sống chính trị của đất nước mình.

Cách thức và sự gia nhập Đảng

Hiền là mẹ của một cô con gái chín tuổi và sống tại một khu tập thể chung cư phía Nam Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp khoa tiếng Anh vào năm 1995, cô làm việc cho một số công ty nước ngoài tới năm 2002. Trong thời gian này, cô hưởng một mức lương cao: trung bình là 230 euro mỗi tháng. Cô khi đó thuộc lớp thanh niên Việt Nam giỏi dang biết thích ứng với một nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên vào năm 2002, cô thôi làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài để chấp nhận một vị trí khiêm nhường tại bộ phận thông tin-tư liệu của bộ nông nghiệp. Việc chuyển đổi diễn ra dễ dàng.

Được một người họ hàng chỉ bảo, cô đã vượt qua kì thi viết một cách dễ dàng, còn tại kì thi phỏng vấn, cô đã biết chứng tỏ kinh nghiệm làm việc liên quan đến lĩnh vực quốc tế của mình. Lương cô nhận chỉ còn là 45 euro, nhưng bù lại cô đạt được cái mình từng mơ ước: một công việc ổn định và có nhiều thời gian hơn để chăm sóc con gái khi đó mới một tuổi. Khi đó, cô thấy bằng lòng và không hề tiếc về sự lựa chọn này của mình. Cô có thời gian, có nhiều thời gian là đằng khác. Chắc chắn mức lương của cô mà cô có thể kiếm đước khi đó ở một văn phòng nước ngoài là 700 euro nếu như cô không có quyết định thay đổi đó: song thực tế cô chỉ còn kiếm được gần một nửa so với mức đó nếu cộng them khoảng 200 euro cô kiếm thêm được nhờ công việc dịch thuật làm ngoài giờ.

Trong hai năm đầu, công việc của Hiền diễn ra bình thường. Giờ giấc làm việc ở cơ quan linh động, thỉnh thoảng có thể vắng mặt một ít không sao, bầu không khí làm việc thân thiện. Đồng nghiệp của cô thích bàn đủ chuyện trên đời, thích bông đùa, bình luận chuyện thời sự, thổi phồng những chuyện bàn tán đó đây trong thành phố. Cô hoà đồng với mọi người, đặc biệt có quan hệ tốt với sếp của mình – một người có cá tính nhu hiền biết tế nhị tìm hiểu về gia đình, sở thích và suy nghĩ của cô. Anh ta tỏ ra rất quan tâm: Hiền không biết tại sao, nhưng cô để ý thấy thế. Vào một ngày đẹp trời, anh cho gọi cô lên gặp và với vẻ mặt quan trọng đặt vấn đề tạo điều kiện giúp đỡ cô vào Đảng. Chẳng có gì là chắc chắn cả, bởi vì quyết định lại không phụ thuộc vào cô cũng chẳng vào anh ta, chỉ có điều anh ta cho rằng khả năng cô được vào Đảng chắc chắn và do vậy anh ta thấy có trách nhiệm khuyên nhủ cô. Cô đã cảm ơn anh ta đã quan tâm tới cô và nói rằng cô sẽ suy nghĩ về đề nghị này, rồi trở về nhà trong tâm trạng rất rối bời.

Hiền đâu có muốn dính dáng gì đến chính trị đâu. Những điều cô biết về chính trị làm cô càng do dự thêm. Từ bé cô đã được tắm trong những bài ca yêu nước, đã từng đeo chiếc khăn quàng đỏ của đội viên, đã từng trong suốt nhiều năm nghe đi nghe lại một bài diễn văn ở nhà, ở trường và ở trên ti-vi, đã từng học quân sự, đã từng theo học những giờ giảng về chủ nghĩa Mác-Lênin bắt buộc ở trường Đại học. Cô đã biết những cụm từ về đấu tranh giai cấp, tích tụ vốn tư bản nguyên thuỷ, thực dân khát máu, đế quốc Mĩ, chế độ nguỵ quyền miền Nam, bình minh rạng rỡ, những ngày mai huy hoàng và tương lai nhuốm màu đỏ. Trong số tất cả những thứ đó, chẳng thứ gì lạ lẫm với cô, nhưng cũng chẳng thứ gì làm cô quan tâm cả.

Cô đã có gia đình, có cuộc sống độc lập, cô chỉ muốn giải phóng mình, ấy thế mà giờ đây người ta lại đề nghị cô quay lại phía sau…Chưa kể là điều kiện làm việc việc của cô sẽ vất vả hơn, vì như mọi người đều biết rồi, một Đảng viên phải đến cơ quan đúng giờ và không được về trước 3 giờ chiều. “Là Đảng viên tạo ra một kiểu kiểm tra thứ hai đối với nhân viên, và đó là một kiểu kiểm tra chặt chẽ vì lẽ nó xuất phát từ cơ sở Đảng bộ mà nhân viên đó trực thuộc; mọi việc có thể biến chuyển không có lợi, nhất là vào kì kiểm điểm cuối năm, lúc mà Đảng viên không được giấu giếm gì. Cuối cùng, Hiền không muốn mất thời gian; cô đã bỏ làm công ty tư nhân cũng chỉ vì điều này, chứ không phải để mất nhiều giờ họp hành vô bổ. Ngày hôm sau, cô gặp sếp với bộ dạng ra vẻ tiu nghỉu, từ chối đề nghị vào Đảng, với cái cớ hợp lí là phải dành thời gian dậy dỗ con gái.

Một năm sau, đó là vào cuối năm 2005, Thọ lại nhắc lại lời đề nghị. Hiền cố gắng khoái thác nhưng lúc này tình thế của cô đã khác: con gái cô đã bốn tuổi và đi lớp mẫu giáo. Lí do hoàn cảnh gia đình không còn giá trị. Hơn nữa, không ai có thể từ chối vào Đảng nếu không có một lí do chính đáng, vì lẽ vào Đảng là một niềm vinh dự và do vậy phải được đón nhận một cách nhiệt tình. Thọ – một người tử tế và vồn vã – không cần phải nhắc lại điều này với Hiền, và thế là cô ấp úng chấp thuận sẽ thực hiện những bước đầu tiên trên con đường gia nhập Đảng. Vài tháng sau, tên cô xuất hiện trên danh sách những người được đề cử vào lớp cảm tình Đảng. Thế là mỗi người trong cơ quan lúc này biết cô đang trong giai đoạn thử thách để được kết nạp.

Cô theo lớp học này vào tháng tư năm 2006 cùng với hàng trăm người khác như cô được tập hợp từ nhiều phòng ban khác của cơ quan tại phòng hội trường lớn của Bộ Y tế tại khu Giảng Võ. Lớp học chia thành hai giai đoạn: ba ngày học, hai ngày dành cho soạn một bản ghi nhớ tại nhà. Vàọ buổi sáng ngày học đầu tiên, các học viên lớp cảm tình Đảng phải mua ngay tại lớp học một tập sách chính trị chứa nội dung chính của khoá đào tạo, hay đúng hơn đó là nội dung duy nhất vì lẽ những giờ giảng chẳng qua cũng chỉ là những lần đọc nội dung đó trước đông đảo mọi người mà thôi.

Tập kinh nhật tụng lí tưởng đối với những môn đệ theo chủ nghĩa Mác-xít chưa từng đọc tư tưởng của Mác đáng được biết đến. Nó được phân thành nhiều chương nói về lịch sử Đảng, xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, cơ sở của tư tưởng Hồ Chí Minh, qui chế nội bộ Đảng với những nghị quyết mới đây, và cuối cùng là những điều kiện cần phải thực hiện để được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Tất cả được nhồi vào trong những câu chữ hoàn chỉnh, những lời trích dẫn chung chung và những lời kêu gọi củng cố chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Rõ ràng đây là chủ nghĩa Xta-lin của đầu những năm 1940. Và vì bởi đây là một cuốn giáo trình dành cho những kẻ thô lỗ, cho nên sau những trang dài phân tích là 4-5 dòng in nghiêng tóm lại những gì cần phải thuộc lòng. Và cũng để giúp đỡ học viên, một cuốn sách phụ lục thực sự hữu dụng bao gồm với mọi câu hỏi và trả lời về các chủ đề được cuốn giáo trình phân tích. Thực là một kiểu tổng kết chủ nghĩa Mác-xít phức tạp, một kiểu tóm lược sơ sài các khái niệm và qui luật, một học thuyết được gom nhặt và biến thành những công thức, một kiểu thánh hoá một con người và một kiểu định nghĩa một đường lối: đó quả chẳng khác gì một cuốn sách kinh lễ. Trong ba ngày lải nhải này, Hiền chẳng hề chú ý nghe những gì được nói trên bục, bởi đó hoàn toàn là những gì có trong sách, không một giáo viên nào dám mạo hiểm đi xa nội dung trong đó. Và thế là như những học viên khác, Hiền ngủ và viết thư. Cuối cùng điều mà mọi người chờ đợi diễn ra: giáo viên viết lên bảng ba câu hỏi mà các học viên sẽ phải trả lời trong bản ghi nhớ của mình. Trong ba câu hỏi thì có hai câu hoàn toàn có trong cuốn sách phụ lục hữu dụng, còn câu hỏi thứ ba xem ra có phần cá nhân hơn: “Theo bạn, thế nào là một Đảng viên tốt ?”. Khoá học kết thúc.

Ở nhà, Hiền soạn bản ghi nhớ. Đối với hai câu hỏi đầu tiên, cô chép y nguyên các câu trả lời có trong cuốn kinh thánh mà không thay đổi một dấu phẩy nào, tới mức cô có thể yên tâm mang nó tới một cửa hàng dịch vụ tin học nhờ đánh trên máy vi tính. Chỉ thế thôi mà cũng chiếm tới mười tám trang trên tổng số hai mươi trang theo yêu cầu. Có nghĩa là cô còn hai trang cho phần trả lời cho câu hỏi về suy nghĩ cá nhân. Trong có 30 mươi phút cô đã soạn xong câu trả lời, cô chỉ việc lôi ra những câu từ sáo đã có sẵn về đức tính cần có của một người Đảng viên, về tinh thần đoàn kết với nhân dân, về tình yêu vô bờ bến với Bác Hồ, về nỗi lo không ngơi của Bác đối với việc bảo vệ Tổ Quốc. Cuối cùng cô nở một nụ cười mãn nguyện khi chỉ tay vào bản ghi nhớ của mình: “Dù sao mình không tồi khi tự mình viết câu trả lời cá nhân ! Đa số những người khác chỉ việc làm thao tác “cắt-dán” những mẫu sẵn có được gởi qua thư mail !”. Để kết thúc chuyện này, cô thốt lên một từ mà ở Việt Nam người ta vẫn hay dùng mỗi khi họ chế riễu những lối nói sáo: “Bốc phét!”

Một tháng sau, Hiền nhận từ tay Thọ một tờ giấy chứng nhận cô đã hoàn thành những điều kiện đối với những người cảm tình Đảng. Trên tờ chứng chỉ này, chỉ có thời gian ngày tháng năm ghi trên đó là quan trọng vì nó chỉ có giá trị một năm. Vẫn còn phải có thêm một bước tiến nữa phải thực hiện, vì trước đó nó không có giá trị quá sáu tháng, làm sao cho người ta phải học lại khoá học cảm tình Đảng nếu như việc kết nạp vào Đảng diễn ra quá muộn; Hiền biết nhiều người đã từng phải học lớp này tới năm lần. Dù sao đi nữa thì đối với cô, quá trình xét kết nạp Đảng đã khởi động rồi. Quá trình này sẽ chỉ hoàn thành sau khi đã trải qua những cửa quan liêu sính giấy tờ xen với những sự kiểm tra chính trị chẳng đơn giản chút nào.

Kiểm tra và kết nạp

Thời kì đầu tiên là giai đoạn thử thách. Hiền được hai người “nâng đỡ” (đỡ đầu ) cũng là Đảng viên chi bộ cơ quan trong đó có Thọ. Cô vẫn nói chuyện vui với họ bởi họ vẫn là những đồng nghiệp bình thường của cô, chỉ có điều cô thận trọng hơn trước kia. Cô tránh nói tới những chuyện chính trị, để khỏi bị rơi vào tình trạng chênh vênh nguy hiểm, thậm chí đôi khi bị nhắc nhở với một nụ cười gượng gạo rằng cần phải nghiêm túc hơn trong mọi chuyện. Không khí trong cơ quan không thay đổi: chỉ có Hiền thôi là đang phải học cách thận trọng. Nhưng cô vẫn không biết gì về chi bộ Đảng mà cô sẽ gia nhập: cô chưa là thành viên trong đó, không biết những chuyện diễn ra, được nói, được làm ở bên trong đó. Chi bộ ư ? Một từ xa lạ, gắn với một nơi mà lại không chỉ là một nơi mà thôi, vì lẽ chi bộ họp trong những phòng thông thường. Các thành viên chi bộ vừa ở trong vừa ở ngoài; họ vừa ở cơ quan, vừa ở ngoài cơ quan. Còn đối với Hiền thì lúc này cô chẳng ở đâu cả: cô chẳng là gì hơn ngoài là một viên chức bình thường, cô đâu đã là Đảng viên. Cô đang cảm thấy tư cách của mình thay đổi. Chẳng hề biết tại sao và vì ai, cô có cảm tưởng rằng hành động và lời nói của mình đang được dò xét qua kính lúp. Cô không hề sai: sau này khi đã là Đảng viên cô sẽ biết rằng trường hợp của cô đã luôn được theo dõi sát sao và đã có nhiều bản báo cáo về cô được viết. Nếu cô biết được điều đó thì không phải vì mọi người nói cho cô biết điều đó, mà bởi vì giờ đây chính cô là người thực  hiện vai trò này đối với những Đảng viên dự bị mới.

Tính đáng tin cậy của một Đảng viên dự bị không hề là một chuyện đơn giản. Nó là một đòi hỏi, nó được kiểm chứng. Để làm điều này, Đảng sử dụng một công cụ xưa như tôn giáo: phương pháp phê bình và tự phê bình, nói một cách khác đi chính là lời tố giác và bằng chứng có khả năng phát hiện kẻ thù trong chính mình và kẻ thù xung quanh mình. Phần tiếp theo làm rõ điều này.

Vào mùa xuân năm 2007, chi bộ trao cho Hiền một bản còn nguyên của cuốn “sổ gia đình của Đảng”(?) huyền thoại cho phép điều tra về đảng viên dự bị và người thân của người này, và mục đích thứ yếu là để lôi kéo quần chúng. Lần này, “bài tập đưa ra cho cô không hề vớ vẩn tí nào và không thể hoàn thành trong nửa tiếng đồng hồ thôi”. Thực tế là cô đã cần tới hơn sáu tháng cho nhiệm vụ này. Cô phải ghi chép lại những thông tin về ông bà cô và những người thân thích, về bố mẹ, về cô gì chú bác, về anh chị em, về chồng, con cái, và tương tự như trên về phía chồng của cô. Đối với từng người một, cô ghi tên, ngày và nơi sinh, nơi ở, dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, trình độ học vấn và chính trị, hoạt động tại các tổ chức đại chúng, có là Đảng viên hay Đoàn viên hay không, có dự định ra nước ngoài hay không, tài sản và “thái độ chính trị”. Liên quan đến bố mẹ và ông bà, bản mẫu kê khai yêu cầu ghi rõ những người này liệu đã “làm việc cho kẻ thù” hay không ( Pháp hoặc Mỹ ), liệu đã từng bị xử lí trong cuộc cải cách ruộng đất ( 1951-1956 ) hay không, hoặc liệu đã bị kết án tại các trại cải tạo sau 1975 hay không. Đó là một công việc chán nản với 26 phần phân theo thành viên gia đình. Tất nhiên, như tất cả mọi người, Hiền không chần chừ trước một ô trắng nào. Cô nói dối đôi chút về tình trạng gia đình vì không biết, nói dối nhiều về họ hàng cũ và xa xôi, nói dối nhiều hơn về mong muốn và thái độ chính trị của người này người kia vì không biết và không muốn biết. Nhưng cô cần phải thận trọng: những cuốn sổ được đối chiếu với nhau và cuốn của cô không được nói ngược với cuốn mà bác cô vốn cũng là Đảng viên từ hơn hai mười năm nay đã kê khai.

Thủ tục này có thể sẽ chỉ mang tính hình thức ở đất nước Việt Nam đương đại như biết bao nhiêu điều khác. Thực tế không phải vậy. Những lời khai của Hiền sẽ được kiểm chứng một cách kĩ lưỡng. Công không hề biết làm cách nào việc kiểm tra về mặt giấy tờ đã được thực hiện, mặc dầu cô không chắc chắn rằng đã có một cuộc tìm kiếm trong hồ sơ của Đảng, nhưng cô biết rằng chi bộ đã cử hai người đi kiểm tra sổ gia đình của cô. Bởi vì họ hang gần của cô sống tại Hà Nội nên trường hợp của cô dễ dàng được xử lí và chính những người “nâng đỡ” cô đảm trách công việc này: họ sẽ  không phải đi xa lắm. Nếu cần phải về quê thì họ có lẽ đã cử những người ít bận rộn hơn và có lẽ cô đã phải đi cùng, thuê xe ô tô và trả mọi chi phí rồi. Hai thanh tra sẽ kiểm tra tại khu dân cư nơi Hiền sinh sống, rồi tại khu bố mẹ cô sống, cuối cùng là tại nơi làm việc của chồng cô, và mỗi lần như thế họ lại hỏi thông tin cảnh sát khu vực và các chi bộ Đảng cơ sở. Họ kiểm chứng những lời khai của cô, và nói theo một cách chung chung hơn là họ muốn biết cô cố được mọi người biết không, có được nể trọng yêu quí hay không, có xích mích với hàng xóm hay không hay có bị lời qua tiếng lại nào hay không. Họ cùng lúc thực hiện kiểm tra trên giấy tờ và điều tra về đạo đức. Cha mẹ, gia đình, chồng không bao giờ được trực tiếp hỏi; như thế chẳng giúp ích gì, bởi vì nhiều nhân viên nhà nước được gọi với cái tên “công an phường” nắm thật rõ tình hình từng nóc nhà của khu vực mình phụ trách được huy động tại chỗ cho vào công việc vốn là của cảnh sát này.

Về phần mình, Hiền viết một đơn xin vào Đảng đầy tình tiết. Trong bản tuyên bố công khai này, cô nói hết về bản than, trình bày lí do cô xin vào Đảng và hứa nếu được kết nạp sẽ hành động sao cho xứng đáng với sự mong đợi của lãnh đạo Đảng. Hồ sơ của cô giờ có thể được đánh giá sơ qua trong nội bộ. Ngoài những mối quan hệ với hai người “nâng đỡ” tất nhiên ủng hộ cô, cô còn cần phải nhận được sự ủng hộ của quần chúng  Quần chúng chính là những người khác, những người ngoại đạo, có nghĩa họ không là Đảng viên nhưng lại được Đảng hỏi ý kiến và sử dụng nhằm gia tăng ảnh hưởng. Họ tạo thành một lớp người đặc biệt, có họp hành chính thức, và khi cần phát biểu cho ý kiến. Hiền được đánh giá tốt, là một đồng nghiệp dễ chịu và ý tứ: cô được sự ủng hộ của tất cả mọi người.

Hồ sơ của cô khi lần đầu tiên vượt ra khỏi phạm vi chi bộ giờ đây sẽ được đưa lên cấp lãnh đạo cao hơn ( nơi mà như một bài hát đã nói, “Đảng là một ngôi sao sáng, sáng nhất trong muôn vì sao” ). Quả vậy, hồ sơ được chi bộ chuyển lên cho Đảng bộ, rồi được Đảng bộ chuyển lên cho tổ chức, điều này có nghĩa là nó chuyển từ một chi bộ nhỏ qua Đảng bộ để tới cấp lãnh đạo cao nhất của bộ, vì lẽ Đảng nằm trong Nhà nước. Hiền không biết liệu hồ sơ của cô đã được chuyển tới đó chưa, liệu nó đã được xem xét một lần nữa chưa hay được xếp vào kho lữu trữ hồ sơ, nhưng vào đầu năm 2008, cô nhận được quyết định chính thức cho phép cô được vào Đảng.

Việc kết nạp chưa mang tính đầy đủ và trọn vẹn, vì mãi một năm sau nó mới diễn ra. Dù sao đó cũng là lúc quan trọng nhất. Tất cả bắt đầu bằng một nghi lễ kết nạp tổ chức tại cơ quan. Vào một buổi sang, cô được Thọ – sếp và người cố vấn của cô đón tiếp và dẫn cô tới căn phòng họp, nơi các thành viên chi bộ Đảng, những đại diện của Đảng bộ và những người thay mặt quần chúng ngồi nhóm họp xung quanh một cái bục có cắm hoa và được những chiếc đèn ha-lo-gien chiếu sang. Chúng tôi đếm có mươi hai người trên bức ảnh mà cô giữ. “Không khí buổi họp trang nghiêm tới mức không ai có thể đùa cợt được” – Hiền nói vẫn với điệu bộ thoải mái thường ngày của mình. “Tất cả đã được sắp đặt dàn dựng, để tạo ra cái vẻ nghi thức và quan trọng. Không có nụ cười nào, những vẻ mặt nghiêm túc, những câu chào ngắn gọn khô cứng. Tóm lại là tất cả mọi thứ được thực hiện để tạo cho nghi lễ kết nạp một cái vẻ đặc biệt trang trọng. Hiền tới ngồi vào chỗ của mình, dưới một tấm ảnh chân dung Bác Hồ bằng sơn mài. Cô cảm thấy mình sao lung túng thế. Rồi đột nhiên tất cả những người đến dự đứng cả dậy: quốc ca nổi lên. Sau quốc ca là bài “Quốc tế ca”, rồi sau đó là lễ chào cờ, hay đúng hơn là có hai lá cờ, vì ngoài lá cờ của Đảng còn có là cờ Việt Nam. Phương – bí thư chi bộ – lên phát biểu. Cô đọc tuyên bố chính thức của Đảng bộ cơ quan về việc kết nạp Hiền vào Đảng. Sau đó, hai người “nâng đỡ” Hiền đọc báo cáo của mình và nói thêm vài lời nhấn mạnh giây phút quan trọng của buổi lễ kết nạp và sự tin tưởng của Đảng đối với người được thu nhận; một trong hai người đã không quên hô khẩu hiệu: “Đỏ như màu của sự tin tưởng, đỏ như màu máu của chúng ta”.

Đến lúc Hiền phải lên phát biểu. Cô không tỏ ra lúng túng bởi tất cả đã được sắp xếp từ trước rồi. Trước hết cô đọc lá đơn xin vào Đảng và lời tuyên thệ của mình, một cách để nhấn mạnh rằng hành động của cô là tình nguyện và lời hứa của cô là công khai. Sau đó là giây phút quan trọng nhất. Sau một phút ngừng phát biểu rất được tính toán, cô đọc chậm rãi từng từ một “Bản tuyên thệ của Đảng viên”. Bản tuyên thệ mà cô đã học thuôc long này là một đoạn văn dài nửa trang với bốn điều: 1) Trung thành với Đảng, với chỉ thị và nhiệm vụ Đảng giao. 2) Trau dồi phẩm chất cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống quan lieu, lãng phí và tham nhũng. 3) Liên hệ với nhân dân, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhân dân, tuyên truyền trong nhân dân tư tưởng của Đảng, nhất là tại gia đình và tại nơi làm việc. 4) Tuân theo kỉ luật của Đảng, giữ gìn sự thống nhất của Đảng, thực hiện phê bình và tự phê bình, tham gia vào hoạt động chính trị… và đóng góp lệ phí sinh hoạt Đảng. Mỗi khi đọc xong một điều, Hiền lại tuyên “tôi xin thề”; và khi đọc xong toàn bộ nội dung bản tuyên thệ, Hiền nhắc lại ba lần liền câu này.

Phương – bí thư chi bộ phát biểu vài lời biểu dương, sau đó đến lượt người thay mặt “quần chúng” ( xin mở ngoặc nói rằng đây chính là một Đảng viên dự bị chờ kết nạp mới ). Lễ kết nạp kết thúc với việc đại diên chi bộ, công đoàn và quân chúng lần lượt lên tặng ba bó hoa cho Đảng viên mới. Nhưng điều  này cũng chẳng làm cho không khí nghi lễ bớt trang nghiêm hơn, đây là một điều hiếm có ở Việt Nam, bởi lẽ mọi lối hình thức chủ nghĩa may thay không bao giờ tồn tại được lâu. Nhưng ở đây lại là điều bình thường: một lễ cầu kinh đã được đọc, một lễ ban thánh thể đầu tiên đã diễn ra, và cần phải chờ đợi lúc ra ngoài sân, cụ thể là lúc chụp ảnh chung, thì mới được nghe một câu nói đùa về bộ mặt buồn cười của Hồ Chí Minh mà người nghệ nhân sơn mài đã tạo ra .

Hiền sẽ phải đợi thêm một năm  trước khi được chính thức kết nạp. Trong thời gian này, cô không phải làm gì nhiều, có chăng là theo học lớp bồi dưỡng Đảng viên mới gần giống với lớp cảm tình Đảng: lại một tập sách kinh mà chẳng ai đọc, những giờ giảng cứng nhắc mà tất cả học viên ngủ gật, một bài ghi nhớ cá nhân làm qua quit cho xong. Một vài tuần sau lớp học này, Hiền nhận được cái quan trọng nhất và cũng là thứ duy nhất: tờ chứng nhận thành công có giá trị một năm. Và vào tháng 11 năm 2008, cô được công nhận là Đảng viên đầy đủ tư cách. Sự thừa nhận này chỉ là một thủ tục; chẳng có nghi lễ nào diễn ra cả. Cô đơn giản được mời tới cuộc họp thông thường của chi bộ, và tại đây thư kí chi bộ đọc to “quyết định công nhận chính thức” kết thúc với một tràng vỗ tay. Chẳng có bài diễn văn nào, cũng chẳng có bó hoa nào. Hiền vượt qua chặng đường cuối cùng vào tháng Mười năm 2009: nhận thẻ Đảng viên, với hình búa liềm ở phía trên hình chân dung Hồ Chí Minh ở mặt sau tấm thẻ. Tấm thẻ này quan trọng, bởi vì thời gian gần đây phải xuất trình nó khi giơ tay biểu quyết. Trái lại, cần phải giấu nó đi mỗi khi bị cảnh sát giao thông chặn: đối với một Đảng viên, dúi tiền vào tay cảnh sát sẽ bị phạt cao hơn hai lần vì lỗi của Đảng viên nặng gấp hai lần.

Gần ba năm rưỡi đã trôi đi kể từ cái ngày sếp cô thuyết phục cô vào Đảng tới cái ngày cô được công nhận là Đảng viên với tư cách đầy đủ, hai năm rưỡi nếu chỉ tính quá trình kết nạp mà thôi.

Trong hành trình chẳng khác cuộc chinh phục thử thách dài hơi này, đâu chỉ có một mình Hiền mà thôi. Thực vậy, vì từ năm nay, Đảng tăng cường tuyển mộ Đảng viên mới. Năm 2007, 9.500 người đã được kết nạp tại Hà Nội và con số kết nạp mới trong cả nước là 186.000 người. Trong số những Đảng viên mới này, 37 % là phụ nữ, 66 % trong độ tuổi 18-30, 44% là viên chức, 22 % là nông dân và 19 % là quân nhân. Những lớp người mới vốn trẻ tuổi và có học thức cao này (trung bình 26 tuổi và một phần ba có bằng đại học ) được thu nhận vào khoảng 56.000 chi bộ Đảng trên khắp đất nước làm con số Đảng viên tăng lên tới gần 3,7 triệu vào năm 2010 ( 2 triệu vào năm 1996), có nghĩa tương đương với gần 5% dân số Việt Nam.

Một chi bộ Đảng hoạt động như thế nào?

Viện nơi Hiền làm việc sử dụng 316 công-viên chức. Một trăm người là đảng viên. Các đảng viên phân bổ tại 17 chi bộ, không chi bộ nào có nhiều hơn 10 đảng viên ( 3 đảng viên đã đủ để lập một chi bộ ). Chi bộ của Hiền có 6 đảng viên. Người ta chẳng làm gì cả để sát nhập các chi bộ to nhỏ khác nhau này, chỉ bởi vì sự phân nhỏ ở cơ sở là nguyên tắc tổ chức hệ thống ( trái lại mức độ rất tập trung ở cấp cao nhất ). Bằng cách tăng số lượng chi bộ, Đảng chia nhỏ và bén rễ khắp nơi. Chi bộ này có ba thành viên, chi bộ kia có năm thành viên, các chi bộ khác có tám hay bốn thành viên, như thế cho phép Đảng phủ rộng nhiều hơn cả về mặt địa lí và về mặt xã hội so với một đơn vị lớn hơn gồm hai mươi thành viên. Người ta cảm thấy có bàn tay đang loại trừ phe đối lập. Chi bộ nhỏ của Hiền được gọi với cái tên “tổ” với sáu Đảng viên chẳng thể làm được gì khác ngoài nhiệm vụ thuộc chức năng ban đầu của nó: phát đi những thông điệp từ cấp trên xuống, tạo ra một môi trường và lôi kéo những thành phần có tư tưởng hoài nghi. Người ta không đòi hỏi gì thêm.

Các chi bộ Đảng được tập hợp thành Đảng bộ, các Đảng bộ lại cấu thành các tổ chức Đảng, và cứ thế càng lên cao ta có Trung ương Đảng, rồi Bộ chính trị ở cấp cao nhất với mười năm thành viên. Đó là con đường trực tiếp. Tuy nhiên bất chấp ưu điểm của chế độ tập trung quyền lực, con đường này bị một nhược điểm có tính phổ quát: mệnh lệnh đi xuống nhanh hơn nhiều so với những yêu cầu đi ngược từ dưới lên. Khi đi từ trên xuống, tức từ đỉnh cao xuống cơ sở, sự tuân lệnh tạo thành hình chóp nón, rồi cứ thế như dòng thác nước lan toả xuống tới tận các chi bộ cơ sở ở dưới cùng. Theo chiều đi lên, có nghĩa từ nhân dân tới cấp lãnh đạo cao nhất, thông tin chỉ có thể leo lên được với điều kiện đi qua các “ban thường vụ” – đầu mối đảm bảo kết nối hệ thống từ cấp nọ tới cấp kia. Đảng là một hệ thống có trên có dưới và nguyên tắc tổ chức của nó là sự khép kín, sự vận hành của nó mang tính quân sự. Người ta sẽ bổ sung thêm rằng đó là một điều bí mât.

Đây là một di sản của thời kì hoạt động không công khai, của thời kì kháng chiến và chiến tranh, khi đảng viên được kết nạp trong rừng trong một buổi lễ gần như bí hiểm, có nghĩa rằng tính chất bí mật là một qui tắc không được vi phạm, điều này làm cho Đảng khó nắm bắt. Hiền nhắc lại với chúng tôi bằng cách nhấn mạnh rằng cô đã chẳng hề biết gì cả về chi bộ mà sau này là chi bộ của mình trước khi được kết nạp vào đó; cô đã biết rõ ai là thành viên trong đó, các buổi họp được thông tin trên bảng, nhưng các hoạt động cụ thể và các cơ chế bên trong thì cô không được biết. Sau khi cô đã được kết nạp rồi thì Phương và Thọ vẫn không quên nhắc cô một yêu cầu: không để bất cứ điều gì được nói trong buổi họp lọt ra ngoài, kể cả những gì không quan trọng. Cô vẫn còn nhớ lời nhắc nhở này được đưa ra đúng vào ngày cô được kết nạp. Khi cô ngồi ở chỗ của mình, một chỗ hơi lệch về bên trái, cô đã ngay lập tức cảm nhận được rằng chi bộ Đảng là một tổ chức kín. Cô cũng cảm thấy được sức nặng của sự kiểm tra đối với mình. Phương, bí thư chi bộ, là phó giám đốc văn phòng; những người lãnh đạo cấp cao trong công việc là những người lãnh đạo cấp cao của Đảng, và ngược lại, nói một cách tế nhị, những người lãnh đạo cấp cao của tổ chức Đảng là những người lãnh đạo cấp cao trong công việc. Đối với Hiền, họ là hai song thực tế là bốn. Dù ở bên này hay ở bên kia thì sẽ luôn có « một mắt nhìn cô, một tai nghe cô ».

Tuy nhiên, cô thốt lên, « tôi có may mắn bởi vì chi bộ của tôi còn trên cả mức thân thiện ! ». Khác với những chi bộ khác có thể cứng nhắc, nhất là ở nông thông, chi bộ của cô tập hợp những người có học thức, có thông tin (đó là nghề của họ ), luôn có khả năng tương đối hoá những vấn đề và dàn xếp với lãnh đạo cấp cao. Họ có những sở thích và những cách sống gần giống nhau, một lối sống đô thị tạo ra cách suy nghĩ nhìn nhận cởi mở. Không có xung đột, không có căng thẳng, không có sự đố kị. Ngay cả Phương được bầu lại thêm một nhiệm kì hai năm (dưới sự kiểm tra của Đảng bộ ), là một phụ nữ tử tế, « cầu tiến nhưng tốt bụng » : cô phải vậy nếu cô muốn dành được sự ưu ái của chúng tôi, tiến bộ trong cơ quan và nhận được một vị trí quản lí cao hơn ».. Hiền vừa nói không hay lắm về bí thư chi bộ mình. Cô không sai. Giữa Đảng và Nhà nước, các con đường tiến thân được trải nhựa êm : thăng tiến trong quản lí nhà nước phụ thuộc vào vị trí quản lí trong chi bộ. Đó chẳng phải là lí do tại sao chủ nghĩa xã hội trở lên đáng yêu hay sao ? Hiền trả lời câu hỏi tinh nghịch của tôi bằng một câu trả lời tinh nghịch : « Đúng thế, nhưng chỉ đáng yêu với những Đảng viên khác mà thôi ! ». Dù sao đi nữa, tại văn phòng, mọi điều diễn ra suôn sẽ hơn với Phương còn bởi chẳng ai dòm ngó tới vị trí của cô ; vào đợt bầu vừa rồi, Hiền thậm chí còn nhớ là một Đảng viên chi bộ cô đã lôi cô ra gặp riêng trong hành lang và khẩn khoản xin cô đừng bầu cho người đó.

Hàng tháng, Hiền dự họp chi bộ tại căn phòng bình thường của bí thư- buổi họp không kéo dài quá một giờ. Vì cô đã từ chối vị trí kế toán, mọi người đã giao cho cô soạn biên bản các buổi họp. Sau khi điểm lại tình hình, mọi người phải thông báo những tin mới và những chỉ đạo từ trên. Những thứ này không phải diễn ra thường diễn ra và cũng chẳng khó giải thích cho lắm, và vì vốn là những người làm việc trong lĩnh vực thông tin-tư liệu cho nên mỗi người trong họ cũng đã biết điều gì diễn ra, điều gì cần phải nghĩ và điều mình cần nghĩ thực sự. Tất cả không quá mười phút. Rồi, mọi người thảo luận kĩ về công việc thường ngày, rồi mười năm phút cuối biến thành lúc nói chuyện phiếm. Mọi người uống và vui đùa. Không khí của những buổi họp này là tất cả trừ nghiêm túc. Như để thanh minh, Hiền kết luận : « Chi bộ của tôi có thể không thật nghiêm túc cho lắm. Nó chắc hẳn khác với những nơi khác, nhất là so với những nơi hẻo lánh, nơi mà người ta thực sự nói chuyện về tình trạng đất nước và của thế giới… ». Một chi bộ không thật nghiêm túc ư ? Dù sao nó ít nghiêm khắc tới mức nhiều lần nó đã bị quên, hoặc bị chán ghét tới mức chưa bao giờ diễn ra, tới mức phải làm giả sổ ghi chép và lập một biên bản họp giả…  Nhiều trường hợp ở những nơi khác chỉ ra rằng trò họp giả này đã trở thành rất phổ biến, và cuối cùng cái kiểu vừa rập khuôn và vừa vô lối này đã trở thành một nét khá tiêu biểu cho xã hội Việt Nam đời thường ngày hôm nay.

Mặc dầu vậy, vẫn tồn tại nhiều ràng buộc. Trước hết phải nói tới những lần triệu tập họp bất thường khi lãnh đạo Đảng tuyên một nghị quyết. Cần phải ngừng mọi công việc để có mặt. Tổ chức hình kim tự tháp từ trên cao  hả hê huy động năm mươi ngàn chi bộ phía dưới. Hiền đã ba lần tới những buổi họp kiểu thế được một phái viên của ban Tuyên giáo TƯ Đảng triệu tập tại một hội trường lớn của bộ. “Tôi đã chẳng nghe gì hết” – Hiền đã nói thế – “Nhưng tôi đã mất cả nửa ngày, và tôi đã một lần lỡ một cuộc hẹn quan trọng”.

Còn một ràng buộc nữa nhàm chán hơn, đó là qui định bắt buộc đảng viên phải tham gia cả cuộc họp của chi bộ Đảng tổ dân phố nơi Đảng viên cư tru, ngoài cuộc họp của chi bộ cơ quan, và nếu có thể tham gia cả vào hoạt động do chi bộ Đảng tổ dân phố tổ chức, điều này càng làm mất thêm nhiều thời gian. Ta có thể nói dối, nghĩ ra một lí do vắng mặt nào đó, nhưng theo Hiền dẫu sao thỉnh thoảng cũng phải có mặt để tránh bị lôi ra khiển trách. Chỉ khi về hưu thì Đảng viên mới được thôi không phải thực hiện nghĩa vụ này. Những Đảng viên nghỉ hưu ai cũng biết mánh khoé sau: họ quên chuyển hồ sơ Đảng viên từ chi bộ cơ quan nơi họ thôi làm việc tới chi bộ Đảng tổ dân phố nơi họ sống, nơi mà về lí thuyết họ sẽ phải tiếp tục tham gia  sinh hoạt Đảng…

Liên quan tới những điều bắt buộc, chắc chắn phải nói tới cuộc họp cuối năm dưới hình thức là cuộc họp kiểm điểm cá nhân đã trở thành một nỗi ám ảnh đối với mọi Đảng viên. Từng người một phải đọc một bản kiểm điểm, cho ý kiến về bản kiểm điểm của các Đảng viên khác, và mỗi lần như thế họ phải điền nghiêm túc vào một tờ kê khai. Rồi trước những con mắt giả bộ thơ ngây – thực tế đây chẳng khác gì một trò trẻ con kinh khủng – từng người một phải tự kiểm điểm mình trước người khác,và để lời kiểm điểm được hoàn chỉnh, cần phải đề nghị người khác nhận xét về mình. Thực là một phép biện chứng giống trò ném đá nẩy trên mặt nước : quả vậy nếu bản tự kiểm điểm của tôi bao gồm ý kiến phê bình của người khác, thì bản kiểm điểm ( tự phê bình ) của người khác cũng bao gồm ý kiến phê bình của tôi, và chỉ như thế thì việc phê bình mới có ý nghĩa đầy đủ ( phê bình nhau để giúp đỡ nhau ). Ngay cả khi không có ý kiến gì, cũng phải cố tìm ra điểm nào đó còn chưa hoàn thiện cho lắm ở mình hay ở người khác để có gì đó phát biểu trong khoảng thời gian dành cho mình và có gì đó để điền vào bản kê khai của mình. Càng nói được điểm thực sự còn yếu kém của mình hoặc của người khác, thì lời tự phê bình và phê mình mới được cho là thành thật và tử tế. Và thế là người ta chẳng thiếu chuyện để có thể toả sáng.

Chẳng hạn người ta điểm lại những sự kiện đã xảy ra trong năm, nhắc lại chuyện ngưòi này hút thuốc cả ngày trong văn phòng, người kia không bao giờ đóng cửa khi ra ngoài, hay người khác hay quên chào, đi quán cà phê và sao nhãng việc gia đình, không đi đổ rác, đi làm muộn, mua cho mình một chiếc xe máy đẹp ( lấy tiền từ đâu ? ) vân vân. Thậm chí không cần phải coi đây là dịp trả thù để làm cho cuộc họp biến thành chuyện không hay ; chỉ cần một phút bực bội, một thoáng tỏ ra mệt mỏi, một cá tính dễ tự ái, hay tỏ ra là một người rất tỉ mỉ là đủ rồi ( giống như người luôn cầm trên tay cuốn sổ để ghi chép lỗi của người khác ). Bởi vì cuộc sống xã hội đôi khi đòi hỏi người ta phải biết im lặng, cho nên tất cả những gì bình thường lẽ ra không nên bao giờ nói ra có thể gây ra xung đột và cãi vã để lại tổn thương

Bản thân cái cách thức này tạo ra xung đột. Nó buộc mỗi người phải đặt lên bàn ( nói ra ) những lí do gây bất hoà, những mầm mồng gây mâu thuẫn, những chiếc ngòi được nối nhân tạo với những chiếc thùng thuốc thực tế không tồn tại hoặc dẫu sao không nhất thiết tồn tại. Ta hiểu ra mục đích của cái cách thức cổ xưa theo kiểu Lê-nin này: kiểm soát thông qua mâu thuẫn. Sự bất đồng được tạo ra từ vô số chuyện là cách tốt nhất để tránh những sự liên kết ở cơ sở vốn luôn nguy hiểm. Nó là phương thuốc chưa căn bệnh tế bào con trẻ này : tòng phạm. Ta ngỡ mình đang ở trong phòng khách của Rousseau, ta đang ở dưới chiếc mũ nồi của Lê-nin. Thật kinh ngạc khi vẫn còn thấy ở Việt Nam ngày nay những gì mà người ta chỉ tìm thấy trong những cuốn sách lịch sử về chủ nghĩa cộng sản và những cuốn sách nhỏ của quân nhân. Ta thấy ở đây một tính chất bảo tàng học nào đó không phải là không thú vị. Chỉ có điều đó là một bảo tàng đã vươn ra khỏi những bức tường của nó bởi vì cái nghi thức kiểm điểm giờ đây đã lan toả ra “đại chúng”. Dù là Đảng viên hay không là Đảng viên, mọi viên chức phải làm theo. Trong bộ máy chính quyền Việt Nam, ngay cả những kẻ nghịch đạo cũng thú tội cơ mà.

Hiền bình thường vốn điềm tĩnh cũng nổi sung lên: “Trong vô số trường hợp, buổi họp kiểm điểm cuối năm là một thách thức. Tôi đã được nghe kể nó diễn ra như thế nào tại nông thôn, trong bầu không khí toàn là những sự gièm pha chỉ trích và tư thù. “Chúng tôi rất muốn tin vào những gì họ nói, nhưng ngoài những chuyện nọ chuyện kia về những xung đột giữa những người nông dân, chúng tôi đã không thể có những bằng chứng hay thông tin cụ thể đáng tin cậy nào về việc kiểm điểm ở nông thôn. Dù sao thì chuyện kiểm điểm ở chi bộ Đảng của Hiền diễn ra suôn sẻ, rất suôn sẻ là khác. Các Đảng viên chi bộ của cô là những người có học thức vốn hiểu rất rõ những cái bẫy để tránh né : trước tiên là ngay từ trước cuộc họp họ đã thoả hiệp trước với nhau về mối liên hệ giữa phê bình và tự phê bình (“mình trách cậu cái này, cậu chỉ trích mình cái kia, chúng ta sẽ diễn xong vở kịch”, sau đó bằng cách trích tiền quĩ đi nhà hàng.. Cách thức tránh né này tỏ ra hiệu quả. Nhờ đó mà Hiền đã có thể tiếp tục tự do phát ngôn và nói với chúng tôi về buổi tổng kết cuối năm này. Là người được may mắn, cô đo sự khác nhau với điều mà người ta kể cho cô về những chi bộ ở những nơi khác. Nhận định này cũng còn giúp ích cho toàn bộ cuộc nói chuyện của chúng tôi : quả vậy, nếu như chi bộ của cô quả là một địa ngục thì cô đâu đã có thể phá bỏ luật giữ bí mật để kể với chúng tôi câu chuyện này về Đảng cơ chứ.

Càng vào Đảng càng ít làm chính trị

Hiền thuộc lớp thanh niên đô thị trung lưu không quan tâm tới chuyện chính trị. Lớp người này nhìn về tương lai và có khả năng chịu đựng cao, miễn sao họ không phải chịu nhiều gò bó quá và đời sống kinh tế khá lên. Điều quan trọng đối với họ là tăng trưởng kinh tế, chứ không phải chuyện chính trị theo kiểu ngày xưa. Bởi xét cho cùng thì liệu đã có gì thay đổi đối với Hiền kể từ khi cô vào Đảng hay chưa ? Chẳng gì cả. Cô đã trải nghiệm quá trình kết nạp Đảng như thể đó là giai đoạn có phần gò bó, và xét cho cùng thì cũng chẳng quan trọng lắm. Đó chẳng qua là một thủ tục bắt buộc, là điều tất yếu cô phải làm một khi cô đã tự mình quyết định vào làm việc cho nhà nước, vả lại cô đã làm thuận theo một cách thật dễ dàng là bởi vì điều đó chẳng đòi hỏi ở cô điều gì về hệ tư tưởng, cũng chẳng gây ra hậu quả gì đối với đời sống hàng ngày của cô, có chăng nó cho cô khả năng được thăng tiến vì lẽ là Đảng viên là một trong những tiêu chí chính thức để được đề bạt đối với viên chức nhà nước. Cần phải làm thế và cô đã làm thế.

Đâu có cần phải là người theo hệ tư tưởng cộng sản hay phải trở thành như vậy đâu để vào Đảng cơ chứ : từ hơn năm mươi năm nay, Đảng đã là một phần của Việt Nam, không phải với tư cách là một hệ tư tưởng, mà là xét ở góc độ thể chế và xã hội. Đó là một bộ máy gần như những bộ máy khác. Một người Việt Nam được cuốn vào hàng ngũ của Đảng có ít sự dấn thân chính trị hơn so với một người Pháp gia nhập Đảng xã hội hay Đảng UMP. Nếu táo bạo hơn, ta có thể so sánh việc vào Đảng gần giống như việc nhận một tấm huân chương Bắc đẩu bội tinh ở Pháp : một kiểu lễ nghi cộng hoà, vốn ngày xưa mang tính chính trị, « đánh dấu » một sự phục tùng, nhưng theo thời gian bị tan chảy để trở thành một kiểu nghi thức của các cơ quan tới mức hoàn toàn mất đi tính chính trị. Ta cảm thấy lúng túng hoặc tỏ ra như vậy, nhưng ta đón nhận tấm ru-băng đeo lên mình, thế thôi.

Hiền chẳng ủng hộ cũng chẳng không ủng hộ Đảng. Cô ở trong hàng ngũ đó. Cô vào Đảng một cách không ồn ào, bình lặng, vào Đảng mà niềm tin không bị thay đổi vì cô đâu có niềm tin nào đâu. Cô có tấm thẻ, nhưng cô đầu phải là người cộng sản đáng giá một su. Và người ta còn không tin là cô không có có đầu óc của một người lính cấp thấp. Một trong những người bạn thân nhất của cô thời trung học không bao giờ quên đưa nhanh tay lên che miệng mỗi khi nói xong một câu chỉ trích chế độ, như thể anh ta đột nhiên câm miệng lại trước một thành viên có thế lực trong Đảng…Lời chế riễu không có hiệu lực: Hiền phá lên cười, và để thanh minh theo một cách cũng hài ước như thế, cô chêm vào một câu tự chế riễu mà tất cả moi người ở Việt Nam đều biết: “Vì tất cả mọi người đều bẩn cả, cho nên tôi vào Đảng để tất “quần chúng” được sạch !” Hiền biết nói bông đùa về chính trị, nhưng đó không phải chủ đề ưa thích của cô. Bản chất của Đảng cộng sản Việt Nam, cơ chế vận hành thực tế của nó, nguồn gốc tư tưởng Lê-nin của Đảng, lịch sử thực sự của nó, sự kiểm soát hoàn toàn đối với bộ máy nhà nước, tất cả những thứ đó đâu có làm cô bận tâm để ý, hoặc nói đúng hơn là cô không nhìn thấy. Đó là văn hoá của cô và của cha mẹ cô, là thế giới của cô, là những gì cô nghĩ tới là đời sống thường ngày của cô. Và giống như nhiều thanh niên Việt Nam hoặc đơn giản đối với nhiều người Việt Nam nói chung, cô chỉ biết về lịch sử chính trị đương đại thông qua những gì sách tuyên truyền nói.

Trong hoàn cảnh như thế, mọi điều mới mẻ gây ra sự kinh ngạc, nhất là khi chỉ với một cái clich chuột, Hiền nhẩy từ thông tin này sang thông tin khác để tiếp cận được những sự thật mà cô chưa từng bao giờ hoài nghi. Khi làm việc, cô muốn kiểm tra lại ngày tháng Hồ Chí Minh đặt chân đến nước Pháp và cô bất ngờ thấy một bản sao hợp đồng hôn nhân của ông …??? ( thiếu chữ ở trang 172 trong sách, do scan) từ kho hồ sơ của KGB: Như vậy là Hồ Chí Minh có vợ, và không chỉ với dân tộc. Một số người bạn của cô nói với cô về một “mối nguy Trung Quốc”, và trên máy tính cá nhân của mình, cô khám phá ra trên những trang blog cả một thế giới toàn những lời phản đối và những sự tố cáo chế độ mà cô đã trở thành một thiết bị trong đó. Cô không thoát ra được ! Khi mở mắt ra, cô ngạt thở khi thấy trên báo chính thống xuất hiện trở lại những lời kêu gọi của cái thời Mao Trạch Đông: “Việt Nam là em, Trung Quốc là anh”. Cô bàng hoàng như từ trên trời rơi xuống khi chúng tôi đọc cho cô trường hợp của hàng chục người trong tù, bị quản thúc hoặc luôn bị đe doạ gây tai nạn giao thông chết người đối với con cái họ khi đi học. Cô ngay lập tức tìm thong tin trên mạng: “Tôi biết được những điều không thể tin nổi”.

Cô kín đáo kể những chuyện này với bạn bè than, nói với họ về sự theo dõi của cảnh sát và công lí mệnh lệnh, tâm sự những nghi ngờ và thu lượm những lời bày tỏ: cô quay trở lại chuyện chính trị mà không hề biết, cô cuốn theo dòng thời sự, theo những hồ sơ cụ thể, những tiết lộ bất ngờ, những sự mở lòng nói ra sự thật, những trang web phơi bày. Cô đã từng biết những người không được ai ưa, đã bị mất việc làm, thậm chí cả tự do. Ấy vậy mà cô đã từng nhìn nhận rằng đó là một môi trường bình thường, một quyết định của công lí, một luật chơi mà tất cả  mọi người đã tham gia. Giờ đây, Hiền bắt đầu hoài nghi và tự nhủ rằng cái chi bộ Đảng nhỏ nhoi tử tế và chỉ hơi không được nghiêm túc cho lắm chẳng có gì liên quan đến những trò chơi chính trị thực tế cả, hay với vai trò giám sát được trao cho nó. Chẳng phải cô hơi bị hụt hẫng hay sao ? Cô lại cười, nhưng có phần ít hơn so với trước kia. Cô tự hỏi không biết những người chịu những đòn trời giáng từ Đảng duy nhất đó có nhiều hay không: thế là chuyện trở lên bớt buồn cười hơn rất nhiều. Giữa sự riễu cợt vô duyên và lời chỉ trích từ đáy long là cả một vực thẳm đang được cô nhìn thấy, giống như hang trăm ngàn thanh niên Việt Nam.

Sự bất an mà họ cảm nhận thấy cũng tương đương với những nỗ lực của Đảng để ăn sâu bén rễ chắc hơn vào trong xã hội đương đại. Thách thức thực sự giờ đây không phải là làm sao thu hút những viên chức trong cơ quan nhà nước nữa, bởi vì như Hiền đã cho ta biết, việc họ vào Đảng đã trở thành điều bắt buộc. Vấn đề hiện này là làm sao vươn tới những học sinh trung học, đại đa số người làm công, tới 80-90 % người Việt Nam đang làm việc trong khu vực tư nhân. Vào năm 1999, chỉ thị 07 của Bộ chính trị đã dự kiến tăng cường mở rộng thu hút lực lượng này, nhưng những nỗ lực kết nạp đã luôn vấp phải thái độ thụ động, nếu không nói là sự phản đối của người lao động ở khu vực tư nhân.

Cuối năm 2009, tức mười năm sau, ngươi ta thống kê có 2.200 chi bộ Đảng và 36.000 Đảng viên tại các doanh nghiệp tư nhân, của Việt Nam hoặc có vốn nước ngoài. Hồ Đức Việt, trưởng ban tổ chức TƯ Đảng cho biết vào tháng Giêng năm 2010 rằng kết quả này vẫn còn quá khiêm nhường và nguyên nhân duy nhất là do thiếu tuyên truyền vận động không thể chấp nhận được: “Lao động tại doanh nghiệp tư nhân không được thông tin tốt và giới chủ doanh các doanh nghiệp này không ưa chấp nhận cho một tổ chức Đảng tồn tại trong doanh nghiệp của mình. “Sẽ tăng cường tuyên truyền, và một chương trình đang được triển khai theo hướng trả them khoản lương cho Đảng viên làm việc tại khu vực tư nhân ! Để đạt mục tiêu của mình và thuyết phục được các chủ doanh nghiệp đón nhận các cơ sở Đảng, Đảng đưa ra lập luận về tăng cường kỉ luật: một công nhân sẽ càng làm việc tốt hơn khi là Đảng viên, và khi đó sẽ trở thành tấm gương cho người khác học theo, và theo định nghĩa là người có tinh thần tuân thủ kỉ luật, trung thực và trách nhiệm.

Người ta tỏ ra vui mừng khi trích dẫn những minh chứng cụ thể chỉ ra rằng không hề có phản đối nào đối với chương trình này, mà trái lại chỉ có sự đồng nhất quyền lợi giữa giới doanh nghiệp và giới chính trị. Đầu tiên phải kể đến ông Lê Như Ái, chủ một nhà máy nước khoáng ở thành phố Hồ Chí Minh, người đã công khai khen ngợi tinh thần làm việc siêng năng mà mười tám Đảng viên trong xí nghiệp của ông đã thể hiện. Còn bà Trần Thi Lê, tổng giám đốc một công ty lương thực tuyển dụng mười ba Đảng viên thì tuyên bố không hề chuẩn bị trước: “Ban đầu tôi lo lắng vì không biết, nhưng tôi đã thấy mình sai bởi vì việc tồn tại một tổ chức Đảng tại doanh nghiệp nhắc nhở chúng tôi thường xuyên phải tỏ trách nhiệm và thực hiện nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước và công nhân. Và khi nảy sinh một vấn đề, chính chi bộ Đảng giúp giải quyết vấn đề đó; chi bộ Đảng nắm rõ suy nghĩ, tâm tư nguyện vọng của công nhân; chi bộ Đảng cho phép phản ứng kịp thời trong trường hợp xảy ra bất đồng, và do đó tránh được xung đột xảy ra.

Còn đây là một lĩnh vực mở rộng hoạt đông khác của Đảng: điều hành hoạt động thường ngày của đất nước. Không chỉ giật giây, đứng đằng sau hoặc biệt phái người vào hầu hết các cơ quan, Đảng đang ra khỏi hậu trường để công khai lộ mặt trên sân khấu. Quả vậy, một dự án cải cách đang được tiến hành nhằm sát nhập chức danh chủ tịch uỷ ban nhân dân ( người đứng đầu cơ quan hành pháp địa phương ) với vị trí bí thư Đảng. Có nghĩa là hợp pháp cho phép bí thư Đảng có thể nắm mọi quyền điều hành. Quyền lực của bí thư sẽ càng ít bị hạn chế hơn khi các hội đồng nhân dân đang bị bỏ đi, điều này cũng sẽ xoá bỏ những kì bầu cử địa phương duy nhất ở Việt Nam: Bí thư Đảng trở thành người đứng đầu cơ quan hành pháp giờ đây không còn bị bất cứ hội đồng nhân dân nào kiểm soát. Chúng ta hãy biết rằng những cải cách này không hề làm thay đổi cách thực vận hành thực tế của mọi chuyện, bởi vì ở địa phương từ lâu nay, bí thư vẫn luôn là nhân vật quyền lực nhất; chúng chỉ thay đổi bề ngoài mà thôi, và do đó chỉ để phát đi một thông điệp chính trị mới, đó là: kết thúc huyền thoại về một chính quyền địa phương tự chủ, tuyên bố công khai rằng Đảng từ đây tăng cường chi phối bộ máy nhà nước. Ở cấp TƯ cũng diễn ra thay đổi tương tự, dẫn tới việc sát nhập vị trí tổng bí thư với vị trí chủ tịch nước, giống như ở Trung Quốc. Người ta kháo nhau rằng đây là điều dự kiến sẽ được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 vào tháng Giêng năm 2011.

Cuối cùng lien quan đến đời sống thường ngày, sự tuyên truyền của Đảng đã được tăng cường và mạnh nhất vào những năm 2009-2010 kể từ thời kì mở cửa vào cuối những năm 1980. Chỉ cần đọc báo, không chỉ của những cơ quan báo chí chính thức, hoặc xem ti-vi, chẳng hạn chương trình Câu hỏi cho nhà vô địch thu hút nhiều khán giả về nội dung liên quan đến Đảng cộng sản, trong đó Julien Lepers của Việt Nam ra câu hỏi: “Ngày thành lập Đảng cộng sản Đông Dương là ngày nào ?”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên:“Chúng ta hãy đứng dậy để dành lại đất đai của ông cha ta để lại!” vào dịp nào ?”, “Từ viết tắt Việt Minh có ý nghĩa gì?”. Ở khắp mọi nơi và mỗi khi có dịp, người ta lại nói tới lịch sử hào hùng của Đảng cộng sản, kết quả lớn lao mà Đảng đã giành được, những công trình tầm cỡ sắp thực hiện, và “tư tưởng Hồ Chí Minh” đầy mơ hồ -  chủ đề của nhiều lời bàn tán thay vì nói về chủ nghĩa Mác-xít-Lê-nin dường như đã phần nào bị xếp vào trong góc.

Sự tôn thờ thần tượng Bác Hồ được xây dựng ngay từ Hồ Chí Minh còn sống với sự đồng ý của ông đã có nền tảng vững chắc ngay từ khi ông qua đời vào năm 1969; lăng của ông vẫn tiếp tục được nhiều đoàn học sinh và những người dần từ các tỉnh thăm viếng khi thăm quan thủ đô. Những câu chuyện tô hồng về Hồ Chí Minh đã được đưa vào nội dung giảng dạy trong sách giáo khoa. Sự tôn thờ một nhà chính trị dần dần trở thành một sự tôn thờ một bậc thánh[1]. Ta có thể không ít lần nhìn thấy tượng nửa thân của Hồ Chí Minh bằng thạch cao trắng hoặc sơn son thiếp vàng đặt tại các ngôi chùa  làng ở đồng bằng sông Hồng, bên cạnh tượng Phật, tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, hoặc những bức thực sự đẹp và uy nghi được đặt riêng một mình, với một bát nhang được cắm nhiều nén hương thành kính. Đảng sử dụng mọi khả năng có thể và những bức tượng nửa thân này được đặt ở đó để nuôi dưỡng và khích lệ lòng thành kính chính trị. Vào tháng Giêng năm 2010, khi thăm một ngôi chùa đang được xây dựng tại một tỉnh miền Trung Việt Nam, chúng tôi đã ngạc nhiên khi đọc câu sau ở phía trên trán tường: “Được xây dựng dưới sự chỉ đạo của Đảng, để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.” Rõ ràng là Đảng đang công khai sát nhập vào cả đời sống tôn giáo.

Những đòi hỏi của Đảng trở nên cấp thiết. Việc kết nạp đang mở rộng. Tuy nhiên, lối giao giảng đạo bắt buộc này chỉ tạo ra những kẻ giả đạo và những kẻ qui theo giả nhân giả nghĩa mà thôi. Cho nên có thể nói là tình hình chính trị Việt Nam chứa đựng khá nhiều nghịch lí. Một mặt, Đảng ra khỏi ốc đảo, tuyên truyền để kết nạp, công khai can thiệp vào quản lí hoạt động thường ngày của đất nước mà trước đây Đảng vốn thận trọng giữ một độ lùi nhất định, và Đảng nỗ lực sử dụng mọi khả năng để lôi kéo quần chúng ở làng mạc xa xôi hẻo lánh nhất. Mặt khác, giới trẻ Việt Nam, nhất là giới trẻ thành thị, không ngớt lời chế riễu chính trị, hoặc nói  chẳng ra gì về vai trò của Đảng và hình ảnh của Đảng với tư cách là bộ mặt của đất nước ở nước ngoài. Đảng càng lộ diện bao nhiêu thì giới trẻ càng tránh xa  bấy nhiêu. Dường như ta thấy mờ mờ hiện ra ở bên trong một cuộc xung đột thế hệ âm thầm. Giới trẻ ngày càng nóng lòng chờ đợi tới lúc những nhà cách mạng già và cha mẹ họ nhường chỗ cho mình và để họ có quyền lo chuyện tăng trưởng kinh tế, về những thứ họ tiêu dùng và về chính ước mơ mang “Mỹ” của họ: giới trẻ đang ngộ ra rằng họ còn phải chờ đợi lâu nữa.

———————————————

[1] Xem chương 12 – trang 306

Phản hồi