WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Tính cách khả tín trong Hồi ký của Nguyễn Công Luận

hoikyluan
Cuốn Hồi ký được tác giả Nguyễn Công Luận viết trực tiếp bằng Anh ngữ với nhan đề: “Nationalist in the Viet Nam Wars: Memoirs of a Victim Turned Soldier”. Sách dày 600 trang, chữ nhỏ do nhà xuất bản Indiana University Press ấn hành năm 2012.

Bản thân tôi cũng đã viết bài Giới thiệu cuốn sách này với công chúng độc giả người Việt. Bài này dài trên 4.400 chữ và được phổ biến từ cuối tháng 10/2012 trên báo giấy cũng như nơi báo điện tử.

Hôm nay, nhân buổi Ra Mắt Sách để giới thiệu cuốn Hồi ký này với bà con tại thành phố San Jose – là nơi tác giả và gia đình đã tới cư ngụ từ lâu nay – chắc chắn là các diễn giả khác sẽ đề cập đến nhiều điểm lý thú và lôi cuốn trong cuốn sách. Do đó, riêng về phần mình – tôi chỉ xin tập trung giới hạn trình bày riêng về khía cạnh “đáng tin cậy” của những chuyện có thật về Người và Việc – mà tác giả đã trưng dẫn ra thật đày đủ, phong phú, mới lạ và hấp dẫn trong cuốn sách đồ sộ này. Xin cử tọa yên tâm, tôi sẽ nói thật ngắn gọn trong vòng tối đa là 10 phút thôi nha.

1 – Chuyện Việt minh cộng sản bắt giữ và sát hại người quốc gia tại miền Bắc trong giai đoạn 1945 – 1954.

Mới là một thiếu niên, cậu bé Luận đã có sự quan tâm chú ý đến tình hình sinh họat chính trị xã hội trong khu vực gia đình sinh sống gần thành phố Nam Định. Đó là do ảnh hưởng của thân phụ vốn là người yêu nước họat động trong hàng ngũ của Quốc Dân Đảng từ nhiều năm dưới thời Pháp thuộc. Cậu Luận biết được nhiều chuyện tàn ác của Việt minh cộng sản – cụ thể là vào những năm 1947 – 48 giữa lúc có chiến tranh với Pháp họ đã ra tay sát hại khá nhiều những đảng viên Việt quốc vốn từng sinh họat gần gũi với người cha của mình. Điển hình là họ đã giết thân phụ của các bạn Phạm Nam Sách, Phạm Cao Dương. Giáo sư Dương vốn là người nghiên cứu lịch sử – nên biết quá rõ về chiến dịch của người cộng sản nhằm truy lùng và sát hại các cán bộ Việt quốc, Đại Việt trong những năm đó.

Bản thân tôi là người quê ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, thì chính tôi cũng đã chứng kiến sự tàn ác này của Việt minh cộng sản đối với những người ruột thịt trong gia đình vào thời kỳ này. Cụ thể là vào giữa năm 1947, họ đã giết ông Tống Văn Dung và quăng xác xuống sông Trì Chính ở Phát Diệm. Ông Dung là người em út của mẹ tôi. Rồi qua đầu năm 1948, họ đến nhà bắt cha tôi là Đoàn Đức Hải và ông cụ cũng đã chết nơi trại Lý Bá Sơ – y hệt như trường hợp của chú Lý Ty là người em họ của cha tôi. Chú Lý Ty là con cụ Bá Đàm ở xã Liên Thủy huyện Xuân Trường – mà bà cụ Bá Đàm chính là bà dì ruột của cha tôi.
Cũng tại vùng tôi ở, thì vào đầu năm 1947, Việt minh đã giết nhà văn Khái Hưng và bỏ xác suống sông Ninh Cơ, chỗ gần với đồn công an Lạc Quần.

Như vậy, đối với tôi là người cùng lứa tuổi và cùng xuất thân từ tỉnh Nam Định như tác giả Nguyễn Công Luận, thì các chứng từ được ghi ra trong cuốn Hồi ký này rõ ràng là ăn khớp với những sự việc mà đích thân tôi đã vừa chứng kiến, mà cũng vừa là nạn nhân của sự độc ác tàn bạo của người cộng sản ngay trong giai đọan 1945 – 1954 lúc đó. Như vậy, đối với tôi, thì tính cách xác thực và khả tín của tác phẩm là điều không có thể dị nghị được.

Nhân tiện, cũng nên nhắc qua về việc sát hại có hệ thống và quy mô rộng lớn mà người cộng sản cho thực hiện tại khắp nơi – ở cả miền Trung, Nam, Bắc trong giai đọan đó – đối với mọi thành phần quốc gia mà có lập trường khác biệt với họ vào hồi những năm 1945 – 1950. Điển hình như vụ sát hại các lãnh tụ Lý Đông A, Trương Tử Anh ở miền Bắc, vụ tàn sát hàng ngàn tín đồ Cao Đài ở Quảng Ngãi, vụ sát hại các nhân vật thuộc Nhóm Đệ Tứ (Troskyst) ở miền Nam như Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Hồ Văn Ngà v.v… Đặc biệt là vụ thủ tiêu Đức Thày Huỳnh Phú Sổ vị Giáo chủ sáng lập của Phật Giáo Hòa Hảo ở miền Tây Nam Phần.

2 – Cố gắng trau dồi học tập trong quân trường và ở đại học.

Với tinh thần kiên định của người quốc gia, Nguyễn Công Luận đã đệ đơn theo học khóa 12 Sĩ quan Hiện dịch tại Trường Võ bị Quốc gia ở Đà lạt cuối năm 1955, khi vừa đủ 18 tuổi. Nhờ cố gắng chuyên cần, sinh viên sĩ quan Luận đã đậu hạng thứ tư trên tổng số 147 sĩ quan tốt nghiệp vào cuối năm 1956 với cấp bậc Thiếu úy.

Tiếp theo, thì tòan thể sĩ quan tốt nghiệp trong khóa 12 được cử đi học thêm tại Trường Bộ Binh ở Fort Benning trong tiểu bang Georgia Hoa kỳ, khởi sự từ đầu năm 1957. Đến năm 1974, Thiếu tá Luận lại được cử đi học thêm khóa chuyên môn cao hơn cũng tại Fort Benning một lần nữa. Trong cả hai khóa học tại Mỹ, học viên Luận đều đạt hạng thứ bậc cao – đặc biệt là trong khóa sau, ông Luận còn giúp phụ đạo chỉ dẫn kèm thêm cho các bạn đồng khóa người Việt cũng như người thuộc các nước đồng minh khác – để giúp các bạn theo kịp chương trình học tập khá nặng nề của trường.

Các bạn đồng khóa người Việt cũng như người Mỹ đều đã xác nhận thành quả học tập xuất sắc của Nguyễn Công Luận – nên tôi thấy không cần phải dài dòng thêm về khía cạnh này.

Điều đáng ghi thêm là, mặc dầu rất bận rộn với công việc trong quân ngũ, sĩ quan Luận vẫn tìm cách học thêm nơi các đại học và kết cục là đã tốt nghiệp bằng Cử nhân Luật khoa, Ban Tư pháp sau đúng 4 năm miệt mài học tập.

Cái vốn liếng kiến thức phong phú tích lũy được – trong suốt quá trình học tập chuyên cần nghiêm túc ở Việt nam cũng như ở Mỹ – đã giúp cho ông Luận luôn luôn có chỗ đứng vững chắc trong xã hội – kể cả sau khi đi tù cải tạo về, cũng như trên đất Mỹ. Cụ thể là ông Luận được mời dậy Anh văn tại Hội Trí thức Yêu nước liên tục từ năm 1983 cho đến khi qua định cư tại Mỹ vào năm 1991.

Và rồi mặc dầu bị bệnh họan, ông Luận vẫn miệt mài nghiên cứu và đóng góp nhiều bài vở cho các báo Việt ngữ và Anh ngữ. Ông còn được mời làm Phụ tá Chủ biên cho bộ sách đồ sộ dày trên 1,200 trang gọi là Tự Điển Bách Khoa Chiến Tranh Việt Nam (Associate Editor – The Encyclopedia of the Vietnam War). Và công trình lớn lao nhất là cuốn Hồi ký viết trực tiếp bằng Anh ngữ dày trên 600 trang – mà tác giả cho giới thiệu với công chúng độc giả bữa nay đây.

3 – Tính minh bạch ngay trong đời sống tình cảm.

Bài trình bày đến đây đã dài rồi, tôi chỉ xin ghi lại thật vắn tắt về một số chuyện hồn nhiên mà ngộ nghĩnh trong mối quan hệ của tác giả với bạn khác phái. Trước hết là mối tình thời học trò ở thành phố Nam Định trước năm 1954, lúc tác giả mới ở vào tuổi thiếu niên 15 – 16. Tác giả ghi rõ nơi trang 129 – 130 về chuyện vãy tay từ biệt cô bạn gái học cùng trường – trước khi cùng gia đình lên xe rời thành phố để đi Hanoi vào cuối tháng 6 năm 1954.

Sau nữa là mối tình không thành với một cô bạn gái khác ở miền Nam – tác giả ghi rõ nơi trang 175 – 176 về chuyện này – với hệ lụy là Trung úy Luận bị phạt kỷ luật vì lý do vắng trại lúc xảy ra cuộc tấn công của địch quân vào Trung tâm Huấn Luyện Quang Trung là nơi tác giả đang làm việc.

Các chuyện vui vui, ngộ nghĩnh như thế được tác giả thỏai mái tường thuật lại tại nhiều trang trong cuốn sách. Nhờ vậy, mà người đọc dễ nhận ra tính chất nhân bản sinh động và xác thực đan xen với nhiều sắc thái văn hóa phong tục trong sinh họat của gia đình cũng như của xã hội – chứ không phải chỉ có mặt chính trị quân sự trong giai đọan gay cấn của cuộc chiến kéo dài đến trên 30 năm ở Việt nam.

4 – Từ đơn vị tác chiến ở vùng Cao Nguyên đến Bộ Chiêu Hồi ở Saigon.

Trung úy Nguyễn Công Luận đã phục vụ tại Sư đòan 22 tại vùng Cao nguyên trên 6 năm. Ông gắn bó ruột thịt với các đồng đội là sĩ quan, hạ sĩ quan và binh lính trong đơn vị mà ông coi như là cùng một gia đình với mình. Vị Tư lệnh Su đòan hồi đó là Đại tá Nguyễn Bảo Trị đã đánh giá cao tinh thần phục vụ và đặc biệt là cố gắng nghiên cứu tìm hiểu một cách thấu đáo về các vấn đề về chiến lược, chiến thuật quân sự tại địa phương.

Vì thế mà sau này ông Trị đã giới thiệu Thiếu tá Luận về làm Giám đốc Nha Tiếp nhận Bộ Chiêu Hồi ở Saigon. Tác giả Nguyễn Công Luận đã tường thuật chi tiết về các công việc tại cơ quan này – mà ông coi đó là thời gian phục vụ rất có ý nghĩa và hiệu quả nhất trong cuộc đời họat động của ông trong hàng ngũ Quân lực Việt nam Cộng hòa.

* * Tóm tắt lại, cuốn Hồi ký đồ sộ này chứa đựng rất nhiều chi tiết chính xác và lý thú – mà được tác giả tường thuật một cách hết sức trung thực. Bạn đọc nào cũng có thể dễ dàng kiểm chứng được.

Nói chung, thì đây là một cuốn sách có ích lợi cho cả ba thế hệ trong một gia đình người Việt sinh sống ở nước ngòai. Thế hệ thứ nhất cỡ tuổi 60 – 80, thì đều đã trực tiếp chứng kiến những sự việc như tác giả trình bày. Thế hệ thứ hai là lớp con, cỡ tuổi 30 – 50, thì cũng hiểu biết ít nhiều về tình hình ở Việt nam hồi trước năm 1975. Còn thế hệ thứ ba là lớp cháu, cỡ tuổi 15 – 30, thì phần đông sinh ra trên đất Mỹ, nên không hề có kinh nghiệm bản thân gì về Việt nam thời trước kia. Vì thế mà cuốn sách này có thể được sử dụng như là một tài liệu để cả ba thế hệ trong cùng một gia đình thảo luận trao đổi bổ túc cho nhau – hầu đạt tới được sự hiểu biết chính xác hơn về lịch sử cận đại của quê hương Việt nam chúng ta.

Và đó cũng là một chứng từ đáng tin cậy và có sức thuyết phục vững chắc đối với công chúng độc giả thuộc dòng chính của xã hội Mỹ (mainstream) – đúng như lời nhận định của nhiều giới chức Mỹ về tác phẩm này.

* * Tôi thật vui mừng và hân hạnh được giới thiệu cuốn sách thật có giá trị này với quý độc giả khắp nơi vậy.

Westminster California, Tháng Chín 2013

© Đoàn Thanh Liêm

© Đàn Chim Việt

 

 

1 Phản hồi cho “Tính cách khả tín trong Hồi ký của Nguyễn Công Luận”

  1. Lên Amazon, order sách điện tử của tác giả Nguyễn Công Luận.

    Nationalist in the Viet Nam Wars: Memoirs of a Victim Turned Soldier [Kindle Edition]

    Lý do sách đã dành nhiều đoạn viết về đại đội 405 thám kích sư đoàn 22 BB của tôi .

    Một đọan ông đề cập suốt cả hai trang sách là đoạn ông kể về hành động gan dạ của binh chủng thám kích, lúc mà không còn giải pháp nào để diệt một căn hầm kiên cố có 5 tên địch ngoan cô xâm mình. Dù ông đã xử dụng nhiều biện pháp như thuyết phục chiêu hồi, bắn M79 dọa dẩm… Bởi hầm quá sâu và dài, ngụy trang rất khéo, lại kiên cố.

    Với một đơn vị súng ống đầy đủ yểm trợ tối đa thì chỉ cần một quả bom, một quả đạn pháo thì có thể tiêu diệt ngay, tuy nhiên với một đơn vị chỉ trang bị súng ống nhẹ như thám kích, thì rất khó khăn. Mặt khác ông không thể rút đi, vì nếu rút thì toán địch này sẽ thoát thân.

    Trưốc tình thế như vậy, thì có hai người lính thám kich tình nguyện.

    …At last, two of the 405th troops, a corporal and a PFC, volunteered for a bold mission. The corporal asked just one thing: to help his wife and two children bring his corpse back to his home near Can Tho should he be killed. The PFC, who was a single boy, asked for nothing. The two, a Catholic corporal and a Buddhist PFC, prayed for a minute. Then they stripped to their underpants. Then crawling on the ground, dry grass would make no sound on bare skin. Each man held two M-26 hand grenades in his hands, with safety pins removed, and gripped a carbine bayonet between his teeth. (1)

    Tạm dịch:

    Cuối cùng, hai người lính thuộc đơn vị 405, một cấp bậc hạ sĩ, một binh nhất, tình nguyện làm nhiệm vụ gan dạ liều linh. Người hạ sĩ chỉ yêu cầu một điều: giúp vợ và hai đứa con anh mang xác anh về Cần Thơ nếu chẳng may anh bị giết. Người lính binh nhất chỉ là một cậu trẻ độc thân, thì không đòi hỏi điều gì. Cả hai, viên hạ sĩ người công giáo, và người binh nhất gốc Phật tử, đều cầu kinh một phút. Rồi họ cởi hết quần áo ra chỉ còn lại quần lót. Đọan họ bò trên đất, trên cỏ khô, gắng không gây tiếng động. Mỗi người tay cầm hai trái lựu đạn M26 đều rút chốt an toàn , miệng thì ngậm dao găm…

    __-

    Năm 1966, đại đội 405 thám kích từ Kon tum di chuyển về Bình Định. Tôi tình nguyện về đơn vị này ngay khi ra trường Thủ Đức. Lý do chỉ lo văn chương nên đậu gần chót nên không còn cách gì hơn là chọn một đơn vị mà ai cũng “rét”. Vậy mà, Trời Phật thương, tôi đã phục vụ ở đấy gần 4 năm, qua hai trào đại đội trưởng. Thời gian quá lâu để biết và quen, từng gương mặt của đồng đội mình.
    Nhưng tôi không thể hình dung ra người hạ sĩ và người binh nhất mà tác giả Nguyễn Công Luận đã đề cập trong sách.. Hay là Thành ? Hay la Kho, hay là thượng sĩ Tám, hay là Năm… hay là Bình Lò heo ? Tôi không biết. Nhưng tôi không cần thắc mắc. Bởi vì tất cả những ngừoi lính ấy, mỗi người đều mang những huyền thoại, như huyền thọai mà tôi được đọc nửa khuya này, trên một tác phẩm mà tác giả không qũen biết đã viết về những người lính của đại đội tôi.

    ___

    (1): Nguyen Công Luan :

    Nationalist in the Viet Nam Wars: Memoirs of a Victim Turned Soldier [Kindle Edition], Sách điện tử Amazon.com trang 264

    (nguồn: http://tranhoaithux.wordpress.com)

Phản hồi