Trong mơ tôi khóc xót xa
Thay lời giới thiệu: Sắp tới ngày 27-7- ngày Thương binh, Liệt sĩ, cũng là ngày “bới xác, mò xương, đếm khăn tang và đong máu chiến hào” …Năm nào cũng vậy, cứ tới ngày này là tôi lại nhớ anh da diết, mối tình đầu của tôi, tình yêu đầu của tôi. Cho dù cái chết của anh có được khoác danh nghĩa, cũng không thể nào vơi đi những rung động đầu đời đã có giữa hai chúng tôi. Kỷ niệm thưở học trò, dẫu chưa thành đường viền rõ nét mà sao nhiều lúc luyến nhớ đến da diết. Gần 29 năm qua rồi, tôi vẫn không thể nào nguôi quên được mối tình này…Cũng vì anh, vì để tang cho mối duyên đầu của mình, mà tôi lập gia đình muộn, khi cái tuổi đã đuổi xuân đi, khi không thể nào nấn ná thêm được nữa, bởi sự ràng buộc thúc hối của gia đình…Nhưng dù thế nào, tôi vẫn không thể “treo cổ” được tình yêu cũ để hoà nhập với người bạn đời của mình trong cái gọi là hạnh phúc gia đình. Truyện ngắn này chính là tiếng khóc thầm lặng của tôi trước nấm mộ anh. Là đoá hoa trắng dâng lên phần mộ – mãi mãi tuổi 20 của anh – cũng là nén hương thơm tôi cắm trên đầu mộ anh- Hiếu của tôi. Mong anh sống khôn, chết thiêng, phù hộ độ trì cho quê hương Việt Nam không bao giờ phải rơi vào ách Tàu cộng , cũng là để cái chết của anh – dù phi lý – nhưng không bao giờ là vô nghĩa.
Bởi là truyện ngắn, có quyền được hư cấu nên tác giả đã đổi lại tên nhân vật cho khách quan hơn. Nhưng dù thế nào, truyện ngắn này cũng mang rõ nét dấu ấn một quãng đời thơ trẻ, cùng cách cảm, cách nghĩ của tác giả
Hà Nội 26 -7-2008
TKTT
Những trang nhật ký đã ố mờ vì thời gian. Hơn mười năm nay nó nằm tít góc trong cùng của giá sách phủ đầy mạng nhện và bụi bặm. Vậy mà gần như đêm nào tôi cũng mơ thấy anh, người chủ của nó, và dù không hề gắn cho giấc mơ những ý nghĩ tiên tri, tôi vẫn bần thần, hồi hộp khi lục tìm để đọc lại nó.
Mười một năm – một khoảng thời gian không hề ngắn ngủi đối với một đời người. Nhất là với người giàu suy tưởng, triền miên sống trong kỷ niệm như tôi.
Tôi không thể quên cái ngày một người đàn ông hoàn toàn xa lạ với ánh mắt buồn thương âm thầm tìm đến giảng đường đại học gặp tôi và trao lại cuốn sổ bọc kín giấy báo với yêu cầu: Khi nào về nhà bạn hãy mở…”
Từ đêm ấy đã bao lần tôi khóc xót xa. Tôi luôn mơ thấy anh trong suốt cả giấc ngủ muộn mằn và trằn trọc…Bất hạnh thay khi mở mắt ra và định thần lại, tôi biết anh đã không còn có mặt trên cõi đời này nữa.
Viên đạn của kẻ thù đã xuyên vào tim anh và hơn mười năm qua cũng vẫn thường xuyên vào tim tôi nhức buốt.
Hồi ấy tôi còn là cô bé 16 tuổi đang học lớp 10 phổ thông trung học. Nhà chúng tôi cách nhau vài dãy phố. Anh hơn tôi hai tuổi – thi trượt đại học năm đầu để rồi năm sau cùng ôn luyện một lớp với tôi.
16 tuổi, đầu óc tôi không mảy may vướng bận gì tới yêu thương tưởng nhớ. Hai mối quan tâm chi phối thời gian và niềm hứng thú trong cuộc đời tôi lúc ấy là đọc chuyện và ánh hào quang hấp dẫn của giảng đường đại học…khi gặp cuốn sách hay tôi có thể đọc quên ăn, quên ngủ, thâu đêm suốt sáng và sau đó chìm đắm trong dòng suy tưởng với những nhân vật yêu thích của mình. Cũng vì vậy tôi luôn đến lớp muộn và mỗi lần như vậy lại phải ngồi ngay hàng ghế sau cùng, sát cánh cửa ra vào của phòng học bên cạnh anh…
-Sao bạn đến lớp muộn thế ?
-Thì …bận!
-Bài thầy giảng quá nửa rồi, bạn có cần mượn vở về chép không?
-Để xem đã…
-Ngày mai kỷ niệm 15 năm thành lập trường – có chiếu phim hay lắm bạn đi không ?
-”Phim à” ? Tôi băn khoăn, thừa biết mình khó có thể từ chối. Thời ấy xem phim còn là điều hứng thú lắm, nhất là phim hay, lại chiếu trong dịp đặc biệt và không mất tiền như thế này.
-Đi nhé. Tiếng anh khẩn khoản bên tai…
…Bãi chiếu phim hôm ấy đông nghịt, bài học phải bỏ dở giữa chừng vì những tiếng la hét từ bãi chiếu trong trường vọng vào. Chúng tôi ào đi như một cơn lốc, mặc thấy giáo đứng chết lặng trên bục giảng đầy bụi phấn…
Mải xem tôi không biết anh đã tới bên từ lúc nào và khi hai tập của bộ phim tâm lý xã hội kết thúc, tôi cay đắng nhận ra thời gian trôi nhanh quá. Nhà thì xa, bố mẹ hẳn vẫn thức chờ đợi tôi, lại “đêm khuya thân gái dặm trường” như thế này.
Tôi buông tiếng thở dài não nuột, quay lại đã thấy anh đứng chờ, miệng nở một nụ cười vừa kiêu hãnh, khinh bạc, pha chút tự hào, năn nỉ:
-Đi chứ…
Tôi bắt đầu chịu ơn anh từ buổi tối đáng ghi nhớ ấy, anh tình nguyện làm hiệp sĩ suốt chặng đường dài và nói huyên thuyên những điều không đâu, chẳng liên quan gì đến thi cử học hành.
Bố tôi vốn là người nghiêm khắc, Ông rất mất lòng tin vào lớp trẻ – nhất là ở độ tuổi “choai choai mới nhớn” như chúng tôi. Lần đầu bắt gặp anh xuất hiện ở nhà, trong tay vo tròn cuốn sách giáo khoa, điệu bộ nhún nhảy, Ông hất hàm:
-Anh là ai ?
Câu hỏi mang đầy tính huỷ diệt và thái độ chẳng chút gì thân thiện làm anh nghẹn lời, mặt xanh như chàm đổ, lưỡi bỗng dưng dính chặt lấy hàm:
-Dạ cháu…à …tên cháu… là …là…Hiếu…Hiếu ạ….
-Anh quen biết con gái tôi trong trường hợp nào ?
Vừa vui vẻ hồn nhiên là thế, đôi mắt anh thảng thốt mở to, lộ rõ vẻ ngỡ ngàng, sợ sệt:
-Dạ…Cháu…cháu học cùng một lớp với… với…
Như chỉ đợi có thế, ông gầm lên:
-Con tôi đi học là để thi đại học, không phải để đàn đúm với hạng người lông bông, thi trượt như anh.
Anh rũ xuống như môt tàu lá héo, như tên tội phạm dù ăn năn hối cải vẫn bị kết tội:
-Thôi anh về đi. Giọng bố tôi sắc lạnh, bao giờ có kết quả thi rõ ràng, xin mời anh đến.
Tôi hết nhìn anh, nhìn bố, ánh mắt van vỉ cầu xin:
-Kìa bố! ôi, bố! Hiếu chỉ…chỉ…
Nhưng không được. Sự thiếu thiện cảm, mất lòng tin vào lớp trẻ khiến ông như hoá đá. Còn tôi không thể ngờ một tình huống xấu xa tồi tệ như thế này lại có thể xảy ra.
Mặt anh thoắt đanh lại, hai hàng lông mày rậm nhíu lại, dựng đứng, má hóp lại vì sững sờ, bực bội lại nở bạnh ra :
-Vâng ! Cháu chào bác!…Chào Thuý
-Hiếu …Hiếu…Tôi chới với gọi theo.
-Hiếu đễ gì. Mày phải lo báo hiếu bố mẹ đi là vừa. Ông nói và phủi tay như vừa trút được gánh nặng.
Máu sĩ diện nổi lên, tôi cật vấn:
-Bố buồn cười nhỉ, con sắp 17 tuổi đầu. Phải được quyền có bạn khác giới chứ ? Ngày xưa ở tuổi này mẹ đã nhận trầu cau với bố rồi.
-Xưa khác, bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy!
-Thế thì bố nhầm đấy. Con không phải: “gái ngày xưa” để bố có thể “đặt đâu con ngồi đấy “đâu.
- Á à ,con cái thời này giỏi nhỉ?
Chứng kiến cảnh vùng vằng giữa hai bố con, mẹ tôi lựa lời phân giải:
-Bình tĩnh đã con, vào trong này mẹ bảo.
Tôi cố gắng kiềm chế mình:
-Chào bố mẹ, con đi!
Anh ngỡ ngàng nhận ra tôi, đôi mắt nâu long lanh phản chiếu ánh đèn đường. Gương mặt lộ rõ vẻ cương quyết nhưng vẫn có ý xúc động, vui mừng.
-Tối thế này, đằng ấy ra làm gì ?
-Đằng nào cũng chẳng học được nữa.
-Bố đằng ấy “quân phiệt” ghê, hệt “cụ ông” nhà này.
Pages: 1 2