Ngân sách dưới thời Donald Trump
Tổng Thống Donald Trump cam kết với cử tri sẽ cắt giảm ngân sách. Giảm thiểu tối đa tình trạng ngân sách thâm thủng.
Lúc còn vận động tranh cử, ông từng lớn tiếng chê bai lối tiêu tiền “loạn xạ” của Tổng Thống Dân Chủ Barack Obama khiến nước Mỹ “nợ thêm mấy chục ngàn tỷ bạc”, từng nhắn nhở người dân Mỹ “nếu muốn quốc gia tiếp tục sống trong cảnh nợ nần thì cứ bỏ phiếu ủng hộ bà Dân Chủ Hillary Clinton”, nhấn mạnh “sau đó, đừng trách là tôi không cảnh báo các bạn”. Sau ngày đắc cử, ông cũng nhắc lại lời cam kết, cho hay sẽ làm việc chặt chẽ với Quốc Hội để cắt giảm chi tiêu “đến mức tối đa”, đồng thời loan báo “sẽ không lãnh lương”, giúp chính phủ liên bang có tiền sử dụng vào việc cần thiết khác.
Mười hai giờ trưa thứ Sáu, 20 tháng Giêng 2017, ông Trump tuyên thệ nhậm chức, nhưng từ sáng sớm ngày thứ Tư, phần lớn nhân viên làm việc trong bộ phận hoạch định chính sách của ông đã có mặt tại Washington D.C. để thảo luận với dàn chuyên viên ngân sách của Tòa Bạch Ốc về những hương trình “nên” hoặc “cần” phải cắt bỏ. Tìn hành lang chính trị thủ đô cho biết các bộ ngoại giao, thương mại, giao thông, năng lượng và tư pháp sẽ bị giảm ngân sách “vì nhiều chương trình đang thực hiện bị xếp trong danh sách không cần thiết”, nhưng khoản trợ cấp về để thực hiện những chương trình văn hóa hay mang tính nhân văn cũng bị cắt bỏ, để đạt mục tiêu tiết kiệm cho quốc gia 10,500 tỷ dollars trong 10 năm tới.
Tin này không gây ngạc nhiên cho những người từng góp phần hoạch định ngân sách quốc gia. Ông Brian Darling, cựu nhân viên của ông Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan cho hay “lúc còn làm Chủ Tịch Ủy Ban Ngân Sách, ông Ryan đã muốn cắt giảm hầu hết những gì bây giờ bên ông Trump đề nghị”. “Chính phủ Trump”, ông Darling nói tiếp, “muốn mở một kỷ nguyên mới cho chính trường Hoa Kỳ, do đó, dàn tham mưu của ông Trump sẽ để nghị cắt giảm rất nhiều chương trình mà từ lâu, nhiều người muốn làm nhưng không được sự ủng hộ của hành pháp”. Giờ đây khi hành pháp và lập pháp đều thuộc về đảng Cộng Hòa, “nên xem đây là cơ hội thuận lợi cho chính phủ Trump đề nghị cắt giảm ngân sách, cũng là cơ hội thuận lợi cho đảng Cộng Hòa ở Thượng và Hạ Viện làm điều muốn làm”.
Một nhân viên đang làm việc cho văn phòng khối đa số (Cộng Hòa) tại Hạ Viện khi được hỏi nói rằng ý kiến cắt giảm ngân sách phía ông Trump đưa ra “cao hơn con số Ủy Ban Hoạch Định Chính Sách của đảng Cộng Hòa đưa ra hồi cuối năm ngoái”. “Lúc đó, chúng tôi để nghị giảm bớt chi tiêu để tiết kiệm 8,600 tỷ dollars cho 10 năm tới, bây giờ nghe nói họ sẽ cắt nhiều hơn nữa, chứng tỏ tân chính phủ Trump nhất quyết ra tay giải quyết ngân sách và chuyện nợ nần của quốc gia”.
Chuyện tân chính phủ do Tổng Thống Trump nhất quyết ra tay giải quyết ngân sách “là điều ai ai cũng nhìn thấy từ khi ông Trump còn tranh cử”, theo nhận xét của ông George McMahon, một chiến lược gia Cộng Hòa quen thuộc với giới truyền thông thủ đô. “Ứng cử viên Trump chọn ông Mike Pence đứng phó cho liên danh vì từ lúc còn làm Dân Biểu Hạ Viện, ông Pence đã nổi tiếng là người của cánh bảo thủ cương rắn, dẫn đầu nhóm đòi hỏi phải cắt giảm ngân sách liên bang”. “Sau ngày đắc cử,” ông McMahon nói tiếp, “chính ông Phó Pence là người để cử Dân Biểu Mick Mulvaney vào chức vụ Giám Đốc Ngân Sách, vì ông Mulvaney có cùng quan điểm là nước Mỹ nợ nần chỉ vì có những khoản tiền chi tiêu không hợp lý”.
Những khoản tiền chi tiêu không hợp lý đó nằm ở chỗ nào?
Tin chưa được kiểm chứng cho thấy những cơ quan như Văn Phòng Đặc Trách Hỗ Trợ Phát Triển Tiểu Thương, Văn Phòng Đặc Trách Phát Triển Mậu Dịch Quốc Tế thuộc Bộ Thương Mại có thể sẽ đóng cửa; bên Bộ Ngoại Giao, các khoản trợ cấp cho Tổ Chức Hỗ Trợ Đầu Tư Ở Nước Ngoài, Văn Phòng Nghiên Cứu Và Thực Hiện Bản Hiệp Ước Môi Trường Paris, cũng như khoản trợ cấp cho Liên Hiệp Quốc để lập Ủy Ban Nghiên Cứu Đa Quốc Về Môi Trường Toàn Cầu cũng nằm trong danh sách có thể bị cắt bỏ; bên Bộ Tư Pháp, chương trình yểm trợ địa phương mở các lớp hướng dẫn cộng đồng hợp tác với cảnh sát để bài trừ phạm pháp cũng không có nhiều hy vọng sẽ được chấp thuận; hay bên Bộ Năng Lượng, cac chương trình nghiên cứu điện lực, nghiên cứu năng lượng và môi trường, cũng như chương trình nghiên cứu sử dụng năng lượng tái sinh (renewable energy) “gần như không còn đất sống”, theo lời những người biết chuyện. Cũng cần kể thêm hồi 2012 khi ra tranh cử tổng thống, ông Thống Đốc Rick Perry của tiểu bang Texas nói nếu đắc cử, ông sẽ đóng cửa Bộ Năng Lượng vì “cơ quan này không cần thiết”. Bây giờ ông Perry là người được Tổng Thống Trump đề cử nắm.., Bộ Năng Lượng.
Bên cạnh những cắt giảm sẽ được tân chính phủ Trump thực hiện với các chương trình trong nước, một số nhà quan sát cũng nói “đừng quên trong bài diễn văn nhậm chức, Tân Tổng Thống Trump báo trước cho mọi người biết ông cũng cắt giảm các chương trình viện trợ dành cho nước ngoài”.
Trong bài diễn văn đầu tiên gửi người dân Hoa Kỳ, Tổng Thống Trump nói rằng “chúng ta bổ sung lực lượng cho quân đội những nước khác trong khi quân đội nước nhà lại suy giảm một cách đáng buồn, chúng ta bảo vệ biên giới cho các nước khác và bỏ quên biên giới của chính chúng ta, chúng ta đã đổ hàng ngàn tỷ dollars ra nước ngoài trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng ở Mỹ ngày càng mục nát”, trước khi đưa ra lời hứa “tất cả những điều đó đều là quá khứ, từ giờ trở đi chúng ta chỉ hướng đến tương lai” vì “kể từ ngày hôm nay, mảnh đất này sẽ được lãnh đạo bằng một tầm nhìn mới. Kể từ hôm nay, mọi việc đều phải ưu tiên cho nước Mỹ, lợi ích của nước Mỹ là ưu tiên số một”.
Điều đó, theo quan sát viên độc lập George Bolton, “là dấu hiệu bào trước chính phủ Trump sẽ cắt giảm rất nhiều khoản viện trợ dành cho nước ngoài”, như có lần ông Trump đã nói với cử tri ở Pennsylvania “các bạn nhớ bỏ phiếu cho tôi, vì tôi sẽ dùng tiền thuế của các bạn để phục vụ cho các bạn, chứ không cho ai khác cả”.
Nguyễn Khanh
Để cứu quỹ An Sinh Xã Hội Social Security, dân biểu đảng Cộng Hòa Sam Johnson muốn tăng tuổi được hưởng an sinh xã hội Social Security lên 69 và cắt giảm mức trợ cấp hàng tháng.
Sam Johnson là chủ tịch ủy ban Hạ Viện coi về vấn đề An Sinh Xã Hội Social Security.
https://retiredamericans.org/rep-sam-johnson-wants-cut-social-security-drastically/
ĐỒNG TIỀN BAO SÂN VÀ ĐỒNG TIỀN ÍCH KỶ HIỆN NAY CỦA MỸ
Thời Liên Xô chư sụp đổ, ngân sách nhà nước Liên Xô phải bao sân một phần nhiểu nước cộng sản khác nhất là Đông Âu để giữ vững và khuếch trương mở rộng phe xã hội chủ nghĩa của mình. Ngân sách Mỹ thời đó cũng vậy, phải bao sân gánh gồng cho nhiều nước theo kinh tế thị trường và tự do khác, được gọi là viện trợ Mỹ, hầu chống lại khối Liên Xô cộng sản. Tất nhiên kết quả Liên Xô cũng phải chịu nghèo đi một phần và nước Mỹ cũng vậy. Nhưng đó là những đồng tiền nhằm bảo vệ ý thức hệ của mỗi bên trên toàn thế giới. Chẳng những vậy Mỹ còn bị Liên Xô và Trung Quốc chưởi ra rã là đế quốc sen đầm quốc tế. Nhưng Mỹ vẫn cố chịu đấm ăn xôi. Cuối cùng thể chế cộng sản Liên Xô phải sụp đổ, thể chế Trung Quốc cũng đổi màu. Đó là kết thúc thời kỳ chiến tranh lạnh toàn cầu để tiến vào thời kỳ toàn cầu hội nhập trong kinh tế thị trường toàn cầu hóa ngày nay.
Tiếp theo thời chiến tranh lạnh đó qua đi, kế đến là chiến tranh Trung Đông ở Afghanistan rồi Irắc, Taliban bị Mỹ can thiệp loại bỏ, và hiện nay Mỹ cũng đang đối đầu với tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng ISIS. Ngân sách Mỹ lại phải bỏ ra không ít vì những chuyện đó. Nói chung ngân sách Mỹ từng đổ vào để chống lại phe Trục và đi đến thắng lợi của Đồng Minh trong Thế chiến hai, sau đó tới thời kỳ tái thiết châu Âu sau chiến tranh, rồi đến chiến tranh lạnh với phe xã hội chủ nghĩa cộng sản, rồi giai đoạn chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan hiện nay, những cái đó quả thật có phần làm nghèo nước Mỹ song làm lợi cho thế giới và cuối cùng Mỹ cũng được hưởng trong đó.
Thế nhưng tới nay cái nhìn của Tổng Thống mới thứ 45 Hoa Kỳ Donald Trump lại là cái nhìn hoàn toàn khác. Mặc dầu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đã được được nhờ nổ lực của Mỹ sau bao thập niên, hiện tại vị tân Tổng Thống này chỉ muốn ưu tiên vựt lại nước Mỹ dậy, tức chỉ muốn Mỹ như một cường quốc mạnh nhất mọi mặt trên thế giới thế thôi, không còn muốn cảnh Mỹ phải nợ nần lút đầu vì bao sân thiên hạ. Và nếu thời kỳ vác tù và hàng tổng của Mỹ trước kia chấm dứt, buộc mọi nơi trên thế giới đều phải tự lập, không được trông cậy vào cái dù Mỹ nữa, liệu rồi thế giới sẽ ra sao khiến nhiều người hiện đang lo lắng không phải không có lý do của nó. Như vậy Mỹ sẽ đúng hay Mỹ sẽ sai, Trump sẽ đúng hay sẽ sai, đó là vấn đề nhiều nơi đang bàn cải. Ngay như ngân sách của tổ chức quốc tế Liên Hiệp Quốc xưa nay thật sự phần lớn là do Mỹ gánh và cơ quan này quả đã làm được nhiều điều ích lợi cho toàn thế giới về tất cả mọi mặt.
Kết luận lại đồng tiền bao sân là tốt hay hại cho Mỹ, tốt hay hại cho ai, còn đồng tiền ích kỷ ngược lại có lợi cho Mỹ và hại cho ai ra sao, chính là điều tương lai sẽ trả lời nhưng ngay trước mắt đã làm nhiều người như đang thất vọng và hụt hẫng. Trump chỉ muốn đồng tiền Mỹ quay vòng trong nước Mỹ trước nhất, không phải quay vòng trên toàn thế giới như lâu nay. Chính sách làm nước Mỹ mạnh mẽ trở lại của Trump là như thế, chỉ cần công ăn việc làm và đồng tiền cho dân Mỹ còn bất kể các nước khác ra sao là chuyện của người ta, không hơi sức nào gánh bàn độc mướn. Đã gánh bàn độc mướn chẳng được biết ơn mà còn bị chưởi te tua như tát nước. Đấy cái khôn hay cái dại của Trump chính là như thế. Và người hùng mới này của Mỹ sẽ vựt dậy được nước Mỹ theo ý muốn ông ta không hay chỉ làm nước Mỹ sa lún thêm vì thế giới sa lún thêm đó là điều mà mọi người hiện nay đang quan tâm kể cả chính dân Mỹ cũng đang hoang mang tranh cãi vì vì khuynh hướng bao sân rộng bụng hay chỉ khuynh hướng ích ỷ chỉ bo bo muốn biết cho mình. Tuy nhiên có điều đáng nói cắt giảm ngân sách để tránh những phung phí vô ích là điều tốt, song không có nghĩa cắt giảm chi tiêu về mọi điều sinh lợi các mặt lại chưa hẳn là điều tốt nếu nhìn thuần túy khía cạnh kinh tế tài chánh cũng như nhìn bao quát mọi khía cạnh văn hóa xã hội khác nhau trong nước cũng như trên toàn thế giới. Trump quả thật là một hiện tượng có một không hai chưa biết triển vọng thế nào hiện nay trên nước Mỹ.
NON NGÀN
(23/01/17)