Giải hòa bình Nobel quá “đát”
Hôm Thứ Sáu 9 tháng 10 vừa qua (09/10/2009) Ủy Ban Nobel tại Oslo tuyên bố trao giải Hòa bình Nobel năm 2009 cho tổng thống Barack Obama của Hoa Kỳ.
Ông Chủ tịch Ủy Ban Nobel tuyên bố: “Chúng tôi chọn tổng thống Obama vì ông đã mang đến một không khí mới mẻ cho nền chính trị thế giới, và là người cầm ngọn đuốc của những người chủ trương giải hòa bình Nobel trong suốt 108 năm qua. Tổng thống Obama đã mang đến cho nhân loại viễn kiến và hy vọng vào tương lai ngay từ khi ông bắt đầu nhiệm kỳ của ông.”
Giải Nobel do kỹ sư Alfred B. Nobel người Thụy Điển thiết lập năm 1895 do một Ủy ban gọi là Nobel Foundation quản lý và hằng năm phát thưởng bằng tiền cho những ai làm, khám phá hay phát minh được những gì hữu ích cho nhân loại trong năm lĩnh vực Vật lý học, Hóa học, Văn chương, Y khoa và Hòa bình thế giới. Năm 1969 Ủy Ban Nobel lập thêm giải thưởng kinh tế do sự quan trọng của sinh hoạt kinh tế thế giới liên quan đến hòa bình và phát triển.
Giải Nobel là một giải được trân trọng trên thế giới, nhất là những giải được trao trước năm 1973, trong đó có hai vị tổng thống Hoa Kỳ là tổng thống Theodore Roosevelt và tổng thống Woodrow Wilson. Tổng thống Jimmy Carter được giải sau năm 1973 nhưng cũng là một giải xứng đáng được thế giới tán đồng và ca tụng.
Tổng thống Theodore Roosevelt (hai nhiệm kỳ 1901 – 1909) được giải năm 1906 trong nhiệm kỳ 2, vì đã đóng một vai trò quan trọng đưa đến ổn định cho Tây Bán Cầu, và đã dùng chức vụ tổng thống Hoa Kỳ hòa giải Nga và Nhật Bản chấm dứt trận chiến Nga-Nhật năm 1905.
Trong khi đó tổng thống Woodrow Wilson (hai nhiệm kỳ 1913-1921) cũng được chọn lãnh giải trong nhiệm kỳ 2 (1919) sau khi ông đã làm hết sức mình trong nhiệm kỳ thứ nhất để tạo một thế giới tự do, hòa bình và tôn trọng công lý. Ông là người khai sinh ra Hội Vạn quốc tiền thân của Liên hiệp quốc.
Tổng thống Carter (một nhiệm kỳ 1977-1981) được giải năm 2002 vì trong thời gian làm tổng thống ông đã đóng góp vào giải pháp hòa bình giữa Do thái và Ai Cập và sau khi rời chức vụ tổng thống ông đã đóng góp nhiều vào việc thực hiện và duy trì hòa bình tại nhiều nơi trên thế giới.
Năm 1973 Ủy ban Hòa bình Nobel chính trị hóa giải hòa bình bằng quyết định trao giải cho Henry Kissinger và Lê Đức Thọ, hai nhà thương thuyết đưa đến Hiệp Định Paris chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Thế giới bắt đầu nghi ngờ giá trị của giải. Mọi người đều biết ông Kissinger thương thuyết Hiệp Định ngưng bắn vì Hoa Kỳ đổi sách lược chứ chẳng phải vì hòa bình. Còn Lê Đức Thọ thương thuyết Hiệp Định ngưng bắn với ý đồ sẽ chiếm miền Nam bằng vũ lực sau khi Hoa Kỳ rút quân.
Trao giải cho Kissinger và Lê Dức Thọ Ủy ban Nobel hy vọng vì hào nhoáng của giải hòa bình Hà nội sẽ nghiêm chỉnh thi hành Hiệp Định Paris. Một ảo tưởng.
Đến năm 1994, Ủy ban Nobel chính trị hóa giải hòa bình một lần nữa khi trao giải cho ông Yasir Arafat, lãnh tụ Palestine, một tay khủng bố có thành tích, và hai chính khách Do Thái là Yitzhak Robin và Shimon Perez, những người làm hòa bình với định tâm chôn sống Palestine trong hòa bình. Ủy ban hy vọng giải hòa bình trao cho ba nhân vật trên sẽ thúc đẩy họ hòa giải và đem đến hòa bình cho Trung đông. Lại một ảo tưởng nữa.
Năm nay Ủy ban Nobel trao giải cho tổng thống Obama. Hơn ai hết dân chúng Hoa Kỳ ngạc nhiên trước nhất kể cả những người vốn ủng hộ ông Obama. Là một Thượng nghị sĩ trước khi ra ứng cử tổng thống Hoa Kỳ ông Obama chống việc khởi quân đánh Iraq. Nhưng đó chưa phải là thành tích. Và ở chức vụ tổng thống chưa đầy một năm ông Obama cũng chưa làm gì cụ thể để đóng góp và kiến tạo một nền hòa bình lâu dài cho thế giới.
Việc trao giải của Ủy ban Nobel một lần nữa là một quyết định chính trị. Phải chăng Ủy ban Nobel muốn dùng giải hòa bình đế thuyết phục tổng thống Obama rút quân ra khỏi Afghanistan.
Việc rút quân hay đổ thêm quân vào Afghanistan lúc này là một quyết định sinh tử của Hoa Kỳ, và không thể vì cái hào nhoáng của giải Nobel 2009 mà Obama quyết đoán một cách vội vã được.
Cách tốt nhất của tổng thống Obama là từ chối nhận lãnh giải hòa bình Nobel do Ủy ban Nobel trao tặng để có tự do hành động theo quyền lợi của Hoa Kỳ.
Nhưng rất tiếc ông Obama đã tuyên bố nhận giải. Ông khiêm nhượng nói rằng Ủy ban trao giải cho ông chẳng phải vì thành tích cá nhân mà chỉ là một dấu hiệu thế giới chấp nhận sự lãnh đạo của Hoa Kỳ.
Hình như những người Na Uy trong Ủy ban Nobel đang say mê giấc mộng hòa bình và không thấy được cái thực tế chính trị của Hoa Kỳ.
Và một lần nữa dùng cái giải quốc tế quá “đát” của mình một cách vụng về.
October 10, 2009