TS Hà Sĩ Phu: “Dân chủ, ít nhất phải chờ tới ĐH sau”
Đàn Chim Việt phỏng vấn, Mạc Việt Hồng thực hiện.
Tiếp tục loạt phỏng vấn nhân Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI, chúng tôi xin gửi tới bạn đọc ý kiến của tiến sỹ Hà Sĩ Phu.
Giữa thời buổi viễn thông phát triển vượt bậc, ở Việt Nam có tới trên 70 triệu thuê bao điện thoại các loại, đứa trẻ 13, 15 tuổi cũng nhét trong túi cái điện thoại cầm tay, nhưng liên hệ với ông thật khó không khác gì liên hệ với… người rừng.
Điện thoại của ông đã bị cắt nhiều lần và từ tháng Năm năm ngoái nó có thể bị cắt vĩnh viễn luôn. Ông đã hơn một lần làm đơn trình bày gửi tới các cơ quan hữu trách nhưng câu trả lời vẫn bặt vô âm tín. Lý do nhà chức trách nêu ra là ông đã dùng mấy cái phone đó để “chống lại nhà nước”.
Chúng tôi đành dùng cách liên hệ với ông qua e-mail. Nhưng, vừa gửi được mấy câu hỏi tới ông thì không rõ tin tặc “ngửi” ra việc ông sắp trả lời phỏng vấn báo “phản động” hay sao đó, mà e-mail Thư viện Hà Sĩ Phu của ông bị chiếm đoạt luôn!
Vòng veo một hồi rồi chúng tôi cũng phỏng vấn được ông. Mặc dù muốn hỏi thêm vài câu, nhưng không muốn thư đi, thư lại “làm khó” ông hơn nữa, chúng tôi đành dừng tại đây và hẹn ông một dịp khác.
Hà Sĩ Phu tên thật là Nguyễn Xuân Tụ, sinh năm 1940 tại Bắc Ninh, tiến sỹ Sinh học (bảo vệ tại Praha, Tiệp Khắc- nay là Cộng hòa Séc). Ông được biết đến như một người bất đồng chính kiến nổi tiếng với chính quyền Việt Nam qua một loạt các tác phẩm và các bài luận như “Dắt tay nhau đi dưới những tấm biển chỉ đường của trí tuệ”, “Đôi điều suy nghĩ của một công dân”, “Chia tay ý thức hệ”… và nhiều bài bình luận, trả lời phỏng vấn khác.
Cũng vì việc bày tỏ quan điểm này mà hai chục năm nay ông đã nhiều lần bị thẩm vấn, trong đó có đợt (năm 2000) kéo dài tới 8 tháng liên tục, 1 năm ở tù, nhiều lần bị giam giữ, vài lần bị đấu tố tại phường. Ông cũng bị quản chế tại gia nhiều năm và vẫn tiếp tục tới nay, lúc thì bằng lệnh, khi thì bằng miệng. Nhà ông từng bị “đào xới” nhiều lần, tịch thu “tài liệu”, máy tính, phương tiện làm việc. Công an cũng sách nhiễu tất cả những người tới thăm ông và những nơi ông đến, kể cả khi ông đi khám bệnh.
Nhưng, tiếng nói của ông vẫn vượt qua mọi sự bao vây, giam hãm để tới với bạn đọc.
Mạc Việt Hồng (MVH): Thưa ông, ngay từ trước khi khối XHCN ở Đông Âu sụp đổ, năm 1988 ông đã viết tác phẩm “Dắt tay nhau, đi dưới những tấm biển chỉ đường của trí tuệ“. 23 năm đã trôi qua, ngoài sự thay đổi về kinh tế mà ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy thì những thay đổi về chính trị ở Việt Nam như thế nào dưới con mắt của ông?
Tiến sỹ Hà Sĩ Phu (HSP): Vâng, trước khi Đông Âu sụp đổ, thế giới Cộng sản tưởng chừng cứ vĩnh cửu thì tôi đã nói trước rằng một xã hội đầy những nghịch lý và phi lý như vậy là do đi theo một chủ nghĩa phản khoa học, phản tiến hoá, chọn phương tiện phản lại mục đích, thì nhất định sẽ đến bế tắc. Nhưng tôi cũng dự đoán là đối sách của những người đã chiếm được quyền lực tuyệt đối sẽ được tách ra hai phần, phần Kinh tế sẽ học thế giới để sửa thật nhanh, còn phần Chính trị và Tư tưởng thì sẽ nguỵ biện nguỵ trang, chỉ đổi mới giả vờ để giữ nguyên quyền thống trị. Sau 22 năm thực tiễn đã diễn ra đúng như vậy.
Đến nay, điều mới xuất hiện là ngày càng nhiều người tử tế cũng nhìn ra sai lầm có hệ thống từ gốc đến ngọn đó và bắt đầu tạo ra áp lực chống lại chủ trương bảo thủ kia. Sự phân thân thành 2 nửa Kinh tế thị trường và Chính trị Xã hội chủ nghĩa lúc đầu là “đứa con lai láu cá” giúp Đảng Cộng sản tạm thời có đường thoát nhưng càng ngày hai nửa ấy càng chống phá lẫn nhau, cuối cùng vẫn phải trở về đương đầu với những phi lý từ gốc rễ, tức là phải tìm nguyên nhân ở chính cái chủ nghĩa Mác Lê trào dâng ảo tưởng nhưng bất cập trí tuệ mà nhân loại tỉnh táo đã vứt vào sọt rác. Cuộc thải trừ Chủ nghĩa ấy ở nước ta đến Đại hội thú 11 này mới thực sự bắt đầu một cách rụt rè và nhọc nhằn. Thật quá chậm, nhưng còn hơn không.
MVH: Dân tộc Việt Nam đã không chớp được thời cơ để chuyển sang chế độ dân chủ như nhiều nước Đông Âu khác. Bây giờ, nhìn lại, ông đánh giá, đâu là nguyên nhân của sự “kém may mắn” đó?
HSP: Sự không may mắn ấy không phải chỉ ở riêng Việt Nam mà là của châu lục, tức cả mấy nước Cộng sản châu Á. Đó là vấn đề địa lý chính trị. Chủ nghĩa Mác gieo vào một vùng của châu Á , đúng vào nơi phong kiến Khổng giáo và nơi kinh tế kém phát triển mới là gieo vào đúng mảnh đất của nó, nên nó cộng hưởng và bén rễ sâu hơn ở châu Âu rất nhiều, nên không thể thoát ra theo kiểu Đông Âu.
Song sự không may mắn ở nước ta cũng có màu sắc Việt Nam riêng. Tính chất khôn vặt, thích nghi vặt để tồn tại là ưu điểm di truyền giúp cho Việt Nam tồn tại bên cạnh con Hổ khổng lồ Trung Quốc, nhưng chính nó là trở ngại trên con đường xây dựng một nước độc lập, tự chủ đường hoàng, đĩnh đạc. Việt Nam giỏi sửa chữa, giỏi chữa cháy hơn là thiết kế, nên thích vá víu hơn là thiết kế lại, dù trí tuệ thế giới đã chỉ cho biết là phải dũng cảm quay lại thiết kế từ đầu mới thanh thoát được.
MVH: Nói về sự không may mắn mang tính địa lý, ở Á châu hiện nay còn 3 nước Cộng sản là Trung Quốc, Bắc Hàn và Việt Nam. Trừ Bắc Hàn có khả năng giải thể chế độ Cộng sản thông qua con đường thống nhất với Nam Hàn, hai nước Trung Quốc và Việt Nam đều phải “tự thân vận động” để tiến tới dân chủ.
Việt Nam từ hàng ngàn năm nay chịu ảnh hưởng về văn hóa và tư tưởng của Trung Quốc, hiện cũng đang là một bản sao – chính xác hơn là bản sao tồi – của mô hình Trung Quốc. Đã từng có ý kiến cho rằng, chừng nào Trung Quốc chưa có dân chủ đa đảng thì Việt Nam cũng chưa thể có được. Chúng tôi muốn được biết nhận định của ông về vấn đề này?
HSP: Nếu Triều Tiên thống nhất được với Hàn quốc theo gương nước Đức thì đại phúc cho dân tộc họ. Trung Quốc hiện nay vẫn đa đảng đấy chứ, nhưng không hề dân chủ, nói đúng hơn là có dân chủ hình thức nhưng không có Tự do. Nhưng dù họ có ngang ngược vẫn sừng sững một Trung Quốc khổng lồ và đặc trưng cả về quy mô, tầm văn hóa, tầm trí tuệ và tầm tàn bạo. Không ai có thể học theo được họ. Tầm của Việt Nam mà học theo họ thì lụn bại, nếu không trở thành quận huyện của họ thì lại sa lầy không có lối ra. Lối thoát duy nhất của Việt Nam là gia nhập hoàn toàn vào nhân loại tiến bộ, dũng cảm bỏ con đường ảo tưởng-duy ý chí mà mình trót theo. Có ra khỏi Chủ nghĩa Cộng sản mới mong thoát khỏi bàn tay Trung quốc, việc này càng chậm càng bất lợi. Dân Việt Nam chớ chờ đợi gì ở sự tiến triển của Trung Quốc. Vì thế một đảng viên nào còn lòng yêu nước thì từ Đại hội Đảng thứ XI này cần loại trừ ngay những phần tử chủ trương theo Trung Quốc hay nhượng bộ Trung Quốc để giữ quyền lợi thiển cận.
MVH: Đại hội đảng lần thứ XI này vẫn kiên trì tiến lên XHCN và mới đây nhất, trước thềm Đại hội, trong cuộc họp báo quốc tế sáng 10/1/2011, ông Đinh Thế Huynh, chủ tịch Hội Nhà báo, Tổng biên tập báo Nhân Dân đã phát biểu rằng: “Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên đa đảng và dứt khoát không đa nguyên đã đảng“, ông có muốn bình luận gì về phát biểu này không, thưa ông?
HSP: Giới chính trị, tư tưởng ở Việt Nam có lẽ lười đọc hoặc coi thường những ý kiến khác mình nên cứ dẫm chân tại chỗ, nói mãi những câu ấu trĩ không biết đến bao giờ. Hai mươi năm trước ông Nguyễn Văn Linh đã nói như thế và tôi đã vạch rõ sự nguỵ biện này. Năm ngoái ông Nguyễn Phú Trọng cũng nói như thế và cũng có người tranh luận một cách xác đáng. Nay ông Đinh Thế Huynh lại nói như vậy, không thèm biết thiên hạ đã cày xới chuyện này như thế nào rồi. Nói rộng ra, về nhu cầu tự nhiên phải có nền chính trị dân chủ đa nguyên thì đã có rất bài nghiên cứu một cách khách quan. Chính ông Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ nói mềm mỏng là “trước mắt chưa thấy có nhu cầu”, chỉ sắp đến Đại hội tranh ngôi thứ chuyên chính nên ông Huynh mới khẳng định dứt khoát như dao chém đá như vậy. Tôi hiểu đó là một thái độ chính trị hơn là một nhận thức.
MVH: Như vậy, những đóng góp từ nhiều năm nay của ông và một số nhân sỹ khác có tác dụng gì, khi Đảng vẫn kiên quyết “vác cây tre đi ngang”?
HSP: Việc gì muốn thành công cũng phải bắt đầu từ nhận thức. Sự nghiệp lớn của bất cứ quốc gia nào cũng đặt trên một “triết lý” nào đó. Giới trí thức trước hết có trách nhiệm trong việc lay chuyển nhận thức cũ, mở ra nhận thức mới. Nhưng nhận thức đúng chỉ có thể thành sức mạnh khi nó được xã hội hoá và gắn với một “lực lượng vật chất” cụ thể nào đó. Cũng tức là nhận thức phải được vật chất hoá, chính trị hóa. Trên bàn cờ chính trị người ta không cân nhắc gì về Lẽ phải, mà cân nhắc nước cờ có lợi hay có hại, khả thi hay không khả thi mà thôi. Nhận thức, tư tưởng chỉ trở thành đối trọng nếu nó trở thành những lực lượng chính trị, những áp lực chính trị. Tư tưởng của giới Trí thức chỉ là chất gây men, thú thật với chị, nói mãi không ăn thua gì nhiều lúc cũng ngán không muốn nói gì nữa. Nhưng rất mừng là ngày nay đã có nhiều người, kể cả những cán bộ có vị trí quan trọng đã lên tiếng, bắt đầu hình thành những áp lực chính trị, chắc hẳn đó là sự kế tục của những nỗ lực vô danh của nhiều người, nhiều năm đã qua, và hôm nay còn phải tiếp tục không mỏi.
MVH: Có thể hiểu ý của ông rằng, tầng lớp trí thức ở Việt Nam giúp xã hội thay đổi nhận thức, tạo ra chất men cho cuộc cách mạng dân chủ. Những người chủ trương chuyển hóa dân chủ phải gây dựng được một lực lượng chính trị, tạo ra những áp lực chính trị để thay đổi xã hội. Nhưng, phải làm sao đây khi dường như ĐCS nhìn nhận ra vấn đề này rất sớm, họ luôn đàn áp mọi tổ chức hay mọi cố gắng kết hợp, liên kết với nhau nằm ngoài sự lãnh đạo của Đảng?
HSP: Chị nói đúng, mấu chốt là ở đây. Muốn thành sức mạnh xã hội thì phải làm cái việc gọi là “vận động quần chúng”, mà Đảng Cộng sản là “Tổ sư” của môn võ này, ai qua mặt được.
Xin lấy một ví dụ: Thấy XÃ HỘI DÂN SỰ là cửa thoát để dân chúng có thể tuồn ra khỏi bàn tay nắm chặt của Đảng (tôi nói đùa nhá :như tù trốn trại) để sống cuộc đời thực của những công dân một nước tự do, thì Đảng đã đón lõng, bủa vây bằng cái gọi là “Mặt trận Tổ quốc” đang được tô son trát phấn. Người đứng đầu “Mặt trận” (nay là ông Huỳnh Đảm) xưa nay có quyền gì trong Đảng? Chỉ là người ngồi chơi xơi nước, chờ đến kỳ bầu cử thì tổ chức hiệp thương để gạn lọc thật kỹ trước khi đưa cho dân được tự do tha hồ mà chọn! Nay cuộc long trọng nào cũng thấy có 5 người: bên cạnh ông Mạnh, ông Triết, ông Dũng, ông Trọng là ông “Đảm Mặt trận”! Người đại diện cho toàn dân tộc cũng được ngang hàng với 4 người đứng đầu một Đảng đấy chứ dân tộc có bé đâu?
Đảng có “xã hội dân sự” sẵn sàng hẳn hoi đấy nhá, mọi điều “phản biện” phải qua ngõ này, thế thì có chạy đằng giời! Nhưng giời sinh voi thì giời sinh cỏ, tài cán gì mà cấm hết cỏ trên đời để cho muôn đời nguyền rủa? Voi cứ đi sẽ tìm thấy cỏ, nhưng đường nào đã gài mìn dày đặc thì chớ xông vào!.
MVH: Cho tới nay, có một số nhận định rằng, Việt Nam sẽ đi theo con đường tương tự như Nam Hàn, độc tài vài chục năm cho tới khi mức sống vật chất cao hơn, dân trí khá hơn rồi đất nước sẽ có dân chủ. Ông đánh giá luồng ý kiến này ra sao thưa ông?
HSP: Khi nền Kinh tế còn quá thấp kém thì phải ưu tiên cho Kinh tế vì “Có thực mới vực được Đạo”, nhưng để tránh sự nguỵ biện nhằm ý đồ xấu cần lưu ý mấy điều:
- Kinh tế và Dân chủ là hai mặt của một xã hội văn minh, phải tương xứng với nhau. Muốn có một nền “Kinh tế trí thức” thì cũng phải có một nền “Chính trị trí thức”, mà chính trị Mác-Lê là một nền chính trị ảo tưởng, phi khoa học thì đương nhiên có tính chất “phản trí thức” , không cùng tồn tại với “kinh tế trí thức” được. Dân chủ vừa là mục đích vừa là nền tảng để phát triển Kinh tế bền vững.
- Tuy giai đoạn đầu phải ưu tiên phát triển Kinh tế , nhưng Việt Nam đã có hơn 20 năm phục hồi Kinh tế rồi. Có những yếu tố Dân chủ nền tảng phải thiết kế từ đầu để định hướng cho Kinh tế. Nếu để mặc cho nền Kinh tế phi dân chủ lộng hành, mà 2 yếu tố Quyền và Tiền luôn có xu hướng liên kết để lộng hành, khi “ván đã đóng thuyền” muốn sửa chữa lại sẽ rất khó, Kinh tế và Dân chủ vừa có mặt tương hỗ nhau, vừa có mặt chống nhau. Không phải cứ có đời sống kinh tế cao là lúc ấy tự khắc dân chủ sẽ đến như quy luật đương nhiên. Kinh tế và Dân chủ có tính độc lập tương đối, nếu giới bị trị và nghèo khổ không nỗ lực tranh đấu thì chỉ có thể được ăn bánh vẽ Dân chủ thôi. Đấy cũng là quy luật của muôn đời chẳng xa lạ gì. Tóm lại với tình hình cụ thể ở Việt Nam hiện nay mà chủ trương dùng “độc tài tạm thời” để làm Kinh tế là một ngụy biện có hại, không chấp nhận được.
MVH: Xin được hỏi ông một câu hỏi mang tính phỏng đoán, liệu đây có thể là đại hội cuối cùng của ĐCS Việt Nam như ý kiến của tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ và một số người khác phát biểu gần đây không?
HSP: Nếu nhìn những sự thay đổi chưa từng có như ý kiến của 22 vị đảng viên trí thức cao cấp, như ý kiến của cựu uỷ viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn An, như lời thơ của cựu Thứ trưởng Trần Nhơn…, tất cả đều muốn đưa cái thây ma Mác Lê Xã hội chủ nghĩa vào Viện bảo tàng, thì sự lạc quan như chị nói cũng có lý. Bằng những cách khác nhau họ đã dũng cảm nói lên những nhận thức quyết liệt mà chúng tôi đã nói bằng lý lẽ khoa học trước đây mấy chục năm. Vậy chắc đây là Đại hội cuối cùng?
Nhưng nếu đọc Văn kiện Đại hội và những lời tuyên bố chính thống thì “vũ như cẫn” chứ đâu có nhúc nhích gì? Trên Tivi còn đọc một câu xanh rờn: “Toàn dân ta vô cùng tự hào về sự kiên trì của Đảng ta”. (Xin dịch chữ “KIÊN TRÌ”, như một thuật ngữ Chính trị, ra ngôn ngữ phổ thông là LÌ LỢM!). Toàn dân ta cảm kích và vô cùng tự hào về sự lì lợm của Đảng ta! (Ôi chao câu này nghe câu này mà thấy sướng). Nhưng nếu toàn dân nghĩ như thế thật thì 22 vị lão thành cao cấp kia, cùng ông Nguyễn Văn An, ông Trần Nhơn đã được Đảng được cho đi theo cụ Mác, hoặc theo bà điền chủ hảo tâm Nguyễn Thị Năm rồi chứ chẳng còn ngồi đấy mà “phản biện”.
Mâu thuẫn đến mức ấy, nếu ở một nước khác thì đã nổ bùng, “biến tắc thông ngay”. Nhưng ở Việt Nam, xứ sở của cao su, vô định hình, chẳng dễ gì rành mạch như thế. Ít nhất phải chờ đến Đại hội sau.
© HSP, MVH
© Đàn Chim Việt
xin phep tien si de khang dinh dieu nay, dang cuop csvn se khong co co hoi de to chuc mot dai hoi nao khac.
Dân chủ ư??? Ít nhất cũng đợi đến khi Tàu cộng vào VN đã nhá!!!
Hi ! — LẠI CHUYỆN KHEN NHAU DÀI ĐUÔI ĐẤY A ?
CSVN hiện nay vẫn còn tôn thờ những tên sát nhân giết người như ngóe như : Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh…Điều này chứng tỏ bọn chúng vẫn sẽ cương quyết giữ vững CNCS sắt máu, bạo tàn. Hầu kéo dài cuộc sống đế vương trên sự nghèo khổ, bần cùng của người dân Việt .
Đừng nên van xin hay khuyên can bọn VGCS ù lì, hãnh tiến này. Chúng chẳng bao giờ thay đổi đâu. Mà hãy làm một cuộc cách mạng tự do, dân chủ…thật sự do dân và vì dân, như cụ Phan Bội Châu đã từng đề ra cho dân tộc VN cách nay gần 100 năm.
Vùng lên giải tán cái đám bán nước này ,và duy trì truyền thống lạc việt . nếu không thì đi học tiếng tàu
theo tàu là phản lại giống nòi và tổ quốc đồng loả bán nước,giải tán đcs và việc cần thiết cứu mình và cứu dân tộc
cam on chi MVH va anh HSPda thuc hien cuoc phong van va tra loi that tuyet voi. Dac biet HSPda dich chu KIEN TRI mot thuat ngu chinh tri, ra ngon ngu pho thong la LI LOM sao ma no phan anh chinh sac tam the cua cai dang nay den vay. Nghe ma suong con ray lam sao.
Vậy xin hỏi TS. Hà Sỹ Phu: Bây giờ ta nên làm gì để sớm chấm dứt cái ung nhọt CS ở VN?
Ngày nào mà đất nước VN còn trong tay csVN thì ngày đó VN vẫn không có tự do dân chủ. Đừng có mơ mộng tới đại hội sau và sau nữa. Cứ mơ mộng thế này là bị csVN tiếp tục lừa và nhân dân còn phải sống trong sực khủng bố và đàn áp không tự do dân chủ
Writer Ha Si Phu once again, “Nhi`n Tha^’u Tim Dden those dictators in Hanoi.
With regard to “Toàn dân ta vô cùng tự hào về sự kiên trì của Đảng ta”. (Xin dịch chữ “KIÊN TRÌ”, như một thuật ngữ Chính trị, ra ngôn ngữ phổ thông là LÌ LỢM!), I note that the Viet communist gang leaders la’u ca’ abuse the words “nha^n da^n” in justifying their power, every government organizations would include these 2 words – toa an nhan dan, cong an nhan dan, etc. But have you noticed that once it’s got to do with money/benefits/dda(.c quye^`n dda(.c lo+.i, the gangsters change these 2 words into something else; Case in point: Nga^n Ha`ng Nha` Nu+o+’c (instead of/because there is no such a thing called Nga^n Ha`ng Nha^n Da^n).
Nguyen Giao
San Diego, USA
Kính thưa tòan thể ĐỒNG BÀO KHÔNG THỂ thụ động NGỒI CHỜ há miệng chờ sung rụng nữa !!
TS Hà Sĩ Phu: “Dân chủ, ít nhất phải chờ tới ĐH sau” NGHĨA LÀ Thêm 5 năm nữa ..
Tổ Quốc Việt Nam đã chậm so với Dân tộc Nhật hơn 150 năm
Tổ Quốc Việt Nam đã chậm so với Dân tộc Nam Hàn tính từ 1970….
Vùng lên như Dân tộc TUNISIE để tăng tốc VIỆT SỬ làm sụp đổ chế độ tòan trị độc tài bán Nước CÀNG SỚM CÀNG TỐT !!