“Sức mạnh mềm” và sự phát triển
Trong “Thuyết Tiến Hóa” của Darwin, với tính cạnh tranh “loại bỏ để tồn tại”, sức mạnh cứng được coi là động lực căn bản để phát triển. “Chọn lọc tự nhiên” là con đường mở ra sự tiến hóa, trong đó sức mạnh cứng được hiểu như là khả năng sinh tồn “chống lại hoặc tiêu diệt”, cùng với sự thích nghi, thích ứng với điều kiện môi trường của mỗi cá thể sống. Tuy nhiên, dù được nhiều người ủng hộ, học thuyết của Darwin cũng đã bộc lộ nhiều lỗ hổng kiến thức mà bản thân ông (nếu ông có sống lại), cũng không thể giải thích…
Đối với xã hội loài người, khái niệm “sức mạnh cứng” của mỗi quốc gia dường như được thể hiện chủ yếu bằng năng lực hay cụ thể là sức mạnh quân sự và tiềm lực kinh tế của mình.
Một vài năm gần đây trên thế giới bắt đầu xuất hiện khái niệm “sức mạnh mềm” được cho là có quyền lực chinh phục còn hơn cả sức mạnh cứng. Người đi tiên phong nghiên cứu về vấn đề này đó là giáo sư Gioseph Nye thuộc trường đại học Harvard – Hoa Kỳ, ông vừa có chuyến công du Việt Nam, hội kiến thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày12/01/2010. Tuy khái niệm “sức mạnh mềm” đã trở thành một học thuyết đáng chú ý và được đánh giá cao trên trường quốc tế, nhưng với đại đa số người Việt (nhất là người Việt trong nước), họ chưa được tiếp cận với những kiến thức này. Trong tự nhiên và trong đời sống bình thường của con người, thực ra sức mạnh mềm chẳng phải là điều gì xa xỉ và lạ lẫm. Một con chim trống biết thu hút con chim mái bằng cách cất tiếng hót, tiếng gáy du dương, ở một số loài chim, con đực còn biết múa những vũ điệu mê hoặc con chim mái. Đơn giản đó chính là một ví dụ của sức mạnh mềm. Một nhà kinh tế biết khai thác thế mạnh tiềm năng của mình, biết cách đầu tư, hoặc biết cách kêu gọi thu hút đầu tư, chính là một biểu hiện của việc sử dụng sức mạnh mềm. Vậy sức mạnh mềm chính là một loại năng lực cảm hóa, thu hút, thuyết phục và quyến rũ, đan xen giữa tình cảm và lý trí kiểu Marketing.
Đối với một quốc gia, sức mạnh mềm nằm ở trong những gì là tinh hoa của văn hóa, chất lượng vật chất của đời sống, quyền tự do mọi mặt của con người trong đất nước ấy. Qua đó khẳng định uy tín nhiều mặt của quốc gia mình với quốc tế, cộng với việc thực hiện kịp thời, minh bạch các cam kết hòa nhập (nếu có), và tích cực đóng góp trí tuệ cũng như vật chất cho các tổ chức quốc tế. Một quốc gia muốn có sức hút, sức hấp dẫn và sự nể trọng từ cộng đồng quốc tế, cần phải đặc biệt tôn trọng quyền tự do của con người trên đất nước họ, hệ thống pháp lý (trong đó có luật pháp) phải trong sáng, khoa học minh bạch rõ ràng. Bên cạnh đó những chính sách phát triển các ngành như Kinh Tế, Văn Hóa, Giáo Dục, Quốc Phòng, An Ninh vv.., về vĩ mô phải mang tầm chiến lược, phù hợp với nguyện vọng người dân, thích hợp với bối cảnh của đất nước cũng như thế giới.
Một quốc gia bất ổn về chính trị do thiếu tự do chính trị, lộn xộn về trị an, ô nhiễm về môi trường văn hóa, sẽ là một dấu hỏi lớn đối với người quan tâm. Dấu hỏi này chính là sự quan ngại không những đối với giới đầu tư ngoại quốc, mà còn là yếu tố suy giảm sự phát triển của nhiều ngành kinh tế, mà “nạn nhân” đầu tiên phải kể đến là ngành Du Lịch (một ngành công nghiệp siêu lợi nhuận) chẳng hạn…
Muốn có được sức mạnh mềm tối ưu cho sự phát triển, một quốc gia như Việt Nam, trước hết phải có một cơ cấu chính quyền mở, một thể chế đa nguyên có thể kiểm soát và hỗ trợ lẫn nhau hữu hiệu, phải có một mạch thông tin thông suốt giữa người dân với nhà cầm quyền. Vì người dân chính là nhân tố nắm giữ sự bắt đầu và duy trì sự phát triển của yếu tố “sức mạnh mềm”.
Bài do tác gải gửi tới