WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Trao đổi với ông Trần Bảo Việt

Tác giả bức thư ngỏ gửi Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ

Thành phố Aurora, Tiểu bang Colorado, Hoa kỳ, ngày 22 tháng 1 năm 2011

Thưa ông Trần Bảo Việt,

Thứ nhất, xin được tự giới thiệu: Tôi là Đỗ văn Minh, 76 tuổi, quê quán ở Sơn Tây, Bắc Việt, di cư vào Nam năm 1954, động viên vào Trường Võ Khoa Thủ Đức khóa 14 năm 1962, ra trường được tuyển về Quân chủng Không Quân, ngành Quân Báo và đã phục vụ cho đến sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975. Phải thưa rõ ràng với ông như thế để ông cũng như độc giả biết rằng tôi trước là quân nhân trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, là người ở phía nào trong cuộc chiến vừa qua. Xin ông hãy coi đây là cuộc trao đổi nhân dịp tôi đọc thư ngỏ của ông gửi Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ đăng tuần qua trên Trang Đàn Chim Việt.

Nhận xét đầu tiên của tôi về lời lẽ trong bức thư: Ông là người lịch sự, nhã nhặn, không giống như một số phần tử thiếu tự trọng bấy lâu nay trên diễn đàn đã dùng những lời lẽ khiếm nhã, thiếu văn hóa đối với ông Nguyễn Cao Kỳ, một người từng lãnh đạo Quốc Gia, lại vừa ở tuổi bát tuần. Thứ nữa, ông tỏ ra tôn trọng sự kiện lịch sử khi viết: “Về cá nhân, tôi xin trân trọng về những gì mà ông đã cống hiến cho đất nước, cho dân tộc trước năm 1975 của nền Đệ nhị Cộng hòa. Có thể nói ông là điểm sáng trong vai trò tư lệnh không quân, Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương và Phó Tổng thống VNCH. Nhân dân VN và cá nhân tôi cũng không bao giờ phủ nhận công lao sáng lạng này của ông.”

Thứ hai, đây là quan điểm của tôi trong vấn đề Đất Nước: Tôi nghĩ ai cũng có quyền yêu nước, đóng góp công sức của mình theo một cách riêng, giống như đến La Mã có nhiều con đường khác nhau, không ai được phép tự cho con đường mình chọn là duy nhất đúng để mạ lỵ, phỉ báng người khác.

Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, ở hải ngoại có hai tổ chức chủ trương lật đổ chính quyền cộng sản bằng vũ lực được nhiều người biết tới. Một của kỹ sư Lê Quốc Túy và một của Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh. Đoàn viên của kỹ sư Túy xâm nhập nội địa, kẻ bị tử hình, kẻ bị án tù dài hạn, rồi tan rã. Mặt Trận của Đề đốc Hoàng Cơ Minh mặc dầu lãnh tụ bị hy sinh, nhưng đoàn thể đã có những hành động mang nhiều tai tiếng khiến quần chúng mất niềm tin. (Cá nhân tôi cũng có thời kỳ tham gia Mặt Trận này tại địa phương trong Phong Trào Yểm Trợ Kháng Chiến, nhưng phải nghỉ sinh hoạt vì nhìn thấy sự thiếu phân minh của tổ chức, thậm chí đi đến phân hóa nặng nề, các lãnh đạo Mặt Trận đưa nhau ra tòa. Rồi một lãnh đạo cốt cán chống Cộng triệt để của Mặt Trận là bác sĩ Trần Xuân Ninh đã bị Mặt Trận khai trừ). Đảng Việt Tân thoát thai từ tổ chức Hoàng Cơ Minh mang tai tiếng về tài chánh, do đó bị đồng bào nghi ngờ. Cho nên những kế hoạch, chương trình của Đảng Việt Tân đưa ra không được mấy ai hưởng ứng.

Cục diện thế giới thay đổi sau khi chủ nghĩa cộng sản tại Đông Âu và Liên Xô sụp đổ. Xu thế đối đầu bằng quân sự giữa Tư Bản và Cộng Sản không còn. Các đoàn thể đấu tranh của người Việt Hải ngoại cũng phải chuyển sang hình thức đấu tranh chính trị. Ai cũng biết nguyên tắc cơ bản trong đấu tranh chính trị là thương thuyết để đi đến thỏa hiệp. Thế nhưng đoàn thể chính trị nào cũng cứ phải kiên định lập trường “không thương thuyết, không thỏa hiệp” để khỏi bị các phần tử Chống Cộng chụp cho cái mũ thân Cộng hoặc gán cho cái tội là tay sai Cộng Sản. Mang cái mặc cảm “đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm”, rút cục chỉ bịt tai đứng nhìn, chứ không dám hành động trực diện với đối thủ. Nếu các đoàn thể chính trị biết thống nhất lại thành một tổ chức vững mạnh thì sợ gì mà không thương thuyết với đối thủ? Tại sao không áp dụng câu nói của Tổng thống Ronald Reagan khi thương thuyết với Mikhail Gorbachev: “Trust but Verify”, mà lại tin vào câu nói của Tổng thống Nguyễn văn Thiệu mang tính thụ động? Lấy câu “không thương thuyết, không thỏa hiệp” thì mãn đời chỉ làm người Chống Cộng to tiếng ở hải ngoại chứ làm sao mà thay đổi được số phận của đồng bào trong nước. Thực tế cho ta thấy tình trạng phân hóa trong Cộng Đồng đến độ những người có thiện chí đều phải ngao ngán!

Trong khi ấy, ngay từ những năm đấu thập niên 1990, Tướng Kỳ đã đi nói chuyện ở nhiều nơi, đặc biệt là tại các Đại học Hoa Kỳ để vận động Hoa Kỳ sớm trở lại Việt Nam. Là người từng lãnh đạo quốc gia, chắc chắn Tướng Kỳ ý thức được rằng chỉ có sức mạnh của Hoa Kỳ mới ngăn nổi tham vọng bành trướng của Trung Cộng có nguy cơ xảy ra trong tương lai. Hơn nữa, chế độ Cộng Sản đã sụp đổ tận gốc, vậy thì những nước còn theo chế độ này nhưng trót mang thân phận tầm gửi như Việt Nam làm sao mà không phải đổi mới để sống còn, nhất là không còn được viện trợ từ nước Nga, nay không còn là Liên Xô nữa. Đổi mới có nghĩa là cho người dân có lại cái quyền tư hữu, mở cửa đón nhận đầu tư từ các nước ngoài, tìm cách nương dựa vào một thế lực khác. Tóm lại, qua đổi mới, hai chữ “Cộng Sản”, trong trường hợp này nếu như không còn nữa, thì cũng không mang cái ý nghĩa nguyên thủy, đúng với thực chất nữa.  Như thế, tôi cho rằng nỗ lực của Tướng Kỳ trong hoàn cảnh này là hợp lý. Điều đáng tiếc là không một tổ chức chính trị nào hiểu thấu để ủng hộ cái viễn kiến của Tướng Kỳ. Và rồi quả nhiên Hoa Kỳ đã lần lượt bỏ cấm vận và lập bang giao với Việt Nam vào các năm 1994 và 1995.

Năm 2004, Tướng Kỳ về nước đã gây nên một làn sóng chống đối khá ồn ào, mà người khởi xướng cuộc chống đối đó là Đại tá Cựu Tư Lệnh Không Quân Nguyễn Xuân Vinh. Những lời buộc tội của ông Nguyễn Xuân Vinh trên đài Á Châu Tự Do (RFA) và qua bản Tuyên Cáo cho người nghe, người đọc thấy rằng ông Vinh quá nông nổi và thiếu bản lĩnh chính trị. Năm 1968, khi được gửi đi làm huấn luyện viên kiêm cố vấn cho Trung Tâm Huấn Luyện Tình Báo Không Quân (AFAITC – Armed Forces Air Intelligence Training Center) ở căn cứ Lowry Air Force Base, Denver Colorado tại Hoa Kỳ, tôi có dịp gặp gỡ và quen biết với giáo sư Nguyễn Xuân Vinh khi ông đang là giáo sư ngành Không Gian tại Đại Học Colorado ở Boulder, cách Denver chừng 30 dặm. Theo tôi, giáo sư Vinh chỉ hoạt động trong lãnh vực Văn Hóa Khoa Học để xây dựng giới trẻ là tốt nhất và hợp với khả năng của ông nhất. Bằng chứng là mới mon men vào hoạt động trong lãnh vực chính trị xem ra ông còn loạng quạng lắm! Sự thể ông nhận lời làm Chủ tịch Tập thể Chiến Sĩ (TTCS) để chỉ thỉnh thoảng họp nhau “chào cờ, mặc niệm” và đọc tuyên ngôn, tuyên cáo trong các dịp lễ lạc thì chỉ có tác dụng hoài niệm một thời quá khứ; chứ không thể nói đó là cuộc đấu tranh chính trị thực tiễn làm thay đổi tình trạng sống của người dân trong nước. Khi được anh em chuyển cho cái email của ông Vinh phân trần vì sao ông viết bản Tuyên Cáo đòi loại Tướng Kỳ ra khỏi cộng đồng tỵ nạn thì tôi càng thấy cám cảnh cho giáo sư Vinh vô cùng. Có thể vì bị áp lực nội bộ TTCS phê bình nên ông Vinh mới viết một câu bào chữa giống như người mất trí: “Bài tuyên cáo viết ra chỉ cốt cho VC biết là tên NCK là một tên bất tài vô tướng, làm gì cũng thất bại, để VC biết là  không thể sử dụng tên này làm việc gì được”. Người đọc sẽ tự hỏi một người đứng đầu TTCS tại sao lại quá lo ngại cho VC dùng ông Nguyễn Cao Kỳ thì sẽ hỏng việc. Như thế nếu có người cho đây là một câu nói mang tính cách “Mách Bu” thì cũng không phải là quá đáng. Đúng ra, nếu biết NCK là người “bất tài vô tướng” thì giáo sư Vinh phải xúi dục VC dùng NCK để phá cho hỏng việc của chúng thì mới là khôn ngoan chứ! Thêm nữa, gọi một người từng đã một thời làm Tư Lệnh Không Quân, Thủ tướng, Phó Tổng thống bằng “tên NCK” thì khác nào trước năm 1975 cộng sản thường gọi các nhà lãnh đạo miền Nam là “thằng Nhu, thằng Diệm, thằng Thiệu, thằng Kỳ”? Sao lại có cái lối bắt chước giống nhau như thế?

Với ngôn ngữ của một vị giáo sư Đại Học gọi đối thủ chính trị của mình bằng những thậm xưng “tên nọ, tên kia” như thế đã khiến cho một số người “vô nhân cách” bắt chước, rốt cục bầu không khí sinh hoạt trong cộng đồng trở nên bị ô nhiễm! Người ta có thể nói, khi xưa giáo sư Nguyễn Xuân Vinh từng đoạt giải thưởng văn học thì nay trở thành thủ lãnh của trường phái văn chương “hàng cá, hàng tôm”! Cảm tình của tôi đối với giáo sư Nguyễn Xuân Vinh không còn nữa!

Phải chi giáo sư Nguyễn Xuân Vinh nhân danh Chủ tịch TTCS, triệu tập một phiên họp khoáng đại, mời Thiếu tướng Kỳ đến điều trần công khai trước đông đảo anh em cựu quân nhân để trình bày những gì ông Kỳ đã nói, đã làm khi tiếp xúc với lãnh đạo cộng sản thì mọi người sẽ thấy ông Vinh chững chạc biết bao nhiêu! Tại sao giáo sư Vinh lại từ chối lời đề nghị của ông Đỗ vẫn Trọn ở đài truyền hình San Jose tổ chức một cuộc đối thoại giữa ông với Tướng Kỳ trên diễn đàn công luận, mà ông Kỳ thì sẵn sàng gặp gỡ không những với giáo sư Vinh mà còn với bất cứ nhân vật nào, trên bất cứ diễn đàn nào? Sự từ chối của giáo sư Vinh đã làm giảm giá trị “nhân cách” của giáo sư.

Trên đại thể, tôi chỉ biết Tướng Kỳ về Việt Nam để cảnh báo nhà cầm quyền Việt Nam mối nguy cơ bành trướng của Trung Cộng. Về sau được xem DVD cuộc họp báo của Tướng Kỳ ở Saigon trả lời cuộc phỏng vấn của nhà báo Nguyễn Vy Túy tại khách sạn Sheraton, Saigon thì tôi nhận thấy cung cách và sự đối đáp của Tướng Kỳ vẫn xứng đáng là một người từng lãnh đạo quốc gia. Ngoài ra khi đọc những bài viết của Thiếu tá Không Quân Đặng văn Âu và bài nhận định cuộc trở về của Tướng Kỳ do nhà báo Nguyễn Tường Tâm viết, tôi cho rằng ủng hộ sự trở về của Tướng Kỳ làm một việc nên làm và phải làm trong cương vị của một người công dân đối với sự tồn vong của đất nước.

Mặc dầu cùng phục vụ trong cùng một Quân chủng, tôi chỉ biết Thiếu tá Đặng văn Âu có thời kỳ làm Chủ bút Giai phẩm Lý Tưởng của KQ và sau khi theo dõi những bài viết của ông ta về ý nghĩa chuyến đi của Tướng Kỳ mà thôi. Dần dà, qua giao dịch bằng email và điện thoại, tôi còn nhận ra thêm một điều là suy nghĩ về chuyện nước nhà của ông Đặng văn Âu hoàn toàn có tính cách nhất quán. Từ đó, chúng tôi trở thành đôi bạn có cùng nỗi trăn trở với Đất Nước.  Còn đối với nhà báo Nguyễn Tường Tâm, tôi chỉ biết ông qua bài phỏng vấn phu nhân Tướng Ngô Quang Trưởng và bài nhận định của ông về chuyến đi Việt Nam của Tướng Kỳ vào năm 2004 mà thôi. Tôi nhận thấy ông Nguyễn Tường Tâm là nhà báo có nhân cách, có sự can đảm để viết một bài báo dựa trên dữ kiện (facts) chứ không chạy theo cảm tính của quần chúng như nhiều người đương thời khác.

Theo như ông Trần Bảo Việt cho biết, ông đã nghe cuộc phỏng vấn Tướng Kỳ trên trang mạng Trời Nam www.troinam.net , tôi đề nghị ông nên đọc những bài viết của Đặng văn Âu được lưu trữ trên đó, cũng như những bài nói chuyện của Tướng Kỳ ở các Đại học Mỹ, thì ông sẽ hiểu rõ hơn.

Ông Bảo Việt viết: “Ông (tức Tướng Kỳ) nghĩ rằng: khi ông trở về VN với tất cả tấm chân tình để cùng với các nhà lãnh đạo CSVN xây dựng đất nước, xóa bỏ hận thù, hòa hợp hòa giải dân tộc trong tinh thần đại đoàn kết như là một hiền tài mà đất nước đang cần, ý tưởng này của ông rất hay và đáng được hoan nghênh nếu như các nhà lãnh đạo CSVN thực lòng vì dân, vì nước như họ từng tuyên bố và không điêu ngoa giả dối như họ đã và đang làm.” Tối thiểu ông Việt cũng đồng ý sự trở về của Tướng Kỳ là hay và đáng được hoan nghênh, phải không? Còn chữ “Nếu” trong mệnh đề phụ của ông Việt, tôi xin thưa như thế này: “Nếu” CSVN thực lòng vì nước vì dân thì Tướng Kỳ có cần gì phải về nước, người lãnh đạo cộng sản cũng vẫn tự thay đổi!

Câu viết trên của ông đã phản ảnh cái dư luận sai lầm, gây ra một sự nhầm lẫn khiến cho người tỵ nạn cộng sản công kích nặng nề Tướng Kỳ. Tướng Kỳ về Việt Nam không phải để hòa giải, hòa hợp với cộng sản. Chuyến đi chủ yếu của ông Kỳ là để cảnh báo nhà cầm quyền về nguy cơ Trung Cộng sẽ biến Việt Nam thành Giao Chỉ Quận mà ông đã xác minh với ký giả đài BBC trước khi về nước. Chỉ có người đang có trách nhiệm với Đất Nước, mới có khả năng thực hiện hòa giải hòa hợp dân tộc bằng những hành động cụ thể mà thôi! Tướng Kỳ ở phía thua cuộc, đâu có thế lực gì, hậu thuẫn gì mà đòi ngang tay hoà hợp với hòa giải với chinh quyền trong nước, ông cũng đủ thông minh để hiểu điều đó. Thêm nữa, Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh đang lãnh đạo TTCS lại tỏ ra khinh mạn Tướng Kỳ “không có căn bản học vấn” là hết sức dại dột, dễ làm thương tổn anh em cựu quân nhân, bởi vì đa số sĩ quan chúng tôi đều chỉ có cấp bằng Tú Tài I hoặc II. Nên nhớ Tướng Kỳ đã trải qua một trường mà hiếm có ai bước được vào. Đó là trường làm Thủ tướng, làm Phó Tổng thống mà theo như nhận định của chính ông Bảo Việt thì trong thời gian này, Tướng Kỳ đã đạt được những thành tích đáng ghi công.

Trước khi Tướng Kỳ về nước, năm 1991, cựu Tổng thống Nguyễn văn Thiệu cũng đã nhờ ký giả Đỗ Văn của đài BBC làm môi giới đề nghị nói chuyện với nhà cầm quyền cộng sản, nhưng đã bị từ chối. Lời yêu cầu của Tổng Thống đã được phát trên đài BBC của ký giả Đỗ Văn. Thế rồi 2 năm sau, Cựu Tổng thống Dương văn Minh, qua tiết lộ của ông Võ Long Triều trong hồi ký đăng trên Người Việt năm 2006, cũng đã xin nhà cầm quyền cộng sản cho về nước để đóng góp khả năng xây dựng xứ sở và cũng bị nhà cầm quyền cộng sản không chấp nhận. Tại sao lần này nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lại cử Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Đình Bin sang mời Tướng Kỳ?

Nên nhớ trong nội bộ Đảng Cộng sản cũng đã có một số đảng viên cấp tiến rất muốn có mối giao hảo tốt đẹp với Hoa Kỳ để làm thế lực đối trọng với Trung Cộng. Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch đọc một bài diễn văn tại Liên Hiệp Quốc cho ta thấy rõ điều đó. Nhưng thời điểm lúc bấy giờ, xu hướng bảo thủ trong Đảng hãy còn mạnh, nên khi về nước Nguyễn Cơ Thạch bị thất sủng. Cho đến khi tham vọng bành trướng của Trung Cộng quá lộ liễu, Bộ Chính trị Cộng sản mới nhất trí là cần phải chọn Hoa Kỳ làm đồng minh chiến lược. Vì có một quá khứ “Chống Mỹ Cứu Nước”, lãnh đạo Việt Nam vẫn nghi ngờ thiện chí người Mỹ dù đã thiết lập bang giao. Vậy để có một sự hiểu biết rõ ràng hơn về người Mỹ, lãnh đạo cộng sản mới đồng ý gửi ông Nguyễn Đình Bin sang mời Tướng Kỳ. Tôi cho rằng họ chọn Tướng Kỳ là hợp lý, vì họ đã điều tra kỹ càng quá khứ của Tướng Kỳ để biết ông là người có tinh thần quốc gia độc lập, khi ông trả lời, Tổng thống Johnson khen ông nói tiếng Anh giỏi như chú Mỹ con thì ông tức khắc nhấn mạnh ông là người Việt Nam; khi tướng Walt, Tư lệnh Thủy Quân Lục Mỹ và Cố vấn Trưởng Vùng I, hạch xách ông tại sao mang quân ra vùng trách nhiệm mà không thông báo thì ông Kỳ đã dạy cho ông Tướng Mỹ bài học về hệ thống quân giai; khi dự hòa đàm Paris với tư cách Phó Tổng thống làm trưởng phải đoàn, Tướng Kỳ cũng đã chứng tỏ bản lĩnh của người lãnh đạo bằng những đối đáp với nhà ngoại giao lão thành Averell Harriman. Đặc biệt bài phỏng vấn Tướng Kỳ của nữ ký giả tả khuynh Oriana Fallaci cũng khiến cho Hà Nội đánh giá cao Tướng Kỳ.

Theo tôi, Tướng Kỳ là nhân vật xứng đáng để làm nhà thuyết khách đóng góp ý kiến cho nhà cầm quyền Việt Nam một cách tích cực, nếu họ chịu lắng nghe. Ông Bảo Việt nên nhớ rằng cung cách ứng xử của người cộng sản nhiều khi rất khó hiểu. Một mặt đã công khai nói chọn Hoa Kỳ làm đồng minh chiến lược (như Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh xác nhận); nhưng mặt khác lại cho Công An đối xử thô bạo với nhân viên ngoại giao của tòa Đại sứ Hoa Kỳ đi thăm linh mục Nguyễn văn Lý.

Tướng Kỳ không những chỉ dùng lời nói khuyên lãnh đạo Việt Nam nên “đi” với Hoa Kỳ, ông còn chứng tỏ bằng hành động khi Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng sang Hoa Kỳ, ông đã bay về tham dự các buổi tiếp tân với tư cách là một công dân Hoa Kỳ. Ông không bay sang Trung Cộng khi lãnh đạo Việt Nam đi Trung Cộng. Người ta công kích Tướng Kỳ là Việt gian vì ông có mặt trong buổi tiếp tân là không đúng. Tại sao Tổng thống George W. Bush có thể tiếp lãnh đạo Việt Nam được, mà công dân Hoa Kỳ không được cái quyền đó? Người ta đã xuyên tạc những lời nói của Tướng Kỳ trong buổi tiếp tân đó để phỉ báng ông. Tôi đã coi và nghe cái DVD quay buổi tiếp tân đó và tôi không hề thấy có lời nói nào của ông giống như những câu của kẻ xấu phịa ra để dựa vào đó mà cáo buộc.

Ông Bảo Việt viết: “Trên thực tế, không ai có thể thuyết phục các nhà lãnh đạo CSVN đi theo con đường mà họ cảm thấy bất lợi cho uy quyền và sự độc đảng của họ.” Nếu ông phát biểu như thế thì ông coi những sự lên tiếng của các nhà trí thức quốc nội, hải ngoại đều vô ích? Vậy thì những trang mạng cũng nên dẹp bỏ đi cho rồi, và như thế thì lấy đâu ra chỗ để cho ông viết thư ngỏ gửi Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ? Theo sự quan sát của tôi, kể từ khi Tướng Kỳ về nước năm 2004 cho đến nay, tình hình chính trị trong nước có sự thay đổi đáng kể: nhiều bloggers ra đời, nhạc sĩ Tô Hải nói và viết mạnh dạn hơn, nhiều nhà dân chủ dám trả lời phỏng vấn thẳng thắn hơn với các đài phát thanh quốc tế. Điển hình là Ông Hà Sĩ Phu đã dám tố giác “Đảng Cộng Sản là Đảng Ăn Cướp”. Nhạc sĩ Tô Hải đã lên án “Cái gọi là Chủ Nghĩa Cộng Sản chính là một tà giáo đại bịp nhất trong lịch sử loài người”. Đi xa hơn nữa, ông còn kể tội thần tượng của CSVN rằng “Công của ông ta (Hồ Chí Minh) toàn là Tội. Không có ông Hồ, không có cái Đảng này thì đâu đến nỗi cả dân tộc tôi bị chiến tranh tàn phá, anh em họ hàng đâu đến nỗi chia lìa, chém giết lẫn nhau”.Và còn nhiều nữa, không kể xiết được. Đâu cần gì ông Bảo Việt phải viện dẫn tận đâu đâu lời nói của những nhân vật nước ngoài. Đây hẳn là “Bụt chùa nhà không thiêng”! Thế rồi qua cuộc hội thảo của 22 nhà khoa học dưới sự chủ trì của cựu Phó Thủ tướng Trần Phương thì rõ ràng họ dám nói những gì Tướng Kỳ đã từng nói với lãnh đạo cộng sản.

Ngay câu tiếp theo, ông đã có nhận xét thêm là “… con đường Bắc thuộc lần thứ 5 đang được các nhà lãnh đạo CSVN âm thầm thực hiện để làm qùa hiến dâng cho quan thầy TQ để giữ vững uy quyền độc đảng…”. Trong những thời kỳ Bắc thuộc cũng như thời kỳ Pháp thuộc, làm gì có chuyện người dân nước bị đô hộ được phép lập đảng này phái nọ. Tất cả đều nằm dưới quyền thống trị của ngoại nhân mà thôi. Đảng ở đâu mà mong “giữ vững uy quyền độc đảng”? Dâng hiến để rồi trở thành thân phận tay sai, đang là ông chủ xuống thành người ở, có ai ngu dại gì mà hành động như vậy? Ông Bảo Việt lý luận xem ra nghe không xuôi tai chút nào.

Ông Bảo Việt còn viết: “Con đường dân chủ hóa VN thoát khỏi ách độc tài cộng sản là điều tất yếu, nhưng nếu không có sự trở về của ông cũng như không có số tiền từ 8 đến 10 tỷ đô la của cộng đồng VN hải ngoại gởi về hàng năm thì con đường dân chủ theo sự mong đợi của toàn dân sẽ đến mau hơn, cũng như trong quá khứ nếu không có sự cộng tác nhiệt tình của các nhà trí thức VN tốt nghiệp ở nước ngoài thì ĐCSVN sẽ không bao giờ có được như ngày hôm nay.” Tôi chỉ đồng ý với ông Việt một nửa ở chỗ “Con đường dân chủ hóa VN thoát khỏi ách độc tài cộng sản là điều tất yếu”, nhưng phần sau câu văn thì tôi hoàn toàn không đồng ý. Theo như tôi hiểu thì ông Bảo Việt đã lên án những người từng gửi tiền về VN, từng về thăm VN là đồng lõa với Ông Nguyễn Cao Kỳ trong việc làm cho chế độ đương thời tại VN đứng vững lâu hơn. Tôi chẳng rõ nếu ông Bảo Việt ở hải ngoại thì ông có gửi tiền Việt Nam giúp thân nhân hay không, nhưng riêng tôi thì có và tôi cho rằng nhờ sự gửi tiền đó mà thân nhân của tôi có đời sống vật chất khá hơn, giả như có phần nào vào túi mấy ông cán bộ cộng sản thì cũng là điều phải chịu. “Có thực mới vực được đạo”, ông ạ! Xin đặt thêm một câu hỏi: mục đích tối hậu cho đất nước là gì? Một cách thực tế, tôi cho là làm sao để người dân có đủ cơm ăn, áo mặc, và họ cũng chỉ mong có thế. Bất cứ chế độ nào, chính quyền nào mang lại cho họ được như thế thì họ chấp nhận. Xin đừng nói đến những gì cao xa như tự do, dân chủ, quốc gia, nhân dân, chủ nghĩa này, chính sách nọ, những từ ngữ mang tính cách “đao to búa lớn” nhưng hết sức mơ hồ mà nhiều chính trị gia đã sử dụng chỉ với mục đích mị dân. Bây giờ giả dụ ông Nguyễn Cao Kỳ đã không về nước và người Việt hải ngoại đều không về thăm VN, không gửi tiền về VN thì tôi xin ông Bảo Việt hãy cho biết lúc này “con đường dân chủ” ở VN đã tiến xa hơn tới đâu, nhất là dân chúng ở VN no ấm hơn chừng nào? Chế độ độc tài đương quyền ở VN đã tan rã rồi chăng?

Thêm nữa, ông nói đến chuyện các nhà trí thức tốt nghiệp ở nước ngoài trong quá khứ đã cộng tác nhiệt tình với CSVN để chúng có được như ngày hôm nay. Xin ông cho tôi biết tên tuổi của vài nhà trí thức này, chỉ vài người thôi, và cho biết họ đã công tác nhiệt tình như thế nào, trong lãnh vực nào, chứ chẳng lẽ ông lại chỉ là loại người ‘ăn ốc nói mò” như nhiều kẻ khác sao? Vả lại, nói như ông thì các nhà trí thức này đã được đánh giá qua cao đó, ông ạ! Chuyện “hàng trăm ngàn người dân vô tội phải làm mồi cho biển cả và hải tặc trên đường tìm tự do nơi xứ lạ” không do các nhà trí thức này gây ra đâu, càng không phải là hậu quả của việc ông Nguyễn Cao Kỳ về nước và các người Việt ở hải ngoại gửi tiền về nước, vì phong trào thuyền nhân xảy ra trước rất xa, cả hàng chục năm.

Nếu người cầm quyền đổi mới kinh tế song song với việc đổi mới chính trị thì là điều quá mừng đi chứ! Cần phải đòi hỏi gì nữa. Nhưng khi có một giai cấp trung lưu ra đời nhờ tiền hải ngoại gửi về, nhờ đầu tư ngoại quốc thì chế độ độc tài cũng không thể nào kềm hãm nhu cầu tự do dân chủ của nhân dân được. Cho nên sự cấm vận kinh tế chỉ làm cho người dân khốn khổ hơn mà chẳng thể nào thay đổi chế độ độc tài. Ông Bảo Việt cứ nhìn vào nước Miến Điện thì sẽ thấy rõ hơn. Nhà đối lập lừng danh – bà Aung San Suukyi – cũng kêu gọi thế giới hủy bỏ cấm vận Miến Điện. Cấm vận chỉ làm người dân trong nước gánh chịu đói khổ, chứ đám lãnh đạo cầm quyền, chúng không ai chết đâu!

Ở hải ngoại không có một cá nhân nào, một tổ chức nào có thể kêu gọi đồng bào đừng về Việt Nam trong vòng ba tháng để hưởng ứng các thanh niên, sinh viên tụ họp trước tòa Đại Sứ Trung Cộng để phản đối sự xâm chiếm biển đảo, giết hại ngư dân. Một yêu cầu hết sức chính đáng, hợp tình hợp lý mà đồng bào mình chẳng thèm nghe. Tướng Kỳ cũng không có phép lạ nào để buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải đổi mới đến mức như ông muốn, như đồng bào mong muốn. Cả hai phía chả ai chịu nghe ai, đó là lý do vì sao tiến trình dân chủ hóa Đất Nước không xảy ra nhanh chóng như ông Bảo Việt mơ ước! Nhưng không vì thế mà mọi người khoanh tay, mặc cho số phận ra sao thì ra!

Tôi nghĩ Tướng Kỳ không sử dụng Internet nhiều để biết có thư ngỏ gửi ông của tác giả Trần Bảo Việt. Ông cũng chưa hề lên tiếng để trả lời những lời lẽ khen chê. Tướng Kỳ từng khẳng định: “Tôi về vì đất nước chứ không vì các ông chính quyền (cộng sản) hay vì các ông bà hải ngoại”. Câu nói đó đủ để cho người nghe hiểu rõ ý nguyện của ông. Tôi chẳng phải là phát ngôn nhân của Tướng Kỳ. Nhưng thấy ông Bảo Việt là người chứng tỏ được phong cách có văn hóa, không dùng lời lẽ khiếm nhã trong thư góp ý thì tôi trình bày nhận định của tôi về những gì mà ông Bảo Việt thắc mắc, theo như tôi hiểu, như tôi tin tưởng. Tôi là người Sơn Tây cùng quê với ông Kỳ, nhưng không vì đầu óc địa phương mà tôi nhắm mắt bênh vực những gì ông làm. Tôi là cựu quân nhân Không Quân nhưng không vì thế mà tôi có bổn phận bào chữa cho cấp chỉ huy cũ (Tướng Kỳ đã là Tư Lệnh Không Quân, đương nhiên ông từng là cấp chỉ huy của toàn thể quân nhân Không Quân trong thời gian ông làm Tư Lệnh). Tôi nhận thấy bà Mạc Việt Hồng – trang chủ Đàn Chim Việt – là người chủ trương dành cho những ý kiến khác biệt về Đất Nước thì đấy cũng thêm một lý do khiến tôi mạo muội trao đổi với tác giả. Tôi hy vọng rằng càng ngày giữa những người Việt Nam bất kể ở phía nào tha thiết với Tự Do – Dân Chủ đều trao đổi những trăn trở về Đất Nước một cách ôn hòa, nhã nhặn để tỏ ra dân tộc mình xứng đáng có bốn ngàn năm văn hóa.

Nhìn lại quá khứ, Tướng Kỳ là người của thời cuộc, không bon chen trên đường danh lợi. Ông nhận lãnh trách nhiệm làm Thủ tướng do Đại Hội Đồng Quân Lực yêu cầu. Ông đã hoàn thành sứ mạng dẹp yên các cuộc biến động ở miền Trung tưởng chừng như vô phương cứu vãn. Tết Mậu thân, trong khi Tổng thống Nguyễn văn Thiệu còn kẹt ăn Tết ở quê vợ tại Mỹ Tho, Tướng Kỳ đã điều động cuộc chống trả thành công. Khi Tổng thống Thiệu chọn Cụ Trần văn Hương đứng chung liên danh tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ II, Tướng Kỳ ra Khánh Dương làm rẫy, không kèn cựa, không thành lập khối đối lập dù có nhiều vị dân cử Hạ Viện và Thượng Viện yêu cầu. Khi về nước cảnh báo nguy cơ “Giao Chỉ Quận”, Tướng Kỳ không kêu gọi ai đi theo mình, không yêu cầu ai đóng góp tài chánh để trang trải sở phí di chuyển, ăn ở. Một con người hết lòng vì nước vì dân như thế mà bị ma lỵ, phỉ báng thì hỏi còn có bất công nào bằng?

Đã có nhiều nhà giáo dục về nước dạy học, có nhiều chuyên viên tài chánh về giúp phương thức quản trị ngân hàng và có cả những nhà thương mại về đầu tư. Chắc chắn những người đó không phải là tay sai cộng sản. Tôi nghĩ họ là người muốn đóng góp tài năng của mình trong sự thay đổi chế độ. Sở dĩ sự trở về của Tướng Kỳ rùm beng là vì có những nhà hoạt đầu chính trị sợ Tướng Kỳ giành mất phần lãnh đạo quần chúng trong cuộc đấu tranh dân chủ mà thôi. Qua cái email của giáo sư Nguyễn Xuân Vinh cùng lời lẽ trong bản tuyên cáo, sự suy đoán của tôi không phải là không có cơ sở.

Theo nội dung thư ngỏ, tôi được biết tác giả Trần Bảo Việt đã từng ở trong quân lực VNCH, cũng như Tướng Kỳ, cũng như tôi, và hiện nay đang ở trong nước tại thành phố Saigon. Cho nên chắc ông đã không có đầy đủ thông tin để hiểu rõ nhiều sự việc. Tướng Kỳ về nước rõ ràng có chủ đích đóng góp vào sự thay đổi tư duy của người cầm quyền để họ có cái nhìn về Hoa Kỳ chính xác hơn. Theo sự quan sát của tôi, đa số người Việt thầm lặng ở hải ngoại đồng ý với công tác của Tướng Kỳ. Tại sao tôi có thể đưa ra nhận định đó? Mặc dầu không dựa vào cơ quan thăm dò nào và tôi không chủ quan cho rằng nhận định của mình là hoàn toàn chính xác, nhưng đã có những sự bày tỏ của cư dân mạng trên các diễn đàn, người ta tỏ ra hân hoan vui mừng khi biết các chiến hạm Hoa Kỳ cập bến Việt Nam, lời tuyên bố của bà Hillary Clinton về sự an ninh trên Biển Đông cũng là an ninh của Hoa Kỳ. Điều đó vô hình chung nhìn nhận Tướng Kỳ về nước khuyến khích nhà cầm quyền Việt Nam “đi” với Hoa Kỳ là đúng, là việc nên làm.

Trả lời phỏng vấn ký giả Nguyễn Vy Túy, Tướng Kỳ nhấn mạnh rằng ông chỉ là người khởi sự một nhịp cầu để những người trẻ – rường cột của xứ sở – tự lo lấy vận mạng của họ. Ông không phải là kiến trúc sư xây toàn bộ cây cầu. Nhiều lần đi về giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, Tướng Kỳ chỉ theo đuổi mục đích ban đầu: Đó là thuyết phục nhà cầm quyền cộng sản phải bang giao với Hoa Kỳ trong cung cách hợp tác chân thành, mà vẫn giữ chủ quyền quốc gia.

Sau Đại Hội XI Đảng Cộng Sản, sự sắp xếp nhân sự diễn ra đúng như thông tin phát nguồn từ Wilkileaks, chúng ta có thề tự cho phép suy đoán lãnh đạo cộng sản đã quyết định đi vào lộ trình (roadmap) do Mỹ phác họa. Một khi chọn vào quỹ đạo Hoa Kỳ, điều tất yếu là Việt Nam rồi ra sẽ phải tôn trọng nhân quyền và sẽ phải từ bỏ chế độ Công Hữu như Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã phát biểu trên đài BBC vừa rồi. Tiến trình mau hay chậm là do ở nhà cầm quyền và do nhân dân Việt Nam có thực sự khao khát dân chủ hay không mà thôi.

Đôi điều trao đổi với ông Trần Bảo Việt, tôi hy vọng ông có đầy đủ tin tức từ nhiều phía để hiểu rõ toàn cuộc chứ không phải vì qua những thông tin thiếu sót nên đã chỉ có thể suy luận một chiều như trước đây.

Trân trọng,

© Đỗ văn Minh

© Đàn Chim Việt

34 Phản hồi cho “Trao đổi với ông Trần Bảo Việt”

  1. Kiệt says:

    Xin lỗi,không biết cái ông Lại manh Cường nầy là ai,cái họ Lại thấy có vẽ quen quen,giống CHỆCH tàu cộng thế.Viết văn gì mà dài thọng thược,chẵng đâu vào đâu…nói dài,nói dai thành ra quá dỡ đi thôi… chẵng có trọng tâm gì cã.Thế mà,còn tự hào cho rằng,đễ người ta KHẪU PHỤ̣C,TÂM PHỤC.Có phãi đúng như vậy không?.Xét về mặt chính trị,mỗi thời đại tất cã mỗi khác.Các ông cứ đem ông nầy,ông kia,hồi xưa hồi xữa ra đễ mà nói,sau cùng,tự đông cho rằng mình hay lắm,chắc là sữ gia không bằng.Nên nhớ rằng,thời đại mới thì con người cũng mới chứ.Sự tỗ chức và hành động cũng đương nhiên hoàn toàn mới, ngõ hầu là đễ thích hợp với môi trường và hoàn cãnh thực tại…Thiệt là mắc cười.Các ông cứ tưỡng chiến tranh bây giờ hoàn toàn giống như xưa chăng../

    • lotxac says:

      Một lời nhắn nhủ đến anh LẠI MẠNH CƯỜNG.
      Đường đi ta cứ đi… không vì lỗ ch… mà ta phải rụt chí của người QUÂN-TỬ.
      Không cần đính chính;vì không ai đấu tranh mà không có sơ sút vì lời nói có khi vô-ý.
      Anh còn trẻ; ý chí còn trong sáng hơn Bác.
      Ḥoc lời người xưa đã đi… ĐƯỜNG ĐI KHÔNG KHÓ; CHỈ KHÓ VÌ NGĂN SÔNG CÁCH NÚI. NHƯNG KHÓ VÌ LÒNG NGƯỜI NGẠI NÚI E SÔNG.
      Và Bác rất thích những phân tích của anh… hãy dậy mà đi…và nói lên tiếng nói của triệu lương dân bị áp bức. Bác chúc anh nhiều sức khoẻ để cùng với DCV đấu tranh cho ĐỒNG BÀO trong nước,và ngoài nước.

  2. Thế Phan says:

    Những câu no1u của o6bgKy2 đã bị bẻ cong đi:
    1. NẾU Cộng sản cac ông làm cho dân giầu nước mạnh, thì
    tôi hoan hô! ( Chữ NẾU đã bị b ỏ đi, nhằm có cớ mà đấu
    tố ông Kỳ).

    2. Tại Dana Point :” Cộng Sản các ông đã thống nhứt đất
    nước. Nhưng những kẻ nào không làm dân giầu nước mạnh
    đều là kẻ phản quốc ! ” ( Người ta đã bỏ đi vế thứ hai đi, để
    có cớ nói xấu ông Kỳ).

    3. ” Chú Triết đọc diễn văn hay quá; hay hơn cả…bác Hồ !”

  3. Thế Phan says:

    Mấy câu nói của ông Cao Kỳ :
    Với phóng viên Hộng Nga, BBC, khi về tới Tân Sơn Nhứt:
    “ Tôi không bao giờ chấp nhận chủ nghĩa Cộng Sản.”

    Phát biểu trong hội báo quốc tế tại Sheraton ,” Có kẻ
    [ tức báo Công An] nói tôi “ xin về” VN. Tôi xin về, hay
    chánh phủ VN mời tôi về, thì xin hay mời, có sao đâu nào.
    Tôi về đây là để phục vụ nước Việt Nam nói chung. Chánh
    chánh phủ VN có gì mà cho tôi ? Tôi đã có đầy đủ qua cuộc
    đồi tôi rồi,

    Trả lời câu hỏi về cảm tưởng của ông Kỳ sau khi về SG,” À,
    hôm qua tôi chợi Golf và thua ông Thanh, như tồi đã thua ông
    Thanh qua suốt 30 năm qua. Nhưng rất có thể ngày mai …
    tôi sẽ phục thù đấy.”

    Chuyện bên lề: Ông Cao Kỳ không hề thăm lăng ông Hồ
    theo lời mời. Ông Cao Kỳ không hề thăm xếp xòng đảng
    CS là ông Mạnh. Ông NCK từ chối không nhận cái villa
    trong Tân Sơn Nhứt; không nhận villa là trụ sỡ Úy hội
    Quốc tế bên đường Lý Thái Tổ.” Ông ta ở khách sạn như
    một “người khách” của chế độ.

  4. NAN says:

    Cộng sản bây giờ chẳng cần loại “thuyết khách” như Ô.Kỳ. Hãy nhìn vào luật sư Cù huy hà Vũ mà xem ( cha là công thần loại 1) giờ đây đang ra sao. Ô.Kỳ và kể cả ông “loạng quạng” sẽ bi cho vô tù tất.
    Tôi tin rằng ô.Kỳ có về nước thì cung ôm chân việt công để an nhàn chứ chẳng làm gì dược mà láo toét. Nếu ông ở việt nam bây giờ ông có dám lí lẻ với việt cộng không cho ông vô tù liền; đừng có mà ngây thơ.

  5. Dựa Cột says:

    Cám ơn anh Lại Mạnh Cường đã nói lên những điều mà tôi muốn nói.

  6. Hoàng Hựu says:

    Tác giả Đỗ Văn Minh ngây thơ khi cho rằng cộng sản Việt Nam cần ông Kỳ để “nói chuyện” với Mỹ. Ông Kỳ có cái gì để CSVN cần nào?

    Ông Kỳ trong lần đầu tiên về Việt Nam, và có lẽ nhằm làm hài lòng cộng sản Hà Nội, ông Kỳ đã lên tiếng mạt sát và hạ nhục tư cách của quân cán chính VNCH với những lời lẽ nặng nề. Tôi cho đó là lỗi lầm không thể tha thứ. Bài phỏng vấn này được đăng trên các tờ báo trong nước.

    Ông Kỳ không có tư cách của một người lãnh đạo.

    Ông Nguyễn Tường Tâm là một người có tư cách, theo như tác giả nhận định, không có nghĩa là ông ta đúng trong việc ủng hộ ông Kỳ về Việt Nam “tư vấn tay sai” cho CSVN.

    Tôi lấy làm thắc mắc là khi ông Kỳ thóa mạ hàng ngũ quân cán chính VNCH, trong đó có ông Đỗ Văn Minh và Đặng Văn Âu – với kẻ thù là CSVN – thì chính hai ông này hết sức trung thành ca ngợi “anh Hai râu kẽm” bằng các bài viết đầy cảm tính. Cái này gọi là ngu trung. Tôi nghĩ là ở tuổi thất thập (cổ lai hy), cái ngu trung sẽ biến mất chứ.

  7. nvtncs says:

    Thưa ông Đỗ Văn Minh:

    Ông nói đại khái, thời kỳ chống cộng bằng vũ khí đã qua, giờ đây là lúc thương thuyết với CSV, và ông dẫn trích TT Reagan “Trust but verify.” để hỗ trợ lập luận của ông.

    Chắc ông còn nhớ số phận của những người cộng tác với đảng CSVN trong chính phủ Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, và gần đây hơn, số phận của cái gọi là MTDTGPMNVN chứ?

    Và ông cũng nhớ CSVN không tôn trọng hiệp định Genève, năm 1954 cũng như hiệp định Paris, năm 1973 mà chính họ ký và họ đã xé khi mực chưa khô?

    TT Reagan thương thuyết với Liên Xô trong thế mạnh hơn Liên Xô; còn người Việt tự do, không có đoàn kết, không quân đội, không chính phủ, chỉ có lẽ phải và chính nghĩa, thì CSVN coi ra gì khi họ là những kẻ không biết lẽ phải?

    Ông nói “xác minh”; TT Reagan có vệ tinh chụp ảnh vị trí hạt nhân Xôviêt, người Việt tự do quan sát như thế nào, thưa ông?

    Khi ông ủng hộ một người thiếu thông minh, thiếu kiến thức như ông Kỳ, tôi đã đoán được trình độ trí thông minh của rồi.

    Chính vì ô Kỳ là cựu phó TT VNCH mà ô Kỳ phải đảm nhiệm, phải chấp nhận một phần nào trách nhiệm sự thất bại của miền Nam.

    Và nhân tiện đây, tôi xin hỏi với tất cả các ông trong QĐVNCH đổ lỗi cho Mỹ bỏ rơi: Thưa quý ông, nếu Mỹ giữ vững được Nam Hàn sau ba năm ( 1950-1953 ) tuy phải đương đầu với quân đội giải phong nhân dân Trung Quốc VÀ quân đội Bắc Hàn, nhưng trái lại, sau 20 năm chiến tranh với “quân đội nhân dân” Việt Nam lại bỏ ra đi là nghiã làm sao, thưa quý ông?
    Đến bao giờ chúng ta mới nhận phần lỗi của chính chúng ta? Của lãnh đạo ta? của người Việt Nam ta?

  8. lotxac says:

    Đúng như cái tên đã gọi: LẠI, MẠNH,và CƯỜNG.
    Lão xin khen tặng: có bản lĩnh,và phân tích rành rẽ cho những kẻ còn MÙ QUÁNG CỘNG SẢN.
    Người nào bị Cộng-Sản dụ vào vòng thì họ trở thành MÙ-QUÁNG.
    Như bà Thủ-Tướng Đức Angel Markel đã tuyên bố: Chế độ Cộng Sản chỉ làm cho người dân trở thành những người NỐI DỐI.
    Riêng lão chỉ học chút ĐẠO ĐỨC LÀM NGƯỜI : NEVER DEAL WITH EVIL.
    Và thuộc lòng câu:
    NHÂN BẤT NGHĨA BẤT TRI.
    VẬT PHI NGHĨA BẤT THỦ
    Kính chào những TINH THẦN BẤT KHUẤT vì DÂN vì NƯỚC.

    • Thế Phan says:

      Trước ông Kỳ, đã có các ông Khánh,
      Minh, Thiệu, vua Bảo đại, và có cả ông
      giáo sư Vinh… xin CS mời mình về VN.
      Nhưng cả hai bên CS và Hoa Kỳ đã lờ
      đi!

      Cuộc trở về VN của ông Kỳ đã được chuẩn
      bị tử 1992, qua những Đại học, cơ sở sản
      xuát…liên tục mời riêng ông Kỳ nói chuyện
      ( mà không mời bất cứ một người VN nào
      khác! )

      Trước khi về VN, ông Kỳ đi vòng quanh nước
      Mỹ, giới thiệu tư tưởng của ông ta ,qua cuốc
      Buddha’s Child ( ông Kỳ đến đâu cũng được
      người Mỹ đón tiếp nồng nhiệt). Bài diễn văn rất
      đặc sắc, đầu tình yêu nước của ông Kỷ đã diễn
      ra tại Đại Học De Anza (San Jose) năm 2003,
      trước khi ông Kỳ về VN. Và hơn nữa, ông Kỳ
      đã họp tay tư, với hai vị tư lệnh Thái Bình Dương,
      với Tham mưu Liên Quân, với sử gia Douglas
      Pike , với đề tài ” The future for Viet Nam,” trước
      khi ông Kỳ về VN.

  9. D.Nhật Lệ says:

    Đọc bài viết này,tôi mới nhận ra là có hai phe đấu đá nội bộ trong binh chủng Không quân sau khi một
    kẻ từng được thời thế đưa lên địa vị cao tót (không phải do tài cán mà do tính cách cao bồi) bị / được
    VC.xử dụng như một con bài nhằm gây chia rẽ cộng đồng người VN.tỵ nạn CS.Điều này chính giáo sư
    Carl Thayer,chuyên gia bình luận chính trị VN.,cũng thừa nhận là nhằm làm suy yếu tinh thần chống CS.
    của cộng đồng VNHN. Đó là
    lý do tại sao có người,dù đồng đội,vẫn kết án thẳng thừng NCK.và có kẻ tự ái nhảy vào bênh !
    Việc làm này có lẽ do tính thiển cận cũng như sự thiếu phục thiện của người Việt chúng ta chăng ?
    Thiển cận là thay vì đánh nhau với kẻ thù chung thì lại nhắm vào nhau mà đánh.Thiếu phục thiện khi
    người ta chỉ trích (NCK) có chứng cớ thì lại khăng khăng xúm vào bênh NCK.kiểu như phận tôi
    tớ đối với chủ thời xưa,dù ông ta chẳng làm trò trống gì nhưng cứ nói lấy được kiểu “té nước theo
    mưa”.Việc thay đổi ở VN.ngày nay mà bảo là do NCK.về nước thì qủa là ấu trĩ trong nhận
    định chính trị.Thật ra,chính vì VC.khoảng cuối thập niên 80 bị dồn đến đường cùng,không lối thoát thì họ buộc phải đổi mới kinh tế.Kinh tế đồi mới thì phải tuân theo những quy luật và định luật của kinh tế,do
    đó VC.phải nới lỏng xã hội một phần để phát triển kinh tế.Nếu trong chiến tranh,người ta có thể mưu
    mẹo,thủ đoạn đủ thứ,kể cả kiểm soát người dân từng ly từng tý nhưng trong kinh tế thì khác hẳn,phải
    thành thật để gây niềm tin,phải sòng phẳng phân minh,việc nào ra việc nấy thì người dân mới an tâm
    mà làm ăn.Dĩ nhiên,VC.chỉ nới lỏng một số lãnh vực,chỉ trừ duy nhất 1 điều là không đụng đến chính
    trị với chiếc ghế đặc quyền đặc lợi của chúng.Một lãnh vực bất khả xâm phạm.
    Các chế độ CS.như VC.vẫn luôn luôn coi chính trị là thống soái,do đó mặc kệ người dân bất mãn,mặc
    kệ giới trí thức (can đảm chịu tù đày hay can đảm lên tiếng về dân chủ) yêu cầu đổi mới chính trị,thế
    nhưng đến nay vẫn là công dã tràng.Vậy thì NCK.là cái thớ gì mà chúng nghe theo ? Ông ta không có
    nhân cách tối thiểu mà từng nổi tiếng ăn chơi để được thoả mãn tính háo danh trong máu của NCK.mà VC.tìm đến để giúp phân hóa người VNHN.! Phải nhận
    rằng CS.đã được đào tạo về về tâm lý nên rất tinh ranh trong xét đoán tư cách 1 con người.

  10. Nguyễn Mãi Quốc says:

    Đọc qua những bài viết “bênh vực” cho ông Kỳ, tôi chưa thấy ai có thể dẫn chứng được những “thành quả” mà ông Kỳ đạt được cho công cuộc tranh đấu (?) kể từ khi về VN. Vụ Nghĩa Trang Quân Đội rồi cũng vẫn bị xà xẻo do các quan tham địa phương mà không ai dám làm gì cả!!! Cho dù bọn VC ngày mai sẽ phải hợp tác chặt chẽ với Mỹ để chống Tàu, cũng không thể cho là “do công lao của ông Kỳ”???? Ai cho là ông Kỳ về VN, có thể “dạy dỗ” cho bọn CSVN biết thế nào là “yêu nước” để chống Tàu!!! Xin thưa, đã có bao nhiêu ngàn người, trí thức trong và ngoài nước, hy sinh mạng sống cho Đảng, nài nỉ, van xin, chỉ cho chúng đường phải đi để bảo vệ quê hương, nhưng chúng có thèm để tai??? Vụ bâu xít, thuê rừng Tây Nguyên, xảy ra sau khi ông Kỳ về VN, chắc là do “công lao của ông Kỳ”????? Tôi xẽ là người hồ hởi, vỗ tay khen ông Kỳ, nếu có ai đó, làm ơn xin chỉ ra cho tôi những gì ông Kỳ “dạy dỗ” cho đảng CSVN và đang được chúng lắng nghe và làm theo, please!!!! Bọn CSVN dẹp bỏ đám IDS (loại ThinkTank của VC), coi trí thức trong nước như đồ bỏ, bỏ tù những người dám nói thẳng nói thật về hiện tình của đất nước, mà lại chỉ nghe theo lời ông Kỳ, xin lỗi khó tin quá!!!! Hay là vì ông Kỳ tài giỏi hơn, hay có …Ma thuật gì chăng???? Bọn quan chức VC và những người dân VN muốn xem mặt và nghe ông Kỳ tuyên bố vung vít là chỉ vì chúng tò mò muốn xem một ông Kỳ thời hiện đại nó ra như thế nào thôi, rồi sau đó quay đít lo làm việc riêng của chúng nó, hay ho gì!!!!

Leave a Reply to Thế Phan