Không ai được đùa với cách mạng và nổi dậy
Trong bài viết của tôi “Cuộc Cách Mạng Bắc Phi-Trung Đông Còn Đang Tiếp Diễn”, khi trả lời một câu hỏi mà nhiều bạn trẻ rất quan tâm: thế nào là “thời cơ”?, tôi đã nhấn mạnh rằng: “Nếu các chiến sĩ dân chủ lơ là việc chuẩn bị để khi thời cơ đến ta không kịp nắm lấy, hay khi thời cơ chưa đến, điều kiện chưa chín muồi mà đã vội vã nổi dậy tạo cơ hội cho kẻ thù của dân chủ tiêu diệt phong trào thì các chiến sĩ dân chủ sẽ có một trách nhiệm lớn lao trước Lịch sử. Không thể đùa với cách mạng, với nổi dậy. Những người dân chủ phải giữ đầu óc tỉnh táo, sáng suốt, chớ để bị kích động bởi những lời thúc giục của một số người nóng nảy. Cũng cần nhớ rằng kẻ thù của dân chủ muốn tiêu diệt phong trào khi còn trong trứng nước thường cho “nội gián” chui vào các cơ quan lãnh đạo để xúi giục những cuộc nổi dậy “non”. Phải hết sức cảnh giác!”, đồng thời tôi đặc biệt nói đến chuyện rất nguy hiểm đã và đang xảy ra: “Trong vài ngày qua, một nhóm người ở hải ngoại vốn ủng hộ tích cực cho phong trào trong nước thúc giục tổ chức đấu tranh trong nước “phải nắm lấy cơ hội, huy động và đi hàng đầu với nhân dân Việt Nam trong một cuộc vùng dậy để đòi quyền của người dân đã bị cộng sản chà đạp trên 60 năm qua”. May mà những người trong nước đã không nghe lời giục giã nguy hiểm này. Vẫn chưa hết, có tin cho biết “truyền đơn kêu gọi toàn dân xuống đường với quốc kỳ Việt Nam Cộng hòa xuất hiện nhiều nơi tại Sài Gòn” và nhiều bài viết của các “nhà tranh đấu hải ngoại” giục giã dân chúng trong nước “xuống đường”!!! Đọc những tin tức đó, tôi chỉ biết kêu lên: Khi chưa có đủ điều kiện chủ quan và khách quan mà hành động phiêu lưu thì chỉ là hành động tự sát. Chắc chắn quần chúng sẽ đủ sáng suốt để đánh giá những hành động như vậy”.
Còn khi trả lời một người phản biện tôi trên tờ Dân Luận về chủ trương có tính chiến lược mà tôi tán thành “lực lượng đấu tranh trong nước là chủ yếu, lực lượng đấu tranh ngoài nước chỉ là hỗ trợ”, sau khi trình bày hết những lý lẽ của mình, ở đoạn cuối, tôi có nói:
“Bây giờ xin các bạn thử hình dung một cảnh tượng có thể xảy ra: khi phong trào đấu tranh dân chủ trong nước bắt đầu lên cao, thì nhiều lực lượng dân chủ hải ngoại ồ ạt về nước, nếu mà những chiến sĩ dân chủ chân chính thì đã may cho phong trào, nhưng đằng này còn biết bao «lực lượng» khác nữa tự xưng là «lực lượng chủ yếu» của cách mạng dân chủ, đó là những vị anh hùng hảo hán đủ loại, những nhà cách mạng đầu lưỡi, những nhà chống cộng hùng hổ nhất, những «chính phủ lưu vong» với đầy đủ các bộ «ma», những đảng cách mạng «cuội», những chính khách xa lông đủ cỡ… họ vác cờ xí và khẩu hiệu hoàn toàn xa lạ với đại đa số dân chúng trong nước, nhất là giới trẻ nước ta để đi «đấu tranh cách mạng» … thì lúc đó phong trào đấu tranh dân chủ trong nước sẽ ra sao ? Tôi viết điều này không có hậu ý công kích ai hết, nhưng đó là một điều có thể xảy ra lắm. Đáng để mọi người suy nghĩ». Tôi cứ tưởng những lời cảnh báo trên đây của tôi đã quá rõ ràng và đầy đủ.
Thế nhưng hôm nay, khi vào mạng đọc những lời kêu gọi của đảng này đảng nọ, cũng như thư từ trao đổi của những người trong cái gọi là «cộng đồng trên mạng», đặc biệt là ở hải ngoại, tôi thấy người ta đang «hăng hái» thúc giục người trong nước «vùng lên» xuống đường tranh đấu với chính quyền toàn trị !!! Chính bạn bè của tôi ở trong nước cũng xác nhận là vài hôm gần đây họ cũng nhận thấy «hiện tượng» này trong các bài viết trên mạng. Có người khi bị người chín chắn hơn phản bác là chưa đủ điều kiện cho một cuộc nổi dậy thì đã trả lời: người Tunisia và Egypt trong hai tháng đánh đổ được bọn độc tài, ta có thể chậm hơn họ, nhưng bốn, năm tháng cũng xong thôi! Một số bạn trẻ thông báo cho tôi biết : «có vài tố chức đấu tranh hải ngoại dường như đang tính toán thúc đẩy một cuộc xuống đường mà kết quả họ biết trước là không khả quan, nhưng đồng ý với nhau xem như là một trận “thao dượt”, “thử lửa” … Thật là vô trách nhiệm, vô đạo đức không thể tưởng tượng nổi!!!
Ngày 18.02.2011, tôi có viết cho các bạn thân trong nước một bức thư, nguyên văn một đoạn như thế này : «Phân tích tình hình của VN ta HIỆN NAY thì chưa có điều kiện chủ quan và khách quan đủ mức độ chín muồi cho một chủ trương như vậy (ý nói «một cuộc vùng dậy» như lá thư thúc giục của một số người ủng hộ viên rất nhiệt tình ở hải ngoại đã viết – NMC). Ai mà chủ trương như vậy là cố tình đẩy phong trào dân chủ nước ta đi vào một cuộc phiêu lưu cực kỳ tai hại chỉ có thể dẫn đến THẤT BẠI NẶNG NỀ. Đó sẽ là một TỘI ÁC trước phong trào dân chủ cũng như trước nhân dân VN. Nên nhớ rằng, trong giai đoạn hiện nay, việc chuẩn bị mọi điều kiện cho thật đầy đủ để khi THỜI CƠ đến thì phong trào sẵn sàng đón lấy kịp thời… là cần thiết và quan trọng nhất. Phải kiên nhẫn làm việc đó đi, đừng nóng vội, làm những việc phiêu lưu khi phong trào chưa đủ sức, khi chưa đủ điều kiện, chưa có thời cơ thì chỉ sẽ là hành động tự sát cực kỳ nguy hiểm».
Tôi hiểu rõ sự nóng lòng của nhiều người, nhất là ở hải ngoại đang sống trong điều kiện hoàn toàn tự do, thoái mái, họ sống bằng ước mơ, bằng cảm tính, chứ không thể hiểu được hoàn cảnh thực tế của anh chị em ở trong nước đang phải sống và chiến đấu trong hoàn cảnh khó khăn như thế nào. Tôi xin phép trích nguyên văn một đoạn trong bức thư của một bạn viết cho một số người ở hải ngoại : «Nhưng hơn ai hết, chúng tôi – những người đang hàng ngày hàng giờ phải trực tiếp đấu tranh với chế độ độc tài toàn trị này, hiểu rất rõ sức nóng của bộ máy ấy đối với dân tộc và đối với bản thân chúng tôi như thế nào.Nó phà vào mặt chúng tôi, vào sau gáy chúng tôi theo cả hai nghĩa bóng lẫn đen. Vì vậy, nỗi khao khát để dân tộc chuyển mình cũng là nỗi khao khát cháy bỏng để chúng tôi được giải phóng. Thế nhưng, trái tim của chúng ta thì nóng, nhưng cái đầu của chúng ta phải lạnh mới làm được những việc thiết thực, không khoa trương». Tôi thiết tưởng những lời nói chân tình trên đây có thể làm cho những cái đầu nóng nảy của ai đấy ở hải ngoại phải nghĩ lại và nguội đi.
Trong bài viết mới đây về «Mười bài học… », tôi chỉ gợi ý «để mọi người suy ngẫm còn kết luận thế nào thì tuỳ các bạn”, nhưng đến bài «Cuộc cách mạng… » thì tôi đã phải nói mạnh hơn như đã trích mấy câu trên đây, vì thấy «hiện tượng» đáng lo xuất hiện ồn ĩ hơn. Hôm nay, một số bạn trẻ trong nước viết thư cho tôi cho biết những «tin tức» (đúng là «tức» thật) mới về cái gọi là một trận “thao dượt”, “thử lửa” thì tôi chỉ muốn thét lên vào tai những cái cái đấu quá nóng của một số người ở hải ngoại : các người có cái quyền gì mà dám đưa dân ta, các chiến sĩ dân chủ của chúng ta vào một trận “thao dượt”, một lần “thử lửa” để làm tiêu vong biết bao sinh mạng của dân chúng và các chiến sĩ dân chủ, để tạo điều kiện cho kẻ thù của dân chủ tận diệt phong trào yêu nước và tự do dân chủ ? Các người có lương tâm, có tinh thần trách nhiệm, có đạo đức hay không mà dám hành xử như vậy ? Và tôi cũng nói thẳng với các người lời kêu gọi, thúc giục của các người thì dân chúng Việt Nam sẽ không nghe đâu! Nhưng nó có «tác dụng» làm cho kẻ thù của tự do sẽ thêm cảnh giác và càng kềm kẹp, sách nhiễu các chiến sĩ dân chủ trong nước một cách độc ác hơn.
Tôi năm nay đã 83 tuổi đầu, tôi không có chân trong một đảng phái chính trị nào, dù đã có nhiều đảng phái mời tôi, vì tôi hoàn toàn không có tham vọng gì về chính trị, về chính quyền ; nhưng với tư cách một người óc còn biết nghĩ, tim còn nồng nàn yêu nước, cho nên tôi cảm thấy cái trách nhiệm công dân của mình là phải nói và nói thẳng về những ý kiến của mình mà không sợ ai đấy sẽ «chụp mũ» (trong Nam gọi là đội nón cối) cho tôi về những tội mà tôi không có. Xin mọi người hãy bình tĩnh, hãy tin rằng những lời tôi nói ở đây là rất chân thành: cách mạng hay nổi dậy là chuyện rất nghiêm chỉnh, không được đùa với cách mạng cũng như với nổi dậy!
Nhân đây, tôi cũng xin nói thêm một điều về cuộc cách mạng đang diễn ra ở Bắc Phi và Trung Đông: các bạn trẻ nên biết là đánh đổ bọn độc tài và đánh đổ chế độ độc tài là hai việc khác nhau. Đánh đổ bọn độc tài khó, nhưng đánh đổ chế độ độc tài lại càng khó hơn. Cứ nhìn kỹ cách mạng ở Tunisia là nơi thuận lợi hơn cả, nhưng ta cũng thấy biết bao nhiêu vấn đề gay go còn phải giải quyết, chẳng hạn, làm sao trục hết những kẻ đã ở trong chính quyền cũ, đảng cũ của Ben Ali ra khỏi vị trí quan trọng trong chính quyền mới, làm sao giải tán triệt để được cái đảng độc tài của Ben Ali, làm sao thanh lọc được bộ máy nhà nước, làm sao chống được nạn tham nhũng nó đã ăn sâu vào nếp nghĩ, vào lối sống, vào thói quen, vào văn hóa, có thể nói vào trong máu của con người hàng nhiều thập niên rồi. Cho nên đừng thấy nước người ta đánh đổ tên độc tài rồi «lạc quan tếu» nghĩ thế là xong. Tôi thường nhắc đến kinh nghiệm về sự thất bại của cuộc cách mạng dân chủ ở Nga sau khi Liên Xô sụp đổ. Giờ đây tôi chỉ xin trích lại một đoạn tôi đã viết hồi năm 2007: «…Chính vì những người đứng đầu nhà nước dân chủ của Nga, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ hồi tháng 8 năm 1991, đã không có thái độ dứt khoát đối với Xô-viết Tối cao (quốc hội) cộng sản, bộ máy hành chính cũ, quân đội và công an cũ, đã không cải tổ mạnh mà duy trì gần như toàn bộ bộ máy hành chính, quân đội và công an cũ, do đó đã gây ra hậu quả nghiêm trọng làm cho việc dân chủ hóa nước Nga bị trục trặc trong nhiều năm, làm cho đất nước và xã hội Nga không ổn định trong một thời gian dài, thậm chí có khi đã phải xung đột vũ trang (năm 1993, xuýt nữa thì xảy ra nội chiến) giữa chính quyền dân chủ và phe đối lập nấp dưới lá cờ của Xô-viết Tối cao với trên 90% là quan chức, cán bộ cộng sản… Tình trạng nghiêm trọng đó là do sự phá hoại ngầm (sabotage) của các dân biểu cũ, quan chức cũ, tức là giới nomenklatura cũ. Hậu quả nói trên là nước Nga hiện nay đang quay trở lại chế độ toàn trị, tuy rằng không phải của cộng sản như trước mà của giới mật vụ và quan liêu cũ. Ngày nay, những thành quả dân chủ trong những năm đầu của chính quyền dân chủ đang dần dần mất hết : không còn tự do bầu cử, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do biểu tình, v.v… theo đúng nghĩa nữa. Thất bại này là một bài học có tính giáo huấn cho chúng ta!»
Tôi viết thêm điều vừa nói để các bạn trẻ suy ngẫm, để những ai cho rằng ở Bắc Phi sau khi đánh đổ độc tài thì mọi việc đã êm ru.
Moskva ngày 28.02.2011
© Nguyễn Minh Cần
Tái bút: Tôi vừa viết xong bài này thì bạn H.G. chuyển cho tôi bài «Hương hoa lài làm tôi nhức óc» của nhạc sĩ Tô Hải. Tôi thấy thương cụ Hải quá, một người cương trực cực kỳ dám nói thẳng những điều cụ nghĩ, mà những điều cụ viết như «TÌNH HÌNH NỔI DẬY LẬT ĐỔ CHÍNH QUYỀN Ở CÁC NƯỚC BẮC PHI CHƯA THỂ NÀO LAN TỚI VIỆT NAM HIỆN NAY» thì, theo tôi, là quá đúng ! Và lời cụ nhắc nhở các bạn trẻ : «LÚC NÀY CHƯA PHẢI LÀ CÓ THỜI CƠ, ĐỊA LỢI, NHÂN HÒA ! CÁC BẠN THANH NIÊN HÃY THẬN TRỌNG CHỚ CÓ NGHE NHỮNG LỜI KÊU GỌI «XUỐNG ĐƯỜNG BẰNG BẤT CỨ GIÁ NÀO», BỞI BẤT CỨ AI!» thật vô cùng chí lý ! Như vậy là hai ông già chúng tôi dù ở cách xa nhau, nhưng chúng tôi đều cùng nói một điều giống nhau, nói vì lương tâm chúng tôi, vì trách nhiệm chúng tôi, những người có ít nhiều kinh nghiệm sống, ít nhiều hiểu biết về cái chế độ độc tài toàn trị của những nước châu Á ! Rất mong rằng giới trẻ nước ta không bỏ ngoài tai những lời khuyên của chúng tôi. – NMC
Xin ngỏ lời trân trọng nhiệt tâm của bác Nguyễn Minh Cần.
Xin trích đăng lại ý kiến sau đây như sự chia sẻ:
Bản chất những chuyển biến xã hội („Cách mạng“)
1
Có nhiều bài nhận định và đánh giá tình hình mà tôi đã không thể đọc hết, dù chỉ lướt qua. Hai bài tôi đã đọc là bài „Phấn đấu ký 39“ và bài này. Tôi có cảm giác 2 bài vừa kể có nhận định giống nhau, và các tác giả tự biết là bị phản đối; Tôi chia sẻ cách nhìn đó: Việt Nam chưa chín muồi cho một sự chuyển biến xã hội, về chất.
2
Con người luôn là con người xã hội (bản chất), nghĩa là có liên quan với nhau. Mối liên quan đó thô sơ ở các xã hội tiểu nông, mạnh mẽ ở các xã hội công nghiệp và thông tin như thế giới hiện đại ngày nay. Bên cạnh quá trình lao động sáng tạo để sản xuất phục vụ tồn tại, con người cũng sáng tạo và cải biến những mối quan hệ xã hội để ngày càng văn minh hơn, „người“ hơn. Những cuộc cải biến lớn được gọi là „chuyển đổi“ hay cách mạng.
Cần lưu ý rằng bản chất con người là „xã hội“, là các „mối liên hệ“, cũng gọi là „giềng mối“. Hướng tới „mối liên hệ xã hội“ tốt đẹp hơn có nghĩa là: Có những mối quan hệ cũ đã lỗi thời và mầm mống của một mối quan hệ mới đã chín muồi để thay thế. Trí tuệ con người luôn tập trung vào 2 vấn đề:
- Mối quan hệ nào là có ích và văn minh hơn; và
- Làm thế nào để cải biến mối quan hệ đã lỗi thời, phản tiến hóa, phản động thành mối quan hệ mới, „có ích và văn minh hơn“ cái cũ kia.
Mao Trạch Đông nói: Súng đẻ ra chính quyền.
Lenin (Bác Tô Hải có nhắc đến) bàn về cách mạng:
Có 4 điều kiện cho một cuộc cách mạng (dựng chính quyền mới và mối quan hệ mới) thành công là:
- Giai cấp đang nắm quyền không còn khả năng lèo lái xã hội (mất điều khiển các mối quan hệ);
- Đội tiên phong của giai cấp cách mạng kiên quyết hy sinh tranh đấu;
- Quần chúng ngả về phía cách mạng;
- Quân đội (lực lượng vũ trang) ủng hộ cách mạng.
Tất cả những luận điểm đó là khoa học, nhưng đã thuộc về lịch sử. Nó thích hợp để làm cuộc cách mạng (lật đổ) nhanh chóng một chính quyền toàn trị để dựng lên một chính quyền toàn trị khác, có chút ít tiến bộ hơn…
3
Cách mạng dân chủ ngày nay khác về bản chất. Nó chú trọng đến việc tạo lập các mối quan hệ văn minh và có ích hơn: Xã hội dân chủ.
Nói rằng xã hội dân chủ văn minh và có ích hơn vì nó điều phối được các tranh chấp xã hội bằng thương lượng hòa bình và có sự tồn tại của các đối lập làm phanh hãm chống lại các tệ nạn. Như vậy thì mục tiêu của cách mạng dân chủ không phải chủ yếu là lật đổ, mà là XÂY DỰNG NHỮNG QUAN HỆ DÂN CHỦ tiên tiến và văn minh hơn.
Nhận xét sau đây của một nhân chứng (đương sự) về sự kiện Egyp chứng tỏ nhận thức đó:
Demokratie ist unumkehrbar; Aber wichtig sind Übergänge.
Quá trình dân chủ là không thể đảo ngược; Nhưng những bước chuyển đổi là quan trọng.
Các bước chuyển đổi diễn ra thế nào? Những (mối) quan hệ tiên tiến nào có khả năng hiện hữu để thay thế (trong giai đoạn chuyển đổi thì đứng ra thương thuyết với đại diện của) mối quan hệ hiện thời?
Như vậy là câu hỏi của bài chủ có ý nghĩa khơi gợi thực tế.
Sự thực thì các nước trung đông là các xã hội văn minh hơn VN hay TQ vì là các xã hội phát triển thông tin cao (ít ra là như thế). Khả năng thông tin và ý thức xã hội của người VN còn rất thấp cho nên việc biến đổi các mối quan hệ xảy ra do hoạt động của các tầng lớp cao (chóp bu) là khả hữu và được chứng minh như ở LX và đông Âu (có điều kiện xã hội giớng VN và TQ). Tại đây, những điều kiện bên ngoài và bên trong (tình hình đang trên bờ vực thẳm) đã buộc phải dẫn đến „chuyển đổi“. Nhưng cũng thực tế lịch sử và hiện tại đã chứng minh: Tại các nước kém phát triển về xã hội như LX cũ, Ukraina, … việc xây dựng xã hội pháp quyền khó khăn hơn là tại các nước có trình độ dân trí và văn hóa phát triển hơn như ở Đức hay Poland. Thắng lợi cuối cùng là một xã hội dân chủ với xã hội công dân lành mạnh thì đều là kết quả những bước quá độ (Übergänge) trên con đường dài không ai có thể đốt cháy giai đoạn được.
4
Đấu tranh cho một xã hội dân chủ đòi hỏi công việc phản biện từng bước để xây dựng một xã hội pháp quyền và hòa hợp dân tộc để chống giặc ngoại xâm bành trướng. Công việc đó có người dũng cảm như Cù Huy Hà Vũ đã mạnh dạn làm và đã (và đang) bị đàn áp.
…
Trân trọng.
Kính chào ông Nguyễn Minh Cần,
Tôi muốn xin email của ông. Kính chúc ông an khang.
Ngạn Xuyên