WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Bệnh tình Cụ Rùa Hồ Gươm và môi trường Xã Hội của con người

Cụ Rùa hồ Gươm nổi lần thứ 2 trong năm mới 2010. Ảnh: tin247.com

Cả xã hội đồng lòng gọi rùa Hồ Gươm là Cụ không phải chỉ vì rùa Hồ Gươm tuổi cao đáng bậc Cụ. Nếu chỉ nhiều tuổi, người ta có thể gọi rùa già Hồ Gươm là đã thỏa đáng. Đồng lòng gọi Cụ Rùa là cả xã hội đã không coi rùa Hồ Gươm thuộc thế giới động vật nữa mà đã coi rùa Hồ Gươm thuộc thế giới thần linh, là hiện thân của thế giới thần linh. Chính vì thế việc cứu chữa cho Cụ Rùa Hồ Gươm đang bị đau yếu mới trở thành sự kiện lớn của quốc dân, của tâm linh, của lòng người và của cả chính trị nữa.

Chỉ là động vật thì rùa này chết đi sẽ thả rùa khác vào thay. Như ông giám đốc, ông chủ tịch, ông bí thư này nghỉ sẽ có ngay ông khác thay, có gì quan trọng đâu! Có khi chưa có cớ gì phải nghỉ, nhiệm kì còn dài, sức khỏe còn dai, công việc đang ngon trớn, nhưng đã có nhiều ông khác lăm le muốn thay rồi! Với thế giới trần tục đó, rùa già Hồ Gươm đang bệnh tật có mệnh hệ gì, cũng chẳng cần thả rùa khác vào thay vì trong hồ đã có sẵn hàng ngàn rùa tai đỏ nhập khẩu từ nước ngoài về sẽ thay thế rùa bản địa già yếu! Học thuyết cách mạng vô sản, chủ nghĩa Mác Lê nin được nhập khẩu từ nước ngoài về đang thống trị đất nước này thì rùa tai đỏ nhập khẩu từ nước ngoài về thống trị Hồ Gươm, đâu có sao! Kẻ bất lương còn mong rùa tai đỏ thống trị Hồ Gươm để Hồ Gươm có nhiều rùa cho họ câu trộm!

Nhưng Cụ Rùa Hồ Gươm đang đau yếu lại là Rùa lịch sử, Rùa truyền thuyết, Rùa thần linh. Vì thế phải cứu chữa cho Cụ như cứu ngôi đền thiêng trong đám cháy! Cũng may là Rùa lịch sử, Rùa truyền thuyết, Rùa thần linh Hồ Gươm lại hiển hiện trong thân xác vật thể rùa sinh vật nhìn thấy được. Nhờ thế chúng ta mới biết Rùa thần linh Hồ Gươm phải sống trong rốn đọng rác rưởi, nhơ nhớp của một môi trường tự nhiên và cả môi trường xã hội đầy ô nhiễm làm cho sức khỏe Rùa thần linh Hồ Gươm giảm sút nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng, cần cứu chữa khẩn cấp!

Cũng giống như Rùa thần linh hiển hiện trong thân xác rùa sinh vật, con người sống trong cuộc đời cũng có con người xã hội, con người văn hóa hiển hiện trong thân xác con người sinh vật. Con người thân xác nhìn thấy được, cân, đo, đụng chạm vào được. Con người xã hội không nhìn thấy bằng mắt nhưng cảm nhận được chiều kích, tầm vóc, nhận biết được cả sự khỏe mạnh hay đau yếu, bệnh tật qua hành vi, ứng xử của con người thân xác. Con người thân xác do di truyền, do cha mẹ sinh ra. Con người xã hội do giáo dục, do học hỏi, tiếp nhận, thu nạp nền văn hóa của loài người mà hình thành. Con người thân xác sống theo bản năng sinh vật. Con người xã hội sống bằng giá trị văn hóa, sống theo chuẩn mực văn hóa và sống để đóng góp cho xã hội. Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng, con người xã hội cũng có phần tham gia, tac động rất lớn của mội trường xã hội. Con người xã hội càng có sự giáo dục, càng có ý thức tự giáo dục, càng tiếp nhận được nhiều văn hóa nhân loại càng có tầm vóc lớn và có sức vóc khỏe mạnh, càng ít bị tác động của môi trường xấu.

Các nhà khoa học thống kê cho thấy tầm vóc thể xác của con người Việt Nam đang ngày càng to lớn hơn. Con số trẻ em béo phì đang ngày càng nhiều cũng là một thông số về tầm vóc thể xác đang tăng tiến của người Việt Nam. Nhưng nhìn vào đời sống xã hội thì thấy rõ nguy cơ của đất nước, của dân tộc trước sự nhỏ bé thảm hại và sự đau yếu bệnh hoạn về con người xã hội của người Việt Nam hôm nay. Sự đau yếu bệnh hoạn của con người xã hội Việt Nam hôm nay còn trầm trọng hơn cả sự đau yếu bệnh hoạn ở thân xác Cụ Rùa thần linh Hồ Gươm!

Phải coi đó là kẻ vô sỉ. Ở tuổi học hành và có thừa điều kiện để học hành nhưng không chịu học và cũng không học được. Không được giáo dục, không được nạp văn hóa của loài người, con người xã hội tất nhiên không thể lớn lên, mãi mãi vẫn chỉ là đứa bé, vẫn dừng lại ở tuổi thơ ngơ ngác! Con người thể xác, con người cơ bắp lớn lên liền đi xuất khẩu lao động, mang cơ bắp đi kiếm tiền nuôi thân bằng lao động làm thuê ở xứ châu Âu giàu có. Nhờ thời thế, ông bố có quyền lực quốc gia trong tay liền đưa đứa con đi làm thuê kiếm sống bằng cơ bắp vào nhóm hai trăm chính khách có quyền lực nhất nước! Loại chính khách đó quản lí điều hành đất nước, làm sao đất nước không nguy khốn, làm sao môi trường xã hội không ô nhiễm!

Bước sang thế kỉ 21 rồi mà xe lửa Việt Nam vẫn ì ạch chạy trên khổ đường một mét của đường sắt thế kỉ 19, vừa lạc hậu tội nghiệp, vừa liên tục gây ra tai nạn làm chết chóc, thương tật cho bao người! Nhưng quan đầu ngành đường sắt, quan đầu bộ giao thông vận tải không màng đến nâng khổ đường sắt lên để tăng tốc độ chạy tàu, tăng an toàn cho dân, tăng hiệu quả cho nền kinh tế! Vì tăng khổ đường sắt chỉ phải nhập về mấy thanh ray, mấy đầu máy thông thường rẻ bèo, chỉ là việc giãn rộng làn đường ray do đội ngũ lao động đơn giản trong nước làm, tiền bạc không nhiều, có phết phảy chia chác cũng chẳng bõ bèn gì! Phải làm đường sắt cao tốc hiện đại, kĩ thuật tiên tiến nhất, phải mua toàn bộ từ thiết bị công nghệ đến chất xám thiết kế tổ chức thi công của nước ngoài với hàng chục tỉ đô la! Đã thành thông lệ kinh doanh, đã mua bán là có hoa hồng, chẳng có gì khuất tất! Tiền hàng càng lớn, hoa hồng càng đậm! Công nghệ xe lửa cao tốc đang ế ẩm vì tiền đầu tư quá lớn mà hiệu quả kinh tế lại quá thấp thì tiền hoa hồng cho người mua sẽ càng lớn! Thế là quan giao thông hăm hở làm dự án đường sắt cao tốc, hăm hở “đi thẳng lên hiện đại”, bất chấp gánh nợ chồng chất đè gãy lưng nền kinh tế đất nước, bất chấp cả nguy cơ thua lỗ của đường sắt cao tốc cầm chắc trong tay! Quan ở cấp triều đình như thế, làm sao đất nước không nguy khốn, làm sao môi trường xã hội không ô nhiễm!

Quan đầu tỉnh được phân vùng quản lí lãnh thổ. Rừng quí, đất hiểm phên giậu quốc gia trong tay, quan không lo chăm sóc giữ gìn và khai thác làm lợi cho dân cho nước mà giao béng cho người nước ngoài thuê với giá rẻ như cho không! Quan hệ kinh tế bao giờ cũng phải hai bên đều có lợi. Đất nước mất rừng! Quốc gia mất phên giậu! Người dân mất nơi làm ăn sinh sống! Thiệt hại dồn hết lên đất nước và nhân dân để cái lợi dồn cả cho quan đầu tỉnh! Quan hàng tỉnh như thế, làm sao đất nước không nguy khốn, làm sao môi trường xã hội không ô nhiễm!

Bà già dẫn cháu vào khu vui chơi giải trí. Người chen chúc đông quá, bà già vướng cháu phải nhờ người đàn ông nhởn nhơ đứng gần đó mua hộ tấm vé vào cửa. Người đàn ông mặt mày béo tốt, quần áo bảnh bao, tưởng là một con người văn hóa hào hoa, lịch sự. Nhưng bất ngờ ông trừng mắt nhìn bà già rồi cánh tay ông vung lên giáng xuống bà già tội nghiệp để bà già phải mở to mắt nhận ra ông quan hàng thứ nhì huyện! Nhận ra để rồi biết thân biết phận, không thể láo, sai khiến quan huyện! Quan hàng huyện mà nhân cách thảm hai như thế, làm sao đất nước không nguy khốn, làm sao môi trường xã hội không ô nhiễm!

Quan là hình mẫu của xã hội. Quan lương thiện, con người xã hội hiển hiện rõ trong mọi ứng xử của quan, con người xã hội của dân cũng theo đó hiển hiện trong xã hội, làm chủ xã hội, xã hội sẽ tốt đẹp, tử tế. Ở quan chỉ thấy con người sinh vật, không thấy con người xã hội thì trong xã hội, con người sinh vật sẽ thắng thế, sẽ làm chủ xã hội! Hai người đi xe máy chỉ va quệt nhẹ, không hề hấn gì. Nếu có con người xã hội trong sự việc đó, một lời xin lỗi là sự việc kết thúc nhẹ nhàng. Nhưng con người xã hội vắng bóng! Mũi dao nhọn vung lên! Một người chết và một người ngồi tù! Đó là hai con vật hung dữ trong hình hài hai con người! Người sửa xe bên đường mang đinh ra đường rải để bán ruột xe giá cắt cổ cho người đi xe bị đinh cào rách ruột xe! Đó là sự kiếm sống của con người sinh vật không biết đến đạo lí của con người xã hội!

Cụ Rùa thần linh Hồ Gươm bị thương tích đau yếu suy kiệt ở thân xác rùa sinh vật. Nhờ thế con người nhìn thấy mà cứu chữa. Con người Việt Nam hôm nay đau yếu suy kiệt trầm trọng ở con người xã hội và chỉ những con người xã hội mới nhìn thấy sự đau yếu suy kiệt đó. Quan có quyền lực thì không nhìn thấy sự đau yếu suy kiệt đó! Những người nhìn thấy sự khốn cùng của con người xã hội Việt Nam hôm nay thì không có vị thế xã hội, không có quyền lực nên đành bó tay!.

© Phạm Đình Trọng

3 Phản hồi cho “Bệnh tình Cụ Rùa Hồ Gươm và môi trường Xã Hội của con người”

  1. D.Nhật Lệ says:

    Theo thiển ý tôi thì việc người ta chú ý đến sức khỏe cụ Rùa chỉ là đang tập thói quen yêu thương thú vật của người phương Tây.Một sự bắt chước chẳng những không làm hại ai mà còn nên được khuyến khích.Vốn được thấm nhuần đạo Phật từ lâu,trong đó có cấm sát sinh,nên dân ta có đi đến chố yêu thú vật và lo lắng cho sức khoẻ của chúng cũng là hợp lý hợp tình vậy.
    Tuy nhiên,tôi thắc mắc về nhận định của tác giả khi “thiêng liêng hóa” loài rùa hiện nay sống trong hồ Gươm này cũng là Rùa của Hồ Hoàn Kiếm ngày xưa là Rùa lịch sử,Rùa truyền thuyết hay Rùa thần linh.Hình như có điều gì xem ra… phản Mácxít hay mê tín dị đoan ở quan niệm nói trên chăng ?
    Đó có thể là lý do khiến báo chí nhà nước cứ suy diễn tùm lum tà la những “hành vi” trồi lên của cụ,xem như điềm tốt điềm lành như cụ…chúc mừng 1000 năm TL.chẳng hạn !

  2. Trung Kiên says:

    Cám ơn tác giả Phạm Đình Trọng
    Đọc bài viết của Ông mà lòng tôi se thắt!
    Quan CS mang hình hài con người nhưng tâm não thì lại là con người sinh vật không biết đến đạo lý của con người xã hội, chỉ biết đớp hít tìm mọi cách vơ vét! Một chế độ như thế biến cả xã hội thành những con người sinh vật chỉ biết lo cho cá nhân mình! Còn những người có tấm lòng như Ông, “nhìn thấy sự khốn cùng của con người xã hội Việt Nam hôm nay nhưng không có vị thế xã hội, không có quyền lực nên đành bó tay”. Thật đáng tiếc!

  3. Tạ Tuyên says:

    Một bài viết thật hay nói rõ tình trạng ô nhiễm của Hồ Gươm cũng như xã hội vô luân, không đạo lý, không tình thương taị Việt Nam. Cám ơn tác giả Phạm đình Trọng.

Leave a Reply to D.Nhật Lệ