WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Biển cứu rỗi

Bữa ăn chiều – bữa đầu tiên của hai người ăn cùng nhau, anh chỉ ngồi hút thuốc, hạ mi mắt ngắm cái vẻ ăn chộp choạp, bốc bải, khát thèm của thị và càng khẳng định cái việc mình xa lánh loài người là đúng. Anh tự nguyền rủa mình đã chơi một trò nguy hiểm. Anh tiếp thêm rất nhiều thức ăn cho thị và không thèm giấu cái vẻ ghê tởm. Có lẽ đã lâu lắm rồi thị không được ăn lấy một bữa no. Lòng ghê tởm trong anh che lấp cả tiếng gào của dục vọng. Anh còn nghĩ đến nỗi hãi hùng của bệnh lậu – thứ bệnh khiến cho nhiều kẻ đàn ông chùn chân quay gót trước cửa lầu xanh.

Nhưng đêm rồi xuống. Đêm từ bi che chở cho người đàn bà thoát khỏi vẻ bẩn tưởi bị phanh phui không thương tiếc trước ánh ngày. Anh tặc lưỡi vào lúc trăng lên trên biển, đem đến cho thị, cho đảo vào cho anh một ánh ướt át cứu rỗi. Như một con thú hoang, anh lì lợm chiếm đoạt thị không một lời nào, một cử chỉ nào khả dĩ chấp nhận rằng người đàn bà đang ân ái cùng anh không phải là một con bò. Trong đời hành nghề của thị, thị chưa bao giờ cảm thấy đau đớn như thế trước sự hạ nhục của trò chăn gối. Dường như thị đang bị cầm kìm rứt từng khúc ruột.

Mãi tận trưa hôm sau, anh mới tỉnh giấc với cảm giác nằng nặng. Hóa ra đó là chân của “bạn tình” đang gác lên bụng. Anh vội ghê tởm hất ra. Chiếc chân không còn chỗ dựa rơi huỵch xuống đá khiến thị tỉnh giấc. Thị ngơ ngác trở dậy rồi khóc. Tiếng khóc gở như gai.

Đêm ấy anh không ngủ cùng thị. Những ngày sau tình trạng giữa anh và thị bập bỗng. Những cơn gớm ghét cứ dâng lên. Lúc nào đó, át được dục vọng, anh xa lánh thị. Khi dục vọng chiếm ưu thế, anh lại đến, để cả ngày hôm sau lại trở về trạng thái buồn nôn, tự khinh mình. Phải hất mụ ta đi thôi! Anh tự nhủ, mặc dù trong lòng cũng hơi thấy tiêng tiếc. Nhưng một tiếng nói khác còn mạnh hơn bắt anh cả quyết: dù sao anh cũng là một người đàn ông. Và anh không thể xa lánh người đàn bà hư hỏng đã có với anh một mặt con, chỉ để đến với một con điếm đã bị thiên hạ hắt ra ngoài bãi thải.

“Hoặc bây giờ, hoặc không bao giờ nữa!”. Bảy ngày sau, có một con tàu đánh cá tình cờ đi qua. Anh rối rít vẫy họ vào, thuê chở người đàn bà vào đất liền. Cuộc mặc cả nhùng nhằng mãi: “Chở đàn bà rủi lắm!…” – Người chủ tàu lắc đầu, mặt nhăn như chuột kẹp. Nhưng rồi cuối cùng cũng xong.

Người đàn bà theo dõi cuộc mặc cả với vẻ của một con cá bị đưa lên thớt. Khi đã ngã ngũ, thị đến bên anh, khóc: “Xin anh đừng đuổi tôi! Tôi không còn gì để sống. Tôi đã xin lại mảnh giấy này từ tay bà nhặt rác. Bà ta đọc và cười sằng sặc: “Giấy của quỷ biển đấy”. Còn tôi thì nài xin bà ta cho tôi. Tôi bị bệnh hoại huyết. Cũng chẳng làm phiền anh lâu đâu…

Quả thật, lúc đó hình như lòng anh hơi se lại. Sâu thẳm trong tim có tiếng “Gật đi!”. Thế mà ngoài mặt anh vẫn lạnh băng, và anh lắc đầu. Nhiều khi người ta vẫn thế, không vượt qua được chút sĩ diện hoã cuối cùng.

Và thế là người đàn bà biết rằng hết, có nài xin cũng vô ích. Khuôn mặt chị ta chuyển sang tái xám, môi mím chặt lủi thủi bước lên tàu. Chiếc cầu tầu chầm chậm rút. Lúc đó, anh chợt thấy trong mình chút hẫng hụt, toan gọi.
Thế mà rốt cuộc vẫn không gọi.

Tàu lừ lừ rời đảo. Người đàn bà đứng trên đuôi tàu, nhìn anh bằng con mắt căm hờn: “Tao nguyền rủa mày! Tất thảy! Tất thảy lũ đàn ông các người đều độc ác! Độc ác!”. Mắt thị loé lên ánh khinh bỉ và kiêu hãnh bỗng đâu, rồi thị giang cao hai tay như thể sắp bay lên. Và trong một cái rướn mình như kiêu sang, thị buông người xuống biển, chìm êm ru dưới lớp sóng đang lừng lững quặn lên phía đuôi tàu.

Tất cả diễn ra trong một khoảnh khắc khiến anh không kịp hiểu điều gì đã xảy ra. Và thật đáng sợ là một sinh linh vừa hiện diện như thế đã chìm mất tăm dưới mặt biển như chưa hề có trên đời. Đàn cá chuồn vẫn vèo qua vọt lại dưới mặt nước. Và lúc đó vừa bình minh. Chân trời hừng hực ráng màu đỏ máu.

Khi nhận ra, anh hoảng hốt nhảy ào xuống biển cuống cuồng lặn ngụp, quờ quạng lung tung tuyệt vọng. Con tàu lúc đó vừa mới cảm ra sự thiếu vắng người khách bất đắc dĩ mà nó nhận chở, cũng đang vun vút quay lại. Tất cả sự quần đảo của họ đều đã muộn. Rất may là chủ tàu đã kịp ném cho anh chiếc phao. Anh bò được lên bờ, nằm vật ra hổn hển dưới ánh nắng đang dần bẳn gắt.

“Phải lập bàn thờ bà ấy thôi ông ạ. Người chết trôi là thiêng lắm đấy! Ít nhất bà ấy cũng phù hộ cho ông khỏi phát điên. Chứ cứ cung cách này…” Người lái tàu vừa nói vừa quay về hướng ấy, chắp hai tay vái lia lịa.

Ba ngày sau, xác người đàn bà nổi lên dạt vào chân đảo đèn. Lúc đó anh vừa tỉnh giấc, linh tính một điều khác thường. Và anh trông thấy người đàn bà mà anh từng gần gũi xác thịt, cũng từng ghê tởm, đang đung đưa, đung đưa dịu dàng bên chân đảo. Và anh kinh ngạc trước sự cứu rỗi của biển. Khuôn mặt tàn tạ trước đây của người đàn bà ấy bây giờ đã giãn ra, thơ thới và không thể tin được, mang vẻ kiêu hãnh với đường viền mi khép hờ. Tấm thân gầy ốm giờ đây như đầy đặn lên, đung đưa, đung đưa như cử động uyển chuyển của người sống, trên mình vương những mảnh vải xác xơ mà lại mang vẻ siêu phàm. “Ta tha thứ cho các người” – cái miệng hé mở của người đàn bà như nói.

Sau này, anh cứ tự hỏi, đó không biết là thật hay mơ. Tại sao người đàn bà ấy chưa bị phân làm trăm mảnh trong bụng cá? Tại sao cái chết lại trả cho con người vẻ vô tội và thánh thiện dường kia? Anh không trả lời nổi, và đã lập bàn thờ người đàn bà ấy. Người mà cách đây ba ngày thôi, anh đã nhờm tởm như nhờm tởm một con vật. Anh đã phải khóc chị ta – người đàn bà bị cuộc đời dồn vào chân tường không nơi bấu víu với những giọt nước mắt cay đắng tự đáy lòng. Anh là một kẻ câm điếc, vì đã không nhận ra tận cùng nơi hình hài tã tượi kia vẫn còn chút lòng tự tôn của giống người. Trò chơi của anh – một người khốn khổ, đã kéo một người đàn bà đang đi vật vờ bên lề cuộc sống chạy nhanh lên phía trước để hoàn tất số phận thê thảm của mình.

“Tất thảy lũ đàn ông các người đều độc ác! Tất thảy!”. Giờ đây anh đau đớn nghĩ lại lời nguyền rủa như làn roi của người đàn bà ấy trước khi chết. Chị ta là ai? Nông nỗi nào khiến chị ta sa cơ lỡ bước? Giờ đây lần đầu tiên trong đời anh mới nghĩ một cách nghiêm túc về người đàn bà. Bên bàn thờ nghi ngút khói nhang làm bằng rêu biển, anh nghĩ về kiếp người, các nẻo đường mờ mịt mà những số phận phải quờ quạng đi cho đến hết. Điểm lại những kiếp người anh biết, thực ra nỗi khổ của đàn ông so với đàn bà chẳng thấm vào đâu. Nếu không có chai bia của anh, chị ta sẽ sống nốt những ngày cuối trên vỉa hè. Và đến khi thở hơi cuối cùng, chị sẽ trở thành Nữ Thần Vỉa Hè chứ không phải trở thành Nữ Thần Trôi Dạt như anh vừa suy tôn.

Anh cũng nhất thiết rằng, Nữ Thần Biển nếu có, cũng không mang một khuôn mặt nào khác, mà mang chính khuôn mặt đau đớn, tuyệt vọng và kiêu hãnh của Nữ Thần Trôi Dạt, bởi vì Nữ Thần Biển cũng là đàn bà. Nếu không biển đã không nhiều sóng đến thế, và nhiều cua đến thế. Và có lẽ vì Nữ Thần Trôi Dạt cũng là đàn bà – Đàn bà bao giờ cũng bênh nhau. Nên từ đây, anh cứ phải nhớ lại người vợ mà bao nhiêu năm nay anh đã cố công xua đuổi trong ký ức. Anh nhớ lại gương mặt hốc hác của chị. Tiếng máy bay gầm rú dọc đường. Tiếng bom nổ thâu đêm. Cả làng trắng đàn ông, chỉ còn lại đâu đó những tay què cụt, trẻ con hỉ mũi chưa sạch, hoặc các ông già lụ khụ. Ra trận và ra trận! Đàn bà vác cày, cầm súng, đi lấp hố bom và bị buộc phải trở thành đàn ông. Trong khi đàn bà được tạo hóa sinh ra để làm chiếc dây leo đẹp quấn yểu điệu quanh cây đại thụ: người đàn ông. Anh thấy lòng se sắt. Mỗi lần khóc, trái tim anh mềm đi một chút.

Hơn năm sau, người ta chở ra đảo đèn một ông già rắn chắc cùng một cậu bé cỡ tuổi mười hai. Cậu bé có đôi mắt nâu sẫm, tóc xoăn.

Đó là hai sinh linh đến thay gác đảo đèn. “Bố mẹ nó chết bom cả. Ra đây dù sao cũng không bị đói. Nếu không bị đói, chúng tôi sẽ ở đây cả đời”- ông lão giải thích.

Khi anh thu xếp đồ đạc lên tàu, cậu bé loay hoay bên anh, táy máy hỏi: “Bác ơi! Bàn thờ ai mà lạ thế?”.

“À, thờ Nữ Thần Trôi Dạt đấy”. “Hay quá bác nhỉ! Thế bác về đâu hở bác?”. “Ờ, có thể bác sẽ về quê. Địa chỉ thế này nhá…”.

***

Bốn năm sau cậu bé của đảo đã có thể đi coi sóc đèn thay ông.

Một sáng bình minh nhuộm chân trời đỏ máu, cậu chạy vào hớt hải gọi người ông đang ngáy pho pho:

-Ông ơi! Ông! Ông nhìn kìa! Trên boong con tàu đang chạy phía này có cái gì đó cong cong như lưng đàn bà ý. Mà có phải người ấy mặc áo trắng không hả ông?

Người ông vùng dậy giụi mắt. Không thể định được thực hư vì con tàu xa lắm. Người ông lại làu bàu:

-Khéo mà mày nhầm rồi đấy cháu ạ. Bốn năm nay ông đã nhiều lần nhìn thấy eo lưng của Nữ Thần Trôi Dạt, nhất là trong những buổi sáng cứ rờ rỡ thế này. Thế mà rồi ra chẳng có gì đâu cả.

À mà thế là cậu đã lớn rồi đấy – Người ông quay sang ngắm cậu trai như mới trông thấy nó lần đầu.

Cậu con trai không nghe lời ông nói. Cậu đang mải mê nhìn ra xa.

Trong khi ấy, ven đường I, người gác đèn cũ đang tự hỏi, liệu những chai bia ngày xưa có còn lăn lăn trên sóng biển. Đêm hôm trước, anh vừa nằm mộng thấy Nữ Thần Trôi Dạt. Nàng bơi đứng, và trên năm đầu ngón tay nàng đỡ một chai bia màu xanh.

© Võ Thị Hảo

Pages: 1 2

Phản hồi