Hà Nội và những khúc mưa
Hà Nội vào tháng này rất ít mưa, nếu có chỉ là những cơn mưa nhỏ …
Tối hôm qua cả phố ầm ĩ vì một việc rất xoàng. Thằng Du lên cơn nghiện trói mẹ lại lấy giây chuyền mang bán. Chẳng ai dám can, đụng vào nó không ra Văn Điển thì cũng thành phế nhân.
Chị Thanh (người nghiên cứu mỹ học) lẩm bẩm: Các giá trị nhân bản đang bị hành quyết.
Mẹ tôi hỏi: Bộ môn của cô không có định hướng phần này?
Thưa bà! Hiện tượng này liên quan tới tôn giáo và chính trị.
Hà Nội vào tháng này rất ít mưa, nếu có chỉ là những cơn mưa như người đái rắt.
Tới nhà rủ An đi chơi. Tôi mặc bộ quần áo bộ đội của bố. An đi giày Italia, áo phông Thái, váy màu đen. An bảo: Anh chẳng chú ý gì đến hình thức. Tôi nói: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn. An bĩm môi: Anh là loại gỗ mục.
Đang đi gặp thằng Long, tôi hỏi: Mày định đi đâu? Nó bảo: Cũng không biết nữa. Đưa mắt nhìn An, nó lơ lửng một câu: Hà Nội bây giờ có mốt, lũ con gái mặc váy ngắn dắt chó ra ngoài đường phóng uế đó là dấu hiệu phồn thịnh của thủ đô ta.
Quay sang An, nó hỏi: Váy em là hàng Trung Quốc?
An trả lời: Sao anh biết?
- Nhà anh buôn đồ vải, thứ này rẻ, chất lượng tương đối khá, giá phải chăng. Trong cuộc Bắc Thuộc lần này hàng hóa xứ An Nam xem chừng bị tiêu diệt.
Tôi mời nó lên xe, chở ba người, đứa nào đứa nấy cũng lấm lét như kẻ cắp chợ Đồng Xuân, gặp công an là mất toi một chầu bia liên doanh.
Hà Nội vào tháng này rất ít mưa, nếu có chỉ là những cơn mưa lèm nhèm, mưa như trêu tức người ta.
Ba chúng tôi ngồi ăn bánh tôm ở Hồ Tây. Long bảo: Cách đây mấy năm bánh tôm là đặc quyền cho kẻ lắm tiền, bây giờ đã trở thành đại chúng, đấy là cuộc “cách mạng ẩm thực vĩ đại” và giai cấp vô sản đã giành lại vị trí của mình. Tôi nói vuốt đuôi: Chẳng mấy chốc mà khá!
Hà Nội vào tháng này rất ít mưa, nếu có chỉ là những cơn mưa cò con vừa đủ hôi quần áo.
Gió – bụi mù – hình như có cát trong bát nước chấm. Mấy đứa trẻ ở tổ bán báo “Tình thương” bâu lại: Mua đi anh chị, tin mới nhất về vụ buôn ma túy, vợ giết chồng chặt đầu vất xuống ao, băm xác cho vào nồi cám lợn …
Long gắt: Thôi xin các tướng, để chúng tôi ăn cho ngon miệng, mấy việc này có gì là lạ, xảy ra như cơm bữa.
An co người lí nhí: Khiếp! Hết cả tính người.
Long dịu dàng: Em đa cảm, như vậy rất đáng yêu đó là dấu hiệu sự phục sinh nhân cách của người Thăng Long.
… Long về, tôi rủ An ra ven hồ ngồi ngắm mặt trời đang lặn, nước hồ bốc mùi thum thủm, mấy con bọ cỏ đậu vào tay rin rít rất khó chịu. An hỏi: Anh Long có cách nói chuyện sâu sắc và hóm hỉnh. Tôi nói: Nó rất nổi tiếng, cả Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo đều biết tên …
An nhỏ nhẹ: Chắc anh ấy học giỏi? Tôi trả lời: Nó nổi tiếng không phải vì học giỏi mà có dũng khí ăn hết bãi cứt gà. Sinh viên thách đố nhau ấy mà, phần thưởng là một chầu thịt chó Nhật Tân. Sự việc vỡ ra kẻ thách đố bị đuổi học, còn nó chịu án kỷ luật đình chỉ học tập một năm, cải tạo lao động, cảnh cáo toàn trường và ghi vào lý lịch sinh viên: … “Tự hạ thấp nhân cách người trí thức Xã Hội Chủ Nghĩa, bị sa ngã vì những ham muốn vật chất tầm thường dung tục …” Nó yêu Hà Nội khủng khiếp từng tuyên bố công khai: Không đi bất cứ đâu khi ra trường, thà uống nước cống Hà Nội còn hơn uống nước máy ở các địa phương khác.
An bảo: Đất Thăng Long tự hào vì có một tín đồ trung liệt.
Trời nhập nhoạng, tôi hôn An và luồn tay sờ vú. Vú An căng cứng, An oằn người rên rỉ: Giữ cho em anh nhé, em vẫn còn trinh. Tôi bảo: Trước sau rồi cũng mất, cho anh đi chúng mình yêu nhau mà. An trả lời: Để lúc khác, em không thích nơi bờ bụi, hôm nay là ngày không an toàn. Tôi bảo: Anh nghe lời em, nhớ nhé! Đừng nuốt lời để tìm kế hoãn binh.
An cười: Anh đa nghi như Tào Tháo, tin em đi.
Hà Nội vào tháng này rất ít mưa, nếu có chỉ là những cơn mưa như khiêu khích.
Nóng, khó ngủ, muỗi chiều. Tôi ra đầu phố xem ông Tràng đánh cờ thế. Ông Tràng nổi danh trong làng cờ được phong là Đế Thích. Liên Đoàn Cờ Tướng Việt Nam mời ông làm huấn luyện viên, xong ông từ chối. Vốn kinh doanh của ông có lẽ rẻ nhất thế giới, mảnh bìa và bộ cờ gỗ, cứ tà tà mỗi ngày ông kiếm vài trăm nghìn ngon ơ, chẳng thuế má gì cả.
Ông Tràng ngồi xổm tay thò vào trong quần gãi sồn sột, tay kia dí tốt vượt sông, giọng ông đắc thắng: Hai nước nữa cậu thua! Chơi cờ với ông là một gã trai mới lớn, nhẫn vàng đeo đầy tay, mắt trái bị chột đục nhờ như có người vừa khạc vào đấy một bãi đờm. Cộp! con xe đã nhập cung … Gã trai xỉa ra tờ 50 nghìn miệng làu bàu: Đen hết chỗ nói, tối hôm qua chơi em nhà quê bướm không có lông, thiên hạ nói chẳng sai “âm hộ vô mao bần chí tử”.
Hà Nội vào tháng này rất ít mưa, nếu có chỉ là những cơn mưa lí nhí, mưa như bố thí.
Nhà ông Thăng lại có “nội chiến”, tiếng bát đĩa bị đập vỡ, giọng ông Thăng rít lên: Im mồm ngay con đĩ! Vợ ông tru tréo: Tao làm được bao nhiêu tiền mày mang đi trai gái bồ bịch, thế mà cũng là đảng viên, ông nhà nước lầm rồi.
Tiếng đứa con gái: Con xin bố mẹ, hàng xóm người ta cười cho. Ông Thăng hét: Sĩ diện hão, mày dạy dỗ học sinh của mày cho tốt vào, chúng nó còn tụt quần mày ngay giữa lớp chứ hay hớm gì mà lên giọng dạy đời …
Gặp thằng Nội đi mua phở cho chó ăn đêm. Nó phàn nàn với tôi: Tối nào cũng một bát phở 5 nghìn, đập vào hai quả trứng, nửa cân thịt bò ngày, không kể xương, sữa, cà rốt, khoai tây … thế mà con chó nhà tao lông cứ rụng hết. Tôi bảo: Nó không thiếu dinh dưỡng đâu, chắc tại khí hậu nước mình.
- Tới nhà tao, xong hai đứa mình đi lượn – nó rủ rê.
Bố thằng Nội là tiến sĩ đầu tiên của ngành giao thông. Mẹ nó tốt nghiệp đại học thể dục thể thao bên Trung Quốc thời Cách Mạng Văn Hóa. Một gia đình “có chữ” (nói theo kiểu hàng phố). Họ sống khép kín, tế nhị trong các mối quan hệ.
Nhà thằng Nội thoáng mát, nhiều sách, cách bài trí đơn giản nhưng có gu thẩm mỹ. Mẹ nó hỏi tôi: Cháu uống gì?
- Dạ! Cô cho cháu xin ly nước đá …
Mẹ thằng Nội cầm quyển sách dày cộp chăm chú xem rồi đột nhiên hỏi bố nó: Anh ơi! Thánh nhạc là gì, có khác với thánh ca không?
- Khác chứ! Về mặt ngữ học thánh nhạc tương ứng với từ “Musicasacra” (tiếng Latinh) trong tiếng Anh là “Sacred music”, tiếng Pháp là “Musicque sacrée”. Thánh nhạc có trước, thánh ca chỉ là một loại hình được chia làm hai nhóm chính “Thánh ca phục vụ”, “Thánh ca tôn giáo” …
Tôi nói khẽ với thằng Nội: Bố mày hiểu biết nhiều lĩnh vực quá!
Bố thằng Nội quay sang nói với nó: Ngày mai con ngắt giây chuông. Bố đang làm đề tài cấp “nhà nước” mà ăn xin, ăn mày cứ bấm chuông liên tục không tập trung tư tưởng được.
Mẹ nó hỏi: Sao bây giờ nhiều người ăn xin thế? Bố thằng Nội trả lời: Đó là “cơn sốt vỡ da của tiền kinh tế tư bản”, hoàn toàn phù hợp với quy luật phát triển của nước mình. Nước Mỹ đã làm giàu trên xương máu, ruộng đất người da đỏ, nô lệ da đen. Nước Anh đã thay thế công nghệ sản xuất khiến bao thợ thủ công phải chết đói. Ngày nay, ai dám bảo hai quốc gia trên là chậm phát triển.
Mẹ thằng Nội nói: Thế thì còn nhiều điếm nhục.
Bố thằng Nội hùng hồn: Sau sự điếm nhục đó các giá trị nhân văn lại tái hiện, những kẻ giết người, buôn lậu, tham nhũng, rửa tiền … sẽ đi chùa, đi nhà thờ cầu nguyện cho chúng sinh, họ sẽ mở ra các tổ chức từ thiện.
- Thời gian là bao lâu? Mẹ thằng Nội hỏi.
- Điều này phụ thuộc vào sự tử tế, lòng nhân hậu và trí thông minh của người lãnh đạo …
Thằng Nội đưa mắt nhìn tôi, cái nhìn của nó ngầm bảo: Ra khỏi nhà cho khỏi nhức đầu.
… Hai đứa chúng tôi ngồi uống sen dừa trên phố Thuyền Quang. Một cô gái tới hỏi: Các anh thích đi “tàu nhanh” hay “tàu chậm”? Thằng Nội quát: Biến ngay! Con phò … nó lắc đầu nói với tôi: Phò phạch bây giờ nhiều hơn người lương thiện. Tôi bảo: Nói như bố mày từ lúc nãy đó cũng là “cơn sốt vỡ da của tiền kinh tế tư bản”.
Hai đứa chúng tôi lên xe ra về, ánh điện lọc qua lùm cây loang lổ như da rắn. Tiếng ai thất thanh: Bà con ơi! Bắt hộ tôi cái thằng đi xe Dream màu đỏ, nó giật mất đồng hồ của tôi.
Tiếng kêu bị rơi vào sự im lặng ở con người. Và sự ồn ào của phố xá …
Tôi về tới nhà, bố mẹ đã ngủ. Chiếc vô tuyến chưa tắt đang phát bản tin dự báo thời tiết Hà Nội ngày mai:
Khu vực Hà Nội ngày mai ít mây, có mưa, lượng mưa không đáng kể.
© Trần Ngọc Tuấn
© Đàn Chim Việt
Rất hay
Tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần nhưng vẫn thấy còn muốn đọc nữa.
Anh Tuấn đã có thể thay thế được vị chí của Nguyễn Huy Thiệp rồi. Hội Nhà Văn Việt Nam sẽ bớt tăm tối nếu có những người viết như anh.
Mong anh Tuấn mạnh giỏi. Hy vọng được làm một đọc gỉa trung thành của anh.
Tran Huan